Hôm nay,  

Phật Tử Tóc Vàng!

19/03/201600:00:00(Xem: 12786)
Tác giả: Lệ Hoa Wilson
Bài số 3778-17-30278vb7031916

Báo xuân Việt Báo Tết Bính Thân 2016, bài Huỳnh Kim Quang, “50 Năm Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ” có ghi lại việc Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã thu nhận nhiều đệ tử người Mỹ và trở thành vị Sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Bài viết mới của Lệ Hoa Wilson kể về chuyến hành hương tới ngôi chùa mang tên “Thiên Ân”, do một đệ tử người Mỹ của Hòa Thượng Thiên Ân sáng lập trong hoang mạc. Lệ Hoa Wilson là một Phật tử, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, pháp danh Tâm Tinh Cần, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Ông bà có văn phòng Di Trú-Thuế Vụ tại Long Beach.

* * *

blank
Các Phật tử Mỹ cùng nhau vẽ hình chư Phật, chư Bồ Tát lên vách tường chánh điện để cúng dường.

Hành hương ngày tết gần như là một chuyện phải làm của người Phật tử. Chỉ nói riêng về miền nam quận Cam thì trong vòng ba tuần lễ đầu của tháng giêng, trung bình một chùa có hai xe bus, sẽ có khoảng 100 chuyến xe chở Phật tử đi cầu nguyện. Đi xa về phía bắc là Phật Học Viện Quốc Tế, chùa Việt Nam. Trở về phía nam là Như Lai Thiền Tự, Đại Đăng, Lộc Uyển. Ra biển là chùa Phật Tổ, Trường Đê Thánh Tự, Phước Lộc Thọ. Lên núi là Thích Ca Thiền Viện. Vĩ đại là Chân Nguyên. Nối liền hai thế hệ là Trung Tâm Quảng Đức. Chỉ thờ duy nhứt Phật A Di Đà nơi chánh điện dĩ nhiên là chùa A Di Đà!

Còn tại trung tâm quận Cam thì chùa nhiều như số cát sông Hằng.

Mỗi chùa một vẻ, một lời dạy dỗ ân cần, một tràng cầu nguyện thành tâm, một chuỗi hứa hẹn sắt son, một thoáng ăn năn tàm quý, một lòng cảm tạ đậm sâu.

Nhân quả thay nhau ẩn hiện!

Tôi theo Sư Bà Như Ngọc, chùa A Di Đà đi hành hương năm Bính Thân.

blank
Sư Bà Như Ngọc và Thầy Ân Giao (phải).

Đường đi hơi dài. Xa lộ 5 rồi 55 rồi 91 rồi 15 rồi exit rồi 18... Đồng cỏ vàng cháy, núi đá chập chùng, nhà cửa vắng vẻ. Sư Bà ơi, chúng ta đi hành hương hay đi tham quan sa mạc Sahara vậy? Sư Bà thản nhiên đáp:

- Gần tới chùa Thiên Ân rồi!

- Dạ, thầy nào trụ trì ở đây vậy Sư Bà?

- Thầy Ân Giáo

- Thầy Ân Giáo là thầy nào mà tụi con chưa từng nghe tên vậy Sư Bà?

- Thầy Ân Giáo hoặc là Thầy Ân Giao vì người Mỹ không phát âm được dấu sắc.

- Tên của Thầy có dấu sắc hay không thì ăn thua gì tới người Mỹ?

- Vì Thầy là một người Mỹ trắng trăm phần trăm và là một tu sĩ Phật giáo cũng trăm phần trăm.

blank
Thầy Ân Giao đang chia xẻ với đoàn hành hương.

Đến lúc nầy thì chúng tôi xôn xao, tò mò. Té ra chúng tôi lặn lội đến nơi đèo heo hút gió nầy để viếng thăm một ngôi chùa nằm chơ vơ giữa đồng không mông quạnh do một nhà sư Mỹ trụ trì.

À Sư Bà ơi, tại sao chúng ta không cúng tiền cho chùa Việt Nam do thầy Việt Nam điều hành để Phật giáo Việt Nam được phát triển? Người Mỹ giàu quá, dù cho có tu thì cũng còn giàu hơn người mình... (ai biết đâu rằng điều nầy quá sai). Một loạt Việt Nam-Mỹ rồi Mỹ-ViệtNam vang dội trong đầu tôi. Tâm tôi đang ở địa ngục vì cô Phật tử đang tiến dần về ghế ngồi của tôi để quyên tiền cúng dường. To be or not to be! Hay nói theo tiếng mít là “To cho or not to cho?” Tôi móc túi mà tâm bất định.

Xe bus quẹo vô cổng chùa. Đây là một khoảnh đất rộng độ một mẫu hay nói thoải mái là hai mẫu, sỏi đá, khô cằn. Qua khỏi cổng độ 50 feet, về phía tay mặt là tượng Phật Bà Quan Âm từ bi trắng toát, chắc hẳn được thỉnh về từ núi Non Nước, Đà Nẵng. Phía trái là một thiền đường rộng khoảng 20x20 feet để các Thầy và Phật tử thiền định.

Cách một khoảng sân là chánh điện giản dị, trần tục. Không mái ngói cong, không chạm trổ rồng phượng, không nhang khói thịnh vượng, không hoa quả xum xuê.

Trong khi các Phật tử thành kính quì lạy trước Phật Bà hoặc đi vòng quanh thì tôi tò mò bước về phía chánh điện. Một vị sư người Mỹ trẻ tuổi cho chúng tôi biết là thời kinh sẽ chấm dứt soon và xin chúng tôi đứng chờ ngoài cửa.

Tôi ghé mắt nhìn qua cửa sổ. Một thầy Mỹ đang thỉnh mõ và ba hàng Phật tử đang ngồi trên ghế, một số ít ngồi dưới đất, rầm rì tụng kinh. Đức Phật ngồi đó, không ràng buộc, không rực rỡ. Bàn trái cây với hai bình hoa, hai trái dưa hấu, không xum xê hoa lá nhưng đầy vẻ thanh tịnh, dịu dàng.

blank
Các huynh đệ khác màu da nhưng chung niềm tin,

Có khi nào bạn bị tấn công bởi một tình cảm mãnh liệt như giận dữ, lo sợ, yêu thương, hờn giận, ngạc nhiên, xấu hổ... không? Nó giống như một quả bom nằm ẩn sâu trong tiềm thức và bỗng nhiên ai đó hoặc một hình ảnh nào đó hoặc một lời nói nào đó vô tình châm ngòi và nó bùng lên, không kiểm soát được, không che đậy được.

Ngày hôm đó tôi đứng ngoài cửa sổ nhìn vào chánh điện, hình như có cái gì đó trong tôi hiện ra mơ hồ không nắm bắt được nhưng lại rõ ràng chiếu rọi như ánh sáng mặt trời. Nó không có gai nhọn nhưng làm cho tim tôi nhói đau và nước mắt lặng lẽ rơi mặn miệng.

Tôi chợt nhận biết tâm tôi bần tiện quá. Tôi đi chùa mà lòng đóng kín, chút cúng dường cũng muốn quay lại cho người Việt. Tôi dùng động từ yêu nước, danh từ đồng hương để biện hộ cho sự kỳ thị ích kỷ của tôi. Trong kia một nhóm người ngoại quốc mà từ mấy thế kỷ nay họ không biết tóc đức Phật lại quăn cuộn tròn, tai thòng dài gần tới vai và khi ngồi thì lòng bàn chân và bàn tay đều ngửa lên trời. Vậy mà nay, những con người cao cao tại thượng đã từng đưa tay ra cho chúng ta, những kẻ thân sơ thất sở, nắm lấy trong cơn đau khổ tột cùng lại chọn cách hiện ra với chúng ta như tình huynh đệ, sẵn sàng cạo đầu trọc lóc, sẵn sàng từ bỏ những miếng thịt vàng rượm thơm ngon, sẵn sàng đánh giá màu da vàng của chúng ta cũng rạng ngời như màu da trắng của họ, sẵn sàng tìm học một giáo lý khác với nền giáo dục gia đình mấy trăm năm xưa cũ, sẵn sàng ngồi thiền định dưới ánh mắt từ bi của chư Phật, sẵn sàng tin vào luật Nhân Quả tuần hoàn.

Tôi tự hỏi nếu cuộc thế xoay vần, không phải họ giúp chúng ta mà là chúng ta giúp họ thì sao? Và vì thế mà tôi khóc. Xấu hổ cho tấm lòng nhỏ mọn của mình. Ăn năn vì lòng từ bi bị gói chặt trong cái ngã đáng ghét.

Mười phút sau, thời kinh chấm dứt. Chúng tôi được mời vào trong, trang nghiêm quì trước bàn thờ. Sư Bà Như Ngọc giới thiệu sơ qua tiểu sử của Thầy và chúng tôi cùng tụng một đoạn kinh ngắn bằng tiếng Việt. Sau đó Sư Bà kêu tôi lên nói một vài lời.

blank
Thành tâm cúng dường.

Bạn ơi, bạn hãy giúp tôi đi. Nói gì trước một tu sĩ Phật giáo người Mỹ và một nhóm Phật tử tóc vàng mắt xanh? Họ đã theo đạo Phật có nghĩa là họ đã thấu hiểu tường tận giáo lý của Ngài chớ chẳng phải như tôi theo vì truyền thống gia đình. Huênh hoang trước mặt họ là một trò cười nhục quốc thể. Thôi thì tôi xin thành thật nói ra những cảm nghĩ của tôi trong lúc đó, những tình cảm đời thường đã làm mắt tôi cay xè ướt át. Tôi xin mạn phép dịch lại những lời tôi nói ngày hôm đó, có gì sai trái xin bạn thông cảm nha.

Thầy ơi, khi con đi chùa con quen thấy tóc đen, mũi xẹp, da vàng, mắt nâu. Ngày hôm nay đi chùa con được thấy tóc silver, tóc blond và ngay cả tóc purple. Con thấy mũi cao, da trắng, mắt xanh... Ngày chúng con rời khỏi Việt Nam, bốn mươi năm về trước, chúng con mất tuổi thơ, mất kỷ niệm, mất cha mẹ, mất bạn bè, mất quê hương và mất luôn cả tôn giáo (đến đây tôi nghẹn ngào mếu máo và tất cả các bạn hành hương đều chảy nước mắt theo)...Có nhiều chuyện chúng con không tìm lại được như dòng sông nhỏ hiền hòa, như hàng me mướt lá dịu dàng, như mái chùa ẩn hiện trong lũy tre xanh... Nhưng có nhiều chuyện chúng con cũng không ngờ lại có thể thấy được như sự hiện diện của Thầy và các Phật tử Mỹ tại thiền đường nầy ngày hôm nay.

Chúng con không tưởng tượng được là chúng con không những có thể thực hành đạo Phật nơi xứ Mỹ nầy mà còn thấy đạo Phật được truyền bá và thâm nhập vào dân chúng địa phương. Sự đóng góp của Thầy cho Phật giáo, chúng con chỉ biết quì xuống và dâng lên Thầy một lạy (Tôi và tất cả đoàn đồng quì xuống kính Thầy một lạy)”.


blank
Phật tử tóc vàng, tóc bạch kim và ngay cả tóc tím.

Tôi xoay qua phái đoàn hành hương:

“Các bạn ơi, xin các bạn đứng dậy, quay lại đối diện với các Phật tử Mỹ, cùng chấp tay lại”

Tôi nhìn thẳng vào các bạn đồng tu khác màu da, thành tâm nói với họ:

“Các bạn thân mến, chúng ta ngày hôm nay cùng là Phật tử, cùng là huynh đệ. Khi chúng tôi đến đất nước của các bạn, chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Các bạn đã làm việc, đã đóng thuế, đã giang tay ra đón chào và giúp đở để chúng tôi từ từ đứng dậy sau cơn ngã xuống tận cùng. Chúng tôi hiện có công ăn chuyện làm, có nhà cửa để cư ngụ và điều quí nhất là chúng tôi có Tự Do. Thế hệ thứ hai và thứ ba của chúng tôi đang hãnh diện ngẩng cao đầu đóng tích cực góp phần vào xã hội nầy. Có lời gì đủ trân trọng để chúng tôi có thể nói cám ơn các bạn, các công dân Mỹ và nước Mỹ nầy không? Tôi nghĩ là không! Chúng tôi, người Việt Nam, là những người rất biết ơn nghĩa, vậy xin các bạn hãy nhận một cái chấp tay nầy, một cái cúi đầu nầy, một sự biết ơn không đến từ lời nói mà đến từ trái tim. Chúng tôi cám ơn các bạn đã chia xẻ nổi đau mất mát của chúng tôi nhưng chúng tôi không muốn các bạn trải nghiệm nỗi đau đó. Không! Các bạn sẽ không trải nghiệm nỗi đau mất nước! Chúng ta hãy cùng nhau đem tất cả tim óc và tài năng ra để gìn giữ cho America nầy luôn được sống trong Tự Do, Công Bình và Bác Ái.

Chúng tôi cũng xin cám ơn các bạn đã tìm hiểu và thực hành đạo Phật.

Món quà chúng tôi gởi đến các bạn là bài hợp ca Nén Tâm Hương (đây là bài Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tôi mạn phép đổi lại môt số lời), trong đó có đoạn cám ơn nhân dân và đất nước Hoa Kỳ. Các bạn sẽ không hiểu, chỉ xin lắng nghe và cảm nhận.”

Chúng tôi cùng chấp tay, cúi xuống và cả hai bên đều rưng rưng nước mắt.

Nơi hành hương thì khô khan mà lòng người hành hương thì thấm đẫm...

Xin cám ơn Sư Bà Như Ngọc đã dẫn chúng tôi đến nơi mà cỏ mọc còn phải xin phép ông Trời, cám ơn các bạn trong đoàn đã cùng nhau ngậm ngùi đổ lệ, cám ơn các Phật tử tóc vàng thanh thản niệm Na Mo A Mi Tuo Fo và cám ơn Thầy Ân Giao đã cạo sạch mái tóc nâu cho một bữa cơm dưa thanh đạm.

Được biết, Thầy Ân Giao xuất gia từ năm 1984. Thầy từng là giáo sư âm nhạc và văn học tại Victorville College, và là một trong những đại đệ tử người Mỹ đầu tiên đã thọ pháp với Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân, vị Sơ Tổ của Phật Giáo Việt Nam truyền đạo tại Hoa Kỳ (1).

Bốn năm sau khi Hòa Thượng Thiên Ân viên tịch, năm 1984, Thầy Ân Giao quyết định thành lập ngôi chùa mang tên vị ân sư người Việt. Khi chùa Thiên Ân được thành lập trong hoang mạc, thì nơi đây chỉ là một mảnh đất khô hoang tàn, không nước, không điện và ngay cả không có đường vào. Tất cả đều phải nhờ vào người hàng xóm duy nhứt.

Không giống với các chùa Việt Nam bên Mỹ có hương khói thịnh vượng, Thầy phải tranh đấu gian khổ với mọi thiếu thốn vật chất ở một nơi mà Phật tử Việt Nam không tiện đến, dân chúng Mỹ không theo. Tinh thần Thầy cũng phải chịu nhiều dằn vặt vì đã từ bỏ gia đình công giáo để theo đạo Phật, chịu nhiều ánh mắt chán ghét của người địa phương. Dần dà Thầy đã chinh phục được lòng người, một số Phật tử VN đến từ San Diego đã quyên góp dựng một tượng Phật Bà, mở rộng thiền phòng, chánh điện, đào được một giếng nước và xây một khu vệ sinh. Tuy nhiên đối với các chùa VN thì đó chỉ là con chuột so với con voi! Các chùa Việt Nam tại Mỹ đang trồng cây cổ thụ. Chùa Mỹ nghèo nàn nơi đây chỉ mới đang gieo rắc hột mè!

Lãnh tiền hưu trí từ việc làm khi còn trẻ, Thầy Ân Giáo hiện nay đã 70 tuổi và sống vô cùng giản dị. Thầy cho biết là Thầy có tất cả tám đệ tử xuất gia ở các tiểu bang khác. Họ trước kia tu theo Phật giáo Đại hàn, Nhật bổn, Trung Hoa. Ngày nay Thầy hướng dẫn họ tu theo Phật giáo Việt Nam. Sự khác nhau như thế nào, mong rằng sẽ có ngày được Thầy giảng rõ hơn.

Chùa Thiên Ân tọa lạc tại số 10989 Buena Vista Rd. Lucerne Valley CA 2356-7303/ tel: 706-985-4567).

Lệ Hoa Wilson

*

(1) Về Cố Hòa Thượng

Thích Thiên Ân, vị Sơ Tổ Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ

Một số vị tu sĩ Phật Giáo Việt Nam từ 1956 tới 1974 đã đến Mỹ du học rồi trở về nước làm việc mà không ở lại luôn để xây dựng nền móng và phát triển Đạo Phật Việt Nam tại Mỹ. Người đầu tiên làm việc này chính là Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân (1926-1980). Vì vậy ngài là vị sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân,(19) thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1926 (20) tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thửa Thiên Huế. Thân phụ của ngài là Cố Hòa Thượng Thích Tiêu Diêu, tự thiêu tại Huế để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo năm 1963. Ngài xuất gia với Cố Hòa Thượng Phước Hậu, Huế. Năm 1948 Thọ Tỳ Kheo Giới. Năm 1954 ngài đi dụ học tại trường Đại Học Waseda, Nhật, và tốt nghiệp Tiến Sĩ Văn Chương năm 1960 và trở về nước.

Tháng 6 năm 1966, Hòa Thượng Thích Thiên Ân được Cơ Quan Văn Hóa Á Châu của Liên Hiệp Quốc mời tham gia chương trình trao đổi giáo sư giảng dạy, nên ngài đến Hoa Kỳ và dạy tại Đại Học University of California tại Los Angeles (UCLA). Một năm sau, 1967 thì hết chương trình trao đổi này nhưng ngài đã xin ở lại Mỹ để tiếp tục dạy Thiền và Phật Pháp cho nhiều người Mỹ. Lúc đầu, ngài thuê một căn chung cư ở phía nam thành phố Los Angeles để dạy thiền cho người Mỹ. Sau đó vì số người đến học thiền ngày càng đông, Hòa Thượng Thích Thiên Ân phải mua một miếng đất trên đường South New Hampshire Boulevard để lập Trung Tâm Thiền Phật Giáo Quốc Tế [Thiền Viện Quốc Tế] (International Buddhist Meditation Center [IBMC]) vào năm 1970. Tháng 10 năm 1973, Hòa Thượng Thích Thiên Ân mở Đại Học Đông Phương (University of Oriental Studies) để dạy triết học Đông Phương và Phật Học cho các sinh viên Mỹ.

Năm 1974, lần đầu tiên, Hòa Thượng Thích Thiên Ân mở Giới Đàn để truyền trao giới luật cho những vị đệ tử xuất gia và tại gia người Mỹ của ngài. Theo Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát trong chuyền thăm Chùa Việt Nam năm 2013 kể rằng, lúc đó Thầy Lê Mạnh Thát được mời làm Dẫn Thỉnh Sư hướng dẫn cho các giới tử thọ giới về các nghi thức thọ giới trong Giới Đàn này.

Sau tháng 4 năm 1975, hàng chục ngàn người Việt bỏ nước ra đi đợt đầu đã định cư tại miền Nam California. Vì đáp ứng nhu cầu truyền bá Phật Pháp cho cộng đồng người Mỹ cũng như người Việt mới định cư, Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã xây dựng Chủa Phật Giáo Việt Nam gần Thiền Viện Quốc Tế, sát thành phố Los Angeles. Đây là ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam đầu tiên tại Mỹ. Năm 1976, Hòa Thượng lập Chùa A Di Đà. Cũng trong năm 1976, Hòa Thượng Thích Thiên Ân lập Hội Ái Hữu Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, sau đổi thành Hội Liên Hữu Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ. Đây là tổ chức Phật Giáo Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ. Tháng 12 năm 1978, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ ra đời mà Hòa Thượng Thích Thiên Ân là Chủ Tịch Hội Đồng Lãnh Đạo, HT Thích Mãn Giác làm Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành, và GS Trần Quang Thuận làm Tổng Thư Ký.(21)

Tháng 11 năm 1980, Hòa Thượng Thích Thiên Ân viên tịch vì bệnh ung thư gan, thọ 54 tuổi. Các đệ tử người Mỹ xuất gia của Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân gồm Sư Bà Thích Nữ Ân Từ (Karuna Dharma), Hòa Thượng Thích Ân Huệ, Hòa Thượng Thích Ân Đức, Hòa Thượng Thích Ân Giáo, v.v... Những tác phẩm mà Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân sáng tác gồm:

- Zen Philosophy, Zen Practice,

- Buddhist and Zen in Vietnam,

- Trao đổi văn hóa Việt Nhật,

- Phật Pháp (nhiều tác giả).

(Trích báo xuân Việt Báo Tết Bí nh Thân 2016, bài của Huỳnh Kim Quang, “50 Năm Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ”.)

Ý kiến bạn đọc
27/01/201822:03:01
Khách
Số điện thoại area code của Chuà Thiên Ân là 760 chứ không phải là 706. Thầy nói chuyện rất hiền từ lắm.
27/03/201605:53:46
Khách
cho em duoc goi chi bang ten chi HOA cai ten than thuong ,co le chi khong nho em vi nam minh di hanh huong cung su ba ,chuyen di do co nhieu ky niem ,vi cung ngu chung nhau 2dem,em khong nho chua minh nghi dem dau ,nhung dem sau la thien vien KIM SON ,hom nay doc bai viet cua chi !that long em da khoc,nhu mot dua tre dang bi don,nuoc mat tu dau tuong roi la cha !co hong ngen lai nhu bi ai bop chac!!!tuong dau cam giac nay chi co rieng em !gio moi biet cung co nhieu nguoi cung cam nhan ,qua bai viet nay cua chi .xin cam on chi that nhieu ...

em , DIEU HOA.
26/03/201605:14:08
Khách
Chị LH là một văn sĩ, đã có nhiều bài viết đăng trên báo, nhưng chị cũng là một phật tử làm rất nhiều việc thiện. Bài viết kỳ này chị đã giới thiệu một khía cạnh mới, đó là sự xuất hiện của đạo Phật tại Cali và bắt đầu với Hòa Thượng Thích Thiên Ân. Đặc biệt là Tu Sĩ tóc vàng người Mỹ, Thầy Ân Giáo, chắc cũng ít ai biết đến.
24/03/201603:52:29
Khách
Xin cho tôi nói lời, rất cám ơn chị, vì nhờ vào bài viết của chị, sau khi đọc xong( vừa đọc mà nước mắt cứ chảy dài, mà không biết tại sao! ), tôi không sao không viết vài hàng để xin được cám ơn chị, vì tôi còn ngại đường xa nên lòng thành của tôi không đến với Phật như chị, xin cám ơn Sư Bà Như Ngọc.
19/03/201616:45:01
Khách
Một bài viết thật hay và cảm động.
Lời phát biểu của chị đã nói lên được lòng thành của một Phật tử và sự biết ơn của một người Việt Nam với nước Mỹ và nhân dân Hoa Kỳ.
Chị là người có một tấm lòng thật đáng quý.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,722,093
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến