Hôm nay,  

Hãy Yêu Nhau Đi

18/03/201600:00:00(Xem: 8716)

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 3777-17-30277vb6031816

Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà đã nhận Giải Chung Kết 2001, với bài viết “32 Năm Người Mỹ và Tôi” và đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua và vẫn tiếp tục góp bài dù không để nhận giải. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Thứ bảy vừa rồi tại hội trường Việt Báo ở Quận Cam, Tiểu Sài Gòn, chị em tôi đã tham dự một chương trình ca nhạc kịch do VROC trình diễn.

VROC (Viet Rainbow of Orange County) là một hội đoàn hơi xa lạ với tôi, nhưng nghe em tôi, Hoàng Thư rủ ren nên tôi cùng nhỏ em Sira và con gái Elizabeth đi xem đêm nhạc kịch nầy. Nếu không dọn đi xa, nhỏ em kế là Ngọc Anh chắc chắn thế nào cũng đã có mặt. Chúng tôi thích ủng hộ những gì thế hệ trẻ đang cố công xây dựng. Bốn người chúng tôi giống như tượng trưng cho ba thế hệ, thứ nhứt rất bảo thủ là tôi, thứ hai là em tôi và thứ ba là con gái tôi.

Thế hệ thuộc loại ba rọi của em và con tôi cùng những đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ rất tôn trọng sự bình đẵng, không phân biệt màu da, tôn giáo, chủng tộc, nguồn gốc gia đình và nhất là giới tính cá nhân.

Thói quen công chức, chúng tôi tới nơi hơi sớm, 6 giờ 20 chiều, mười phút trước giờ đề trên vé vô cửa là 6 giờ 30 phút. Nhờ vậy mà chúng tôi có chỗ đậu xe gần cửa hội trường.

Chúng tôi nghĩ mình đi sớm nhưng có nhiều người còn sớm hơn. Một không khí rất thân mật, vui vẻ, chu đáo ngay từ ngoài cửa. Những người tiếp tân đa số là các cô các cậu rất trẻ, hăng hái và lịch sự.

Sau khi đưa vé cho một cậu rồi một cậu khác đóng dấu lên mu bàn tay để phân biệt người đã soát vé rồi, tôi nhìn qua bên trái trước khi bước qua hai cánh cửa gỗ vào hội trường, thấy một dãy bàn để đầy những chiếc dĩa với xôi, bánh, kẹo, những xấp bản in về hội VROC nầy và bình nước với những lát cam lát chanh nhìn mát mắt.

Khán giả lần lượt bước vào. Nhìn quanh, xen lẫn đâu đó vài chiếc áo dài, tôi thấy có rất nhiều người ở độ tuổi của tôi, tuổi về chiều. Tôi nghĩ, có lẽ là phụ huynh của các em, là thân hữu, là những người tò mò, là những người ủng hộ? cùng vài người trong giới truyền thông.

Sau khi đã ngồi xong, tôi nhìn lên sân khấu. Đêm ấy, thứ Bảy 5 tây tháng 3, là đêm “Hãy Yêu Nhau Đi” của nhóm VROC. Sân khấu rất đơn giản, nổi bật là một lá cờ hay tấm “băng rôn” bảy màu như sắc cầu vòng treo lên cao. Con gái tôi nói đó là tượng trưng cho giới đồng tính luyến ái.

Nói về giới đồng tính, vào năm 1991, tôi dạy nghề thẩm mỹ ở trường T. có một nam sinh đồng tính nhưng vì không để ý nên tôi không biết cho tới khi em đã nghỉ học.

Chuyện là, hôm ấy, một chị bạn vong niên gọi cho tôi, nói “thằng quỷ nầy tui dạy hết nổi. Học chữ cũng bỏ, kêu đi làm cũng hổng chịu đi, hỏi nó muốn gì nó nói hổng muốn làm gì hết, tối ngày rút trong phòng khóa cửa lại. Bây giờ em làm ơn kềm nó dùm chị, nghề làm tóc cũng dễ học mà chỉ cần 10 tháng là có cái nghề trong tay, sẵn có tiệm, nó lấy bằng xong là chị cưới vợ cho nó, sang tên tiệm cho nó làm ăn”

Chị tính toán tương lai của đứa con trai duy nhứt một lèo tự nhiên suông sẽ dễ dàng như vậy đó!

Thế rồi hôm sau tôi có thêm một học trò vô lớp sơ đẳng. Cậu ấy năm đó hình như 18, 19 tuổi gì đó. Cậu người to lớn nhưng gương mặt rất hiền và có vẻ nhúc nhát. Trong lớp già trẻ trai gái đủ sắc dân nhưng hình như em không làm quen hay nói chuyện với ai. Em thường lẻ loi mình ên như đang sống trong một thế giới khác, cúi đầu vô trang sách, vẽ vẽ viết viết.

Nghĩ lại, tôi quá vô tâm. Thấy em tuy to xác nhưng có vẻ ẻo lả, tôi cứ nghĩ, làm cái nghề tiếp xúc với khách thì sự dịu dàng ấy cũng đúng thôi. Chẳng phải tôi luôn nhắc các học viên là, chúng ta cần phải trân trọng chìu chuộng từng người khách đó sao?

Ít lâu sau, vài hôm không thấy em vào lớp, hỏi ra thì mới hay em đã xin hiệu trưởng cho thôi học. Một em học trò đưa cho tôi cuốn tập, nói là của ai bỏ quên, tôi lật ra coi để biết của ai. Đó chỉ là một cuốn tập ghi chép nhưng chỉ có những hình vẽ kiểu quần áo chớ hoàn toàn không có một chữ nào về nghề thẩm mỹ.

Mấy trang sau cùng có chữ, tôi đọc, toàn là tiếng Anh và hình như đó là một lá thư, nhựt ký hồi ký gì đó. Mới đầu tôi tưởng là thư tình của cô nào viết cho anh nào. Càng đọc càng thấy lạ.

Tôi nhớ có câu...(tạm dịch) ”không thích nghề nầy chút nào, em chỉ thích làm nghề vẽ kiểu mẫu thời trang, em rất nhớ anh, John, em biết em đã yêu anh, John, hằng ngày ngồi trong lớp học em chỉ nghĩ tới anh thôi, em như thấy đôi mắt xanh biếc của anh gần kề… Em nhớ đôi môi và từng hơi thở của anh, em sợ anh biết được tình yêu của em thì anh sẽ khinh khi và xa lánh em...anh có hiểu không?... Em như sắp điên rồi, em chỉ muốn chết.. John ơi...”

Ôi Trời!…rõ ràng là những lời lẽ yêu đương thắm thiết đau khổ của một người con gái yêu đơn phương làm lòng tôi dao động, nhớ tới những xuyến xao nhung nhớ người yêu đầu của tôi, mấy chục năm về trước. Sau cùng tôi cũng nghiệm ra, đấy là bức thư chưa gởi, là tâm tình của em trai ấy gửi cho người em yêu, tên John.

Không hiểu chị bạn của tôi có biết con trai mình là đồng tính hay không? Chị có còn ép buộc con trai mình đi theo con đường tương lai chị đã vạch sẵn rạch ròi như đúc trong khuôn hay không?

Khi nghỉ học, em đi đâu? Làm gì? Có còn phải cúi đầu tránh mặt, cô độc giữa dòng người?

Tội nghiệp em quá. Tôi quả có sợ cho em, với câu “em chỉ muốn chết...”

Nhưng rồi, bận việc trong lớp trong nhà, quay cuồng theo cái đồng hồ sinh sống, tôi quên đứt em. Khi nhớ lại thì tôi mất liên lạc với cả mẹ em nữa.

Trở lại đêm “Hãy Yêu Nhau Đi,” có 1 điều không thấy đưa lên trong kịch bản, đó là, đa số người đồng tính là người bạn rất tốt. Tôi không bao giờ quên bạn tôi, anh Q. và ông L. một đồng nghiệp lúc tôi còn làm việc ở chỗ cũ.

Cách đây 24 năm, ngày đầu vô nhận việc, L. là người bà xếp giới thiệu với tôi đầu tiên. Một người đàn ông da màu. Anh đã thân mật mỉm cười chào đón, lịch sự đưa bàn tay ra bắt tay tôi.

Việc làm của tôi có một điều đặc biệt, mỗi người phải thay phiên nhau, 10 phút đứng trước lớp để chỉ dẫn tất cả mọi chi tiết cho học viên về ngày thi. Hôm ấy tới phiên tôi. Trước khi vô phòng, anh bạn ấy đã nói với tôi “tôi nhớ lần đầu tôi bị khớp, cho nên, cô đừng lo, tôi sẽ đứng cuối lớp, nếu cô có quên điều gì thì tôi sẽ tiếp thêm vô và thí sinh sẽ không biết là cô quên đâu.”

Từ đó về sau anh luôn luôn tự động giúp những khi tôi cần, trước khi tôi mở miệng hỏi. Anh thật là một người bạn tốt, luôn ra tay tình nguyện giúp đỡ bất cứ ai có chuyện gì cần.

Duy có điều, cũng vì quá vô tâm tôi không biết anh là ngươi đồng tính. Chỉ thấy tánh tình anh cũng rất là dịu dàng, chu đáo và nấu ăn rất ngon. Không biết những lúc bàn về chuyện xã hội tôi có nói gì gây tổn thương cho anh không?


Nhắc về tình bạn, khi xưa khoảng năm 1968, 69, sau khi Ba tôi mất, không còn ai đưa rước đi làm. Thấy tôi vừa đi bộ vừa phải đón hai chặng xe mới tới, một anh bạn đồng nghiệp tên Q. đã tình nguyện tới tận nhà rước tôi mỗi buổi sáng. Anh Q. là một người lai Pháp. Nhà chỉ có một mẹ một con, anh không có bạn gái nên anh có rộng thì giờ và xài sang hơn tôi, thường an ủi và bao tôi ăn uống, cần gì cứ kêu anh sẵn sàng chở đi. Năm đó ai có chiếc xe Honda 50 cc là coi như “ngon” lắm. Mới đầu tôi có hơi ngại. Con gái để con trai chở hoài sợ hàng xóm dị nghị.

Có lần sau giờ làm, anh nói “tới nhà thăm một thằng bạn” Hai người bạn nầy có vẻ thân thiết lắm, gặp nhau là choàng vai câu cổ, nắm chặt tay nhau đung đưa không rời. Mới đầu cũng chỉ là những cử chỉ thông thường. Thì cũng như tôi thường hay cặp tay với nhỏ bạn thân đó sao. Nhưng, có một điều gì đó mà tôi tình cờ bắt gặp. Đó là ánh mắt của hai người nhìn nhau. Ánh mắt của tình yêu, không sao dấu diếm được. Hai người đang yêu nhau, ánh mắt đen sâu thẩm và như có lửa. Nó long lanh tha thiết bất kể tôi đang đứng đó và hình như hai anh đã hôn nhau, tôi mắc cỡ, vội quay đầu đi.

Tội nghiệp hai anh chỉ gặp nhau một cách lén lút và vào ban đêm thôi khi gia đình anh bạn ấy đi vắng.

Nhưng rồi cũng vì vô tâm nên tôi không để ý rồi quên đi. Cũng nhờ vậy mà tình bạn của chúng tôi rất an toàn thân thiết hết còn ngại ngùng. Đối với tôi, Q. như người bạn gái.

Về sau nghe trong giới nghệ sĩ đồn đại rằng, nghệ sĩ Q.(bạn tôi) là “pê đê” (dân Sài Gòn thời đó gọi người đồng tính luyến ái) Có người tin, loạn xạ chê cười tẩy chay, có người cãi, ối, ghét người ta đồn nhảm nhí, nhưng tôi tin và thương người bạn tốt của tôi quá.

...

“Đêm Hãy Yêu Nhau Đi,” tôi nghe hai MC một nam một nữ rất có duyên và lưu loát giới thiệu những “bà mẹ thông cảm” lên hợp ca rất vui nhộn.

Tôi nghe bản nhạc “Nơi Tình Yêu Bắt Đầu” do một nam ca sĩ rất trẻ, ca hay xuất sắc, diễn tả tình cảm trong từng câu ca. Tôi cảm xúc với mối tình đầu trong kịch bản “Niệm Khúc Cuối Cùng” của tác giả đạo diễn Tâm Võ, Hiển Nguyễn và Chương Nguyễn.

Chuyện là, trên đảo biển thời vượt biên, có hai người bạn trai yêu nhau bằng mối tình đầu. Vì hoàn cảnh phải cách biệt và bặt vô âm tín. Suốt cuộc đời nhớ thương nhau. Sau cùng, trong viện dưỡng lão, một người có bịnh nan y, chỉ còn điều ước mong thiết tha duy nhứt là gặp lại người ấy trước khi nhắm mắt. Và người ấy đã tìm ra ông. Hai người gặp lại ôm lấy nhau kể lể nỗi niềm đau thương tiếc hận cả đời sinh ly. Ông đạt được ước nguyện, gặp lại mối tình đầu và chết trong tay người yêu.

Câu chuyện thật cảm động. Duy có một điều đáng tiếc, khán giả ngồi ở những hàng ghế từ giữa hội trường trở xuống không thể nào nghe được những lời tâm sự của người sắp chết vì ông thì thào quá sức nhỏ. Ông quên mất kỷ thuật trên sân khấu, dẫu là bịnh nên phải thì thào nhưng cũng phải phát âm làm sao cho khác giả nghe được ông muốn thì thào lời gì.

Ước gì lần sau khán giả có thể nghe rõ những lời mà tôi tin chắc là những lời tình chung thủy hạnh phúc và an lòng ra đi vĩnh viễn của ông.

Vở kịch thứ hai, “Lời Ru Của Me” cũng của ba tác giả trên, nói về chuyện thật, bà mẹ có đứa con gái đồng tính đang yêu. Nhân vật chính do chính bà mẹ thật trình diễn với sự cảm xúc lấy nước mắt của khán giả.

Ạ… thì ra, tôi hiểu rồi. Trên mỗi cái ghế đặt sẵn trên tờ chương trình là một gói khăn giấy. Khăn giấy nầy là để thấm nước mắt của khán giả đây. Chu đáo sâu sắc ghê, một trong những đặc tính đáng yêu của người đồng tính luyến ái.

Trong vở kịch, bà mẹ luôn tự che dấu sự thật, phản đối kịch liệt. Bà dư biết tình trạng của con gái nhưng vì hiểu mập mờ, quan niệm bảo thủ, áp lực của xả hội, độc tài, bẻ cong nhánh cây non, cấm đoán con gái. Nhưng, sau khi nghe người em trai của bà kể câu chuyện tình đồng tính dang dở của cậu cùng sự ân hận nuối tiếc, lấy vợ mà không yêu thương làm cả hai đau khổ suốt đời, bà cũng trải lòng tâm sự.

Bao nhiêu cố tình cưỡng ép tinh thần của con và của bà, có ích gì đâu, chỉ làm hai mẹ con cùng đau buồn và xa cách.

Tình mẹ thương con cho bà đủ can đảm bước qua những quan niệm lỗi thời, thông thường và sự mâu thuẩn của mình.

Nếu những bà mẹ hay gia đình không mở rộng vòng tay và yêu thương cùng chấp nhận con cái trong nhà thì làm sao trách móc sự thờ ơ của xã hội được?

Theo tôi, điểm khéo nhứt của đêm ca nhạc kịch nầy là các tác giả đã chọn những bản nhạc của Trịnh Công Sơn, rất thích hợp với từng cảnh trí, lồng vào. Thế hệ của tôi lớn lên trong dòng nhạc họ Trịnh. Tuy phần nhiều là nhạc phản chiến, cũng có những bản nhạc ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình quê hương, tình gia đình, nhứt là tình mẹ. Nhạc là sợi dây nối kết những thế hệ lại với nhau. Tôi nhìn quanh thấy khán giả của mọi lứa tuổi. Như vậy chứng tỏ sự thành công lớn nhứt của đêm nhạc ca kịch nầy là sự đồng cảm của nhiều thế hệ.

Tóm lại, theo tôi, buổi ca nhạc kịch thành công đủ mọi mặt, từ hai MC rất có duyên tới những ca kịch sĩ. Hợp quần gây sức mạnh, tiếng nói vang xa.

Tôi thấy những cái quàng vai thân mật của nam với nam nữ với nữ, những gương mặt trẻ trung rạng rỡ, những miệng cười tươi tắn những đôi mắt sáng long lanh niềm tin. Sau nầy khi kết hôn với nhau họ vẫn có con được nếu muốn, bằng nhiều phương cách được ngành khoa học tân tiến giúp đỡ. Đây là những con người may mắn hơn thế hệ trước rất nhiều.

Có lẽ sống trong xã hội văn minh này đã cho phép tất cả mọi người được sống một cách thực với con người của mình.

Tôi nghĩ tới những em khi còn dấu mình trong bóng tối, che giấu giới tính của mình. Những em không được cha mẹ thông cảm, trong nhà bị ruồng rẩy, ra đường bị khinh khi, trong trường bị xa cách, có khi bị đánh đập, đôi khi tàn nhẫn hơn, bị tra tấn rồi giết chết như nhiều chuyện đã xảy ra đài có nói báo có đăng. Còn bao nhiêu người chịu đựng không nổi đã tự kết liểu đời mình.

Tôi yêu sắc bảy màu của cầu vồng, đó là màu của mưa và nắng, màu sắc tự nhiên mà có, như tình yêu của con người.

Em học trò cũ của tôi ơi, đã hơn 25 năm rồi, dù lúc ấy người ta chưa chấp nhận em, hy vọng em vẫn còn tiếp tục mạnh mẽ sống. Thế giới bây giờ đã thay đổi nhiều rồi. Và sự suy nghĩ cùng cảm nhận của người với người cũng thay đổi.

Tôi hy vọng nơi nào đó em vẫn sống vui sống khỏe và khi có yêu ai thì hãy yêu nhau đi, đừng sống “trong tủ”, khổ cả đời.

Tôi thiết nghĩ, ta sống ta yêu và hãy dang rộng vòng tay đón nhận, để người khác cũng được yêu được sống thực với lòng mình. Như lời ca “Hãy Yêu Nhau Đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

...

Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối
Dù vẫn biết mai nầy xa lìa thế giới
Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời
Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu
...
Ghi vội, kỷ niệm một buổi tối của tình yêu thương./.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
21/03/201615:54:33
Khách
Duy Tâm mến,
Chị thấu được và rất thông cảm. Duy Tâm đã có can đảm và thành thật, cố gắng và thành công.
Được chớ em, muốn trích hay lấy nguyên toàn bài chị cũng sẵn sàng mời em. Chị còn mừng và hãnh diện nữa là!
Chúc em thành công lớn hơn và luôn luôn hạnh phúc.
Có dịp sẽ gặp lại.
21/03/201615:50:00
Khách
Cảm ơn TChâu đã đọc bài và viết cảm nghĩ.
21/03/201615:48:32
Khách
Dạ, tôi cũng nghĩ như anh Trần Vinh .
Theo văn hóa của mình, không kể về người đồng tính, dù là đôi nam nữ cũng không nên có những cử chỉ quá thân mật suồng sã giữa chốn công cộng.
Cảm ơn anh đã chia sẻ cảm nghĩ.
19/03/201621:07:57
Khách
@Trần Vinh , tôi cũng đồng ý với anh.
19/03/201613:03:42
Khách
Xin cảm ơn! Một bài viết, một chia sẻ thật gần gũi và cảm động!
19/03/201601:38:48
Khách
Cám ơn chị Xuân rất nhiều chị ơi với bài viết rất chân tình, đầy cảm xúc của một người hiểu thấu đáo và thương những người đồng tính. Cám ơn các chị và cháu gái đã đến xem chương trình Hãy yêu Nhau Đi. Hi vọng năm sau tụi em sẽ có một vở kịch dài hơn để nhân vật có đủ thời gian diễn tả nội tâm hợp lý và sâu sắc hơn. Nếu chị cho phép em xử dụng câu chị viết trong bài này cho vở kịch sắp tới. Đó là câu " Đó là ánh mắt của hai người nhìn nhau. Ánh mắt của tình yêu, không sao dấu diếm được. Hai người đang yêu nhau, ánh mắt đen sâu thẩm và như có lửa. Nó long lanh tha thiết bất kể tôi đang đứng đó và hình như hai anh đã hôn nhau, tôi mắc cỡ, vội quay đầu đi." Em tin chị sẽ đồng ý. Em không biết sẽ bỏ ở đoạn nào nhưng chắc chắn phải có vì câu đó hay quá chị. Em Duy Tâm
18/03/201616:20:31
Khách
Đồng ý là phải tôn trọng tình yêu giữa những người đồng tính, không nên quấy phá họ . Tuy nhiên, những người đồng tính không nên biểu lộ lộ liễu những hành vi tình yêu nơi công cộng .

Mặc dù nước Mỹ là xứ tự do, tuy nhiên tự do không có nghĩa là tha hồ làm bất cứ điều gì ta muốn bất kể có phiền hà hay thiệt hại đến người khác .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,313,087
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.