Hôm nay,  

Như Câu Hát Ru Em

05/03/201600:00:00(Xem: 8184)
Tác giả: Nguyễn Kỳ Yên
Bài số 3768-17-30268vb7030516

Tác giả là cư dân Ca-li được hai mươi năm. Đã nghỉ hưu. Lạc quan. Yêu đời. Bài dự Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Mưa”, đã phổ biến từ cuối tháng 12, 2015. Sau đây là bài viết thứ ba. Mong ông tiếp tục viết.

* * *

*Một

Anh em tôi ra về sớm. Bữa họp Mừng Năm Mới vẫn còn lại mấy mục văn nghệ, ca múa.

Trời đêm bên ngoài thực lạnh. Lớp tuyết mới đã đông cứng, vỡ rào rạo dưới bước chưn. Chúng tôi kéo cao cổ áo choàng và rùn cổ lại cho bớt lạnh. Không khí đêm như những bàn tay ma, với ngón dài lì lợm, tháo vuốt cho kì hết chút hơi ấm đượm nồng khói thuốc lá, ra khỏi thân mình tôi. Những ngón tay lạnh đó khoáy sâu vào tai, vào mũi, luồn vào ống tay áo, ống quần..., tìm đến đám hơi ấm đang cố trì níu, chẳng chịu rời, để rồi trét thế lên một lớp keo lạnh, thơm thơm mùi lá thông, mùi cỏ mục.

Trong hầm ga xe điện vắng người. Còn gần mười phút nữa mới có chuyến xe. Em tôi có vẻ thoải mái, dù phải đứng đợi xe lâu, phải chịu lạnh. Tôi đứng bên em, im lặng, ôn lại những cảnh, những chuyện trong phòng hội.

Em nói:

- Giờ này chắc ông hội trưởng đang đứng ở sân khấu, chắt lưỡi, tâm sự nhỏ to với đồng bào. Còn chị Hai đầu bạc ngóng chờ lên sân khấu hát: “Yêu nhau thì... cởi áo cho nhau...”. Bé Phượng cũng sắp nhảy cà tưng, gào: “Em như cô gái hãy còn xuân...Xin cho em một chiếc áo dài...một chiếc xe đạp...”. Hà hà, năm ngoái, nghe nó hát, có bà gì sồn sồn, bình: “Con lầy thì chỉ có xích nô máy mới chịu nổi...Sao mà nố năng thế”.

- Chú còn chưa nghe lúc thằng Thanh hát, thầy giáo Mẫn khen: “Cái cổ hắn rướn ra đằng trước kéo tiếng ngựa hoáng, ngựa hoáng, mái tóc sau ót vung lên, y như ngựa chạy đua.”

- Kể ra thì lớp già khó chịu quá trớn. Vui chơi thôi mà. Nhưng lần này tổ chức khá. Công việc sắp xếp rõ ràng. Nhiều người hài lòng.

- Nhờ mấy đứa đội đá banh góp sức. Với lại mấy đứa phá rối được chia giữ trật tự, nên bà con được yên.

- Có điều, ai dựng cây mai dốt quá. Nhè đem cây thông Giáng Sinh ra vặt lá, đơm bông bự chi chít, từ đọt đến xuống tận gốc, chẳng chừa ra khoảng trống nào. Nhìn như lùm bông bụt. Vậy mà cũng nhiều người dựa vào đó chụp hình.

- Thiệt là Đông Tây hài hòa, ăn Tết mà còn nhớ được Giáng Sinh. Nghĩ coi, giữa mùa đông lạnh thế này, thì ai chịu khó lội tuyết, tìm cưa cành? Cái đó tưởng mình nên thông cảm cho ban tổ chức.

Em tôi cười khà khà, không nói gì. Tôi lại nghĩ lan man đến những chuyện đâu đâu. Nghĩ bỗng dưng cả đám kéo nhau rời bỏ quê hương, đến ở nơi cái xứ lạnh cóng này. Đất trời thì tối mờ mịt, cái lạnh xuống hai mươi, ba mươi độ âm, lạnh hơn sống trong ngăn tủ đông đá. Nói là xứ lạnh, mà tình nồng. Nồng cỡ nào chưa biết, nhưng đã thấy mấy cặp bỏ nhau rồi. Ai ai cũng sống dò dẫm, như người đi đêm.

Em tôi chợt reo lên:

- Í, ngộ quá, anh Hai coi cây kim giây, của đồng hồ đằng kia. Coi nó chạy. Nó chạy đều qua các số, nhưng đến gần số mười, nó chậm lại, như ngần ngại, không muốn gặp con số đó. Rồi kim cũng vượt qua, chạy tiếp. Nhưng ở chỗ sau con số một, kim nhảy cẩng lên, nhanh hơn, bù lại chỗ đi chậm. Nó y như đứa học trò đi học, ham vui, la cà ở chỗ này, rồi vội vã chạy ù ở chỗ kia, cho kịp giờ vào lớp.

Xe hôm nay đến trễ mấy phút. Tôi định mượn cái chuyện cây kim giây mà dũa bớt cái tánh thích gây sự với người, khi hắn nghe thấy điều chướng tai, gai mắt, như mới đây, trong bữa họp mừng.

Từ nhỏ em tôi đã tập được tánh không ngắt lời người khác đang nói. Có nghe không lọt tai thì cũng ghi nhớ, chờ đến lượt mình mới nói ra. Nếu chẳng nói lại được, thì hắn bỏ đi chỗ khác, không nghe. Nhớ hồi nào, tôi nói gì hắn cũng tin, cũng nghe. Bây giờ, anh em tranh luận với nhau, hắn thường dồn tôi vào ngõ bí. Có điều đáng yêu là, mỗi lúc tôi bí, hắn lại nhớ ra hắn là em tôi. Hồi chiều, em ngồi nghe mấy tay kỹ sư, thầy thuốc, thầy giáo, thầy chùa, tụ tập lại mặc áo thụng vái nhau. Họ than phiền lớp thiếu niên kiến thức nghèo nàn, hạn hẹp mà không chịu cố gắng học hành, như lớp đàn anh. Mọi người tung hứng nghe ra cũng có bài bản. Em tôi rổn rảng công kích những người bản thân dốt nát, mà cứ cho ta đây giỏi, chỉ thấy mình chột mắt, liền tưởng là thiên hạ tất cả đều mù, rồi mặc tình khinh nhờn kẻ khác, mặc tình múa gậy vườn hoang.

Tôi sẽ chỉnh em tôi cho tới khi xe điện ngầm tới thì nhảy lên, rồi lấy lý do cần giữ yên tịnh trên xe, không nên tranh luận ồn ào, để bắt hắn phải nín tiếng, cho tới khi về đến nhà. Cho hắn đủ thì giờ thấm ý tôi. Tôi khoan khoái với âm mưu đen tối của mình. Tôi nhìn hắn cười nhẹ, tính mở miệng nói, thì chợt thấy cái dáng bộ hắn cười cười, làm tôi ngần ngừ.

Phải rồi, nhìn hắn hôm nay, tôi bổng nhớ bức hình cũ, chụp đã hơn mười năm về trước, hình chụp cả nhà. Lúc đó, tôi cỡ tuổi hắn bây giờ, còn hắn thì nhỏ lắm, nhút nhát đứng nép bên mẹ. Lần lượt, những khuôn mặt thân quen hiện ra trong trí nhớ tôi, cảnh nhà đông đủ bên nhau, rồi anh em tôi trốn, vượt biển, rồi sống trọ ở trại tạm cư. Tôi lại liên tưởng đến cảnh ồn ào ở chung cư tiếp nhận người mới đến, có cô bé cứ ôm chưn mẹ không rời, đến mấy câu hát ru em thường nghe, rồi gặp lại người bạn, rồi hình ảnh con gái của bạn. Rõ ràng là cái bản mặt của em tôi, giúp tôi hiểu ra chuyện.

Bỗng chốc mà tôi thấy ra mọi mối liên hệ, giải thích được chuyện bận lòng tôi trong bấy lâu nay.

*Hai

Anh em tôi thuộc nhóm người đầu tiên đến xứ này tị nạn. Xứ lạnh vắng, nhưng hiền hòa, trù phú.

Chúng tôi đến vào giữa mùa hè, rời khỏi cái nóng hầm người của xứ Thái, mà bước vào xứ mới dịu mát, đẹp đẽ. Khắp chốn cây lá xanh mơn, hoa đua nở tưng bừng, trên rừng, dưới biển người người nghỉ ngơi, thoải mái. Ngày kéo dài mười tám, hai mươi giờ, chỉ tối lờ mờ độ bốn, năm tiếng rồi trời lại sáng. Cảnh đẹp, người thanh. Trước cảnh yên bình, thịnh vượng của đất mới, một ông già trong nhóm tị nạn ca ngợi: “Đất này đây thanh lịch, đất có hữu tình...” Không nói ra, ai ai cũng đồng ý với ông già.

Cái thuở ban đầu êm đẹp đó, sau này giúp chúng tôi chịu đựng, vượt qua được nhiều trở ngại của cuộc sống xa quê, tạm ngụ xứ người. Rồi mỗi năm, mỗi thêm những đợt người mới, với những cuộc sơ ngộ khác. Người đến vào mùa thu gặp cảnh gió lộng ào ào, lá bay đầy trời, mưa dầm cả tuần, cả tháng, suốt ngày ngồi trong nhà mà sầu nhớ. Người đến trong mùa đông còn thê thảm hơn. Trời lúc nào cũng tối mờ mịt, đi đâu cũng trùm kín sùm sụp, đường sá băng đóng dày, đi té lên, té xuống. Suốt ngày co ro, run rẩy. Thất nghiệp cả đám. Khó tìm ra việc, mà có việc thì lạnh quá, thường đi làm không đúng giờ được. Nằm nhà hút thuốc lá, ca vọng cổ, nghe nhạc, hay tụ họp lại ăn nhậu với nhau, kể chuyện tếu, bàn chuyện đời, đánh cờ tướng v.v...

Lẫn trong cái cảnh hỗn độn đó, tôi nghe được những câu hát ru em. Cái cô bé nhút nhát, tôi gặp hồi chiều, được chị ru ngủ bằng những câu hát êm đềm: “Ầu ơ, vạc kia bán đất cho cò, Ngày thì nhịn đói, tối mò ăn đêm...”. Giữa chốn phố phường, lại thêm trời đông lạnh lẽo, khó mà thả hồn theo câu hát để nghe được tiếng võng đưa, thấy được nắng xế dọi bên hiên, soi bóng dàn đậu, dàn mướp xuống mặt sân lỗ chỗ bóng nắng, hay thấy bướm vờn ngoài dậu, nghe cu gáy từ đồng xa,... Nhưng câu hát cũng gợi nhớ lại những câu hát cũ:

“Con cò mà đi ăn đêm, Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”

Để phải cầu cứu:

“Ông ơi, ông vớt tôi nao, Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng”

Chưa hết:

“Có xáo thì xáo nước trong, Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”

Tôi thấy lại những thắc mắc của thời thơ ấu. Sao cò có thể lộn cổ xuống ao được? Cặp cánh nó để làm chi? Sao cò con chỉ đau lòng vì người thân mình bị xáo nước đục?

Năm tháng qua đi, cảnh vật đổi thay, người thân ly tán,... mà trong tôi vẫn đọng lại con cò với bờ ao, với ruộng lúa.

Bây giờ, nghe câu hát mà giựt mình. Mình có khác gì cò, vạc đâu? Tự dưng phải đưa nhà cho người khác ở, phải rời xứ ra đi. Tới đây, thất nghiệp, thức đêm, ăn đêm. Thức ăn lạ, ăn không vô, còn xào xáo, kháy cựa nhau, dò dẫm trong tối, lạnh, đi tìm đất đứng như con vạc, té nước như con cò. Cũng thảm thiết đó chớ.

Đâu phải chỉ riêng mình tôi, mà còn nhiều người nữa ở vào cảnh cò, vạc. Như bạn tôi, Trường, ly dị vợ, cuối tuần lãnh con về nuôi, cố công dạy con nói tiếng Việt, chơi đùa với con. Như anh S. ham vui chơi khắp nơi, cuối năm mới mò về nhà, vợ đóng cửa không cho vào. Anh tay xách hai gói qùa cho con, gồng mình chịu lạnh, đi tới, đi lui trong đêm. Họ không phải là đang đậu cành mềm, đang lộn cổ xuống ao, đang chờ người vớt hay sao?

Có lẽ tôi bi thảm hóa, hay quơ đũa cả nắm, cho sự việc thành trầm trọng chăng? Tôi đem hỏi em tôi. Em tôi cười rè, ngôn: “Nói cũng đúng. Rõ ràng là có mấy kẻ đang lộn cổ xuống ao, đang chờ người xáo măng” Hắn tiếp: “Cách nay ba bữa, tui thấy cảnh A Lón cứ tới lui, lấp ló trước nhà thị Nữ. Chị ấy đang tiếp mấy người khách từ phương xa đến, không rảnh tiếp ảnh, nên ảnh sốt ruột. Thằng Tí, em chị Nữ ghẹo: Muốn người ta, người ta không muốn. Xách cai dù – nói lái - đi xuống, đi lên. Thiệt y cái cảnh dê té giếng bị chồn mò dế. Cũng bởi cảnh hút hàng, trai thừa, gái thiếu, mới ra nông nỗi. Hồi nào, “Chợ chiều nhiều khế ế chanh/ Nhiều cô gái lứa, nên anh chàng ràng.” Mà bi giờ thì “Ba đồng một chục đàn ông/ Chị cho vào lồng, chị xách đi chơi”.

*Ba

Trường là bạn học cũ hồi còn học ở Sài Gòn. Chàng nuôi chí lớn, muốn tạo sự nghiệp rỡ ràng, thường nói đùa với tôi: “Phải bay bổng như diều, hoặc ngồi vững ở giảng đường, cho cua, chấm bài, mới thỏa chí” Thỉnh thoảng gặp nhau, vẫn thường thúc nhắc tôi đi học lại. Bẵng đi mấy năm, gặp lại, chàng nói: “Phải lo lấy vợ, sinh con trước đã. Già rồi”. Đám cưới của Trường, tôi có đi dự, có nâng ly chúc mừng: Sắt cầm hòa hiệp, Trăm năm hạnh phúc. Nhưng mấy năm sau, nghe tin hai người ly dị.

Một cuối tuần, tôi gặp Trường dắt con đi dạo phố, có trò chuyện thăm hỏi cùng hẹn ghé nhà chơi.

Tôi đến thăm Trường vào một chiều thứ Bảy. Trời lạnh, cha con Trường chơi đùa với nhau trong nhà, đang chơi trò Câu Cá Sấu. Con gái chàng ngồi ở trên thuyền giường, đội nón, choàng áo, tay cầm sợi dây nịt, thả thòng xuống sàn nhà, miệng kêu cá sấu, cá sấu, hãy đến ăn câu. Cá sấu Trường bò tới lui trên sàn, miệng khen có mồi ngon, muốn ăn mồi. Cá đã trộng tuổi, trán bắt đầu hói, chân tay gân guốc, da nhăn, cặp kiếng cận nổi cộm ra... Rồi cá dính câu, phải ngoan ngoãn để thợ câu kéo lên thuyền. Thợ câu trói sấu lại, vỗ về là sẽ đối xử tử tế, sẽ đưa vào vườn thú cho con nít xem.

Trường diễn vai cá sấu hay lắm, sợ sệt, năn nỉ, ỉ ôi, rất cảm động. Chàng diễn khéo đến độ con gái-thợ-câu muốn làm sấu. Vậy là đổi vai thành thợ câu già câu trúng cá sấu nhí. Lần này thợ câu hung dữ, hăm he đòi mổ thịt cá sấu, sấu sợ qúa đòi nghỉ chơi, không dám ăn câu. Tôi ngồi nhìn cảnh cha con chơi đùa, mà phục bạn giỏi.

Trường có ý muốn dạy con tiếng Việt. Chàng thử tập con quen với những truyện cổ tích Việt, nhưng thấy truyện lơ lửng, không phù hợp với khung cảnh mới nơi đây. Chàng hát cho con nghe, thì con chê dở, nói những bài hát ở vườn trẻ nghe hay hơn nhiều. Cuối cùng, chàng dạy con nói những câu nói thường ngày. Con hỏi học những câu đó để làm chi. Nói: để nói chuyện với ông bà nội, với mấy cô, chú. Đáp: Má và con không tính đi VN, thì không gặp nhà nội, không phải nói tiếng Việt. Nhà nội có đến đây thăm con, thì sẽ học tiếng mới, sẽ như ba vậy, sẽ dễ hơn. Chàng chịu thua. Cũng không thể ép con ăn uống theo những thứ chàng thích.

Nuôi con càng lâu, càng thấy nhiều rắc rối, xung đột. Như hai cha con vào rừng đi dạo, thấy đường đi khó, chàng đặt con ngồi trên vai, tuần sau vợ cũ điện thoại than phiền đã tập hư con, vì con muốn cũng được ngồi trên vai, khi đi chơi rừng với má. Như có dắt con đến với những người đồng hương, đến nhà bạn bè, thì thường nhận được điện thoại: sao để con bị đùa cợt thô lỗ, bị chọc ghẹo làm con sợ. Riết rồi Trường mất dần cả tự tin, cùng chẳng còn tâm trí đâu mà đeo đuổi, mà mơ mộng chí lớn nữa.

*Bốn

Tiếp xúc, tới lui với những người ở khu tạm cư, tôi cũng nghe nhiều sự lạ.

Nhàm chán với cuộc sống tạm, với ngày dài chờ đợi, bọn con nít và đám thanh niên trẻ, thường thích pha tiếng, pha giọng nói các miền để cười đùa, chọc ghẹo nhau làm vui. Tôi thường nghe: “Thân qua như con cá gô nằm trong gổ”, hay: “Con chọ không cọ răng mô. Bước chưn vào, nó táp cái bốp, phun máu. Thế mà bảo với ông là không răng mô”. Có khi trêu cợt ở dạng tung hứng. Một đứa hỏi: “Nước nào có tháp Ép-phen nà?” Liền có đứa đáp: “Nước Phốp”. Lại nói: “Bốn nâm bửa không tốm không hưa” Có đứa hỏi liền: “Sao bốn năm bữa không tắm mà không hôi được?” Liền có giải thích: “Không phải, là bốn năm bảy không tám không hai đó, là số điện thoại”.

Có lần, tôi gặp anh Tịnh, anh than phiền mới đánh con có mấy roi, mà sở xã hội kêu lên bàn chuyện dạy con. Hỏi ra mới hay là anh đánh con, có lằn, có vết, rồi bày ra cạo gió, cho con đi học. Ở trường tập thể dục, thầy giáo thấy vết roi, tức giận, báo cáo lên trên. Tôi nhìn anh, tưởng lại một cảnh cũ đã thấy ở nơi anh ở, hỏi đùa: “Vậy anh có tính đi lý luận với họ không, có cần người chứng thì dắt tôi theo. Tôi đi”. Anh cười, nói: “Lần sau có lỡ đánh, thì giữ nó ở nhà cho tan vết roi, rồi mới cho đi tới trường. Con mình, không dạy bằng roi vọt thì sao nên người được? Như tôi đây, hư đốn, ông già lấy dây cột hai chưn, hai tay, đem treo trước nhà, nhờ vậy tôi mới khá hơn. Giờ nghĩ lại tôi càng thương ổng”.

Nhớ, hồi gia đình anh mới đến, mọi người phải lấy mẫu nước tiểu đựng trong lọ nhựa có nắp đậy, nộp cho cô y tá. Cả nhà, ai cũng làm xong êm thắm, riêng đứa con ba, bốn tuổi, là trở ngại, nhứt mực không cho ra chút nước, mặc cho dỗ dành, đe dọa. Anh Tịnh, lúc đó đi đâu về, nghe chuyện, kêu con lại, kéo quần nó xuống, kê lọ nhựa vào, lệnh: đái. Thằng con cứng đầu đứng yên nhìn anh. Anh đưa tay vỗ bốp vào mông con, liền có nước chảy re re ra lọ. Thấy khá đủ, anh lệnh: ngưng. Đứa con không ngưng, anh vỗ bốp bốp hai tiếng, nó liền ngưng. Anh đậy nắp lọ, đưa nộp cô y tá. Cô y tá cười: “Lại có kỹ thuật độc đáo như vậy”. Đứa con được con chị kéo quần lên, dắt đi ăn kẹo. Anh nói với tôi: “Đơn giản, như đang giỡn”.

Cũng nơi khu tạm cư, tôi còn nghe được những mẩu đối thoại khó quên.

Vợ kêu ca: “Đưa mười đồng bạc để đi mua sữa cho con uống. Đi một lèo, tới khuya mới về. Con đói khóc, chờ, sữa không có, tiền đem chơi games”. Chồng: “Nói, nói, suốt ngày. Ồn quá”.

Vợ: “Xứ này ai cũng phải đi làm, đầu tắt, mặt tối. Không ai rảnh mà hầu hạ. Nhà dơ không biết hút bụi, ly chén dơ không biết rửa. Suốt ngày nằm thườn ra, hút thuốc, coi phim”. Chồng: “Ở ruộng, lội ruộng, chưn chưa hết phèn, mà bày đặt chưng diện, son phấn. Thấy muốn ói”.

Việc dọn đến chỗ ở mới, để sống ổn định, cũng làm nhiều người băn khoăn, lưỡng lự. Có người than thở: “Chỗ đó xa lắm, ở giữa rừng, phải vượt qua mấy vùng đồng hoang, vắng vẻ, toàn đồng lầy, lau sậy”. Có người nói: “Vậy chứ chỗ nào mới không xa? Chỗ nào mà chẳng xa, chẳng lạ, với người mình? Ở bám, chen chúc, nơi thành phố lớn, với nhà cũ, chật, tiền thuê cao, sao bằng ra chỗ nhà mới xây, rộng đẹp hơn, yên tịnh, thoáng đãng hơn. Đi bộ chưa tới mười phút, là có trạm xe buýt. Ngồi xe buýt mười lăm, hai chục phút, là tới thị trấn lớn, có nhà ga xe lửa, có bến xe buýt, đủ các tuyến đường đi toả ra khắp nơi, đến các khu công nghệ, hãng xưởng, nhiều tiệm quán, nhiều cơ hội có việc làm”. Lại lo âu: “Nhưng xa trường học con tôi”. “Chúng nó học lớp mấy rồi? Luôn luôn, khi thiết kế khu dân cư, người ta đều tính trước nhu cầu về trường học, bịnh viện, cảnh sát, khu buôn bán, hàng quán, nhà thờ, nghĩa trang đều có đủ. Còn lo gì?”. “Nhưng tôi thấy như đi kinh tế mới, tôi sợ, tôi không yên”. “À, chuyện này thì khó giải quyết, cần phải nói chuyện với chuyên gia tâm lý mới xong”. Lại có người nói: “Trong khi người khắp nơi tụ về đây. Mình ở đây lại tản ra xa”. Lại có người bàn: “ Phải nhìn lại cho rõ. Mình ở bây giờ là ở chỗ tạm. Mình phải tìm một chỗ ở ổn định, để an cư, lạc nghiệp”. Rồi có người nói lý: “Đất rộng để làm gì? Có ai sẽ làm ruộng đâu? Ở giữa rừng thì còn gặp ai quen?”.

*Năm

Văn Nghị vô làm được ở công ty xây dựng cầu, đường, ai cũng mừng dùm, chờ được dắt theo vô. Nhưng chàng không trụ được lâu, phải thôi việc.

Chàng yếu sức quá, sử dụng máy đào xới không được. Thợ khác, có sức, hai tay xách hai máy, đi lại tự nhiên. Chàng hai tay ôm một cái, cóng róng. Mỗi lần bấm nút cho máy chạy, máy tưng lên, chàng phải đu theo ôm lấy máy. Rốt cuộc, máy đào phá lung tung. Rớt. Sau, chàng vào làm phụ bếp, rửa chén ở nhà hàng. Có lúc rên rỉ: “Mấy đứa đàn bà lỡ thì và con nít ranh, mà cũng lên mặt hiếp đáp. Bực mình”. Vợ khuyên: “Thì tìm việc nhẹ hơn mà làm. Miễn là mình chịu làm”.

Anh Khang, dặn vợ ở nhà coi con, ngày ngày đi ra ngoài nghiên cứu đường làm ăn. Anh mặc cái áo vest vải sọc nâu đậm, có sọc nhỏ vàng, xanh, đúng thời trang, tay áo xoắn cuốn lên, hai khuỷu tay có kết miếng da sẫm, quần jean đen, giày thể thao, trông trẻ trung như bầu sô, phong độ như già làng. Anh quan sát công việc từ câu cá, bán vé xe, bồi bưng bia, thợ xây dựng, thư ký nhà băng, phát thư, đến bán hàng dỏm ở vỉa hè.

Cuối cùng hai vợ chồng tìm sắm một xe van cũ, đi cất hàng sỉ, rồi chở bán dạo. Hàng bán chính yếu là thực phẩm đồ khô, gạo, mì gói, v.v... thứ gì có người cần mua thì anh có bán. Khởi đầu ì ạch, ai cũng ái ngại cho anh. Nhưng vài năm sau anh có ba chiếc van, một chiếc lấy hàng, một chiếc giao hàng, một chiếc chở cả nhà anh và hàng độc, hàng hiếm quý, đồng hồ, nữ trang. Vợ anh còn thủ một kính lúp coi hột xoàn.

Văn Xìn thì chuyên sửa xe dạo. Thị Nữ thì có nghề nấu cho đám, tiệc, làm bánh chưng, cuốn chả gìo. Văn Lê, chơi trượt băng té dập xương vai, phải mổ, khâu. Bảo hiểm thường tiền, Lê đem tiền mua một bộ máy chụp hình đi chụp các đám cưới, đám tang. Ban đầu chụp tặng, sau lấy tiền phim, về sau lấy tiền công. Album làm ra có ký tên, đóng dấu đàng hoàng.

Già Hường lại khác, thường thấy mặc áo choàng dài, mũ nỉ, kiếng đen, xách cặp táp, y như thám tử đi mần việc, thường xưng là giáo sư/ võ sư võ dân tộc, chuyên huấn luyện thể lực, trị bịnh tâm linh. Muà hè già lại còn gom người chở đi hái dâu tây ở các ruộng dâu.

Năm, bảy năm qua nhanh, nhiều nhà có con học ra kỹ sư, dược sĩ, y tá, v.v... Tôi từng thấy thầy giáo Hoà sung sướng cầm tờ thư một hãng lớn nhận con ông, vừa ra trường, vào làm kỹ sư thiết kế, mức lương năm, khởi đầu đã gấp ba mức lương thầy giáo. Cha dùng lá thư gởi con như tấm giấy thông hành, mang đi khắp nơi, có dịp là đưa ra khoe, vui sướng như con trẻ khoe đồ chơi với bạn.

Còn anh em tôi?

Em tôi như con cò bay xa, bay lả bay la, em học xong đại học thì xin được học bổng làm nghiên cứu sinh, đi học tiếp ở Úc. Có vẻ như mọc rễ ở đấy. Còn tôi, ở nơi này, vẫn dò dẫm lần bước, như con vạc ăn đêm, dù có quen dần với băng giá.

Nguyễn Kỳ Yên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,478
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.