Hôm nay,  

Tết Quản Chế

29/02/201600:00:00(Xem: 13991)

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 3764-17-30264vb2022916

Bồ Tùng Ma là bút hiệu của Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH., chỉ huy ngành chiến tranh chính trị thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Sau đó là nhiều năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Ông từng nhận các giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2001, giải Việt Bút 2008, và từ 6 năm qua, là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" Giải Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Bính Thân 2016,

* * *

Tôi cùng 15 bạn tù ra khỏi trại tù cải tạo đầu năm 1983, trước Tết Quý Hợi chừng một tháng. Trong số bạn tù này có anh Tu, cựu Sĩ quan Không quân VNCH, cùng đi với tôi suốt đoạn đường từ trại tù đến Đà Nẵng. Việc đầu tiên của chúng tôi là tìm một cái quán nào đó có bán "chất tươi" và "chất bột", nghĩa là có bán cá thịt và cơm để ăn. Tôi đã có sẵn một ít tiền trong túi do gia đình tiếp tế. Thấy bên góc phải, gần cổng trại có một cái quán nhỏ, xiêu vẹo, chúng tôi bước vào. Vào rồi mới biết ở đây bán thịt chó. Lủng lẳng trên cái giá bằng tre là những con chó lớn nhỏ đủ cỡ đang nhăn răng "cười" chúng tôi.

- A, thịt chó. Có thịt chó chắc là có rượu-Anh Tu reo lên với giọng hồ hởi, phấn khởi.

Tôi chưa bao giờ ăn thịt chó, nhưng ngửi thấy mùi nửa thơm nửa tanh từ thân xác mấy con chó, nước miếng cũng trào ra.

- Có rượu chớ.

Anh chủ quán nói, nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngại. Có lẽ anh ta sợ mấy thằng tù này không có tiền. Tôi vội cho tay vào túi móc mấy tờ bạc ra... khoe. Anh chủ quán nói:

- Không dấu chi các anh. Hôm qua có mấy thằng hình sự vừa được tha tới đây ăn uống no nê, rồi chạy. Tui đuổi theo. Bất ngờ công an thấy rứa cũng đuổi theo. Chừ tụi hắn bị giam trở lại. Không biết khi mô mới được ra. Biết vậy tui đã không đuổi theo.

- Yên tâm! Tụi này có tiền mà.

Tu nói, cho tay vào túi lấy mấy tờ giấy bạc có mệnh giá cao ra bỏ trên bàn. Anh chủ quán trông thấy tiền, ngạc nhiên nhưng chỉ yên lặng. Đây là những tờ giấy bạc Tu khéo dấu từ khi bị tập trung, định làm chi phí trong những lúc cần thiết như trốn trại. Sau bao nhiêu lần đổi tiền, những tờ giấy bạc này bây giờ chẳng dùng được vào việc gì cả. Tu là con "mồ côi", vợ anh đã bỏ anh sau khi anh bị tập trung một năm. Chị nói Tu không chịu phấn đấu học tập tốt, không về sớm với chị, nên chị phải bỏ Tu.

Mặc dù "ngoại hình" thịt chó không thẩm mỹ, có chỗ thâm đen có lẽ vì bị đánh trước đó, còn rượu thì sực nức mùi cồn y tế, nhưng hai chúng tôi cũng no say gần xỉn. Lúc tôi trả tiền có mấy công an trại bước vào. Thấy chúng tôi, một công an hỏi:

- Mấy anh mà cũng "chơi" thứ ni hả?

Tôi giật mình, tự hỏi không biết mình có quyền ăn thịt chó không. Tôi chào hai công an rồi cùng anh Tu bước ra khỏi quán.

Trên đường đi tôi gặp Bích và Hương, hai cô đang ngồi trên phiến đá ở đầu khu rừng vắng. Họ có giấy ra trại trước tôi mấy ngày, không hiểu sao bây giờ mới về. Hai cô bị tù "cải tạo nhân phẩm". Bích nói:

- Tụi em rời trại từ sáng sớm nhưng đợi có người đi chung. Sợ cọp quá.

- Mấy cô có giấy ra trại hôm kia mà.

Bích nói:

- Tại con Hương bị bệnh?

- Bệnh gì?

- Bệnh... phụ nữ.

Bích ngập ngừng một lát rồi tiếp:

- Bác sĩ phải... nướng que sắt, xong cho vào trong đó... mà đốt.

- Nói chi ghê vậy. Thôi lên đường!

Hai cô đứng dậy đi theo chúng tôi. Bích đi nhanh nhẹn, tuy mang đến hai ba-lô; nhưng Hương thì đi như có cái cùm vướng vào chân.

Tôi vừa đi vừa nghĩ đến cái trại mà tôi cầu mong từ nay sẽ vĩnh viễn xa nó, nghĩ đến nhà giam có tên là nhà 7. Nhà giam chúng tôi, những người tương đối có cấp bậc cao, lớn tuổi, gần nhà giam mấy cô này. Khi đi lao động chúng tôi thường đi chung với mấy cô, lợp cái mái nhà của mấy cô trại cũng chọn mấy "ông già" như chúng tôi, có lẽ trại nghĩ chúng tôi thuộc loại hết xíu-quách, không ve vãn mấy cô như lớp tù trẻ, nhất là tù hình sự.

Tôi nhớ có lần đang lợp nhà thì nghe tiếng cười khúc khích phía dưới, nhìn xuống thấy ba bốn cô trần truồng như nhộng. Mấy cô đang thay áo quần. Đó là lần đầu tiên sau 7 năm tôi thấy thân hình không che của phụ nữ. Một cô nhìn lên thấy chúng tôi, cười nói:

- Đừng ồn tụi bây! Cho mấy ổng nhìn chút đi.

Đó là cô Bích. Bây giờ đang đi bên Bích, bất giác tôi quay nhìn Bích... hơi kỹ. Tuy Bích ở tù nhưng ăn mặc lành lặn, biết làm đẹp; còn chúng tôi, ai nhìn cũng tưởng ăn mày, cái bang. Anh Tu đội nón cời tả tơi, quần áo vá chằng vá đụp, trời lại lạnh nên anh vận thêm ba cái "áo trấn thủ" chằm bằng bao cát chống đạn, trông anh giống như người bù nhìn ngoài ruộng biết đi. Tôi thì ăn vận khá hơn một chút nhưng chân bị đau, đi cà nhắc, phải chống gậy nên cũng không bảnh bao hơn Tu bao nhiêu.

Đến trưa chúng tôi vẫn chưa qua khỏi khu rừng vắng vẻ, một khu rừng tưởng chừng như không có lấy một con muỗi. Lúc cả bọn ngồi nghỉ dưới một tàng cây lớn ven đường Bích nói nhỏ với tôi:

- Anh còn nhớ hồi ở thôn 5 anh nói chi không?

- Tui nói chi?

Thật tình lúc ấy tôi không nhớ tôi đã nói gì với Bích. Tôi đang moi óc suy nghĩ thì Bích nói:

- Cái hồi em đi cấy mà anh cũng xuống khom lưng cấy bên em đó, dù anh nói anh rất ghét làm việc nhẹ như cấy, lặt rau, rửa bát..., thà làm việc nặng như đốn gỗ, xong việc có thì giờ nghỉ.

- Phải, có nói vậy thiệt, nhưng vì hồi đó đốn gỗ đúng chỉ tiêu một cây 5 thước, đường kính gốc 3 tấc, đốn xong về quá sớm, trại bắt làm thêm một cây nữa, nên đổi ý, làm việc khác.

- Sao đốn xong, không nghỉ trong rừng, về chi sớm. Hơi... ngu.

Tôi lấy làm lạ, sao Bích "hỗn" với tôi như vậy, nghĩa là nói có vẻ thân mật: "ngu". Tôi nhìn cô, thấy mặt Bích đỏ, mắt long lanh, hấp dẫn. Tôi nhớ tôi đã từng nói với Bích một cái gì đó. Tôi nhỏ nhẹ hỏi:

- Anh nói gì, em lặp lại đi! Cứ tự nhiên.

- Anh nói... anh nói khi ra ra trại chúng ta... thân mật với nhau.

Tôi vắt óc suy nghĩ. Hình như trong lúc cao hứng tôi đã nói một câu tương tự như thế. Tôi cười nói:

- Nhưng làm sao thân mật được. Giữa rừng không mông quạnh này.

Bích đưa mắt nhìn vào trong rừng. Vừa lúc đó một chiếc xe đò ọc ạch chạy đến. Tu dìu Hương ra ngoài đường đón xe. Tôi và Bích theo sau. Cả bọn lên xe. Tôi lên sau cùng, phải bu cái giá để hành lý, đứng phía sau. Bu được chừng nửa giờ, tay mỏi quá tôi bu cái ống sắt kế bên, nhưng vội buông tay ra. Tôi đã bu cái ống khói. Xe chạy bằng than. Tay tôi bị phỏng khá nặng.

Đến Tam Kỳ xe tạm dừng. Tôi đi ra phía trước hỏi tài xế có thuốc gì chữa phỏng không. Anh ta đưa tôi ống kem đánh răng, bảo lấy kem thoa vào. Tôi thoa "thuốc" xong, đưa trả ống kem, tình cờ nhìn trong kính chiếu hậu thấy... ai đang đứng phía sau tôi, "hắn" rất giống tôi, chỉ khác là già hơn rất nhiều, mái tóc bạc phơ. Tôi nhìn kỹ, nhận ra "hắn" chính là tôi ở trong gương. Hơn 8 năm đây là lần đầu tiên tôi soi gương. Tôi không ngờ tôi lại già và xấu đến thế. Tôi lên xe, không thấy Bích đâu cả, hình như cô đã xuống Tam Kỳ, không một lời từ biệt.

Từ bến xe Chợ Cồn, Đà Nẵng tôi và Tu đi bộ về nhà ở Chợ Mới cách đó không xa. Nhà tôi và nhà anh Tu gần nhau. Hơn 8 năm mới trở lại quê nhà, nhưng tôi thấy cảnh vật không có gì thay đổi nhiều. Về gia đình, sự mất mát lớn nhất của tôi lúc đó là ba tôi đã vĩnh viễn ra đi. Tôi không khóc. Mấy em gái tôi nhìn tôi với ánh mắt dường như ngạc nhiên, mấy em không biết rằng nước mắt tôi đã chảy vào bên trong.

Buổi chiều tôi mượn chiếc xe đạp của người em họ định đạp một vòng quanh thành phố, nhưng tôi chỉ đạp đến đường Pasteur thì trở lui. Tôi cảm thấy như mình vừa vượt qua hàng rào trại tù, có cảm giác như đang ở trong một thế giới nửa hư nửa thật. Nhưng chỉ chừng mấy giây sau tôi đã bình tâm lại, đạp xe đến Chợ Cồn. Tôi giật mình thấy trước mặt có một người đàn ông trần truồng đang đứng trên cái bục điều khiển giao thông ngay giữa ngã tư Hùng Vương và Ông Ích Khiêm. Anh ta đang hươ tay bắt chước công an chỉ phía này, phía nọ. Mấy thằng bé đứng bên đường, vỗ tay reo:

- Hoàng tử "Du Cơ"! Hoàng tử "Du Cơ"!

Thì ra đây là một gã điên. Gã nhảy khỏi bục khi một công an tiến về phía gã. Gã cứ tồng ngồng như vậy đi đến đám người buôn gánh bán bưng ở ven đường, phần đông là phụ nữ. Đám người này đang dáo dác nhìn anh công an, chẳng "ngó ngàng" gì đến gã. Anh công an bấy giờ là "người của đám đông", chớ không phải là gã như trước đó. Đám đông lao xao chuyền miệng hay ra dấu cho nhau rời khỏi khu cấm buôn bán. Hình như anh công an cảm thấy như vậy là mình đã hách rồi, hách hơn thân phận trước đây của mình nên vẻ mặt đầy tự mãn, vênh vênh, lấy một điếu thuốc gắn lên môi rồi đứng yên.

Lúc bấy giờ Chợ Cồn đang được xây lại, đổi tên thành Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng. Một nhóm công nhân ngồi trên cái giá cao, tô xi-măng bức tường phía trước. Họ làm việc một cách uể oải, có người như đang ngủ gật. Phía dưới có mấy phụ nữ đang đẩy những chiếc xe cút-kít đựng cát, vừa đẩy vừa cười nói, mà nói cười nhiều hơn đẩy. Một anh, hình như đốc công hay giám thị, đứng dưới đất thản nhiên nhìn họ. Lát sau có mấy người đến hỏi gì đó, anh ta huơ tay nói lớn:

-Thiệu nói: "Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm". Nào! Nhìn Cộng sản làm kìa! Cái chợ nay đã thành... thành... trung tâm...

Tôi ngán ngẩm, đạp xe về nhà. Tối hôm đó công an phường đến nhà gặp tôi. Một anh chúc mừng tôi học tập tốt, trở về sum họp với gia đình. Anh ta bảo tôi hôm sau đến trình diện đồn, rồi chiều đi họp tổ dân phố.

Trong lần họp tổ dân phố đầu tiên của tôi, tôi là "nhân vật quan trọng" nhất trong đám người có mặt. Tôi đinh ninh ở đây không ai "thắc mắc" tôi, nhưng tôi đã lầm. Bà Thu, người cùng quê, rất thân với gia đình tôi, đưa tay phát biểu vào phút chót. Bà ấy đứng dậy chỉ vào tôi. Tôi hoảng hồn nhớ đến người đàn bà bồng con chỉ vào mặt địa chủ trong một tấm ảnh nói về cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Tôi lúng túng không biết phản ứng thế nào thì bà ta đã hỏi một câu mà tôi không biết bà ấy muốn hỏi gì:

- Rứa chớ anh về địa phương, thấy cách mạng... phản ảnh... ra sao?

Tôi ngập ngừng một lát rồi trả lời bừa:

- Địa phương... phản ảnh tốt lắm. Công an Phường đến nhà chúc mừng, nhắc nhở học tập... thêm cho tốt hơn.

Có tiếng cười khúc khích trong đám người ngồi chung quanh tôi. Sau này tôi mới biết đó là tiếng cười của ông Ba Thới. Ông cười vì nghe tôi nói "học tập thêm cho tốt". Ông Ba Thới là phu xích-lô, ngay sau ngày "giải phóng" ông được làm Chủ tịch phường, nhưng vì chỉ học hết lớp 1, rất trở ngại trong việc hành chánh, cần người học khá hơn một chút, trên... lớp 2, nên họ cho ông thôi việc, không quên cấp cái bằng "Có Công Chống Mỹ Cứu Nước". Ông Ba Thới rất bất mãn, thường nói "phản động". Hôm tôi mới về ông Ba Thới đến nhà thăm, trong lúc nói chuyện ông chửi: "Cách mạng con C. Đồ vắt chanh bỏ vỏ". Tôi hoảng hồn, đi ra phía sau, giả vờ lấy nước uống.

Ngay sau đó buổi họp tổ dân phố bế mạc. Nghe nói trước đó bà Thu đã từng chất vấn nhiều người mới ở tù về bằng nhiều câu hỏi mà ai cũng lúng túng, ấp úng, không biết bà muốn hỏi gì. Mẹ tôi nói bà Thu không phải là người "tiến bộ", bà ấy chỉ quá sợ mà thôi. Số là hồi nhỏ bà ấy từng chứng kiến cha của bà bị hai người lạ vào nhà bắt đi, nói ông có tội gì đó. Họ bảo ông mang theo cái thuổng đào đất. Sau này có người nói với bà Thu họ đưa ông ra bãi cát gần đó và chém ông bằng mã tấu như ngày nay IS chém những kẻ "ngoại đạo", chỉ khác là ông phải tự đào huyệt chôn mình, đào kỹ để khi ông nằm trong đó chân tay khỏi lòi ra ngoài. Bà Thu ăn ngủ không yên kể từ ngày "giải phóng". Ai cũng tưởng bệnh sợ này của bà thuyên giảm dần, không ngờ càng ngày càng nặng. Trong 8 năm qua, khi ở trong nhà vào lúc đêm hôm, nghe ai gõ cửa bà cũng tưởng họ đem mã tấu đến đưa bà đi. Thế nên trong buổi họp tổ nào bà cũng nói một câu gì đó làm "thuốc chữa" cho nhẹ bớt "tội tổ tông".

Chỉ hai ngày sau khi tôi về nhà, vợ tôi đã ra Đà Nẵng. Cả đại gia đình tôi ai cũng vui mừng sum họp với tôi, nay vợ tôi cũng thế. Tôi cảm động đón nhận lòng tử tế thương yêu này, nhưng trong thâm tâm vẫn có mặc cảm thua kém hơn tất cả mọi người, thua cả một công dân hạng bét ở đây. Tôi cảm thấy tôi làm phiền gia đình, kể cả vợ tôi. Chúng tôi chưa có con với nhau, không có tài sản chung, không một tờ hôn thú, chẳng có gì ràng buộc tôi với bà ấy ngoài tình nghĩa. Đôi lúc tôi tự hỏi bà ấy đến với tôi vì cái gì. Không gì cả, mà còn phiền lụy thêm. Dù sao lo cho cuộc sống là vấn đề lớn lúc bấy giờ.

Rất may mắn, vợ tôi là người siêng năng tháo vát. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh bà ấy trùm tấm ni-lông che mưa, đứng bên vệ đường bán thuốc Tây, cảnh bà ấy chen đám đông chạy trốn khi bị thuế vụ rượt đuổi. Về phần tôi, chẳng làm được việc gì khác hơn là "phụ tá" bà ấy đi lấy thuốc giấu ở nhà người quen. Chúng tôi hết sức cố gắng xoay trở nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc, phải nhờ đến sự giúp đỡ của đại gia đình, trong số đó có những người thân ở Mỹ. Ngàn lần xin cám ơn...

Sau khi ra khỏi tù tôi thường "quan hệ linh tinh" với anh Tu và vài bạn tù khác, những người có thể rỉ tai nhau chuyện "phản động". Tôi không muốn gặp những bạn tù khác, vậy mà tôi vẫn gặp hai người tôi không ưa. Thứ nhất là anh Nguyễn Đ, từng là quận trưởng. Anh làm ăng-ten, hại nhiều người trong tù. Anh có người vợ rất "mất nết" khi anh ở tù nên gặp ai anh cũng "khoe" việc này bằng cách nói vợ tất cả anh em tù đều "mất nết". Có khi nói rất tục tĩu, thí dụ như:

- Lấy mè, lấy đậu để trước... vợ mầy. Chim rúc ra nhiều lắm, đủ loại chim.

Anh em ai cũng bực mình anh Nguyễn Đ, có người thù ghét anh ta. Theo tôi, chuyện "mất nết" này nếu có cũng không nên đề cập đến trong thời điểm đó. Bản chất Nguyễn Đ lưu manh, ác độc, lấy sự đau khổ của người khác làm thú vui của mình. Người thứ nhì là anh Ông V T, "con mồ côi" ngay khi vừa bước chân vào trại. Vợ anh bỏ đi đâu mất từ 8 năm trước. Anh đến nhà gặp tôi, xin ủng hộ ít tiền. Tôi nói tôi làm gì có tiền. Anh đi quanh nhà, lên tận bàn thờ tổ tiên, chỉ vào mấy cái lư hương sáng choang do vừa mới được đánh bóng để ăn Tết:

- Những thứ này đem bán có giá lắm. Hình như chừ ít sản xuất...

Dù rất bực mình nhưng tôi cũng cười, ngắt lời:

- Thôi đi ông nội! Có điên không vậy? Mà tui có muốn bán, tui cũng đâu có đem ra khỏi nhà được, ai cũng thấy.

- Khuya tui đến đứng dưới nhà. Anh lấy dây cột mấy thứ này lại, thả xuống, tui lấy đem đi.

- Thôi, thôi... Tui đi có việc, gặp sau nghe.

Anh Ông V T ở trong tù làm đội trưởng, "có thớ" lắm. Nghe nói anh cũng làm ăng-ten nhưng tôi không rõ thật hư thế nào.

Thật kỳ lạ! Cả hai anh Nguyễn Đ và Ông V T đều chết trong cùng một tháng vào năm 1986. Anh T chết vì bánh xe hơi nổ; anh Đ chết vì khí độc khi làm một công việc sản xuất gì đó. Anh rất "tiến bộ", nghe lời chính quyền địa phương răm rắp, chỉ lao động sản xuất, không buôn bán.

*

Vợ tôi có thai! Dù có thai nhưng bà ấy vẫn ngược xuôi buôn bán. Nhờ vậy và cũng nhờ sự giúp đỡ của người thân ở Mỹ chúng tôi đã chuẩn bị được một cái Tết khá tươm tất.

Lúc bấy giờ ở Việt Nam có hai giới rất được mọi người, nhất là phụ nữ, ưa chuộng. Đó là những thủy thủ viễn dương và những tài xế xe vận tải ra vào biên giới, tên thường gọi là "quá cảnh". Hai giới này có tiền nhờ buôn bán, thường là buôn lậu. Tôi còn nhớ có anh Tí, thủy thủ viễn dương, nhờ qua Nhật vào các bãi rác nhặt nhạnh đủ thứ trên trời dưới đất mà về Việt Nam xây được cái nhà khang trang ở đường Duy Tân. Ở khu này có nhiều nhà do cán bộ xây, dân gọi là nhà "nuôi heo". Số là những cán bộ có tiền kiếm được không chính đáng như buôn lậu, ăn hối lội, bèn giả vờ nuôi mấy con heo để chứng minh lợi tức.

Gần Tết người Việt ở Mỹ về ăn Tết khá nhiều. Họ làm đảo lộn "trật tự xã hội" của các anh thủy thủ và "quá cảnh" nói trên. Họ có tên thường gọi là "Việt Kiều". Tôi chưa từng trông thấy một "Việt Kiều" bằng xương bằng thịt, chỉ nghe nói họ không những có tiền mà còn đẹp nữa, chẳng khác gì tài tử điện ảnh Hồng Công. Nghe nói "Việt Kiều" thường đi trên đường Hùng Vương nên tôi đạp xe xuống đó ngồi trong một quán cà phê cốc để chờ xem. Tôi không chờ lâu, chỉ chừng 5 phút sau, chị chủ quán nói:

- Việt kiều đến rồi!

Tôi nhìn ra đường. Một cô chừng 30 tuổi, khá đẹp, ăn vận trông là lạ, vai đeo máy ảnh, tay cầm chai nước lọc, đang đi trên lòng đường. Hình như cô ta cảm thấy mình đang được mọi người nhìn nên hơi mất tự nhiên.

Tôi đợi một lát không thấy có "Việt Kiều" nào thêm nữa nên đứng dậy trả tiền. Hình như biết ý tôi, chị chủ quán nói:

- Việt Kiều thường đến khu Hàng Heo, chợ Cồn.

Vì chưa được thấy nam "Việt Kiều" nên tôi xuống địa điểm chị chủ quán vừa nói. Nơi đây có chừng 10 người đứng quanh một chiếc xe hơi, họ đang chuyện trò với mấy người ngồi trong xe hơi mà tôi đoán là "Việt Kiều". Nghe nói những "Việt Kiều"này gốc "Cuba" tức gốc Quận 3 ở bên kia sông, trước đây là ngư dân. Tôi cảm thấy ngày nay dường như họ từ một thế giới khác đến đây, cái thế giới mà tôi không thể nào bước chân lên được. Tôi buồn bã đến chỗ vợ tôi đang ngồi bán thuốc Tây với dáng người mệt mỏi vì có bầu. Trông thấy bà ấy tôi càng buồn thêm, buồn cho tôi, cho bà ấy, buồn cho những ai không phải "Việt Kiều".

Tôi càng buồn hơn nữa khi gặp thằng Điệp. Nó là thằng móc túi có tiếng ở khu này. Nó ra khỏi tù trước tôi chừng một tháng và tiếp tục hành nghề cũ. Nó đứng sau lưng một người đàn ông đang say mê xem quảng cáo và ảo thuật. Nó đưa tay ra trước ngực ông ta, xòe ngón tay trỏ và ngón tay giữa trên túi áo của nạn nhân, định móc cái gì đó trong túi. Bỗng nhiên nó nhìn chung quanh và thấy tôi. Chúng tôi nhìn nhau. Một lát sau nó lại tiếp tục "ảo thuật" nhưng rồi lại bỏ đi. Tôi nhẹ cả người, thầm cám ơn nó. Tôi và nó khá thân nhau trong trại vì thường trao đổi rau và mắm ruốc với nhau. Nó thiếu chất tanh, tôi thiếu chất tươi. Nếu nó không bỏ đi, tôi chẳng biết đối xử với nó ra sao trong tình huống này. Tôi không thể tri hô lên cho công an bắt nó, mà cũng không thể giả lơ để nó hành nghề.

Tám chín năm ở trong tù, tôi bị bưng bít, nay ra ngoài đời thấy những "con người mới xã hội chủ nghĩa" như thế này, không khỏi buồn rầu cho cuộc đời mới của mình. Cứ như thế này, chỉ như thế này thôi, không nói đến những đối xử tệ hại khác, chúng tôi cũng đã chết dần chết mòn rồi. Chấp nhận làm một công dân hạng bét ở đây cũng được, nhưng con cháu mình có tội tình gì mà phải chịu đày đọa ở đây? Lần đầu tiên trong tâm trí tôi lóe lên ý định phải rời khỏi nơi đây.

Khoảng 25 tháng Chạp tôi qua thăm Tu, định rủ anh qua nhà tôi ăn Tết vì anh ta đang "mồ côi". Tôi nghĩ có lẽ ngày Tết công an cũng dễ dãi trong việc kiểm tra hộ khẩu. Tôi nghĩ vậy nhưng khi gần đến nhà Tu tôi lại lo. Mình cũng ẩu thật, trại đã dặn trong thời gian quản chế, về địa phương "cựu trại viên" không được liên lạc với nhau, vậy mà mình còn rủ Tu tới nhà ăn Tết. Sự lo lắng của tôi vô ích. Một bà cụ ở trong nhà Tu mà tôi không biết là ai, nói hôm qua công an vào nhà đọc lệnh bắt Tu học tập trở lại.

- Họ có trói không?-Tôi hỏi.

- Không, công an bây giơ đâu phải như trước. Họ... tiến bộ lắm. Chỉ nhỏ nhẹ bảo nó lên phường thôi. Lên phường rồi... rồi... đi luôn.

Tôi vội chào bà cụ rồi đi nhanh về nhà. Tôi sợ nếu ở đây thêm, sẽ được "nhỏ nhẹ bảo lên phường". Từ lúc đó cho đến Tết tôi ăn ngủ không yên. Sau đó tôi chỉ còn biết ngâm mấy câu thơ của cụ Phan Khôi:

Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẩu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẩu có làm gì cũng chẳng làm sao.

Ngày 25 tháng Tám năm 1984 vợ tôi chuyển bụng. Mẹ tôi, cô em gái tôi và tôi đưa vợ tôi xuống Trạm Y tế Phường để sinh sau khi đã làm đầy đủ mọi thủ tục. Chỉ Mẹ tôi và em tôi được vào phòng sinh, còn tôi thì đứng ngoài cửa. Ngay lúc vợ tôi đang la hét vì đau thì một anh cán bộ đầu đội nón cối, miệng ngậm thuốc lá, từ văn phòng đi xuống cũng la hét:

- Đẻ đái chi giờ ni! Xuống đa khoa mà đẻ. Khẩn trương họp! Khẩn trương họp!

Bà đỡ nói:

- Anh thông cảm. Đã gần xong rồi.

Anh ta định om sòm thêm nữa thì mẹ tôi dậm chân, nói lớn tiếng một câu gì đó mà tôi không còn nhớ. Anh ta lườm mẹ tôi một cái rồi bỏ đi.

Thằng bé sinh ra ốm teo như con nhái, có lẽ trong thân thể nó chỉ toàn sắn, rau và muối từ trại tù "mang về". Được cái là nó trắng trẻo, mặt mày khôi ngô. Vợ tôi tiếp tục buôn bán nên tôi là người chính thức trông nom nó. Mỗi lần thấy "con nhái", cô em họ tôi nhăn mặt nói:

- Thằng ni èo uột quá.

Lúc đó tôi có cái ý nghĩ nó được sinh ra để tiếp tục thay tôi làm phiền mọi người trong gia đình. Chẳng ai hãnh diện về nó. Ít ai bồng nó. Hồi ấy không ai tưởng tượng được thằng bé bây giờ là một thanh niên đẹp trai, cao lớn và học giỏi.

Đầu năm 1988 tôi và vợ tôi để thằng bé lại Đà Năng, rồi gom hết vốn liếng vào Sài Gòn mua thuốc Tây về bán. Chúng tôi định dùng số tiền lời thêm vào số tiền sẵn có do thân nhân bên Mỹ gởi về làm "lộ phí" vượt biển.

Chúng tôi đến khu bán thuốc Tây gần ngã tư Lê Thánh Tôn và Lê Ánh Xuân bây giờ, mua được một số thuốc đáng kể. Chúng tôi định đem về nhà người quen dấu rồi sáng hôm sau đem đi, nhưng bất ngờ một toán dân phòng (?) ập đến bắt chúng tôi về trụ sở ở đường Lê Thánh Tôn trước chợ Bến Thành. Toán dân phòng này thay thế công an và thuế vụ. Có lẽ họ đang "phấn đấu lập chỉ tiêu" để được thu nhận vào công an hay thuế vụ, nên rất hăng hái và ăn nói bặm trợn. Tôi không còn nhớ chúng tôi đã dàn xếp với họ như thế nào, chỉ nhớ vốn liếng chúng tôi tiêu tan gần một nửa. Còn một nửa được mang lên tàu lửa Thống Nhất. Vì cận Tết toa nào trên tàu lửa cũng có 3 "tầng": Dưới sàng, trên ghế, "trên không" (những chiếc võng treo tòn teng). Khách không phải là Thượng Đế mà là những kẻ đang nhờ vả. Tàu lửa chạy qua khỏi Dĩ An, chúng tôi tưởng thoát được thuế vụ ai ngờ hành khách nháo lên như chợ vỡ:

- Thuế vụ, thuế vụ.

Mấy phút sau, có hai người mặt mày như "đâm lê" bước vào. Họ nhìn lên giá để hàng hóa, đưa tay sờ nắn gần như không sót chỗ nào. Lần đầu tiên trong đời tôi khấn vái vì mê tín, xin họ đừng lục soát gói hàng hóa của chúng tôi. Nhưng sự cầu xin của tôi không linh ứng, gói hàng của chúng tôi đã bị đóng thuế nặng. Bây tôi không còn nhớ chi tiết việc này, chỉ nhớ vốn liếng của chúng tôi sau khi về đến Đà Nẵng gần như là con số không.

Chúng tôi về nhà được 2 ngày thì công an phường triệu tập tôi "làm việc", nhưng không phải làm việc tại phường tôi ở, mà bảo tôi lên một đồn công an phường ở đường Lê Duẩn. Tôi rất lo lắng, dặn dò mọi người trong nhà đủ mọi chuyện trước khi đi. Có lúc tôi định trốn vào Sài Gòn, nhưng rồi bỏ ý định trốn. Tôi đến đồn công an, bình tĩnh bước vào cái văn phòng phía trong cùng theo chỉ dẫn. Tôi ngạc nhiên thấy một người mặc thường phục ngồi sẵn đó với vẻ mặt không có gì khẩn trương. Anh ta chẳng có vẻ công an chút nào cả. Anh ta như đến nhầm chỗ, đây không phải là chỗ của anh ta. Anh ta chỉ ghế bảo tôi ngồi, xong kéo hộc tủ lấy ra một tấm ảnh đưa tôi xem.

- Anh biết ai đây không?-Anh ta hỏi.

Tôi nheo mắt nhìn kỹ rồi nói:

- Hoàng Cơ Minh.

- Đúng. Anh có nhìn ra mấy người chung quanh không?

Tôi hoảng hồn nhìn thấy tôi và 3, 4 người đứng chung quanh ông Hoàng Cơ Minh. Đây là hình chụp ông Minh và một số sĩ quan năm 1973 khi ông là Tư lệnh Lực lượng Thủy bộ 211. Lúc ấy tôi mặc đồ xám, không đeo lon vì mới đi hành quân ở Xẻo Rô về. Lúc ấy tôi còn trẻ nên trông rất khác lạ. Tôi định nói tôi là người đứng cạnh ông Minh, nhưng thấy trong hình ông Minh choàng vai tôi có vẻ thân mật nên tôi trả lời:

- Mắt tôi có vấn đề nên nhìn không rõ lắm.

Anh ta không thắc mắc gì cả, kéo hộc tủ lấy ra một tấm ảnh nữa để lên bàn. Ảnh này chụp ông Minh nằm, mắt nhắm, miệng hé mở.

- Chết rồi-Anh ta nói-Thôi, xong rồi, anh có thể ra về.

Tôi không ngờ tôi được "làm việc" nhanh như vây. Tôi phân vân không biết mình có nghe lầm không, nhưng vẫn đứng. Ngay lúc ấy một công an, hình như thượng sĩ, đến bảo tôi đi theo anh ta. Mặt anh này hầm hầm, không nói một tiếng, đưa tôi xuống thang lầu, đi qua những phòng giam có song sắt, trong đó lố nhố hiện ra những khuôn mặt đàn ông dữ tợn nhưng thiểu não. Tôi tưởng thế nào tôi cũng bị tống vào một trong những phòng này, nhưng không, tôi đã về nhà bình an. Hình như anh ta bực mình vì thấy viên công an mặc thường phục "tử tế" với tôi quá nên đưa tôi đi ngang mấy phòng giam để "hù".

Trên đường về, ngồi sau lưng anh xe đạp ôm, tôi cứ nghĩ mãi về Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh. Khi tôi ở trong quân trường ông là Hải quân Đại úy Chỉ huy phó Trung tâm Huấn luyện. Tôi còn nhớ ngày Đảo chính 1-11-1963, khi chúng tôi đang ở trong phòng học ông cùng một sĩ quan đi vào. Ông đứng trước mặt chúng tôi, rút súng colt 45 ra, chỉ qua bên phải, rồi hỏi lớn:

- Ai theo cách mạng qua bên này.

Hầu hết chúng tôi đều đi qua phía ông chỉ. Nếu tôi nhớ không lầm chỉ có một anh không đi, nhưng cuối cùng cũng đi. Năm 1973 ông là Tư lệnh Lực lượng Thủy bộ. Tôi và một nhóm sĩ quan đã chụp chung với ông nhiều hình. Tấm hình viên công an đưa xem là hình chụp sau một bữa ăn đạm bạc ở Hòa Tú. Tôi nói "đạm bạc" vì trước khi xuống đơn vị tôi ông Minh nói có gì ăn nấy, tuyệt đối không được mua thêm thức ăn, mua thêm thức ăn tức là đã... bán dầu.

Khoảng 20 tháng Chạp cô em họ tôi tổ chức vượt biên. Lúc bấy giờ thuyền nhân không còn được hoan hô như trước, nên cô em muốn giúp tôi thoát khỏi Việt Nam với điều kiện chỉ đi một mình và đem theo cậu con trai của cô ấy đi. Cô ấy nói tôi là sĩ quan, đã ở tù tương đối lâu dài, lại có thể hướng dẫn con tàu ngoài biển, nên sẽ có nhiều thuận tiện trong chuyến vượt biên mà cô ấy đã chuẩn bị hơn một năm nay. Từ 20 tháng Chạp đến cuối năm Âm Lịch tổ chức này đã có đến 6 lần vượt biên, lần nào cũng có tôi tham dự, nhưng không lần nào thành công, khi thì bị trở ngại kỹ thuật, khi thì nghe tin bị lộ, khi thì do thời tiết. Trong 6 lần vượt biên này, tôi nhớ nhất cái lần vào đêm 30 tháng Chạp năm Đinh Mão mà ai cũng tưởng là chắc ăn nhất, nhưng vẫn không thành công. Tôi về leo cổng vào nhà, thấy vợ tôi đang nằm ngủ bên cạnh thằng con trai, chung quanh hai mắt bà ấy toàn một màu đen như than. Tôi nhìn kỹ, thì ra vợ tôi đã khóc, nước mắt làm nhòa kem trang điểm chung quanh. Kể từ đó tôi không còn có ý định vượt biên một mình nữa.

Đầu năm 1988 vợ tôi và một số lớn những người buôn bán lặt vặt bị bắt đi "học tập" 7 ngày. Phường đã chọn những thành phần dễ ăn hiếp như vợ tôi có chồng là "Ngụy" để đủ chỉ tiêu cho việc "học tập" này. Họ giam người đi "học tập" trong một trường học ở phường Thanh Khê, chung quanh có tường cao bao bọc. Thằng con trai tôi lúc đó 4 tuổi, nhớ mẹ, nằng nặc đòi được đi "học tập" với mẹ nó, nhưng chính sách này không dành cho trẻ con. Lần đem nó đi thăm mẹ nó đầu tiên, vì lý do gì đó không được thăm tôi không nhớ, tôi phải bồng nó trèo lên một gốc cây gần bức tường cao hơn 2 thước để nó nhìn vào bên trong. Nó tìm mãi không thấy mẹ nó, nên khóc lóc, vùng vẫy, suýt rơi xuống đất. Một bà bán hàng rong gần đó, vừa bán hết hàng, định quảy quang gánh về nhà, động lòng trắc ẩn, bồng nó bỏ vào cái thúng, bảo tôi treo nó lên cành cây. Hơn 10 phút sau, mẹ nó mới trông thấy nó, cả hai cùng khóc. Tôi cũng không cầm được nước mắt.

Năm 1989 những tin đồn về chương trình ra đi có trật tự của tù cải tạo lan rộng, có người tin, có người không tin. Những "Việt Kiều" từ Mỹ về Việt Nam, kẻ nói này người nói nọ. Có người độc miệng nói:

- Các anh như trái banh để Việt Cộng và Mỹ đá qua đá lại. Còn lâu mới được đi Mỹ! Đừng có mà nằm mơ!

Những người này phát ngôn có vẻ như là chỉ có họ mới được "độc quyền" làm "Việt Kiều", còn mấy anh mới ra tù ngơ ngơ ngáo ngáo, mặt mày chưa hết xanh xao, chỉ có quyền "nằm mơ thấy nước Mỹ" mà thôi. Nhưng đến khi đài BBC, đài VOA chính thức xác nhận việc này thì mấy anh mới ra tù này bỗng nhiên có giá. Một số bà có tiền còn ve vãn mấy anh tù độc thân hay bị vợ bỏ, chiều chuộng công khai, cả tiền lẫn tình. Anh Tu được ra trại sau ba năm cải tạo lần 2, anh ở đâu đó, nay về làm giấy tờ xuất cảnh. Chị vợ cũ của anh Tu cũng về địa phương... kiện anh Tu vì anh đã làm giấy tờ cho bà vợ sau đi.

- Còn lâu con đĩ ngựa đó mới được đi! Nó có tên trong Bộ Quốc Phòng... ngụy như tui không?

Thật oái oăm cho chị, Việt Nam và Mỹ đều không chấp nhận đa thê nên chị không đi được.

Gia đình chúng tôi là một trong những gia đình đầu tiên ở Đà Nẵng được gọi đến Phòng Xuất cảnh nộp hồ sơ đi Mỹ, sau đó vào Sài Gòn đến Sở Ngoại vụ làm thủ tục cuối cùng trong Chương trình HO 1. Xong thủ tục, vợ tôi và thằng con trai xuống miền Tây thăm bên ngoại, còn tôi ở lại Sài Gòn để tìm hiểu thêm về việc ra đi. Chỗ tôi hay đến là một công viên bên cạnh Sở Ngoại vụ. Ở đây ngoài mấy anh cựu tù, còn có những khuôn mặt của các phóng viên hay những người hiếu kỳ, trong đó có một người mà tôi còn nhớ là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ở đây tôi còn nhớ có đọc một bài báo của Trần Bạch Đằng viết về chúng tôi, trong đó có một đoạn đại khái như sau: "... Họ sửa soạn đi định cư ở nước ngoài... Đa phần ai cũng diện vét-tông tuy trời nóng. Họ đi tới đi lui, ra vẻ bệ vệ như sắp làm ông lớn...".

Trước Tết Canh Ngọ chừng nửa tháng vào năm 1990 chúng tôi vào Sài Gòn để được phỏng vấn theo chương trình HO1. Đầu tháng 3 năm 1990 chúng tôi đến Mỹ. Chúng tôi đã sinh thêm một cháu gái và một cháu trai. Nhìn mấy đứa con xinh xắn đang ngồi trước mặt, tôi tự hỏi nếu không có nước Mỹ chúng tôi sẽ ra sao. Tôi nhớ ơn nước Mỹ. Hằng năm ngày lễ trang trọng nhất của chúng tôi không phải là Tết Dương Lịch, Tết Âm Lịch hay Giáng Sinh mà là Lễ Tạ Ơn.

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
04/04/201606:39:37
Khách
Cám ơn các ACE đã đọc và có ý kiến. CHUYỆN THẬT 99%. Còn 1% không thật là... tên vài nhân vật.
10/03/201608:34:40
Khách
Nó tìm mãi không thấy mẹ nó, nên khóc lóc, vùng vẫy, suýt rơi xuống đất. Một bà bán hàng rong gần đó, vừa bán hết hàng, định quảy quang gánh về nhà, động lòng trắc ẩn, bồng nó bỏ vào cái thúng, bảo tôi treo nó lên cành cây. Hơn 10 phút sau, mẹ nó mới trông thấy nó, cả hai cùng khóc. Tôi cũng không cầm được nước mắt.
Vừa cảm động vừa buồn cười :)
04/03/201608:24:02
Khách
Với những chi tiết rất thực về đời mình, đầy đủ cả hỉ nộ ái ố. Lời văn chua xót nhưng vẫn nhẹ nhàng. Rất xúc động khi đọc xong;Chúc gia đình tác giả sức khỏe
02/03/201617:54:57
Khách
Tác giả BTM đã biết tô vẽ cho bài viết hơn những bài trước. Không còn những chuyện đọc gai người như bỏ rơi vợ con ngày 30 tháng 4 vì không "oai" trong cách đi tị nạn, như tiếp tục lừa dối vợ cũ để bà gởi tiền về nuôi mình và gia đình mới. Nhọc nhằn của người đàn bà nuôi con một mình và nuôi thêm gia đình chồng cũ là không đáng nói...Chúc mừng!
01/03/201609:07:32
Khách
Đúng 26 năm chịu ơn nước Mỹ và thế hệ con cháu của cựu tù cải tạo như các bác đã làm rạng danh người Việt tỵ nạn. Đọc bài này của bác làm nhớ lại những ngày đi tù vượt biên. Chắc thỉnh thỏang bác vẫn nằm mơ về cô Bích chứ?
01/03/201601:52:57
Khách
Cám ơn Tac giả.Nhờ bài viết tôi mới biết thêm về'đời thực;của các vị 'cuu sĩ quan; Quân lục Việt nam cộng Hòa ' sau khi ra khỏi 'tù'
Tôi hết sức xúc động. cám thương và nể phục sức chịu đựng can trường của quý vị. Cám ơn Chúa đã đền bù cho quý vị ở miền đất Hứa Hoa kỳ.Chúc tác giả sức khỏe tốt để tiếp tục cống hiến cho bạn đoc những bài viết rất có giá trị
01/03/201601:34:13
Khách
Chúc mừng tác giả và gia đình đã thoát được cuộc sống khổ ải trong hỏa ngục Cộng sản .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,307,615
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018. Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2008.
Ông Hai nhâm nhi ly trà sâm Đại Hàn, mùi sâm thơm thơm, vị đăng đắng, hơi ngòn ngọt, màu nâu cánh dán.
Chó là một động vật rất gần gũi với con người và có ích trong nhiều lãnh vực như trông và giữ nhà, dẫn đường cho người tàn tật hay khiếm thị
Không biết từ ngữ “Ăn Tết” có từ lúc nào. Nhưng khi nói về tết với đầy đủ ý nghĩa của nó người ta dùng từ Ăn Tết.
Không biết từ khi nào tôi bận tâm về cái việc xuất hành đầu năm! Hồi còn ở quê nhà thì khỏi nói, chuyện xuất hành, hái lộc đâu phải là phần vụ của lũ con nít chúng tôi.
Tết sắp tới rồi! Một câu nói thật ngắn gọn, thật đơn giản, vậy mà sao tôi cứ nghe nao nao, cho dù tuổi đời đã gần đến cái gọi là cổ lại hy!
Vặn tay cầm, thấy không khóa, thím Sáu bèn đẩy cửa bước vô. Đèn đuốc trong nhà sáng rực, nhưng không thấy có người. Nghe tiếng động trong phòng tắm
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia. Bài mới của cô là chuyện vui gia đình và bạn đọc Viết Về Nước Mỹ cuối năm.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018, hiện đang phát hành khắp nơi. Đây là tự sự của một tôn nữ thời đổi đời: Làm tài xế Taxi tại Huế. Định cư, kết hôn với người Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến