Hôm nay,  

Đen Trắng, Trắng Đen

21/01/201600:00:00(Xem: 19172)

Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 3729-17-30229vb5012116

Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của ông.

* * *

Thời kỳ đi dạy ở San Bernardino đầu thập niên 90s, tôi chơi thân với Jerry, đồng nghiệp Mỹ trắng dạy lớp 5. Jerry có cử nhân luật nhưng tập sự luật sư một năm thì bỏ, chuyển qua nghề giáo. Vợ chồng Jerry có mỗi đứa con gái lúc đó mới lên ba, tên Sheila. Trường chỉ có tôi, John, và Jerry là thày giáo đàn ông, còn thì toàn các cô giáo, do đó cánh thày giáo đàn ông rất thân nhau. Nhân viên trường đa số toàn là Mỹ đen, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, resource teacher, custodian… Dân San Bernardino cũng đa số là da đen, lợi tức thấp, phố xá buôn bán lờ đờ, xe cộ thưa thớt, không sinh động tấp nập như dưới Santa Ana. Dân tỵ nạn VN mới qua lên đó ở đông, vì giá nhà thuê rẻ.

Năm 2005 tôi về hưu, ghé chơi thăm vợ chồng Jerry thấy con bé đã thành một cô gái dậy thì trắng trẻo xinh đẹp học High school, nhưng Jerry tâm sự rất bực mình vì tuy con học giỏi, xinh đẹp, lại đi bồ với boyfriend da đen, có tới nhà chơi một hai lần. Có lần ngồi chơi phòng khách với Jerry, tôi nghe Mary, bà xã Jerry nhiếc mắng Sheila dưới bếp:

- Mày muốn lấy chồng Mỹ đen thì ít ra phải lựa đứa đi xe Mercedes, có hai ba cái nhà, làm bác sĩ luật sư, lương “6 con số” mới đáng, còn không thì ở vậy còn hơn. Đừng có lẹo tẹo với mấy thằng Blacks gia đình ăn welfare, hút xì ke, hát nhạc “ráp”, tụm năm tụm ba chửi thề inh ỏi mà có ngày tiêu đời đó con…

Jerry có ý hơi ngượng với tôi, nhưng tôi giả vờ không nghe, quay hỏi chuyện khác, trong bụng nghĩ ông bà này khéo lo xa, bọn teens ở highschool xứ này thay đổi bồ bịch liền liền, chơi qua đường chứ chắc gì sau này ra đời kết làm vợ chồng.

Bẵng đi mấy năm sau nghe nó có bầu với thằng đó, nhưng dấu không cho cha mẹ biết, nghe gia đình Jerry xào xáo lục đục một dạo khiến tôi ngại không dám ghé chơi, chỉ nghe qua một người quen làm ở trường cũ kể con bé mới 17 tuổi khi sinh con, và chết trong lúc đẻ, bỏ cháu lại cho ông bà ngoại nuôi, bên nội không hề biết tới. Tôi mang quà tới thăm thấy đứa bé là con gái, đen thui, tóc quăn tít, được Mary ôm trong tay, đút bình sữa vô miệng. Hai vợ chồng ngượng ngập khi thấy tôi, nhưng rồi không kìm hãm nỗi bực tức thương nhớ đứa con gái xinh xắn bất hạnh, thay nhau kể lể đầu đuôi ngọn ngành bằng giọng nói pha nhiều nước mắt… Tôi cũng lắc đầu ái ngại.

Rồi con bé, tên Cathy, lẩm chẩm lớn lên, được bà ngoại chở đi học mẫu giáo, lớp một, lớp hai. Con bé da ngăm đen, ít cười, ít nói, khô khan, không giống như Sheila, lúc nào cũng vui vẻ tươi tắn dễ thương. Hai vợ chồng ghét cay ghét đắng thằng rể da đen bất đắc dĩ, tên Nathan, nên nó chỉ lén lút gặp con ở sân trường, hay rón rén theo bà mẹ tên Carter tới chúc Giáng sinh vợ chồng Jerry mỗi cuối năm.

Bỗng một hôm, Jerry gọi phone, hốt hoảng báo tin vợ bị car accident. Mary lái xe chở mấy bà bạn bị xe truck tung, bị thương nặng ở đầu đã nhập viện. Tôi lật đật lên thăm, thấy Mary nằm thiêm thiếp hôn mê trong phòng E.R, tới chiều thì nghe tin chết, y tá đưa xuống nhà xác. Tôi ngồi chia buồn với Jerry cả tiếng đồng hồ, có cả Bobby, luật sư bạn của Jerry ở đó, hai nguời bàn tán nói chuyện với nhà quàn và nhà thờ lo thủ tục ma chay.

Hôm làm lễ ở nhà thờ, tôi có dự, hai ông cháu Jerry ngồi ghế hàng trên, thấy bà Mỹ đen “xui gia” Carter và đám cháu ngồi ở băng ghế dài bên kia ngoái cổ nhìn sang. Tôi để ý thấy bé Cathy cũng có lúc ngoái cổ qua nhìn, nhưng không mỉm cười, hình như không mấy cảm tình với bà con bên nội, có lẽ vì từ khi mới sinh, đã quen sống bên nhà ông bà ngoại rồi. Mấy năm nay, ngày nào bà ngoại cũng lái chở đi học nên càng gắn bó với bên ngoại.

Mấy ngày đầu sau khi chôn vợ, Jerry hay dậy trễ, sáng nào Cathy cũng gõ cửa đánh thức, bắt ông ngoại da trắng đánh răng, chải tóc, thắt nơ để chuẩn bị đi học. Jerry không quen với công việc này, bắt nó tự đánh răng rửa mặt lấy, cầm lược chải tóc thì cào từ trên xuống, bị con bé nhăn nhó chỉnh:

- Ông phải chải từ dưới lên cho tóc bung ra thế này nè.

Rồi bắt thắt nơ. Thắt xong, ra trước gương ngắm nghía, cằn nhằn:

- Ông ngoại thắt “up side down” rồi. Làm lại cho con…

Rồi ra xe chở đi học. Lần đầu chở cháu nên Jerry đi lạc, dừng lại, hỏi đường, phải loay hoay lòng vòng một lát mới tới trường, vừa lúc chuông reo, Cathy bắt phải hôn nó một cái trước khi chạy vào lớp.

Mười ngày sau, cuối tuần, Jerry mời bà xui gia Mỹ đen và gia đình qua cầu nguyện cho Mary và ăn picnic sau vườn. Vườn rộng, có hồ bơi, cây cối xanh mát, Cathy nhập bọn với đám chị em họ, khoe đồ chơi... Bà Carter ngắm khu vườn rộng, nói mại hơi:

- Hồi đó, mỗi lần tui tới đây, cứ nghĩ bụng có ngày ông sẽ mời gia đình tui tới “enjoy” barbecue ở backyard này…

- Bà muốn tới lúc nào cũng được, no problem…

- Tui biết ông không ưa con trai tôi… nhưng từ giờ trở đi, nên để cho con bé sang thăm ba nó thường hơn. Bên đó con nít bằng tuổi nó đông, vui hơn bên này, lủi thủi có hai ông cháu. Hay ông cho nó sang ở bên tui đi? Để tôi nuôi.

Jerry nhún vai không nói, chỉ cười.

Quanh quẩn tối ngày chỉ có hai ông cháu trong ngôi nhà rộng, bà nấu ăn chỉ làm ban ngày, tối về. Jerry mỗi lần nhìn cháu da đen tóc quăn tít, hay phụng phịu bắt làm theo ý nó, lại nhớ đến con gái tóc vàng, Sheila, da trắng mát, nghẹo cổ tươi cười ngoan ngoãn lúc còn sống ở bàn ăn, phòng tắm, sau vườn. Rồi lại nhớ đến vợ hay chăm sóc tỉ mỉ cho Cathy, hòn máu duy nhất của con gái chết quá trẻ để lại. Anh tìm tới bia rượu để quên sầu. Bữa ăn trưa một chai, tối một chai. Rồi tăng lên hai chai, ba chai. Dần dần, anh nghiện lúc nào không hay, bị Cathy cằn nhằn hờn giận hoài. Bà nấu bếp cũng dấu bớt rượu, không muốn anh say sưa trong nhà. Có lần anh ướm hỏi Cathy muốn về bên bà nội ở không, nó hỏi lại, “Ông muốn con qua đó ở hả?” Jerry lúng túng, “Không, chỉ hỏi vậy thôi.” Nó nghiêm chỉnh trả lời, “Không, con muốn ở đây, con đi ông ở có một mình, ai săn sóc cho ông ngoại?”, làm anh thấy nghẹn ở cổ, chớp mắt, quay mặt đi dấu vẻ xúc động.

Có vài lần con bé đem homework toán lớp 3 ra nhờ ông chỉ, chỉ là toán trừ toán nhân, mà nó loay hoay làm sai hoài, anh cắt nghĩa tới lui, bực mình có lúc phải nổi nóng to tiếng lên, rồi sau cùng nhắm không đủ kiên nhẫn, đăng báo mướn math tutor tới nhà kèm Cathy. Đăng quảng cáo “Cần người” được hai ngày thì có ngay cậu sinh viên Mỹ đen ăn mặc gọn gàng, vẻ thông minh, lễ phép, nghiêm trang tới xin việc, đem theo những tín chỉ đã lấy với điểm A+. Jerry interview, hài lòng nhận Scott vào làm ngay, rồi mấy ngày sau, bắt cậu này làm tài xế luôn cho mình, trả thêm tiền, vì lúc nào cũng lừ đừ, ngầy ngật, nói ra nồng nặc mùi rượu, sợ lái gây tai nạn chết người, bỏ lại Cathy không ai nuôi.

Scott là người có tâm địa tốt, thông cảm tâm trạng cô đơn và hoàn cảnh “già nuôi cháu mọn” của Jerry, hay nhỏ nhẹ khuyên anh bớt uống rượu, giới hạn số giờ Cathy ngồi coi tivi mỗi ngày để con bé học hành khá hơn. Luật sư Bobby, bạn Jerry cũng lo lắng, luôn khuyên anh phải bỏ rượu, e rằng bà xui gia lấy lý do đó kiện tước quyền nuôi dưỡng Cathy để giao cho bà. Scott rất đồng ý với Bobby. Có lần Jerry bảo Scott chở tới thăm nhà bà xui gia, Scott ôm cặp theo anh bước vô, sửng sốt thấy một đám người da đen lớn nhỏ đủ cỡ láo nháo ùa ra chào đón cười nói ồn ào. Thằng cháu trai bà Carter, cỡ 18 tuổi, mặc áo thun trắng, cao to vạm vỡ khỏe mạnh, chăm chú nhìn Scott, cười láu lỉnh:

- Hey, anh là ai? Body guard của ổng hả?

Scott lúng túng. Jerry giới thiệu:

- Đây là Scott, tutor kèm học Cathy. Tôi nhờ cậu ta lái xe luôn. Còn đây là bà Carter, xui gia tôi, và các con cháu...

Thằng cháu nhe răng cười bắt tay, hất hàm hỏi:

- Ông “thày” làm lương khá không?

- 20 $ một giờ.

- Wow, khá vậy đó!

Bà xui gia lôi Jerry vô garage coi business của bà. Một cô cháu ngồi ở máy may, xung quanh la liệt máy móc, nào computer, printer, scanner, fax machine, copy machine, sổ sách, trên tường lại treo bảy tám cái licences và bằng khen… giống y như một cái home business đang làm ăn phát đạt. Jerry hỏi đùa:

- Sao, chị “xui”? Nghe nói chị muốn kiện tôi đòi giữ Cathy hả?

- Tôi là đàn bà, săn sóc nó tỉ mỉ tốt hơn ông, không phải sao? Hồi Mary còn sống, săn sóc nó chu đáo, tôi không phải lo, bây giờ chị ấy chết rồi, ông là đàn ông, làm sao chăm sóc dạy dỗ nó tỉ mỉ được?

- Nhà bà đông đen ồn ào, làm sao nó học hành ? Nhà tôi rộng rãi, yên tịnh… Trường tiểu học ở khu nhà tui nổi tiếng là dạy giỏi nhất vùng Nam L.A này.

- Ở đời, có thứ đàn ông giỏi, có thứ đàn bà giỏi, Trời sinh như vậy, ông không thấy sao? Chuyện nấu ăn, lau chùi nhà cửa, giữ trẻ là chuyện của đàn bà. Hay là tui với ông ra tòa xin “shared custody” đi? Mỗi người giữ nó một tuần.

- “No”, Jerry đáp cộc lốc.

Bà Carter nổi nóng to tiếng:

- Có phải ông muốn nó xa lánh hẳn đám bà con da đen chúng tôi không? Ông khinh dân da đen phải không? Ông nên nhớ ba nó là “black” mà.

- Tôi không muốn con trai bà ở gần cháu tôi, chỉ có vậy thôi.

Jerry nói xong, kêu Scott xách cặp ra xe chở về. Bà xui gia mặt đanh lại, hầm hầm chống nạnh đứng nhìn theo.

Thế là bà ta mướn luật sư kiện Jerry ra tòa đòi “custody” Cathy, tòa gửi giấy báo Jerry. Jerry tới văn phòng luật Bobby họp với hai luật sư đồng nghiệp làm chung với Bob. Bob dằn mặt:

- Anh có ba cái bất lợi. Thứ nhất, bà chánh án xử vụ này là da đen, anh có biết không? Tất nhiên chánh án da đen không bao giờ muốn cháu “black” tới ở với ông nội “white” cả. Tâm lý thường tình là như vậy. Thứ hai, Edouard, em trai bà “xui” anh là luật sư, sẽ đại diện cho bà ấy trước Tòa. Nghe nói hắn là tay cãi cừ khôi, có mấy cái bằng tiến sỹ lận. Thứ ba, anh đang mắc bệnh nghiền rượu. Luật sư bên kia chắn chắn sẽ nêu lý do này để yêu cầu giao custody cho bà Carter. Anh phải chuẩn bị tinh thần.

Steve, luật sư bạn, đứng lên kê khai tiểu sử lý lịch gia đình phe đâm đơn kiện:

- Bà Carter là con một gia đình 6 con. Học chưa hết trung học, nhưng giỏi cách làm ăn mua bán. Là chuyên viên địa ốc có licence nhiều năm nay, sở hữu 2 căn nhà, có business “dry cleaning” và sửa quần áo. Có tiệm cho thuê quần áo cưới cô dâu chú rể. Bà có 2 con, con gái đã có chồng con đàng hoàng, con trai (cha của Cathy) không nghề nghiệp, hút sì ke ma túy bị ngồi tù mấy lần. Ngoài ra bà còn nuôi thêm một cháu trai, hai cháu gái tuổi teens kêu bằng dì, ở chung nhà. Tóm lại, đây là một người đàn bà có bản lãnh. Khuyết điểm duy nhất bà ta là có thằng con trai hư hỏng, vô tích sự. Chúng ta sẽ tấn công vào điểm này.

Jerry nói:

- Tôi có hỏi Cathy, nó không muốn ở với bên nội. Chánh án cũng phải hỏi ý kiến nó để cứu xét chứ đâu phải chỉ nghe lời bà nội nó.

Bobby lắc đầu, đưa bàn tay ngang cổ, cười:

- Nhưng mà họ nêu vấn đề ông về hưu, uống rượu say tối ngày là tụi này bó tay.

Jerry chống chế:

- Về hưu thì mới “spend time” nhiều với cháu chứ. Tôi chỉ thích uống, chứ không có vấn đề nghiện ngập... Để từ từ tôi giảm lại.

Bob gãi đầu, ngập ngừng:

- Tôi hỏi thế này có gì… không phải… ông bỏ qua nhé…. Ông có ý định ngồi nhà nuôi nó ăn học “full time” lên đại học không? Nếu không, giao cho bên nội “da đen” nó lo, “lá rụng về cội”. Sau này… nó nên hay hư, không ai trách ông.

- Ông nói cái gì vậy? Nó chỉ “đen” một nửa thôi, mẹ nó là “trắng” mà. Như Obama, sống ở Mỹ chứ có về Africa đâu…

Bobby thấy hố, nín thinh, không nói nữa.

Tối đó, trên giường, dưới ánh đèn vàng, anh tay choàng vai cháu ngồi bên, tay cầm sách đọc chuyện cổ tích “Mermaid”, lên giọng xuống giọng, con bé dúi đầu vào cổ anh, tự nhiên ôm choàng lấy anh, hôn lên má, thì thầm:

- I love you, Grandpa.

Anh nín lặng, nhớ lại ngày xưa cũng đêm đêm ngồi trên giường ngủ đọc chuyện cho Sheila nghe, lúc đó mới học lớp 1 lớp 2, con anh cũng vòng tay hôn ba, thủ thỉ những tiếng âu yếm như vậy. Anh nghẹn ngào, chớp mắt muốn khóc.

Cathy lo lắng nhìn vào mặt anh, hỏi:

- Are you O.K, Grandpa?

Jerry chớp mắt, khe khẽ gật đầu. Cathy vuốt má anh:

- Thôi, truyện Mermaid này buồn quá ông ạ, đừng kể nữa, con buồn ngủ rồi.

Jerry đứng dậy, đắp mền cho cháu, tắt đèn, hôn cháu “good night”, rồi về phòng mình. Đêm đó, anh lại mơ thấy Sheila cùng anh đi dạo trong vườn sở thú, Sheila nắm tay anh, nhí nhảnh tươi cười, ngây thơ xinh đẹp bên đám hoa nở, trông như thiên thần. Tuổi già cô độc, mất vợ, mất con, ban ngày Jerry kiềm chế nỗi đau qua men rượu, nhưng đêm đến, nỗi buồn bị nén vỡ òa ra khỏi tâm thức biến thành giấc mơ mà mỗi lần tỉnh dậy, anh lại ngơ ngẩn bần thần cả giờ.

Rồi tháng ba, tới ngày ra tòa, anh và bà xui gia đều có luật sư ngồi 2 bên. Luật sư Mỹ đen, Edouard, là em trai bà Carter. Chánh án Mỹ đen nghe qua lời yêu cầu giao bé Cathy cho bên nội của luật sư Ed bên cáo, ngạc nhiên hỏi bà Carter:

-  Bà là bà nội đứa nhỏ? Bà đứng tên đòi custody nó? Nó ở cả đời với ông bà ngoại nó, bây giờ bà nghĩ sao mà tự nhiên đòi bắt nó về nuôi?

Luật sư Bobby thừa cơ đứng lên kể lể cái xấu của bố Cathy:

- Your Honor, con gái ruột thân chủ tôi năm mới 17 tuổi còn đi học đã bị con trai bà này làm cho mang bầu, phải tủi nhục dấu cha mẹ mấy tháng liền cho tới khi không thể dấu đuợc nữa mới nói thật, đành bỏ học ở nhà. Cậu Carter junior này lúc đó 23 tuổi, dropped out trung học, đi bụi đời, xài cần sa, ma túy, gia nhập với băng đảng trộm cắp, bị nhốt tù mấy lần. Khi sanh đẻ, hai mẹ con bà này cũng chẳng hề tới để thăm viếng, rồi cô bé sinh khó, phải mổ, rồi chết ngay sau khi đó. Đứa bé mồ côi được ông bà ngoại nuôi săn sóc cho tới giờ. Những năm khó nhọc ông bà vất vã với đứa bé mất mẹ, mẹ con bà này có biết tới không? Khi nó đau ốm, có bao giờ ngửa tay bồng bế, lo tiền thuốc men cho nó không, mà bây giờ đòi bắt cháu?

Bà chánh án vừa nghe xong thì luật sư Ed đứng dậy nói chuyện lôi thôi giữa cha mẹ con bé, chuyện Sheila chết vì hậu sản, hay Nathan hút xì ke không có ăn nhằm gì tới quyền đòi custody cả. Bà chánh án ngoảnh lại nhìn mấy người da đen ngồi cạnh bà Carter coi thử có thằng con hư hỏng bà Carter ở đó không, rồi nhìn bà Carter, chờ đợi lời giải thích. Bà này không đứng dậy mà oang oang chỉ tay về phía Jerry tố khổ ông này uống rượu say cả ngày và bênh vực thằng con trai mình chỉ “chót dại “ lỡ lầm có một lúc thôi, nay đã cai nghiện thành người tốt rồi. Luật sư Ed thúc cùi chỏ ra dấu cho bà chị im đi mấy lần, bà vẫn trân tráo nhìn bà chánh án bô bô lớn tiếng chê bai Jerry như ở chỗ không người. Bà chánh án nghiêm nghị cảnh cáo sự mất kỷ luật phía bà Carter, yêu cầu bị cáo đi gặp bác sĩ tâm lý học và therapist khám nghiệm coi Cathy có bị tổn hại gì về tâm lý nếu ở với ông ngoại không, rồi mới hẹn kỳ sau thông báo ngày giờ xử custody hearing lại, nếu hai bên trình đủ chứng có biện minh hợp lệ.

Jerry dẫn Cathy tới gặp người therapist đàn bà coi nó có vấn đề gì về mặt tâm lý không. Mấy ngày sau, anh hỏi Cathy bà therapist nói gì. Nó kể bà ta hỏi nó có nhớ, hay nằm mơ thấy ba nó không, bảo đừng kể cho ông ngoại nghe chuyện gì về ba nó cả, đừng nhắc nhở tới ba nó, vì ông ngoại không ưa ba nó. Jerry nghe cháu báo cáo, bực mình, nổi xung lầm bầm, “tưởng trắc nghiệm gì, khuyên nhủ gì cho con bé vui, ai dè lại gây chia rẽ giữa người lớn với nhau, cho dù điều đó có thật đi nữa cũng không nên nói vậy, con nít nó thắc mắc vô ích.” Anh than phiền với Bobby. Rồi anh để ý thấy sau khi gặp bà therapist mấy lần, con bé có vẻ cứng đầu, bướng bỉnh, khác hẳn con gái anh hồi đó, đâm ra giận lây Cathy. Một lần nó mải mê ngồi bàn chơi game với cái I-pod, Tivi thì mở nói oang oang mà lại không coi, bèn tắt Tivi, hỏi làm homework ngày mai chưa, nó nói chưa. Anh hai lần to tiếng bảo “Dẹp đi, vô làm homework xong rồi mới được chơi!” nó vẫn ngồi yên, hai tay bấm bấm, mắt dán chặt vào màn hình, làm anh nổi xung gầm lên, giựt phắt cáí I-pod, la ầm ỹ, khiến nó hoảng sợ bỏ chạy lên lầu, vừa chạy vừa mếu máo khóc:

- Con không muốn ở với ông nữa. I want my daddy…

Rồi đóng sập cửa phòng lại.

Hai ngày sau đó, hai ông cháu không ai nói với ai tiếng nào. Sáng nó chuẩn bị đi học, thấy Jerry cầm lược đứng ở cửa bathroom, nó tỉnh bơ tự chải tóc lấy, không cần nhờ giúp. Jerry chở nó tới trường, nó xuống xe, tần ngần một hai giây, rồi đóng cửa lại, bỏ vô lớp không chào ông ngoại một tiếng. Qua ngày thứ ba, Bobby gọi Jerry tới office gấp, nói có thằng con rể tới gặp muốn nói chuyện riêng. Jerry tới, mượn phòng Bob nói chuyện với Nathan, ngồi xuống hất hàm hỏi:

- Sao, cậu muốn gì tôi?

- Con có nghe mẹ và cậu con muốn kiện đòi custody Cathy. Con không muốn bắt con bé làm gì, để ba nuôi, nhưng con đang thiếu một ít nợ, xin ba giúp con trả nợ, rồi thì con lên Seattle lập lại cuộc đời…

Jerry cười hỏi:

- Sao cậu không xin ông cậu luật sư giàu có của cậu. Hay mẹ cậu, nghe nói kinh doanh khá lắm mà?

- Ông cậu không ưa con, còn mẹ con thì bắt con về ở nhà với bả, làm theo ý bả, mới cho tiền trả nợ.

- Có tiền vào rồi cậu lại chứng nào tật ấy, “ngựa quen đường cũ” thôi… đi hút xách, mua bán xì ke, ai mà tin đuợc?

- Hết rồi. Con bây giờ “clean” rồi. Trả nợ xong, con sẽ lên Seattle làm việc, cam đoan sẽ trở thành người tốt cho ba coi.

Jerry móc bóp đưa cho Nathan 100 bạc:

- OK, khoan đi đâu hết, tối mai đúng 7 giờ, cậu mua bó hoa và món quà nhỏ mang tới nhà tôi mừng sinh nhật Cathy. Nó đang cần cậu.

- Nó muốn gặp con à?

- Nó đang buồn lắm, nó muốn gặp cậu.

- OK, tối mai con tới. Còn chuyện tiền bạc con cần, có nói ở đây luôn không?

Jerry đang bực mình, nổi dóa, to tiếng đuổi Nathan ra.

Chiều hôm sau, Jerry và bà bếp nấu nướng lo party sinh nhật cho Cathy la liệt món ăn trên bàn hết rồi mà 8 giờ Nathan vẫn không thấy tới. Rồi 9 giờ, cũng chả thấy gì, Jerry tức bực ra vào, chửi thề luôn miệng. Cathy hỏi “Ba con có gọi báo tin gì không?”, anh nói “Phone ba con bị hư”, lúc khác, anh lại nói “có lẽ ba con bận công chuyện gì đó gấp”. Hai ông cháu ngồi chờ hoài, sau cùng Jerry đành cho con bé đi ngủ, kiếm chai rượu ra uống cho quên phiền muộn.

Sáng hôm sau, theo lời mời của Jerry tới ăn sinh nhật Cathy, bà Carter dẫn một bầy con cháu tới dự “pool party” ngoài vườn. Cathy vui mừng theo bà nội và lũ trẻ ra sân chơi đùa, nhảy nhót, bơi lội. Cái hồ bơi thiệt rộng, nước xanh trong veo. Trẻ con nhày ùm ùm bơi lội, hò hét. Bà Carter rón rén vô nhà tìm Jerry xin lỗi cho thằng con thất hẹn tối qua:

- Xin anh tha lỗi cho Nathan. Tôi biết nó có lỗi thất hứa, sai hẹn với anh. Chỉ vì nó sợ anh mắng chửi nó trước mặt con nó nên nó không dám tới. Thực ra ra nó đã cai nghiện rồi, nó “clean” rồi.

Jerry bực dọc bỏ đi:

- Bà thấy tư cách nó như thế đó, hạnh kiểm nó như vậy đó, mà cứ bênh nó chầm chập. Ai mà tin tưởng nó được.

- Nói thật anh, nó đang ngồi trong xe ngoài kia kìa, sợ không dám vô sợ anh chửi mất mặt với mọi nguời.

Jerry vén màn nhìn ra thì thấy quả thật thấy thằng rể “trời đánh” đứng dựa vào mũi xe, cúi đầu nhìn xuống dáng điệu thiểu não. Anh ra mắng cho mấy câu, Nathan nhận lỗi, lập lại lời bà mẹ nói là ngại bị anh chửi trước mặt con nên đã không dám tới. Jerry chưa hết cơn giận:

- Mày có biết mày làm con mày đau khổ lắm không khi mày không tới dự sinh nhật nó tối qua. Mày có thương con mày không? Tao cho mày một cơ hội để làm hòa với nó mà mày bỏ qua… Mày lấy tiền tao đi hút xách ăn nhậu ở đâu tối qua?

- Có trăm bạc mà ăn nhậu gì. Bây giờ tui tới rồi nè.

- Tới mà ngồi ngoài xe này làm gì? Chờ tao ra năn nỉ mời vô nữa hả? Vô nhà đi, con mày nhớ mày lắm đó. Vô cho nó mừng.

Jerry bỏ vô nhà. Một lúc sau Nathan mới rụt rè ló mặt vô. Bà mẹ đang ngồi với con gái ở ghế xích đu, thấy vậy tươi hẳn nét mặt, gọi Cathy ở hồ bơi lên, khoác khăn lông chạy tới đón ba. Jerry trong nhà nhìn ra thấy con bé mặt mày rạng rỡ, vui vẻ tiến lại ba nó. Anh thấy Nathan quỳ xuống cỏ, mở 2 cánh tay ôm lấy con. Cathy âu yếm úp mặt vào lòng ba nó làm anh quay đi chỗ khác. Buổi trưa, Jerry đi kiếm coi Nathan ở đâu, thấy nó ngồi ngủ say sưa ở ghế trong phòng khách. Anh vỗ ngực đánh thức nó, ra hiệu theo anh vô bếp, móc túi đưa cho một xấp tiền:

- Đây này, 10 ngàn đô, mày cầm lấy mà đi trả nợ và cai nghiện cho sạch, nếu không, đừng có lại gần cháu tao. Nhiêu đó đủ không?

- Tôi “clean” rồi, chỉ cần tiền để trả chút nợ... cảm ơn ba.

Qua tháng Năm, hai bên tranh chấp lại ra tòa, vẫn bà chánh án cũ. Lần này Jerry đem theo cậu “math tutor”, còn luật sư Ed kia đưa Nathan ra trình làng, ăn mặc thắt cà vạt sang trọng chững chạc. Hắn chất vấn Jerry:

- Tại sao Nathan con rễ ông cai nghiện rồi mà ông vẫn không muốn nó lại gần cháu ông? Có phải vì nó da đen không? Nếu nó da trắng thì ông có cấm không?

Jerry lắc đầu thở dài:

- Rồi, rồi… lại lôi vấn đề kỳ thị chủng tộc này ra để bắt bẻ rồi….

- Ông hình như không thích dân da đen, phải không?

- Chỉ một số nào thôi. Tùy người…

- Có phải hôm Nathan nó không giữ lời hứa tới nhà ông dự party con nó, ông tức giận mắng nó là “street nigger”(thằng mọi đen ma cà bông) không?

- Đúng… tôi có nói. Tôi xin lỗi….lẽ ra …tôi không nên dùng chữ đó. Nhưng mười năm trước, khi nó dụ dỗ con gái tôi, hai tiếng đó đã ăn sâu trong tiềm thức tôi rồi. Tôi vẫn mắng con gái tôi” Kìa, thằng “street nigger” của mày tới thăm kìa, ra mà đón”. Tôi cũng thường email hay text cho con tôi, dùng những tiếng khinh bỉ như vậy để ám chỉ nó. Cho nên bây giờ, khi không kềm được tức giận nhất thời, hai tiếng đó phun ra là chuyện tự nhiên.

- Giả thử nó là đứa da trắng thì ông có dùng hai chữ đó không?

- Tôi không phải là loại người kỳ thị chủng tộc, hay thành kiến với màu da. Nhưng ông và tôi rõ ràng khác nhau về màu da, phải không? Khi tôi thấy ông, hay bất cứ nguời “black” nào, màu da đen nó đập vào con mắt tôi trước tiên, và ý nghĩ đầu tiên của tôi là ông “da đen”. Sau đó, tùy vào ông là dân trộm cắp, xì ke ma túy…hay làm bác sĩ luật sư thì ý nghĩ kế tiếp của tôi vê ông là Xấu hay Tốt, đáng khinh hay đáng trọng, phải không? Cái thằng này lúc đó bỏ học, xì ke ma túy, ăn mặc lôi thôi, theo băng đảng trộm cắp… bảo làm sao tôi không khinh bỉ nó. Nếu nó da trắng mà bê tha hư đốn như vậy, tôi sẽ không dùng chữ “nigger” mà dùng chữ khác, nhưng cũng có nghĩa là “ma cà bông” như vậy. Vấn đề không phải là màu da quyết định hạnh kiểm con người. Vấn đề là tư cách con người, biết chịu khó học, làm việc, có nghị lực, ý chí. Như cậu tutor Scott này. Nếu tôi kỳ thị da đen, tôi đã không mướn cậu làm tutor cho cháu tôi. Ông hãy nhìn cậu ta đi, đen hay trắng?

Bà chánh án nghe hai bên tranh luận, yên lặng không nói gì, bênh Eduard thì người ta tưởng vì bà da đen nên bênh da đen, mà bênh ý kiến Jerry thì cũng còn hơi sớm. Cử tọa cũng yên lặng. Phiên tòa lại hoãn tới kỳ sau để quyết định coi ai đuợc custody Cathy.

Chiều tối hôm đó, Jerry vô phòng cháu chuẩn bị ngủ, Cathy hỏi ra tòa có tốt không, anh nói “tốt”. Cathy khoe anh mấy bức hình màu nó vẽ, trong có tấm vẽ 3 người đứng giữa một vườn hoa xanh cỏ, nó đứng giữa nắm tay ông ngoại một bên và ba nó một bên. Hình ba nó và nó thì sơn bút chì đen, còn Jerry thì da trắng nên không tô màu gì hết. Jerry bật cười khen:

- Con là một họa sĩ có tài…

Anh hôn nó goodnight rồi xuống nhà thì chuông cửa reo, mở ra thì thấy Nathan lù lù bước vào. Mặt nó hung dữ, râu quai nón đen mà da mặt cũng đen, hai mắt trắng long lên sòng sọc. Nó đòi cho nó 30 ngàn nữa. Đưa 30 ngàn nữa thì nó không bao giờ đòi custody con nó. Jerry nổi giận hét lên:

-”Get out!”

Nó không lui mà còn tiến tới, hai người đi dần ra vườn gần hồ bơi, cãi nhau ầm ý. Jerry tạt ly rượu vào mặt nó. Cay xè mắt, nó loạng choạng cúi xuống, rút ra một con dao dơ lên hăm dọa. Jerry đang ngà ngà say nên khi dơ tay đỡ, bị nó đâm con dao vào trán chảy máu té ngã xuống đất. Thằng mất dạy xông tới bồi thêm mấy cú đấm làm anh đau quá, nằm mê man bất tỉnh. Nathan chạy biến lên lầu, kiếm phòng con gái. Nó mở cửa ra, thấy căn phòng sáng lờ mờ nhưng ấm cúng, đẹp lộng lẫy, trên giường nệm,con gái đang đắp mền ngủ, hơi thở đều đều. Nó nhìn quanh thấy bàn, tủ, kệ sách, búp bê, đồ chơi, bình hoa… toàn thứ đắt tiền. Chợt nó nhìn lên vách thấy khung hình Sheila chụp hồi còn sống, dịu dàng tươi cười vui vẻ. Nó nhìn hình người yêu rất lâu, nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc bồ bịch giao du với Sheila, con gái nhà giàu, vừa đẹp vừa giỏi. Nó hối hận đã vô tình hủy hoại đời Cathy, vì nó mà chết trẻ, bỏ con lại cho cha mẹ nuôi. Nó hình dung ra sự đau đớn của Jerry chắc là to tát lắm, khi mất đứa con gái duy nhất do lỗi của nó gây ra. Cạnh đó nó lại thấy tấm tranh sơn màu của Cathy, vẽ đứa bé da đen đứng giữa, nắm tay 2 người đàn ông cao lớn, một đen, một trắng, chú thích là Daddy, Me, và Granpa. Biết con vẽ, tự dưng Nathan xúc dộng, đứng lặng người. Nó thụt lùi dần ra khỏi phòng, chạy xuống cầu thang, tuôn ra vườn. Thấy Jerry còn nằm bất động, nó vội chạy tới, chùi vết máu trên trán, lay cho anh tỉnh lại.

Jerry từ từ mở mắt ra, thấy thằng cô hồn, nổi nóng toan ngồi dậy dơ tay đánh. Nathan thụt lui, lập cập xin lỗi cha vợ:

- I am sorry….I am sorry…

Rồi nó chạy biến ra khỏi nhà.

Câu chuyện Nathan tới nhà đòi tiền và hành hung bố vợ sau đó được chính nó kể lại cho mẹ và cậu nghe vì lương tâm cắn rứt, nên hai người này không căm hận Jerry như trước nữa, biết lỗi con cháu mình gây ra là quá bậy. Cho nên ngày ra tòa lần thứ ba, vào cuối tháng 6, hai người không còn lớn tiếng gay gắt với Jerry nữa. Khi bà chánh án gọi Nathan lên cho biết ý kiến, nó điềm tĩnh nói, giọng rất thành thật:

- Tôi không muốn custody Cathy. Lý do là tôi cảm thấy không xứng đáng và thiếu khả năng, điều kiện nuôi dạy con gái tôi, mặc dù tôi không còn nghiện ngập nữa. Xin quan tòa cứ để Cathy ở với ông ngoại cháu, cho ông nuôi dạy nên người. Tôi có lỗi với ông ta nhiều lắm.

Bà chánh án ngạc nhiên, nhìn luật sư Edouard. Ông này hỏi bà chị:

- Còn chị? Chị có muốn đòi nuôi Cathy như lúc trước không?

Bà Carter đứng lên nói giọng yếu xìu:

- Thưa tòa, tôi xin lỗi vì đã hiểu lầm con người ông xui tôi trước đây. Ông là người tử tế, thương yêu, quan tâm, lo lắng cho cháu nội tôi hơn là tôi nghĩ. Tôi có nuôi cháu cũng không chu đáo bằng ông đuợc.Tôi không đòi giữ nuôi cháu nữa. Xin Tòa giao quyền custody cho ông ta.

Bà chánh án thấy cả hai mẹ con phe khởi tố tự ý rút lại yêu cầu “child custody” trước đây, có vẻ hài lòng, tuyên bố giao con bé cho Jerry nuôi, chấm dứt phiên tòa.

Một tuần sau, khi Jerry mời mọi người tới dự tiệc vui thắng kiện ở nhà anh, trong đó có vợ chồng Bobby và tôi, anh kể chuyện Nathan có qua nhà thành khẩn xin lỗi anh, tỏ ý hối lỗi đã hủy hoại đời Sheila và mong anh tha thứ. Cathy cũng xin đuợc qua nhà bà nội da đen ở chơi với bà con phía nội hai tuần nhân dịp nghỉ hè, trước khi trở lại với ông ngoại đi vacation ở Hawaii và đi học tư một tháng. Ai cũng chúc mừng cho Jerry toại nguyện. Anh hứa từ giờ trở đi sẽ bỏ hẳn thói quen uống rượu để đủ sức khỏe nuôi cháu lên đại học.

Chuyện của Jerry làm tôi suy nghĩ nhiều về tình người và hạnh phúc gia đình ở xã hội Mỹ. Văn hóa, trình độ nhận thức, chánh kiến khác nhau có thể làm suy giảm tình bạn và tình yêu. Tôn giáo, gia cảnh giàu nghèo khác nhau có thể gây trở ngại, làm tổn hại tình vợ chồng. Nhưng màu da khác nhau, nhất là đen và trắng, hầu như luôn luôn là một thách thức lớn cho sự sống chung đôi lứa và hạnh phúc gia đình. Tôi không hiểu vì sao và chưa có ai cắt nghĩa một cách thỏa đáng cho tôi điều này… Chưa kể cuộc sống vô thường, nếu cái chết đột ngột xảy tới cho một trong hai người, đang lúc tuổi còn xuân, có thể còn để lại những hậu quả tai hại khôn lường cho những ngườI còn sống ở lại phải chịu đựng nhau, như chuyện của Cathy, Nathan, và Jerry.

Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
25/04/201603:12:04
Khách
Phim hay là một chuyện. Nhưng viết để làm nổi bật được cái hay của nó , làm người khác xúc động (như đang ở trong cuộc) như tác giả là chuyện không dễ...
27/01/201604:38:36
Khách
Cãm ơn anh Chương đã viết chuyện này.
25/01/201606:33:54
Khách
Black or White chứ không phải Black and White ! Octavia Spencer thủ vai bà nội Jillian Estell thủ vai đứa cháu! Xin cáo lỗi vì lý do kỹ thuật nên đánh sai!
24/01/201618:56:10
Khách
"Black and White" là chuyện phim được viết bởi Mike Binder. Kevin Costner thủ vai ông ngoại. Octavia Spencer thủ vai bà ngoại và Jillian Estell thủ va đứa . Phim sản xuất năm 2014, từng được nhiều đài truyền hình và báo chí Mỹ ngợi khen và phỏng vấn!
23/01/201618:22:05
Khách
Rất dễ hiểu. Khác ngoại hình, văn hóa, ngôn ngữ,...vì thế dân nào theo dân nấy. Chưa kể đến khác lối sống như xì ke, cướp bóc, tội phạm, hung bạo, dơ bẩn.... hỏi sao thiên hạ không sợ. Cùng một nước mà còn sống chung không được, huống gì khác nước.
23/01/201604:29:33
Khách
Bài viết hay, nội dung lẫn bố cục câu chuyện.
22/01/201619:18:44
Khách
Tui nhớ ra rồi. Film có tựa đề là Black or White. Kevin Costner đóng. Film hay
22/01/201608:57:24
Khách
cái này là film mà. Tựa là gì quên rồi. Coi trên Netflix tháng trước.
22/01/201603:51:47
Khách
Chuyen nay la dua theo phim My
22/01/201601:16:05
Khách
Bài viết hay, hay cả nội dung lẫn bố cục .

Người da trắng có ấn tượng không tốt về người da đen cũng đúng thôi. Tỷ lệ tội phạm rất cao. Tỷ lệ tốt nghiệp đại học rất thấp . Có lối sống ồn ào và hay đòi hỏi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,311,204
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.