Hôm nay,  

Mưa

02/01/201600:00:00(Xem: 12500)
Tác giả: Nguyễn Kỳ Yên
Bài số 3715-17-30215vb7010216

Tựa đề bài viết là tên của nhân vật. Trần Văn Mưa. “Tác giả là cư dân Cali đã được hai mươi năm, hiện nghỉ hưu. Lạc quan. Yêu đời.” Đó là mấy dòng tự sơ lược của Nguyễn Kỳ Yên, kèm theo bài viết lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Mong ông tiếp tục viết.

* * *

Anh ngồi ngắm chiều xuống trên biển. Không thấy đẹp như anh tưởng. Còn nhớ, một người bạn thích chụp hình phong cảnh từng nói là biển ở quận Cam có nhiều mây vào mùa đông, nên mới có những cảnh ráng chiều rực rỡ, trời nước bao la, ép những người đi dạo biển thành những bóng đen nhỏ bé, giữ thời gian dừng lại.

Một bạn khác lại nói: “Chiều tà trên biển cũng buồn chán lắm, chẳng có gì hay để ngắm, trông như con vật khổng lồ, thô kệch giẫy chết. Ánh sáng tắt ngấm, chỉ còn lại những bóng đèn leo lét, lưa thưa...”Anh ước phải chi hai người cùng ngồi đây với anh, trong buổi chiều nay, để cùng nhìn ngày tàn, để nghe họ nói có gì khác không.

Anh bước chậm, đi trở lại chỗ đậu xe. Con đường hẹp, dài, có những trụ đèn thấp rải rác, đủ soi sáng cho anh dạn bước. Anh chợt nhớ con đường núi trơn trợt, ở bên kia bờ Thái Bình Dương vào nhiều năm trước, có chỗ dốc quanh, mấy đứa con trai nhanh bước, cho kịp bữa cơm chiều ở nhà, dưới làng xóm bên sông. Đường núi vẫn còn ướt vì cơn mưa ngày hôm trước. Một đứa né nhánh cây de ra đường, lỡ bước nên trượt té. Hắn chưa kịp đứng dậy, thì đứa khác tới đè lại, hô: “Nằm yên. Đứng dậy liền sẽ bị chuột rút, sẽ mang tật. Phải hít vào vài hơi đất ẩm. Phải đái lên chỗ đau rồi mới đứng dậy được.” Một đứa khác vén quần té nước văng ướt cả hai đứa dưới đất. Có tiếng chửi nhau cùng với tiếng cười, giọng non nớt, học theo điệu người lớn. Bây giờ trong đám trẻ đó có mấy đứa còn lớn lên được? Đang làm gì? Có rảnh rỗi ngắm ngày tàn như anh?

Anh lái xe ngược về hướng núi, quanh co độ hai mươi phút thì về đến chỗ ở. Chỗ đậu xe thường ngày bị dành mất – cặp vợ chồng mướn phòng phía sau, đậu xe vào đấy, dù chủ nhà đã phân chia rõ ràng chỗ đậu cho từng người mướn phòng, dù hôm qua họ thấy anh đã trở về. Anh nghĩ cũng sắp dọn đi, chẳng cần hơn thua, va chạm với chúng làm gì. Anh đậu xe ở bên kia đường. Thoáng nhớ vẻ mặt đắc ý của gã bạn uống cà phê, từng kể cách giải quyết kẻ dành chỗ đậu xe. Chơi cứng, gã nói, nện một viên gạch bự vào kiếng trước, lọt vào trong xe, xem nó nhảy tưng lên như điả phải vôi. Làm gì nhau? Láng diềng như thế thì phải đối xử như thế.

Anh đọc qua xấp thư tích tụ hai tuần nay. Mở máy vi tính xem e-mail, đọc và trả lời. Rà coi lại chương mục nhà băng. Kiểm lại tiền cất dấu dưới bàn viết. Mọi thứ vẫn ổn như anh dự trù.

Nếu không có gì bất thường, anh dự tính, cũng đủ xoay xở một năm ở không, ăn không, dưỡng bịnh, còn chưa tính mấy tấm thẻ credit, rút ra cũng một mớ lớn. Cũng may đã thu xếp ổn việc khám bịnh, uống thuốc.

Anh nghĩ tìm một việc làm mới – việc cũ không thể làm tiếp được nữa. Việc mới tốt nhứt là gần chỗ ở, để có thể đi bộ, nếu phải bán xe. Anh lật báo ra tìm đọc mấy mục rao đăng.

Nhớ hồi sáng, ở chỗ bác sĩ tim mạch, ông trợn mắt: “Cái gì? Anh Mưa, Trần văn Mưa, bốn sáu rồi à? Trông cứ ngỡ băm mấy. Có mấy chuyện phải lo: Van tim hở. Nhịp tim không đều, có lúc ngừng đập hơi lâu. Chỗ mạch chủ phồng, rách, mình không làm gì được, phải dưỡng cho nó lành, không rách bể ra, không nghẹt lại. Chỉ uống thuốc. Tránh làm việc nặng, khuân vác nặng, tránh căng thẳng, suy nghĩ nhiều. Bệnh anh Mưa như cơn động đất: không biết nó đến lúc nào, mạnh yếu bao nhiêu...”. Ở chỗ bác sĩ giải phẩu mạch máu, anh nghe: “Hiện giờ không phải làm gì. Khi nó vỡ ra hoặc nghẽn tắt lại, chân tay thâm tím...thì mới cần đến chúng tôi. Cũng chẳng phải kiêng cữ gì đặc biệt, sinh hoạt bình thường, chỉ là đừng nâng vác gì nặng”.

Tính đến hôm qua, anh đã nằm ở bịnh viện đúng hai tuần lễ, để thay bỏ máu loãng, để trị áp huyết cao, để cai thuốc lá... Giờ chỉ còn theo dõi bịnh và lo phục sức để đi cày tiếp.

Lúc ghé thăm chỗ làm, người bạn già nói: “Chú còn trẻ mà, ngủ nghỉ vài bữa cho thiệt khỏe, rồi lại làm tiếp, sợ gì. Ca-li này luôn cần Mưa, không có mưa thì đời khô khan lắm”. Người bạn trẻ nói: “Vậy chầu nhậu em còn nợ bác, tính sao đây?... Bác lấy vợ đi. Vợ nuôi, vợ lo cho mình hết căng thẳng. Em nói vậy là bác hiểu ý em”.

Tội nghiệp, người chủ sở làm không muốn anh nghỉ, còn ngờ là anh sẽ đi làm ở nơi đối thủ cạnh tranh. Hắn hỏi tới, hỏi lui tình trạng sức khoẻ của anh, cùng đưa ra nhiều phương cách giải quyết để mong anh đi làm trở lại, nhưng cuối cùng cũng đồng ý là anh không còn hợp với loại công việc trèo cao, khuân vác nặng, như việc sửa điện bảng hiệu hay sửa máy lạnh trên nóc nhà nữa.

Anh dành ra một tuần để sắp xếp, chuẩn bị công việc dọn nhà. Anh tự cười mình, làm gì mà quýnh lên như là thu xếp hậu sự. Có câu hát que sera sera mà. Chỉ là điều chỉnh lại một chút hướng đi bị nghiêng lệch thôi. Ai lại chẳng có lúc phải làm vậy? Nhưng ngồi không anh lại sinh ra nghĩ quẫn, thấy sao mình lầm lỡ nhiều quá. Đúng là thành sự không bao nhiêu, mà bại sự quá nhiều. Cứ ì à ì ạch, cứ quay cuồng với cơm áo, với những bon chen nhỏ nhen của cuộc sống. Những mơ ước, những kỳ vọng từ thời tuổi trẻ, tàn lụi dần theo tuổi đời chồng chất. Càng lớn tuổi, càng cằn cỗi, càng keo kiệt, không còn hào phóng, ung dung như khi khí cường, lực tráng, khi còn ngày rộng, tháng dài. Chẳng phải anh tiếc nuối, hay ân hận gì về quãng đời đã qua, chỉ là không thấy rút tỉa ra được gì đáng giá. Nhưng, anh cho là điều này cũng bình thường, rồi thôi, tạm gác lại, lúc rảnh nghĩ tiếp.

Anh nghĩ lướt qua những chuyện làm bấy lâu nay, để tìm gợi ý cho việc làm mới.

Có một dạo, anh nhận chặt đốn cây, làm vườn cỏ, trồng hoa cho các nhà ở. Việc nhỏ thì làm một mình, việc lớn thì kêu thêm người phụ giúp. Anh từng lãnh dọn đốn một cây to đùng, cây magnolia đứng gần nhà đậu xe. Chủ mướn ra điều kiện phải bảo đảm cây không đè sập nhà xe. Anh sắp đặt một anh Mễ, amigo, leo lên nửa cây, cột một sợi dây thừng dài, kéo đầu dây còn lại ra phía vườn trống, tính là cây ngã về hướng đó. Một ông H.O. cũng giữ một mối dây khác, kéo về hướng cổng vào nhà. Giữ căng đều hai dây thì cây sẽ ngã đẹp vào khoảng trống giữa hai người kéo. Anh cầm cưa cắt gốc. Một hai ba, action. Cây cao, nặng ngã chồm về phía amigo, hắn sợ quá, buông dây tìm chỗ trốn. Sợi dây phía ông hát-ô căng ra, lôi ông té xềnh xệch trên cỏ, vì ông đem dây quấn mấy vòng quanh lưng cho chắc ăn, cho khỏi tuột.

Kết cuộc cũng ổn, dù một phen hú vía. Sau anh hỏi người bạn, mới biết sai lầm ở chỗ người cầm cưa. Thứ nhứt, làm biếng không chịu tỉa bớt cành cho cây gọn nhẹ. Thứ nhì, không rành cắt mổ cho cây ngã theo ý mình. Thứ ba, đã dụng “nhân” như dụng “mộc”, không biết dùng cái đầu óc của người, biến thợ phụ thành thợ gỗ.

Lần khác, anh bắc thang, khoan lỗ trên tường đúc, để gắn một bảng hiệu, anh khoan trúng ống nước chữa lửa bắc âm trong hai lớp tường, ống bể, nước tràn linh láng, phải gọi xe cứu hỏa tới mới yên. May là thiệt hại có bảo hiểm chịu gánh.

Anh cũng từng dạy lái xe cho người thi lấy bằng lái. Mấy lần muốn đứng tim vì học trò đạp lộn chưn ga thay vì đạp thắng, ra dấu đèn trái rồi lại quẹo phải, ngừng ở bảng STOP sau một xe khác, thấy xe đó chạy, cũng chạy nối theo. Có người thi lái xong, giám khảo đánh rớt, không biết mình sao bị rớt, lái nhuyễn quá mà, chỉ leo lề một chút thì nhằm nhò gì. Lại muốn lý sự với giám khảo, v.v...

Ngồi quán cà phê làm búc-ki/ bookie thì chậm, nhác gan. Nhơn tình cũ, con của chủ cây xăng, rủ làm việc thế chủ đi gom tiền, thì sợ cướp bắn lủng lưng. Đi học nghề khác thì thấy trễ. Tóm lại là cứ sợ đầu, sợ đuôi, cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ, chẳng thay đổi được gì.

Ngày trôi. Đến lúc phải dọn ra, anh lái xe ra chỗ tiệm liquor chọn mướn một anh amigo về phụ giúp chất đồ vào thùng giấy, rồi chất vào xe. Nhiều sách báo phải bỏ, cứ tiếc, xem qua lật lại, bỏ không đành, còn nhiều bài viết chưa đọc kỹ, nhiều hình ảnh đẹp quá, bỏ đi thì biết tìm đâu mà xem lại, khi có lúc rảnh. Rồi áo quần, rồi đồ dùng nữa, nhìn vào đâu cũng thấy gợi nhớ nhiều kỷ niệm. Cứ bỏ đi một mớ, nhìn lại thấy còn nhiều, lại tìm bỏ bớt nữa. Không hiểu anh thu thập từ lúc nào mà đồ nhiều quá. Vừa dọn vừa nghĩ ngợi lan man chuyện đâu đâu. Nghĩ đến cảnh estate sale của những người già, vừa bán vừa tiếc nhớ. Lại nhớ chuyện khu nhà giàu bán yard sale cái Leica quý làm thiên hạ nhốn nháo, trầm trồ kẻ may mắn vớ được.


Vẫn có những thứ không muốn bỏ, nhưng không thể mang theo, anh đặt vào mấy thùng giấy, để ở trước nhà, dán chữ FREE lên. Chủ nhà phản đối, nói: “Đâu được. Nếu không ai lấy đi thì tôi phải đổ rác cho anh à?” “Thì đôi ba bữa, tôi ghé lại, thấy còn thì tôi chở đi”. “Nhỡ anh không ghé lại?” “Hay là tôi đặt ông một số tiền cọc sẽ trở lại?” “Thôi. Phiền lắm. Anh chở đến đặt ở gần chỗ bỏ rác ở sau chợ, để cho mấy người móc rác, tiện hơn.” “Ừ. Tôi tặng ông cái đồng hồ tường, ông nhận chứ?” “Được. Nhận. Cám ơn”. Anh nghĩ thời gian đã muốn cạn, thì còn nhắc nhớ làm gì. Hồi mới dọn vào, có mời ông chủ nhà uống bia, ăn phá lấu tai heo. Ông nhìn ngắm đồng hồ, khen không tiếc lời, còn bàn loạn về ý nghĩa thời gian, thời gian qua trên kiếp người, lưu lại màu cùng hương của thời gian... Vậy mà ở đây cũng gần năm năm rồi. “Còn mấy video/DVD sex lấy không?” “Ồ, không. Vợ tôi lột da tôi ra. Già yếu rồi. Xem làm gì thêm tức”.

Buổi tối, anh chở những túi nhỏ đến sau chợ, thấy được sinh hoạt đêm ở chung quanh thùng rác, mèo, chuột, người homeless. Một thanh niên tấp lại, thấy chỉ là sách, báo, băng video, thì lắc đầu, nói lảm nhảm một mình – ý chê không phải thứ ăn được.

Nhìn anh thanh niên lưng còng, anh nhớ đến người bạn đã lâu không gặp. L. sống đơn độc, ở cạnh một chuà nhỏ, trông coi chùa như một ông từ, có chỗ ngã lưng cở hai chiếc chiếu. Ăn uống, đọc báo, viết thư, ngủ đều ở trên cái giang sơn đó. Còn có một anh thanh niên thuê chỗ ngủ từ chín giờ tối đến bảy giờ sáng, nằm dưới sàn phòng bếp. Anh ta cần là một chỗ tắm, và chỗ đậu xe ban đêm vì đồ đạc để hết trong xe. Cả hai thường ca ngợi cuộc sống của những du tăng, đi lại, vui chơi trong cõi hồng trần, thường nói cái gì an bần lạc đạo.

Chỗ anh dọn vào khá mới, nhà chỉ có một phòng cho share, vợ chồng chủ nhà có tiệm, phải lo trông coi tiệm suốt ngày, nên ở nhà rất yên tịnh, mà cũng chẳng có ai dành chỗ đậu xe.

Chừng một tháng sau, tin anh thất nghiệp lan ra khắp đám người quen, khắp bạn bè. Có người tìm cách giúp đỡ, mà cũng có người rủ rê làm chuyện kiếm lợi. Người thì rủ hợp tác kiểu làm tùy sức, mà ăn chia tùy cầu. Người khác thì kêu mua bảo hiểm nhơn thọ, chịu chi tiền mỗi tháng, khi lãnh bảo hiểm cứa đôi với nhau.

Một anh lên kế hoạch chi tiết bảo lãnh một cô hay bà từ VN sang, lấy vài chục ngàn mà nằm ở nhà chơi...xơi nước, chẳng mất duyên gì. Xài hết tiền lại bảo lãnh người nữa, cứ vậy mà vui chơi bốn mùa.

Một người bạn, thực sự bạn, khuyên phải làm việc cho cuộc sống bình thường, thăng bằng, không bị sa đà chuyện xấu. Bạn đề nghị: “Hay là ông dạy kèm hai đứa con tui. Ông biết mà, chỉ cần nhắc chúng bớt chơi là được. Con nít xứ này ai mà quản nổi. Vợ chồng tui muốn chúng gần người như ông. Nhận lời đi, nghen”. Anh từ chối. Nhớ lại nhiều năm trước, hồi còn đi học, có dạy kèm hai đứa em của cô bạn học. Kèm mỗi ngày, trong hơn ba tháng, vậy mà thi vô lớp Sáu có một đứa rớt. Mẹ cô bạn nói: “Cậu dạy cũng như không. Đứa đậu không kèm cũng biết trước là đậu, đứa kia kèm thế nào mà vẫn rớt”. Anh chán ngán chuyện dạy kèm con nhà giàu từ đó. Anh nhớ vợ bạn từng ước hai con theo nghề bác sĩ. Anh nói: “Tôi mà dẫn chúng đi xem tranh, đi nghe nhạc, đi dạo chợ trời, đi câu cá... thì hỏng con ông”.

Một chàng khác thấy anh có xe truck, nên rủ rê đi câu biển, hứa sẽ truyền nghề câu tôm hùm, kỹ thuật độc đáo. Hỏi ra thì chàng cột lưỡi ba nghạnh móc mồi câu ngâm, tôm ăn thì giựt mạnh, lưỡi câu như mỏ neo bám dính vào tôm, kéo tôm lên bờ.

Anh biểu diễn cho hắn xem kỹ thuật của anh. Cũng câu ở doi đá xa ngoài biển. Cột mồi thẳng vào dây cước, không dùng lưỡi câu, dùng cước mảnh. Con tôm gặp mồi ăn thoải mái, tự đem cước quấn vào thân, vào chân, như tằm nhả tơ, làm kén bọc thân mình. Kỹ thuật cao ở chỗ tay nắm dây cước mà nghe được, cảm nhận được tình hình tôm ăn câu dưới nước, mà thêm cước, hay rút bớt cước đến khi tôm tự trói chặt, mới kéo lên. Nhân viên kiểm soát câu cá có đến coi cũng không ghép tội gì được để ghi phạt. Hắn đồng ý là kiểu câu hay, nhưng tốn nhiều thì giờ, khó học, khó theo được. Lại bàn về câu cần, câu cá nục, anh không gỡ cá như người khác, mà xách xâu cá hai ba con kéo lên được, đem rung giựt vài cái, cá tự rớt văng ra.

Có bạn rủ anh đi quay phim đám tiệc, nói: “Gọn lắm. Dựng máy xong, mình bấm máy rồi chỉ hút thuốc chờ”. Anh lo: “Xong đám, đưa băng hình ra, họ chê không lấy thì mình..hút... gió?”

Một người quen khác, vốn suốt ngày bận rộn làm việc với màn hình vi tính, tìm thăm anh. Hắn thấy anh ủ rũ quá nên đùa cho vui: “Cần phải đăng rao tìm bạn rồi. Để coi, đăng thế nào. Chà, chà, Ừ, Thiếu trung niên – ừ đầu có chút hói tóc. Cao ráo, dễ nhìn – một thước sáu chớ bộ. Hoà nhã, thân thiện, nhưng có bản sắc – nhây, chai lì. Yêu thích nghệ thuật – nhứt là nghệ thuật nhìn và sờ. Mê văn chương. Ưa du lịch với người mình yêu đến những xứ đẹp, lạ – để có người bao trả. Thích ăn uống, vui ca giữa bạn bè – không thích làm lụng. Mới vừa cai rượu, cai thuốc lá – tức vừa xuất viện. Mong gặp người duyên dáng, nhân hậu, người đồng điệu – để đời đỡ vất vả, có chỗ nương tựa, nhớ cần phải dấu phéng đi chuyện kém sức khỏe, yếu sinh lý. Thư đầu xin gởi kèm hình – mới chụp, nguyên cả người càng tốt. Hứa sẽ nghiêm túc, lịch sự – tức là không bựa, không du côn...Cứ đăng như vậy thì có hồi âm liền. Bảo đảm. Hà hà...Ngồi nhà mà tha hồ... duyệt.” Anh hỏi: “Có cần thêm câu: Xin miễn tràng hoa, chỉ nhận phúng điếu”.

Một người quen nữa khuyên anh năng thường mua vé số và vé cạo, lý luận rằng ông trời chận mình một lối này ắc có mở ra một lối khác bù đắp lại. Còn hỏi dò: “Trúng tiền nhiều thì làm gì? Cưới vợ trẻ không?” Anh đuà: “Không. Sẽ tìm một chỗ ở thoải mái, làm văn sĩ.” “Ủa sao vậy?” “Vì viết văn không phải gấp rút. Không có nhuận bút vẫn thấy vui. Mình trúng số thì in được sách, nên cũng không phải lo bán sách. Nghề viết không cần lai-sân, ít bị cạnh tranh, chen lấn, như nhiều nghề khác.”

Có người bà con từ Atlanta ghé Ca-li chơi, tìm thăm anh. Thấy anh quỡn quá, lè phè quá, nên rất ngạc nhiên, hỏi dồn ra, biết anh có bịnh ngặt, mới thúc dục gấp lo xin tiền bịnh. Hắn liên lạc người làm dịch vụ lập hồ sơ, đưa anh đi gặp xong mới thấy yên tâm. Hắn mãi ca ngợi việc gia nhập đội thân binh tám trăm mấy có lẻ của ngài tổng tư lịnh siêu cường hợp chúng quốc. Còn nói là ghi danh sớm để sớm được giữa đoàn hùng binh có anh đi hàng đầu...

Anh thấy đời đẹp quá, đáng yêu quá. Mọi người thiệt đáng mến. Khi thấy mình may mắn hơn người khác, ai ai cũng độ lượng hơn và tử tế hơn ra. Một em gái ngây thơ, vô tư nói: “Em hiểu bệnh của anh lắm. Hồi trước, em có xe đạp, hai bánh vỏ mòn, ruột phồng ra, cứ vỡ hoài hoài, bó thêm lốp chẳng ăn thua gì, đắp chỗ này thì nó phồng dộp ở chỗ kia. Khổ lắm. Chán lắm.” Một ông trầm ngâm, nghĩ ngợi, rồi từ tốn: “Bệnh tim thường chết nhanh, chết êm thắm. Cũng tốt ông ạ. Chỉ những kẻ có nhiều con cháu, chúng mới tìm cách nuôi bệnh, trợ thở, trợ tim, mà dây dưa ra.”

Bịnh anh vẫn ổn định, không tệ ra. Mấy thế tập Yoga thể dục, như thế con công, thế trồng chuối phải bỏ từ lâu, anh chỉ còn giữ tập thế tử thi hít thở và ngồi thiền. Thế tập thực đúng với tình cảnh của người tập.

Anh vẫn ráo riết tìm việc làm mới thích hợp với sức mình, không bỏ cuộc.

Thỉnh thoảng, anh vẫn ngồi ngắm chiều tà trên biển. Anh hiểu sâu hơn hai nhận xét đối nghịch của hai người bạn về cảnh ngày tàn. Không có gì phải phức tạp, rắc rối, mình nghĩ cảnh là thế nào, thì nó là thế ấy, vậy thôi. Cứ thẳng thắn sống với cảm xúc của mình, đón nhận điều sẽ đến với mình, bình thản chấp nhận và tìm vui với những thứ trong tầm tay...

Anh cũng thấy ra mặt trời lặn nơi đây rồi sẽ mọc lên ở vịnh biển nơi quê nhà. Thật là đối nghịch, anh nghĩ, cùng một chuyện ngày tàn mà nơi đây thì mặt trời chìm vào biển, còn nơi quê nhà thì trời khuất vào núi.

Với ngày khởi đi từ biển, một vòng đời cũng khởi đi từ đấy. Có vui chơi, hay ngụp lặn, có nhởn nhơ hay lầm lũi, nhanh hay chậm, thì cũng bước những bước cuối sau cùng về núi, theo câu khuất núi về miền tiên cảnh. Nếu không về núi, mà dạt đến đây, nơi xa xôi này, thì cũng đi, đi, rồi cũng dừng bước, chìm vào biển. Loanh quanh, xuôi ngược rồi cũng về chốn cũ.

Nhưng anh không biết ở nơi xa xăm đó có đứa trẻ nào của năm xưa còn ngắm rạng đông? Hay ngắm ngày tàn sau núi? Anh muốn biết lắm.

Nguyễn Kỳ Yên

Ý kiến bạn đọc
03/01/201615:58:30
Khách
Bài viết hay vô cùng , làm thế nào để cháu có thể liên lạc được với Bác Nguyễn Kỳ Yên ? cảm ơn nhiều
.kính bút
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,170,398
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến