Hôm nay,  

Chuyện Trước Lễ Giáng Sinh

09/12/201500:00:00(Xem: 12163)

Tác giả: Hoàng Nga
Bài số 3695-17--30195vb4120915

Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái, rể và hai cháu ngoại. Có viết cho các tạp chí Làng Văn (Canada), Văn (Hoa Kỳ) Văn Học (Hoa Kỳ), Phố Văn (Hoa Kỳ), Việt Luận (Úc)… Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XVII, tác giả cho thấy có sức viết mạnh mẽ.

* * *

“Người nào trong các người chưa từng phạm tội, hãy ném đá người nầy trước đi!” (John 8:7)

Tôi kể người Đức mừng lễ Giáng Sinh rất kỹ, ngay từ đầu tháng mười một người ta đã bày bán những vòng hoa Advent với bốn ngọn nến để chuẩn bị cho tuần vọng, và chưng như vậy mãi cho đến lễ Ba Vua, ngày mùng sáu tháng Giêng mới tháo đèn, tháo hoa và mang thông đi vất. Tôi cười:

- Điều buổn cười là nôn nả như vậy đó, nhưng khi mua những vòng hoa Advent về, thì người ta cũng phải đợi đến ngày thứ nhất của tháng mười hai mới được đốt lên ngọn đầu tiên.

blank
Chonteaul, những cô bạn nhỏ và người bạn đời.

Chonteaul bảo tôi:

- Ở Hoa Kỳ cũng có bán nhiều Advent wreath, nhưng phần lớn người ta chỉ chưng chứ không đốt. Và nếu có đốt thì thường là cả bốn ngọn vào đêm Giáng Sinh. Không rõ có ai mỗi tuần đốt một ngọn như vậy không.

Tôi nói có lẽ truyền thống ấy phổ biến ở Âu châu nhiều hơn ở đây. Chonteaul “ờ”, rồi cười:

- Nhưng là tín đồ, thì đốt tuần tự mỗi tuần thêm một ngọn, hay đốt cùng một lúc cũng giống nhau vì đó chỉ là biểu tượng của sự sáng. “Sự sáng đã đến thế gian”, phúc âm John nói như thế, đúng không?

Tôi cười, khen Chonteaul giỏi Kinh Thánh. Cô không nói gì, nhưng lát sau bỗng nói:

- Chị được đi nhiều nơi, sống ở nhiều nơi, thích ha.

Tôi phì cười:

- Đi nhiều thì khổ nhiều, sống nhiều nơi thì cực nhiều chứ hay ho gì. Cuộc sống đẩy đưa tôi mới phải đi như thế chứ đâu có muốn.

Chonteaul trêu lại:

- Rồi chị có định qua châu Phi sống không?

Tôi đáp có thể khi các cháu tôi lớn thì tôi đi theo đoàn truyền giáo sang Honduras ở Nam Mỹ hay đi Mozambique sống vài năm… Chonteaul bật cười còn lớn, hỏi như vậy là đủ năm châu và không còn chỗ nào chị muốn đi và muốn sống nữa phải không. Tôi ngó cô, nửa đùa nửa thật:

- Còn chứ, còn thiên đàng nữa. Tôi sẽ đi thiên đàng vì tôi tin vào sự giáng sinh, sự thương khó và sự chết của Chúa Giê su. Tôi cũng thuộc Kinh Thánh như cô, tôi biết khi Chúa Giê xu về trời có nói “ta đi sắm sẵn cho các con một chỗ, hễ ta ở đâu thì các con cũng sẽ ở đó”.

Chonteaul gật gù:

- Tôi cũng sẽ tới đó vì tôi tin Chúa giống như chị.

Chonteaul hỏi tôi có thích thành phố này không và đã đi những nơi đâu. Tôi đáp hầu hết những nơi có cảnh đẹp của tôi đều được giới thiệu và được đến tận nơi. Chonteaul bỗng cười cười, “ngó vậy chứ có một chỗ ở thành phố này tôi đã tới, còn chị thì chẳng bao giờ đâu”… Tôi hỏi là nơi nào mà ly kỳ vậy. Chonteaul im, lát sau mới đáp là hôm nào có dịp tôi sẽ nói cho chị nghe.

Chonteaul là một trong những người hát chính của Hội Thánh tôi đang sinh hoạt. Phần lớn tín đồ ở đây là người Mỹ da trắng gốc đông Âu, Nga, Ukraine, kế đến là người gốc Na Uy, Thụy Điển, Đức, Ba Lan, và rồi người Mỹ da đen. Số ít còn lại là châu Mỹ La tinh đến từ Columbia, Uruguay, Chile. Và thành phần cuối cùng là… tôi, người vẫn thường tự giễu mình vừa được hân hạnh là người châu Á duy nhất, cũng vừa là đại diện “một và chỉ một mà thôi” cho châu Đại Dương. Mục sư của chúng tôi hay đùa Hội Thánh ông đang quản nhiệm là một hiệp chủng quốc Hoa Kỳ thu nhỏ, vì cũng giống như Hoa Kỳ, rất non tuổi đời nhưng tụ họp nhiều người đến từ khắp nơi trên địa cầu. Mà thật là ngôi nhà thờ này mới được xây chỉ khoảng độ hơn mười năm, Hội Thánh cũng chỉ thành lập sau đó không lâu, nên có thể được kể là một Hội Thánh trẻ. Ngoài ra thì ngay cả mục sư quản nhiệm cũng chỉ lớn hơn con tôi chừng một vài tuổi, còn ban chấp hành và ban hát có người chỉ mới vừa đủ quyền công dân, có người vừa mới rời college, có người mới thành hôn. Chonteaul là người lớn tuổi nhất trong ban hát ấy.

Lần đầu tôi nói chuyện với Chonteaul là buổi sinh hoạt hằng năm của phụ nữ tại nhà thờ. Đề tài thảo luận cho vui, nói về truyền thống đón Giáng Sinh ở những nước khác nhau trên thế giới. Tôi tham gia kể chuyện Noel ở ba châu lục tôi từng sống qua. Lúc trở lại ghế ngồi, Chonteaul bảo thấy cuộc đời tôi thật thú vị vì nhiều màu sắc chứ không như cô, chỉ có đen hoặc xám. Tôi lắc đầu nói không phải vậy đâu, rồi kể sơ qua về gia cảnh của mình như vẫn thường chia xẻ những nỗi buồn, những mất mát của bản thân mình với những người thân quen để an ủi, rằng cuộc đời vốn nhiều đau khổ nên bất cứ người nào cũng có thể phải gánh chịu chứ không riêng gì ai. Chonteaul lắng nghe và gật đầu.

Chonteaul có một giọng hát rất mạnh nhưng trầm ấm, phù hợp hoàn toàn với phong cách của ca đoàn này. Là một Hội Thánh trẻ, ban lãnh đạo cũng trẻ nên từ cách thờ phượng, đến âm nhạc đều khác khác hẳn với những nơi tôi từng sinh hoạt trước đây. Rock and Roll, Techno cho đến cả Rap cũng được xử dụng. Hiếm hoi lắm mới nghe thấy một bài có âm hưởng của Bach, đồng thời gần như những thánh ca truyền thống chỉ được hát trong mùa lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh, như thể để cho những tín đồ lão thành cỡ… tôi đỡ thấy lạc lõng, cách biệt. Tuy nhiên có một điều cũng khá thú vị, là đi nhà thờ này vài năm dường như đã quen, nên thỉnh thoảng có dịp đến các tiểu bang khác, hoặc về Sàigòn, vào các nhà thờ “truyền thống” với lối thờ phượng cổ điển, kể cả là nhà thờ Mỹ, tôi vẫn cảm thấy như thiêu thiếu một cái gì. Bầu không khí nghiêm trang đến độ không ai dám rục rịch, không ai dám ho tiếng lớn ở một vài thánh đường, cộng thêm các bản thánh ca có âm điệu du dương trầm bỗng giống nhạc thính phòng khiến có lúc tôi không dám nói là mình bị… buồn ngủ, nhưng thật tình là tôi đã… đứng ngồi không yên. Tôi cứ nhơ nhớ cái không khí sôi động, nhớ tiếng vỗ tay, tiếng reo mừng, tiếng tạ ơn rộn rã.

Năm đầu tiên khi tôi mới đến nhà thờ này thì Chonteaul chưa vào ban hát. Tôi không nhớ rõ cô được chọn vào lúc nào, nhưng không thể nào quên được hình ảnh lần đầu tiên cô xuất hiện trên bục thờ phượng. Và mặc dầu tôi không phải là người chỉ quen với sự kỉnh kiềng, nghiêm trang, khi nghe tiếng trống đờn ầm ĩ hay tiếng vỗ tay lào rào, rồi lại thấy ca đoàn lắc lư, giơ tay lên giơ tay xuống lúc hát thánh ca thì khó chịu, nhưng tôi đã chựng đi mất mấy giây lúc chạm mắt đến Chonteaul. Hôm ấy cô mặc một cái quần jeans bó sát với những đường vải xé rách ở đùi và gối, cùng một cái áo thun rộng kiểu asymetric slanted, nghĩa là một bên vạt thật dài còn vạt bên kia thì khá ngắn. Một bộ đồ có thể nói là thích hợp để đi chơi ngoài phố vào mùa hè hơn là đứng trước đám đông, mà lại đám đông của nhà thờ, như thể vượt quá con mắt nhìn bình thường của tôi khiến tôi hơi xốn xang.

Chonteaul là một người phụ nữ khá lạ. Khá khác thường. Tôi ít khi có dịp trò chuyện với cô, nhưng lần nào thấy tôi, cô cũng nhoẻn miệng cười, vui vẻ chào hỏi trước bằng một lối chào hỏi cũng vô cùng đặc biệt. Về sau này tôi đã gọi đó là loại chào có… nam châm. Bởi vì ở xa hay ở gần, ở trong hay ở ngoài khuôn viên nhà thờ, gặp mặt là chào, nhìn thấy là cười thì đã đành, mà cái nụ cười “welcome” của cô bao giờ cũng mở lớn hết cỡ, cộng thêm một tiếng reo to mừng rỡ như thể đã lâu ngày lắm rồi mới có dịp gặp lại nhau, khiến người được chào dầu không thích cũng phải cười, phải chào đáp lại. Trông cô lúc nào cũng vui mừng. Cũng hoan hỉ. Cũng thành tâm. Cũng rạng rỡ, đến nỗi tôi đã phải tự hỏi không biết cô gái này lấy đâu ra năng lượng để mà vui vẻ mãi như vậy.

Ban đầu Chonteaul “hiện” ra trong mắt tôi hơi “kỳ kỳ”, nhưng dần dà về sau tôi bị cái nụ cười tươi tắn ấy khuất phục lúc nào không hay. Như thể tôi bị “lây” bởi những niềm vui biểu hiện hết sức tự nhiên trên mặt của cô, bị cuốn vào cái hạnh phúc nào đó mà người phụ nữ này đang có được. Dẫu có nghe cô nói đời cô chỉ là màu đen hoặc xám, nhưng tôi không hề biết cô đã khóc nhiều hơn tôi, không hay sự bất hạnh và bão tố đi qua đời mình chẳng thấm thía chút nào so với những gì Chonteaul đã chịu. Mãi đến tận gần lễ Giáng Sinh năm nay, tôi mới biết chốn mà Chonteaul bảo tôi không thể tới, không thể sống được là ở đâu.

Như hầu hết các nhà thờ tôi đã sinh hoạt, mỗi năm vào một ngày nào đó trước lễ Giáng Sinh thì có một buổi nhóm thay vì được nghe giảng luận, sẽ nghe một hay vài thành viên của Hội Thánh kể về ơn phước họ có được từ Chúa, hoặc Chúa đã thay đổi cuộc đời họ như thế nào. Người nói tiếng Anh dùng chữ “testimony”, người Việt gọi là “làm chứng”, còn một mục sư tôi quen thì thích dùng chữ “trải nghiệm”. Cuộc đời của cô gái hay cười này, có lẽ nên nói là cả một chuỗi dài của những trải nghiệm, vượt qua thương đau như thế. Cô kể nhà tù là nơi cô đã vào ra nhiều lần, cả hai loại jail và prison, tạm giam và có án, với đủ loại tội phạm. Tội đầu tiên trong đời là đánh nhau. Hay nói đúng hơn là cô đánh một cô bạn cùng lớp với lý do là vì khi cãi nhau, cô bạn này đã la lớn, khai ra trước lớp cái bí mật của Chonteaul, nói cho tất cả bạn bè biết là Chonteaul đang có bầu ở tuổi vị thành niên.

Chonteaul kể đến đây thì bật cười, cũng vẫn cái nụ cười tươi tắn như mọi ngày:

- Thành thật mà nói là con bé này đã bị đánh rất oan ức. Bởi vì nó đã không nói bậy về tôi, không nói sai sự thật về tôi. Và tôi, lúc ấy mười sáu tuổi, có bầu thật, sắp có con thật, còn đang hoang mang không biết phải đối phó với hoàn cảnh của mình như thế nào, khi thấy bí mật bị lộ ra, đã hoảng hốt đến cùng cực. Tôi đã nghĩ phải nhất định xông vào con bé này đánh cho nó một trận để nó chừa cái tội lẽo mép. Nhất là lúc nó la bai bải lên tại tôi giống mẹ tôi, chưa nứt mắt mà đã có quan hệ tình dục với người nọ người kia, nên khi mang thai rồi thì không ai chịu nhận trách nhiệm…

Chonteaul nói hiếm có một đứa bé mười sáu tuổi biết được mình đã làm sai những gì, và càng khó nhận thức là mình đã làm người khác tổn thương ra sao. Vì vậy nên khi bị bạn làm cho đau đớn bằng lời, thì Chonteaul đã trả đũa lại bằng hành động. Cô đã nhào đến đánh cô bạn gái tới sưng cả mặt. Cô kể:

- Kết quả cuối cùng thì tôi bị vô khám mặc dầu bạn tôi đã nói lời xin lỗi trước tòa … Tù thì tù! Lúc ấy tôi chỉ nghĩ chuyện mình cố dấu đã bị phanh phui, nên không còn sợ gì nữa. Nhưng khi được thả về nhà rồi, tôi bỗng nhận ra là nhà tù thật không có gì ghê gớm lắm như mình đã tưởng, mà ngược lại cái nhà giam ở ngoài đời mới đáng sợ. Tôi sợ ánh mắt khinh khỉnh của người khác. Tôi sợ tiếng chì tiếng bấc. Tôi sợ người ta chỉ trích việc của tôi làm… Vì thế tôi gần như mất hẳn thăng bằng hơn với chung quanh. Vừa xấu hổ, vừa có cảm giác bị xem thường, lại bị hất hủi, xa lánh thật, thêm vào đó là không tìm được sự trợ giúp tinh thần của người thân, càng lúc tôi càng bất ổn và suy sụp. Cuối cùng, hệt như nhiều đứa trẻ mang thai ở tuổi vị thành niên khác, tôi bỏ học, lang thang, sau đó hết sức dễ dàng trở thành đứa nghiện ngập, hút xách, rồi kế đến là trộm cắp và bê tha. Tôi làm đủ thứ chuyện phạm pháp, vào tù ra khám như cơm bữa.

Chonteaul kể cô có thêm một đứa con khác ở tuổi mười bảy, rồi lại một đứa nữa ở tuổi hai mươi. Không ai thừa nhận, không ai giúp nuôi con, cho đến khi nuôi không nổi nữa, cô đã mang đứa bé nhất đem cho một gia đình không có con. Cô bảo thật ra đó là cái quyết định làm cô đau đớn, nhưng vì cô không muốn lập lại những điều mẹ cô đã làm với cô, nên đành phải nhận chịu sự chia cách với đứa bé.

Chonteaul cũng là một đứa trẻ vô thừa nhận, nhưng bị ruồng bỏ một cách rất tàn nhẫn. Mẹ cô đã mang thai cô lúc mới chỉ vừa mười bốn tuổi như lời cô bạn nói. Vì sợ hãi, vì không dám nói ra với người lớn, và chắc có lẽ không làm sao bỏ được cái thai đi, nên mẹ cô đã phải mang rồi sinh cô ra. Nhưng khi Chonteaul được hai tháng thì bà mẹ trẻ này quyết định bỏ trốn, quyết định phủi tay với cô, do đó đã mang cô ra ngoài trời bão tuyết, để nằm dưới một gốc cây với hy vọng là cô sẽ chết đi vì thời tiết giá lạnh. Nhưng chính ngay giữa lúc cô sắp sửa không còn hơi để khóc nữa, bà ngoại cô đột ngột trở về nhà từ chỗ làm. Chonteaul bật cười:

- Có lẽ tôi là được ơn Chúa nhiều hơn quí vị… Vì quí vị đang nhìn thấy tôi vẫn sống sờ sờ và sống rất khỏe nữa là khác, đúng không? Có nhiều người đã hỏi Thiên Chúa đã ở đâu mà để cho con người phạm tội, nhưng chắc ít người nghĩ đến chuyện dẫu Thiên Chúa có hiện ra, có cản ngăn như thế nào đi chăng nữa mà một khi những ý nghĩ đen tối, những chọn lựa tàn nhẫn đã ở trong trí của một con người, thì người ta sẽ cứ đi theo con đường mình đã chọn. Như ban đầu Chúa đã bảo Adam đừng ăn trái cấm, nhưng ông vẫn nghe lời vợ để phạm tội không vâng lời. Rồi chuyện tiếp theo là sau khi Cain giết anh mình do ghen tức, Chúa ban mười điều răn cho loài người, trong đó có điều “chớ phạm tội giết người”, mà người đời sau của Cain là Môise vẫn ra tay đâm chết một người Ai Cập đến nỗi phải bỏ xứ mà đi. ến cả như vua David, người được hưởng đủ mọi ơn, khi về già đã ôn lại và ăn năn những hành động tội lỗi mình đã làm là việc âm mưu đẩy tướng Uri ra mặt trận để Uri bị giết rồi soán đoạt vợ của vị tướng này… Từ Adam, Cain, Môise cho đến vua David đều là những người được Chúa yêu mến, đều nhận được sự dạy dỗ của Chúa, đều biết mình sẽ phải chịu sự đoán phạt nếu phạm tội nhưng vẫn không quay mặt với tội lỗi, và vẫn làm điều Chúa cấm…

Chonteaul nói tiếp:

- Lúc ngồi tù lần đầu tiên, tôi đã ngờ ngợ sự nhận ra tội lỗi nmằ ở ngay trong lòng con người. Khi xông vào đánh con bạn, tôi đã hết sức mong nó sẽ đấm lại mình một phát, xô tôi té nhào xuống đất một cái thật mạnh, thât đau, để tôi được… sẩy thai. Lúc ấy, tôi vẫn còn chưa trưởng thành, chưa thấy rõ được điều ác xảy ra là do sự quyết định của chính mình. Về sau này, khi ngồi khám nhiều lần, tôi cũng có ý muốn sẽ không dính dáng đến những chuyện phạm pháp, không làm những điều sai trái nữa, nhưng ra khỏi tù, đối diện với những ghẻ lạnh, những khinh bỉ từ người nọ người kia, là tôi lại không muốn bắt đầu một cuộc sống lương thiện.

Người phụ nữ mỉm cười:

- Tôi quen ông bà mục sư quản nhiệm một cách rất tình cờ. Lúc được nghe lời mời đến nhà thờ tôi đã phì cười, nhưng một hôm buồn tình, tôi đi theo họ cho… đỡ chán, thì bắt gặp đoạn phúc âm này.

Cô giờ sách và đọc:

“Khi đó Đức Giê-su lên núi Ô-liu. Lúc trời vừa sáng, Ngài trở vào đền thờ. Cả đoàn dân đều đến với Ngài và Ngài ngồi xuống dạy dỗ họ. Các chuyên gia kinh luật và người Pha-ri-si giải đến một người đàn bà ngoại tình bắt đứng giữa họ. Họ nói với Ngài: “Thưa Thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, nên chiếu theo luật Môi-se, những hạng đàn bà ấy phải bị ném đá xử tử, còn Thầy thì dạy thế nào?” Họ nói vậy cốt gài bẫy Chúa để có lý do cáo tội Ngài.

Nhưng Đức Giê-su cúi xuống, lấy ngón tay viết lên mặt đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Ngài đứng lên bảo: “Người nào trong các người chưa từng phạm tội, hãy ném đá người nầy trước đi!” Rồi Ngài lại cúi xuống viết lên mặt đất. Nghe vậy, họ lần lượt bỏ đi từng người một, người cao tuổi đi trước, để Ngài ở lại một mình với người đàn bà đang đứng đó. Đức Giê-su đứng lên hỏi: “Nầy, mấy người kia đâu cả rồi? Không ai kết tội chị sao?” Người đàn bà trả lời: “Thưa ông, không ai cả!” Đức Giê-su bảo: “Ta đây cũng không kết tội chị đâu; về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!” (Phúc Âm Giăng 8:1-11)”.

Chonteaul ngó chúng tôi:

- Mỗi lần hết hạn tù, được thả về, là các quan chức và cảnh sát nhà giam lại nhắn nhủ với tôi rằng họ mong tôi sẽ bắt đầu một cuộc đời đàng hoàng, tử tế, chứ không phải sẽ trở lại nơi đó trong một con người quỷ quyệt hơn, tệ hại hơn khi trước. Và lần nào cũng dọa nếu phạm tội lần nữa thì sẽ biết tay họ. Tôi bảo tôi đâu có muốn như vậy. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng lại phạm vào những việc bất lương. Chuyện dễ hiểu là chung quanh tôi chỉ có những người muốn kéo tôi đi cùng với họ, và còn lại là những người sẵn sàng ném đá toi. Nhưng trên những điều đó là do tôi không thoát ra khỏi được những ý nghĩ tối ám.

Bước khỏi nhà giam, được trả tự do nhưng không có nghĩa sẽ thoát được những hành vi tội lỗi, và những tư tưởng lầm lạc. Nên vì vậy tôi cứ bước ra bước vào cánh cổng sắt ấy nhiều lần. Mãi cho đến khi tôi bắt gặp đoạn phúc âm trên. Thật ra đó chỉ là những khởi đầu từ nơi Chúa dành cho tôi. Những vị quan chức, những người cảnh sát lúc mở cánh cổng nhà tù cho tôi trở về đời sống tự do cũng nói tôi “đừng phạm tội nữa”, nhưng tôi không thấy sự nhân từ của họ, như khi Chúa đã nói với tôi “ta không bắt tội con”. Vì sau đó Chúa mở mắt cho tôi thấy nhiều điều kỳ diệu ở quanh tôi. Tôi được quen biết với những người muốn sống giống như Chúa, học cách thương yêu như Chúa, tha thứ như Chúa và thông cảm người khác như Chúa.

Chonteaul đã gặp một người đàn ông ở tại Hội Thánh và trở thành một đôi bạn thân. Về sau cô gặp thêm mẹ của anh, là người biết rất rõ về quá khứ của cô nhưng sẵn sàng thương yêu đùm bọc và giúp cô đứng dậy, chấp nhận cô thành con dâu của mình. Chonteaul cũng nhận ra ở ngay trong nhà thờ có thể sẽ vẫn có nhiều kẻ không mấy thiện cảm với cô, nhưng cô tin rằng với tình yêu của Chúa, họ sẽ hiểu cô hơn. Bằng chẳng, cô cũng vẫn yêu họ như Chúa đã yêu cô. Mặc cảm dần dà biến mất, Chonteaul trở nên yêu đời và yêu người là vì thế. Cô nói:

- Như một bài hát chúng ta vẫn thường hát tại đây, “no longer a slave to fear, I am a child of God…”(*), chính bản thân tôi không còn cảm thấy mình là nô lệ của tội lỗi nữa, tôi không còn sợ hãi bất cứ điều gì vì tôi đã trở thành con cái của Chúa. Phải, “Ngài đã rẽ mặt biển để tôi bước qua. Tất cả những sợ hãi của tôi đã được chôn vùi bằng tình yêu tuyệt đối của Ngài. Ngài đã giải cứu tôi, nên tôi có thể đứng lên và hát, tôi là con dân Ngài. (Tạm dịch từ lời bài hát đã dẫn, “You split the sea. So I could walk right through it. All my fears were drowned in the perfect love. You rescued me. So I could stand and sing. I am gthe child of God”)…

Buổi tối hôm ấy, khi ngồi nhìn Chonteaul hân hoan kể chuyện lòng mà nước mắt tôi cứ tràn ra. Tôi không chỉ thương cô, nhưng cũng nhớ lại chính mình đã từng cầm những cầm hòn đá lên tay, chỉ chưa kịp ném vào người phụ nữ có nụ cười tươi tắn luôn muốn nói với cuộc đời rằng cô đang có niềm vui vì cô đã thoát ra khỏi một cuộc đời tối ám, bẻ gãy được những suy nghĩ và những hành động tối ám ấy mà thôi. Tôi đã ra về với lòng đầy ăn năn và thống hối. Tôi nhận ra một bài học lớn trong cuộc đời theo Chúa của mình. Tôi đã cám ơn Chúa nhiều lần, cám ơn Chonteaul nhiều lần vì câu chuyện đã được nghe, vì những nụ cười của cô. Và vì tôi biết tôi sẽ nhìn lại con người và thái độ sống của chính mình.

Hoàng Nga

(*) Nhạc và lời của Brian Johnson, Jonathan David Helser và Joel Case.

Ý kiến bạn đọc
26/06/201800:21:03
Khách
Ba năm trôi , nằm yếu ở nhà đọc lại . Muốn nói về một khía cạnh khác . Đúng vậy chân lý là một . Chỉ đường neỏ dẫn đến khác mà thôi .
Lời Chúa trong kinh thánh o khác gì với lời trong các kinh Phật . Chỉ chăng là người dẫn dụ đạo cứ khăng khăng đaọ mình là lẽ thật, nên .....hơi khó chịu và khó nghe . Tôi yêu Phật vì kinh sách o phản lại khoa học , nhân bản , tự do o ép buộc nhưng ghét áo nâu sòng , cạo đầu và đã số o qua trường lớp , quá bình dân ..... tôi yêu Thiên chúa vì nhà nhà thờ xưa tôi học nguy Nga tráng lệ , các cha , freres, soeurs có kiến thức ....tôi yêu Tin lành vì các vị Mục sư dấn thân vào đời . Bình thường với đời thường mà có mục đích chân thiện mỹ ,DẤN THÂN PHỤNG SỰ.....
11/12/201520:30:24
Khách
Tôi thờ cúng ông bà, không theo một tôn giáo nào hết. Tôi nhớ hồi còn trẻ, một cô bạn theo đạo Tin Lành cứ rủ tôi đến nhà thờ một lần cho biết. Cô mời mãi, tôi nể quá đi. Những người trong nhà thờ thấy cô bạn tôi rủ bạn theo thì vui lắm, họ tiếp đón tôi hết sức niềm nở. Sau buổi giảng của ông Mục Sư, mọi người cứ tha thiết yêu cầu tôi lên tiếp nhận Chúa. Lúc đó tôi bối rối lắm nhưng đủ ý thức rằng tôi chẳng có ấn tượng gì cho lắm về đạo Tin Lành ngoại trừ họ cứ cố thuyết phục tôi theo đạo. Khi cô bạn tôi đưa tôi về nhà, tôi nói thẳng với cô ấy là tôi khó chịu với nhà thờ của cô quá và hy vọng mọi người trong nhà thờ không làm phiền cô về việc tôi không lên tiếp nhận Chúa.
Đã gần bốn mươi năm qua, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn cái cảm giác khó chịu y nguyên. Tôi vẫn tin cuộc sống tâm linh là quan trọng cho con người và mỗi tôn giáo có lý lẽ của tôn giáo ấy, không nhất thiết phải quảng bá và thuyết phục người ta theo cho được.
Cám ơn tác giả gửi bài viết đến người đọc. Tôi không có ý chỉ trích tác giả hay tôn giáo nào hết, nhưng tôi vẫn còn cảm giác như đã chia sẻ trên. Chỉ có vậy.
10/12/201501:47:27
Khách
Thât tuyệt vời từ lời văn đến câu chuyện . Cảm ơn đã tài hoa chia sẻ một câu chuyện thật trong đời thường .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,307,615
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Maui là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hawaii. Du ký vui được cùng viết bởi “Ba Bà Ca Li”, ba tác giả thân quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả là một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, sinh trưởng ở Bếntre, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, được chấm giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông viết về bà Mẹ hơn 100 tuổi và tâm trạng tế nhị, phức tạp của người con khi cầu nguyện cho Mẹ thân yêu.
Nhạc sĩ Cung Tiến