Hôm nay,  

Vườn Nhớ

28/11/201500:01:00(Xem: 19823)
Tác giả: Orchid Thanh Lê
Bài số 3685-17--30185vb7112815

Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô là một nhà giáo, hiện làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California.

* * *

Trước mắt bà là người đàn ông độ ngoài sáu mươi tuổi. Hai bàn tay gân guốc đáng nể. Cái miệng hay toác cười. Trông dáng người tầm thước như thế liệu có làm khỏe như dân Mễ không đây, bà nghi ngại. Được cái cùng là người Việt nên bà có thể điều đình. Bà giao hẹn:

- Tôi muốn nhìn thấy cái vườn gọn ghẽ, mát mắt.

- Vâng! Tôi hay giồng cây, đi đâu giồng đấy và hầu như tôi giồng cây nào là cây ấy sống hết. Họ bảo là tôi mệnh "Thổ" nên cây có đất bám, làm gì mà chẳng sống. Không biết họ nói thực hay đùa nữa.

Nói xong ông lại toác miệng cười. Không dưng bà mất cảm tình khi nghe giọng ông nói. Bà thẳng thừng mặc cả:

- Này nhé, tôi trả công ông bằng tem phiếu thực phẩm vì đằng nào ông cũng phải đi chợ thôi.

- Ấy không được, tôi nào ăn hết với số tem phiếu ấy. Xin bà cứ chi tiền mặt cho.

Bà bực dọc, thầm nghĩ lão này đã làm chui mà còn hét cao. Nghe từ người giới thiệu rằng ông mới được cô em bảo lãnh sang định cư tại Mỹ được vài tuần, còn chân ướt chân ráo và muốn kiếm thêm thu nhập. Vườn nhà bà bỏ hoang bấy lâu nay nên bà sẽ có việc để giao ông làm quanh năm. Bà đã muốn dọn dẹp ra trò cái vườn ngổn ngang bẩn mắt từ lâu rồi nhưng bà kén cả người làm vườn lẫn công chi trả bởi bà chỉ thích mặc cả, đổi chác công sức của con người bằng các thứ bà không phải bỏ tiền ra mua. Bà nhắm nếu ông mà làm được việc thì bà có nhiều dự kiến cho khu vườn: chỗ này bà muốn ông đào đất đặt hồ sen nhân tạo, chỗ kia rải sỏi, chỗ nọ trồng hoa, chỗ khác trồng cây ăn quả. Việc đầu tiên, bà giao ông đốn hạ cây hồng mộc cuối vườn.

Mất gần năm buổi mới hoàn tất việc đốn chặt. Ấy là chưa kể dọn dẹp và đào bứng gốc rễ. Gốc cây đủ to sau hơn hai mươi năm phát triển. Ông lầm lũi cưa chặt, bất kể những giọt mồ hôi thi nhau chảy nhễ nhại. Ông không kỳ nài đòi thêm thù lao. Bà hài lòng ra mặt. Có vậy chứ, thuê dân Mễ làm dễ họ hét gấp đôi tiền công trả cho ông. Lúc nghỉ giải lao trong mùi hương hồng mộc còn nồng rôm rả, ông suýt soa:

- Giá là cây xà cừ thì hay quá, vân gỗ xà cừ đẹp nên có thể dùng để đóng bàn, ghế, tủ. Gốc cây xà cừ, người ta đào lên, lấy cả bộ rễ, vì nó là rễ chùm cơ mà, rồi cắt gọt, tỉa tót cẩn thận, tạo dáng và làm thành mặt bàn, các rễ sẽ là những chân bàn, còn ghế thì lấy ngay những gốc của cành. Những gốc nào, cành nào có càng nhiều mấp mô thì khi cưa ra càng đẹp, không những chỉ đẹp về vân gỗ mà còn cả về hình dáng ngộ nghĩnh tự nhiên nữa, bà ạ!

Nghe ông tả, bà đâm tiếc rẻ. Bà chỉ tay vào các khúc cây cưa cắt ngổn ngang, vớt vát:

- Ngần ấy thứ dễ cũng đẽo gọt được bộ bàn ghế ngoài vườn.

- Cây hồng mộc này chưa đủ già nên chẳng ra tấm ra miếng để làm đâu.

Bà cố chèo kéo:

- Khéo tay như ông thì thứ gì mà chẳng xong.

- Tôi chịu. Cái gì không được là tôi nói không. Tôi luôn nghĩ tôi là người dân quê, nghĩ và nói đúng theo ý mình. Vậy thôi!

Bà sượng sùng. Chẳng qua là bà muốn tranh thủ một công hai việc. Hừm, lão nói chuyện khí phách chẳng vừa, bà thấy tưng tức.

Thuê ông làm vườn được một thời gian, bà nhận ra một khi thoả thuận giá cả xong là ông xắn tay làm, còn hỏi đến chuyện vườn tược thì ông mau chuyện. Tai bà vẫn thích nghe nhưng miệng thì nói mát mẻ cố hữu. Nhắc đến mùa nào ông cũng có đề tài cây cối để kể. Ông say sưa tả cho bà nghe về cây lộc vừng quê ông, loại thân gỗ, rụng lá vào mùa đông và nảy lộc vào mùa xuân. Hoa của cây lộc vừng kéo thành dải dài, cây nào lá càng to thì dải hoa càng dài, có khi đến cả thước. Trên dải ấy là những bông hoa kéo suốt từ gốc đến ngọn dải. Cả cây lộc vừng khi ra hoa trông như một vầng gốm đỏ. Các hoa rụng xuống đất như trải một tấm thảm vậy. Mùi hoa thơm nhẹ nhàng, man mác.

- Ông có biết tại sao gọi là cây lộc vừng?

- Tôi chỉ phỏng đoán có lẽ vì cây trổ lộc vào mùa xuân và quả giống quả vừng, loại lấy hạt để làm muối vừng ấy, mà có tên là "lộc vừng" chăng.

Bà cố ý hỏi lắt léo cốt để dồn ông vào thế bí, nhưng dường như ông rất hồn nhiên trong suy nghĩ, vẫn nói chuyện sôi nổi.

- Những người chơi cây cảnh liệt lộc vừng vào loại tứ quý chứ chẳng chơi đâu, bà ạ!

- Ông thử kể bốn loại cây cảnh quý là gì?

- Tôi trộm nghĩ chúng là cây sung, cây đa, cây si, và cây lộc vừng. Muốn biết chính xác ắt phải hỏi các nhà thực vật học!

Một ngày gió heo may, bà đích thân ra chợ Việt mua chiếc chổi tre đem về. Bà giao nó cho ông gom quét lá cây rụng ngoài vườn. Do khoán việc nên chẳng thể giục ông làm nhanh hơn, miễn là ông làm xong để nhận tiền công. Đôi lần bà cố ý quá bước ra vườn hoặc đứng ở góc khuất để theo dõi việc ông làm. Thật lạ lùng! Ông đứng áp tai vào thân cây thật tĩnh lặng như thể lắng nghe tiếng rì rầm, thì thào của cây cối đang tâm sự với ông. Cái chổi nằm lười ngoan trong tay ông. Ông như hoà quyện với cỏ cây. Trong nắng thu thấp thoáng, những chiếc lá rệu rạo lìa cành lặng lẽ thả nhịp đời xuống tâm tư ông.

Hắng giọng, cốt đưa ông về thực tại, bà vẫn không bỏ qua dịp châm biếm mỗi lần nói chuyện với ông:

- Ông có thể tức cảnh làm thơ?

Mắt ông xa xăm. Mùa thu khác hẳn các mùa khác, nó cứ làm ông bâng khuâng trong nỗi nhớ và buồn man mác. Ông chậm rãi nói với bà như thể đọc thơ:

Cái chổi tre
Lang thang
Vun vén lá vàng
Vùi chôn trong huyệt nhớ
Bần thần
Quét đi nỗi hoài niệm
Tẩn mẩn
Lùa dần vào hư không
Mùa thu rã rời!

Vậy đó sao? Cảnh vật nào giờ thay đổi ra sao bà chẳng màng. Thế nhưng từ khi có ông trong khu vườn mùa này nối tiếp mùa kia, bà lại nhận ra cỏ cây như quyến luyến ông. Tay ông chạm vào cây cối như tăng thêm sinh khí cho chúng và miệng ông lẩm nhẩm như chuyện trò cùng thiên nhiên.

Vào mùa gió với cái lạnh se se trườn nhẹ qua khung cửa nơi xứ người là lúc ông hồi tưởng những gì xa xôi.

- Cái tiết tháng này lạ lùng lắm bà ạ. Gió cằn nhằn, mưa nhấm nhẳn thế nào ấy!

Ông kể bà nghe quê ông có những lúc trời nồm, ẩm, và mưa bụi giăng giăng suốt ngày. Ông hình dung con đường mòn chập chờn, mờ ảo giữa màn mưa. Đầu con đường mòn là cây sưa đứng trầm mặc. Phải rồi, ông nhớ ra lúc đó đang là mùa hoa sưa. Rồi một ngày ông chợt thấy cây sưa cựa mình nở tung hoa trắng.

- Cây sưa hay cây sữa cùng loại, hẳn thế?

- Ồ, không đâu! Cây sưa và cây sữa khác nhau nhiều lắm. Trước hết là về gỗ. Gỗ sưa được coi là gỗ quý. Họ cứ truyền miệng nhau là nhà ai có được đồ thờ cúng bằng gỗ sưa đỏ thì gia đình gặp may mắn lắm. Thương lái Tàu săn lùng gỗ sưa thật ghê gớm. Họ chỉ cần bỏ tiền đô ra vét gỗ quí của ta là chả mấy chốc cả rừng Trường Sơn bị tàn phá.

Xem ra ông cũng nắm bắt tình hình thời cuộc. Ông buồn rầu lo ngại nếu chặt nhiều cây gỗ quí lâu năm, những cây gỗ còn lại sẽ tự nhiên mà chết đi hoặc bị bão đánh gãy, giông sét đánh cháy, lũ quét cuốn phăng, đời sống cây cỏ trở nên đảo lộn.

Bà dửng dưng trước nỗi ưu tư của ông, tiếp tục hỏi kháy:

- Vậy cây sữa ắt cho sữa?

Bà liên tưởng đến một chuyện đùa cho ngày cá tháng tư từ đài BBC vào khoảng năm 1957. Đó là một đoạn phim tả công đoạn người ta thu hoạch mì ống, tiếng Việt gọi nôm na là nui, từ trên cây. Đoạn phim dàn dựng sống động đến độ nhiều người thời đó kháo nhau phải tìm trồng cho được loại cây này vì thân cây dáng đẹp với những sợi mì ống rủ xuống tua tủa như những cọng liễu.

Miệng lại toác cười, vẫn không chú ý đến vẻ riễu cợt của bà, ông đáp nghiêm túc:

- Chẳng phải thế bà ạ. Gỗ cây sữa thì chẳng làm được gì cả, có đem đốt cũng chỉ khói um lên thôi vì thân nó có nhiều nhựa mà. Thêm nữa, hoa sưa thì nở sau Tết, hoa sữa thì chủ yếu nở về mùa thu. Hoa sưa màu trắng tinh khôi, còn hoa sữa thì màu phớt xanh như màu cốm. Bà hẳn nghe lời hát "Hoa cốm vỉa hè thơm bước chân ai..." khi người nhạc sĩ bắt gặp những đóa hoa sữa rơi trên vỉa hè đấy ư?

Bà buột miệng:

- Lúc trước ông làm nghề gì mà hay thơ với thẩn?


- Tôi con nhà nghèo, chỉ học đủ. Tính tôi ham đọc sách, vớ quyển nào đọc quyển nấy. Lớn thêm thì tôi rong ruổi mọi miền để kiếm sống.

Bà lại buông lời châm chọc:

- Ông đi đến đâu hẳn trồng cây đến đó?

- Bà nói bỡn, chỗ ở thuê chật chội thì lấy đâu ra đất mà giồng dù chỉ khóm hoa nhỏ.

Một thoáng yên lặng. Lệ thường cứ ông cất tiếng là bà đều thấy khó chịu và bà muốn nói ngay điều gì đó cho ông ngầm hiểu cảm giác của bà. Lần này bà chỉ hỏi khẽ:

- Chắc ông thích đi đây đó hơn là ở lại quê?

Ông ngẩn người:

- Ngược lại là khác! Bà tính gì, tôi bỏ quê đi cũng chỉ vì sinh kế. Lần tôi ở xa quê lâu nhất là gần bảy năm. Mỗi khi nhớ quê thì tôi thấy có cái gì đó nó đau đáu, nặng nề. Cho dù có cố nén tiếng thở dài thì lúc nào đó nó vẫn bật ra. Quê luôn có cái gì đó thật da diết, bà ạ! Tôi nhớ, một đêm không ngủ được, tôi đã viết thế này:

Đêm thao thức
Nghe tiếng lòng
Buồn trăn trở
Nhớ quay quắt
Quê và người
Xa diệu vợi
Mơ đóng gói nỗi niềm
Chỉ trong một nắm nhớ!

Lại là quê. Bà bần thần ngơ ngẩn. Con người trước mặt bà có của nả gì nơi quê nhà mà nặng lòng với mảnh đất chôn nhau cắt rốn đến vậy?

Ông kể bà nghe ông hay đi về các miền quê và nhất là hay lên các miền núi. Dọc tuyến đường lên Tây Bắc, qua khu vực đèo Pha Đin thì vẫn còn nhiều cây gạo; còn riêng ở làng ông ngày xưa thì nhiều lắm nhưng mà bây giờ thì không còn cây gạo nào nữa. Bức tranh phong cảnh được bà hình dung qua lời ông kể mỗi độ hoa gạo nở, chim sáo bay về làm tổ, cô gái quê đi gom hoa rụng mà lòng thầm mơ về mối duyên thắm đượm như hoa. Lần này, bà không hỏi cắc cớ có phải cây hoa gạo cho hoa như hạt gạo không vì ông đã tả rõ hoa gạo nở như những ngọn nến đỏ thắp lên trời xanh vậy. Ông cho biết có nơi người ta gọi là hoa mộc miên, nhưng gọi là hoa gạo thì vẫn thông dụng hơn.

- Ở đó cuộc sống cơ cực lắm. Nhiều chuyến đi tới khi về mà tôi cứ buồn bã suốt dọc đường. Khi nhìn mấy cảnh trong phim ảnh, toàn thấy nhà cao cửa rộng với cuộc sống choáng lộn, tôi không chịu được và quyết định không bao giờ xem nữa. Thế đấy, bà ạ! Dân tình còn khốn khó thực sự. Lắm lúc, tôi không cầm nổi nước mắt.

Làng quê gắn với ông từ nhỏ và càng xa quê ông càng như thấy có gì đó níu kéo để về dù làng quê bây giờ biến đổi đến chóng mặt, không còn những nét xưa nữa. Tre pheo chặt hết cả, không còn những bức tường bằng những cây duối, cây ô rô hay cây dâm bụt như xưa kia mà thay vào là những bức tường trên có cắm những mảnh chai. Trông thì dáng dấp hiện đại nhưng chìm lắng lắm.

Không rõ khi nghe ông nói chuyện đời, chuyện thiên nhiên, trái tim thực dụng của bà có chút rung cảm chăng nhưng quả là bà cũng có ngóng ông đến làm vườn. Khu vườn dần dần ra dáng ra vẻ dưới bàn tay chăm sóc của ông. Bà hỏi ông về thứ cây bà hình dung sẽ có mặt trong vườn:

- Này ông, liệu có thể kiếm một cây xoan trồng ở góc vườn cho tôi không?

Ông chắc lưỡi:

- Cây xoan ư? Tới mùa đông thì lá cây rụng hết, chỉ còn trơ lại những cành cây gầy guộc, cong queo trông thật tội nghiệp. Mùa nó trổ hoa cũng là mùa có muỗi. Người ta gọi là muỗi hoa xoan đấy.

- Tôi nghe nói hoa của nó màu tím nhạt, từng chùm to nên đâm thích chứ thật sự chưa thấy tận mắt.

- Này nhé, hoa xoan có mùi hương ngan ngát nhưng hăng hắc nhè nhẹ. Lá của nó thì mùi hắc hơn, người ta dùng làm phân xanh và dùng để ủ cho chuối mau chín vì nó nóng lắm. Quả xoan khi chín màu vàng vàng từng chùm và chim chào mào rất thích ăn, vừa ăn vừa hót líu lo. Các cụ còn lấy phoi bào của gỗ xoan cho vào áo gối làm gối để gối đầu, chữa chứng đau đầu bà ạ.

- Vậy sao?

- Còn nữa, cành xoan thì rất giòn và dễ gãy, mà khi nó gãy thì tạo ra vết sắc như ngọn giáo vậy. Chẳng thế mà ngày xưa khi bọn trẻ con chúng tôi chơi trò đánh nhau, hễ gần cây xoan là nhảy lên bẻ lấy cành xoan và lập tức nó trở thành thứ vũ khí luôn.

Rồi ông lại cười hồn nhiên, lắc đầu:

- Nói thì nói vậy chứ tôi chịu thôi không biết kiếm đâu ra cây xoan, cây sấu để giồng cho bà.

Bà chép miệng:

- Ông nhắc cây sấu làm tôi nhớ thưở nhỏ đôi lần được ăn ô mai sấu.

Ông tiếp lời bà:

- Ấy, quả sấu non mới để làm ô-mai. Quả chin chín thì là thành phần không thể thiếu của nước giải khát những trưa nóng oi bức. Quả xanh già già thì dùng nấu canh chua hay om thịt vịt. Hoặc cho quả sấu vào nước luộc rau muống và ăn với cà muối những ngày hè thì nhiều người thích lắm.

Nói đoạn ông mơ màng tưởng như mình đang đi dưới tán cây sấu vào mùa ra hoa để hít căng lồng ngực cái mùi hương nhè nhẹ ngan ngát và thấy được những hoa trắng ngà như chiếc chuông bé tí xíu rơi xuống lòng đường. Nhớ lúc hoa sấu vừa rơi vẫn còn hương phảng phất, các cô gái làng ông hay xâu thành chuỗi rồi đeo lên cổ như chiếc vòng ngọc trai. Khi mùa bão giông đến với những cơn gió giật níu oằn thân cành thì những quả chín rơi rụng.

- Ngày trước bọn tôi hay lấy lá sấu, gói với vài hạt muối trắng để ăn, thưởng thức cái vị chua chua, hơi chan chát một chút. Nhà tôi hồi ốm nghén cũng chỉ thích ăn lá sấu, gần như là ăn trừ cơm. Tôi hay nói đùa "Vậy thì nay mai đẻ ra con bò mất thôi!"

Bà hỏi ngớ ngẩn:

- Vậy bà nhà đẻ ra con gì?

Lỡ lời, bà chữa vội:

- Ý tôi hỏi bà ấy sinh con trai hay con gái?

- Con giai bà ạ. Ấy thế mà thằng cháu lúc này ốm quá. Mấy ngày nay, gọi điện thoại về tôi nghe tiếng cháu ho hệt như tiếng con mèo hen. Tôi không biết cách nào chia sẻ được. Giá mà là gánh nặng thì tôi gánh phắt một cái giúp cho xong. Đằng này lại không thế. Vậy mới ray rứt cho tôi!

Tiếp theo là tiếng ông thở dài não ruột. Dưng không bà bổ nhát cuốc vào khu vườn nhớ của ông. Bà ngỡ ngàng nhìn ông. Mắt ông rân rấn ướt. Cái miệng hay toác cười có phần run nhẹ đôi môi, giọng ông trầm hẳn:

- Thằng cháu bệnh, nhà tôi lại mất rồi. Thằng cháu cố gắng thân tự lập thân nhưng bà tính cháu đi đứng oặt oẹo bẩm sinh thì phỏng làm việc gì ra hồn? Lắm lúc cháu buồn rầu nói bố mà đi xa thì con ăn mày mất. Tôi nghe mà rứt ruột, bảo rằng con không phải đi ăn mày, để bố tính. Cô em gái tôi goá chồng ở Mỹ bảo lãnh, đến lúc được gọi đi thì thằng cháu đã quá tuổi nên phải ở lại. Tôi sang đây cố sao được vào quốc tịch rồi bảo lãnh cháu, xem ra cũng mười mấy năm nữa, ấy là tính đến việc tôi đỗ quốc tịch và còn khỏe...

Ông nói chuyện bỏ dở nửa chừng, giọng nghèn nghẹn.

*

Bẵng đi một thời gian, ông không đến làm vườn cho bà và cũng không báo trước lý do nghỉ. Bà bâng khuâng tự hỏi chẳng biết có phải ông ghét cái tính riết róng của bà mà đi tìm nơi khác làm việc thoải mái hơn không. Bà nghĩ lại thấy mình lắm khi nghiệt ngã với ông.

Đến một hôm, người giới thiệu ông đến làm vườn cho bà ghé qua báo:

- Bà ơi, con trai ông ta mất rồi, chẳng biết ông có sang lại Mỹ không.

Thì ra bấy lâu nay ông trở lại quê nhà chăm con ốm. Vẫn biết cái sinh tử là lẽ thường tình nhưng ai cũng không thể không hụt hẫng. Bà nhớ đã có lần ông bộc bạch với bà rằng cuộc đời con người ta sẽ có ngày ngủ mê say theo giấc mơ bay về trời. Lúc ấy ông sẽ mặc chuyện dâu bể, chuyện khóc cười thế gian, chuyện nhân sinh chìm nổi. Trời còn cho ông tỉnh thức để nhận ra con của ông ngủ mãi không dậy nữa.

Bà hình dung giữa cái nắng chói chang, ông đưa tiễn đứa con mệnh khổ đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Ông hẳn đầu trần thi gan với Trời ném cho con ông mấy nắm đất quê hương để nó yên lòng rồi chệnh choạng ra về trong cái nóng như thiêu như đốt với bao điều trăn trở.

Phải rồi, con người ta mãi trăn trở và thời gian cứ trôi. Xã hội bây giờ đang vậy. Bà hay ông cũng như bao con người khác đều phải vật lộn, phải vẫy vùng, quẫy đạp trong cái vòng xoáy của nó, mấy ai thoát ra được. Bà nhìn trân trân ra khu vườn nơi ông từng vun xới với một mảnh hồn quê mà ông mang theo. Hình như bà chưa nhận ra mình đang vun xới cái gì và rồi sẽ mang theo cái gì.

Thật mà! Thề có Trời, bà đang lo nghĩ rồi ra liệu có tìm thuê được người làm vườn vừa yêu cây cối vừa chấp nhận công giá bèo như ông.

Orchid Thanh Le

Ý kiến bạn đọc
15/12/201503:05:31
Khách
Ông làm vườn trăn trở giữa hai bờ đại dương xa diệu vợi. Ông lạc lõng giữa cái ước mơ tốt đẹp hơn để bảo lãnh đứa con tật nguyền – và cái chốn hoài niệm, chốn tích lũy những câu chuyện kinh nghiệm đời ông gắn bó đã mấy mươi năm… Tác giả khéo léo mượn chuyện cây cối để chỉ ra nỗi niềm quê hương khắc trong ông quá sâu đậm. Thân phận của những người Việt ra đi không vì lý do tỵ nạn đã được tác giả nêu bật trong truyện Vườn Nhớ. Tôi tin là ông làm vườn sẽ không quay lại Mỹ nữa, và bà chủ nhà sẽ mau quên những mẩu chuyện của ông để trở về với cái bận rộn tất bật của bà mỗi ngày…

Cảm ơn tác giả Thanh Lê truyện ngắn rất súc tích và chất lượng! Chúc chị sức khoẻ và bình an.
14/12/201507:17:20
Khách
"Đêm thao thức
Nghe tiếng lòng
Buồn trăn trở
Nhớ quay quắt
Quê và người
Xa diệu vợi
Mơ đóng gói nỗi niềm
Chỉ trong một nắm nhớ!"

Chao ôi, sao tác giả lại khơi lên nỗi niềm của tôi như thế chứ :(. Phải, quê & người, ai ai cũng nặng tình khi phải sống xa quê mẹ. Cám ơn Orchid!
08/12/201518:42:20
Khách
Một bài viết rất thú vị mà chắc chắn tác giả phải là người yêu vườn, rất thích làm vườn, và có rất nhiều kiến thức, hiểu biết về các loại cây, cành, hoa mà qua bài đọc cũng giúp tôi được học hỏi thêm nhiều vào cái vốn liếng hiểu biết ít ỏi của mình. Rất cảm ơn chị về điều này!

Ngoài vườn cây, có lẽ chị cũng yêu thơ vì những đoạn thơ ngắn được chị "lẩy" vào rất dễ thương và thổi thêm chất hồn "thi vị" vào bài viết của chị làm cho bài đọc mướt mát và đáng yêu hơn!

Mặc dù cái kết của bài viết buồn và không bao giờ là điều tôi mong muốn xảy đến cho ông làm vườn đáng mến, quả thật đã để lại một cái dư vị "nghèn nghẹn" khiến chúng ta phải trăn trở về "mảnh hồn quê", về điều chúng ta "đang vun xới cái gì, và rồi sẽ mang theo cái gì"...như chị đã viết trong phần cuối bài. Rất hay và rất đáng suy gẫm. Cảm ơn chị và thành thật chúc chị nhiều sức khoẻ để tiếp tục chấp bút!
04/12/201523:32:48
Khách
Cám ơn tác giả đã cho đọc một bài viết hay.
03/12/201516:12:04
Khách
Từ lâu nay nghe bài hát "Hoa soan bên thềm cũ" tôi cứ ngỡ "soan" phải bắt đầu từ "s". Nhưng sau khi đọc bài viết này, tôi tra lại tự điển và thấy "xoan" bắt đầu từ "x" mới đúng. Tôi chắc nhiều độc giả cũng ngộ nhận như tôi.
Bài viết dễ thương. Cám ơn người viết.
02/12/201507:15:42
Khách
Cam on tac gia da cong hien them 1 bai viet chat luong. Co nhieu dieu dang suy ngam o day, va toi nhin lai cay coi vuon tuoc voi 1 anh mat khac, yeu thuong hon.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến