Hôm nay,  

Chuyện Ông Tư Dì Tư: Ai Ai Cũng Nợ!

27/11/201500:00:00(Xem: 20195)

Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 3684-17--30184vb6112715

Tác giả từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiệm sở hiện ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu.

* * *

Ông Tư dì Tư, một cặp vợ chồng người miền Nam, định cư tại Quận Cam từ những ngày cuối năm 75. Ông Tư hồi xưa người trong thôn gọi cậu Tư Cường, răng cậu Tư bịt vàng sáng chóe.

Sáng thứ Năm cuối tháng Mười Một, Lễ Tạ Ơn tới, vợ chồng ông Tư ngồi uống trà Bảo Lộc sân vườn. Nhìn mặt dì Tư hồng hồng tươi, miệng chóp chép nhai miếng trầu thuốc, ông Tư mở ruột tâm sự với vợ,

— Hồi nọ lúc về bên Việt Nam thăm bà con xóm làng sau hơn ba mươi năm không gặp mặt, ta nói yên lặng thì không sao, nhưng hở miệng ra một cái là người ở bển biết mình từ bên Mỹ mới về.

Dì Tư nhìn chồng, nửa đùa nửa thật,

— Thì ai biểu! Ông cứ mở miệng ra là tiếng tây tiếng u rổn rảng rộn ràng. Hỏi sao người ở bển không biết ông từ bên Mỹ về...

Ông Tư nửa như càm ràm vợ nửa như mở miệng phân bua,

— Mần chi mà bà phải lên giọng bỉ thử với tui như thế! Bà biết tui đâu phải hạng người áo gấm về làng, rồi là huênh hoang tự đắc lên mặt song tàn với bà con chòm xóm… Ta nói thiệt tình là tui cũng cố gắng hết sức không chêm một câu tiếng Anh, không bớt một chữ tiếng Việt. Cho nên nhiều người ngạc nhiên nói với tui, “Lạ hén! Sao chú Tư, ổng ở bên Mỹ ba chục năm nay, nhưng nói không lơ lớ tuồng như người bị rắn lục mổ ngay bắp chân?”.

Ông Tư cười hề hề, hỏi vợ,

— Rồi cái...bà biết tui nói làm sao không?

Dì Tư nhìn ông Tư, giọng ra chiều hưỡn đãi,

— Sao? Ông nói làm sao?…

— Ừ, thì tui nói, “Mặt này nhìn là biết dân nhậu thịt rắn với đế Gò Công. Làm sao mà nói tiếng Việt lơ lớ cho đặng!”.

Dì Tư dừng tay cuộn tròn miếng trầu xanh, cộ mắt nhìn chồng,

— Tưởng chi… Rồi đó, bây giờ thì ông nói tui nghe đi, làm sao mà ông mở miệng ra là người ta biết ông ở bên đây mới về?

Ông Tư chép miệng,

— Thì cũng có chi đâu. Cũng tại tui quen cái tật ưa nói “Cám Ơn”…

Như người nhai miếng cơm nghẹn ngang cần cổ, dì Tư trợn mắt nhìn chồng. Dì mở miệng muốn nói chi đó… nhưng nghĩ sao lại thôi, yên lặng lắng nghe ông Tư giải thích,

— Bà biết không! Sống ở bên đây, riết thành thói quen. Ta nói ghé vào chợ quận mua đôi dép Thái tui cũng bật miệng nói cám ơn, xẹt ngang qua chợ làng làm tô hủ tíu cũng lại lập cập mở miệng cám ơn. Cho nên dấu đầu rồi cũng lại lòi đuôi là vậy...

Dì Tư nhăn mặt, cự nự chồng cấp kỳ,

— Nè, nè! Ông ăn nói không e dè kiêng nể, không sợ người bên Việt Nam họ giận, họ nói ông lên mặt song tàn coi thường người ở bển!!!...

Ông Tư phân bua cấp kỳ,

— Á, à, bà! Tui không có cái ý đó. Tui chỉ muốn nói là người ở bên Mỹ họ quen miệng hay nói cám ơn. Thế thôi. Chứ tui không có nói người mình ở bển không biết nói cám ơn… Bà lại cái tật cứ ưa vẽ rắn thêm chân!

Ông Tư phân trần,

— Nè, bà nghe tui nói hén, rồi bà nghiệm xem lời tui nói có đúng hay không… Ở bên đây hả, vô nhà hàng ăn uống, mình cũng phải móc bóp trả tiền, chứ đâu có phải ăn đồ cúng trên chùa hay gặp ngày rằm hương thôn phát chẩn. Nhưng khi người ta bưng cơm ra, mình cũng mở miệng nói cám ơn. Khi ra quầy trả tiền, miệng lại nói cám ơn. Mình ở bên đây lâu rồi, cho nên ta nói riết rồi lời cám ơn nhập vào trong bụng lúc nào cũng không hay…

Dì Tư góp ý,

— Thì ông nói cũng có cái lý của ông. Nhưng có một số người họ nói, nói cám ơn nhiều quá, hóa nhàm, khách sáo, tuồng như cải lương Hồ Quảng...

Ông Tư nhíu mày,

— Sao lại khách sáo? Bộ bà không thấy ông bà mình có câu, “Con lợn có béo thì lòng mới ngon”, hoặc là tui nhớ đâu…đạo Phật người ta có câu, “Tâm Phật, nhìn đâu cũng thấy Phật”. Bà thấy chưa, lòng có đầy tràn tâm tình tri ân thì mình mới thốt ra những lời cám ơn cho những nghĩa cử tử tế của hàng xóm láng giềng chứ.

Ông Tư hớp một ngụm trà rồi tiếp tục,


— Tui biết không phải là mình ở bên Mỹ, rồi cái gì của Mỹ cũng khen là nhất là hay. Nhưng tình thiệt là tui thích cái tinh thần của người Mỹ ở chỗ đó. Chính phủ cám ơn dân chúng. Con cái cám ơn bố mẹ. Hàng xóm cám ơn hàng xóm. Mình mua một món hàng, người bán hàng cũng nhã nhặn nói cám ơn. Ai ai cũng cám ơn nhau, bởi tình thiệt mà nói tui thấy sống trên cõi đời này ai ai cũng mắc nợ ít ra là một món nợ…

Dì Tư ngước mắt nhìn chồng,

— Ông nói mắc nợ? Ai mắc nợ ai? Mà mắc nợ như thế nào?…

Ông Tư ôn tồn giải thích,

— Bộ bà không nhìn thấy hay sao? Nhà nước nợ dân những lời cám ơn, bởi nếu không có những lá phiếu của dân, thì đã không có nhà nước. Con cái nợ bố mẹ những lời cám ơn, bởi nếu không có bố mẹ, thì đã không có con cái. Hàng xóm nợ nhau một lời cám ơn, bởi nếu không có căn nhà sát bên tối lửa tắt đèn, thì đã không có phố phường. Thương gia nợ khách hàng những lời cám ơn, bởi nếu không có người mua, tiệm nào thì tiệm, dù có là tiệm 1 đô bán đồ rẻ cũng đã đóng cửa từ đời tám hoánh. Cho nên, ta nói tui là tui thích những ca sĩ, lúc nào họ cũng nhã nhặn nói lời cám ơn thính giả; bởi nói mà không sợ mất lòng, dù hát hay như chim sơn ca, nhưng nếu không có khán thính giả, thì làm sao có ca sĩ sân khấu?

Ông Tư dừng lại chiêu vào trong miệng một ngụm trà xanh Bảo Lộc, rồi nho nhỏ giọng lại,

— Bà biết chi không? Nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay có cái điều này tui cũng muốn tâm sự với bà từ lâu rồi...

Đang nhai nhai miếng trầu trong miệng, dì Tư dừng lại cục thuốc rê vê tròn, nhìn chồng,

— Ông muốn nói cái chi thì cứ nói đi, sao lại tự nhiên xuống giọng thì thào tuồng như kép độc chuẩn bị xuống sề không bằng?

Ông Tư cười cười, mở miệng nịnh vợ,

— Có bà làm đào thương thì họa may, chứ tui thì mần chi mà dựng tuồng đóng vai kép độc cho đặng.

Ông Tư tiếp tục,

— Tui nhớ có lần bà nói với tui hai vợ chồng mình được Trời Phật thương, ban cho con cái học hành tới nơi tới chốn, rồi trong nhà có thằng Hai, bác sĩ phòng mạch dưới phố, con Tư dì phước làm việc ở Phi Châu, hơn mười năm rồi; bởi thế, có người gặp bà ngoài phố cứ hay lớn miệng gọi bà là “Bà Cố”. Bà có nhớ hay không?

Dì Tư nhìn chồng, gật đầu,

— Ừa! Tui nhớ. Rồi thì sao?

Ông Tư kiên nhẫn,

— Tui nhớ có mấy lần bà về tới nhà, bà càm ràm với tui không biết phải đối đáp ra sao khi người ta gọi mình "Bà Cố", bởi không hiểu họ đang thật tình hay là có ý chi đây. Cho nên thôi, nhân tiện hôm nay cũng là ngày Lễ Tạ Ơn, tui đề nghị với bà như thế này, lần sau có ai gọi bà “Bà Cố”, bà cũng không phải mất công cất tiếng thanh minh thanh nga làm chi, bà chỉ việc nói, “Tạ ơn Trời Phật”, câu kinh mà mọi người đang sống ở Mỹ đều sẽ nói trong bữa ăn Tạ Ơn tối nay vậy thôi...

Ông Tư nhìn dì Tư đo lường tình thế,

— Bà nghĩ tui nói có đúng hay không?

Ông Tư nghiêm trang thành khẩn,

— Mà bà nghĩ thử coi, thiệt tình đúng là như vậy. Hồi đó, nếu không có ơn trời hướng dẫn cho mình được tàu Mỹ vớt, làm sao hai vợ chồng mình có trời mới, đất mới để mà bắt đầu một cuộc đời mới tinh?

Ông Tư dừng lại, uống thêm một miếng trà Bảo Lộc,

— Ta nói lần trước về thăm lại quê hương họ hàng, thấy những người thành công, trong bụng tui cũng mừng. Nhưng cũng có người tui thấy đời sống còn cực nhọc lắm.

Ông Tư đổi sang giọng điệu bông lơn thường nhật,

— Trông người lại nghĩ tới ta. Hồi năm 75 mà không được vớt mang tới đảo Guam, bà biết bây giờ bà với tui đang làm gì ở Việt Nam hay không?

Dì Tư nhìn chồng,

— Ông nói chiện! Làm sao mà tui biết..

Ông Tư lại cười hở hai hàm răng móm xọm, khoe cái răng bịt vàng sáng chói,

— Thì…thì giờ dám tui cũng đang rảo rảo chợ quận, miệng rao, “Trà đá không?”, còn bà thì cũng đang te te bê cái rổ ở bến xe chợ huyện, chào hàng, “Mía ghim hôn? Ai mía ghim hôn?”. Như vậy thì làm sao nhà mình có nổi một ông Bác Sĩ và một bà dì Phước… Bà nghĩ tui nói có đúng hay không?

Nguyễn Trung Tây

Ý kiến bạn đọc
14/12/201507:39:29
Khách
Kính ông Nguyễn Xuân Nghĩa,
Tôi rất yêu thích bài viết , với cách hành văn độc đáo, dí dỏm của tác gỉa, nên muốn tìm hiểu "giọng bỉ thử" của bà Tư là giọng thế nào ?
Trước khi ông thay mặt tác gỉa trả lời, cụ Đ.D.A cũng đã giải thích ý nghĩa hai chữ “Bỉ”: kia, cái kia, người kia, bên kia. “Thử”: này, cái này, người này, bên này.
Bỉ Thử: cái kia,cái này; người kia,người này; bên kia,bên này .
Như vậy, hán tự “bỉ thử” đã được giải nghĩa, còn “giọng bỉ thử” của bà Tư thì chỉ có tác gỉa mới trả lời, thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa!
Kính
Lê Minh
12/12/201509:46:10
Khách
Xin thay cho tác giả mà trả lời độc giả Lê Minh: Bỉ là bên kia, Thử là bên này. Bỉ thử - một động từ phổ biến ngày xưa - có nghĩa là so sánh, phân biệt, thường hàm ý tiêu cực. Tác giả viết quá hay mà nay ta mất chữ nên không hiểu được ý Ông Tư, dù đã có động từ "càm ràm"... Kỳ sau nói chữ song tàn! Nguyễn-Xuân Nghĩa
28/11/201504:11:36
Khách
Kính tác gỉa Nguyễn Trung Tây
Đọc đoạn văn sau đây:
"Ông Tư nửa như càm ràm vợ nửa như mở miệng phân bua,
— Mần chi mà bà phải lên giọng bỉ thử với tui như thế! Bà biết tui đâu phải hạng người áo gấm về làng, rồi là huênh hoang tự đắc lên mặt song tàn với bà con chòm xóm…"
Thưa tác gỉa, tôi không hiểu "giọng bỉ thử" là giọng thế nào và "song tàn" mang ý nghĩa gì ? Kính mong tác gỉa giải thích giùm cho tôi được học hỏi thêm.
Xin chân thành cảm ơn tác gỉa.
Lê Minh
27/11/201510:36:37
Khách
Mừng quá gặp lại chủ quán rồi và quán đã taan trang .
Một hồi , đi mãi không tìm ra quán . Tưởng ăn nhậu quá cầm cố tiệm rồi . Buồn hết biết luôn !!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,300,383
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến