Hôm nay,  

Sống Lại Mùa Tết Trung Thu

26/09/201500:00:00(Xem: 14444)
Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 3633-18--30123vb7092615

“Nhìn vầng trăng đêm nay trên bầu trời xứ Mỹ mà nhớ...” chuyện bể dâu, viế cho đêm trung thu. Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự. Sang năm 2015, cô nhận thêm giải “Vinh Danh Tác Phẩm”.

* * *

Xứ ta có lắm mùa để vui chơi gọi chung bằng chữ “Tết”. “Tết” do chữ “tiết” là tiếng Hán Việt đọc trại ra có nghĩa là thời gian được ấn định trong một năm. Đầu năm mới ta có Tết Dương Lịch còn gọi là Tết tây để phân biệt với Tết ta là tết Nguyên Đán, tháng năm có tết Đoan Ngọ, tháng tám có Tết Trung Thu. Tuy tiếng Hán Việt thành hình là do chịu ảnh hưởng một ngàn năm đô hộ phương Bắc nhưng tổ tiên ta vẫn giữ được tinh thần độc lập, tự chủ bằng cách tạo ra một thứ chữ riêng gọi là chữ Nôm thành hình từ thời nhà Đinh, qua bao triều đại Lê, Lý, Trần, Nguyễn...

Mùa Tết Trung Thu sắp đến. Hai chữ “Trung Thu” khi đã dùng quen, dịch sang tiếng thuần Việt như “Tết giữa mùa Thu” thì mất ngay cái tên đẹp và nét trang trọng của nó. Có khi ai đó muốn Việt nam hóa để có sự trong sáng trong tiếng Việt, vô tình nó trở thành dung tục, lạ lẫm, ngô nghê, nửa nạc nửa mỡ như sau một chín bảy lăm xuất hiện các từ như “chiến sĩ gái”, “xưởng đẻ”, “máy bay lên thẳng”, “lính thủy đánh bộ”... Cho nên muốn thay đổi một thói quen trong cách sử dụng ngôn ngữ không dễ gì được quần chúng chấp nhận và đòi hỏi nhiều thời gian.

Hồi còn bé, tôi thích nhất những ngày Tết. Các câu chuyện Mẹ kể về Tết Trung Thu hay đọc trong sách vở vẫn là những ký ức đẹp và khó quên. Sách kể rằng Tết Trung Thu là Tết của Tàu vì có tích chuyện chị Hằng Nga và anh chàng Hậu Nghệ vốn là thần bất tử sống trên cõi trời. Hậu Nghệ vì làm sai lệnh của Ngọc Hoàng nên hai vợ chồng bị đày xuống trần gian. Hậu Nghệ đì tìm Tây Vương Mẫu xin thuốc trường sinh nhưng dấu vợ. Một hôm Hậu Nghệ đi vắng, Hằng Nga lén chồng, uống thuốc tiên, bay lên cõi trời. Hậu Nghệ về kịp, định dùng cung bắn mặt trăng nhưng Hằng Nga đã rơi xuống mặt trăng nên chàng không nỡ. Từ đó Hằng Nga trở thành người đẹp của mặt trăng, còn gọi là cung Hằng, làm bạn suốt đời với con Thỏ ngọc. Vì thế mới có những câu thơ ỡm ờ của nhà thơ Tản Đà trêu ghẹo chị Hằng: “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi. Trần thế em nay chán nữa rồi. Cung quế đã ai ngồi đó chửa. Cành đa xin chị nhắc lên chơi...”

Một tích khác là chuyện ông vua Đường Minh Hoàng mê ca múa, nằm mơ thấy mình vân du cõi trời, được xem màn ca vũ nhạc của các tiên nữ trên trời. Khi thức dậy, nhà vua nhớ lại giấc mơ, sáng tác điệu múa đặt tên là “Khúc Nghê Thường” để dạy cho các vũ nữ trong cung. Các điệu vũ này thường được múa hát vào những dịp Tết Trung Thu trong triều đình kèm theo nghi thức yến tiệc, uống trà, ăn bánh, ngắm trăng, uống rượu, làm thơ, họa thơ...

Chuyện cổ Việt nam kể rằng ngày xửa ngày xưa có “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa...” Thằng Cuội sau khi giết đàn hổ con, hổ mẹ về, Cuội sợ quá trốn trên cây. Cuội rình thấy hổ mẹ đi tìm lá thuốc chữa bệnh cho hổ con. Đàn hổ con sống lại. Mẹ con hổ đi rồi, Cuội mừng quá, bứng cả cây thuốc “cải tử hoàn sinh” đem về nhà trồng. Trên đường về, Cuội gặp một ông lão bị bệnh, Cuội dùng lá thuốc chữa cho ông lão. Ông lão khỏi bệnh, dặn dò đây là cây thuốc quý Trời cho gọi là cây đa, phải chăm sóc cẩn thận, không được phóng uế, cây sẽ hết linh nghiệm.

Chuyện thằng Cuội kết thúc đâu phải chỉ đến đó. Cũng giống như chuyện Hằng Nga hay trong Kinh Thánh, phải có sự tham dự của người đàn bà. Người đàn bà thường là nguyên nhân gây ra những biến cố làm thay đổi số phận hay cuộc đời của họ và các ông chồng. Bà Eva nghe lời con rắn dụ dỗ ăn trái cấm ở vườn địa đàng Eden nên cùng với ông Adam sau này trở thành thủy tổ của loài người. Vợ thằng Cuội muốn thử cây thuốc quý của chồng bèn đái vào cây đa, cây đa bứt gốc, bay lên trời. Cuội về kịp, tiếc của, bám lấy cây đa, cây đa bay tít lên cung trăng. Từ đó Cuội sống cô độc, cô đơn suốt đời làm bạn với cây đa. Nhạc sĩ Lê Thương cám cảnh thằng Cuội, sáng tác bản nhạc “Thằng Cuội”. Trẻ em sống ở miền Nam hầu như đứa nào cũng biết hát những lời ngắn dễ nhớ: “ Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to. Có thằng Cuội già. Ôm một mối mơ... Cuội ơi, ta nói cho Cuội nghe. Ở trên cung oán mà chi. Bóng trăng trắng ngà....”

Kho tàng truyện cổ Việt nam vào mùa Trung Thu đi vào ký ức, sống mãi trong tâm tưởng của tôi suốt thời thơ ấu. Cho đến bây giờ, hồi tưởng lại vào những đêm rằm xa xưa, trời trong, trăng sáng và tròn, tôi hay nhìn lên mặt trăng tìm bóng dáng chị Hằng Nga, con Thỏ ngọc, thằng Cuội, cây đa. Thời đó làm gì có “i-phone”, “i-pad”, “i- pod”... Kỹ thuật hiện đại và trí tưởng tượng của con người sau năm mươi năm quá siêu việt, đưa trẻ con ngày nay đến tận vô vàn thế giới ảo, hấp dẫn, sinh động, phong phú nên những câu chuyện cổ về mùa Trung Thu không thực tế và gây ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn chúng. Trong trí tưởng tượng của đứa trẻ hơn mười tuổi đầu thập niên sáu mươi, tôi hình dung chị Hằng Nga là cô gái đẹp và buồn, sống vò võ một mình trên mặt trăng lúc nào cũng nhớ về ông chồng Hậu Nghệ. Con Thỏ ngọc xinh xắn, dễ thương và tốt bụng, hy sinh nhảy vào lửa để làm thức ăn cho đàn thỏ đói được Phật hóa thành Thỏ ngọc sống trên cung trăng với chị Hằng. Ngắm cái vòng tròn sáng rực và xa tít mù khơi vào những đêm trăng, tôi nhìn ra hình dáng mờ mờ một cái cây gọi là cây đa và một người ngồi dưới gốc đa. Thằng Cuội. Trong tưởng tượng của tôi nó là một thằng bé nhà quê, làm củi trên rừng, có cái mặt câng câng, khôn lanh và lém lỉnh giống cái mặt của “Thằng Bờm có cái quạt mo”. Hình ảnh thằng Cuội sau này còn là một thằng láu cá, thêm vào cái tính hay nói dối cho nên mới có thành ngữ “Nói dối như Cuội.”.

Sau chuyến di cư năm một chín năm tư là thời thanh bình của một triệu người dân miền Bắc cùng với dân miền Nam bắt tay vào việc ổn định đời sống, xây dựng đất nước.

Hạnh phúc của những đứa trẻ như các anh chị em tôi vào dịp Tết Trung Thu thời đó là được ba cho đi xích lô máy vào Chợ Lớn mua bánh Trung Thu và lồng đèn. Sáu cha con ngồi chen chúc nhau. Mấy đứa lớn ngồi chồm hổm dưới cái càng xe. Gió ngược chiều tốc cả tóc, áo, rát cả mặt. Con đường Trần Hưng Đạo đi thẳng hoài đến nhà hàng Đồng Khánh, xa hơn nữa là nhà hàng Soái Kinh Lâm. Từ đường Đồng Khánh trở đi là một khu thương mại của người Hoa rực sáng đèn là đèn từ các cửa hàng bán lồng đèn và bán bánh Trung Thu nổi tiếng như Đông Hưng Viên, Tân Tân... Những giấy bóng kiếng màu xanh, đỏ, vàng tạo thành hình những chiếc máy bay, xe tăng, con gà, con thỏ, con cá, ngôi sao....treo lủng lẳng trước cửa hàng làm lũ trẻ hoa mắt không biết chọn cái nào vì cái nào cũng đẹp.

Gần năm mươi năm trôi qua, mỗi mùa Trung Thu lại nhớ đến ông bố. Nhâm nhi miếng bánh thập cẩm mà không quên hương vị ngọt ngào của miếng bánh Trung Thu ngày nào ngồi trên xe xích lô máy về nhà, mỗi đứa được bố cho ăn một góc tư bánh Trung Thu Đông Hưng Viên thập cẩm, hai hột vịt muối ngon ơi là ngon. Đứa nào xui, chậm tay bắt nhằm miếng bánh cắt ra không có hột vịt muối, mặt mày buồn thiu. Bố lại an ủi “Bố còn cả hộp đây này.Ngày mai phần con ưu tiên có một hột vịt muối”. Hương vị vừa bùi vừa béo, mềm và thơm của miếng hột vịt muối mằn mặn, nhâm nhi chậm rãi sao mà đậm đà và thấm thía tình thương của ông cụ.

Vui nhất là buổi tối trăng rằm, khi thành phố lên đèn, lũ trẻ con ùa ra đường. Con đường nhỏ Hồ văn Ngà nằm ngang phía sau đường Trần Hưng Đạo chia làm ba đoạn nhưng sầm uất nhất là đoạn nằm giữa hai con đường Calmette và bác sĩ Yersin còn gọi là phố hàng đàn, lăng xăng, chộn rộn, ồn ào của đám nhóc. Chúng tôi mang theo lồng đèn, đèn cầy, giúp nhau đốt đèn cầy vào cái vòng kẽm hình xoắn bên trong lồng đèn. Đám con trai không chơi lồng đèn thì dùng lon sữa bò đục lỗ, gắn trên một cái trục quay nối với một thanh cây dài dùng để đẩy. Khi đẩy, tiếng kêu “rét, rét” của lon sữa bò trong đó có cây đèn cầy đốt sáng khi quay mà không bị tắt là một sáng chế rất đáng tự hào. Có những đứa bố mẹ không mua lồng đèn, chúng tự xếp, chế thành những chiếc lồng đèn làm bằng giấy “pelure” hồng, mỏng, nho nhỏ xinh xinh. Dưới sự chỉ huy của thằng Thanh con bác Quảng Thành là thủ lãnh và một thời là thần tượng của đám con nít Hồ văn Ngà, thằng Thanh bắt đám con nít phải thuộc bài hát “Rước Đèn Tháng Tám” mới được vinh dự nối đuôi nhau theo nó đi rước đèn. Các lồng đèn được đốt lên, sáng lung linh. Đám nhóc trai gõ trống, đẩy lon, đám con gái cầm đèn, cả đám con nít đi vòng vòng hát vang cả khu phố:

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay.Em múa ca đưới ánh trăng rằm. Đèn ông sao với đèn cá chắm. Đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này đến cung trăng. Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh...

Mỗi lần nghe bài hát này tôi nhớ đến thằng Thanh. Thằng Thanh, bạn hàng xóm thân thiết “tao tao mầy mầy” của tôi bây giờ không biết nó nằm ở đâu. Cái oai phong của nó thời đó làm cho đám con nít sợ, nể, phục. Nó sai bảo gì là răm rắp nghe lời trong đó có tôi. Sau này, thằng Thanh lớn lên theo ngành hải quân, được đi tu nghiệp ở Mỹ, tôi hết gọi nó bằng thằng mà chuyển sang gọi bằng tên. Sau một chín bảy lăm, Thanh bị kẹt ở lại, bỏ trốn, bị bắt đi học tập cải tạo, vợ bỏ lấy chồng khác, trốn trại hai lần, Thanh bị bắn chết trong rừng. Xác nó nghe bà má nói chôn cất sơ sài không biết bị thú rừng đào bới hay đất sụp lở nên sau này không tìm được tông tích để gia đình đi bốc mộ.

Vào dịp Tết Trung Thu, Mẹ tôi tuy bận rộn công việc nhưng cũng làm một mâm cỗ cúng cho các trẻ con vui. Ngoài hoa trái cúng trên bàn thờ, mâm cỗ Trung thu không thể nào thiếu bánh dẻo, bánh nướng, cá chép, bánh nướng hình con lợn mẹ và đàn lợn con... Đó là dịp để đám con nít chúng tôi có dịp ăn bánh ngọt thả dàn.

Có năm, một bác thợ đàn khéo tay làm biếu ba một cái đèn kéo quân, ba treo trước cửa. Đám con nít tối nào cũng kéo đến xem chật nhà làm cho Tết Trung Thu năm ấy thật vui vì nhà lúc nào cũng đầy người đến xem đèn. Những hình ảnh người lính, người tiều phu gánh củi, mẹ ngồi ru con, các con thú đủ loại, con khỉ Tôn Ngộ Không, quan trạng vinh quy bái tổ...chạy vòng vòng hiện trên cái màn hình bọc bằng giấy trắng quanh chiếc đèn hình trụ có nhiều tầng. Sức nóng của ngọn nến đốt bên trong làm cho cái đèn cù quay tự động như một sân khấu nhỏ linh động, đủ màu sắc. Chỉ có mỗi món đồ chơi là lạ như cái đèn kéo quân mà làm mê man cả xóm và những khuôn mặt ngây thơ với những đôi mắt long lanh xem suốt mùa Trung Thu không biết chán.

Mùa Trung Thu thời thơ ấu đã qua. Thời con gái sắp đi lấy chồng, kỷ niệm khó quên của tôi là ghé vào thăm ông chú chồng vào đêm Trung Thu, biếu ông vài hộp bánh gọi là đền ơn đáp nghĩa ông chú bà thím có công vun đắp cho đôi trẻ sau này nên duyên chồng vợ. Nhà ông chú chồng tôi là một cửa hàng bán đàn nổi tiếng ĐT trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Bên cạnh cửa hàng phía bên trái là một căn nhà biến chế thành một khu vườn nhỏ có hồ bán nguyệt, hòn non bộ, nước chảy róc rách, kỳ hoa dị thảo, cây kiểng, tre, trúc quanh năm xanh tốt. Đi sâu vào trong nhà là thế giới đồ cổ của ông nào sập gụ, tủ chè, ghế cẩn xa cừ, bình, lọ, đĩa, ấm, chén, tượng, tranh, hoành phi, câu đối...Chỉ có người thân mới được ông mời vào ngắm nghía, thưởng lãm các món đồ cổ đẹp, độc đáo, hiếm có và mắc tiền, được nghe ông khoe cái sở thích sưu tầm đồ cổ điệu nghệ của ông và niềm tự hào được kết bạn với nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng Vương Hồng Sển.

Ba chú cháu ngồi trên chiếc chiếu hoa trải bên cạnh hồ nước trong vắt. Ông nhẹ nhàng lấy ra bộ ấm chén từ thời nào xưa lắm bên Tàu, pha một bình trà bằng loại trà thơm đặc biệt khi uống vào chất trà đọng lại ngòn ngọt đến tận cổ. Bà thím đón tiếp cô cháu dâu tương lai bằng bánh nướng, bánh dẻo, mứt sen, trái cây. Khung cảnh thật nên thơ, tĩnh lặng. Gió mát nhè nhẹ. Trăng rằm sáng rực trên trời. Tiếng nước chảy róc rách êm tai. Tâm hồn phơi phới, lâng lâng của lứa đôi đang hạnh phúc tràn trề thời kỳ tiền hôn nhân thật là những kỷ niệm khó quên.

Với lối kể chuyện hài hước rất có duyên, hai chúng tôi ngồi nghe ông kể miên man về cuộc đời thơ ấu của ông, về cơ ngơi của gia đình bên nội ở làng Khuốc, thời đi làm văn công đóng kịch, thời yêu đương các cô gái làng. Là người có nhiều kinh nghiệm sống trong trường đời, từ miền Bắc di cư vào Nam với hai bàn tay trắng, sinh cơ lập nghiệp trở thành một ông chủ tiệm đàn nổi tiếng và giàu có, ông kể về những ngày khốn khó khi vào Nam, nỗi đau khổ của ông bà khi đứa con trai đầu lòng và liên tiếp những đứa con trai sau đó đều mất khi còn bé. Ông cũng là người sính thơ văn cổ, giao tiếp nhiều giới văn nghệ sĩ và giới chơi đồ cổ, chúng tôi được nghe ông kể biết bao chuyện “thâm cung bí sử” ly kỳ và thú vị.

Đây là lần đầu tiên tôi được “làm quen” với ông chú chồng, nhân vật quan trọng thứ hai sau ông bố chồng, những người tôi cho rằng mình nên xử sự... “kính nhi viễn chi” vì chưa phải là dâu chính thức. Ông đã cho cô cháu dâu tương lai một ấn tượng tốt đẹp về gia đình chồng, gần gũi và thân tình trong buổi tối ăn bánh, uống trà, ngắm trăng và nghe chuyện “cổ tích” về ông trong đêm rằm Trung Thu.

Cái dinh cơ đồ sộ ấy sau bảy lăm bị chia năm xẻ bảy cùng với lòng người tan tác phân ly. Mỗi người đi tìm cho mình lối thoát. Hai đứa con đầu của ông bà đi theo một gia đình làm sở Mỹ trước bảy lăm. Đứa con trai kế đi theo diện đoàn tụ qua Pháp bằng giấy tờ giả. Đứa con nuôi đi đường bộ qua Thái Lan an toàn. Cô con gái cuối lận đận vượt biên cả chục lần cuối cùng cũng sang được đảo Pulau Bidong. Cái nhà đã sắp xếp để lại cho bà con thân tín. Ông bà đã chuẩn bị ra ghe nhỏ để lên tàu lớn cũng là lúc cơn suyễn hành hạ ông. Ông quyết định trở về. Bà vẫn tiếp tục chuyến đi.

Không biết giải thích thế nào về những ngả rẽ đau lòng này khi thời thế thay đổi, vận nước nổi trôi, lòng người hoang mang, do dự trước những quyết định. Những quyết đinh đó sau này trở thành định mệnh của mỗi người. Đối với cả hai đây là một sự quyết định sinh tử. Đi cũng chết mà ở lại cũng chết.

Câu chuyện của bà Thím có hậu vì bà sang được đến Mỹ, làm cột trụ cho các đứa con ăn học, trưởng thành, cưới vợ, gã chồng, đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn, nhà cao cửa rộng. Bà mất nhẹ nhàng, êm thấm, thanh thản trong sự chăm sóc của các con.

Ông chú trở về sống trong cái cơ ngơi phải luôn luôn đối phó với công an, ủy ban nhân dân quận, phường, khóm lăm le muốn chiếm cái nhà vì biết bà vượt biên. Ông thu nhỏ cửa hàng, dẹp gọn khu vườn và căn phòng chứa đồ cổ trước đây. Nghe nói ông bán hết đồ cổ chuyển tiền sang Mỹ. Ông sống lây lất với cơn bệnh suyễn kinh niên và sự chăm sóc của cô hầu gái người Hoa đã từng giúp việc cho ông bà khi cô còn là cô bé con. Ông mất trong vòng tay của cô hầu gái với tờ di chúc. Nghe hàng xóm kể lại cô đã cầm tay ông để ông ký tên trên đó. Đám tang ông không có mặt một đứa con nào. Vài năm sau, cô hầu gái mất vì bệnh ung thư máu. Căn nhà sau này bà thím về Việt nam tìm cách lấy lại được và bán cho con trai của tiệm bánh mì Hà Nội gần đó để cậu này mở thêm một tiệm thứ hai. Đám cháu trai, gái gọi ông bằng chú ruột như gia đình chúng tôi và các em cũng dần dần qua Mỹ.

Nhìn vầng trăng đêm nay trên bầu trời xứ Mỹ mà nhớ vầng trăng xưa với những kỷ niệm về những người thân như ông bố, đứa bạn hàng xóm, ông chú chồng. Những vầng trăng im lìm, bất động, tỏa sáng ở trên cao đã chứng kiến biết bao dâu bể, đổi thay của những đời người. Hai mươi bốn mùa Trung Thu trôi qua ở xứ Mỹ, mỗi khi nhìn thấy chiếc lồng đèn, chiếc bánh dẻo, bánh nướng, lòng khộng khỏi bâng khuâng một nỗi nhớ và tự hỏi ta còn “bonus” bao nhiêu mùa Trung Thu nữa trong cuộc đời?

Cali, 24 tháng Tám 2015

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
20/10/201504:44:59
Khách
Bài viết nhắc nhiều kỷ niệm thòi ấu thơ hồn nhiên, vô tư và những niềm vui hết sức đơn sơ, giản dị nhưng khó quên vào mùa Trung Thu.
Đoạn cuối cho tôi một suy nghĩ. Ta không tính thời gian bằng mùa mà bằng hơi thở. Một hơi thở ra mà không thở vào thì ta đã bước qua một thế giới khác rồi.
Cám ơn chị về bài viết về tuổi thơ của những người sống ở Sài Gòn trước bảy lăm
28/09/201522:49:54
Khách
Cám ơn bài viết của Cô làm tụi con nhớ lại nhiều những ngày tháng xưa ...
Tạm mượn câu cuối của bài viết, mà ké vài dòng

Còn bao nhiêu nữa, những mùa trăng ?
Chênh chếch trời cao dáng cung Hằng
Vũ trụ tan thương đời chia cắt
Tóc bạc trắng rồi, trăng biết không?
27/09/201500:56:18
Khách
Cám ơn những lời chia sẻ chân tình của các bạn. đọc.
Qua lời kể chuyện của anh và câu hỏi cuối của anh Lê Như Đức "Không biết anh Thanh có phải trong đám này không?"
Tôi đã rợn da gà và rơi nước mắt. Biết đâu đó là người bạn thời thơ ấu nhưng bất hạnh của tôi?
Annie
26/09/201516:46:33
Khách
Với lối hành văn giản dị, rung động từ trái tim, tác giả làm cho người đọc cảm thấy là mình được sống lại tuổi thơ và khơi dậy cả một khung trời kỷ niệm tưởng như đã chết sau bao nhiêu biến cố lớn của cuộc đời do vận nước nổi trôi tạo thành.

Cám ơn tác giả !!!
26/09/201514:04:27
Khách
Bài viết về Tết Trung Thu của chị làm biết bao người nhớ lại thuở còn bé với những kỷ niệm vui trong đêm rước đèn đón chú Cuội. Thay mặt mọi người xin cám ơn chị.
Tôi còn nhớ mãi trong xóm dệt của tôi, họ hàng làm ăn khá nhờ có hợp tác xã nên cả họ tổ chức Trung Thu cho các em nhỏ. Một dãy bàn dài đến mười thước với biết bao bánh trái bày lên. Các em nhỏ thi nhau ca, thi nhau thắp đèn, thi nhau làm lồng đèn để được thưởng. Cô tôi bận việc đi xa nhưng cũng gửi về một số tiền lớn làm giải thưởng cho các em.
Rồi cuộc chiến lan rộng, cái Tết Mậu Thân làm thay đổi hết không khí mọi Tết của toàn miền Nam cũng như ngày 11/9 của nước Mỹ. Những Tết Trung Thu sau năm 1970 thật ảm đạm nhưng tôi cũng còn thấy ít nhiều lồng đèn và bánh Trung Thu. Tôi được vinh dự sống với bọn “tư bản đỏ” ba cái Tết Trung Thu sau 1975 để thấy dân miền Nam ăn bo bo thay bánh Trung Thu Đông Hưng Viên thập cẩm.
Người bạn thân của anh tôi tên Nguyễn Đức Cường, trung úy hải quân, cũng đi tu nghiệp bên Mỹ, bị kẹt lại đi học tập rồi trốn trại như anh Thanh trong chuyện. Em họ tôi tối hôm đó ra trễ nên không trốn trại chung với anh Cường. Ba người lính hải quân VNCH bị chúng bắn chết xác bỏ trong rừng như anh Thanh. Không biết anh Thanh có phải trong đám này không?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,265,615
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm mợt bài viết mới cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Lần trước, là cửa hàng bi da. Bài mới, làm Shop May Công Nghiệp, thêm phần mở trung tâm giải trí.
Ngày Thứ Hai 5 tháng 12, 2018 là Ngày Quốc Tang của nước Mỹ để tưởng nhớ vị Tổng Thống thứ 41 George H W Bush. Bài sau đây được viết trong tinh thần tưởng nhớ. Người viết, Bà Nguyễn Kim Nên hiện là Hội Trưởng Hội Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trịnh Hoài Đức - Bình Dương, đang làm việc trong ngành thẩm mỹ tại Houston, Texas. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả, kể về người bạn đời của bà là Ông Nguyễn Duy Huynh, một tị nạn Việt, làm việc tại Houston Club và trở thành người đấm bóp tin cậy của Tổng Thống Bush và gia đình ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của Phan, viết cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với nhiều bút hiệu: Capvanto, Philato... Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Bài mới ông góp không phải để dự giải mà chỉ để ghi lại một sinh hoạt đặc biệt của buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngôi trường được mang danh Petrus Ký.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một chuyện tình đẹp.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My năm 2018. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển từ Rạch Giá đến Thái Lan trong tháng Giêng/1987. Đến Mỹ tháng 8/1987 và định cư tại Utah, làm việc cho First Security Bank, Accounting Depart-ment. Đã từng giữ chức vụ Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah trongnhiều nhiệm kỳ. Hiện đã về hưu. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến