Hôm nay,  

Thương Người Ở Lại

23/09/201500:00:00(Xem: 14437)

Tác giả: Huyền Thoại Thịnh Hương
Bài số 3629-18--30119vb4092315

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California, cô luôn vui vẻ tiếp tay mọi sinh hoạt bạn hữu Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới nhất của cô là chuyện nhóm bạn 5 cô và thời thế.

* * *

Như một định mệnh, bốn trong số “ngũ long công chúa” tìm được nhau trong nước Mỹ mêmh mông. Và lạ hơn nữa, tất cả đều định cư ở tiểu bang California. Có lẽ do khí hậu ôn hòa nới đây. Có điều, ba công nương - Ngọc Lan, Hồng Nhi và Kim Anh - thì ở miền nam, trong khi tôi lạc lõng trên miền bắc. Sau đây là chuyện ngũ nương, xưa và nay.

1. Chuyện Xưa

Ngọc Lan, “con gái đại bài gạo", người ta gọi cô vậy, vì cha mẹ cô có cửa hàng bán gạo lớn nhất khu phố. Tóc cô dài ngang vai, ôm gọn gương mặt trái xoan có đôi mắt to tròn long lanh. Chiếc mũi dọc dừa và làn da sáng không tì vết. Môi cô hình trái tim, rất lý tưởng với “mode" thời trang đầu thập niên bảy mươi. Để hoàn tất một tác phẩm tuyệt hảo của mình, tạo hoá đã cho cô thêm một thân hình cân đối, dong dỏng. Làm chủ một nhan sắc mặn mà như vậy mà Ngọc Lan không có người yêu để trốn nhà đi xem ciné cuối tuần hay rong chơi ngoài bãi biển như mấy đứa tuổi tôi. “Con nhỏ” kiêu kỳ hết chỗ nói, thấy con trai là vênh mặt lên, hai môi khép chặt như không biết cười là gì. Có mấy chàng học trò lớp mười hai mon men ghé vào tiệm gạo tính thử lửa lúc “em" đứng coi hàng thay mẹ. Hai ba lần là mấy chàng ngả nón đầu hàng, hết hy vọng kiếm người yêu trước ngày lên đường vào trường “vỏ bí” để nhận thư tình trong bốn năm dùi mài quân sử… Ngoài các chàng “chuẩn sinh viên vỏ bí” là các chàng sinh viên sĩ quan mới ra trường, lon lá còn sáng choang chưa nhuốm bao nhiêu mùi đạn đồng... Có chàng nản quá, tuyên bố con gái đẹp mà làm gì khi gương mặt cứ lạnh như đá. Không ham.

Ngũ Nương thứ hai là Hồng Nhi, con gái nhà bán thuốc tây. Nhi có người chị gái hơn nàng hai tuổi. Hai chị em rất thân nhau, như bạn bè, nên cô chị cũng hay tụ họp đong đưa với nhóm tụi tôi. Nhi và chị nàng thuộc hàng nhan sắc trung bình, không nổi bật như Ngọc Lan, ngoại trừ hai mái tóc nhung mượt mà và làn da trắng như hoa ngọc lan. Ngũ long công chúa tụi tôi không thích gọi da trắng như trứng gà bóc theo kiểu dân gian đương thời, vì đem trứng mà ví với con gái thì...kỳ thấy mồ, mấy đấng đàn ông con trai đói bụng đem mình lột vỏ ăn cho đỡ đói thì bỏ xừ. Bố mẹ Hồng Nhi tương đối dễ dãi và...tân tiến hơn các ông bà via của đám tụi tôi, nên những ngày nghỉ, tụi tôi thường tụ tập ở nhà nàng. Chị em nàng có phòng riêng khá rộng nên bọn tôi hay tổ chức ăn uống nơi đây. Ăn uống là những trái xoài, trái ôỉ chấm muối ớt, hay những dĩa ốc len xào dừa thơm ngậy. Thỉnh thoảng mẹ của Nhi vào chung vui trong giây lát. Chắc là để thăm dò xem tụi tôi có quậy phá gì quá lố hay không đó mà.

Nhà và tiệm thuốc tây của gia đình Nhi ở mặt tiền, nhà bố mẹ tôi nằm ngay phía sau, hai nhà đâu lưng nhau, phân chia bằng một hàng rào dâm bụt. Để tiện việc qua lại, tôi và Nhi đạp gẫy hai cây để làm… lỗ chó, chui qua chui lại cho tiện bề sổ sách.

Cũng như chị em Nhi, tôi thuộc loại nhan sắc trung bình, không đẹp mà cũng không xấu.

Mẹ tôi nói hai con mắt tôi cứ như hai cái đèn ô tô, mỗi lúc không hiểu mẹ nói gì thì cứ giương mắt lên hỏi, như cái con ngố. Tôi hay nhìn gương rồi buồn và ganh tỵ với chị em Nhi, vì trong khi họ trắng trẻo, thì da tôi lại ngăm ngăm, kiểu người ta nói “da bánh mật". Hay nhỉ, sao dân gian hay dùng thức ăn để so sánh nhan sắc phụ nữ thế. Hết trứng gà bóc, bây giờ lại bánh mật…

Tứ nương là cô nàng Kim Anh. Gia đình Kim Anh ở phố khác, có cửa hàng tạp hóa. Kim Anh không học cùng trường với bọn tôi, nhưng vì thuộc một họ đạo và chung một ca đoàn nên chơi rất thân. Kim Anh có gương mặt tròn, mái tóc cắt theo kiểu Silvie Vartan, vì nàng mê cô ca sĩ người Pháp này, dù biết là kiểu tóc ngắn vắt hình chữ C sau tai không hợp cho những khuôn mặt tròn như trăng rằm. Anh cũng có đôi môi đầy đặn như tôi, chứ không khép nép, mủm mỉm như môi Ngọc Lan. Mỗi khi nghe hai đứa tôi cười ầm ỹ là mẹ tôi nhăn mặt la, “hai đứa chúng mày vừa phải thôi nhá. Cười gì mà cười như lệnh vỡ, miệng thì nhếch đến tận mang tai. Coi chừng ế chồng cho mà xem". Tôi cong môi nhõng nhẽo, “Mẹ khỏi lo đi. Khối người mong ăn bánh mật kia kìa. Ế sao mà ế”. Mẹ nghiêm mặt, “ Tôi không đùa với cô đâu. Con gái thì phải nết na, nói cười vừa phải, chứ ai lại cứ rống lên như còi xe lửa vậy. Cô phải xem gương con Trinh đó.” Lại điệp khúc quen tai.

Thu Trinh là con gái thứ trong một gia đình - cũng là dân di cư như chúng tôi - có năm người con, cách nhà tôi sáu căn. Người con cả là anh Tứ, hơn Trinh hai tuổi. Bố Trinh là một thượng sĩ mới về hưu. Do đó vài năm nay mẹ Trinh mở quán ăn sáng trước nhà, bán café, bánh mì thịt và bún mộc. Khách hàng là hàng xóm láng giềng và binh lính, sĩ quan đóng quân gần đó. Mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật quán ăn đông đảo một cách đặc biệt, có lẽ do có người phụ việc xinh đẹp Thu Trinh. Ngày thường cô phải đi học. Thu trinh có lẽ là người đẹp...ngang hàng Ngọc Lan. Nàng có mái tóc dài chấm ngang eo, đen nhánh, và có những dợn sóng tự nhiên. Thu Trinh chẳng bao giờ tốn tiền “phi dê", chỉ thỉnh thoảng đi cắt tỉa. Tôi thường nghe người lớn tuổi khen Trinh “mắt lá răm, lông mày lá liễu". Hai hàng mi lúc nào cũng cong vút làm cho đôi mắt cô nàng càng thêm mơ màng, quyến rũ. Ngay cả tôi mà nhiều khi còn ngẩn ngơ nhìn, tự hỏi sao trời lại sinh ra một con người dễ thương đến thế.

Cũng giống như Ngọc Lan, đã học lớp mười một rồi mà Trinh chưa hề có người yêu. Nàng không kiêu kỳ hay nghiêm trang thái quá như Ngọc Lan, nhưng lại thẹn thùng, nhát... trai một cách lạ lùng. Mỗi lần bắt gặp ánh mắt đắm say của một anh chàng si tình, nàng đỏ mặt tía tai, quay nhìn chỗ khác, như sợ ma hớp hồn. Có lẽ mẹ Trinh trông chừng con gái rượu kỹ quá nên nàng đâm ra ngại ngùng. Dạo đó một anh thiếu úy nọ nhờ tôi trao một lá tình thư của lính cho Trinh, vì đã sáu bảy tháng trôi qua mà chàng chả được một lần chuyện trò, nói chi đến chuyện hẹn hò. Chang thiếu uý là bạn thân của “bồ” tôi. Thấy anh chàng hiền lành dễ thương, dù cái “nghề” lính trâu điên của chàng chẳng hiền chút nào, nên tôi hăng hái nhận lời.

Chiều thứ bảy tôi sang nhà Trinh với lá thư dấu trong cuốn vở học trò. Trinh đang phơi quần áo ngoài sân, hỏi tôi “Trời nắng như ri mà mi qua thăm tau, tử tế quá hỉ.” Thấy bóng mẹ nàng loáng thoáng sau bức mành trúc, tôi lại gần nói nhỏ: “Tau có lá thư cho mi. Thiếu uý Thịnh gửi đó. Mi xem xong, ngày mai trả lời nghe". Tôi thấy mặt Trinh biến sắc, liếc mắt vô trong nhà rồi bảo tôi: “Răng mà mi tợn rứa? Rủi mạ tau thấy thì chết cả mi lẫn tau. Mà tau có biết chi mô mà trả lời trả vốn. Thôi mi đem vể trả lại cho người ta đi tề. Dị òm”. Tôi muốn mở ngoặc chỗ này để giải thích là ngũ long chúng tôi toàn là dân Bắc Kỳ năm tư, nhưng vì ở Đà Nẫng cả chục năm, nên bọn tôi như vẹt lột lưỡi, nói giọng miền trung như người bản xứ. Tôi cằn nhằn:

- Mi với Ngọc Lan y thì. Già đầu mà còn e lệ chi rứa. Thời buổi ni mà còn kín cổng cao tường, coi chừng ế chồng nghe mi. Vừa thôi nợ. Thôi, tau về, chiều mi sang nhà tau nghe. Nhớ trả lời ảnh. Tau biết mi cũng ưng ảnh nên tau mới nhận đưa thư, chớ hơi mô mà mệt.”

Chiều hôm đó Trinh không qua nhà tôi. Sáng chủ nhật, không thấy Trinh hát lễ cùng ca đoàn, Kim Anh bảo tôi, “Hôm nay nhỏ Trinh vắng mặt. Mi có biết tại răng không?” Tôi lắc đầu, nói không biết mà lòng ngấp ngoải. Nếu Trinh đau ốm hay nhà Trinh có chuyện gì, thì tôi phải biết chứ. Nhà hai đứa cách nhau có mấy căn. Hay là... Hay là có chuyện gì liên quan đến bức tình thư? Linh tính của tôi không tệ, vì vừa đi lễ về, cả nhà tôi đang chuẩn bị ăn sáng thì mẹ Trinh xuất hiện trước cửa. Sau hồi chào hỏi qua loa của chòm xóm, và sau mấy câu rào đón trước sau cho phải phép, mẹ Trinh cho mẹ tôi hay bà không hài lòng chút nào việc tôi lén lút trao thư trai cho con gái bà. Sau khi bà về, mẹ tôi quất cho tôi một trận đòn rát da và cấm tôi từ rầy sắp tới không được qua lại bàn bè gì với Trinh nữa. Mẹ tôi mát mẻ, “ Người ta con gái nhà làm ăn, ai rảnh rỗi rồi hư thân mất nết như cô. Có nghe bà ấy nói không? Rõ là bôi tro trát trấu vào mặt cha mẹ. Con với cái. Nhục ơi là nhục". Sau trận đòn nhớ đời đó tôi giận Trinh cả hai tuần lễ, vì cái tội hớ hênh để lọt lá thư tình vào tay bà mẹ? mà tôi gọi là “bà cú vọ”. Trinh biết tánh tôi, không dám hó hé, mà nhờ Hồng Nhi đưa tôi một tờ giấy nhỏ, nói rằng “ Lệ Huyền ơi, tau xin lỗi mi, xin mi tha tội cho tau. Tau cũng đâu sung sướng chi, cũng bị mạ tau cho một trận thừa sống thiếu chết. Mi thương tau mà nói chuyện với tau đi. Tau khổ ghê mi nợ”.

Đọc mấy dòng chữ chất chứa yêu thương của bạn tôi hết giận. Hôm sau gặp nhau ở nhà Hồng Nhi hai đứa ôm nhau khóc mùi mẫn. Mãi mấy tháng sau - vào dịp tết - tôi mới sang nhà Trinh như dạo trước. Ngày xưa tết nhất là dịp cho con người giải hòa, làm lành với nhau hầu hưởng lộc và cầu may cho năm mới.

Ngày tháng trôi qua... Tôi thi đỗ tú rồi dọn về Sài Gòn vì bố tôi có lệnh thuyên chuyển.

Nhi thi rớt, lập gia đình với một anh quan hai bộ binh sau một năm hèn hò. Đám cưới Nhi tôi không về, vì ngày xưa di chuyển khó khăn và đắt đỏ. Kim Anh bỏ học vào làm trong quân y viện của Mỹ, rồi theo một anh trợ y đi Hoa Kỳ vào đầu năm bảy mươi. Kim Anh và tôi có một dạo giận nhau cả tháng trời, vì cô nàng “dám" đi chơi với “bồ” của tôi ngoài bãi biển vào một buổi chiều tôi phải đi ăn đám giỗ với gia đình. Kim Anh biện bạch là nàng chỉ đi chơi với chàng của tôi như hai người bạn. Tôi xì nẹt, nói bạn bè gì giữa trai và gái. Tôi cũng giận luôn anh người yêu, tạo dịp cho một chàng khác an ủi... Bánh mật cũng “khối" người thích. Vậy mà mẹ tôi cứ phải lo... bán ế.

Khi tôi rời Đà Nẵng theo gia đình vào Sài Gòn thì Trinh chuẩn bị thi vào đại học sư phạm. Ngọc Lan quyết không học tiếp, ở nhà phụ cha mẹ trong việc buôn bán. Cả hai người đẹp vẫn sắt son với chủ nghĩa độc thân, chưa từng hẹn hò, chưa từng biết tình yêu ra sao. Cũng là đàn bà con gái mà nhiều khi tôi cứ tiếc cho hai cô bạn thân, tự hỏi sao họ có thể sống như sỏi đá. Nhưng tôi chắc là những lúc đêm về, họ cũng cảm thấy trống vắng cô đơn. Lối giáo dục quá khắt khe của cha mẹ đôi khi cũng làm thiệt thòi cho con cái.

Vào Sài Gòn, tôi tung tăng với cuộc sống mới. Trong khói lửa chiến tranh, tôi thôi học và đi làm phụ cha mẹ nuôi một bầy em ăn học. Những cơn mưa pháo vọng về từ xa, những chuỗi hỏa châu thỉnh thoảng thắp sáng vùng ven Sài Gòn làm hoảng loạn tuổi trẻ. Tôi hối hả sống, theo chân người yêu la cà phòng trà, vũ trường, tìm những tối vui rộn ràng để quên đi những nỗi chết luôn rình rập từng vỉa hè, từng góc phố. Tôi không còn liên lạc với những người bạn còn ở lại ngoài Trung xa vời vợi vì không có phương tiện nào khả dĩ. Đường hàng không, đường bộ tắc nghẽn. Bưu điện cũng chập chờn mhư đèn gần đứt bóng. Thư gởi đi chưa chắc gì đến tay người nhận.

Mẹ tôi sợ tôi ế, suốt ngày ca cẩm sao con đi chơi nhiều thế. Cái thằng đó nó có muốn cưới mày hay không mà tuần nào cũng thấy mày đong đưa với nó... Để mẹ khỏi áy náy, tôi lên xe hoa với một tài xế máy bay. Cho xong một đời. Cho yên một thời.

Chuyện không tránh được đã đến... Sáng 29 tháng tư 1975, Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng.

Tôi và chồng tất tưởi chạy xuống thang lầu tòa đại sứ Mỹ vì thấy nơi đây không còn chỗ cho những người quyết định muộn màng. Theo chân giòng người hoảng hốt, vợ chồng tôi chở con ra bến Bạch Đằng với hy vọng mong manh vào những chiếc hải thuyền của VNCH. Nhưng hy vọng sớm lụi tàn khi bến tầu giờ đó chỉ còn sót lại những chiếc hư hỏng không xử dụng được. Rừng người lại nhốn nháo kéo nhau chạy. Không biết chạy về đâu, đến chỗ nào. Một chiếc máy bay bỗng phát cháy phía trên đầu chúng tôi. Lửa ngùn ngụt bốc ra từ thân phi cơ. Nhiều thân hình tung ra khỏi máy bay, rơi xuống và nát nhừ trên đường phố như những trái cà chua...Chiếc máy bay rơi xuống cầu Nhị Thiên Đường.

Chồng tôi ngồi tù cộng sản hết sáu năm. Sau khi ra trại, không đủ kiên nhẫn chờ đợi tin đồn chính phủ Hoa Kỳ đem tù nhân chính trị sang Mỹ, tôi gom góp vàng bạc cho chồng đi vượt biên bằng đường biển. Đi hai ba chuyến, ở tù thêm một lần, cuối cùng chàng cũng tới được miền đất hứa. Con tôi và tôi đi sau một năm.

2. Chuyện Nay

Tôi và Kim Anh gặp nhau trước, khi tôi xuống Santa Ana dự đám cưới của một chị bạn cùng trường xưa kia. Kim Anh cũng có mặt tại đám cưới, với anh chồng Mỹ mà nàng “cuốn gói theo trai" dạo ở Đà Nẵng. Từ đám cưới này, tụi tôi tìm được vợ chồng Hồng Nhi và Ngọc Lan. Ngọc Lan bây giờ đã có chồng, làm chủ một cửa hàng bán nội thất khá lớn. Chồng nàng chính là chàng biệt kích “ba hoa" ngày xưa, chẳng hiểu tài cán cỡ nào mà rinh được nàng về dinh. Ngọc Lan vẫn đẹp, nhưng không còn “bản mặt" lạnh lùng như xưa nữa. Lúc này nàng cũng cười to nói lớn ra phết.

Thế là châu về hợp phố. Chờ cho những xúc động của buổi trùng phùng tạm lắng, tôi hỏi về Thu Trinh. Ngoc Lan cho biết, Trinh bị kẹt lại sau ngày miền Nam thất thủ. Vẫn chưa có chồng. Chưa hề yêu ai. Cô giáo được giữ lại dậy học vì bố nàng đã giải ngũ từ lâu, ít “nợ máu" nên nàng hưởng chút “hồng ân”, tiếp tục cuộc sống đơn lẻ trong khu phố ven biển, nuôi cha mẹ với số lương không đủ mua hai kí lô thịt heo chợ đen.

Anh Ba Hoa kể lại, lúc anh đi tù tập trung trở về, hai vợ chồng ghé thăm Thu Trinh. Gặp lúc nàng đang sửa soạn lấy chồng - một người đàn ông cùng nghề, thân thể thấp bé, tong teo như "con tép khô". Ngọc Lan hỏi, Trinh trào nước mặt rồi òa khóc nức nở. “Tau không biết tính sao bây chừ. Ba mẹ tau đã già, hối tau mau lẩy chồng cho có nơi nương tựa. Mạ tau nói không lẽ tau chịu làm thân gái già? Mai mốt ba mạ tau chết rồi tau ở với ai?”. Ngọc Lan chỉ biết ôm bạn khóc, tiếc cho một đời hồng nhan bạc phận.

Cách đây ba năm, nhân dịp vợ chồng Ngọc Lan về Việt Nam lần đầu, bọn tôi gửi tặng Thu Trinh một số tiền. Một tuần lễ sau, biết là tụi tôi nóng lòng nghe tin nên Ngọc Lan gọi về Mỹ báo cáo tình hình sơ khởi. Báo cáo buồn không biết để đâu cho hết buồn. Hiện giờ Thu Trinh đã nghỉ hưu, ở nhà nuôi chồng nằm liệt giường sau khi bị nhồi máu cơ tim. Hai vợ chồng có hai con. Gái lớn có chồng, nhưng cũng nghèo sát đất. Hai vợ chồng nó ở dưới quê, chân lấm tay bùn, chỉ cất được túp lều tranh sau căn nhà xập xệ của bố mẹ chồng. Thằng con trai thứ nay đã hai mươi ba, không nghề nghiệp, không việc làm, ngày ngày ngồi quán café, quán nhậu, tối về nằm ngủ như chết vì say ma túy. Trong nhà có món gì bán được là đem bán, không cần biết tới cha ốm, mẹ đau. Lúc đói thì hạch sách, la lối tại sao mẹ không nấu nướng cho nó đủ ăn. Hôm hai vợ chồng Ngọc Lan bước vô nhà, họ muốn ói mửa vì mùi hối thối xông lên từ nước tiểu, từ áo quần lâu ngày không thay. Chồng Trinh nằm đó như bộ xương cách trí, thân thể dẹp lép, dán chặt xuống tấm nệm cũ rách. Trinh nằm chiếc giường gỗ ọp ẹp ngay cạnh chồng, đút cơm, rót nước ngày và đêm. Chồng Trinh không bào giờ được tắm rửa, vì cái thân thể còm nhom yếu đuối của Trinh không cáng đáng nổi. Mỗi ngày Nàng chỉ có thể lau rửa sơ qua cho chồng bằng chiếc khăn lông cáu bẩn. Ngọc Lan giật mình sửng sốt, vì giờ đây, trước mắt nàng là một bà già tám mươi, răng rụng gần hết, tóc chỉ còn lưa thưa mấy sợi. Không còn một nét gì của Thu Trinh ngày xưa. Mắt lá răm lông mày lá liễu và suối tóc óng ả chỉ là chuyện cổ tích. Sau một phút sững sờ vì cuộc thăm viếng bất ngờ, Trinh òa khóc. Khóc nghẹn ngào, khóc không thành tiếng. Ngọc Lan cũng khóc theo bạn. Những giọt nước mắt xót thương. Những giọt nước mắt tủi thân. Những giọt nước mắt bi ai phẫn nộ.

Căn nhà Trinh ở là do hai vợ chồng gom góp xây từ thuở còn làm việc. Một ít gạch cũ do giáo xứ giúp, một ít tôn và xi măng mua theo giá cán bộ giáo chức. Nhà có gác xép cho hai đứa con ở. Sau vài chục năm không được tu bổ, sửa chữa, căn nhà đang xuống cấp thê thảm. Thằng con mới đây lại gỡ hai cánh cửa gỗ đem bán lấy tiền phi xì ke. Trinh phải mua hai tấm gỗ mục về che chẳn cho khỏi gió, chứ đồ đạc còn chi mô mà giữ mà canh. Trộm nào mà thèm ngó vào căn nhà ni. Có thằng con ăn trộm nó trấn hết rồi. Trinh kể với Ngọc Lan rồi ngồi khóc như mưa.

Trước khi ra về, Ngọc Lan kín đáo đưa Trinh mắy trăm đô, và hẹn tuần sau sẽ trở lại thăm lần nữa trước khi về Mỹ. Lúc đó thằng con trai chạy chiếc xe gắn máy cọc cạch về nhà. Chắc nghe hơi nồi chõ, có khách Việt Kiều vô thăm mẹ. Thấy hai vợ chồng Ngọc Lan y đưa mắt nhìn trơ tráo, chẩng chào chẳng hỏi. Nhìn quanh không thấy bánh trái quà cáp Mỹ, y bỏ lên trên gác, nằm nghe ngóng. Sau này Ngọc Lan được người hàng xóm kế bên cho hay là thằng con trai đoán mẹ có tiền nên chờ lúc mẹ đi chợ, y lục tung nhà cửa tìm kiếm, vớ được một mớ đem đi bụi đời cả hai tuần lễ mới về. May là Thu Trinh giấu tiền nhiều chỗ nên nó không lấy hết.

Thu Trinh viết thư cám ơn bạn bè, nhờ vợ chồng Ngọc Lan chuyển giao. Trong thư cho tôi, có một đọan Trinh viết “Lệ Huyền ơi, Trinh không biết diễn tả thế nào cho bạn biết nỗi vui mừng của mình khi nhận được tin các bạn. Mình như từ cõi chết sống lại, trong khoảnh khắc hồi tưởng lại những ngày thơ trẻ tụi mình vui đùa bên nhau. Bốn chục năm hơn đã qua, bao nhiêu biến đổi. Mình mừng là các bạn giờ nay ai cũng an cư lạc nghiệp, hạnh phúc bên chồng bên con. Còn mình...bi đát lắm Huyền ơi. Thôi để ngọc Lan nói hết cho các bạn nghe. Mình không có can đảm cũng như thì giờ để viết lên những thăng trầm của đời mình đâu. Âu cũng là số phận, mình chỉ biết đi theo con đường đã vạch sẵn của mình. Mình giờ đây như cây như cỏ, không có lựa chọn, không có tương lai. Sống ngày nào hay ngày đó. Mình thương Lệ Huyền lắm mỗi khi nhớ lại ngày xưa bạn đã vì mình mà bị mẹ đánh cho một trận đòn nhớ đời. Ước gì mình được sống trở lại chỉ một tuần, một ngày của thời son vàng đó ”.

Một năm sau, bọn tôi được tin chồng Trinh đã mất. Một cái chết giải thoát cho người bệnh những đớn đau xác thịt và tinh thần. Cho Trinh được một chút thảnh thơi, an nhàn sau hơn mười năm chịu đựng vất vả. Tôi mừng cho người chết, và cho bạn tôi.

Thỉnh thoảng có ai về Đà Nẵng, bọn tôi lại nhờ đem về cho Trinh ít tiền, hy vọng bạn có chút nắng ấm trong những ngày cuối của cuộc đời hẩm hiu bất hạnh.

Năm nay. nhân dịp về Quận Cam, tôi ở lại chơi với bạn bè vài ngày. Ngọc Lan và chồng đang sửa sọạn về Việt Nam thăm gia đình, và tất nhiên sẽ ghé thăm Thu Trinh. Bọn tôi đến nhà họ ăn chiều. Sau bữa ăn, mọi người bàn tính cách giúp đỡ Thu Trinh một cách hữu hiệu hơn, tránh cái nạn thằng con giựt tiền của mẹ như nó vẫn thường làm. Trước đây, có người báo cho bọn tôi biết là Trinh bị bệnh nặng phải nằm nhà thương. Không có tiền đóng viện phí, Trinh xém chết nếu không có người quen của bọn tôi ghé thăm, ứng tiền cho mượn. Số tiền bọn tôi gởi về cho cách đó ít lâu đã bị thằng con tóm gọn, không chừa một cắc cho mẹ thuốc thang.

Tôi hiểu là người mẹ nào cũng thương con và sẵn sàng hy sinh cho con vô điều kiện. Tôi cũng không thể trách Trinh nhu nhược, chiều con quá mức. Cái xã hội VN giờ đây thật là bi thảm cho phần đông dân chúng. Không công ăn việc làm, thì nhàn cư vi bất thiện. Thanh niên đàn đúm quen xài, lúc nghiện ngập rồi thì chẳng còn tư cách, từ trộm cắp vặt đến giết người cướp của không bao xa. Tôi bảo Lan:

- Trinh đâu có hưởng được hết số tiền bọn mình gửi về. Hóa ra mình vẫn gián tiếp nuôi nắng thằng con hư đốn của nó. Moa nghĩ mình phải tìm cách nào giúp Trinh thực tế hơn, không có cơ hội để Trinh đưa tiền cho nó, hoặc để nó lục soát ra được.

Thấy tôi nói có lý, sáu bảy bộ óc hè nhau suy tính thiệt hơn. Sau cùng, đi đến kết luận là Ngọc Lan sẽ về nói chuyện với đứa con gái nghèo khổ của Trinh dưới quê, yêu cầu nó đem mẹ về săn sóc, phụng dưỡng. Bù lại, bọn tôi sẽ gởi về cho gia đình nó một số tiền hằng tháng, đủ cho nó chi tiêu tiền chợ và vài tốn phí linh tinh khác. Khi nào Trinh cần chữa bệnh, nó phải cho tụi tôi biết, để tụi tôi phụ vào một tay. Ngọc Lan có người quen bên đó, nên sẽ nhờ họ theo dõi, để biết chắc là cô con gái không “noi gương" thằng em mà dùng mẹ moi tiền tụi tôi bên này.

Viết đến đây tôi nghẹn ngào muốn khóc. Trinh, người bạn gái xinh đẹp của tôi ngày nào sao phải đau khổ đến mức này? Đáng lẽ Trinh phải được hưởng một mái ấm gia đình, tiền bạc thoải mái, ít nhất cũng được như bọn tôi mới phải. Nhiều khi thương bạn quá tôi không dám nhìn vào những tấm hình Ngọc Lan chụp đem về. Không. Không. Lẽ nào người trong hình đó lại là bạn tôi, người con gái một thời mà nhan sắc đã làm rung động bao con tim của mọi tầng lớp thanh niên. Những giáo sư, những sĩ quan, những cậu ấm con nhà giàu. Vì sao? Và vì sao?

Tôi tự nhủ, tôi sẽ về thăm Thu Trinh một ngày gần đây, trước khi quá muộn. Trước khi không còn biết nhau là ai. Trinh à, mi hãy quên đi trận đòn năm xưa. Tau cũng có lỗi với mi, vì tau mà mi cũng bị đòn đó tề. Huề nghe mi. Thương mi lắm lắm.

Huyền Thoại Thịnh Hương

Ý kiến bạn đọc
05/10/201507:50:48
Khách
Phải chăng do "HOÀN CẢNH CHUNG " (ly-hương) trong những bài viết về nước Mỹ chúng ta thấy được rất nhiều bài viết hay như từ những nhà văn nổi danh
05/10/201507:32:05
Khách
Người ta hay kết luận là số phận nhưng chúng ta thấy rằng bà mẹ của Tú Trinh quá đỗi khắt khe và cô rất mực hiếu thảo và quá " HIỀN " ,
03/10/201514:48:33
Khách
Nếu bạn bè thật sự thương nhau thì nên thẳn thắn nói chuyện với nhau để thật sự giúp nhau. Tác giả đã có nhận định về người bạn mình:
“Tôi hiểu là người mẹ nào cũng thương con và sẵn sàng hy sinh cho con vô điều kiện. Tôi cũng không thể trách Trinh nhu nhược, chiều con quá mức.”
Dù có đưa tiền cho người con gái thì thằng con bụi đời cũng tới nhà kiếm chuyện để lấy tiền mà thôi và bà Trinh cũng lại nói con gái mình đưa tiền cho nó hút sách tiếp vì sẵn sàng hy sinh cho con vô điều kiện.
“Sau này Ngọc Lan được người hàng xóm kế bên cho hay là thằng con trai đoán mẹ có tiền nên chờ lúc mẹ đi chợ, y lục tung nhà cửa tìm kiếm, vớ được một mớ đem đi bụi đời cả hai tuần lễ mới về.”
Bà Trinh không nói chuyện đứa con cho chị Ngọc Lan mà là người hàng xóm nói. Như vậy còn rất nhiều chuyện bà Trinh không nói. Nó đã dám lục tung nhà cửa của mẹ ruột mình thì bộ nó không dám lục nhà chị nó sao? Thêm nữa xã hội VN hiện nay là xã hội nhậu, chưa biết được ông chồng của người con gái như thế nào? Liệu ông ta có tiền rồi sẽ đổ ra nhậu nhẹt hay không? Ai cũng biết xã hội VN ngày nay băng hoại không còn chút tin tưởng.
Nên suy nghĩ kỹ trước khi viết.
01/10/201505:22:00
Khách
Bà Thịnh Hương cho biết "Con gái bà Thu Trinh có chồng, nhưng cũng nghèo sát đất. Hai vợ chồng nó ở dưới quê, chân lấm tay bùn, chỉ cất được túp lều tranh sau căn nhà xập xệ của bố mẹ chồng." Tôi nghĩ nhóm bà Thịnh Hương hãy làm phước giúp đỡ con gái bạn mình đang "ngheo sát đất" để cháu có thể đón mẹ vè chăm sóc, hai mẹ con bà Thu Trinh sẽ biết ơn các quý nhân suốt đời.
Thương bạn thì hãy tin tưởng con gái bạn thử coi, đừng giao phước đức cho người dưng cầm giữ rồi bắt bạn mình mổi ngày chạy đến lãnh vài lon gạo, giúp bạn mà làm như cho ăn mày là xúc phạm bạn và mình thành ra độc ác!
Tội nghiệp con gái bạn chưa nhận được cái gì đã bị nghi ngờ vì ông thầy dùi suy bụng ta ra bụng người xấu xa như hắn
28/09/201502:55:23
Khách
Đọc truyện của Chị Thịnh Hương cảm-động quá , y như chính mình trong chuyện , ... đúng nhủ Anh Đức đứa ý-kiến , chúng ta đưa tiền cho ngừơi bán thực-phấm , đễ đưa gạo , thực phẩm hằng ngày , hoặc hàng tuần ... thĩnh-thoẵng đưa ít tiền đễ mua vật-dụng cần-thiết ... như vậy những người con hỗn láo sẽ không còn cơ-hội ăn-cắp ...
25/09/201503:38:52
Khách
Chào anh Đức!
Vâng, kiếm được người đáng tin cậy đế Giao tiền bạc cho họ kể ra cũng khó và đôi khi mình phải theo thuyết tương đối, khi không có lựa chọn nào khả dĩ tốt
hơn. Cám ơn Anh đã cùng chia xẻ Kinh nghiệm.

Phương Hoa và Đòan Thị thân thương,
Thịnh Hương sẽ cố tìm thì giờ để viết nhiều hơn....nhiều khi đi làm về là mệt đứ đừ, chữ nghĩa trốn đi đâu hết, kiếm không ra....Hy vọng sớm có dịp gặp nhau.
. Chị Phương Hoa thì ở Mỹ, nhưng lâu lâu mới có dịp cùng nhau hàn huyên.
Thịnh Hương nghĩ là tình bạn lúc còn đi học luôn ở lại truong chúng ta rất lâu, rất thắm thiết, rất trung thành, rất gắn bó.
Cám ơn hai bạn về những lời chân tình.

Thịnh Hương
24/09/201507:11:14
Khách
Chị mến,
Nữ hoàng thương xá hạ bút là có người rơi lệ, đàn bà như hạt mưa sa, may mà tình bạn vẫn đẹp như xưa.
Cảm ơn "chuyện xưa" đến nay vẫn còn sống động, cũng là cách nhắc nhở, nhìn xuống mình không đến nỗi nào.
Em chờ bài khác chị nhé.
23/09/201518:12:59
Khách
Truyện thật cảm động Thịnh Hương ơi! Mình đọc mà rơi lệ...Đúng là không ai biết được phần số của mình sẽ đưa đẩy về đâu. Cô bạn của nhóm Thịnh Hương thật đáng thương. Nhưng chị ấy còn chút may mắn là có những người bạn thâm tình như nhóm của TH.
SSang chờ đõcnhưngng sáng tác khác nè.
Thân mến,
PH.
23/09/201513:25:33
Khách
Trời nơi tôi sáng nay đổi lạnh, đọc chuyện của chị cảm thấy ớn lạnh thêm cho xã hội VN sau 40 năm dưới sự cai trị của một lũ tham lam và ngu ngốc. Hy vọng với sự giúp đỡ của chị và ba người bạn, người đàn bà khốn khổ kia tìm được chút ấm lòng trong tình bạn năm xưa.
Năm xưa, lúc còn sống, mợ tôi cũng muốn gửi tiền về cho người con nuôi có 8 người con. Vài đứa trong số đó cũng thuộc diện ăn chơi, bán trời không văn tự, như con chị Trinh trong chuyện. Tôi có nói với mợ tôi tiền gửi về không phải là vấn đề, nhưng vấn đề là khi có tiền những người con sẽ đánh nhau vì tiền do đó phải biết cách gửi. Mợ tôi cũng nghĩ như tác giả là gửi cho đứa con gái tin tưởng nhất. Tôi trả lời làm sao mợ biết được đứa nào tin tưởng được? Khi có một số tiền lớn, con người nhiều khi sẽ thay đổi. Tôi bày cho mợ tôi cách gửi: chia số tiền ra và cứ ba tháng mợ gửi cho chị Tám bán gạo trong xóm nói họ mỗi ngày tới nhà chị lấy ba lon gạo về và cứ mỗi tuần được lãnh một con gà hay bốn ký thịt heo. Nhờ cách này mà sau này một số trong đám con làm ăn rất khá, qua Mỹ thăm chúng tôi thường xuyên.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,197,600
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến