Hôm nay,  

Đại Bàng Buổi Sáng

10/08/201500:00:00(Xem: 12140)

Tác giả: Hoàng Nga
Bài số 3595-17--30185vb8080915

Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái, rể và hai cháu ngoại. Có viết cho các tạp chí Làng Văn (Canada), Văn (Hoa Kỳ) Văn Học (Hoa Kỳ), Phố Văn (Hoa Kỳ), Việt Luận (Úc)… Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XVII, tác giả cho thấy có sức viết mạnh mẽ. Sau đây là bài thứ năm của bà.

* * *

Ông Clarence bảo muốn đến Chu Lai chỉ vì nơi đó có người anh cả của ông đang đóng quân. Tôi đáp lại, tôi chưa đến Chu Lai bao giờ.

Thật vậy, nếu không kể những lần về miền trung, xe đò bắt buộc phải chạy qua cái thị trấn ven biển nho nhỏ ấy, thì tôi vẫn chưa được kể là đã đến Chu Lai. Dường như là chưa bao giờ có cơ hội đi một vòng xem nơi ấy có những gì dẫu từ đấy ra tới Đà Nẵng, thành phố tôi đã sống chỉ khoảng chừng năm mươi sáu dặm, chưa đến chín chục cây số về hướng nam trên quốc lộ Một, và đường đi thì có thể nói là khá thẳng thớm, dễ dàng.

Chu Lai được biết tới nhờ những căn cứ quân sự của quân đội đồng minh Hoa Kỳ xây dựng lên vào đầu những năm 1965, cho đến 1971. Bây giờ, khi lên internet tìm tài liệu chiến tranh Việt Nam, vào Utube, tôi xem được vài thước phim về Chu Lai do dân nhà nghề, lẫn người không chuyên nghiệp đưa lên.

Ngoại trừ một số ít clip có nguồn gốc từ quân đội (www.militarevideo.com), những thước phim còn lại gần như là không rõ nét, lắm khi hình ảnh rất mờ nhạt, chập chờn. Phim có nguồn gốc từ quân đội thì ghi lại những sinh hoạt của lính, những trận chiến quanh vùng. Những phim khác gồm cảnh núi đồi, biển cả, rừng cây, đồng ruộng…, phần lớn được quay từ trên máy bay. Một số cảnh khác là những con đường gập ghềnh, cỏ cây xơ xác, có lẽ người cầm máy đã ngồi trên xe hơi hoặc xe gắn máy, nên hình ảnh thường nhảy múa loạn xạ. Hầu hết những thước phim này đều không có người diễn giải, cũng chẳng có phụ đề bên dưới cho người xem biết mình đang được “dẫn” đi đâu. Và cuối cùng, là những clip khác được chiếu theo dạng powerpoint do những cựu chiến binh gom góp hình ảnh nơi họ đã từng đi qua hoặc từng sống, đa số chụp hình công sự, lô cốt, đường xá, nhà thờ, chùa chiền, sông nước, cùng những người họ từng gặp chung quanh mình.

Rải rác trong các đoạn phim ấy còn có xác máy bay, xe tăng gãy nòng, súng đạn gỉ sét nằm chõng chơ, tiêu điều trên đất khiến người xem rất nao lòng. U buồn hơn nữa là cảnh giải dắt tù binh, cảnh dân chúng chạy loạn, cảnh chiến hữu khiêng cõng đồng đội đang bị thương về hậu cứ, cảnh người chiến binh xa nhà dõi mắt về hướng chân trời…

Chu Lai như một tiếng thở dài não ruột của người miền trung Việt Nam vào những tháng năm chiến tranh khốc liệt. Cái thị trấn ven biển ấy, nơi có những làng chài nho nhỏ yên lành, nơi những người dân hiền hòa chỉ muốn được trải hết đời mình một cách thanh bình, mộc mạc với ruộng đồng sông nước, với bụi chuối sau nhà đang đơm hoa kết trái, với gốc tre cuối vườn chuẩn bị cho măng… Chiến tranh Việt Pháp vừa qua đi chưa lâu, đời sống hỗn loạn của những ngày chinh chiến qua đi chưa lâu, những chiếc convoy chở đầy lính, những chiếc xe tăng đồ sộ, những nòng súng đại bác to lớn, những tiếng động cơ phản lực đã ầm vang, cùng sự có mặt của những người lính đồng minh khác màu da lạ lẫm khiến người dân Chu Lai sợ hãi. Không ai là không âu lo, không bối rối cho số phận mình trong tương lai.

Ông Clarence kể:

- Trong khi đó thì chúng tôi cũng đã đến Việt Nam trong tâm trạng vô cùng hoang mang. Từ một nơi thanh bình yên ắng, chúng tôi đến quê hương cô, lao thẳng vào mặt trận, đối diện thẳng với chiến tranh. Có rất nhiều người trong chúng tôi đã sinh trưởng và lớn lên ở thành phố, nhưng cũng nhiều người sống tại thôn quê, chưa bao giờ rời khỏi hometown của mình, nhiều người chưa một lần tiếp xúc với người châu Á… Nên cũng như người dân Chu Lai, thình lình một hôm thức giấc, thấy mình đang ở một nơi thật xa lạ, mắt nhìn thấy những con người chỉ từng biết qua trong sách vở, tai nghe một ngôn ngữ chưa từng nghe trong đời, chúng tôi cũng đã kinh hoàng như từ trên trời rớt xuống đất.

Ông Clarence chậc lưỡi:

- Hai từ ngữ “Việt Nam” làm thay đổi nhiều cuộc đời của chúng tôi. Với cái lứa tuổi trung bình là hai mươi, hai mốt, đang học hành ở nhà trường, đang làm việc ở công sở, đứa có người yêu, đứa chưa biết hẹn hò, chúng tôi bị sung vào quân đội, được huấn luyện vài ba tháng, được dạy để tự bảo vệ mạng sống mình rồi bị thả sang Việt Nam... Hoàn toàn chẳng đứa nào biết được mình đang làm gì.

Im một lát, ông tiếp:

- Với chúng tôi, cái ý thức về chiến tranh có lẽ đã mơ hồ hơn bất cứ điều gì có thể tưởng tượng ra được. Khi còn ở quân trường, được huấn luyện dưới trời mưa nắng, có lúc trong bão tuyết, trong bùn đất từ năm giờ sáng đến mười giờ tối, đứa nào cũng tưởng đó là những gì ghê gớm nhất mà mình sẽ phải chịu đựng. Cái nhìn của chúng tôi về chiến tranh không xa hơn những trận combat trên đài truyền hình, không nhiều hơn những series Mỹ đánh Đức. Vì vậy cho đến lúc đặt chân đến Việt Nam, và nhất là khi ra trận đầu tiên của đời lính, thì chúng tôi mới nhận ra chiến tranh không chỉ là dãi dầu mưa nắng ở quân trường. Không chỉ lạnh giá trong lều bạt. Cũng không chỉ là những thước phim bắn nhau với súng đạn giả... Có lẽ không cần phải nói, cô cũng đoán được nỗi kinh hoàng của chúng tôi ra sao.

Tôi nói với ông Clarence, tôi từng chứng kiến những cái chết vì bom đạn của một số người thân nên cũng biết sợ hãi chiến tranh ngay từ lúc còn rất nhỏ. Thời ông Clarence và bè bạn đến Việt Nam, là thời binh biến khốc liệt nhất, ở giai đoạn trước và sau Tết Mậu Thân. Tôi nhớ hình như gia đình nào, từ nông thôn cho đến thành phố, cũng đều chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng tản cư. Mẹ tôi vẫn thường để sẵn trên đầu giường lũ con nít chúng tôi thuở đó, mỗi đứa một cái túi xách may bằng vải đựng hai bộ đồ, một số thức ăn khô và một ít thuốc đau đầu, cảm cúm. Muốn hay không muốn, đứa nào cũng phải mang một sợi dây chuyền vàng trên cổ. Mẹ tôi bảo để phòng thân. Bà còn dạy thêm những điều phải làm trong trường hợp bị thất lạc gia đình khi chạy loạn.

Ông Clarence nói:

- Đất nước của chúng tôi không có chiến tranh, nhưng chúng tôi được giáo dục tinh thần sẵn sàng hy sinh cho sự sống còn, sự an ninh và nền hòa bình của cả thế giới. Nên vì vậy mà chúng tôi đã lên đường không mấy thắc mắc, không mấy khó chịu. Ngoại trừ những người phản đối chiến tranh…

Tôi lớn lên khi phong trào hippy, phong trào phản chiến một thời rầm rộ ở Hoa Kỳ lẫn Việt Nam. Tôi kể cho ông Clarence nghe về những ngày sinh viên xuống đường chống chính quyền, chống chiến tranh, những truyền đơn kêu gọi quân nhân đào ngũ được thả ngoài đường phố, trong sân trường. Tôi vẫn chưa quên những hôm đang học phải chạy túa ra ngoài đường vì lựu đạn cay đâu đó trên hành lang lớp học.

Cái sứ mạng mà ông Clarence và đồng đội ông đã được trang bị và được huấn luyện để bảo vệ cho nền dân chủ và tự do ở Việt Nam, sau khi tàn chinh chiến, người Việt ở hải ngoại đã bắt đầu có những việc làm để ghi ơn. Nhưng hình ảnh người lính Mỹ trong mắt người dân Chu Lai nói riêng, người dân Việt Nam nói chung thời đó, xấu nhiều hơn đẹp.

Gần như đó chỉ là những “gã”, những “hắn” đã làm những điều không tốt lành. Lúc chưa hết tiểu học, chưa biết phân biệt nổi giữa tốt và xấu, tôi đã nghe người lớn xôn xao bàn tán với hàm ý mỉa mai về chuyện người dân quê bỏ ruộng vườn ra thành phố để đi làm cho sở Mỹ. Nhiều người còn nói đến gái bán bar, phòng ngủ khách sạn trước mặt đám con nít chưa vắt sạch mũi như chúng tôi một cách không e dè, gìn giữ.

Thật ra thì không cần người lớn nói, tôi cũng thấy con đường hiền lành trước mặt nhà mình mọc lên đôi ba khách sạn, thấy chị người làm cho gia đình tôi bỏ đi làm gái bán bar, thấy chị họ tôi có con lai, rồi thấy đám con nít hàng xóm chạy theo “okê salem” để xin kẹo cao su, thấy lính Mỹ ngồi trên xe cười ha hả khi thảy xuống đường những gói thuốc lá, những thanh kẹo và cả những bộ bài có in hình các cô gái mặc bikini hoặc trần truồng…

Ông Clarence thở dài:

- Chúng tôi đã đến Việt Nam từ Hawaii, từ một bãi biển rất xinh đẹp. Nhớ lúc đứng trên boong tàu nhìn vào bãi cát trắng với những hàng dừa xa xa, thấy những con sóng dạt dào vỗ vào bờ, cái cảm giác như thể mình đang được đi một chuyến du lịch xa làm tôi không cách gì có thể tưởng tượng mình sắp sửa đương đầu với cái chết. Đất nước cô thật đẹp, thật thơ mộng, thật đáng yêu…

Ông Clarence tiếp:

- Nếu như không có những lô cốt, những căn cứ quân sự, những dãy lều bạt ngàn dọc theo bãi biển..., thì chẳng ai nghĩ nơi đó đang xảy ra những trận chiến kinh người.

Ông chớp mắt:

- Từ Cam Ranh chúng tôi đã phải chờ để được đi Chu Lai. Mà thật ra, hình như chỉ có mình tôi chờ thì đúng hơn!

Ông kể trong khi chờ chuyển đến đơn vị, mỗi chiều xuống, lúc đồng đội ông vui đùa trong sóng nước nhiệt đới ấm áp, hay nằm phơi nắng trên bờ cát trắng mịn, thì ông ngồi nhìn về chân trời xa mà nhớ nhà, nhớ anh.

Ở Cam Ranh không có bầu không khí lạnh giá khi đông về, không có những cánh đồng xanh bát ngát vào mùa hạ, không có lá rơi vàng chật cả sân nhà khi thu tới, nhưng cũng vẫn những vệt ráng chiều cuối đường chân trời, cũng vẫn những cánh chim vội vã lao vút lên bầu trời sâm sẫm tối lúc hoàng hôn. Cũng những đám mây ngả sang màu nâu vàng gợi nhớ ánh điện ban chiều hắt ra từ một khung cửa sổ nhà hàng xóm. Cũng những tiếng dế, tiếng côn trùng vào hạ như ở nơi ông vừa mới rời xa. Người thanh niên độ tuổi hai mươi thuở ấy buồn và nhớ thê thiết thành phố đã để lại sau lưng:

- Ngày tôi đi, tôi mới vừa chuẩn bị vào college. Lẽ ra, tôi đã có thể ở lại nhà, có thể không phải vào quân đội trong một thời gian nào đó dầu tôi không thuộc diện được miễn dịch vì lý do gia cảnh. Nhưng thật sự muốn trốn tránh thì lúc ấy tôi có thể chọn một công việc gì đó như vào hải quân, hoặc đi làm công binh ở ngay tại nước Mỹ, hoặc chọn qua Tây Đức yên bình trong ba năm thay vì đi Việt Nam. Ngoài ra tôi còn có một lý do rất dễ được chấp thuận để hoãn dịch là anh tôi vẫn còn đang trong quân ngũ, vẫn còn đang ở Chu Lai…

Ông Clarence chớp mắt:

- Tôi lớn lên trong một gia đình có nhiều anh chị em, sống rất hòa thuận với nhau, chỉ trừ một điều kém may mắn là mẹ tôi mất sớm, sau đó vài năm thì ba tôi tái hôn với một người phụ nữ khác. Cô đã từng gặp bà mẹ kế tôi vài lần rồi, chắc có lẽ cô cũng thấy bà vốn là người hiền lành, phúc hậu. Chính chúng tôi cũng thấy như vậy. Nhưng dầu gì đi nữa thì bà vẫn không phải là mẹ ruột của chúng tôi, lại có con riêng nên tình cảm giữa đôi bên dành cho nhau đã có những giới hạn rất nhất định. Không muốn nhưng những khoảng cách vẫn hiên diện. Tuy nhiên cũng chính vì như vậy mà mấy anh em chúng tôi đã gắn chặt vào với nhau, và anh cả tôi đã chăm sóc em út từ miếng bánh mỳ đến cái áo, cái quần, giống hệt như một bà mẹ chăm sóc cho các con mình.

Tôi từng gặp anh trai của ông trong những cuộc họp mặt gia đình. Ông là một người rất điềm đạm, ít nói và hiền lành, tuy khá nghiêm nghị. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ cái tính cách nghiêm nghị ấy đã được thành hình do những ngày gánh vác công việc chăm sóc các em thay cho mẹ và khi trở thành quân nhân. Ông Clarence kể tiếp:

- Tôi nằm trong danh sách động viên vào lúc anh tôi sắp sửa xong nhiệm vụ và sắp sửa được về nước. Hai năm xa gia đình, xa các em, tưởng là đã đủ cho anh tôi, vậy mà cho đến lúc tôi đặt chân tới đất nước của cô, mới biết ra là anh tôi đã tình nguyện ở lại thêm hai năm nữa để tôi khỏi phải sang đó. Anh muốn tôi được tiếp tục việc học hành. Anh nghĩ, dầu gì thì anh cũng có chút kinh nghiệm chiến trường, có chút kinh nghiệm sống ở một đất nước xa lạ, và hơn nữa là vẫn còn đang ở tại Việt Nam, nên thêm hai năm, thêm chút khó khăn cho bản thân mình không phải là vấn đề lớn đối với ông... Thành thật mà nói là nếu như phải đề cập đến hai chữ hy sinh, thì tôi sẽ không ngần ngại nói về những điều anh tôi đã làm. Nhất là chuyện anh muốn ở lại Việt Nam vì tôi, cho tôi. Bình thường, gần như chỉ có cha mẹ hy sinh tính mạng mình cho con cái được sống, còn vợ chồng, người yêu hy sinh cho nhau cũng đã hiếm, nói gì đến anh em hy sinh cho nhau. Phải không cô?

Tôi gật đầu. Qua tuổi tri thiên mệnh, tôi không chỉ nghe mà còn chứng kiến không ít cảnh anh chị em tranh giành, tan đàn xẻ nghé chỉ vì gia tài cha mẹ để lại, hoặc thê thảm hơn là có thể hãm hại, đối xử với nhau không còn tình người chỉ vì quyền lợi cá nhân. Chuyện sau hai năm sống ở một đất nước chiến tranh, ngoài nỗi nhớ nhà, nhớ em út, nhớ người yêu, còn phải đối diện với chuyện tử sinh hằng ngày mà anh trai ông Clarence vẫn muốn ở lại thêm nữa vì muốn em mình có một tương lai khá hơn khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi hỏi:

- Nhưng rồi tại sao ông vẫn phải sang nước tôi?

Ông Clarence cười buồn:

- Cô cũng biết thời ấy kỹ thuật thông tin liên lạc đâu phải như bây giờ. Bộ chỉ huy Hoa Kỳ ở Việt Nam ghi nhận anh tôi tình nguyện ở lại thêm hai năm, trong khi đối với bộ chỉ huy ở Mỹ thì tôi là người ký tên tình nguyện sang chiến trường. Hai hồ sơ ấy, dường như không liên quan gì đến nhau…

Sau đó ông kể cho tôi nghe về chương trình “xổ số”, Vietnam Draft Lottory ra đời ở Hoa Kỳ từ 1969. Ông nói có thể xem như đó là chương trình tổng động viên của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, chỉ hơi khác là thanh niên ở Hoa Kỳ vào độ tuổi phải nhập ngũ, từ mười tám đến hăm sáu sẽ phải tham dự một cuộc xổ số. Người ta sẽ đựng ba trăm sáu mươi sáu cái “blue capsules” trong một bình thủy tinh lớn, mỗi capsule ghi một ngày dương lịch, từ ngày một tháng Giêng cho đến ngày ba mươi mốt tháng mười hai, tính luôn cả ngày nhuần 29/2. Các capsules này sẽ được lần lượt bốc ra và được đánh số thứ tự. Người có ngày sinh ghi trong các capsules bị chọn, sẽ phải lên đường vào quân đội. Ông Clarence nói:

- Một ví dụ cho cuộc xổ số này là vào năm sáu mươi chín, thượng nghị sĩ Alexander Pirnie đã bốc ra chiếc capsule đầu tiên ghi ngày 14/9. Như vậy, tất cả những thanh niên sinh vào ngày 14/9 từ năm 1944 đến 1950 sẽ mang số 001, và nằm trong danh sách động viên trước tiên. Kế đó những người trong ban đại diện bốc ra thêm một trăm chín mươi lăm capsules nữa. Những người có ngày sinh nhật nằm trong các capsules còn lại trong bình là những người “thua” xổ số nhưng sẽ được hoãn dịch trong năm đó.

Ông tiếp:

- Cô thấy đó, nhiều người đã “thua”, và đã được nằm trong danh sách hoãn dịch như vậy, nhưng có đôi khi họ vẫn bị gửi sang chiến đấu ở Việt Nam chỉ vì một sự nhầm lẫn của nhân viên bộ quốc phòng hoặc vì một lý do không may nào đó…

Và ông cười:

- Vì thế chuyện tôi đến Chu Lai cũng đâu có gì là lạ.


Chu Lai, nơi tôi chưa từng đến nhưng trong ký ức vẫn là một trong những địa danh không bao giờ quên được. Tương tự như Cai Lậy, Pleime, Đức Cơ, Đồng Xoài, hay Charlie, Quảng Trị, Đồng Hà, Huế... Mỗi bận nhìn hấy lại hình lá cờ cũ, nhìn thấy vòng kẽm gai, màu áo trận…, là thời đao binh khói lửa ấy lại hiện ra trong trí tôi.

Một người bạn văn gọi thế hệ của chúng tôi là “thế hệ lọt khe,” một thế hệ lớn lên một cách thui chột đau thương trong những ngày đen tối nhất của đất nước. Tuy nhiên sau này khi bắt đầu vào tuổi không còn trẻ nữa, tôi nhận ra sự nghiệt ngã của chiến tranh không chỉ dành riêng cho một thế hệ nào. Bởi những người trẻ như chúng tôi bị sống đọa đày, thiếu thốn và nhọc nhằn vào thời hậu chiến, thì người như anh bạn văn lớn tuổi ấy của tôi cũng đã mất tuổi thanh xuân mình trong rừng núi, trong những ngày đạn bom khói lửa. Bao nhiêu người chưa kịp sống, chưa kịp trưởng thành đã ra đi không một lần về. Cuộc đời chẳng chỉ tàn nhẫn riêng với chúng tôi!

Ông Clarence thở dài:

- Thật sự ra tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm sự đau đớn khi người ta thấy con cái, anh em mình đã ngã xuống, chết ở một đất nước xa lạ không dính dáng gì đến quê hương tổ quốc của chính họ, rồi xác người thân không được mang về, vân vân..., nên họ đã phản đối việc quân đội Hoa Kỳ tham gia trực tiếp vào các trận đánh. Nhiều người khác trên thế giới còn cho rằng chúng tôi đã xâm lược vì muốn chiếm tài nguyên, đất đai của nước cô, hoặc nhiều hơn thế nữa là mang mộng bá chủ hoàn cầu, thống trị thế giới. Nhưng trên thực tế, những con người mang ba lô lên đường như chúng tôi ngày trước, và như ngày nay, nhiều người đang chiến đấu tại chiến trường Trung Đông, thì chỉ do ý thức của một người công dân chân chính muốn thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước mà thôi. Tôi không có ý định “đại diện” cho một tiếng nói nào hay cho một tầng lớp nào, nhưng tôi nghĩ nhiều người tham chiến tại Việt Nam cũng đã có đồng một suy nghĩ giống như tôi.

Ông Clarence đã ra đi, đồng đội của ông đã ra đi. Một trăm tám, hai trăm tám, ba trăm tám, bốn trăm ngàn binh lính Hoa Kỳ đến Việt Nam. Lúc xem lại những thước phim tài liệu, những tấm hình được post lên internet, tôi đã ngẩn ngơ trưóc những nét ngây thơ, trẻ dại đến nao lòng của họ. Có những thước phim đã làm tôi bật khóc, nhưng không chỉ vì cảnh tượng chết chóc đau lòng, mà là hình ảnh ghi lại những người thanh niên đầy sức sống đang đùa vui với nhau trong sóng biển, chơi banh bầu dục, bóng rổ với nhau trên khoảng sân sau của trại lính. Cái hồn nhiên của họ khiến tôi xót xa. Tôi nghĩ đến tuổi thanh niên phơi phới của con, của cháu mình và nghĩ đến nhiều người trong số những người trẻ trung ấy đã ngã xuống ở một chiến trường nào đó, có người được mang xác về cố quốc, có người cho đến ngày nay vẫn không biết đang gửi nắm xương tàn của mình ở nơi nào. Những người lính ra đi với tinh thần “làm gì cho tổ quốc” như câu nói nổi tiếng của tổng thống họ, có biết bao nhiêu người chưa rời khỏi vòng tay của gia đình, chưa kịp bước vào sân trường đại học, chưa được một lần hò hẹn với người yêu.

Năm tháng chiến tranh đen tối đã qua đi bao lâu rồi, nhưng nỗi buồn, nỗi kinh hoàng vẫn còn ở lại. Những “hội chứng sau chiến tranh”, những posttraumatic stress disorder war veterans…, đã và vẫn còn được nói đến nhiều lần trên đất nước Hoa Kỳ. Đến nỗi có người không còn cảm thấy xúc động hay chao lòng khi nghe đến.

Ông Clarence nói:

- Tôi không biết tôi có nằm trong số những người có tâm lý vững mạnh sau khi trở về từ chiến trường khủng khiếp ấy hay không, vì tôi không bị bất cứ chứng bịnh nào thuộc về thần kinh. Tuy nhiên có nhiều kỷ niệm vẫn còn khiến tôi sợ khi nhớ lại.

Ông Clarence có một cuốn album toàn hình ảnh trong hai năm ở Việt Nam do bạn bè chụp mà chỉ khi nào uống rượu ngà ngà ông mới dám mở ra xem. Cuốn album ông cất dưới basement, ở một chỗ nào đó mà ngay cả các con ông cũng không dám đụng đến, hoặc tự ý lấy ra xem. Ông kể:

- Tôi đến quê hương cô chưa bao lâu là xảy ra cuộc chiến Tết Mậu Thân. Việt cộng đã tấn công khắp nơi trên lãnh thổ của miền Nam Việt Nam, ở Sài gòn, ở cao nguyên, ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng dữ dội nhất là ở miền trung. Chiến trận ở Khe Sanh, Quảng Trị kéo dài đến hơn hai tháng, rồi thảm sát ở Huế… Trong hai năm ở Việt Nam, tôi đã phải tham dự những trận đánh lớn nhất.

Ngưng một lát ông Clarence tiếp:

- Có một điều mà cô khó có thể tưởng tượng được là Chu Lai bé nhỏ như vậy, cả hai anh em tôi đều đóng quân tại đó nhưng chúng tôi không hề có dịp gặp nhau. Lúc tin tức về cuộc tổng tấn công của Việt Cộng được loan ra mỗi ngày, tôi vẫn tự hỏi anh tôi đang ở đâu, ra sao… Thời chiến tranh, chuyện tự tiện rời đơn vị để làm một chuyến đi dẫu ngắn, dẫu chỉ để gặp anh em ruột của mình, cũng là điều khó có thể xảy ra. Đã thế chúng tôi cũng chẳng có phương tiện gì khác để liên lạc với nhau.

Tôi vô cùng ngạc nhiên vì những điều được nghe ông Clarence kể. Ông chậc lưỡi:

- Nhưng bỗng dưng một hôm tôi nhận được một cái tin sét đánh, là anh tôi đã bị thương trong một trận giao tranh ở Huế, đã được đưa về tổng y viện Duy Tân ở Đà Nẵng… Tôi bàng hoàng. Cái cảm giác đau đớn như chính bản thân mình trúng đạn làm tôi không biết phải phản ứng như thế nào trong một lúc rất lâu. Nói thật là cho đến giờ này, tôi vẫn không nhớ làm sao tôi có thể biết được cái tin ấy, mà chỉ nhớ sau khi bừng tỉnh, tôi hối hả chạy lên văn phòng chỉ huy, xin đi thăm anh tôi rồi vội vã rời đơn vị…

Ông chớp mắt:

- Từ Chu Lai vào đến Đà Nẵng như cô biết đó, gần như một bàn tay, vậy mà sau khi được đưa đi một đoạn, phải tự túc tìm phương tiện di chuyển thì tôi hoàn toàn không biết phải làm như thế nào. Vào thời gian đó, sau sáu giờ là xe đò không còn được phép chạy trên đường vì Việt Cộng vẫn tiếp tục tấn công nhiều ngả. Lịnh giới nghiêm trên toàn miền Nam Việt Nam được áp dụng rất nghiêm ngặt, khắt khe. Tôi đã rời khỏi đơn vị từ lúc chiều, nhưng cho đến chạng vạng tối vẫn không cách gì đến được Đà Nẵng…

Trong trí tôi hình ảnh tiêu điều của những ngày Tết Mậu Thân và những hình ảnh tang thương của cuộc thảm sát ở Huế được đài truyền hình số 9 chiếu đi chiếu lại nhiều lần hiện ra rõ mồn một. Tôi nói với ông không cách gì có thể quên được những gương mặt đau đớn, những giòng nước mắt chảy như mưa của người dân Cố Đô khi đi nhận xác người thân thời ấy. Ông Clarence thở dài. Tôi hỏi:

- Rồi lúc ấy làm sao ông có thể đi tiếp?

Giọng người đàn ông như hụt đi:

- Chắc cô không thể tưởng tượng được tôi đã làm gì đâu.

Khuôn mặt người ngồi trước mặt tôi cười mà cứ như đang mếu:

- Trong đời tôi, thú thật là chẳng bao giờ tôi có một ý nghĩ nhỏ muốn ám hại bất cứ người nào, cũng không bao giờ muốn dấy lên trong đầu mình những chuyện xấu, nói gì đến việc thực hiện một điều hoàn toàn đi ngược với cách sống và đạo đức mà tôi đã được giáo dục.

Giọng ông Clarence trở nên rất sầu thảm, kể, đang khi ngồi mãi trên đường mà không kiếm ra được phương tiện để đi tiếp, thì bất ngờ có một người đàn ông chạy xe gắn máy trờ tới, ông đã giơ tay vẫy người này lại:

- Ý của tôi lúc ấy là muốn trả tiền công để người đàn ông này chở tôi đi, nhưng ngôn ngữ bất đồng, tôi diễn tả cách nào ông ta cũng không hiểu. Mà lạy Chúa, đến cả khi tôi lấy tiền ra đưa và cố gắng giải thích bằng đủ mọi hành động, nhưng người đàn ông ấy vẫn không biết tôi muốn gì. Thế là cuối cùng sốt ruột quá, quẩn trí, tôi đã giơ súng lên, chĩa vào đầu ông ta, rồi giật lấy xe của ông ta mà chạy…

Ông Clarence thở dài:

- Người đàn ông sau khi bị tôi hăm dọa, sững sờ ngó tôi, rồi bất thình lình cũng vụt bỏ chạy, mà chạy ngược lại với hướng của tôi. Chắc có lẽ là đã sợ tôi bắn…Về phía tôi, khi chạy được một quãng ngắn thì bỗng sực nhớ tới chuyện tại sao mình không dúi vào tay anh ta số tiền đã muốn đưa cho anh ta, nên tôi dừng xe lại, quay đầu gọi. Về sau sống thêm ở quê hương cô, hiểu rõ hơn rằng có thể đó là tài sản duy nhất của người đàn ông ấy, tôi ân hận vô cùng. Tôi không bao giờ quên được cái dáng vẻ thê thảm của người đàn ông bị tôi cướp xe ấy.

Giọng ông nhỏ lại bên tai tôi:

- Tôi nhớ là khi tôi càng gọi, thì anh ta càng bỏ chạy. Tôi càng kêu thì anh ta càng hoảng hốt… Anh ta lủi vào một lùm cây ở bên đường rồi mất hút. Tôi đứng ngẩn ngơ một hồi, cuối cùng đành quyết định là mình phải đi thôi, đi cho kịp trước khi trời tối, và dự định trong lòng sau khi gặp được anh trai của tôi rồi, tôi sẽ quay trở lại cái làng đó, tìm cho ra người đàn ông ấy để trả lại chiếc xe, cũng như để tặng cho anh ta một số tiền.

Sống ở hải ngoại lâu năm, tôi vẫn thường nghe nhiều người cho rằng người da trắng không mấy đằm thắm trong tình cảm anh chị em trong gia đình. Ở tại châu lục này thì còn nghe than phiền là con em mình đã học cách đối xử tệ bạc với cha mẹ hay người thân chỉ vì thâm nhiễm thói sống của người Mỹ. Tôi không dám nghĩ ai đúng ai sai, không dám có nhận xét nào, nhưng tôi cho rằng ở bất cứ xã hội nào cũng có người thế này người thế nọ, người tính tình lạnh lẽo, người ấm áp, người nhân ái người tàn nhẫn. Câu chuyện của anh em ông Clarence khiến tôi chao lòng. Ông kể tiếp:

- Tôi như ngồi trên đống lửa, như đứng trên một mớ than hồng. Cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng trên chiếc xe gắn máy có thể nói một cách đáng buồn là đã cướp từ người đàn ông đi trên đường ấy, lòng tôi đầy hỗn độn, hoang mang. Tôi chỉ mong được tới nơi, gặp anh tôi rồi trở về cái làng nhỏ, tìm cho ra người ấy mà thôi.

Ông thở dài:

- Chạy thục mạng, hùng hổ như một con báo, vậy mà cô biết sao không, tôi chỉ đến được cầu Câu Lâu, nếu tôi không nhớ nhầm cái tên. Tôi đã bị chận lại ở đó vì cái giấy phép tôi được ký không phải là công vụ lệnh mà chỉ là đi thăm anh tôi. Để bảo vệ an ninh cho thành phố, tôi không được phép vào Đà Nẵng trong giờ thiết quân lực…

Ông Clarence cười buồn:

- Đến lúc ấy, hẳn nhiên là tôi không còn ý định và cũng chẳng thể dùng súng để uy hiếp người nào được nữa, nên đành ngồi gục xuống ven đường. Trong cuộc sống, có những hành trình có thể gọi là dài đăng đẵng mặc dầu đôi khi các hành trình ấy chỉ xảy ra trong vòng vài tiếng đồng hồ. Chưa bao giờ trong đời, tôi nhìn thấy bóng tối lại tối đến dường ấy, thấy đêm đen lại đen đến như vậy. Tôi đã mở mắt thật lớn nhìn lên bầu trời hàng nghìn lần, tự hỏi mình đang làm gì và lần đầu tiên tôi đặt ra câu hỏi tại sao mình lại có mặt ở đất nước này. Giữa tôi và những người Việt Nam phía bên kia chiến tuyến không hề có thù hận riêng tư nào, giữa anh tôi và họ tất nhiên cũng vậy, nhưng tại sao anh tôi lại bị trúng đạn từ những người mình không thù hận ấy, và tại sao chúng tôi lại phải chịu khổ sở nhọc nhằn để tồn tại đến vậy…

Người đàn ông chớp mắt:

- Thật tình mà nói, tôi đã như nằm giữa chiêm bao. Đầu óc bấn loạn. Đêm đã dài như bao nhiêu thế kỷ trôi qua với tôi. Tôi ngồi rũ như một cái xác chết, trong lòng chỉ ước ao một điều duy nhất là gánh được nỗi đau đớn cho anh tôi và trông cho trời mau sáng.

Tôi khẽ mỉm cười, đùa để làm ông Clarence bớt xúc động:

- Nhưng muốn hay không thì trời cũng phải sáng chứ!

Ông Clarence cười theo:

- Đúng vậy. Cuối cùng rồi thì trời cũng phải sáng. Giờ thiết quân lực cũng phải qua. Tôi là người đầu tiên đã bổ nhào đến trình giấy tờ để được đi qua cầu. Sau khi xong thủ tục, nhảy lên xe tôi lại thục mạng chạy. Cắm đầu cắm cổ chạy…

Tôi mường tượng ra cảnh ông Clarence vội vã chạy trên đường, vội vã chạy đến nhà thương, và cuối cùng là vội vã chạy ào đến bên giường của anh trai ông. Hệt như trong phim, có lẽ ông đã ôm chầm lấy anh mình. Có lẽ ông đã chảy ra những giọt nước mắt nóng hổi trên má…

Tôi hỏi có phải như vậy không. Ông Clarence bật cười:

- Cô đúng là người thích viết văn làm thơ! Chuyện xảy ra không phải vậy đâu. Tôi đã chạy thật. Chạy từ cầu Câu Lâu vào đến Đà Nẵng, hộc tốc, nhắm mắt nhắm mũi mà chạy như một tay đua xe máy thứ thiệt. Rồi chạy từ cổng nhà thương vào đến phòng tiếp nhận bịnh nhân để biết anh tôi đang nằm ở đâu như một thằng điên.

Ông Clarence dừng lại vài giây:

- Cô biết không, chạy như vậy đó, mà lại được nghe người ta trả lời rằng bịnh viện vừa mới chuyển anh tôi đi chừng vài phút trước đó. Được nghe rằng nếu như tôi chạy ra kịp ngoài sân, thì tôi sẽ thấy chiếc máy bay đưa anh tôi về Saigon. Người ta đã nói với tôi bằng tiếng Anh chứ không phải bằng ngôn ngữ quê cô mà tôi cứ không hiểu, cứ như tai mình có vấn đề gì đó trầm trọng lắm…

Tôi mở mắt thật lớn nhìn ông Clarence. Ông lại cười:

- Cuối cùng, bàng hoàng, tôi lao vụt ra khỏi phòng, đứng sững trên sân và ngửa mặt ngó lên trời. Giữa bầu trời xanh biếc đẹp đẽ của quê hương cô, tôi đã nhìn thấy một làn khói trắng nhả ra từ phía sau đuôi phi cơ, nhìn thấy hai đôi cánh máy bay dang rộng, và rồi mất hút.

Tự dưng tôi bỗng chợt nhớ lần đầu tiên đi nghỉ thu ở thành phố này, một sáng vừa thức giấc, chui ra khỏi giường đứng nhìn ra cửa sổ, tôi đã sững sờ khi bắt gặp một đôi mắt sáng quắc từ nhành cây phong đang bắt đầu trụi lá bên kia đường chằm chằm nhìn sang. Một đôi mắt trong vắt từ một con đại bàng đầu phủ lông trắng toát như tuyết, toàn thân nâu xám, nổi bật bên trên cái mỏ vàng quạch. Một cái nhìn, một dáng đứng trông thật dữ tợn nhưng đẹp đến lạnh người. Uy nghi, mạnh mẽ đến chột dạ. Mặc dầu ở khá xa, an toàn bên trong nhà, và không biết có phải nó nhìn thấy mình hay không, nhưng ánh mắt đăm đăm ấy đã khiến tôi mường tượng đến cảnh nó có thể tấn công tôi nếu tôi làm điều gì phương hại đến nó…

Tuy nhiên nhìn chằm chằm một lúc, bất ngờ con đại bàng tung cánh lao lên không trung. Đôi cánh dang ra thật rộng. Thật thẳng tắp. Và rồi cũng vút bay, mất hút.

Tôi kể lại cho ông Clarence nghe về con chim đại bàng mình nhìn thấy và nói tôi có cảm tưởng anh trai ông chính là cánh chim đại bàng, người đã bảo vệ, lo lắng và hy sinh cho ông trong mọi hoàn cảnh. Ông Clarence gật đầu, nói có lẽ như vậy thật, và tiếp:

- Nhiều năm qua tôi vẫn đau đớn mỗi lúc nhớ lại chuyện cũ. Những người chung quanh tôi, khi nhìn thấy tôi không còn nợ nhà, nợ xe, con cái cũng đã lớn, đã trưởng thành và ổn định, cứ đùa tôi “debt free”, không nợ nần. Họ không biết rằng tôi đã không thấy mình sạch nợ. Bởi trong tâm khảm tôi, tôi vẫn nợ quê hương tôi, nợ người anh thân yêu của mình, nợ quê hương cô, nơi chúng tôi đã gọi là đến giúp nhưng không làm hết nhiệm vụ của mình. Và tôi vẫn còn món nợ không bao giờ trả được cho người đàn ông ở cái làng nhỏ, thị thấn Chu Lai năm nào.

Tôi thở dài. Cuộc sống có biết bao nhiêu điều cần phải trả. Ông Clarence nghĩ ông còn mắc nợ đất nước Việt Nam, người Việt Nam, nhưng không biết ông có nghĩ đến đồng bào tôi ở nơi này, và chính bản thân tôi cũng thấy mình nợ nần đất nước, quê hương của ông như vậy hay không…

Hoàng Nga

Ý kiến bạn đọc
21/08/201513:25:45
Khách
Bài viết rất hay . Cám ơn nước Mỹ nhân đạo .

Trả ơn nước Mỹ bằng cách làm việc hợp pháp, đống thuế đầy đủ không gian lận trốn thuế, mướn American citizens hay legal immigrants chứ đừng mướn illegal immigrants ( mướn công nhân under the table thì sẽ phải khai gian lận thuế ), không khai gian khi xin an sinh xã hội , tham gia community services để giúp người trong cộng đồng nơi mình đang sống không phân biệt màu da , báo với chính quyền về những bọn gian như drug pushers , human traffickers, terrorists, etc. Đừng ích kỷ nhắm mắt bịt tai để khỏi "get involved" . Nếu không ai "get involved" thì không ai giúp ai và như vậy không thể xây dựng cộng động nói riêng và xã hội nói chung
11/08/201519:39:00
Khách
Đâu có ai bắt mình đẻ.
11/08/201519:36:05
Khách
Dĩ nhiên Phải tự hiểu là như vậy.
11/08/201513:15:10
Khách
Ơn, nợ, nợ, ơn.
Tôi cũng thường như chị nghĩ nhiều đến ơn nghĩa mà đất nước này đã cho người Việt chúng ta không những sinh sống mà còn có nhiều cơ hội phát triển như năm xưa tôi có được khi là sinh viên trong trường. Nhiều sinh viên Mỹ phải hét lớn khi biết tiền học của tôi lấy từ qũy tị nạn do cố tổng thống Reagan ký.
Ngày xưa có lần tôi hỏi bố tôi lớn lên sẽ phải làm gì để trả ơn người nuôi dưỡng. Bố tôi cười trả lời:
- Lớn lên con chả phải làm gì cả.
Tôi ngạc nhiên. Bố tôi liền giải thích:
- Cuộc đời không phải là ơn đền oán trả. Do đó con chả phải làm gì cả. Cuộc đời chính là một sự nối tiếp từ đời trước qua đời sau. Cậu nuôi con là vì ông đã nuôi cậu. Giờ đây cậu nuôi con chỉ mong muốn con sau này nuôi con của con hơn cậu nuôi con là con đã làm đủ bổn phận làm người rồi. Cậu nuôi con đâu phải để làm ơn sau này cho con trả. Con nuôi con của con cũng vậy, để nối tiếp cuộc đời chứ không phải để sau này cho nó đền ơn trả nghĩa. Hiểu như vậy mình sẽ thấy cuộc đời mang nhiều ý nghĩa cao đẹp hơn.
Tôi nghĩ nhiều khi người Mỹ cũng như bố tôi, chỉ mong muốn chúng ta ráng làm công dân tốt để xây dựng đất nước này thêm nhiều hạnh phúc là đủ trả ơn họ rồi.
Tấm lòng chân thành của Clarence và của chị được trải dài qua lời văn nhẹ nhàng và truyền cảm đi từ Chu Lai tới Sioux Falls.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến