Hôm nay,  

Tại Sao Con Tôi Không Chào Tôi

27/07/201500:00:00(Xem: 17579)

Tác giả: Trần Thiện Phi Hùng
Bài số 3583-17-013vb240727153

Trước Tháng Tư 1975, ông là một Hải Quân Trung Uý VNCH, rồi thành cựu tù cải tạo, tự lái tầu vượt biển, định cư tại Úc. Với nhiều bài viết sống động, ông là tác giả vào danh sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Sao rể của anh thấy anh không chào hỏi gì hết vậy?

Tại con gái của tôi không chào tôi.

Tại sao con dâu của anh thấy anh không chào hỏi gì hết?

Tại con trai của tôi không chào tôi.

Sao chúng thấy Cha của mình mà không chào. Sao anh không dạy chúng?

Tôi dạy các con y như mẹ tôi dạy tôi. Ăn phải coi nồi ngồi phải coi hướng. Cá ăn phải dẽ từ lưng; không gắp cái trứng hay cái bụng để ăn trước. Cá kèo phải gắp nguyên con hay bẻ cái đuôi ăn trước. Mỗi chén cơm khi hết phải sạch cơm, không để còn thức ăn và cơm mà đưa cho người khác bới hay cả chính mình bới cũng phải không còn cơm và thức ăn trong chén. Ăn chung với người lớn chú bác hay cha mẹ thấy hết cơm trong chén thì phải bới giúp.

Quần áo phải rũ cho thẳng. Áo phơi bên ngoài để che khuất quần áo lót bên trong, khi khô phải xếp từng cái cho đúng cách tùy loại áo quần, của ai để từng chồng nấy riêng biệt.

Ra đường hay khách tới nhà quen lạ gì cũng phải chào hỏi. Lớn hơn cha mẹ thì kêu bằng bác; nhỏ tuổi hơn cha mẹ thì kêu bằng chú bằng cô hay dì. Dân tộc thiểu số còn biết chào hỏi thì mình phải chào hỏi cho đúng lễ phép và cũng là phép lịch sự của người văn minh. Ở Vn chúng ra đường hay trên đường đi học về thấy bất cứ người lớn nào cũng cúi đầu chào dù ngưới khác có làm ngơ cũng phải chào, nếu không sẽ có đứa khác vào trường mét thì sẽ bị phạt. Tôi dạy con vậy đó nhưng từ khi sang xứ nầy chúng trơ mặt ra ngó dù là cha mẹ hay cô dì chú bác.

- Sau lạ vậy? Anh có làm gì sai trái cho nên chúng khinh rẻ anh không?

- Tôi cũng không biết. Sau tháng Tư năm 75 tôi không ra đi; mặc dù tôi muốn đi thì tàu nào mà tôi không có bạn bè quen biết; nếu không cùng khóa lính khóa quan thì cũng cùng đơn vị khi xưa. Ba trường huấn luyện hải quân tôi đều có làm cán bộ qua nhiều khóa và 2 năm sau cùng tôi phục vụ cái trường chuyên huấn luyện tác chiến cho tàu nên quen biết rất nhiều, nên có thể xuống bất cứ tàu nào để ra đi; nhưng ngày đó đường Biên Hòa Sài Gòn bị chận không về, nên không đem theo vợ con được, nên tôi không đi một mình. Tôi bị cải tạo được về rất sớm và làm vườn làm rẫy làm ruộng đập lúa mướn làm thuê nên vợ con tôi không phải ăn độn ngày nào và cũng vì lệnh cấm không cho con của cải tạo được học lên lớp 10 nên tôi mới ra đi để cứu lấy các con. Mười tháng ở trại tỵ nạn không đủ gạo cho thằng ăn mạnh như tôi; thế mà tôi tăng được 5 kg. Nhưng sang xứ nầy dư thừa thịt cá mà 3 năm tôi không tăng được ký nào là vì tôi phải thức từ 5 giờ sáng, bắt chuyến xe lửa sớm nhứt ra City, rồi còn phải ngồi xe Bus gần nửa tiếng mới tới được sở làm. Vào sở làm rồi là coi như cách biệt với thế giới bên ngoài. Mấy chục cái máy dập đùng rầm; tiếng người nói lúc nào cũng như phải thét thật lớn mới nghe được. Tới hết giờ làm việc thì thân thể gần như không còn là của tôi. Tôi chỉ muốn ngã lăn đất để ngủ nhưng cũng phải lết về nhà. Tuần làm 6 ngày thay vì 5 ngày. Ngày 8 tiếng như luật lao động. Tôi ham tiền, cần tiền nên vui mừng khi chủ gọi làm overtime, lãnh tiền gấp đôi.

Đi vượt biên là con đường chết, rủi nhiều may ít. Tôi may mắn nên đến bến bờ tự do nhưng có biết bao người bỏ mạng trên biển khơi hay bị hải tặc Thái Lan giết. Vợ con tôi được bảo lãnh, ra đi bằng máy bay. Bốn cái vé máy bay và tiền khám sức khỏe, ăn ở mấy ngày trên đất Thái là tiền tôi phải cày nửa năm nhịn ăn nhịn mặc mới có.

Ba năm sau khi tôi ra đi, vợ con sang mà tôi chưa có một bộ quần áo nào mua mới. Tất cả đều từ chợ Second hand tức là đồ xài rồi bán lại.

Bao nhiêu tiền kiếm được lo mua sắm cho vợ và con. Cả đời tôi chưa bao giờ nghe vợ hỏi sao anh không mua quần áo mới cho mình; hay con hỏi sau ba không mua quần áo mới cho ba. Tôi cày tiếp cho con ăn học rồi còn phải lo một mái nhà. Cuối tuần dù mệt mỏi thế nào cũng phải chở con đi học thêm tiếng Việt; rồi tranh thủ lo đi chợ mua thức ăn cho cả tuần.

Nợ nước, tình nhà nào Mẹ nào em nào vợ rồi con. Hai vai tôi gánh, nhưng xương sống của tôi lại sụm. Sụn giữa 2 đốt xương thứ 4 và 5 sụp xuống loe ra thành gai cột sống. Ngán phải ngồi xe lăn rồi bị bỏ vào viện dưỡng lão, tôi cố gắng đi bơi lội mỗi ngày để tự chữa trị cái xương sống.

Con trai lớn ra trường; nhưng thằng nhỏ út lại bỏ học đi làm du đãng. Đau buồn thất vọng nào hơn khi mình thí cả mạng sống đem con sang xứ tự do để cho chúng ăn học, nay nó lại bỏ học, ghiền xì ke, trộm xe, lái hết xăng thì bỏ; buôn bạch phiến để có tiền hút.

Thằng con ra tòa. Vợ chồng Tôi cũng được mời tham dự. Phải dự, may ra chánh án nhìn xuống, biết thằng bé thiếu niên này tuy dính xì ke nhưng có cha mẹ còn lưu tâm tới con thì nó còn hy vọng cải tà quy chánh. Đúng như tôi nghĩ. Thằng con chỉ bị làm việc cộng đồng chứ không bị phạt tù; vì nếu có án là đời tàn.

Môt hôm thằng con phone về khoe, con vừa thi đậu bằng lái xe.

Con mới đúng 18 tuổi làm sau thi lấy giấy phép học lái xe mà nay được thi.

Năm rồi con giả chữ ký của ba cho phép con thi lấy giấy phép học lái; nên nay vừa đúng 18 tuổi thì con thi ngay 1 lần là đậu.

Ai dạy con lái xe? Không ai dạy hết, thấy xe nào lấy được thì lấy lái đại; nhưng con thi lái xe tự động nhưng cái bằng lại để xe số tay nên con có thể lái tất cả các loại xe tự động hay xe số gì cũng được.

Phải chi con lấy cái bằng tốt nghiệp Trung học thì Ba mừng hơn. Từ từ rồi học mà ba. Chào ba con cúp máy, sắp hết tiền rồi.

Ba lần vào trung tâm cai nghiện. Lần nào nó cũng phone cho tôi: Ba mua cho con mấy gói thuốc.

Con hút thuốc gì? Dunhill. Sao cai nghiện mà cho hút thuốc? Cai bạch phiến chứ không bắt bỏ thuốc.

Thế là thằng cha dù có đau lòng cũng phải mua 5 gói thuốc đem vào cho con.

Ba năm sau, thằng út chán giang hồ, phone nói con muốn về nhà để đi học lại. Con có cần ba đến chở đồ gì về không? Dạ cần. Thế là nó cho địa chỉ, tôi lái xe đến đón.

Tiền thất nghiệp nó lãnh nó xài. Tôi có bổn phận phải nuôi tất cả kể cả tiền trường. Quần xé rách lòi đầu gối, lòi cả quần đùi phía trong. Ba cho con tiền mua quần áo khác. Mode mà Ba.

Nó làm du đãng. Đánh nhau, chém nhau thương tích nhiều nơi; có lần phải vào bệnh viện may lại vết thương. Tôi đi thăm mang thức ăn cho con. Bạn bè xa lánh; ngay đến cả cô dì của nó cũng cấm các con giao thiệp với nó. Thật là tủi nhục. Nghe ai khen con của họ hay nói chuyện về các con là vợ chồng tôi lánh ngay.

Về nhà con trai ngồi chồm hỗm hai chân trên ghế để ăn. Tôi nói: Ngồi để chân trên ghế là mất lịch sự là hỗn với cha mẹ. Ngồi như thế mới thoải mái, nó nói. Nhưng rồi cũng để hai chân xuống ngồi ngay ngắn trở lại. Vợ chồng tôi không dám nói động đến nó câu nào.


Nó ghi tên vào trường dành riêng cho người lớn học Computer. Đau xương sống nên tôi nghỉ việc ăn tiền bệnh, ba tháng tái khám một lần nên tôi cũng ghi tên học Computer. Thầy tôi là một người Ai Cập rất giỏi về Computer và rất tử tế với tôi vì tôi ham thích môn học nầy nên không vắng mặt giờ nào. Tôi cần gì Ông ta cũng giúp. Tôi nói có đứa con hư hỏng mới trở về học Computer nên nhờ giúp các soft wave và cả phụ tùng cũ của Computer để thực tập. Ông thầy soạn phụ tùng cũ trong kho nhà trường cho nó và tìm giúp xin những soft ware nó cần. Tôi chỉ đem nó giới thiệu một lần với Ông Thầy; sau đó nó tự động liên lạc với ông ta. Nhiều khi tôi vào lớp học, ông thầy đưa CD hay DVD bảo Tôi đem về trao cho con trai của Tôi.

Thằng con hay chứng nhưng nó rất thông minh. Học 2 năm nó lấy bằng Diploma về viết phần mềm Vi Tính. Vợ chồng Tôi mừng vô cùng. Chỉ cần nó có bất cứ nghề gì, có việc làm thì hy vọng sẽ hoàn lương sống bình thường trở lại.

Vợ tôi sang New Zealand 2 tháng ở chơi với con gái đang làm việc bên đó. Ở nhà thằng út đem một cô gái nhỏ hơn nó 2 tuổi về nhà và dọn vào phòng của con gái. Dù Con gái rời nhà đi làm đã 5 năm nhưng phòng của nó vẫn giữ cho nó. Tôi phone cho vợ nói thằng út của em đem gái về và lấy phòng con chị nó để ở.

Đuỗi đi ngay tức khắc, vợ la.

Em về đây mà đuổi. Anh không dám nói tiếng nào chứ đừng nói chi là đuổi.

Bạn gái của thằng con có bằng Diploma về kế toán ngân hàng nhưng không xin việc làm được nên đi làm part time. Một ngày chỉ làm một buổi phụ bán hàng. Mỗi tuần Nó đưa phụ $50 tiền ăn; còn con trai thì không đưa đồng nào.

Ba con ghi tên học Đại Học.

Ừ, học bao lâu Ba cũng nuôi được; nhưng có học nổi hay không?

Con học tiếp ngành viết soft ware nhưng con học 4 năm; bỏ bằng cấp học trường TAPE. Nếu lấy bằng Diploma thì sẽ được giảm cho một năm nhưng bằng cấp sẽ không giá trị bằng học 4 năm. Tùy con.

Tôi nghĩ: Học hết lớp 9 thì làm sao theo nổi bậc đại học. Ngày xưa tôi không hoàn tất được bậc Trung học; nên sang xứ nầy tôi học 10 năm rồi cũng chỉ toàn là chứng chỉ chứ có lấy được cái bằng nào đâu; nhưng nó muốn học thì nuôi cho nó học.

Bạn gái của nó vẫn ở nhà như đứa con dâu; Ở Việt Nam, cha mẹ nó ở trong sóc đồng bào thiểu số vùng Đà lạt; nên không biết tiếng Việt; tiếng Việt Nó nói được là nhờ học lóm từ trẻ VN học chung trong trường. Vì thế nó phải nói kèm tiếng Anh. Con bé nầy cũng thông minh và chịu khó học hỏi nên tiếng Việt của nó càng ngày càng khá hơn, nó cũng muốn lại trở lại Trường học tiếp đại học, dĩ nhiên là tôi phải nuôi luôn.

Tôi thường hay hỏi con trai về việc học: Con làm sao vượt qua được môn toán? Chồng của bà bảo trợ cho con dạy.

Bà bảo trợ gốc là người Anh và chồng là người Đức đều sinh nơi nầy. Cả hai không chịu có con nhưng đều rất giỏi và rất giàu. Bà ta có tên trong hội cứu giúp trẻ em hư hỏng, thấy thằng con tôi có hy vọng hoàn lương nên giúp làm cố vấn mọi vấn đề nào cần thì cứ hỏi và yêu cầu. nếu lo được giúp được thì bà ta và chồng sẽ giúp. Thấy nó bị trở ngại môn toán, mỗi chiều tan sở bà ta bắt ông chông người Đức phải lái xe vượt 50km về City để dạy kèm Toán cho nó. Dân xứ tư bản có nhiều người tốt ngoài sức tưởng tượng của tôi. Bốn năm rồi cũng qua mau. Tôi và vợ mang áo đẹp đi dự lễ coi thằng con du đãng lãnh bằng kỹ sư viết soft ware. Thằng con lên bục để lãnh bằng, ông bà bảo trợ nó múa tay hoan hô nồng nhiệt hơn cả vợ vhồng tôi.

Ra trường rồi còn phải tìm việc. Bà Bảo trợ thì nói: Lo cho mầy vào làm hãng xe Ford, Holden hay Toyota hay nhiều hãng khác mà tao quen biết là chuyện dễ dàng, nhưng làm thế sẽ có hại cho mầy về sau khi đi xin việc. Tao sẽ chuẩn bị cho mày cách đi phỏng vấn xin việc. Bà ta dẫn thằng con tôi đi mua quần áo Vest, thay vì loại hai ba trăm đô, bà ta chọn loại 700 hay $800 và bắt nó tự trả tiền.

Tao có thể cho mầy chục ngàn đô cũng được vì đối với tao là chuyện nhỏ nhưng tao sẽ huấn luyện cho mày không cậy nhờ ai hết mà tự mình lo lấy cho mình. Bà ta dạy nó cách trả lời, cách đi đứng mắt nhìn và cử chỉ lúc được phỏng vấn. Công việc của hãng nào nên xin nên nhận và cuối cùng bà bảo nhận một hãng lớn có tiếng nhưng lương thấp hơn. Bà giải thích khi làm với hãng nầy được kinh nghiệm đôi năm thì ra xin hãng khác người ta sẽ nhân ngay vì nhờ uy tín của hãng; mình làm được hãng đó thì bảo đãm mình phải có khả năng.

Từ đó thằng con tôi nge lờii bà bảo trợ hơn nghe tôi. Trong hãng cho người biệt phái ra ngoại quốc làm nó bàn luận với bà ta và quyết định rồi mới cho tôi hay. Tuy có buồn nhưng khả năng của mình có giới hạng. Thằng con và bạn gái sống với vợ chồng tôi nên 2 năm làm việc nó mua một cái nhà cho mướn, rồi 4 năm nó mua thêm cái nữa cho mướn. Tôi hỏi:

Nhà kia con còn mắc nợ khá nhiều làm sao ngân hàng cho vay để mua cái thứ hai?

Con nói con ở nhà ba má bao hết, con còn nguyên lương nên đủ điều kiện vay thêm.

À! Thì ra là vậy.

Con Trai lớn sắp dọn về nhà mới cất xong cái củ cho mướn.

Con gái vừa ra trường sang Singapore làm việc, mỗi tuần đều phone về hỏi thăm cha mẹ. Tuần nào gọi vào ngày thứ sáu là biết nó bay sang các nước lân cận đi chơi. Tôi bảo nó mua nhà cho mướn để có của sau nầy. Nó nói con không muốn nhưng ba má nói vậy thì con mua cho ba má vui. Nó bay về ký giấy mua rồi ký giấy ủy quyền cho tôi lo tất cả.

Sáu năm sau nó thông báo ba má qua cưới chồng cho con. Xứ người con đặt đâu cha mẹ phải ngồi đó. May là chồng nó cũng là người VN. Ngày đám cưới, nó tuyên bố sau đám cưới chúng con về sống gần ba má. Một năm sau vợ chồng nó dọn về ở tạm nhà tôi. Căn nhà cũ phá bỏ cất thành 3 căn Units 2 tầng. Hai căn cho mướn một căn để ở. Mua nhà cho ba má vui nay thành ba cái nhà lầu trên triệu bạc.

*

Đó, tôi sống như vậy.

Tôi ngày nào cũng phải đi bơi nhưng từ 1000 mét hay 800 mét rồi xuống còn 400 hay 500 mét; nay không còn chịu lạnh được nên phải đi bộ trong hồ bơi cạn nước ấm của các cụ già.

Tôi không trốn quân dịch; không chặt tay chân hủy hoại thân thể để trốn lính; Tôi không là lính ma lính kiểng; không đào ngũ; không bỏ vợ bỏ con. Nợ nước nợ nhà tôi đã tận sức mình. Nước mất chắc không chỉ là lỗi của mình tôi. Bỏ nước ra đi tôi nào muốn thế. Ba mươi mấy năm rồi chưa về thăm lại quê hương thì đâu có gì mà bị bất cứ ai khinh; nhưng các con không chào hỏi cha khi thấy ngoài đường nào phải lỗi tại tôi.

Xứ người khác biệt. Nhưng đâu phải Tây Mỹ thì không biết chào hỏi. Gặp người lạ, ông già á đông như tôi họ còn good morning đó thôi. Tại sao con cái không chịu chào mình hè? Chắc nay chúng đã thành người văn minh, chúng sợ xấu mặt vì có ông bố từng làm thuê, vác mướn và làm cu li nơi xứ người để nuôi chúng ăn học. Có phải vì vậy mà chúng không chào?

Tôi không biết. Anh Chị có biết không?

Trần Thiện Phi Hùng

Ý kiến bạn đọc
28/01/201808:31:26
Khách
xin cám ơn bài viết, cháu chắc nhỏ hơn xin được gọi chú. 2 con của cháu tuổi còn nhỏ hơn con của chú nhưng cháu cũng rất lo lắng về cách xử sự của chúng với cha mẹ và ông bà. Nhờ bài viết này cháu sẽ ráng làm sao để chỉnh sửa lại cách dạy con.
Chú nói về chuyện về hưu rồi đi bơi làm cháu cũng liên quan tới mình, cháu hay đi vô hồ bơi bơi và hay thấy mấy người 60 hay 70 tuổi Nam Hàn hay Việt Nam đi tới đi lui trong hồ bơi trong khi cháu cần chổ để bơi vòng vòng cho tiêu năng lực. Giờ thì cháu mới biết là người ta lớn tuổi nên đi trong nước hợp với thể lực hơn. Mong chú và vợ luôn vui khỏe và có cháu bồng để dạy cháu cách chào hỏi cho con cái nó giật mình tỉnh ngộ.
05/08/201503:10:25
Khách
Đọc mà muốn khóc..., chúc mừng tác giả. Có một câu chuyện thực tương tự chuyện của tác giả: http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/alan-phan-day-con-kho-hon-dieu-hanh-doanh-nghiep.html
Kính!
31/07/201519:48:55
Khách
Good morning,
The story has a happy ending: Your son turned back to the good way. Congratulation to you and to him.
Regarding about greeting : If your children did not greeting you, you say hello to them first and talk to them naturally. Don't think that they have to greeting you first. It will make a gap between you and the children. Wait until they have children and you see if their children also did not greeting them. It means that your children did not know how to greet. If their children know how to greet, it means that your children taught your grand children about how to greet.
Maybe when your children were young, you did not have enough time to teach them and to spend them with them so they did not get used to greeting you or other family members. It is sad but please try to be ignore it since you were very busy to work in order to bring money home to feed them and other family members.
Sorry to write in English since I don't have VN software. Thanks.
31/07/201516:52:21
Khách
Tôi sướng lắm vì độc thân, không con cái gì hết, cứ viêc hưởng thụ thôi.
30/07/201517:54:47
Khách
lay troi, con toi no con chao toi
30/07/201515:14:26
Khách
Anh có phước vì con cái làm lại từ đầu và thành công cũng là an ủi cho anh rồi , kiếp trước anh thiếu nó giờ anh đã trả xong rồi , bây giờ an hưởng tuổi già đi nha , BC
29/07/201505:45:48
Khách
Thế thì tụi nhỏ có chào hỏi bạn bè, đồng nghiêp, sếp của chúng không? Thôi thì mình chào hỏi tụi nhỏ trước vậy, cứ hỏi đứa nào đó, nhưng đừng dòm chúng. Nghỉ cũng tức cười, mỗi lần đến nhà tôi là con chó con 5 tháng tuổi chạy ào vô bếp lấy 2 chân trước húc tôi, vẩy đuôi mừng rở rồi chạy đi, kế đến là gia đình của con tôi, chủ con chó. Còn khi tôi đến nhà con tôi, nghe tiếng tôi là con chó chạy ra quíu quýt mừng rở. Một miếng hotdog tôi cho mỗi lần gập mà chú chó con tự biết phải làm gì, ai dạy chúng không biết.
28/07/201518:08:02
Khách
Ai đó nói :Không oán thù không thành quyến thuộc. Hai bên hết nợ lẫn nhau khi không còn sống chung.
28/07/201503:31:19
Khách
Mừng cho tác giả thằng con hư hỏng đã biết quay về đường ngay nẻo chánh.
27/07/201522:25:23
Khách
Tác giả ơi xin đừng buồn . Tác giả đã làm xong nghĩa vụ làm cha mẹ . Chào hòi là chuyện của chúng nó. Hôm nào ngồi lại cùng nhau , nói chuyện với chúng và thử yêu cầu chúng chào hỏi cha mẹ xem sao . Được thì OK , không được thì thôi . Đừng buồn . Tôi nói với tác gỉa thì hay lắm . Con gái Út chưa gia đình , ở với chúng tôi , cô ta cũng đi không thưa, về không trình . Thấy chúng tôi ,hôm nào chạm mặt thì cúi đầu ậm ự , ra vẻ như là chào đấy . !!!!!
Cô ta ngoài 40 tuổi rồi . Cây cứng quá , uốn nắn sao được nữa . Chúng tôi cũng appy nhà già và sắp sửa dọn ra đi cho khuất mắt . Cô ta cũng khuất mắt tôi và thừa hưởng căn nhà . Còn tôi cũng khuất mắt cho khỏi lắm tủi hờn . Mà nói nghe chơi. Chúng tôi cũng trơ mặt rồi . Chả có âu sầu làm gì . Mà nói cho tác giả biết nha, tôi không phải nhà quê xắn váy quai cồng . ....Tiếng Mỹ đọc nói , xem chuyện Mỹ làu thông . Thế mà chả biết sao vậy ? Tại nghiệp của tôi có cung Tử túc Phá quân ấy mà . An ủi nhau, bốt buồn nhá .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,701,610
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến