Hôm nay,  

Cô Bò Và Mẹ

10/05/201500:00:00(Xem: 12682)
Tác giả: Phương Hoa
Bài số 3510-16-29910vb8051015

Chủ Nhật 10 tháng 5 là Mothers Day, Ngày của Mẹ. Mời đọc một chuyện kể đặc biệt của Phương Hoa. Tác giả hiện là một bà giáo dạy trẻ tại Marrysville, thành phố nhỏ cổ xưa nhất của Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Viện Bảo Táng Của Những Người Lính Bị Bỏ Quên" tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014.

* * *

Viết tặng một bà mẹ đồng hương nhân ngày Mothers Day

Bobbie là một người rất đặc biệt, rất tuyệt vời. Mày đến gặp sẽ biết, không phải ai cô ấy cũng nhận làm tóc cho đâu. Shara nói với Hạnh. Thường thì Hạnh không thích làm tóc ở tiệm Mỹ. Đến tiệm Việt Nam quen có thể tán dóc chuyện trên trời dưới đất với mấy cô thợ cũng là một cách thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng lần này vì hai đứa có hẹn đi dự tiệc Mothers Day sớm một tuần, tại nhà mẹ Shara trước khi bà du lịch sang Anh, nên con bạn Mỹ làm chung hảng nhất quyết book hẹn với Bobbie và lôi Hạnh đi cho bằng được.

Hạnh miễn cưỡng theo Shara đến tiệm Precision. Các cô thợ Mỹ nhao nhao chào hỏi Shara và mời hai người ngồi rồi gọi với ra sau:

- Bobbie! Khách của chị đã tới.

- Tôi biết rồi, làm ơn nói họ chờ tôi chút xíu! Một giọng Mỹ thanh tao đáp lại từ phía sau.

Hạnh vừa cầm lấy tờ tạp chí định mở ra xem thì nghe tiếng giày lộp cộp trên sàn nhà. Từ xa, một cô bé khoảng bảy, tám tuổi, người tròn trịa mủn mỉm, mặc áo choàng trắng bước ra. Cô bé người Việt mặt mũi xinh xắn, mái tóc đen nhánh xỏa dài ngang lưng, xâu chìa khóa đeo trước ngực đong đưa theo từng bước chân cô vội vã. Cô đi thẳng lại với nụ cười rạng rỡ, và Hạnh giật mình khi đọc thấy bản tên đeo trên ngực cô bé có chữ “Manager”. Nhìn kỹ lại Hạnh thấy Bobbie mang một khuôn mặt già dặn của người lớn. Thật ngạc nhiên, cô gái tí hon này lại là một manager trong cái tiệm tóc Mỹ đồ sộ.

Bobbie chào Shara với vẻ vui mừng. Shara chồm tới ôm lấy Bobbie vỗ vỗ vào lưng như cô giáo đối với đứa học trò nhỏ. Khi Shara đứng lên, Hạnh thấy Bobbie còn thấp hơn thắt lưng cô bạn. Sau giây phút bàng hoàng, Hạnh cũng vội vã đứng lên. Hèn gì trước khi đi Shara nói rồi chị sẽ thấy. Chiều cao của Bobbie giống những người đoạt kỷ lục Guinness lùn nhất thế giới. Không hiểu sao người ta lại chẳng khám phá ra cô ấy và đưa vào danh sách kỷ lục Guinness nhỉ.

Hạnh nhường cho Shara làm tóc trước. Bobbie đưa Shara đến chiếc ghế cuối cùng trong dãy ghế tóc bên phải. Chiếc ghế được thiết kế dành riêng cho Bobbie, chẳng những đã được hạ xuống rất thấp, mà còn có một cái bục cong vòng nguyệt xây bọc xung quanh để cho Bobbie đứng.

Cô thợ tí hon mời Shara ngồi trên ghế, rồi cô bước lên bục. Đôi giày đen gót bằng, cao cỡ một tấc, lộ ra khi Bobbie nhất chân lên, cho thấy chiều cao thật sự của cô còn thấp hơn nữa. Bằng những động tác nhanh nhẹn và chuyên nghiệp, Bobbie thoăn thoắt dùng lược và kéo trên mái tóc của Shara, trong khi Hạnh đứng tròn mắt nhìn.

Vừa cắt tóc, Bobbie vừa trò chuyện với Hạnh. Hai người dùng tiếng Anh để người bạn

Mỹ khỏi có cái cảm giác lạc lỏng. Nhưng khi nghe Hạnh nói tên thành phố ngày xưa

nàng sống, Bobbie vụt reo lên bằng tiếng Việt:

- Ồ! Vậy sao? Quê em cũng ở gần Nha Trang đấy! Nhà em ở trong một xóm chài gần

biển. Ngày xưa mẹ em thường chở cá khô đi Nha Trang bán. Không chừng chị cũng đã từng ăn cá khô nhà em phơi.

Nhận ra đồng hương, hai người mừng quính. Tiếng Việt bắt đầu rôm rả. May mà chiếc ghế ở cuối phòng, nên cũng không phiền ai trong tiệm. Shara cười thông cảm. Tao đã nói rồi mà.

- Em đến Mỹ bằng diện gì? Hạnh hỏi.

- “Ô đi ghe” chị ơi! Ghe của ông Sáu S. ở thôn… Chuyến đi của em khiếp lắm! Em đã bị mọi người chen lấn rớt xuống nước, sém chút nữa thì tiêu rồi. Nếu tối hôm ấy mẹ em không đi theo đưa em lên ghe dợi có lẽ em đã vào bụng cá rồi, đâu còn đứng đây cắt tóc.

Hạnh chợt sững sờ:

- Có phải là chuyến ghe của ông Sáu S. đi tháng Bảy, được tàu buôn vớt gửi vào Hồng Kông không?

- Đúng rồi! Bobbie reo lên. – Làm sao chị biết?

- Gượm đã! Hạnh chận Bobbie lại. – Em nói em đã bị rơi xuống nước và mẹ em đi theo đưa em lên ghe? Có phải em là cô bé… Hạnh chợt ngừng lại.

- Chị đã từng có mặt trên chuyến ghe ấy và biết em? Bobbie cũng kêu lên. – Nếu vậy thì chị cứ nói đại ra em là cô bé đã bị liệt đó! Em là bé Bò trong chuyến đi ấy nè!

- Trời ơi! Bé Bò!

Hạnh kêu lên rồi ngồi im, xúc động đến nghẹn lời.

Cảnh cũ vượt biển đã mấy chục năm bỗng chốc ào ạt hiện về như thác lũ.

*

Tối hôm ấy mọi người từ chỗ núp lội ra chen lấn trèo lên ghe dợi. Ai cũng vội vã tranh nhau lên trước vì nếu bị lộ thì ghe sẽ bỏ chạy. Nhờ biết chút đỉnh TaeKwonDo, Hạnh nhẹ nhàng đu mình lên ghe rất sớm. Nhưng chiếc ba lô nhỏ đựng cơm nếp sấy và mì tôm bẻ nhỏ trên lưng Hạnh bị tuột xuống nước, trôi dập dềnh dưới ánh sáng lờ mờ của mảnh trăng non đầu tháng. Nàng không dám cúi xuống vớt lên. Trong lúc hỗn độn, Hạnh nghe có tiếng vật gì bên cạnh rơi tõm xuống nước và tiếng một người đàn bà thét lên. Trời ơi! Con tôi! Bò ơi Bò. Câm họng lại. Tiếng ai đó quát khẽ. Bộ muốn chết cả lũ hả. Hạnh bám chặt thành ghe quên mất sự hiểm nguy, căng mắt nhìn người đàn bà hụp xuống nước mò mẫm và rồi đẩy lên ghe một đứa bé ướt nhèm nhẹp. Có bàn tay ai chụp lấy đứa trẻ lôi vào. Chị có muốn đi thì lên luôn đi, họ sẽ không biết đâu. Người đó thì thầm. Không được. Tôi phải về để còn lo cho mấy đứa nhỏ. Má về nghe Bò. Tiếng thì thầm lẫn sụt sịt của người đàn bà có lẽ chỉ còn mỗi mình Hạnh nghe thấy.

...

Chắc là phải liệng nó xuống biển thôi. Tiếng người lao xao. Nó sắp chết rồi mà, còn chia nước làm chi nữa. Dù chưa chết cũng làm sao sống nổi trong vài giờ tới.

Tàu bọn họ đi đã hơn mười ngày, chống chọi với nhiều cơn bão, lúc này máy lại hư không hoạt động nên họ đành phải để mặc cho tàu trôi lênh đênh trên biển. Mấy người làm ơn đi. Không thấy con bé rất đáng thương sao. Có tiếng nói mệt nhọc cất lên sau tiếng nôn ọe từ phía cuối tàu. Nó tàn tật, mẹ nó rất nghèo cũng ráng bán vố cố bành cho nó đi mà. Nó đâu có đi lậu. Hạnh dù khát khô cổ họng cũng ráng sức bò đến cạnh con bé đang thoi thóp. Nó chỉ nhỏ như con mèo nằm khoanh. Tóc xác xơ rũ rượi, đôi chân nó teo tóp quắp lại như hai que củi. Hạnh nâng đầu nó lên và đổ vào đôi môi nứt nẻ một chút nước. Nó dần dần hồi tỉnh.

Cuối cùng thì chiếc ghe bị nạn cũng may mắn gặp một tàu buôn cứu, sau hơn mười ba ngày lênh đênh vật vờ trên biển. Con bé Bò khi ấy nằm bất động như đã chết trên tay một thủy thủ khi người này giúp đưa nó lên tàu lớn. Người quen đi với bé Bò khóc lóc. Mẹ bé Bò đã gửi gắm nó cho tôi, nhưng tôi say sóng quá không giúp gì được cho nó.


Không ngờ đứa bé bại liệt đã có một sức sống rất mãnh liệt. Nó đã hồi tỉnh trong phòng cấp cứu của chiếc tàu buôn. Mấy tháng ở trại tỵ nạn Hồng Kông chờ đi định cư, bé Bò di chuyển khắp nơi bằng đôi tay, chống hai tay lên rồi trườn tới bằng đầu gối, kéo theo đôi chân không còn hoạt động. Vậy mà… Đây quả thật là một kỳ tích.

- Chị ngồi lên ghế đi. Hạnh chợt giật mình khi Bobbie lên tiếng. Và Bobbie bắt đầu làm việc, miệng huyên thuyên. Em nhớ ra rồi. Chị Hạnh là người đã cho em uống nước khi ở trên ghe. Khi người ta kêu liệng em xuống biển vì nghĩ em đã chết. Nếu không có chị ngày ấy, em ra sao nhỉ. Boobie bỗng cười khẽ, giọng cười như khàn đục, nghèn nghẹn trong cổ họng. Mẹ em sẽ như thế nào khi biết tin em chết. Mà mẹ em cũng suýt chết đó chị ơi. Mẹ vừa mới bớt bệnh, chứng bệnh thương hàn. Tối hôm ấy mẹ đưa em ra ghe, dù người quen đã nhận lời giúp đỡ, mẹ vẫn không an tâm nên lén đi theo núp trong bụi rậm để bồng em lên ghe. Em lại bị rớt xuống nước làm mẹ phải lặn xuống cứu. Về nha, mẹ trở bệnh nặng sém chút nữa là đi theo ông bà rồi.

Hạnh nhớ về người quen mà Bobbie nói. Những ai từng ở chung group trong trại tỵ nạn Hồng Kông với Hạnh đều biết chuyện bé Bò đã từng bò đi khắp nơi để làm “chim xanh” đưa thư hò hẹn và làm cầu nối nhắn tin cho một cặp tình nhân trong làng chài. Do đó mà khi có mối vượt biên, họ lén cho mẹ bé Bò biết. Nhưng nhà Bò nghèo quá, cha mất tích khi đi đánh cá ngoài biển khơi, để lại cho bà mẹ một nách bốn đứa con thơ. Bé Bò là con đầu nhưng bị bệnh bại liệt khi còn rất nhỏ. Năm đó bé Bò lên mười. Mẹ Bò vì muốn con thoát khỏi cảnh bệnh tật nên đã bán hết vật dụng trong nhà và vay mượn để có đủ số vàng mà người chủ ghe đã cảm thông lấy chỉ bằng một nửa người khác.

Em thương mẹ vô cùng chị ơi! Bobbie tiếp tục kể. Qua Mỹ em được giúp đỡ chữa cho lành bệnh. Chân em đi đứng bình thường sau nhiều cuộc giải phẫu. Người ta cấp cho em tiền tàn tật. Nhưng mấy trăm bạc thì đủ thiếu gì đâu chị. Làm sao em giúp mẹ thoát cảnh nghèo đói và nuôi các em của em ăn học. Em đi học tiếp và rồi ra trường thì xin đi làm.

Đàng trước tiệm bỗng có việc cần giải quyết. Người ta gọi Bobbie khi cô vừa làm xong tóc cho Hạnh. Cuộc trò chuyện phải tạm ngừng. Bobbie đưa cho Hạnh số điện thoại riêng. Chị em mình sẽ nói chuyện sau chị nhé.

*

Hạnh về nhà rồi bận lu bu nên chưa kịp gọi cho Bobbie. Chiều thứ Bảy tuần sau, một ngày trước ngày Mothers Day, Hạnh đi San Jose mua quà cho mẹ. Dạo qua khu Little Sài Gòn, Hạnh thích thú ngắm những lá phướng có hình Cờ Vàng Quốc Gia mà cộng đồng Việt Nam ở đây đã phải vất vả chiến đấu một thời gian dài mới có được. Khu mua sắm hôm nay thật nhộn nhịp. Quà bánh, nhất là các loại hoa được bày bán khắp nơi. Hạnh vào trong một tiệm tạp hóa chọn cho mẹ chiếc khăn choàng cổ mỏng dành cho mùa hè để bà mang khi ra biển. Vừa ra khỏi tiệm Hạnh gặp một gia đình có rất nhiều con nít.

Người đàn ông ốm mà thật cao, đang đẩy chiếc xe trên có em bé tay ôm bình sữa. Đàng trước xe đẩy là một bé trai khoảng chừng năm tuổi nhảy loi choi với chiếc còi trên miệng thổi “toe toe” inh ỏi như đang dẹp đường. Bên cạnh người cha còn hai đứa nữa, tổng cộng là bốn đứa nhỏ, chiều cao chênh lệch nhau chẳng bao nhiêu, có lẽ chúng được sinh năm một. Hạnh mỉm cười một mình. Cái kiểu xe đẩy “một cha bốn con” như thế này, chắc chắn là gia đình Mễ rồi.

Nhưng không. Hạnh nhìn kỹ lại bọn họ và không cầm được tiếng reo thích thú:

- Trời đất! Là em hả Bò? Hạnh mừng quá nên quên mất cái tên Mỹ của Bò.

“Đứa nhỏ” cao nhất trong bốn đứa nhỏ, đứng chưa tới thắt lưng của người đàn ông, là cô Bobbie manager đã làm cho tóc Hạnh hôm tuần trước.

- Là chị sao! Bobbie chẳng những không phiền mà còn vui mừng chạy lại bên Hạnh. –Giới thiệu với chị, đây là Thành ông xã của em. Còn ba nhóc này, thằng anh và hai bé gái, là con tụi em đó. Bữa trước vì em bận nên không kịp kể hết chuyện cho chị nghe.

Hạnh rảo mắt nhìn ba đứa bé con của Bò. Thú vị thật. Bọn trẻ trông rất bình thường dù có người mẹ khuyết tật.

Thành nghe vợ giới thiệu đồng hương thì gợi ý mọi người ghé vào tiệm café gần đó để trò chuyện. Thì ra Bò đã bảo lãnh mẹ và các anh chị em sang Mỹ định cư, cả nhà đoàn tụ. Mẹ cô Bò hiện ở chung với vợ chồng cô, giúp trông bầy cháu ngoại khi cô đi làm. Hôm nay bọn họ đưa bầy trẻ đi mua quà Mothers Day cho bà ngoại. Hai người có một gia đình và cuộc sống rất hạnh phúc. Bobbie thì đi làm tóc, còn Thành đang làm công việc xây dựng, là tổ trưởng cho một công ty xây dựng của người Việt ở vùng Cali.

Sau này Hạnh mới biết, chuyện Bò kết hôn với Thành cũng là một chuyện tình rất ly kỳ và hi hữu.

Thành sinh ra trong một gia đình Bắc 54 vượt biển sang Mỹ sau năm 75, trước đó anh sống ở tiểu bang lạnh giá Ohio, là một kỹ sư xây dựng. Khi anh thất nghiệp cũng là lúc vợ mang con bỏ đi biền biệt. Anh buồn đời lao vào nhậu nhẹt, hút xách và bị án tù. Mãn hạn tù anh lang thang đây đó, và thường vào thư viện mượn máy vi tính để tìm chỗ dọn đi. Từ mục Kết Bạn Bốn Phương anh gặp Bobbie. Anh không có tiền nên Bobbie phải mua vé máy bay cho anh qua Cali thăm cô bạn nhỏ. Và họ đã yêu nhau, không ngại chuyện “thấp cao”. Nhưng họ bị gia đình Thành phản đối vì sự khiếm khuyết của Bobbie. Cuối cùng anh đã cưỡng lại ý gia đình để chọn Bobbie, và dọn qua Cali vùng nắng ấm.

Hạnh đi San Jose và ghé thăm nhà Bobbie trong một ngày nghỉ lễ. Mẹ cô Bò đã làm thật nhiều thức ăn để đãi Hạnh. Đặc biệt là món bún sứa khô chả cá, đặc sản miền biển của vùng Nha Trang Khánh Hòa.

Trong buổi tiếp đón người đồng hương, mẹ cô Bò mặc chiếc áo đầm hoa mai màu xanh nhạt. Tướng người bà hơi phốp pháp, phúc hậu. Dù trong trang phục “Bà Đầm hái nho”, bà nhìn rất sang trọng. Không ai có thể ngờ được trước đây bà là vợ dân chài, là người đàn bà của biển, từng gánh cá khô đi bán khắp nơi trong tỉnh Khánh Hòa. Nhớ đến cái đêm bà bất kể hiểm nguy, lặn xuống nước để vớt bé Bò đưa lên ghe, Hạnh cảm thấy bà chẳng những có tấm lòng thương con vô bờ bến, mà bà còn rất là anh hùng. Bà đã can đảm rứt ruột để đưa đứa con tàn tật ra khơi dù không biết tương lai sẽ ra sao. Và nhờ nơi bé Bò đến là nước Mỹ văn minh tử tế, quyết định của bà mẹ đã đổi đời cho cả gia đình bà. Tấm lòng thương con vô bờ bến của bà mẹ đã được đền đáp.

Mothers Day năm nay, xin trân trọng ghi lại câu chuyện về tấm lòng người mẹ.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
22/05/201511:00:29
Khách
Thưa ông Sao Nam Trần Ngọc Bình,
Thật là thú vị, tôi cũng đã đọc thật nhiều tác giả trên VBVVNM nhưng lại không biết có một tác trùng tên với mình. Không biết ông có thể nào làm ơn cho tôi biết thêm chi tiết, thí dụ như một bài viết điển hình nào đó của tác giả Phương Hoa "kia" mà ông nói lhông? Tôi thật lòng muốn đọc thử bài của tác giả có bút hiệu giống mình. Chỉ là tò mò muốn biết vậy thôi, chứ bút hiệu này tôi đã dùng từ thời học sinh dù chỉ "lưu hành" trong giới bạn bè và gia đình, nên tôi cũng sẽ giữ nó dù nếu tôi biết có ai đó cùng bút hiệu trên Việt Báo.
Cám ơn ông truớc và chúc ông khỏe.
Phương Hoa
20/05/201520:04:00
Khách
Chào Bà
Cám ơn Bà đã trả lời. Hình như trên VB cũng có một PH khác trùng bút hiệu với Bà.Chúc Bà và gia đình sức khỏe.
Trân trọng
14/05/201522:56:56
Khách
Thưa ông nhà văn Sao Nam Trần Ngọc Bình,
Cám ơn ông đã đọc bài và cho câu hỏi. Ông thắc mắc cũng đúng. "Ghe dợi" tức là "ghe dời" là tiếng dân miền biển gọi những ghe nhỏ, hay "thúng dợi", khi họ chuyển, hay chuyền, người và vật dụng từ bờ ra ghe lớn đậu chỗ nước sâu để không phải lội ra.
Chúc ông luôn khỏe.
Phương Hoa
13/05/201523:33:42
Khách
Cám ơn quý độc giả
Nam Lê
Vân Hòa
DũngLiên
Cám ơn những lời chúc lành của các bạn...
PH
13/05/201521:49:21
Khách
Chào Bà
Xin Bà cho biết "ghe dợi" là loại ghe gì? Có lẽ đây là tiếng địa phương nên tôi không biết
11/05/201506:40:27
Khách
Bị cuốn hút vào câu chuyện mà muốn rơi nước mắt, đã đọc nhiều bài viết của tác giả Phương Hoa, càng về sau bài viết càng chuẩn mực, lôi cuốn ,khâm phục ý chí, nghị lực và sự tài hoa của tác giả để đem lại rất nhiều trãi nghiệm của cuộc sống cho các thế hệ sau... rất cám ơn và xin chúc các bà mẹ luôn có được nhiều niềm vui trong cuộc sống
11/05/201500:43:09
Khách
Lại thêm một câu chuyện cảm động nữa của chị làm tôi rơi nước mắt bởi tình mẫu tử thiêng liêng.Chúc chị thật nhiều sức khoẻ để góp nhặt những mảnh đời , những câu chuyện có thật giúp độc giả thưởng thức chị nhé!
10/05/201516:38:35
Khách
Chuyện rất hay và cảm động. Xin cám ơn tác giả. Xin chúc mừng ngày Hiền Mẫu (Mother's Day) đến tất cả các bà mẹ và gia đình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,216,151
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết thứ ba của bà được viết nhân khai trường, để Kính tặng các Thầy Cô cuả Trường SPSG; - Thân tặng các Anh Chị cựu Giáo-sinh SPSG; Và riêng tặng các bạn SPSG/ nhất 9 nhị 15/ K.12/73-75.
Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, đã nhận giải danh dự năm (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” (Á khôi) năm 2017. Tác giả về hưu từ lâu và đang định cư tại Orange County. Bài viết mới, thể hiện tâm tư và cách nhìn chủ quan của “một kẻ lưu vong bất đắc dĩ,” nói theo tác giả, và không có ý định tạo mâu thuẫn, tranh cãi với những người không cùng quan điểm.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình My, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tiếp tục viết bằng tiếng Việt và đây là bài thứ hai.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", tác giả đã nhận Giải Viết Văn Việt ngữ Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông bà có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, ngày 18 -12-2012 đã kể chuyện tình 40 năm hạnh phúc của Ông Bà Sáu. Năm 2018 đánh dấu 45 kết hôn của ông bà Tuyết - Steve Brown. Đúng thời điểm đặc biệt này, ngày 2 tháng 5 năm 2018, Bà Sáu Tuyết thình lình qua đời vì cơn bệnh bất ngờ. Bài viết của ông Sáu tưởng niệm “Cuộc Đời Của Tuyết” đã được phổ biến ngày 27/07/2018. Sau đây, là bài viết mới về LA họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến