Hôm nay,  

Chuyện Bà Kim Cư Xá Tôi

12/04/201500:00:00(Xem: 12293)
Tác giả: Đỗ Xuân Tê
Bài số 4507-16-29907vb8041215

Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California. Bài mới của tác giả là chuyện kể về cư xá sĩ quan Chí Hoà sau 30 tháng Tư.

* * *

Gọi bà Kim cho tiện vì cư xá tôi ai cũng biết bà, gọi tên thật có khi phiền phức cho người viết dù câu chuyện hư cấu và không ác ý.

Cư xá này vẫn là bối cảnh của một loạt chuyện tôi hay viết, mà cư dân của nó có đủ loại người, từ ông cộng sản nằm vùng sau 30 tháng Tư trở thành phó tổng biên tập của một tờ báo lớn đến ông tập kết ở rừng về sau là một hàng xóm sát cạnh căn hộ tôi; chuyện một người đàn bà chuyên đi tố người khác, thùng thư tố giác gửi cả hai nơi trước là cảnh sát bên tê sau là công an bên nớ; đến một ông trung tá có vợ bé sau giải phóng mới biết ông là người đeo lon giả, đi trình diện học tập cùng nhóm hạ sĩ quan, xong 7 ngày ông biến mất.

Cái đinh của cư xá này một thời là người ca sĩ nữ hoàng chân đất. Từ ngày cô dọn đi một nơi khác khang trang hơn sau khi chia tay với người chồng đại úy biệt kích, thì có hai người đàn bà mà dân cư xá chúng tôi ai cũng biết mặt biết tên.

Đó là một thiếu phụ trung niên đã qua thời xuân sắc, không chồng một con, có tiệm tạp hóa nhỏ nhưng không lo bán buôn lại luôn gây chuyện với hàng xóm nên chết tên với danh xưng Mụ Chó. Bà kia thân hình phổng phao nhưng trẻ hơn, có đôi mắt và nụ cười hễ liếc ông nào là ông đó chết chắc.

Tôi mới về cư xá này chưa đầy một năm thì Sài gòn tắt thở. Hai cô bé người làm ngay sáng mồng một (tháng Năm 1975) đã xin phép cô chú cho chúng con về …Củ Chi. Tiền công tính toán xong bà xã tôi cho cả tiền về xe. Tôi nhớ lúc ấy còn cẩn thận hỏi thêm, mấy năm ở với cô chú, mấy đứa có phiền gì không. Cô chị mau mắn, dạ không, chúng con đội ơn cô chú. Sau mới biết chẳng phải gia đình tôi mà đa phần “ô-sin” đều quê Long an Hậu nghĩa. Đám này biết cư xá sĩ quan ít xét sổ gia đình, vừa né được cảnh sát, vừa tránh được bom đạn lại có chút tiền nuôi gia đình. Chuyện theo dõi nằm vùng hình như không phải là việc của bọn họ.

Hơn tháng sau tôi đi “học tập”, lưu lạc ở ngoài Bắc suốt 12 năm, tròn một con giáp, chỉ khác khi đi là năm mèo trắng khi về thì đã mèo đen. Đến năm dê tôi ra hải ngoại và đến dê này vừa đúng 24 cái xuân…tha hương.

Trở lại chuyện cư xá, nhiều cái hay hay mà lắm cái cũng chướng chướng, nhưng vui là có nhiều nhân vật và chuyện lạ. Bà Kim lần này trong tầm ngắm của người viết truyện, xét về tính cách nhân vật mang nhiều kịch tính hơn.

Năm Sài gòn mất tên, bà Kim khoảng trên dưới 40, có khuôn mặt và dáng dấp của một mệnh phụ, dù chồng là một sĩ quan cấp tá hơn bà cả mười tuổi. Không biết ông làm ngành gì, nhưng bà chỉ ở nhà trông mấy đứa con, chơi hụi và lo việc nội trợ. Bà vốn dân Hà nội, gốc gia đình khá giả, sau 54 hai đứa em kẹt lại đều đi dạy (đại học) Bách khoa.

Có một giai thoại chính bà kể cho vợ tôi nghe, là sau 75 một cậu em mau mắn vào thăm chị mang theo một tấm ảnh Bác Hồ, tặng chị, tưởng chị treo trong nhà cho công an đỡ để ý. Bà Kim xách thẳng vào phòng tắm treo trên tấm gương đối diện bàn cầu, khiến thằng em tá hỏa. Bà viện lẽ, treo chỗ đó để mỗi ngày đều nhìn thấy Bác.

Thằng em vội vã dỡ xuống nhét vội vào ba-lô, có trách chị sao dại dột nhưng cái hay là họ không hề tranh cãi và hồn ai nấy giữ. Chắc nhờ đó mà cậu em hiểu thêm tính khí của chị mình và tâm trạng phụ nữ miền Nam vốn chẳng mặn mà với chế độ mới, nhất là những gia đình có chồng con đi tù nơi rừng sâu núi thẳm, có người thân vượt biên bỏ xác trên biển khơi.

Nói vậy không hẳn bà Kim thù ghét những người cộng sản. Dù chồng đi tù cải tạo, bà vẫn ham vui nhận đóng mấy vai phụ trong các loại phim thừa thắng xông lên cho truyền hình thành phố, do giới thiệu của một nam diễn viên khá nổi tiếng thời chế độ cũ. Chẳng hề diễn xuất nhưng nhờ dáng dấp và biết lột tả nét kiêu sa của mấy mệnh phụ thời Sài gòn vang bóng nên bà rất nhập vai vợ các ông lớn cỡ đại tá hoặc cố vấn, lại không cần lương, dù lương chết đói, mà có khi bà còn đãi ăn sáng cho mấy diễn viên cùng nhóm, chưa kể còn đi xa hơn mức tình cảm với vài diễn viên nam kém tuổi bà. Mấy chuyện này bà cũng chẳng cần dấu, chỉ xem như văn nghệ cho vui.

Dân cư xá khi thấy bà trong phim bộ nhiều kỳ dù chỉ là vai phụ, vẫn có người trách sao đi hợp tác với mấy chuyện phim nói xấu chế độ mình. Bà chẳng quan tâm lại còn đánh tiếng tụi nó bảo có lao động diễn xuất càng có thêm công điểm chồng bà mới sớm được về! Trước mắt so với mấy bà cùng cảnh, bà được miễn đi lao động thủy điện Trị an, đỡ vất vả dãi nắng dầm mưa. Lại nữa da bà trắng và mỏng bà rất sợ nắng, chẳng còn thuốc dưỡng da tự thân bà phải lo lấy, nhất dáng nhì da vốn là điểm mạnh của thân thể bà, muốn bắt mấy ông, bất kể ông quốc hay ông cộng, bà chỉ cần liếc mắt.

Cứ vậy rồi làm sao mà sống trong cảnh chồng đi tù các con còn nhỏ? Chuyện này khỏi lo. Việc nhà đã có đứa gái lớn quán xuyến. Việc làm ăn, bà rất giỏi xoay sở. Chỉ một năm sau bà đã có một việc làm tạm gọi là nghề, ngồi chầu rìa các sòng bài nhỏ hoạt động lén lút cuối tuần mấy chỗ bà quen trong cư xá Chí Hoà. Cư xá này trước của các ông lớn bên cộng hòa, giờ chuyển chủ lại là các ông bự bên quân quản.


Chẳng hiểu sao chế độ mới tiếng là tiêu diệt các tàn dư bài bạc đĩ điếm hút xách, nhưng sao vẫn có chỗ cho dân chơi bài, chủ nhà lấy xâu, người chơi yên tâm có bảo vệ. Công việc của bà Kim chỉ ngồi chầu rìa, mang theo ít tiền thủ sẵn. Ai thua nhẵn túi mà còn cay, bà cho vay tạm tiền tươi, phân lời cắt cổ. Tất nhiên phải có đồ cầm cố lót tay, vốn lời phải thanh toán trong ngày. Bà cũng rất sáng nước bài bạc, nhưng không hề chơi. Làm ăn kiểu này vừa có tiền chợ, lại đỡ nhàm chán khi ông xã xa nhà.

Bà hay khoe với chị em hàng xóm, tớ chẳng hề ăn vào vốn, số tớ là số ngồi mát ăn bát vàng, để xem tụi này nó có cải tạo được tớ không. Không ít người gai mắt khi nghe và nhìn bà. Hình như bà còn để dành đươc nhiều vàng lá, con cái không cho vượt biên nên chẳng bị lừa, chẳng có con trai nên khỏi lo lót tay để trốn nghĩa vụ.

Thời ấy, dù công an thường có khám nhà định kỳ, xét hộ khẩu các ngày lễ lớn hoặc “đột xuất” với các đối tượng có chồng đi cải tạo, thì cũng phải lé mắt khi thấy cái phòng ngủ của bà với đồ bài trí, mùi nước hoa, cái gương thật lớn và chiếc giường bà nằm. “Tàn dư Mỹ nguỵ” vẫn nguyên vẹn, không hề nhạt phai theo năm tháng. Công an cũng chẳng làm gì được bà khi bà có tên trong Hội nghệ sĩ yêu nước, có thẻ của hội điện ảnh thành phố, con cái không làm phiền hàng xóm, gia đình anh em ở Hà nội lại là đảng viên, chưa kể công an khu vực mỗi lần về Bắc bà đều mua hộ quà cho người thân và coi như khoản lót tay. Các chú công an khi xem bộ phim Ông Cố Vấn còn khen bà đóng hay và không ngại cho bà quá giang đến “địa điểm công tác” mỗi lần khó kiếm xích lô.

Tất nhiên cả ngàn người chưa chắc đã có một mẫu người như bà, nhưng trong xã hội không phải không co. Bất kể chế độ nào, tình tiền và những quyền lực của nó vẫn là thứ bốc mùi tự nhiên. Bà Kim phải nói là mẫu đàn bà khá độc đáo, khi viết về bà tôi cũng từng tự hỏi sao có người đàn bà chi lạ. Với con mắt nhạy cảm, hình như bà biết tôi cũng trong số đàn ông thích bà, nhưng không thể trong tầm liếc của bà vì bà rất thân với bà xã tôi. Dấu ai chứ với vợ tôi bà khai báo thành thật, làm như có chỗ để bà tâm sự hoặc trút những bực dọc từ đâu đưa đến.

Cũng may bà vốn ham vui, lạc quan bất kể tình huống, bên nào cũng chơi, nhà nào cũng ghé, có chút khoe khoang, ăn nói ít giữ ý (nếu là đàn ông chắc đã vào Phan Đăng Lưu), hay nói về tiền bạc. Khu xóm họp tổ mỗi đêm ư? Bà chửi chỉ làm khổ dân. Khi phải đi họp, bà nói xa xả toàn chuyện đóng phim. Thành tích lao động nghệ thuật mà. Riết rồi tổ trưởng phải lờ đi cho bà trốn họp.

Chỗ chị em thân bà hay nói chuyện tình, nhờ vậy tôi mới biết có ông diễn viên gạo cội kia mê bà như điếu đổ, 12 năm sau vẫn có người còn thấy dáng anh chàng này thập thò trên hành lang có căn hộ của bà. Chuyện tình gần như với bà là một nhu cầu. Bà lại sẵn ngón nghề sao đó, ai đã đến một lần nhớ đời. Nghe đồn hồi ông xã ở nhà bà vẫn công khai giao du, nhảy đầm, phô trương hết công suất sắc diện và thân thể của mình.

Ông xã của bà căn bản là một người đàn ông vừa hiền vừa lịch thiệp, họ sống với nhau có hai mặt con và một thằng con nuôi lai Pháp ông nhặt về hồi đi chiến dịch ở khu 5. Có giá thú hẳn hoi nhưng cuộc sống hình như được hiểu ngầm như một giao kèo. Họ tôn trọng nhau, nhưng không xen vào chuyện của nhau. Cách biệt tuổi tác có bất lợi cho ông nhưng bà lại lệ thuộc ông về nguồn thu nhập. Ấy vậy mà chẳng hề bỏ nhau, thậm chí gia đình bà ở ngoài Bắc vốn dòng nho giáo, nên thư từ qua lại lúc nào cũng khuyên bà đừng bỏ ông trong lúc đi tù. Thằng con nuôi đi diện con lai mỗi lần gửi quà từ Pháp, biết tính lẳng lơ của mẹ, nó chuyên viết câu thòng ở phía cuối thư, xin Dì đừng bỏ bố con.

Tôi vẫn thắc mắc chuyện này, khi ra hải ngoại có lần tôi gặp một ông bạn nghệ sĩ vốn nhiều kinh nghiệm, hỏi ông sao hai nhân vật kia, tính tình ngành nghề khác hẳn nhau, dù vá víu từ hồi di tản họ vẫn sống chẳng hề bỏ nhau, mà xem chừng còn hạnh phúc hơn nhiều cặp khác. Ông bạn hay làm thơ và viết lời cho nhiều bản nhạc không tên mỉm cười nói kiểu lững lờ, chúng nó sống với nhau như một…giao kèo, bền hơn cả giá thú, cứ thế hai bên tôn trọng nhau, việc ai nấy làm, nương nhau mà sống dễ hơn kiểu ghen tuông thương yêu cải lương như chú thường nghe.

Phục ông thầy kinh nghiệm. Hèn gì vợ chồng bà Kim không thể bỏ nhau. Khi ông đi tù về sớm hơn với bạn bè cùng cấp, do bảo lãnh của gia đình bên vơ, nhờ có vàng bà Kim lại lo cho ông vượt biên an toàn đến bến bờ tự do. Mấy năm sau vô quốc tịch ông bảo lãnh cho bà và hai con về sống ở một tiểu bang xa Cali, nơi ông làm trưởng toán bảo vệ cho một công ty khá lớn.

Ông có được job này cũng nhờ lý lịch cựu sĩ quan và đã tu nghiệp khóa an ninh tình báo 6 tháng ở Mỹ. Bà đòi về quận Cam nắng ấm, tiện cho bà về mặt ăn uống và ngôn ngữ. Ông bảo nắng có ấm, cuộc sống có vui, nhưng cũng có cái phức tạp của nó, ở tuổi ông tìm việc lại cũng khó, thôi lâu lâu sang ăn Tết với đồng hương xem diễn hành dưới Bolsa là vui rồi, chờ khi nào bình thường hoá sẽ để bà về thăm quê mỗi năm.

Bà xã tôi có lần liên lạc lại được biết họ vẫn sống hạnh phúc, hai con gái đã lấy chồng, một Việt một Mỹ đời sống ổn định, có điều lúc này ở tuổi về chiều bà Kim lại thiếu tôn trọng giao kèo hay tỏ ra ghen ngược với ông xã.

Đỗ Xuân Tê

bốn mươi năm nhìn lại

Ý kiến bạn đọc
21/08/201605:01:51
Khách
Tác giả viét bài nào cũng hay,nhưng khổ nổi lắm đọc giả quá khó khăn trong chữ nghĩa <<kiểm điểm>> từng chữ, <<đấu tố >>từng lời.Hy vọng tác giả vẫn tiếp tục trong sự nghiệp<<dzăng chương>>của mình hầu phục vụ những <<đọc thật>> dễ tánh.
13/04/201522:25:14
Khách
Xin t/g đóng ngoặc giùm chữ sau giải phóng, được không? Tui rất dị ứng nhóm chữ giải phóng và căn hộ thay vì căn nhà hay căn chung cư.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,653,807
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến