Hôm nay,  

Một Thời Trai Trẻ

27/03/201500:00:00(Xem: 15343)

Tác giả: Nguyễn Văn
Bài số 3497-16-29897vb6032715

Với cách viết tinh tế, Nguyễn Văn đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2012. Ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Bài viết sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Ất Mùi 2015.

* * *

Câu chuyện bắt đầu từ lúc tôi lái xe lạc sang vùng đất hẻo lánh thuộc tiểu bang Indiana. Tôi không hiểu bằng cách nào mình có mặt ở nơi heo hút và buồn tẻ đó. Chúng tôi đang dừng chân trên con đường chạy xuyên qua cánh đồng trồng bắp. Không một bảng chỉ đường hay dấu hiệu nào cho thấy sắp đến một thị trấn hay khu vực dùng để nghỉ chân qua đêm. Điều ấy cũng có nghĩa sẽ chẳng có một trạm xăng nào. Hai bên đường là những ruộng bắp, thân cao vượt đầu người, trải dài đến bạt ngàn trong đêm tối. Nhìn đồng hồ xe, tôi biết mình đã lái gần một trăm dặm đường. Lúc ấy tôi bị say. Có trời mới biết được kẻ say sẽ làm chuyện điên rồ gì.

Đồng hồ đang chỉ một giờ hai mươi phút sáng. Yvette vẫn còn nằm trên ghế và chìm sâu vào giấc ngủ. Tôi mở cửa, đứng dựa lưng vào thành xe và đốt một điếu thuốc. Tôi sẽ vẫy tay với bất cứ chiếc xe đầu tiên nào chạy qua trước mặt. Chẳng thấy gì ngoài tiếng gió thổi xào xạc từng hồi qua cánh đồng bắp. Con đường nằm im lìm như đang ngủ say trong bóng đêm. Sương giăng bảng lảng. Mảnh trăng non đầu tháng hắt xuống cảnh vật thứ ánh sáng vàng úa, ma quái. Vài vì sao lạnh lẽo nhấp nháy giữa khoảng không hun hút, hệt những ánh mắt quỷ mang điềm gở. Tôi thấy mình như đang lạc vào thế giới khác, không có thực. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng khiến tôi rùng mình.

Đêm ấy tôi đưa Yvette đi nghe một ban nhạc rock trình diễn miễn phí ở công viên gần trung tâm thành phố. Những chương trình như thế thường diễn ra suốt mùa hè. Có cả ảo thuật và xiếc. Đến tiết mục người ta cho những con khỉ nhảy qua các vòng lửa, con khỉ đầu đàn tự nhiên trở chứng không chịu diễn. Tay điều khiển làm đủ thứ trò, hết vuốt ve đến dọa dẫm, nhưng con khỉ cứ nhất định ngồi một chỗ và nhe răng cười. Trong cơn điên tiết, gã diễn viên dùng chiếc roi nhằm mình con vật phang tới tấp. Cả đàn khỉ chạy nhốn nháo trên sân khấu. Con khỉ bị đánh thét lên một cách đau đớn rồi ngã quay lơ xuống sàn. Khán giả phía dưới la ó, phản đối ầm ĩ. Yvette kéo tay tôi bỏ về. Nghe nói, gã diễn viên bị cảnh sát bắt sau đó. Đêm ấy tôi nốc hết một vại bia lớn, loại không có chất cồn. Tay chủ quầy giải khát bảo thứ thức uống đó chẳng khác nào nước lã, uống bao nhiêu cũng không say. Đúng là lũ móc túi bẩn thỉu!

Yvette muốn đến phố Tàu tìm chút gì đó nhấm nháp trước khi ngủ. Lúc ấy gần mười giờ tối. Yvette không phải loại người thích việc bếp núc nên chúng tôi thường xuyên ăn ở bên ngoài. Đến bây giờ, tôi cũng không rõ Yvette thuộc dân xứ nào nữa. Nàng kể ông nội là người Italy, trong khi bà nội đến từ Puerto Rico. Mẹ nàng lại là dân lai Nhật gốc Hawaii. Tôi nghĩ nàng cố tình làm bí ẩn lý lịch bản thân. Nhưng thật ra chuyện đó chẳng làm tôi bận tâm. Ở xứ này có hàng đống người không biết gốc gác của mình. Dạo đó chúng tôi còn ở college. Tôi quen Yvette khi cả hai học chung lớp sinh vật.

Chúng tôi dông xuống phố trên chiếc Honda Accord đời 1985. Tôi mua nó trên mục rao vặt ở tờ Chicago Tribune, giá bảy trăm. Vào thời điểm ấy, tuổi thọ của chiếc xe cũng đã hơn mười năm rồi. Tay chủ trước cứ nhất định là máy xe còn tốt, có thể chạy được đến ngày tận thế! Đường đến phố Tàu chừng mười lăm dặm. Đêm mùa hè mát mẻ khiến chúng tôi không muốn chui về lại căn hộ chật chội của mình. Yvette nghe đi nghe lại bản "Oh my love" của John Lennon từ chiếc CD cũ trong xe và rống theo khiến tôi nghe đến phát chán. Cái giọng kim the thé của nàng, ngay đến cả những nhạc sĩ luyện thanh tài ba nhất cũng phải chào thua. Nó không nằm trong bất cứ quãng nào của bảy nốt nhạc. Trong cơn cao hứng, Yvette còn nói nàng muốn tham dự một cuộc tuyển chọn người mẫu vào đầu tuần tới. Yvette bảo nghề đó kiếm được khá nhiều tiền. Chẳng mấy chốc nàng sẽ xuất hiện trên tivi. Tôi chưa từng thấy ai cao khoảng một mét năm như nàng đủ can đảm sải chân trên sàn catwalk. Nhưng tôi không nói ra điều tôi nghĩ. Ý tưởng điên rồ của Yvette khiến tôi bực bội.

Yvette và tôi thuê phòng sống chung được sáu tháng, nhưng gây gổ với nhau không biết bao nhiêu lần. Có lẽ do cả hai trái tính trái nết. Tôi thích sự đơn giản. Yvette lại ưa vẻ cầu kỳ. Bữa tối nào không có hoa và đèn cầy, nàng cảm thấy ăn không ngon miệng. Yvette muốn cuộc sống phải náo nhiệt. Lúc nào nàng cũng cảm thấy bứt rứt và muốn làm một điều gì đó lớn lao. Yvette muốn tôi hiểu, cái đầu của nàng không chỉ biết mỗi việc mọc tóc! Ở đời, ai chả thích được nổi tiếng. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi biết thân biết phận của mình. Trong khi tôi đang bận bịu với công việc làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống thì Yvette suốt ngày dán mắt vào các tạp chí thời trang. Tiền bạc đã có mẹ nàng chu cấp mỗi tháng. Nàng chưa bao giờ bận tâm đến việc chi tiêu, và sẵn sàng lao vào các các bữa tiệc thâu đêm suốt sáng. Thường thì Yvette đến các bữa tiệc một mình. Những lúc không có nàng bên cạnh, tôi thích nằm cuộn mình trên giường và đọc sách. Đó là những giây phút tôi tìm thấy được sự yên ổn. Có lần Yvette khiến tôi giận tím mặt, khi bảo nếu suốt ngày cứ thọc mũi vào mấy quyển sách, chẳng chóng thì chầy tôi sẽ trở thành kẻ gàn dở. Chữ nghĩa nó có ma đấy. Nó làm cho cuộc đời con người ta tan nát ra. Tôi cảm thấy mình đang bị xúc phạm ghê gớm.

Phố xá đêm ấy đông nghẹt xe cộ và khách bộ hành. Mặt mũi Yvette trông phờ phạc hẳn. Nàng ngồi ngả lưng vào thành ghế, mắt khép hờ, trong khi tôi tìm cách rẽ xe sang đường cao tốc. Một lúc sau, tôi nghe Yvette cất tiếng ngáy nhè nhẹ. Đôi má nàng hồng lên trong giấc ngủ. Bộ ngực căng đầy không ngừng phập phồng sau làn áo. Đôi môi mở hé ra, mời gọi. Tôi biết có hàng tá thanh niên sẵn lòng xếp hàng để được ngắm Yvette ngủ như thế mỗi tối. Nhưng tư thế nằm của nàng lúc ấy khiến tôi cảm thấy lộn ruột. Tới một lối rẽ, thay vì hướng về phía bên phải, tôi cho xe chạy theo chiều ngược lại. Khi biết mình đã nhầm, tôi tìm cách quay đầu, nhưng càng lúc tôi càng mất phương hướng. Tôi cứ nhấn ga như kẻ đang phát rồ cho đến khi chiếc xe hết xăng, nằm chết cứng như một đống sắt bên đường.

Yvette bỗng thức giấc, ngồi nhìn tôi qua khung kính xe. Nàng cười đến rũ người khi biết tôi đang lạc đường và xe hết nhẵn xăng. Yvette có vẻ đang bị kích thích bỡi dòng máu phiêu lưu trong người. Tôi nhìn thấy thứ ánh sáng man dại bùng lên trong mắt nàng. Nó giống một thứ lửa cuồng nhiệt, sẵn sàng thiêu đốt đến tận cùng nỗi đam mê trong từng thớ thịt. Trong mắt tôi lúc ấy, Yvette hiện lên như một con người xa lạ, một thứ thực thể không dễ dàng nắm bắt, rất nhanh vượt qua sự kiểm soát để tiến vào lằn ranh của sự nổi loạn. Nàng không còn vẻ dịu dàng của cô nữ sinh ngồi đọc sách giữa khung cảnh tĩnh mịch nơi thư viện lúc chúng tôi bắt đầu quen nhau. Vậy mà tôi đã từng có ý định muốn cưới nàng làm vợ. Ý nghĩ này khiến tôi hoảng hốt.

"Chẳng có ma nào chạy xe qua đây giờ này đâu. Chắc phải chờ đến trời sáng thôi. " Yvette nói cau có phía sau lớp kính cửa để mở.

Lúc tôi đang có ý định bỏ cuộc thì chợt phát hiện ánh đèn. Một chiếc xe bán tải lù lù phóng tới. Yvette lao ra khỏi chỗ ngồi và vẫy tay như kẻ điên. Chiếc xe giảm tốc và dừng hẳn lại cách chỗ chúng tôi đứng một quãng ngắn. Một gã tóc xoăn, mặt mũi đỏ gay bước ra từ buồng lái. Gã trạc hăm bốn, hăm lăm tuổi, thân hình gầy gò trong chiếc áo thun trắng và cái quần jean xanh xệ tới mông. Gã đưa mắt nhìn Yvette chằm chặp. Chắc gã đoán tôi là em trai nàng. Sau khi nghe Yvette kể lể, tay thanh niên đồng ý giúp đỡ. Yvette vốn có tài ăn nói. Gã bảo có một trạm xăng cách đó khoảng mười dặm, và đồng ý chở giúp chúng tôi đến nơi ấy.

Ngồi trong xe, gã giới thiệu tên là Kent. Gia đình có một trang trại trồng bắp trong vùng. Kent nói mình là sinh viên năm cuối ở trường nhạc, và chơi trống cho một ban mới nổi trong thành phố. Gã vừa rời buổi dạ vũ và đang trên đường về nhà. Yvette có vẻ hứng thú với tay tóc xoăn vừa gặp. Kent cũng thấy vậy. Điều đó khiến gã nói thao thao bất tuyệt. Nhìn các ngón tay với những chiếc móng cáu bẩn, tôi ngỡ gã vừa xong việc ở nông trại, hoặc một cửa hiệu sửa chữa ô tô nào đó. Nhưng cách nói chuyện khiến gã giống một người đang tiếp thị sản phẩm trong ngày thứ Sáu đen tối hơn. Gã không ngừng liếc vào ngực áo của Yvette. Nước bọt chảy xuống cần cổ gã, chắc cũng ngang bằng lời lẽ gã thốt ra. Tôi nghe máu nóng chạy rần rật trong đầu. Nếu có súng trong tay, chắc tôi lia một phát vào mặt để gã câm họng lại và suốt đời làm kẻ an phận trên chiếc xe lăn của mình. Nhạc với chả trống. Thằng Khốn! Tôi vốn chúa ghét mấy tay lãi nhãi trước mặt phụ nữ.

Yvette biết Kent mê vòng một của nàng. Khổ thay! Nàng lại thích điều đó. Ít ra nó cũng cho nàng biết được mình còn hấp dẫn trong mắt khối người. Yvette cười nói tự nhiên với Kent như thể hai người đã biết nhau từ muôn kiếp nào. Tôi ngồi chịu trận cho đến lúc mua được xăng và quay lại chỗ chiếc xe đang chết máy. Yvette còn xin số điện thoại của Kent, và hẹn có dịp gặp lại. Lúc chia tay, cực chẳng đã tôi phải thốt ra vài tiếng với Kent, cảm ơn gã đã giúp đỡ. Nếu không nói, tôi sợ gã nghĩ tôi bị câm. Gã bắt tay tôi một cách hào phóng, và bảo chỉ là chuyện vặt.

Hôm sinh nhật Yvette, Kent bất ngờ xuất hiện. Yvette nói chính nàng điện thoại mời gã đến. Kent có mặt từ lúc chiều, dù bữa tiệc dự định diễn ra lúc tám giờ tối. Gã mang tới một thùng rượu chát và diện bộ vest màu tro trông khá bắt mắt. Gã còn giúp chúng tôi sắp xếp ghế ngồi, cắm lại các bình hoa, chỉnh sửa một vài chỗ luộm thuộm nơi phòng khách. Gã vẫn giữ cái tật cố hữu nói nhiều. Bữa tiệc có khoảng mười người và chấm dứt khá muộn. Kent say be bét. Chúng tôi phải để gã ngủ lại ở phòng khách.

Sau lần ấy, Kent thường đến chỗ chúng tôi vào cuối tuần. Lúc thì gã bảo đi công việc, tiện đường nên ghé thăm, lúc thì đến rủ chúng tôi xem các trận bóng bầu dục hay một bộ phim mới nào đó vừa ra rạp. Yvette bỗng nhiên trở thành dịu dàng hẳn những lúc Kent có mặt. Nàng thường bày vẽ nấu nướng và luôn tay lau chùi thu dọn nhà cửa đến sạch bóng.

Sau đó cả tháng, không thấy Kent đến nữa. Đó là khoảng thời gian Yvette được chọn làm người mẫu. Điều ấy khiến tôi khá sốc. Tiện đây, tôi cũng muốn khuyên các bạn trẻ là đừng bao giờ xem thường các cô nàng nhỏ thó! Yvette bắt đầu tham gia các khóa học và bận rộn với công việc tập luyện của mình. Nàng bỏ tiền mua sắm hàng lố quần áo hàng hiệu cùng trang sức đắt giá. Nói chung là một mớ hổ lốn. Trong mắt nhiều người thì đó là việc xa xỉ, và chẳng có chút ý nghĩa gì. Yvette luôn vắng nhà và thường về muộn. Chúng tôi ít có thời gian nói chuyện và ăn uống chung với nhau dù đang ở cùng trong một căn hộ. Đến một ngày, Yvette nói muốn dọn ra ngoài. Nàng bảo chúng tôi không hợp nhau nữa. Việc chúng tôi đến với nhau hoàn toàn do nhầm lẫn.

Hôm Yvette bỏ đi, chúng tôi không nói được với nhau lời nào. Nàng xách hành lý lặng lẽ rời khỏi phòng. Qua khung cửa sổ đối diện với con đường, tôi thấy Kent đứng dựa lưng vào chiếc xe bán tải màu đen vướng đầy bụi đất. Gã bỗng lao về phía cửa và ôm chầm lấy Yvette khi vừa thấy nàng bước ra. Cả hai vội vã lên xe và nổ máy rời đi. Tôi đứng như chôn chân giữa căn phòng trống vắng của mình. Đó là một buổi chiều cuối tháng mười. Cửa sổ phòng tôi đang đóng, và ngoài đường đang tràn ngập xác lá vàng.

Nguyễn Văn

Ý kiến bạn đọc
07/04/201520:00:50
Khách
Gửi Thuy, Hai Hoang.
Cảm ơn hai vị đã dành tình cảm cho truyện của mình. Chúc vui.
Thân gửi Hoài An. Thật xúc động khi có được một bạn đọc như bạn. Đúng như bạn nói. Dạo này mình đang vật lộn với truyện dài nên ít có thời gian cho mảng truyện ngắn như trước. Vẫn nhớ lắm các anh chị tác giả và bạn đọc của Việt Báo. Sẽ góp mặt nếu có dịp. Thân.
Văn.
04/04/201504:59:46
Khách
Truyện hay, lôi cuốn. Mong đọc tác phẩm kế tiếp. Cám ơn tác giả.
29/03/201522:22:24
Khách
Dạo này ít thấy bài của anh trên Việt Báo. Có phải anh đang viết cho báo nào không? Nếu anh ngừng viết thì thật đáng tiếc. Thật nhớ anh. Một độc giả trung thành của anh. An.
27/03/201519:44:02
Khách
Văn phòng ngang tàng nhưng rất có duyên. Kieu phỏng tác truyện mafia của Mario Puzzo. Kỷ niệm thời trai trẻ, với các em tóc vàng sợi nhỏ thôi mà. Có vậy mới nhớ chứ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,315,620
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến