Hôm nay,  

Đoạn Đường Chiến Binh

13/03/201500:00:00(Xem: 14501)

Tác giả: Triều Phong (TPN)
Bài số 3484-16-29884vb6031315

Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của ông kèm lời ghi:

- Để tưởng niệm bốn mươi năm mất Miền Nam Việt Nam tự do, viết với lòng tri ân những chiến sĩ VNCH, và đồng minh đã nằm xuống cho cuộc chiến và vinh danh những thương binh VNCH và đồng minh đang còn vật lộn với cuộc sống bởi các chiến thương ngày nào.

*

Tôi trở xuống dưới để dọn đồ đạc sau khi lên lầu chào chủ nhà. Đó là một cái “condo” hai phòng với phòng khách và nhà tắm, nhà bếp rộng rãi. Chủ là một người đàn ông độc thân, hơn tôi độ chục tuổi. Anh ở trong cái phòng ngủ to (master bedroom,) nên còn dư một phòng nhỏ cho “share” và bây giờ nó sẽ là phòng của tôi trong những ngày sắp tới.

Mở “trunk” xe ra, lấy từng bao quần áo, tôi sơ ý đánh rơi bịch đựng các đôi giày xuống sidewalk. Vừa định cúi xuống lượm thì đã có một bóng người nhặt lên đưa mình. Quay lại cám ơn tôi chợt nhận ra trước mặt tôi là một ông Mỹ đen đang cười toe toét giơ hàm răng trắng bóng giống như anh Bảy Chà Và trên các bảng quảng cáo kem đánh răng Hynos ngày xưa ở Sàigòn vậy.

- You move here?

- Yes, Sir.

- I am Bob. I'm living here!

Giới thiệu tên mình xong, ông ta chìa tay về phía tôi. Tôi vội vàng bắt lấy và nói:

- Please call me N. Nice to meet you!

Đó là người láng giềng đầu tiên và sớm sủa nhất khi tôi dọn đến khu Falls Church của Virginia này. Những ngày sau thỉnh thoảng khi ra vô hoặc đi làm về tôi gặp Bob. Mỗi lần như thế ông ta rất vui, cười nói huyên thuyên, hỏi thăm đủ điều. Tôi cũng cảm thấy thoải mái trước thái độ cởi mở và thân thiện ấy của ông ta.

Sáng chủ nhật một hôm, lúc tôi khệ nệ khiêng mấy giỏ quần áo dơ xuống phòng giặt và khi vừa bước qua khỏi cửa tôi đã thấy Bob đang đứng lui cui xếp đống quần áo khô vừa sấy xong nơi chiếc bàn dài, sát trong góc phòng. Nhác thấy bóng tôi Bob reo lên, cười to:

- Hey, what's cooking man?

- Not bad. How have you been? Tôi nhún vai trả lời.

Bob tiến lại giúp tôi đổi mấy cái “quarter” từ nơi đặt máy đổi tiền đoạn bỏ chúng vào từng khe để tiền rồi đẩy mạnh cái cần trả tiến vào trong xong xuôi thì ông bắt đầu đổ xà bông, mở nước, chỉnh độ nóng lạnh cho vừa đoạn nhắc tôi bỏ quần áo vào khi Bob thấy tôi cứ lúng ta lúng túng mãi mà không được vì đây là lần đầu tiên tôi sử dụng phòng giặt công cộng. Cuối cùng ông ta đậy nắp lại. Máy chạy!

- That's it! Bob xoa hai tay vào nhau thốt.

Vừa dợm bước đi, ông bỗng dừng lại ngập ngừng nhìn tôi đôi chút và hỏi tôi người nước nào, tới Mỹ đã bao lâu? Bob la lên khi nghe tôi nói tôi là người Việt Nam, mới đến đây được khoảng tám tháng sau gần mười một năm chờ đợi, tranh đấu đòi tự do ở trại tị nạn Phi Luật Tân. Bob cũng hả hê cho tôi biết là Bob từng ở Viêt Nam ngày trước. Tôi ngớ người, ngạc nhiên:

- Really?

- Yeah!

Qua cuộc trò chuyện này tôi biết Bob là cựu chiến binh và đã bị thương trong chiến tranh Việt Nam. Thảo nào mà ông ta chẳng đi “cà nhắc, cà hót” như thế, tôi nhủ thầm. Bob nói nhiều về Việt Nam. Bob khen Việt Nam đẹp, phụ nữ Việt Nam dễ thương, đặc biệt là ông rất thích uống cà phê phin (filter) vào các buổi sáng sớm nơi những quán cóc ven đường.

- So… your wife is a Vietnamese lady, right? Tôi trêu Bob.

Bob nhìn sững lấy tôi giây lâu, đoạn Bob bật cười ha hả khi biết là mình bị ghẹo:

- I wish! I wish, man!

Bây giờ thì tôi chắc chắn rằng ông ta lớn tuổi hơn tôi và đột nhiên tôi chợt nảy ra ý muốn mời ông ta lên nhà uống cà phê chơi. Bob rất hào hứng khi nghe tôi có cà phê phin Việt Nam nên cả hai bỏ mặc quần áo đồ đạc lại đó mà kéo nhau lên lầu. Nhìn ông bước thấp bước cao tôi ái ngại tuy nhiên Bob khoát tay bảo không có gì. Ông đi đứng như thế mấy chục năm nay quen rồi!

Bob ngó chăm chăm cái phin lúc tôi bưng hai ly cà phê ra đặt trên chiếc “coffee table” nhỏ trước mặt ông ta như nhìn người tình mấy mươi năm mới gặp lại. Trông từng giọt cà phê đen bóng bẩy, lóng lánh rồi tròn nụ như cô gái xuân thì và run rẩy rơi xuống đáy ly, òa vỡ, văng tung toé trên mặt lớp sữa bò đặc quánh, vàng mịn, đổ sẵn bên dưới, ánh mắt của Bob thật xa xăm. Ông ta ngồi bất động như thế rất lâu, như sống lại với quá khứ hồi tưởng của riêng mình cho đến lúc ông lẩm bẩm bảo nhìn những gịot cà phê rơi vỡ ấy ông nhớ đến các qủa đạn pháo mà VC (Việt Cộng) bắn vào đồn, xới tung mặt đất, nơi đơn vị ông đang đóng năm nào.

- Where? Tôi hỏi.

- Quang Ngai.

Ông trả lời bằng tiếng Việt lơ lớ nhưng cũng đủ để tôi biết địa danh quê tôi.

- Central Viet Nam?

Bob gật đầu, giải thích thêm:

- South Central Coast of Vietnam.

- When? Tôi tò mò.

- 1966.

- How long were you there for?

- More than two years. I came back in October, 1968, after being wounded.

Thấy Bob buồn buồn khi nhắc lại chuyện cũ, để phá tan bầu không khí nặng nề bỗng dưng kéo tới kia, tôi đứng dậy đi lấy đá cục lúc phin cà phê thôi ngừng chảy, rồi trở ra đặt cái khay nước đá xuống bàn. Cả hai dùng muỗng khuấy đều ly cà phê của mình. Tiếng muỗng khua vào thành ly kêu leng keng nghe vui tai và phá tan sự yên lặng nhưng chúng tôi vẫn im lìm theo đuổi ý nghĩ riêng. Bob nhổm người lấy từng viên nước đá nhỏ trong veo to cỡ chừng một lóng tay bỏ vào ly của mình rồi lại khuấy lên lần nữa. Tôi đưa tay mời, Bob cầm ly cà phê lên hóp một ngụm đầy, ngậm một lúc lâu mới từ từ nuốt xuống khỏi cổ như để tận hưởng cái mùi thơm, cái nồng nàn của cà phê thưở xưa. Tôi biết ông rất thích vì gương mặt ông rạng rở hẳn lên, các sớ thịt dãn ra, mắt ông long lanh rực sáng:

- Wow, terrific! Long time I've just had it again.

Lòng tôi bỗng nhiên nổi lên niềm quý mến Bob vì ngoài cái chuyện “kính lão đắc thọ” thì phần khác còn là cảm kích sự hy sinh tuổi trẻ và thân thể của ông cho quê hương tôi dù bất kỳ lý do gì đã đưa ông vào đời quân ngũ!

*

Sau hai tháng sống trong thời tiết mát dịu, thơ mộng của mùa xuân đầu tiên vào năm 2000 của tôi ở Virginia thì nắng bắt đầu gắt và nóng hơn dù có gió mạnh báo hiệu mùa hè đã đến. Một buổi trưa cuối tuần, dọn dẹp phòng sạch sẽ rồi tôi dự tính mang chiếc Toyata Camry đời 1989 màu đỏ của mình tới tiệm “auto repair” trên đường Lee Hwy gần nhà để thay bố thắng và sẽ ghé chợ Đại Hàn mua thức ăn cho cả tuần thì đụng phải Bob lúc vừa bước ra khỏi chung cư.

Biết tôi xuống phố ông nhờ tôi cho ông ta “quá giang” ra tiệm 7 Eleven nơi đầu đường để mua nước. Trên đường đi ông đề nghị sẽ giúp tôi thay thắng khi biết ý định của tôi dù tôi đã ngần ngại và từ chối đôi lần. Bob vẫn dứt khoát muốn làm và “save money” cho tôi. Cuối cùng tôi đành chở ông tới tiệm bán đồ phụ tùng xe hơi Pep Boys Annadale theo sự chỉ dẫn của ông để mua mấy cặp bố thằng rồi trở về nhà Bob lấy con đội (jack) và chìa khoá mở ốc mâm xe luôn. Bob ở mướn trong cái apartment một phòng, tương đối nghèo. Ngoài bộ salon cũ sờn vải, cái bàn nhỏ với vài tờ báo nằm vương vãi và cái tivi kê sát góc ra thì không thấy thứ gì khác. Vắng vẻ! Trống trải!

Đợi Bob lục tủ lấy đồ nghề xong chúng tôi cho xe tới đậu dưới tàng cây “Maple” râm mát trước chỗ tôi ở. Ngồi trông Bob làm, thao tác thuần thục, lẹ làng nên chỉ độ một giờ sau khi ông tháo bố thắng cũ ra và dán bố thăng mới vào rồi ráp lại là xong khiến tôi cảm thấy thích thú vì được dịp học hỏi thêm. Nhìn những giọt mồ hôi đổ trên trán và lưng áo Bob ướt một mảng lớn, tôi ái ngại, lòng phân vân chưa biết tính sao. Đoán biết ý tôi khi thấy tôi ưu tư Bob xuề xoà:

- It's OK, man!

Tuy bị tật nhưng Bob đứng lên, ngồi xuống rất là nhanh nhẹn, sau đó ông bảo tôi vào xe chạy thử. Ngồi kế bên, ông theo dõi và gật gù lấy làm đắc ý lúc thấy xe dừng một cách nhẹ nhàng êm ái nơi các ngã tư đèn đỏ. Tự nhiên tôi cũng hứng chí lên nên liền chở Bob xuống Eden; là khu trung tâm thương mại sầm uất của người Việt tại Fairfax mua một ít đồ nhậu trong quán Bảy Lọ và một thùng bia Heineken mười hai chai về nhà lai rai như một cách cám ơn ông.

Vô nhà, bày biện xong cả hai ngồi vào. Sẵn trời đang nóng, Bob làm một hơi hai chai liền trong khi tôi mới uống dứt chai thứ nhất. Tới chừng đó ông mới trút bầu tâm sự về gia cảnh mình. Ông ngó mông ra cửa sổ nói “lâu lắm rồi dễ chừng cũng đã hai mươi lăm năm hơn chứ không ít, ngày ấy khi ông đi làm về thì vợ ông đã ẵm đứa con gái nhỏ hai tuổi đi mất. Sau bao tháng ngày tìm kiếm thì ông mới phát giác ra vợ ông đem con về New York. Mặc dù Bob đã tới năn nỉ nhiều lần, vợ ông vẫn không trở lại. Sau này thì bà di chuyển đi nơi khác, biệt tăm!” Bấy giờ Bob uống thêm hai chai nữa và tính khí ông bắt đầu thay đổi chứ không còn điềm đạm, dễ thương như thường ngày. Bob nói nhiều, khoa tay múa chân, trợn mắt trông thật hung dữ. Tôi bắt đầu sợ, tính kế ngưng lại nhưng chưa biết phải làm sao trong lúc ông cứ lải nhải và khui bia uống liên tục. Rồi Bob bắt đầu la hét lớn lên. Bob luôn miệng nói về các chết chóc, về chiến tranh Việt Nam, nhắc đến những địa danh đã đi vào lịch sử một thời như huyện Đức Phổ, vụ thảm sát Mỹ Lai đoạn khóc lóc kêu tên bạn bè chiến hữu mà ông bảo là đã tử trận, kể lể lung tung, vẽ ra cho tôi thấy một bãi chiến trường đầy máu me với xác người la liệt làm tôi nhớ tới các hình ảnh tang thương khi lúp xúp theo mẹ chạy giặc năm Mậu Thân, 1968. Cuối cùng, ông đập tay, đập đầu vào vách, mặt dàn dụa nước mắt trông thật đau khổ khiến tôi vô cùng tội nghiệp cho ông; người cựu thương binh mất cả tương lai, mất cả vơ con bè bạn, luôn bị qúa khứ dày vò, chiến tranh ám ảnh đồng thời cũng quá hoảng sợ mà không biết giải quyết thế nào? Chiều ấy tôi đã rất vất vã và nhờ có người Mễ sống cạnh bên giúp đỡ mới đưa được Bob về nhà.

Tôi đã học được một bài học nhớ đời và biết thế nào là “hội chứng chiến tranh Việt Nam của mấy cựu chiên binh Mỹ mà trong tiếng Anh thường gọi tắt là PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder.)” Điều mà hồi nào tới giờ tôi chỉ đọc qua sách báo, nghe thấy trên phim ảnh mà thôi. Đến lúc ấy thì tôi lờ mờ đoán được lý do vì sao Bob không có xe, vì sao vợ ông bỏ ông ẵm con trốn đi!

Vài bữa sau Bob đến gặp tôi xin lỗi về việc ông đã làm phiền hà tôi trong cuộc nhậu hôm rồi và ông tỏ ra vô cùng ăn năn, áy náy dù tôi đã bảo rằng tôi rất thông cảm với ông, cảm thông với “đọan đường chiến binh” mà ông đã trải qua, đặc biệt là trong cuộc chiến Việt Nam, vì gia đình dòng họ tôi cũng có những chú bác là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị bắt đi tù cải tạo tới tận ngoài Miền Bắc Việt Nam hơn mười năm trời sau ngày “tan đàn rã nghé”của 30 tháng 04 năm 1975! Khi được thả về tâm tính họ đôi lúc cũng như ông “sáng nắng chiều mưa trưa lai rai nóng.”

Cuối năm ấy tôi thay đổi công việc, từ bỏ ước mơ đi học dù đã có lớp, có giờ, có được hai ngàn năm trăm đô “financial aid” cho mỗi mùa học tại một “community college” để dọn về South Carolina (SC) làm nail kiếm tiền gấp hòng phụ thuốc thang cho cha mẹ già đang đau yếu bên nhà. Tôi vô cùng tiếc nuối vì đã lỡ cơ hội học hành mà tôi nghĩ có thể là sau cùng của tôi nhưng đành chấp nhận vì chữ hiếu, vì cả đới cha mẹ tôi đã hy sinh hết gia tài của cải cho tôi vượt biển tìm tự do, nuôi tôi gần sáu năm trong các trại cải tạo do vượt biên thất bại. Có lẽ nhờ có tiền uống thuốc chữa bệnh, và được Trời Phật độ mà cha mẹ tôi mới còn lây lất được tới bây giờ

Hôm đi, tôi đến tìm Bob để từ giả nhưng không gặp. Tôi viết lại cái “note” nhỏ dán trước cửa nhà ông cùng với số phone của mình. Suốt đường đi gần mười tiếng đồng hồ thỉnh thoảng tôi lại nghĩ đến Bob, đến hoàn cảnh thương tâm của một cựu chiến binh Mỹ rồi liên tưởng tới các người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại quê hương và tự hỏi còn họ thì sao? Cũng đau khổ, cũng tan tác, cũng lê lết đi bên cạnh cuộc đời suốt mấy chục năm qua. Buồn! Những kẻ chiến bại! Những người khốn khổ! Mỗi nguời là một “phối cảnh” của cuộc đời!

Trong thời gian sống ở SC, lâu lâu tôi có nhận được điện thoại của Bob. Sau vài lần thăm hỏi và rồi dòng đời đưa đẩy “xa mặt cách lòng,” phần vì bận bịu với công việc, phần khác là do đổi số phone mới nên tôi đã mất liên lạc với Bob. Tháng Năm năm 2009, nhân dịp về dự hội nghị tại “Library of US Congress” ờ Washington DC tôi cùng vợ con mướn khách sạn gần Fairfax cho tiện việc sinh hoạt.

Một chiều tôi tới 7 Eleven mua nước và vài bịch “chip” cho con tôi, lúc bước ra tôi chợt thấy chỗ này hơi ngờ ngợ quen. Đứng yên nặn óc suy nghĩ một lúc tôi bỗng nhớ ra đây là tiệm mà tôi đã đưa Bob tới ngày xưa. Hình ảnh Bob hiện ra trong tâm trí, tôi có ý muốn nhân dịp này đến thăm và xem đời sống ông ra sao và tiện thể tôi cũng muốn ghé thăm anh chủ nhà dễ mến ngày trước luôn. Trên đường đi lòng tôi rộn ràng khi nghĩ tới lúc gặp tôi hẳn là Bob sẽ vui lắm.

Khung cảnh vẫn không thay đổi mấy, chỉ có cây cối lớn hơn xưa nhiều. Cây Maple năm nào vẫn còn đây. Lòng bồi hồi tôi đậu xe vào chốn cũ. Lên lầu, thấy cửa đóng then gài chắc anh bạn chủ nhà đi làm chưa về. Xuống lầu, lần bước tới nhà Bob. Vắng vẻ, chẳng có ai! Đứng bần thần một tí, tôi lặng lẽ trở gót. Khi chuẩn bị bước vào xe tôi bỗng thấy anh chàng Mễ gần nhà năm xưa đang đi về. Có thể biết được tin tức Bob từ anh chàng này. Tôi nghĩ thế nên vội vã chạy lại, anh vui mừng khi gặp tôi. Kế đó anh cho tôi biết là sau khi tôi đi rồi Bob buồn lắm, nhậu thường xuyên, khóc lóc kể lể luôn mồm và trong số những người mà ông kêu gào có cả tôi nữa. Cuối cùng thì cảnh sát phải can thiệp và người ta đưa ông vào “rehab” cai rượu, chữa bệnh. Bây giờ thì anh không biết ông ở đâu, sống chết thế nào?

Tôi ra về lòng buồn rười rượi. Một hôm trong lúc lấy thơ tôi nhận được một cái thư lạ. Sau khi đọc tôi hiểu ra đó là thư của Hội Disabled Americans Veterans (DAV) gửi cho dân cư trong vùng, xin giúp đỡ cho thương binh. Tôi nghĩ tới Bob, tới tình cảnh đáng thương của họ nên dù nghèo tôi vẫn trích ra một ít tiền đóng góp cho hội này từ bao nhiêu năm qua nên đáp lại hằng năm họ cũng gửi tặng tôi bằng khen, thẻ hội viên, label có in sẳn tên và điạ chỉ nhà…

Có một lần trong lúc nói chuyện với người bạn học, thân thiết hồi nhỏ, qua Mỹ từ năm 1975 về vấn đề này thì bạn tôi hoàn toàn bài bác, bảo là tôi “khéo lo bò trắng răng!” Nó nói chuyện này chắc chán chính phủ Mỹ có “fund” cho hội, mình gửi tiền ủng hộ thì giống như là bị họ dụ thôi. Nghe thế tôi im lặng không bàn tới nữa bởi tôi nhớ mãi lời cô Monique dạy lúc ở Trung Tâm Văn Hoá Pháp ngày xưa (Centre Culturel Francais) là đừng bao giờ tranh luận về quan điểm, chính trị, tôn giáo, màu sắc cũng như sở thích, v.v…vì nó chỉ đưa đến xung đột hay chiến tranh mà thôi, nhưng tận thâm tâm tôi lại nghĩ “mình đang ở đâu? nhờ ai mà mình được sống trong bầu không khí tự do, hạnh phúc đến ngày hôm nay? Mấy năm gần đây chúng ta đang có các chương trình giúp đỡ cho những người lính thương binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bên nhà. Điều đó thật tốt và đáng trân quý và thế thì mình cũng nên có những hành động thiết thực gì để bày tỏ lòng tri ân tới các người cựu chiến binh Hoa Kỳ để chứng tỏ cho họ biết chúng ta tuy là những người vong quốc nhưng không hề vong ân!”

*

Sáng nay lạnh quá, thời tiết chi có 0 đô F thôi. Tuyết trắng khắp nơi! Không có xuân cũng chẳng có Tết ở nơi đây dù hôm nay là ngày đầu năm mới âm lịch. Đi làm trong cảnh băng giá thế này thì thật là nguy hiểm và chán, nhưng đành chịu vậy. Cuộc sống mà, riết rồi cũng quen!

Vừa lái xe tôi vừa nghĩ ngợi mông lung. Nhanh thật! Thoáng một cái mà mình tới Mỹ đã mười sáu năm rôi. Ý niệm về thời gian lại khiến tôi liên tưởng đến chuyện khác. Ơ, sắp tới bốn mươi năm tính từ ngày Miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản rồi sao? Mỗi lần nhớ lại biến cố này là lòng tôi lại bần thần, ray rứt không nguôi. Năm nay, là một cái móc thời gian quan trọng của bốn mươi năm chúng ta mất chính thể tự do, người Việt đi tị nạn khắp năm châu. Nhưng nhờ lòng nhân ái của thế giới tự do, của chính phủ và nhân dân Mỹ sau này nên cộng đồng người Việt đã lớn mạnh và phát triển phồn thịnh ở nhiều nơi. Trong niềm vui hạnh phúc đó, chúng ta hãy tưởng nhớ lại sự hy sinh của bao người để chúng ta có được bình an, có được một chốn để đi, để về, mỗi ngày và trong sự hy sinh ấy có sự hy sinh của những người lính Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các lực lượng đồng minh. Do đó mỗi người chúng ta hãy bày tỏ sự biết ơn của mình với ân nhân bằng cách nào mà chúng ta có thể làm được nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm lưu vong để họ không cảm thấy cô đơn, để họ luôn thấy ngoài Chúa, còn có chúng ta bên cạnh.

Từ trong đài FM của chiếc radio đang mở văng vẳng vang lên lời ca buồn, da diết của bài hát “Hey brother” là bài hát lọt vào top ten của Avicii sau khi phát hành “Album True” vào cuối năm 2013 để ca ngợi sự xả thân chiến đấu của quân nhân Mỹ trong nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho người dân, cho nước Mỹ cũng như cho thế giới hiện nay qua mọi cuộc chiến. Họ bây giờ được dân chúng và chánh phủ Mỹ tôn vinh như những anh hùng chứ không còn bị bạc đãi như Bob bởi luận điệu của nhóm người phản chiến ngày trườc nữa.

Hey brother, there's an endless road to rediscover
Hey sister, know the water's sweet but blood is thicker
Oh, if the sky comes falling down, for you
There's nothing in this world I wouldn't do

What if I'm far from home? Oh brother, I will hear you call
What if I lose it all? Oh sister, I will help you hang on
Oh, if the sky comes falling down, for you
There's nothing in this world I wouldn't do

Thời gian ơi, xin hãy… gượm lại!


Miami-Township, Ohio

Ngày 19 tháng 02 năm 2015
(Nhằm mùng Một Tết Ất Mùi)

Triều Phong (TPN)

Ý kiến bạn đọc
26/04/201512:25:44
Khách
Cám ơn anh/chị BN đã đồng cảm với tôi trong nỗi niềm riêng nhưng thân phận chung của chúng ta.

TP
19/04/201511:34:36
Khách
Cuộc chiến nào cũng để lại vô vàn tang thương mất mát với nhiều gia đình đổ nát, nhiều mảnh đời vỡ vụn. Thật là không khỏi chạnh lòng khi đọc truyên này. Những người thưong binh Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa xứng đáng là các anh hùng vô danh vì đã hy sinh bảo vệ Nam Việt Nam tự do trước 1975. Nhân dịp tháng Tư năm nay đang đến chúng ta hãy dành một phút để tri ân họ.
18/03/201518:36:38
Khách
Vô cùng cám ơn Ban Biên Tập đã sửa sai.

Triều Phong (TPN)
17/03/201511:04:35
Khách
Tội nghiệp những người trai thời loạn! Truyện đọc vô cùng xúc động, tôi đồng ý với tâm tình của tác giả!
BN
15/03/201512:08:23
Khách
Kính chào Ban Biên Tập Việt Báo,

Xin quý vị điều chỉnh (corect) giùm các chữ sau để câu văn tiếng Anh được đúng văn phạm, nếu có thể.
Đây là các viết tỉnh lược, viết gọn (contraction) trong tiếng Anh:
1- What is: What's (What's cooking man?)
Phải có dấu phẩy (apostrophe) ở phía trên giữa chữ what và is.
2- That is: That's ( That's it!)
3- I have: I've (Wow, terrìfic. Long time I've just had it again)
4- It is: It's (It's OK, man!)

Chân thành cám ơn. Kính chúc toàn thể quý vị trong Ban Biên Tập một cuối tuần vui vẻ.

Triều Phong (TPN)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,789,279
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Stephen Paddock, kẻ vừa xả súng tàn sát ở Las Vegas ngày 01 tháng 10, đã đặt phòng tại khách sạn Blackstone cao 21 tầng, nhắm xuống lễ hội âm nhạc Lollapalooza ở Chicago trong tháng 8 vừa qua. Đó là nội dung bài viết mới của Nguyễn Anh Nguyên. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, từng có hơn một năm sống tại Chicago. Bài viết mới của ông đề cập tới việc
Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Bài viết thứ ba của cô là chuyện dân Mỹ tự nguyện xếp hàng hiến máu, sau vụ thảm sát tại Las Vegas.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, bài mới của tác giả mo tả nhiều chi tiết sống động, hữu ích.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Thăm dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ ba của ông là một chuyện tình nhẹ nhàng.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Bài viết mới của tác giả nói lên đời sống chật vật của những người Việt tị nạn đầu tiên trên đất Mỹ, đồng thời đề cao tình yêu và sự ngưỡng mộ của mình đối với nước Mỹ. Bài nầy là chuyện tiếp nối cho tự truyện “Du Học Mỹ Năm 1975”. Tác giả tham dự VVNM năm 2015, được giải Danh Dự năm 2016 và giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả năm2017. Lúc còn trẻ tác giả là một chuyên viên kỷ thuật. Khi về hưu ông tiêu khiển với thú viết truyện. Ông đang định cư ở Orange County.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về một ngày thu, cảm tác lúc giao mùa.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Với cách viết như nói chuyện trực tiếp, bà vui vẻ tự sơ lược về mình: Đinh Nguyễn Thi ở nhà gọi là The. Có chồng hai con. Năm nay mới 61 tuổi. Học xong lớp 9 trường làng. Ở nhà được cha mẹ nuôi. Qua Mỹ năm 1985, sau đó 3 năm có người đòi rước về nuôi đến nay.
Nhạc sĩ Cung Tiến