Hôm nay,  

Chuyện Cúng Kiếng Ngày Tết

05/03/201500:00:00(Xem: 11908)

Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 3478-16-29878vb5030515

Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang làm công việc truyền giáo tại Alice Springs, Northern Territory, vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Với hai bài “Mẹ, Mẹ Tôi” và “Gốc Phi Châu”, Nguyễn Trung Tây nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010, nhưng không thể về dự buổi họp mặt phát giải. Mãi tới năm 2012, vị Linh mục nhà văn mới có dịp thăm gặp Việt Báo khi trở về California. Mới đây, Tết Ất Mùi 2015, người từ vùng đất đỏ Úc Châu lại vừa có dịp về Quận Cam coi phố Việt đốt pháo.

* * *

blank
Nguyễn Trung Tây cụng ly mừng Tết Ất Mùi 2015 tại Việt Báo.

Ông Tư dì Tư, một đôi vợ chồng người miền Nam, định cư tại Quận Cam từ những ngày cuối năm 75. Ông Tư hồi xưa người trong thôn gọi cậu Tư Cường, răng cậu Tư bịt vàng sáng chóe.

Sáng 30 Tết, không khí Xuân rộn ràng thổi về Quận Cam.

Tết về, thương xá Phước Lộc Thọ, bánh tét, bánh chưng, dưa hấu, kẹo mứt đủ loại san sát cạnh kề bên nhau. Tết về, chợ hoa xếp lớp những chậu lan, Hoàng Lan hình cô gái mặc đầm xòe đang nhảy múa trên sàn nhảy, Hồng Huyết Lan mầu đỏ bầm hương thơm hăng hắc, Hổ Lan vằn nâu nâu đen! Đặc biệt nhất là hoa mai và hoa đào, mai sáu cánh hây hây trong nắng khoe mầu với hồng đào phấn hồng phơn phớt nhắc nhở thi sĩ Vũ Đình Liên, “Mỗi năm hoa đào nở…”. Nhạc Xuân Phạm Duy rộn ràng tô thêm đậm nét bức tranh Xuân dân tộc, “Xuân vừa về trên bãi cỏ non…” Hoa trộn vào, nhạc quyện lẫn, cả hai hớn hở báo tin, “Loa! Loa! Xuân về!”

Tết về, cửa hàng bán tranh vừa đốt đỏ trời xong một tràng pháo dài, chủ nhân tiệm ăn bên cạnh mặc khăn đống áo dài truyền thống bước ra sân ngập tràn xác pháo. Sau những lời khấn vái cho một năm mới buôn may bán đắt trước bàn thờ Ông Địa, ông chủ bật quẹt đốt liền tràng pháo đỏ gắn pháo đùng. Thế là Tạch! Tạch! Tạch! Đùng! Pháo đỏ nổ rộn vang một cõi hồn và một cõi đời. Pháo đỏ phố Việt như người lính thú tay cầm loa thông báo bản tin, “Loa! Loa! Xuân về!”

Tết về, gió Xuân hây hây thổi lay nhẹ những nụ hoa trên cành đào mọc trên sân vườn nhà dì chú Tư. Tiếng chim ríu rít chuyền cành rộn ràng. Nắng vàng chiếu sáng một khoảng sân. Dưới hàng hiên, dì chú Tư ngồi uống trà ăn thèo lèo mứt dừa. Nhìn bầu trời xanh lơ Nam Cali gió mát thổi hây hây lòng người, ông Tư tâm sự,

— Chà! Lục đục loay hoay, lại một năm nữa trôi qua. Hôm nay Ba Mươi Tết rồi bà ơi...

Dì Tư vừa nhai miếng trầu vừa góp chuyện,

— Ừ, không nhắc thì thôi, nhắc tới Giao Thừa mới thấy thời gian trôi qua thiệt lẹ. Tối nay cúng Giao Thừa rồi. Giờ bên Việt Nam chắc phố xá đang tưng bừng đón Tết. Không biết đình làng mình năm nay, mấy ông hương chức hội tề cúng con gì đây?

Ông Tư nói ngay,

— Thì còn cúng con gì? Năm nay Ất Mùi, họ cúng con dê đực.

Dì Tư gật đầu,

— Ừ hén, năm dê, làng cúng con dê.

Dì Năm mặt tươi như hoa,

— Làng mình có phong tục cúng Giao Thừa nghĩ thấy cũng lạ hén. Năm ngựa, cúng con ngựa. Năm gà, làng cúng gà trống thiến. Năm mèo, thì có mèo mun nằm gọn trong mâm bạch ngọc. Năm con rồng, họ lấy nếp nặn nguyên hình con rồng vờn châu cúng thần.

Dì Tư nhai nhai miếng trầu thuốc,

— Ông à! Tại sao làng mình lại có phong tục cúng gà, năm con gà, năm dê, cúng con dê vậy hả ông?

Ông Tư góp chuyện,

— Ừ, thì đâu…hồi đó tui có nghe ông Hương Chủ Hội nói, làng mình thời tân lập, đêm đêm có ông ba mươi hay về, bắt bò bắt heo. Sau hội hương tề họp, làm biên bản trình lên tổng. Quan tổng mới phái hai ông thợ săn ở chợ quận về, họ rình nguyên cả tuần mới hạ gục được ông ba mươi. Bà nhớ bộ da hổ vằn xếp trong lồng kiếng ngay bệ thờ của đình không? Đó, bộ da của ổng đó. Rồi từ đó, làng lập đình gọi đình Ông Ba, tối Giao Thừa, cúng ổng thoạt tiên cúng con heo sữa, năm sau con nghé. Sau, làng quyết định, năm con nào, làng cúng ông con vật đó. Thì bà cũng vừa nói rồi đó, gặp năm rồng, làng nấu nếp, nặn hình rồng cúng ổng…

Dì Tư thắc mắc,

— Ủa, tui tưởng hồi đó có ông đạo Dừa đi ngang nói làng có cá sấu chuyên ăn thịt người, cho nên ổng mới bày cho làng tục cúng thần Cá Sấu năm nào, vật đó...

Ông Tư lắc đầu,

— Hổng phải, chuyện bà nói tui cũng có nghe qua. Nhưng ông Chủ Hội hồi đó khẳng định với tui chuyện không phải là như vậy... Mà bà biết ông Chủ Hội rồi đó, ông nội của ổng hồi đó tham gia hội kín đánh tây. Sau phải đổi tên họ, bỏ tới cù lao lập nghiệp. Làng mình, hồi ổng đặt chân tới chỉ là cái cù lao bỏ hoang, có ai ở, ổng nói trên bờ muỗi kêu nghe như sáo diều…

Ông Tư hưỡn đãi kể chuyện thời xưa,

— Rồi tới cái thời cố đạo ghé làng mình. Thoạt tiên làng chỉ là họ đạo nhỏ của xứ đạo Cù Lao Giềng. Sau làng ngày càng đông người rửa tội. Chèo thuyền đi lễ bên nhà thờ Cù Lao Giềng xa xôi quá, ở trên Đức Giám Mục mới cử cha xứ về cất nhà thờ. Từ đó, mình mới thành xứ đạo Cù Lao Mộc. Cái năm 75, trước khi mình di tản, nhà thờ Cù Lao Mộc là nhà thờ Hạt trưởng, bà còn nhớ không?…

Dì Tư nhận xét,

— Ừ! Tôi nhớ! Mà tôi còn nhớ tối Giao Thừa, đình Ông Ba thì rộn ràng cúng Giao Thừa, nhà thờ thì giật chuông Lễ Giao Thừa. Rồi ông cha xứ cũng lập cái bàn thờ gia tiên đốt nhang tưởng niệm ông bà tổ tiên...

Dì Tư xuống giọng thì thào, tuồng như sợ người ngoài nghe thấy,

— Ông là người có ăn học, chắc cái tuồng này ông rành hơn tui. Hồi đó thấy ông cha xứ lập bàn thờ gia tiên trong nhà thờ, rồi đốt nhang cúi cúi lạy lạy ba cái, người ta xì xào nói cha xứ mình sao mà…kỳ cục! Ai đời cha cụ mà lại lập bàn thờ cúng ngay trong nhà thờ, rồi lại còn đốt nhang xì xụp khấn vái. Nhìn không ra đâu vào với đâu. Có mấy người còn thì thào bàn với nhau viết thư lên tòa Tổng báo Đức Giám Mục biết ông cha xứ mình…lạc đạo…

Ông Tư lắc lắc đầu,

— Thiệt tình! Ta nói học không thông, vác gối bông không xong là vậy…

Ông Tư giảng giải mạch lạc tuồng như thầy đồ ngồi trên sạp,

— Hồi đó công đồng Va-ti-căng II họp...

Ông Tư dừng lại, nhìn dì Tư,

— Cái chuyện công đồng Va-ti-căng II bà chắc rành sáu câu vọng cổ rồi chớ gì? Có cần tui phải nói thêm không?

Dì Tư nhai miếng trầu thuốc đỏ tươi gật gật đầu,

— Ừa, chuyện đó tôi biết. Ông cứ nói tiếp đi…

Ông Tư an tâm, nhẩn nha nói,

— Ờ! Công đồng Va-ti-căng hồi đó kêu gọi người tín hữu hội nhập văn hóa. Sau công đồng, các vị Giáo Hoàng kế vị cũng kêu gọi người Công Giáo diễn tả niềm tin Kitô trong nền văn hóa riêng biệt của mình. Cho nên bà mới thấy mình không có lễ tiếng La Tinh sau công đồng nữa, mà cử hành thánh lễ Misa trong tiếng Việt. Đặc biệt người Việt mình có phong tục từ cả ngàn năm rồi, đêm Giao Thừa, nhà nhà xum họp, rồi gia trưởng đốt nhang bàn thờ gia tiên khẩn mời ông bà về lại trần gian ăn Tết xum họp với con cháu.

Ông Tư giọng chắc nịch,

— Cho nên bà mới thấy, ông cha xứ lập bàn thờ gia tiên trong nhà thờ trong thánh lễ Giao Thừa…

Ông Tư hỏi vợ,

— Chớ bà nghĩ coi, Mười Tám đời Vua Hùng, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Vua Lý, Vua Trần, Vua Lê, họ có phải tổ tiên của người Việt mình hay không?

Di Tư nhai dập miếng trầu thuốc, gật gật đầu,

— Ông nói đúng!

Ông Tư tiếp,

— Cho nên, giờ Giao Thừa, hoặc ba ngày Tết, người Công Giáo Việt Nam mới lập bàn thờ gia tiên, đốt nhang tưởng nhớ công ơn của tổ tiên ông bà, đó cũng là lẽ thường tình. Làm sao lại dám nói đó là lạc đạo! Còn chuyện thờ phượng, đương nhiên mình chỉ có thờ Chúa. Chúa là trên hết, là thủy là chung. Chứ đâu phải thấy ông cha hoặc chủ nhà lập bàn thờ gia tiên, mặc khăn đóng áo dài thắp nhang cúng vái, rồi đứng ngoài dè bỉu nói lạc đạo, thờ lạy tổ tiên.

Dì Tư nhai dập dập miếng trầu thuốc, e hèm cần cổ,

— Ừ, thì ai biết đâu. Cái này cũng là chỉ tui nghe người ta nói, rồi tiện đây, hai vợ chồng mình ngồi nói chuyện ăn Tết, tui vui miệng thuật lại cho ông nghe mà thôi.

Dì Tư dường như muốn đổi đề tài,

— Ông! Nhắc tới cái vụ cúng kiến tui mới chợt nhớ. Ta nói hồi đó Giao Thừa bên Việt Nam sao mà vui. Từ sau cái bữa cúng Ông Táo, làng dựng cây nêu ở sân đình Ông Ba, hàng xóm bắt đầu rộn ràng đốt pháo, tui đã thấy nao nao cái bụng. Sáng nào cũng vậy, tui với mấy đứa bạn dẫn nhau ra chợ làng sắm đồ Tết. Ta nói ôi thôi hoa mai, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, thèo lèo, bánh tét, bánh chưng, ê hề, tui mua về, xách nặng cả tay.

Dì Tư xuýt xoa,

— Nhắc tới bỗng dưng mắc thèm, muốn bay về Việt Nam ăn Tết liền ngay bây giờ...

Ông Tư nhắc nhở,

— Mần gì phải về Việt Nam mới thấy cảnh đón Tết. Bây giờ bà rảo rảo dưới phố Việt một vòng mà coi... Ta nói hôm qua có chuyện xuống phố, tui thấy trước cửa thương xá, người ta bầy cơ man là những chậu hoa. Hoa mai, hoa đào, hoa lan, hoa nào cũng có, đủ kiểu đủ loại. Còn nếu bà muốn thử thời vận năm mới hên xui hả, có nguyên mấy cái sòng bầu cua họp ngay cửa chợ. Thấy vui vui, tui cũng dừng xe lật đật ghé vào chợ nhặt mấy hộp thèo lèo, mấy đòn bánh tét mang về ăn Tết...

Dì Tư ăn nói mát mẻ,

— Chứ không phải ông dừng lại sòng bầu cua…

Ông Tư cự nự,

— Bà! Ở đâu mà chui ra cái vụ tui mê cờ bạc đỏ đen ở đây…

Dì Tư ăn nói lơ lửng con cá vàng,

— Tui biết đâu! Cậu Tư Cường nhà mình mà…

Nghe vợ ăn nói mát mẻ, tưởng ông Tư sẽ khó chịu mở miệng cự nự, nhưng không, ông Tư cười toe toe,

— Chà! Bà cũng nhớ dai dữ đa!

Ông Tư kể chuyện thời xưa,

— Ta nói cái thời tui đi học trên Sài Gòn, năm đó tía cho phép tui về quê ăn Tết, bởi năm đầu tiên xa nhà, tui than với tía tui nhớ nhà. Tía mới gật đầu sai người đánh xe ô tô lên Sài Gòn chở tui về quê ăn Tết. Xe mới dừng ngay cửa sân đình, thấy sòng bầu cua vui quá, tui nhào vào liền. Thiệt tình cũng thua một mớ bạc. Tối hôm đó, trước giờ cúng Giao Thừa, tía “cúng” cho tôi một trận… Tía nói, “Tư Cường chứ không phải công tử Bạc Liêu mà đòi đốt tiền luộc trứng… Tiền của ông bà là tiền mồ hôi nước mắt, chứ không phải trong nhà trồng được cây tiền mà xài phung phí, thiên hạ người ta cười chê!”

Ông Tư lại cười,

— Rồi tía đóng cửa phòng khách lại, bắt tui nằm dài ra trên phản chân ngựa, ổng dợt tui mấy roi. Sau đó, tui mới được mặc khăn đống áo dài đại diện tía má cúng ông bà gia tiên…

Dì Tư cười tủm tỉm,

— Chà! Cậu Tư Cường… cũng…ngoan quá ta…

Ông Tư tâm sự,

— Bà ở với tui bao nhiêu năm rồi. Bà biết rồi đó, má thì không sao. Chớ tía đã buông lời nói một câu, có ai dám cản ổng. Ờ, mà thôi, đang nói chuyện sắm đồ Tết…

Dì Tư liếc liếc nhìn chồng, dừng nhai miếng trầu,

— Ừ đúng đó! Chà! Biết ông sắm đồ Tết, tui nhắc ông mua mấy thứ trái cây dâng lên bàn thờ Chúa ngày đầu năm.

Ông Tư khoát tay,

— Tưởng chuyện chi, mấy thứ trái cây dâng Chúa ngày Tết tui sắm đầy đủ hết rồi. Bà đừng có lo...

Dì Tư mắt thòm lõm, nhìn chồng hỏi,

— Ông mua thứ chi vậy? Ông nói tui nghe coi…

Ông Tư hỏi cắc cớ,

— Đâu! Bà đoán thử coi?

Dì Tư liếc xéo chồng,

— Ông nói chiện lạ! Ông mua chi làm sao mà tui rành. Nhưng đừng có dâng lên bàn thờ Chúa nguyên nải chuối đó nghen.

Ông Tư cự nự vợ,

— Bà! Mình người Công Giáo, tin vào Chúa không tin. Ai lại mê tín dị đoan, tin chuyện nhảm nhí...

Dì Tư bĩu môi,

— Ông đừng có tài lanh. Có kiếng có lành... Mà ông đừng có làm bộ lơ lơ! Ông chưa có trả lời câu hỏi của tui đó nghen...

Ông Tư buông giọng,

— Ừa! Thì tui cũng ghé vào chợ mua Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, và Xoài. Mỗi thứ một cặp...

Dì Tư thắc mắc,

— Lạ kỳ chưa? Lựa chi không lựa lại lựa Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, và “Xài”?

Ông Tư cười móm xọm,

— Có dzậy mà bà cũng không hiểu. Ngày đầu năm mình dâng lên Chúa bốn thứ trái cây: Cầu, Dzừa, Đủ, “Xài”. Tâm ý của tui là sang năm mới, “cầu” xin Chúa ban cho hai vợ chồng mọi thứ “dzừa” “đủ” “xài”. Vậy là mãn nguyện rồi. Bà nghĩ tui nói có đúng hay không?

Dì Tư lườm chồng,

— Ông già! Thiệt tình là hết chiện nói! Chuyện tào lao khú đế như thế mà cũng ngồi nghĩ ra cho đặng! Sao ông không mua trái "xài" với cái líp ba ga xe đạp…cho tiện?

Tới phiên ông Tư cộ mắt ếch,

— Bà! Ăn nói lãng xẹt không à! Hên là hôm nay Ba Mươi Tết, chứ gặp ngày Mùng Một là xui cả năm rồi...

Ông Tư hỏi lợi,

— Mà mần chi bà xúi tui mua cái líp ba ga?... Ở bên này đi đâu một bước thì cũng leo lên xe hơi. Xe gắn máy tui còn chưa dám lái, nói chi xe đạp… Mà tui có đạp xe đạp bao giờ đâu mà bà xúi tui mua cái líp ba ga để mần chi?

Dì Tư ăn nói mát mẻ,

— Ông đó! Ông mới cự tui là mê tín dị đoan... Còn ông, ông cũng kém chi... Ba Mươi với Mùng Một! Mà thôi... Tui nhắc ông mua trái "xài" với cái líp ba ga bởi ông nói ông năm mới ông xin với Chúa cầu dzừa đủ xài...

Dì Tư kết luận,

— Còn tui, tui khác ông, tui là tui khoái “xài” líp ba ga, xài thả dàn...

Ông Tư trợn mắt nhìn vợ, đứng dậy, lắc lắc đầu, bỏ đi,

— Bà này! Già rồi sao mà còn ham hố quá! Thiệt tình!

Nguyễn Trung Tây

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,313,738
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến