Hôm nay,  

Chưa Từng Tuyệt Vọng

11/02/201500:00:00(Xem: 11908)

Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung
Bài số 4458-16-29858vb4021115

Thứ Bẩy cuối tuần 14-2 sẽ là ngày Valentine 2015, mời đọc một chuyện tình của Tôn Nữ Thu Dung. Tác giả là cư dân San Dimas, California. Trước tháng Tư 1975, tại Sài Gòn, cô từng cộng tác với tần báo Tuổi Ngọc và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Với bài "Chuyện Cổ Tích Không Phải Cho Bé Thơ", tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt, Viết Về Nước Mỹ 2013.

* * *

Ngôi biệt thự nằm đối diện với quán ăn của nhà Nghi, rủ một bóng râm im mát với giàn Hoàng Anh trước ngõ… Năm đó, Nghi mười sáu tuổi, đi học về vừa thay áo dài ra là phải chạy lên ngồi quầy tính tiền cho mẹ… Nghi đẹp mặn mà từ năm mười ba tuổi khi mới vừa trổ mã. Nghi chưa đến tuổi nghĩ rằng mình xinh đẹp, chỉ khi mẹ nói:

- Chị Ngân sắp lấy chồng rồi, bé Nghi thay chị ra ngồi quầy giúp mẹ.

Nghi vùng vằng không chịu, Nghi ghét ánh mắt bọn con trai nhìn mình trên đường, trong trường và ngoài quán. Mỗi lần gặp những ánh mắt bọn nó, Nghi nổi da gà, ôm chặt chiếc cặp vào ngực hoặc lấy tay che ngang cổ áo như một thói quen… Nhưng không thể nào nói lời từ chối khi mẹ bắt đầu ca bài ca con cá: Thời buổi khó khăn …

Mà thời buổi khó khăn thật, lương của ba không đủ để nuôi bầy con 8 đứa của 2 bà vợ. Mẹ phải gom góp vốn liếng để mở quán cơm này kiếm sống (cũng dựa hơi ba là bót trưởng bót Bà Hòa Chợ Lớn để bọn giang hồ không bắt đóng tiền bảo kê hay quậy phá.)

Mẹ nấu ăn rất ngon, quán càng đông khách chừng nào Nghi càng học dốt chừng đó… Mẹ nói:

- Học giỏi cho mấy rồi cũng bị lấy chồng, như chị Ngân đó, chỉ có Tú Tài 1 mà cũng lấy được chồng Kỹ Sư. Còn bé Nghi đẹp như hoa hậu thế nào chẳng kiếm được một ông Bác Sĩ !!!

Vốn dốt sẵn, thêm tật làm biếng, nghe mẹ dụ dỗ, Nhi xiêu lòng muốn bỏ học để phụ mẹ làm ăn nuôi bầy em 6 đứa và bà vợ bé của ba.. Ban đầu nghe tin Nghi định nghỉ học khi mới lớp 10, ba rất giận nhưng ông cũng nguôi ngoai khi nhớ lại rằng nếu không có quán ăn này thì lấy đâu cơm nước xe pháo học hành cho cả gần tiểu đội ông vô tình hay cố ý tạo ra. Lại nữa, ông được an ủi rằng một bầy con trai của ông đứa nào cũng thông minh đỉnh ngộ (giống ông)…Còn bé Nghi thì tuy dốt nhưng đẹp quá chừng chừng (như mẹ nó.)

Cho đến một ngày, một ngày không gió to bão nỗi, một ngày không trút mưa thịnh nộ. một ngày không nắng đốt cháy da, một ngày không mây xám âm u… Nghĩa là một ngày… chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương… thôi. Nghi choáng váng khi một anh chàng pilot với bộ đồ bay từ ngôi biệt thự bên kia đường, lững thững qua ngồi trước quầy, uống một ly chanh muối… Nghi nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra… không tin đây là sự thật… Một chàng Alain Delon từ màn bạc, vén màn bước xuống đời Nghi… Nghi run như chiếc đuôi con thằn lằn bị đứt lúc bàn tay chàng khi trả tiền có thể vì vô ý chạm ( rất nhẹ) vào tay Nghi…Và Nghi luống cuống đến nỗi quên không thối lại tiền dư… Chàng cười… ra về, đưa tay chào Nghi như chào cấp trên vậy… Nhiều ngày Nghi không ngủ được, từ quầy, Nghi cứ nhìn đăm đắm qua sân biệt thự… chờ một bóng người đã chạm vào giấc mơ Nghi… Nghi lơ ngơ, lãng đãng, mẹ than phiền: Con sao vậy, như người mất hồn mất vía… Mẹ còn định dẫn Nghi đi lên đồng coi hồn ma bóng quế nào chọc ghẹo cô con gái cưng của bà !

Nghi không nhớ có phải chàng gọi chanh đường mà Nhi đưa nhầm chanh muối nên chàng giận và không thèm trở lại

Nghi sợ rằng vì mình luống cuống quên thối tiền nên chàng đã nghĩ Nghi là con bé tham lam

Nghi hình dung nụ cười của chàng và cử chỉ chào Nghi đầy trêu chọc…

Nghi tức tưởi khóc vì giận mình và luôn chép miệng như một bà già nuối tiếc thuở vàng son: Phải chi mình đừng vậy, đừng kia …

Ôi, Nghi đã yêu một người không hề biết Nghi là ai! Tình yêu đơn phương của Nghi sao đong đầy đau khổ… Nhưng ông trời cũng không muốn hành hạ Nghi quá đáng… Ông chỉ thử thách Nghi đâu chừng một tháng… một tháng là ba mươi ngày dài bất tận, đêm nào cũng đẫm nước mắt tủi thân…

Bức thư tình đầu tiên chàng gởi tới cho Nghi toàn tiếng Anh, Nghi nhìn hoài không hiểu nỗi mà cũng chẳng dám hỏi ai ! Nhìn qua nhìn lại, nhìn tới nhìn lui, Nghi suýt hét lên mừng rỡ vì một câu, một câu then chốt Nghi hiểu được và Nghi chỉ cần hiểu nhiêu đó là đủ: I love you, Baby… Vang quanh Nghi là những tiếng nhạc của Thiên Thần, Nghi choáng váng như đất trời đảo lộn: I love You, Baby… I love You, Baby…

Nghi cất bức thư trong cặp khi đi học, kẹp bức thư trong sổ tính tiền khi ngồi quầy, ôm bức thư trên ngực khi đi ngủ… Khi nó gần như tơi tả thì mẹ bắt gặp, xé tan xé nát, giận giữ vô cùng “Mẹ không muốn con quen với bọn lính tráng sống rày chết mai…” Nghi biết mẹ thương mình, luôn muốn mình kết tóc xe tơ cùng một ông Bác Sĩ nào đó (trong giấc mộng hàng đêm của mẹ), nhưng câu nói của mẹ như một lưỡi dao đâm thốc trái tim bé nhỏ của Nghi… Khi chàng đến chơi, mẹ vô cùng lịch sự và lạnh nhạt đẩy đưa… mẹ xứng đáng là một nhà ngoại giao tài giỏi (ngay cả bà vợ bé của ba cũng tâm phục khẩu phục không dám ghen ngược bao giờ …dù những khi bị mẹ xử oan xử ức chỉ biết khóc rấm ra rấm rứt mà không dám mét với ba). Mẹ đâu muốn đuổi xua chàng thẳng thừng ra mặt vì sợ mất đường nhờ vã ông bà dân biểu hét ra lửa là ba mẹ của chàng … chỉ có Nghi với trái tim tan nát !!!

Niềm vui của Nghi là những lá thư chàng gửi, Nghi ân hận vì mình đã khá ngu để không thể viết lại cho chàng những điều Nghi nghĩ…Chưa khi nào Nghi thấy học dốt là một tội lỗi lớn lao như bây giờ… Cô chạy bàn tên Thùy là một sinh viên trường Luật, rất giỏi, rất thông minh… Thấy Nghi âu sầu buồn bã, chị hỏi thăm và nghe Nghi nhỏ to tâm sự với ngập tràn nước mắt. Chị đã lau nước mắt cho Nghi, an ủi:

- Được rồi, để chị bày cho Nghi viết, nhưng phải rất bí mật, mẹ em mà biết sẽ thẳng tay đuổi chị.

Nghi mừng rỡ ôm hôn chị Thùy tới tấp, và chép lại những câu sau:

Anh Duy,
Hạnh phúc không có thực
Ở trong bàn tay em
Hạnh phúc như gió bấc
Đến một mùa… rồi quên…

Từ đó, chàng gọi Nghi là cô bé thi sĩ của anh. Tình yêu giấu giấu giếm giếm luôn vô cùng tuyệt vời, chỉ mình chị Thùy chứng kiến với nhiều nỗi xót thương…Đến một ngày khi không giữ nỗi điều bí ẩn luôn dày vò tâm trí, Nghi thú tội qua hai hàng nước mắt:


- Nghi không phải là cô bé thi sĩ của anh… Tất cả những thư, thơ v.v… là chị Thùy viết và Nghi chép lại… Nghi không biết cả viết thư thì sao mà làm thơ được…

Chàng hơi bất ngờ một thoáng rồi gõ gõ đầu Nghi:

- Có sao đâu bé con, Anh cũng chép từ những bức thư tình hay nhất thế giới. Viết thư tình phải rất cần đến một kỹ năng siêu đẳng mới có thể làm đối tác động lòng trắc ẩn…

Nghi hơi xấu hổ vì không biết chàng đùa cho Nghi đỡ quê hay nói thật tình (vì thực sự Nghi cũng chưa hề nghe ai nói hay đọc được tác phẩm NHỮNG BỨC THƯ TÌNH HAY NHẤT THẾ GIỚI bao giờ. Nghi đúng là một con nhóc ngố ơi là ngố!!!)

Chàng hứa như đinh đóng cột: Khi Nghi đúng 18 tuổi 1 ngày, chàng sẽ đưa ba mẹ sang hỏi cưới Nghi… Nghi hạnh phúc đợi chờ…

Nghi 18 tuổi, chàng biệt dạng… Tháng 4/75 đưa ba Nghi, ba chàng vào trại cải tạo không có ngày về. Quán nhà Nghi đóng cửa, những năm tháng ấy đâu ai còn tiền để ung dung vào quán… Ngôi biệt thự cũng đóng cửa im ỉm, giao cho một bà cô của chàng từ Bắc vào ở để mẹ chàng và các em đi kinh tế mới hầu giảm thiểu án cải tạo của ba chàng…

Cả nhà Nghi phiêu dạt về quê nội, trồng rau trồng sắn đắp đổi qua ngày để chờ đợi ba về…

Chị Ngân rủ Nghi đi buôn, chị Ngân vừa đẹp vừa giỏi, nuôi ông chồng thất nghiệp và chia sớt cho cả một đại gia đình chồng em út nheo nhóc (mà mới vài năm trước đây mẹ không ngừng hãnh diện khoe đã gả được chị Ngân vào nơi êm ấm danh giá, sang giàu bây giờ thì mẹ không ngớt ngao ngán thở dài khi thấy bên nhà chồng chị Ngân từ lớn tới nhỏ không ai biết cầm cái cuốc !!!)

Nghi lơ ngơ láo ngáo đi theo chị Ngân… xách giỏ, khi thì khô mực, khi thì bột ngọt, khi thì cà phê… cao cấp hơn có khi là một giỏ đầy thuốc tây ngụy trang bằngf những đòn bánh chưng, bánh tét…

Những khi về Sài Gòn, trong lúc chờ bạn hàng thu xếp tiền bạc, hai chị em lại đón xe bus lang thang về chốn cũ, về nơi mà mẹ đã bỏ ra ba chục cây vàng để mở quán sinh nhai…Hai đứa cứ chép miệng phải chi …phải chi bây giờ mình có số vàng này…

Còn Nghi thì rơi nước mắt khi nhìn qua ngôi biệt thự kín cổng cao tường bên kia đường…nơi giàn hoa Hoàng Anh rực vàng rủ xuống…nơi mà khi môi chàng chỉ mới chạm nhẹ vào tóc Nghi mà Nghi đã có cảm giác phải chi mình được chết trong giây phút ấy… Một thiên đường vừa khép cửa…Chị Ngân lau nước mắt cho Nghi, dọa:

- Nếu Nghi cứ khóc khi về đây thì chị sẽ không bao giờ dẫn Nghi theo nữa…

Nhưng chị Ngân biết dù chỉ là một con bé ngu ngơ ngốc nghếch nhưng trái tim Nghi đã tan vỡ tự bao giờ, Nghi không nhìn một đứa con trai nào khác, Nghi chỉ lén lén thầm thì trò chuyện với những lá thư … Có một ngày, ăn mặc sang trọng như một mệnh phụ, chị Ngân đến bấm chuông ngôi biệt thự, dõng dạc hỏi:

- Tôi muốn tìm ông bà A.

Cái tướng đài các của chị Ngân đã làm người đàn bà ( cô của chàng) vanh vách kể: Ba chàng đã vượt biên sau khi mãn hạn cãi tạo. Chàng đã bảo lãnh cho mẹ và các em qua Mỹ năm ngoái… Nhưng khi chị Ngân hỏi địa chỉ chàng thì bà cô thủ thế, chối bai bãi là không hề biết… dù hàng xóm kể là chàng đã liên lạc nhiều lần để gởi tiền, gởi quà về cho mẹ và các em…

Chị Ngân giống mẹ, đầu óc thông minh nhạy bén và có tài ngoại giao thượng thặng… Chỉ với năm chục ngàn và một gói thuốc samit lẫn 3 ngày ngồi đồng trước cửa quán nhà ngày xưa… chị đã có trong tay địa chỉ chàng từ người phát thư…

Chị lập tức dẫn Nghi ra bưu điện, cho tiền Nghi gởi một bức thư hỏa tốc qua Cali. Lần này thì Nghi tự nghĩ ra để viết:

Anh Duy,

Nghi nhớ và thương anh vô cùng tận…

(và cũng là bé Nghi ngớ ngẩn dốt nát như ngày nào, Nghi viết thêm rất bình dân học vụ đúng kiểu Hạnh Nghi, không chút màu mè riêu cua gì cả…).

Nghi mong rằng anh chưa có người yêu, chưa có vợ và vẫn đợi chờ Nghi.

Chị Ngân đọc, cười, chép miệng:

- Chị cũng mong vậy, Mong rằng Duy còn nhớ chút hương đồng gió nội lúa lác của Hạnh Nghi …

Kệ, ai nói gì thì nói… Nghi đang sống trong mơ… giấc mơ đẹp còn hơn cổ tích…

Duy bay về lập tức (sau khi nhận được thư). Ôi chàng phi công hào hoa phong nhã của giấc mơ Nghi… Nghi kín đáo nhìn ngón tay đeo nhẫn của Duy trước khi ngã vào vòng tay êm ấm đó. Duy ngạc nhiên:

- Bé con, sao em cứ nhìn chằm chằm vào ngón tay anh?

Rất ngây thơ, Nghi thỏ thẻ:

- Mẹ dặn, khi định quen với một người đàn ông nào, con hãy nhìn vào ngón tay đeo nhẫn, hãy để ý dù không thấy chiếc nhẫn nào nhưng nếu thấy một dấu trắng vòng quanh, con hãy quay mặt đi vì đó là một người đang có vợ hoặc đã từng có vợ !!!

Duy cười ngặt nghẽo:

- Bé con, anh đã tìm lại được cô nhóc ngu ngơ của mười năm về trước.

...

Sân phi trường Los Angeles lạnh buốt dù Nghi hai ba lần áo… Nước mắt rơi tràn trên mặt khi vòng ôm của Duy ấm áp chở che, từ nay, Duy là ba, là mẹ, là tất cả gia đình bè bạn… Nghi ngước lên nhìn Duy và câu đầu tiên Nghi thốt ra trên đất Mỹ:

- Cho Nghi đi học tiếp nha anh !

Duy hơi ngạc nhiên:

- Có chuyện gì vậy, bé con?

Nghi phụng phịu, bặm môi:

- Ai nói gì Nghi cũng không hiểu được, Nghi lạnh mà không biết cách hỏi một cái mền …

Tưởng tượng Nghi bé nhỏ co ro vì lạnh, vì đói trên máy bay, Duy ân hận vô cùng vì đã không thu xếp về được để Nghi phải đi một mình suốt nửa vòng trái đất, hoang mang, sợ hãi…

- Nghi ngu ngốc quá phải không anh?

Duy cười, ôm chặt lấy Nghi:

- Không đâu bé con, em rất tuyệt. Rồi em sẽ đi học cho đến khi nào …hết chữ thì thôi!

*

Tôi hay hẹn gặp Nghi trong công viên La Paloma Park, canh Nghi là chiếc xe lăn của Duy… Nghi nghiêng đầu nói gì đó với Duy và cô cười nắc nẻ… Duy không cười, không nói, khuôn mặt vô hồn của Duy như tạc bằng đá xanh lạnh lẽo… Nghi vẫn nói và cười và rơi nước mắt. Một tai nạn đã làm Duy bất động từ vài năm nay, nhưng Nghi không bao giờ thôi hy vọng… Định mệnh đã đưa Nghi tới cùng Duy nơi ngưỡng cửa thiên đàng lẽ nào khép lại… Nghi quay lại nhìn tôi, khuôn mặt xinh đẹp của cô dịu dàng như Đức Mẹ, cô nói:

- Chị Thùy ơi.

Hạnh phúc như gió bấc
Lạnh một thời …rồi thôi
đó chị.

Tôi mỉm cười với cô. Can đảm lên, cô nhỏ, mọi người luôn ở bên cô.

Tôn Nữ Thu Dung

Ý kiến bạn đọc
07/12/201721:08:47
Khách
em hiền như gió
em gầy như mây
em thơ mộng dại
ru ai tình đầy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,809,202
Captovan là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả Trần Đức Lợi, nguyên là Giảng viên Giải phẫu và Phân loại Động vật học tại Đại Học Khoa Học/Tổng Hợp Huế, Việt Nam; hiên là Thạc sĩ Tâm Lý Trị Liệu,
Từ 2 tháng Bẩy 2017, Giải thưởng Việt Báo bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Christina N. Cao lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, bằng một tự sự kể về "Ngày Việt Nam" và cuộc diễn hành quốc tế
Bác sĩ Võ Văn Tùng, chủ tịch Hội Thân Hữu Huế-Thừa Thiên tại hải ngoại vừ mãn phần ngày 20-6-2017 và tang lễ được cử hành ngày 03 tháng 7, 2017.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Bài viết đầu tiên của tác giả phổ biến vào tháng Bẩy 2016, thời điểm bắt đầu năm thứ 18 Viết Về Nước Mỹ. Tên họ tiếng Việt của bà là Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951, nguyên là giáo viên cấp hai,
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Nhạc sĩ Cung Tiến