Hôm nay,  

Chào Em, Sàigòn 40

10/02/201500:00:00(Xem: 13939)

Tác giả: Song Lam
Bài số 4457-17-29857vb3021015

Với 12 bài viết trong năm, cho thấy một sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersy, bà vui vẻ tự sơ lược tiểu sử "22 năm dạy học trong nước, 22 năm làm culi job trên đất Mỹ". Bài mới của tác giả kể về Sài gòn mùa Noel vừa qua.

* * *

I.

Cuối cùng thì tôi cũng về cái ổ của mình. Nằm thẳng cẳng, hai tay đan trên ngực, mắt nhắm nghiền, tôi giống hệt như những người được Chúa gọi về. Chỉ có khác đôi điều là còn thở phì phò và trái tim còn đập lổn nhổn khi trồi khi sụt. Ba tuần lễ ở Sàigon để thăm lại người mẹ ra đi năm ngoái, tôi như con thú hoang đi lạc. Mọi thứ đều lạ lẫm, trễ tràng. Sàigon thật sự không còn của riêng tôi.

Đứng thật lâu ở cửa Tây chợ Bến Thành, ngay tiệm vàng Nguyễn Thế Bài trước 75, tôi không hiểu mình muốn tìm gì, gặp ai trong lúc này. Con đường Lê Thánh Tôn ngày xưa đi học bằng xe đạp đôi lần dừng lại vì xe bị tuột sên, có ít nhất vài anh con trai tới sửa dùm. Bây giờ, đứng đây cả buổi, nhìn ngó tứ tung, chẳng có ma nào ngó tới tôi. Buồn tình, tôi đi lang thang. Đi bộ lòng vòng ngang kem Bạch Đằng, tôi ngán ngẫm chẳng thèm vào. À, nhà sách Khai Trí cũ đây rồi. Vô chút. Hình bóng cũ nào còn đây, sách vở ích gì cho buổi ấy? Tôi mua vài quyển sách dạy nhạc, Tự học Tây Ban Cầm với ước mong dợt lại bài Thu Ca ngày nào, bài dư âm kỷ niệm ngày hai đứa mới quen nhau, bài Thuyền và Biển mà mấy đứa em già chế lại hát như thế này: "Nếu phải sống xa em, anh chỉ còn bão tố. Nếu phải sống bên em, anh chỉ còn… cái khố."

Bùng binh Sàigon ngày nào có tượng đài Trần Nguyên Hãn oai phong, tượng nữ sinh Quách thị Trang bằng đá trắng… nay đã mất tăm, mất tiêu. Xe cộ thật nhiều, ồ ạt, ào ào khiến tôi chóng mặt.

Sàigòn bây giờ đầy dẫy, ngập tràn nhà cao tầng không khác gì các đô thị văn minh Âu Mỹ. Sàigon có Bicotex Trung tâm tài chính, mà dân Saigon gọi là bà đầm bưng mâm xôi, Saigon có Center Tower 72 lầu, Saigon có đường hầm bắc qua sông Thủ Thiêm. Bến đò Thủ Thiêm bên bến sông Bạch Đằng năm xưa chạy xập xình, ành ạch sóng nước cả ngày cả đêm nay đã không còn. Con đò Thủ Thiêm đã lùi vào dĩ vãng! Trong trí nhớ người dân Sàigon vẫn còn câu hát: "Bắp non đem nướng lửa lò. Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm". "Con đò" Thủ Thiêm tức là cô lái đò trẻ tuổi xinh đẹp chèo đò đưa khách sang sông. Tôi thích quá chừng chữ "ve" này, mà chữ "cua" hay chữ "dê" không tài nào sánh kịp!

Sàigon có cầu vượt, có xa lộ Đông Tây, có siêu thị lớn nhỏ sang trọng không thua gì ở Mỹ. Sàigon có tất cả, nhưng Saigon không có nụ cười.

Sàigon không có nụ cười? Các bạn có cho rằng tôi nói quá sự thật không? Một lần nữa, tôi xin xác định: Saigon không có nụ cười. Trong công việc hàng ngày của tôi, tôi cười với khách hàng hàng trăm lần, nói hai chữ "cám ơn" hàng ngàn lần. Saigon không có được chuyện này.

Hàng ngàn chiếc xe gắn máy đổ xô ra đường mỗi giờ, mỗi ngày, mọi người chen lấn nhau, tranh giành nhau từng centimet đường, mặt mày hằm hè như sắp sửa gây gổ, chửi mắng nhau và mặt lạnh như… tiền Việt Nam. Vào cơ quan chính quyền, quý vị sẽ thấy được sắc mặt này: họ nhìn mình ghẻ lạnh, soi mói coi mình thuộc tầng lớp nào trong xã hội, họ nhìn qua cách ăn mặc để đoán xem mình có tiền nhiều hay ít… ôi cái nhìn xa lạ, dửng dưng, không có một chút tình cảm con người nào hết. Sao kỳ vậy cà? Tôi tự hỏi mình. Biết hỏi ai bi giờ?

Saigon có những bộ trang phục đắt tiền, những chiếc xe hơi bạc triệu, những biệt thự sang trọng với phòng master bedroom dát vàng ròng bốn số chín, nhưng Saigon không có được tình yêu thương. Saigon vắng bóng lòng nhân ái và chết tiệt sự bao dung.

Những ngày cận kề Christmas, Saigon treo đèn kết hoa cùng khắp những con đường lớn. Những công trình xây dựng còn dang dở khắp nơi gây ra sự kẹt xe dữ dội vào những giờ cao điểm. Dân Saigon ăn nhậu tối ngày, từ sáng sớm cho tới giữa khuya. Quán nhậu san sát, từ bò dê cao cấp cho đến rắn mối thằn lằn. Hình như mọi người đang lâm vào cảnh mê hồn trận cứ ăn nhậu thả cửa chừng nào chết hẳn hay. Tôi có những đêm Saigon mất ngủ triền miên vì tiếng xe gắn máy ầm ầm trong từng hang cùng ngõ hẹp. Bốn năm giờ sáng lại nghe rội rã tiếng rao hàng: "Bánh mì nóng đây, bánh mì nóng đây". Saigon lúc nào cũng hực hở lửa nóng, rít rịt tay chân, chỉ nhờ mong ngọn gió mát bất chợt.

Tuổi trẻ Saigon bây giờ cao hơn, đẹp hơn, sang trọng hơn. Con gái ra đường không ai biết đẹp hay xấu, cao hay thấp, da trắng mịn màng hay đen thui rổ chằng chịt, vì họ trùm kín mít, chỉ chừa hai con mắt vẽ chỉ đen thui, lạnh lùng. Ai cũng chen lấn, vội vã, chụp giựt. Và hoàn toàn không có một nụ cười nào hết. Ở Saigon ba tuần, tôi không biết mình cười được bao nhiêu lần, chỉ thấy lòng trĩu nặng sầu thương.

Đã nhiều lần tôi thấy được những người già như tôi đã về hưu ngồi trong nhà thu lu bất động. Nếu không bận rộn được làm ô-sin không công cho con cháu thì họ cứ ngồi trước bực cửa nhìn ra ngoài đường. Họ ngồi đó, buồn, bất động và héo tàn.

Central Tower lộng lẫy sửa soạn chào mừng năm mới 2015, sẵn sàng giơ cao dao sắc chém ngọt khách hàng. Ly kem bạc hà chỉ có hai viên kem tròn vo lớn hơn cái trứng cút chút xíu, trả 11 dollars cho tui. Trời ơi giá cả hơn cả bên Mỹ. Nhưng lo gì. Đại gia thừa tiền lắm bạc, "bi nhiêu bi!"

Saigon cũng có những buffet đắt tiền dành cho nhà giàu mới mở mắt sau này như ở Hoàng Yến, Newworld, nhất là ở nhà hàng năm sao Newworld này, ăn trưa 26 dollars và ăn tối 42 dollars trong khi người lao động buôn gánh bán bưng chỉ mong kiếm được 2 dollars/ngày (42.000 đồng Việt Nam). Saigon ơi, nhức nhối lòng tôi.

Mở mắt chào đời ở Saigon, sống và thở với Saigon qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước, của thời cuộc, tôi vẫn ôm Saigon vào trong lồng ngực tưởng như lúc nào cũng son trẻ của mình. Xa Saigon 40 năm, Saigon đã ngủ vùi 40 năm, Saigon đã mất đi vẻ thơ mộng, lãng mạn, đã mất đi hoàn toàn văn hóa phương Nam, để trở thành thứ lai căng chú kiết, Tây chẳng ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu. Saigon bây giờ vẫn đang còn một triệu ba trăm ngàn người nghèo khổ đói khát lầm than. Có những cái chết vội vàng non yểu, trăm thứ bệnh lạ do thực phẩm độc hại mang đến, Saigon có trăm ngàn chuyện giả từ lông mi giả đến tôm khô, bánh tráng, gạo lúa ăn uống hàng ngày.

Bên cạnh những building cao vòi vọi, những nhà hàng sang trọng, những resort năm sao, quý bạn đọc sẽ còn thấy được những trường học xuống cấp thê thảm, những bệnh viện ghẻ lở hoang phế hàng trăm năm không sửa sang. Quý bạn đọc hãy ghé mắt vào bệnh viện T.C ở Saigon để thấy bệnh nhân nằm la liệt từ hành lang cho đến trước cửa nhà vệ sinh, nằm luôn cả dưới gầm giường. Y tế quả là quá tải và giáo dục đi đoong. Chúng tôi đến thăm đứa cháu họ tại phòng vô trùng của Trung tâm huyết học mà sững sờ: thằng nhỏ chuẩn bị trình luận án tốt nghiệp cao học kinh tế, lại được phát hiện bị ung thư máu. Tôi phát khóc khi nhìn bốn thanh niên trẻ không quá 25, mặt mũi sáng láng khôi ngô với những cái đầu trọc lóc vì vừa trải qua mấy đợt Chemo. Những khuôn mặt trắng bệt đang cần vô máu, mà xác suất sống còn chỉ có từ 20-25% đã làm tôi đau lòng, không biết phải nói gì để an ủi các cháu. Không ai trả lời được câu hỏi tại sao trong khi tiền đóng cho bệnh viện cao ngất ngưỡng được tính bằng hàng chục ngàn dollars, cha mẹ các cháu phải cầm cố nhà cửa, ruộng vườn…

Làm sao ngoảnh mặt quay lưng với cảnh đời trái ngược ở Saigon: bên cạnh cuộc sống xa hoa dư thừa phủ phê của kẻ có quyền lực, vẫn còn hằng hà sa số cuộc đời của những con người Việt Nam bần cùng đói khát kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi, còn những mồ hoang mả lạnh, còn bao nhiêu cái chết tức tưởi, âm thầm… những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ? (Vũ Đình Liên-Ông Đồ). Người lính cũ VNCH, người thương phế binh của chế độ cũ vẫn còn sống vất vưởng, lê la đầu đường xó chợ mà sự giúp hàng năm của đồng bào hải ngoại vẫn không thấm thía vào đâu! Chương trình "Cám ơn Anh" hàng năm ở California với số thu lên đến bảy tám trăm ngàn dollars vẫn còn quá ít so với nỗi đau quá lớn, những thương tật trùng điệp của hàng chục ngàn chiến binh sau 75. Chúng ta đời đời chịu ơn họ, cái ơn sâu không bao giờ trả nổi…

Saigon thân yêu của tôi ơi. Em đã ngoài 40 từ 1975, tù dạo người Saigon ken chân vội vã chen lấn xuống tàu bạt mạng thừa sống thiếu chết vượt trùng dương tìm đường trốn chạy, biết bao người đã chìm sâu đáy nước, biết bao nhiêu người lưu lạc phương trời?

Biết nói gì với em hôm nay, Saigon 40? Hôm nay thăm lại Saigon, em chỉ còn trong tôi hình bóng cũ: Con đường Bà Huyện Thanh Quan những chiều tan học mát rượi lối đi, vòng xe quay thanh thản nói cười với bạn, tà áo dài trắng quấn quít mối tình đầu.

"Saigon ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời. Saigon ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời…" (Saigon ơi vĩnh biệt-Nam Lộc)

Tôi vẫn còn hoài hình ảnh Saigon tráng lệ, tươi đẹp trong trái tim già nua khô héo của mình. Và Saigon ơi, tôi còn mãi Saigon xưa trong trí nhớ.

II.

Tôi trở lại Valley Forge vào những ngày cuối của năm 2014, tôi nghe lòng giá buốt với cái lạnh 6 độ F về đêm và những tai ương nổ ra từ khắp thế giới trong khi năm 2015 từng bước đến gần. Hai cảnh sát viên New York bị kẻ gian sát hại ngày 20/12 là vết thương lớn cho nhân dân Mỹ, đặc biệt là cộng đồng New York. Sự sát hại đó có lẽ bắt nguồn từ sự phân biệt chủng tộc âm ỉ, dai dẳng sau khi người thanh niên Michael Brown ngả xuống từ viên đạn của người cảnh sát da trắng trong tháng 8/2014. Và chỉ một tuần sau 28/12, Air Asia của Malaysia mang biển số 8501 lại bị rớt ở đáy biển Java mang theo 162 hành khách và phi hành đoàn, trong khi vừa cất cánh từ Jakarta (Indonesia) đi Singapore được 45 phút…

Dù vậy, ở Times Square New York, trái cầu mà cả thế giới dõi mắt mong chờ count down như một thông lệ chào mừng năm mới, với hy vọng sẽ tốt đẹp hơn năm cũ, đã qui tụ hàng trăm ngàn người trẻ tuổi bất chấp cái lạnh giá mùa Đông. Ở quanh vùng chúng tôi cư ngụ, Valley Forge Casino đã chuẩn bị hàng trăm chai Champagne sẳn sàng mở nnắp để đón khách. Liệu 2015 có khá hơn chăng?Ai mà biết được?

Tôi đã não lòng với đồng hương của tôi ở Saigon Việt Nam, tức Saigon lớn. Còn Saigon nhỏ? Khi nghĩ đến Little Saigon là tôi có chút vui. Sao kỳ vậy cà? Saigon nhỏ hình thành khắp nơi trên thế giới, nơi có người Việt Nam sinh sống và thành lập cộng đồng. Phải chăng người Việt Nam tị nạn khắp nơi trên thế giới muốn tìm lại những gì đã mất? Vì Saigon lớn không còn của mình nữa, mà là của họ, của người chủ mới!

Những lần đến Little Saigon ở Cali, tôi tìm lại được hình ảnh quá khứ, rất Việt Nam. Hình ảnh chiếc áo bà ba, vành nón lá, tà áo dài thanh tú ngày xưa đã không còn thấy ở Saigon lớn, lại vẫn ung dung hãnh diện khoe khoang ở Saigon nhỏ, đặc biệt tôi tìm thấy được con người Saigon xưa với đặc trưng văn hóa Saigon và tôi có được từ họ, những nụ cười thân ái.

Làm sao nói hết được những gian khổ, nhục nhằn của người Việt Nam lưu lạc nơi xứ người từ 40 năm qua? Họ đã từ bỏ hết những gì có được trong tay để làm lại từ đầu bằng bất cứ công việc gì, vị trí nào để mưu sinh nuôi sống gia đình, gầy dựng cuộc sống mới. Biết bao mồ hôi nước mắt đã tuôn đổ cho 40 năm lưu vong? Hai ba giờ sáng phải trở dậy đáp xe buýt đến chỗ làm với đồng lương rẻ mạt, phải sinh hoạt trong những điều kiện eo hẹp, phải tiết kiệm từng đồng bạc kiếm được, và cũng không thiếu những ê chề, tủi nhục trong quãng đường dài nơi xứ người. Nhưng người Việt Nam với bản tính chịu khó, cần cù, chịu đựng gian khổ để gầy dựng tương lai cho thế hệ thứ hai.

Sau 40 năm ròng, lớp người thế hệ thứ nhất đã già rồi, một số người đã ngàn đời yên nghỉ, để lớp trẻ đầy đủ năng lực, trưởng thành vươn lên nơi quê hương thư hai này. Họ có mặt ở các ngành nghề với vai trò lãnh đạo và thật sự bước vào chính trường của Mỹ như Janet, Trí, Andrew… ở Little Saigon Nam Cali, như Nguyễn Xuân Hùng ở Texas hay Tâm Nguyễn ở San Jose… Công việc của họ hãy còn ở phía trước, trong đó có dự định đề nghị Thượng Viện Mỹ can thiệp cho người lính cũ VNCH, những thương phế binh sống vất vưởng ở quê nhà được định cư sang Mỹ, sang Uc để bù đắp phần nào thiệt thòi của họ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mộng ước này thành sự thật!

Người Saigon sống dễ dãi, chan hòa tình cảm với mọi người, với bà con hàng xóm láng giềng, với đồng hương đồng khói. Người viết cứ tự hỏi mình hoài: Ở Cali có nhiều hội đoàn, như Hội Nhớ Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng, Bạc Liêu, Gò Công… mà sao không có Hội Saigon? Có thể Saigon là điểm hẹn, điểm đến của các miền đất nước chăng? Ở vùng New Jersey, có Saigon Plaza, có chợ Bến Thành… và cái Logo chợ Bến Thành dùng làm bảng hiệu cho khắp nơi có Saigon nhỏ, tức Little Saigon. Đây là niềm hãnh diện chung cho người Việt Nam, cho Saigon, cho người Saigon, cho nên 40 năm qua, tâm tình ấy vẫn đầy thương, đầy nhớ.

Bây giờ ở Little Saigon Nam Cali chắc đang có những lo toan hạnh phúc? Nào là chuẩn bị Hội Tết hàng năm, cuộc diễn hành ở phố Bolsa, cuộc thi nấu bánh chưng ở Phước Lộc Thọ, thi hoa hậu áo dài truyền thống… để đón mừng năm mới Ất Mùi 2015. Tết Việt Nam vẫn còn mãi trong lòng người Việt Nam, người Saigon!

Những chuẩn bị rậm rịch, rộn ràng của mọi người từ đầu tháng Chạp. Các bà mẹ sẽ lui cui nấu nướng sớm chiều cho ngày 30 Tết cúng rước ông bà, tổ tiên, chào đón Giao thừa. Ngoài chợ lao xao mua sắm đồ ăn thức uống, bánh trái rượu bia và nhất là hoa Tết. Trời ơi làm sao nói hết cái cảm giác vui sướng khi đi dạo chợ hoa tìm mua những cành mai đẹp nhất? Người bán người mua lao xao nói cười, chợ ngày không đủ ngày giờ, còn có chợ đêm nữa chứ! Về đêm Cali mát rượi, đi chợ đêm vừa đi vừa ăn bắp nướng thoa mỡ hành thì hạnh phúc biết bao?

Ngày Tết đến rồi, những chiếc áo dài được phơi phóng, ủi là cho thật phẳng phiu để đem ra chưng diện với mọi người. Áo gấm chữ thọ dành cho các ông, áo gấm đủ màu, đủ các loại hoa Mai lan cúc trúc dành cho các bà và các cô gái trẻ. Ai cũng mặc áo dài, từ trẻ nít cho đến cụ già, thậm chí các dân cử Mỹ lẫn Việt trên truyền hình chúc Tết đồng hương cũng diện áo dài. Áo dài được mùa. Người viết cảm thấy thật vui, thật gần gũi với họ. Ai cũng trang trọng chúc Tết nhau, nói cười thật vui như… Tết.

Người Việt Nam ở Little Saigon nói cười với nhau trong chợ, trên xe đò, ngoài bãi biển, trên xe buýt, trong buổi coi văn nghệ… dù họ chửa quen nhau, quen nhau đôi lần, gặp nhau đôi bận, họ cũng sẳn sàng chia xẻ tâm tình, mọi hoàn cảnh được phơi bày để hỏi ý kiến, thật hoàn toàn khác với những khuôn mặt "chằm vằm" của người Saigon ở Việt Nam.

Xin lỗi bạn đọc thật nhiều vì tôi cứ nhắc hoài những hình bóng ngày xưa. Quả thật quãng đường 40 năm của người Việt Nam với những kỷ niệm đã cũ, rất cũ, đã là của hôm qua. Và 40 năm lưu vong tị nạn nơi xứ người, cũng tưởng chừng như mới hôm qua. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Rồi tất cả sẽ qua, sẽ qua, sẽ là của quá khứ rộn ràng trong lòng mỗi người dân Việt.

Dù thế giới hiện giờ chưa được bình an dù chưa hoàn toàn hạnh phúc, nhưng có lẽ nào ta lại hờ hững với mùa xuân đang từng bước đến gần? Ở miền Đông lạnh giá mù sương này, tôi chỉ ao ước có một nhày nào đó được hưởng sự nồng ấm tình người, tình đất ở Cali, để thấy mình trẻ lại trong ngày Tết truyền thống, với văn hóa Saigon qua tiếng pháo mừng Xuân.

Với đồng hương, bằng hữu, gia đình ở Little Saigon Nam Cali, tôi xin gởi đến quý vị những tình cảm tốt đẹp, lời chúc mừng trân trọng nhất trong ngày đầu năm Ất Mùi 2015 này. Và, với Saigon lớn của tôi ngày xưa, tôi xin chào em, Saigon 40, và chỉ xin em, tha thiết xin em, chỉ một nụ cười.

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
23/02/201508:52:42
Khách
Tưởng như là chuyện của tôi....và tôi cũng chỉ xin em , một nụ cười.
16/02/201516:44:24
Khách
Thân quí chào chị Song Lam
Đọc bài chị viết , em thấy mình trong đó, nhất là con đường Bà Huyện Thanh Quan với đôi tà áo trắng, xin hân hạnh chào đại tỷ GL . Em có tấm hình chụp với chị đó, hôm VB phát giải VVNM vừa qua. Cám ơn chị đã cho em nhìn thấy lại một SG mới, để cùng nhớ tiếc SG 40 năm xưa . Chúc chị năm mới hạnh phúc+ sức khoẻ và bình an., nhất là viết thêm nhiều ..nhiều nữa .
em NA
11/02/201519:20:28
Khách
Bài viết hay quá. Đọc về Saigon Lớn thì rưng rưng nước mắt mà đọc về Saigon Nhỏ thì miệng lại mỉm cười. Tác giả viết đúng quá, chi tiết quá về cái Tết cổ truyền ở Tiểu Saigon. Chưa có noi nao ở hải ngoại mà các bà, cac co^ mặc áo dài nhiều như ở Tiểu SG vào dịp Tết, lễ, hội hè...
Cũng như tác giả, tôi cảm thấy thật xa lạ khi đứng giữa lòng SG, như một khách lạ chứ không phải đứa con xa quê về để thấy tâm hồn còn rung động với những đường phố xưa cũ....
Người chủ mới cu?a SG nhất định thay đổi SG để những thế hệ tiếp nối sẽ chỉ còn biết đến một SG thanh lịch qua những tấm bưu thiếp trước 1975, và theo thiển ý của tôi thì họ muốn xóa sổ Saigon, thủ đó của một nước VNCH của một thuở đã xa !
10/02/201520:33:05
Khách
Thank you Song Lam for this article. Your expression is very true to most of us who are living and visiting Saigon in the past
( before 1975) I went back in 1986 and at that time Saigon did not change much like you decribe now but I also felt we lost a lot of values and nice things in our Saigon in the past.
Street with trees along side walk in Tran Qui Cap, Ba Huyen Thanh Quan, Hong Thap , Tu, Cuong De etc... are forever in our minds with full of memoirs.
10/02/201518:22:10
Khách
Cám ơn cô SL về bài viết gợi nhiều cảm xúc. Dù đã tự nhắc rất nhiều lần, KhA vẫn thấy mấy mươi năm xa Saigon "cũng tưởng chừng như mới hôm qua"
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,669,319
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến