Hôm nay,  

Nghề Chiêu Dụ

18/01/201500:00:00(Xem: 15210)
Tác giả: Trần Du Sinh
Bài số 4440-14-29840vb8011815

Với bài "Lính Mỹ Gốc Nail" và 5 bài khác trong năm, tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Trần Du Sinh cho biết ông là một kỹ sư hàng hải, 37 tuổi, lớn lên khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa. "Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình, tôi có cơ may được học bổng của Liên Âu (EU) để hòan thành chương trình BA và MBA International Management." Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông đã hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại Học ợ Argosy, San Diego, và là một Phó Giám Đôc kỹ thuật hàng hải của Bộ Quốc Phòng Mỹ, hiện đang làm việc tại Á Châu. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Có hai nghề, đúng hơn là hai nhiệm vụ, được coi là khó khăn nhất trong Hải Quân Hoa Kỳ dành cho quân nhân hiện dịch (active duty).

Nghề thứ nhất là huấn nhục quân trường (Recruit Division Commander- RDC). Nghề này khó vì một quân nhân đã từng trải qua thời chuyển đổi khó khăn từ dân sự thành quân sự trong quá khứ, nay trở lại huấn nhục trường đóng vai phản diện, nói nôm na là đóng vai ác để huấn nhục những tân binh, mà trong số đó không thiếu những thanh niên quen được cha mẹ nuông chiều, vô kỉ luật, có người từng hút xách và có điểm chung là lười biếng. Đó là chưa kể dư âm của câu chuyện về một Thượng Sĩ huấn nhục bị bắn chết bởi một tân thủy quân lục chiến trong bộ phim "Full Metal Jacket" nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam mà hiếm có một quân nhân Hoa Kỳ nào không biết đến.

Nhiệm vụ của RDC là huấn luyện thể lực, kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội, lòng yêu nước, tính thượng tôn kỉ luật và quan trọng nhất là biến những thanh niên đến từ mọi thành phần gia đình và chủng tộc thành một quân nhân có nhân cách, niềm tự hào phụng sự quốc gia, trở thành một công dân tốt. Nhiệm vụ này không dễ dàng nên người quân nhân phải được sơ tuyển, từ ngoại hình cho tới lý lịch và thành tích phục vụ.

Nghề thứ hai là nghề tuyển mộ quân đội (military recruiter), mà nhiều người vẫn gọi là chiêu mộ, nhưng tôi lại thấy nó giống với chiêu dụ hơn. Một quân nhân trở về phố nhà nhận nhiệm vụ không phải lúc nào cũng đón nhận sự chào đón và cám ơn của dân địa phương mà đôi khi phải sẵn sàng chấp nhận sự ghẻ lạnh của những người chống chiến tranh, những người không có cảm tình với quân đội, và nhiều nhất vẫn là tân binh nghĩ rằng mình bị lừa đâm ra ghét tuyển mộ viên, chưa kể cha mẹ của tân binh trốn nhà đi lính hay không nghe lời cản ngăn của họ đâm ra đổ thừa người tuyển mộ. Tính ra nghề này cũng có rất nhiều thị phi.

Thế mà cũng thời gian này cách đây nhiều năm, tôi tự nguyện chọn cái nghề chăm ăn thứ hai này, vì thích được về làm việc ở gần nhà sau nhiều năm đi biển và nhiệm vụ ở hải ngoại. Vì là dân gốc Châu Á nên tôi được điều về Phố Tàu (Chinatown) của Los Angeles. Chẳng cần tốn nhiều thời gian khảo sát thị trường, tôi biết ngay là mình đã bị rơi vào xứ mù để tìm người chột. Người tiền nhiệm của tôi là một anh gốc Đại Lục (Mainland China). Anh không hoàn thành chỉ tiêu, dù anh nói tiếng Quan Thoại (Mandarin Chinese) rất chuẩn. Vào cái ngày bàn giao địa bàn, anh thú nhận với tôi một tin khá choáng. Anh nói: "Người Hoa ở đây toàn là Hoa gốc Việt và người Hoa tị nạn. Đa số họ không muốn con cái họ đi lính vì bị ám ảnh cuộc chiến Việt Nam. Tôi chúc anh may mắn." Một bầu trời u ám phủ đầy cửa sổ văn phòng suốt tuần lễ đầu tiên. Cái thị trường dân Châu Á từ màu vàng bỗng chuyển sang màu xám xỉn.

Theo lệ thì người tuyển mộ viên mới thường được cho du di vài tháng vì chưa có kinh nghiệm và cần thời gian để áp dụng kỹ năng bán hàng đặc biệt học được từ giáo trình của hãng tư vấn nhân sự Achieve Global nổi tiếng. Tuần đầu tiên, sếp đưa cho tôi danh sách học sinh trung học năm cuối để gọi làm quen, tôi chỉ chọn những cái họ Châu Á. Kết quả là, cứ một chục cú phôn gọi đi là có hết chín cú bị cúp ngang hông một cách thô lỗ và khiếm nhã với đại loại mấy câu trả lời nhát gừng như "No English", "Sorry I don't speak English" hay "No Navy", "No Army". Đa số người bắt phôn là người lớn tuổi đang ở nhà, thường là phụ huynh hay ông bà. Có một mẫu số chung là những người gốc tị nạn rất sợ chữ quân đội, vì nó gợi là quá khứ tị nạn chiến tranh và chính trị của họ.

Vậy là tôi chuyển qua những cái tên Mỹ. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Tôi lại tiếp tục bị cúp phôn vì nhiều người Mỹ không hiểu cách phát âm tiếng Mỹ (accent) của tôi, nhầm tưởng tôi là mấy tên tiếp thị lừa đảo gốc Châu Á, dù công bình mà nói, giọng của tôi đâu giống giọng của người Ấn Độ. Dịch vụ tiếp thị hay trả lời phôn của người Ấn mới làm cái accent Ấn Độ phổ biến hơn cái accent của người Trung Hoa, Hàn Quốc hay Việt Nam. Đây là ba sắc dân khiến người Mỹ không phân biệt được nên mới có câu nói đùa "Asians look alike" (Dân Á Châu ai cũng nhìn giống nhau). Chứ dân Ấn Độ mà đứng cạnh ba sắc dân này thì sẽ bị phát hiện ngay với nhiều lí do tế nhị, trong đó có mùi cà-ri mà tôi không hảo cho lắm.

Nản quá, tôi lục tìm danh sách những người đã từng được liên lạc bởi người tiền nhiệm nhưng không ghi danh đi lính. Tôi chọn một người mang họ Trần của tôi với lời ước thầm may mắn, tôi gọi anh là Lucky Trần. Lucky tốt nghiệp một trường trung học trên địa bàn, đang học đại học, đã từng có ý định đi lính nhưng vì lí do nào đó mà người tiền nhiệm của tôi không thuyết phục anh đặt bút ký cái khế ước bốn năm. Tôi nghĩ mình nên quên đi những kỹ năng chiêu dụ học được từ trường dạy tuyển mộ để làm quen với anh như một đồng hương Việt Nam.

Tôi gọi điện cho Lucky và may mắn là Lucky bắt máy. Tôi bắt đầu tìm hiểu những quan tâm của anh và nguyên nhân vì sao anh chưa đủ động lực để nhập ngũ và tại sao anh tiền nhiệm của tôi bỏ cuộc. Chúng tôi bắt đầu làm bạn, và tuần sau đó Lucky thi đậu kỳ thi tuyển và ký hợp đồng quân ngũ với nghề điện tử trong tàu ngầm. Tôi đã phá kỉ lục tuyển mộ trong toàn khu vực khi có hợp đồng đầu tiên trong vòng hai tuần kể từ ngày vào nghề, khi còn trong giai đoạn học việc. Lucky Trần chính là ngôi sao may mắn của tôi. Nhưng chưa hẳn là vậy vì vẫn có đồng nghiệp Mỹ nghi ngờ tôi đem họ hàng người thân vào để đạt chỉ tiêu, vì chúng tôi cùng mang họ Trần.

Dần dà rồi tôi cũng hiểu thêm về cái nghề này. Quân đội Mỹ chiêu mộ tân binh trên cơ sở tự nguyện, và để cổ võ lòng tự nguyện họ có nhiều cam kết quyền lợi để đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau. Một trong những quyền lợi thu hút tân binh gốc Á Châu là học bổng Post 9/11 GI Bill dành cho quân nhân sau khi phục vụ một khế ước tối thiểu 4 năm hay ngắn hơn nhưng phải giải ngũ vì lí do nhân đạo hay y tế. Học bổng này đảm bảo cựu quân nhân được học miễn phí ở các trường đại học công, và nếu học ở đại học tư thục thì Bộ Cựu Chiến Binh (Department of Veteran Affairs- VA) sẽ trả học phí tương đương với trường đại học công đắt nhất gần đó.

Thí dụ, nếu cựu chiến binh đi học ở đại học tư danh giá và đắt đỏ nhất nhì miền Nam Cali là USC (University of Southern California) thì chính phủ sẽ trả số tiền ngang với đại học công hàng đầu trong khu vực là UCLA (University of California in Los Angeles). Đó là chưa kể nhiều trường tư thục danh giá hàng đầu còn có chương trình Nơ Vàng (Yellow Ribbon) chỉ nhận số tiền bên VA trả và không lấy một xu nào của cựu quân nhân. Một đồng nghiệp sĩ quan của tôi mới giải ngũ được Harvard nhận vào học MBA với chương trình Nơ Vàng này. Nghe anh ta nói mà chân tôi muốn nhão ra vì khó tin nổi người bạn mình được nhận vào học Cao Học ở trường danh giá số một thế giới này mà không tốn thêm chút phí tổn nào.

Bên cạnh chuyện miễn hay bao học phí, cựu binh Mỹ còn được chu cấp hàng tháng số tiền học bổng trung bình từ 1500-2500 USD mỗi tháng, số tiền này thay đổi tuỳ vào mức sống xung quanh trường đại học. Thí dụ nếu học ở UCLA trên Los Angeles thì sẽ nhận trên dưới 2000 đô, nhưng nếu học ở New York thì có thể nhận từ 2500 tới 3000 đô. Cựu binh được nhận 36 tháng khi ghi danh học, nếu ngưng một học kỳ hay ngưng học thì học bổng này sẽ ngưng nhưng không mất đi mà chờ cựu binh trở lại trường.

Điểm đặc biệt của học bổng Post 9/11 GI Bill này là nếu phục vụ quân ngũ được 6 năm, quân nhân có thể sang tên học bổng này cho người phối ngẫu, và nếu phục vụ sau 10 năm, học có thể chuyển cho con cái. Đặc điểm này nhằm để đáp ứng thực tế là sau khi phục vụ quân ngũ 20 năm, quân nhân sẽ được nhận lương hưu cả đời, có khi quân nhân này không muốn đi học đại học và sẽ lãng phí cái học bổng này. Thực tế cho thấy, có nhiều quân nhân tham gia quân ngũ lúc 18 tuổi, sau khi tham gia quân ngũ 20 năm đã đủ tiêu chuẩn nhận lương hưu trọn đời bắt đầu từ tuổi 38. Người này có lựa chọn đi làm bên dân sự cho tới tuổi về hưu là 65, tức nhận hai đầu lương cho tới tuổi hưu bình thường. Suốt thời gian này, nhiều người không có nhu cầu đi học đại học nên cơ hội chuyển cho vợ con cũng chính là điểm hấp dẫn của binh nghiệp. Không biết có phải vì cách giải thích rõ ràng như vậy mà tôi có rất nhiều khách hàng Châu Á ghi danh nhập ngũ. Nhiều người vẫn thích cái ý tưởng "hi sinh đời bố củng cố đời con", dù mới ở tuổi đôi mươi. Có lẽ đây là một đặc tính của người Việt tin vào "nước mắt chảy xuôi" mà lo cho thế hệ sau.

Trong khi khách Châu Á thường nhắm vào chuyện học bổng đại học thì đa số khách da màu lại mong muốn thoát nghèo, thoát ra khỏi khu ổ chuột và được học một cái nghề trong quân đội. Nhiều em lớn lên ở khu ngoại ô có tỉ lệ tội phạm cao như South Central hay Inglewood gia nhập quân đội để khỏi rơi vào cách vòng lẩn quẩn thất nghiệp, nghèo và tù tội của cha anh.

Và đặc biệt khách da trắng thường có niềm tin nào đó khi gia nhập quân đội, và họ thường có tự hào gia đình và truyền thống quân ngũ, vì dù sao đa số quân nhân trong Hải Quân và các binh chủng khác vẫn là người Mỹ trắng. Có nhiều em con nhà khá giả nhưng muốn tòng quân để chứng minh điều gì đó, nên nếu người tuyển mộ tay mơ cứ đem quyền lợi giáo dục thông qua học bổng GI Bill mà chiêu dụ là coi như chở gỗ về rừng, vì con nhà giàu đâu có quan tâm nhiều tới học bổng giáo dục, cái quan tâm chính của chúng là bộ quân phục làm gia đình và bạn bè tự hào về chúng. Tôi đã thử nói về quyền lợi giáo dục và đã thấy tụi nó không quan tâm nhiều, nên đổi chiêu nói về quân phục và lòng tự hào là một phần của lịch sử quân đội (pride of belonging). Tính ra làm cái nghề chiêu dụ này chẳng khác gì làm dâu trăm họ, vì phải làm vui lòng thượng đế là những tân binh tương lai.

Nghề nào cũng có những vui buồn, và nghề trong quân đội cũng không ngoại lệ. Vui khi đi đón tân binh mới tuyên thệ sau khi kí hợp đồng về. Vui khi người tân binh hân hoan với cái nghề được chọn cùng với những háo hức của tuổi trẻ. Nhưng đôi khi niềm vui không che lấp nhiều nỗi buồn, mà nỗi buồn tê tái nhất là khi nhìn gương mặt tuyệt vọng của những em háo hức ghi danh nhưng rớt phần sức khoẻ vì bệnh tật hay cơ địa không phù hợp.

Có rất nhiều lí do để loại ứng viên ở mặt sức khoẻ, từ bệnh mãn tính, tim mạch, tiểu đường, tiền sử bệnh, tiền sử giải phẫu cho đến cân nặng. Có một em Việt Nam có lồng ngực mất cân bằng, dân gian gọi là ngực gà, bị loại nên khóc tức tưởi vì đứa bạn thân cùng lớp đã đậu sức khoẻ và đã tuyên thệ cùng ngày. Em đâu có biết là thống kê của quân đội cho thấy, chưa tới 30% dân số Mỹ từ độ tuổi 18 đến 35 đủ tiêu chuẩn gia nhập quân đội vì lí do sức khoẻ, trong đó trở ngại nhiều nhất là sự béo phì.

Nỗi buồn kế tiếp là khi chứng kiến sự tuyệt vọng của các em trẻ gốc Á Châu khi không được phép cha mẹ cho đăng lính. Có em lén ba mẹ đăng ký rồi cũng bị cha mẹ ép bỏ. Các em phải đến văn phòng với nét xấu hổ gượng gạo với những lí do vì sao em không đi. Đôi khi có em phải viện lí do nói xạo với vẻ xấu hổ không giấu được. Thường thì các bậc cha mẹ Á Châu chỉ muốn con mình vào đại học để trở thành bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, luật sư, kỹ sư hay cái gì nghe danh giá, chứ chữ đi lính dù sao nghe cũng bèo bọt. Những lúc như vậy, người tuyển mộ cũng thấy mình bèo bọt theo. May mà không phải phụ huynh Việt nào cũng như vậy, không thì tôi đã xin bỏ nghề nửa chừng, vì mục tiêu của tôi vẫn là tuyển mộ giới trẻ Việt để hướng cho họ con đường vào dòng chính của Hoa Kỳ sau này.

Có nhiều tân binh Việt với gia cảnh và đặc điểm cá nhân khiến tôi không thể nào quên cho tới tận bây giờ. Có một em mà khi tôi đưa về văn phòng nói chuyện, đồng nghiệp tôi nhìn nhau cười tủm tỉm vì không tin vào phép màu. Em là một thanh niên Việt nhỏ con, da dẻ xanh xao, ốm yếu, đeo kiếng cận, và đặc biệt e thẹn, ăn nói nhỏ nhẹ mà anh sếp tôi lúc đó không hiểu em nói gì khi tới chào hỏi. Đồng nghiệp tôi đặt cho em cái tên "The quiet Vietnamese" (Người Việt thầm lặng). Còn tôi thì gọi em với cái tên Vinny, cái tên gợi liên tưởng tới chữ "winning" (chiến thắng). Đây cũng là cái tên mà em muốn đổi qua một mai khi vào quốc tịch Hoa Kỳ.

Vinny mới qua định cư được khoảng 3-4 năm, học rất giỏi nhưng là học sinh cá biệt ở trường trung học vì nhà trường ngại em không hòa nhập được nên có tư vấn thường xuyên gặp em. Khi tới gặp cố vấn của trường, tôi còn được nghe thêm chữ "autism" (tự kỷ). Nhiều thầy cô giáo Mỹ tin là là em có bệnh tự kỷ.


Tìm hiểu kỹ tôi rất biết em sống nội tâm, ít giao tiếp với bạn bè, nói năng lại quá nhỏ nhẹ làm mọi người xung quanh nghĩ em có vấn đề về hội nhập vào trường học Mỹ. Riêng khi nói chuyện với tôi, em rất sắc nét với vẻ bình thường, tức nhiên là tôi phải tìm câu hỏi thích hợp để hỏi, và đương nhiên là phải dùng tiếng Việt để giao tiếp. Vinny thi đậu vào quân ngũ với điểm Toán và Anh Văn vào loại khá. Nhưng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là sức khoẻ, cái mà đồng nghiệp tôi không tin vào phép lạ. Lúc đó tôi có thử nói em hít đất vài cái thì em chỉ hít được hai cái, và cái tướng đi của em có dấu hiệu về xương vì dáng đi không quân bình, nghiêng về một bên vai.

Trong suốt ba năm tuyển mộ của tôi, Vinny là một ca khó, nói theo ngôn ngữ y khoa, vì em rớt kỳ kiểm tra y tế tới hai lần. Lần đầu là bị chân ngắn chân dài vì tướng đi của em quá rõ ràng là em lê chân về một phía. Tôi gần như bỏ cuộc, nhưng rồi đêm đó tôi cứ băn khoăn kiểu còn nước còn tát, vừa không muốn mất một hợp đồng, vừa muốn giúp em gặp bác sĩ chuyên về xương miễn phí vì gia cảnh của em lúc đó hơi khó khăn. Nhà có ba mẹ con, mẹ Vinny đi làm bán thời gian nền cần kiệm rất nhiều để nuôi em và em trai. Vậy là tôi làm hẹn bác sỹ xương cho Vinny. Ngày Vinny đi khám xương, tôi mừng hết lớn khi nghe bác sĩ xương nói trường hợp của em có thể miễn loại (waiver) vì chiều dài của hai chân không chênh lệch nhiều lắm, sau này nếu tập thể dục nhiều hơn và tập đi thẳng người thì sẽ khắc phục được. Vinny có bộ khung xương yếu nên mới đi nghiêng qua một bên, tạo cảm giác chân ngắn chân dài.

Thế nhưng niềm vui chẳng dài bằng gang tay khi lần thứ hai đi khám sức khoẻ, em lại bị đánh rớt vì vẹo cột sống. Tới đây là chấm hết, có thể đóng hồ sơ ở đây. Lúc đó đã gần qua năm mới, vừa lúc chúng tôi nghỉ phép, nên tôi đành tạm gác hồ sơ của em qua một bên.

Qua Tết, bẵng đi một thời gian tôi cũng quên mất Vinny cho đến một tháng khi chúng tôi có nguy cơ trượt chỉ tiêu vì chỉ còn vài ngày làm việc nữa mà lại thiếu một hợp đồng. Tôi rà soát lại hồ sơ ứng viên bị trượt sức khoẻ nhưng chưa chấm hết thì cái tên của em lại đứng đầu danh sách. Không hiểu tại sao tôi vẫn tin là cột sống của em bình thường, có lẽ tướng đi của em làm bác sĩ nghi em bị vẹo cột sống, biết đâu bác sĩ chuyên về cột sống lại cho là bình thường thì sao. Mà đi bác sĩ chuyên môn thường là bác sĩ ngoài nhưng quân đội trả tiền, còn bác sĩ khám sức khoẻ đi lính thường chỉ là bác sĩ đa khoa hay bác sĩ gia đình. Vậy là tôi lấy hẹn bác sĩ cột sống cho em. Và đúng là phép lạ, Vinny được chứng nhận bình thường và cuối cùng đã ký được hợp đồng đi lính, làm nghề kỹ thuật viên điện máy tàu, sau ba lần ra vào phòng khám sức khoẻ trong nhiều tháng.

Đúng là phải tin vào phép lạ, cái mà đồng nghiệp tôi đã từ chối để tin. Còn nữa, một tuần trước khi em lên đường đi huấn luyện, tôi hỏi em thử hít đất cho tôi coi. Em lặng lẽ nghe lời và gây sững sờ cho tôi và đồng nghiệp khi em hít đất được sáu chục cái. Con số 60 đi lên từ con số 2 trong một thời gian khá ngắn đã khiến sống lưng tôi lành lạnh lúc đó. Hình như trong em có một sức mạnh về tinh thần và niềm tin.

Giờ đây Vinny đã là một trung sĩ khoẻ mạnh, giỏi nghề, thăng tiến nhanh và đã gia hạn thêm quân ngũ sau khi hoàn thành bốn năm đầu tiên. Em cũng đã trở thành huyền thoại của văn phòng tuyển mộ ở trung tâm thành phố Los Angeles.

Một năm trải nghiệm vui buồn ở văn phòng ghi dấu một kỉ niệm khó quên. Có quá nhiều ngày tôi bước ra khỏi nhà lúc bảy giờ sáng nhưng về lại nhà chưa bao giờ trước bảy giờ tối. Có những ngày chở ứng viên đi vào khách sạn lúc mười giờ tối rồi đi đón một ứng viên khác lúc năm giờ sáng ở xa hàng trăm cây số để hai người kịp khám sức khỏe trước bảy giờ sáng. Nhiệm vụ bất khả thi đôi khi cũng phải biến nó thành khả thi để hoàn thành chỉ tiêu. Đó mới chính là đặc điểm của nhiệm vụ khó hàng đầu quân đội này.

Có những cái mất mà cũng có cái được. Cái được của tôi là nhờ ba năm làm nhiệm vụ này mà tôi thích ăn gà chiên, vì đó là món ăn trưa hợp lí nhất khi vừa lái xe vừa ăn, vì không có thời giờ vào nhà hàng ngồi xuống ăn một bữa trưa cho ra một bữa ăn. Gà chiên, bò húc và cà phê sữa là bữa ăn trưa chính. Còn ghế sofa mới là giường, vì về tới nhà vừa ăn tối vừa ngủ gục ngay trên sofa, nửa đêm giật mình vì lạnh lẽo rồi mới đi vào phòng ngủ thêm vài tiếng nữa. Đó là bức tranh nghề chiêu dụ trong năm đầu tiên. Để trả công, tôi được danh hiệu Tuyển Mộ Viên Mới Xuất Sắc Nhất trong năm (Rookie Recruiter of the Year).

Năm đầu tiên tuyển mộ của tôi trôi qua vật vờ như thế đó. Nửa năm sau, nhờ thành tích ổn định và chưa trượt chỉ tiêu lần nào, tôi được lên làm trưởng tuyển mộ văn phòng bên khu Phố Tàu mới (new Chinatown). Nơi đây có nhiều người Tàu di dân mới mới từ Hồng Kông, Đài Loan và cả Đại Lục.

Tôi không phải lái xe ngoài đường đến 4-5 tiếng một ngày như ngày xưa, tập trung làm việc văn phòng và quản lý nhiều hơn, ít khi đi gặp riêng ứng viên tại nhà nhưng vẫn chiếu cố đến ứng viên Việt Nam, vì hai người cấp dưới của tôi, một là người Việt gốc Hoa sanh ở Mỹ nói tiếng Quảng Đông, một là người Hoa gốc Quảng Châu nói rành hai thứ tiếng Quan Thoại và Quảng Đông nên tôi vẫn đảm trách phần khách Việt, dù khách Việt ở đây ít hơn khách Hoa rất nhiều. Đến năm thứ ba thì tôi thấy nản lòng với phụ huynh Việt, vì đa số họ vẫn cứ muốn con mình làm bác sĩ hay dược sĩ nên tôi không còn năn nỉ ỉ ôi nữa, mà chỉ buồn cho các em thế hệ hai không được thực hiện ước mơ riêng của mình. Chỉ mong em nếu học giỏi thành bác sĩ thì cũng làm được việc, nếu không lại làm bác sĩ bị ép chín thì phiền cho nhiều người khác. Sợ nhất là mấy em học xong bằng cử nhân khoa học mà không được nhận vào trường Y Dược Nha để rồi lang thang trong giảng đường với nhiều chuyên ngành chữa cháy khác, mà ba mẹ lỡ khoe với bạn bè họ hàng là con tôi đang học y tờ. Ca này rất phổ biến, vì tôi cũng từng đưa vào lính một em Việt Nam bơi trong trường gần sáu năm với mộng làm bác sĩ, cuối tuần quyết định đi lính để quân đội Mỹ trả giùm khoản nợ vay học phí. Ca này khó.

Ba năm làm tuyển mộ rồi cũng qua. Phải tốn một thời gian khá lâu thì tôi mới quên hẳn những chuyện buồn. Trở lại chiến thuyền với nhiệm sở mới và trách nhiệm mới, thời gian thoi đưa, tôi chỉ còn liên lạc được với vài em. Rồi vào buổi chiều Tạ Ơn, tôi nhận được cú phôn từ Virginia. Bên kia đầu dây là Jack Li, người mà tôi đã đưa vào lính với khá nhiều truân chuyên. Jack chúc mừng tôi mới nhận nhiệm sở mới. Chúng tôi hỏi thăm nhau về đời sống quân nhân, về những trải nghiệm, và cơ hội gặp lại, vì đời lính thủy rày đây mai đó. Trước khi gác phôn, Jack nói: "Thank you for putting me in the Navy. I have learned a lot. Without you, I'm still a spoiled kid in LA doing nothing, maybe in college but still spend my parents' money. I just made rank and I will buy my own car with my paycheck. I'm so proud of myself and thank you, Mr. Tran". (Cám ơn ông đã đưa tôi vào Hải Quân. Tôi đã học hỏi rất nhiều. Nếu không có ông thì tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ được nuông chiều ở Los Angeles không làm điều gì cả, có thể đi học đại học nhưng vẫn xài tiền của ba mẹ. Tôi mới lên chức và tôi sẽ mua xe bằng chính tiền lương của mình. Tôi rất tự hào về mình và xin cám ơn ông).

Ký ức lại hiện về. Tôi vẫn còn nhớ cậu bé này. Jack là đứa con độc nhất của cặp vợ chồng rất trẻ, nhìn rất sang trọng đến từ Thượng Hải. Tôi đoán họ có thẻ xanh nhờ vào đầu tư làm ăn tại Mỹ. Jack gia nhập lính bằng chiếc thẻ xanh khá mới. Sanh ra trong nhà khá giả nên nó trắng bốc, cao ráo và rất đẹp trai. Dù mới 17 tuổi nhưng Jack nằng nặc đòi đi lính.Theo luật, ứng viên 17 tuổi có thể gia nhập quân đội, nhưng phải có chữ ký đồng ý của cha mẹ nên phải tốn khá lâu chúng tôi mới có hai chữ ký đồng thuận này. Jack là hình ảnh phổ biến từ chính sách một con của Trung Cộng. Và tôi cũng gặp nhiều ca khó ở khu này, vì gần như 90% thanh niên Tàu di cư qua đều là con một. Đây cũng là thử thách không nhỏ với nhóm tuyển mộ chúng tôi.

Khi tìm hiểu động cơ nào khiến Jack nằng nặc đòi đi lính như vậy, tôi khá ngạc nhiên khi biết lí do chỉ là vì Jack muốn học tiếng Anh và văn hoá cho giống người Mỹ, vì đi học nó vẫn bị mấy đứa Tàu sanh ở Mỹ chọc ghẹo tiếng Anh FOB (Fresh off the Boat) của nó. Tôi cũng từng xấu hổ về tiếng Anh FOB của mình. Cái chữ này thường do tuổi trẻ Châu Á sanh ra ở Mỹ dùng để khinh thị và cười tiếng Anh có accent của người Châu Á sanh ra và lớn lên ngoài nước Mỹ. Một khi đã trưởng thành ngoài nước Mỹ đều nói tiếng Anh có giọng riêng, và đối với tụi Mỹ con thì giọng này quê mùa và gợi nhớ xuất xứ di dân, mà tụi nó dùng chữ "mới bước ra khỏi ghe tị nạn" (fresh off the boat).

Jack đang ở giai đoạn tự ái của di dân nên rất muốn học hỏi thêm tiếng Anh kiểu Mỹ và văn hoá Mỹ. Jack hay tới văn phòng của tôi trên chiếc xe Acura TL mới cứng, hay đem ly trà boba mà tôi thích uống. Tôi trả lại tiền mà nó không bao giờ chịu lấy, tôi nói đùa là nhờ nó chuyển lời cám ơn tới mẹ nó giùm, vì đây là tiền quà của mẹ nó cho. Mỗi lần như vậy, Jack chỉ cười trừ. Tôi biết Jack có rất nhiều tiền tiêu vặt. Mỗi khi tới chơi, Jack phụ tôi dọn dẹp văn phòng, quan trọng nhất là nó giúp tôi làm thông dịch cho mấy phụ huynh Tàu nói tiếng Quan Thoại, và quan trọng hơn là nó đi khắp trường trung học của nó quảng cáo về Hải Quân giùm tôi. Kết quả là nó chiêu dụ được năm đứa bạn cùng đi lính với nó, đưa nó lên vị trí tiểu đội trưởng danh dự, và tôi với tư cách là trưởng tuyển mộ, đưa văn phòng tôi đứng đầu khu vực về hợp đồng tuyển mộ với học sinh năm cuối trung học (senior) năm đó.

Điểm đặc biệt làm tôi để ý tới Jack là nó hay nói nó thích mặc quân phục ngồi làm việc văn phòng, và cứ năn nỉ tôi xin cái việc này cho nó. Thật là khó cho một người lớn lên ở ngoại quốc mà phải làm việc văn phòng, viết tiếng Anh chuẩn và nói chuyện điện thoại thường xuyên với người Mỹ nên tôi hơi lo cho Jack một mai đã ở trong quân đội với nghề đó, nhưng nhìn cái mặt thiết tha tội nghiệp như con cún con của nó mà tôi động lòng.

Tôi không đưa nó đi khám sức khỏe ngay vì biết nó sẽ đậu, nhưng một khi ứng viên đã đậu phần sức khoẻ thì phải chọn nghề phù hợp với điểm thi tuyển vào lính qua kỳ thi anh văn, toán và hướng nghiệp ASVAB (Armed Services Vocational Aptitude Battery) và ký hợp đồng ngay trong ngày, lỡ hôm đó không có quota cho nghề văn phòng thì khổ. Tôi ngâm hồ sơ ghi danh của nó ở văn phòng cho đến khi nào biết chắc là có quota cho vị trí văn phòng thì tôi mới gởi đi. Kết quả là năm đứa bạn của nó đã tuyên thệ xong, đang chờ ngày nhập ngũ mà nó vẫn chưa đi khám sức khỏe. Tôi sợ nó buồn, đồng thời cũng muốn trả công cho năm cái hợp đồng miễn phí mà nó đem lại cho tôi bằng cái nghề nó mong muốn. Đôi khi tôi nghĩ chắc nó tốn rất nhiều ly trà boba để chiêu dụ bạn bè nó. Jack chính là tuyển mộ viên nhí của chúng tôi.

Tôi còn nhớ cái buổi chiều khi tôi gọi điện báo cho nó là ngày mai có quota cho job văn phòng, nó ré lên sung sướng trong điện thoại. Cuối cùng thì nó cũng toại nguyện, nhận được hợp đồng bốn năm làm chuyên viên nhân sự (Personnel Specialist- PS) của Hải Quân. Sau này Jack tiết lộ bí mật riêng với tôi. Sở dĩ Jack khăng khăng đòi làm văn phòng vì đây là hợp đồng dân sự của Jack và ba mẹ và ông bà nội. Vì là con một và cháu đích tôn nên Jack cam kết với hai thế hệ lớn hơn trong gia đình là nó chỉ đi lính làm văn phòng chứ không làm bên tác chiến thì gia đình mới cho đi. Chắc nó cũng khóc hết nước mắt bao nhiêu lần, hèn chi mắt nó long lanh thấy lạ.

Mùa lễ Tạ Ơn năm nay, tôi được lời tạ ơn của cậu bé Thượng Hải. Âu thì cũng an ủi cho cái nghề chiêu dụ nhiều bạc bẽo này. Đôi khi để tự làm vui mình, tôi lại nhớ tới câu nói nổi tiếng của cố Tổng Thống Kennedy nói về thời gian phục vụ Hải Quân của ông trước khi trở thành tổng thống: "I can imagine no more rewarding a career. And any man who may be asked in this century what he did to make his life worthwhile, I think can respond with a good deal of pride and satisfaction: 'I served in the United States Navy." (Tôi không thể tưởng tượng ra một sự nghiệp nào tưởng thưởng hơn. Và trong thế kỉ này nếu một người được hỏi anh ta đã làm gì để cuộc sống của mình có ý nghĩa, tôi nghĩ anh ấy có thể trả lời với niềm tự hào và thoả mãn: Tôi đã phục vụ trong binh chủng Hải Quân Hoa Kỳ). Đây là câu nói mà hàng trăm ngàn quân nhân Hải Quân Mỹ đều thuộc nằm lòng.

Riêng tôi, nếu được hỏi rằng tôi đã làm gì để cuộc sống của mình có ý nghĩa, tôi sẽ ngẩng cao đầu để nói rằng: "Tôi đã đưa những con người tốt từ mọi ngóc ngách của xã hội đa chủng quốc vào Hải Quân Hoa Kỳ, trong đó có những người trẻ Châu Á và những người da đen từ khu bần cùng. Họ đã trở thành những người hùng của nước Mỹ."

Trần Du Sinh

Ý kiến bạn đọc
29/01/201504:16:16
Khách
@Thomas Nguyen:Thank you for reading my article. I cannot agree with you more. A few years ago, a Vietnamese pharmacy student, a mature man, choked his mother to dealth because he was depressed everyday. The main cause of depression was his mom who scolded and yelled at him almost every day just because he did not go to the medical school to be a doctor, not pharmacist, so she could brag with her friends. She told him that she was ashamed because her friend’s kids are doctors or would-be doctors. She represents the ugliness of our culture: bragging, envying, and money-driven. As a younger generation Vietnamese, we should not follow their path. This is also the message I would like us, younger generation, to get.
Vietnam today lies in the bottom of human civilization and the ugly side of Vietnamese culture plays a big role in getting our people there.
28/01/201516:21:16
Khách
Hello anh Sinh, I am second generation Vietnamese American , and I love reading your article. It reflects very closely the true feeling of the older generation Vietnamese American in hoping their children or grandchildren becoming doctors so they would brag about how bright and successful their kids were with their friends or new acquaintances. Bragging is ok but over bragging in the weedings, funerals, or parties sometimes could cause greatly annoyances. Thanks again anh Sinh for the courage of speaking out the truth so that people may aware and perhaps correct their behaviors. Best wishes to you and I am looking forward reading many more of your future articles.
25/01/201519:09:37
Khách
Có người không muốn đi giết người, bắn giết, dội bom nước khác trừ khi phải tự vệ bảo vệ nước mình từ sự xâm lăng của nước khác.
22/01/201520:57:57
Khách
Thank you for this article. You are very helpful to wrote this article for us reading. It is detail oriented. We just knew a little bit a bout the benefit of joining the army. We are very lucky to live in the United State of America where we have rights and responsibilities.
I admired you are young and you are grown up in the Communism country but you are sucessful in here ( USA) and you are open minded to see the right and the wrong between Capitalism and Communism countries.
Proud of you, a young Vietnamese with a very deepth thought and concern about Viet Namese youth in here ( USA.) Thanks.
21/01/201518:29:47
Khách
Cháu Sinh,
Cháu còn trẻ nên phản hồi tức khắc với sự tổn thương, tôi có thể thấy.
Cháu tự hào vì thể hiện được quyền tự do ngôn luận là viết những gì cháu nghĩ. Một số người viết không lên tiếng phúc đáp lời phản hồi của độc giả không có nghĩa là "Đôi khi nhiều người cầm bút ở xứ tự do cũng không tận hưởng cái quyền tự do này, vì họ sợ độc giả phê bình, chỉ trích hay thù ghét."
Một bài viết được tán thưởng không cần phải lý giải nhiều là tại sao tôi viết như vậy mà không viết thế kia, cháu ạ.
21/01/201503:25:20
Khách
Gởi độc giả Ngan:
Cám ơn bạn đã bỏ thời giờ ra để gõ vào những lời bình phẩm. Tôi tôn trọng ý kiến của bạn, vì nước Mỹ dạy ta điều này. Tự do ngôn luận và tự do bày tỏ ý kiến. Tôi đã thực hiện quyền tự do của mình, cái quyền mà nhiều người cầm bút bên Việt Nam không có được. Đôi khi nhiều người cầm bút ở xứ tự do cũng không tận hưởng cái quyền tự do này, vì họ sợ độc giả phê bình, chỉ trích hay thù ghét. Nếu người nào cầm bút mà nghĩ như vậy thì họ cũng sẽ giống với văn nô bồi bút xứ độc tài. Nếu bạn đọc xong bài viết của tôi mà nói tôi có thành kiến với gia đình có con học bác sĩ, dược sĩ thì có thể ngôn ngữ của tôi chưa đủ làm cho bạn hiểu thông điệp của tác giả. Tôi có nói là những phụ huynh ép con mình học bác sĩ để khoe mẽ với thiên hạ và để mau làm giàu. Chứ những người con có ước mơ làm bác sĩ cứu người thì đâu phải là đối tượng mà tôi nói đến. Chuyện bác sĩ Việt gian tham và phạm tội vì ham tiền đâu phải là chuyện hiếm. Tôi chỉ nói vài trường hợp chứ làm sao quơ đũa cả nắm được. Khi nói về vấn đề xã hội, không thể có con số chính xác hay bằng chứng như vấn đề khoa học được.
Nhưng dù sao cũng cám ơn là bạn có tự do bày tỏ quan điểm của mình. Bạn đã nói bài viết của tôi không có gì lắng đọng sau khi đọc mà cũng chịu khó ngồi gõ vài câu bình luận thì tôi cũng cám ơn rồi.
Không ai có thể làm dâu thiên hạ được nên tôi cũng không phải là ngoại lệ. Mong bạn vẫn còn đọc và ủng hộ Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo.
20/01/201520:03:24
Khách
Anh Du Sinh mến
Không nhất thiết tham gia quân đội thì mới có thể bảo vệ nước Mỹ hoặc phụng sự nước Mỹ như anh nói đâu. Anh có phần thành kiến với những gia đình Việt có con theo các ngành y tế rồi. Bác sĩ, nha sĩ thì cũng có người làm việc vì đồng tiền, còn lại thì họ là những người có trái tim muốn phục vụ chữa trị nỗi đau thể xác cho con người. Vậy thì tham gia quân đội cũng vậy thôi. Có những chàng trai nhập ngũ vì lý tưởng, nhưng có những chàng thanh niên vô quân đội cũng chỉ vì lời hứa được cho tiền học đại học nên giữa người nợ tiền trước rồi sau ra đi làm trả sau với người đi làm cho quân đội trước rồi có tiền đi học sau cũng chẳng khác là bao. Có những người trẻ mà cha mẹ ly dị, họ có một cuộc sống rất buồn phiền nên họ vào quân đội, thế thôi. Cuộc sống có nhiều khía cạnh để nhìn và nhận định. Anh ca ngợi quân đội quá mức nhưng vô tình lại dìm giá trị của quân đội khi cho rằng một số ngành nghề trí thức khác là cao hơn so với sự lựa chọn quân đội. Tôi thất vọng.
Đây là bài viết cho thấy ý kiến cá nhân của anh nhưng không phải là bài viết có một điều gì lắng đọng sau khi đọc.
20/01/201515:47:44
Khách
Tôi là Cung Nhật Thành, muốn liên lạc với Tác giả Trần Du Sinh và Cô/Ông Le Chi.

Nếu có thể được, xin email cho [email protected].
Cám ơn Tác giả Trần Du Sinh và Cô/Ông Le Chi.
20/01/201506:26:22
Khách
Bài rất chi tiét, đọc rất thú vi. Và hồi âm của tác giả thật chân thành! Tuỵet diẹu lắm.
19/01/201519:49:54
Khách
Tôi nghĩ ai cũng khen bài này!
Lâu lắm mới được đọc một bài thật xuất sắc!
本当に有り難う御座いました
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,252,069
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến