Hôm nay,  

Tiệm Phở Trong Xóm Mễ

07/01/201500:00:00(Xem: 13588)

Tác giả: Nguyễn Bích Thủy
Bài số 4432-14-29832vb4010715

Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Với bài "Con Thề Không Lấy Chồng Việt Nam", tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014.

* * *

Ngày nay Phở không còn là món ăn bình dân chỉ gói gọn trong lãnh thổ của đất nước Việt Nam nữa mà Phở đã theo bước chân của những người Việt lưu vong, bôn ba khắp nơi trên quả điạ cầu này. Tại mỗi nơi Phở có mặt thì mùi vị của nó cũng khang khác một chút dựa vào gu ẩm thực của mỗi vùng và cái “bí truyền” từng của người đầu bếp. Thêm vào đó, do vị trí thổ nhưỡng mà miếng thịt, cọng rau, mớ giá, bánh phở … cũng khác nhau nên tạo cho Phở thêm nét đa dạng. Nhưng sự khác biệt lớn nhất là từ trong nội tại của mỗi người Việt tha hương khi thưởng thức món Phở ở quê người hay tại quê nhà đã có nhiều đổi thay; nó biến thiên theo cùng vận nước và vận đời của họ!

Nhớ lại “thời bao cấp” ở Việt Nam ròng rã từ 1975 đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, đây là thời điểm đói khổ nhất của cả nước chỉ có bo bo, mì sợi, khoai bắp suốt nhiều năm liền. Trong xóm tôi có gánh hủ tiếu mì của dì Bảy mà mọi người hay gọi dì với cái tên thân thương là dì Bảy Mì. Dì bán nổi tiếng chẳng những ngon mà còn rẻ nhất vùng Cư Xá Phú Lâm A, nơi gia đình tôi đã dọn đến ở vào đầu năm 1975.

Từ sau cuộc đổi đời, mỗi buổi sáng chúng tôi đã trở thành khách hàng quen thuộc của dì Bảy. Nói nghe có vẻ “sang” quá nhưng thật ra mười người đến gánh của dì thì chỉ có chừng vài người có khả năng kêu một tô hủ tiếu mì “chính phẩm”, số còn lại trên tay ai cũng thủ sẵn vài ba vắt mì sợi khô của Tổ Dân Phố cung cấp bằng tem phiếu Sổ Gạo thời đó. Với hai hay ba vắt mì khô queo cứng ngắt đó qua bàn tay của dì Bảy “biến hóa” sẽ trở thành một tô mì thật hấp dẫn thêm vài lát thịt mỡ, nước lèo óng ánh và mớ hành, ngò, tiêu, rắt trên mặt là mọi người sẽ có được một bửa ăn sáng ấm lòng chắc dạ.

Kể đến đây có lẽ mọi người sẽ hiểu rằng Phở đối với tôi một thời gian dài đã trở thành món ăn rất xa xỉ, vì lúc đó ba mẹ tôi phải chạy ăn từng ngày để lo cho bốn đứa con của mình. Chỉ khi vào Đại Học Mỹ Thuật làm gia sư dạy vẽ cho thiếu nhi tại nhiều gia đình khá giả, tôi mới có cơ hội tập tành làm quen với mùi vị của những tiệm Phở quanh vùng Lăng Ông – Bà Chiểu gần trường. Rồi thì tôi cũng bắt đầu khám phá ra “Vương Quốc Phở” trên con đường Pasteur, các tiệm Phở trên đường Hiền Vương với những con gà luộc vàng óng treo tòn teng trong các tủ kính có sức mê hoặc lòng người.

Nhưng với tôi quán Phở ngon nhất vẫn là quán phở gần nhà bên Cư Xá Phú Lâm B. Đầu tiên, đó chỉ là một quán phở “lèo tèo” trong xóm với mục đích kiếm sống lây lất qua ngày, do chủ nhân là một người lính vốn không phải của “Bên Thắng Cuộc” nên khó xin việc làm trong thời buổi gạo châu củi quế. Nhưng rồi do nghề dạy nghề, biết cách “tiếp thị”, biết làm“vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” nên dần dần tiếng lành đồn xa chẳng bao lâu quán phở này đã trở nên nổi tiếng nhất vùng Phú Lâm của tôi. Họ đã “phất” lên thấy rõ. Sáng nào cũng vậy, từng tốp xe gắn máy tấp vào quán phở nườm nượp. Rồi từ quán phở ọp ẹp, thấp lè tè chẳng bao lâu sau họ đã “mua đứt” luôn căn bên cạnh cất lên ba từng lầu trông thật bề thế.

Đây có thể tạm gọi là Quán Phở Nhà của gia đình tôi vì vào mỗi buổi sáng sau khi tập dưỡng sinh ba mẹ tôi hay đến đây ăn sáng. Hầu như chủ quán và những phục vụ viên trong tiệm đều quen “nhẵn” mặt ba mẹ tôi và thuộc lòng khẩu vị của hai thực khách “ruột” này. Cứ mỗi lần thấy ba tôi đến là chủ quán hay nhắc con trai của mình:

- Nhớ thêm nước béo cho Bác Tám trai nha mậy!

Vào cuối tuần gia đình tôi hay kéo nhau đến quá phở này ăn sáng vì nó gần nhà, ngon và rẻ hơn so với những quán khác. Đặc biệt vào những buổi chiều mẹ tôi không được khỏe, bà chỉ nấu “sơ sài” một món mặn; em trai tôi chỉ cần xách xe chạy “xẹc một cái” là mang về một “gà mên” nước lèo với vài lát thịt bò tái, nạm… và hành ngò thơm lừng. Thế là cả nhà có ngay một món canh phở ăn với cơm ngon tuyệt!

Rồi ba mất đi để lại mẹ tôi một mình với biết bao kỷ niệm. Có lẽ cùng từ đó cho đến mãi sau này mẹ tôi đã không còn lui tới Quán Phở Nhà nữa, phần do già yếu phần do mỗi lần đến đó người ta lại vô tình gợi lại một nổi nhớ làm tim bà quặn thắt:

- Hiếm có ai thương vợ như Bác Tám trai. Khó kiếm cặp vợ chồng già nào hạnh phúc như hai Bác.

Giờ đây, mỗi khi thèm phở mẹ tôi thường sai con cháu mua đem về nhà mà không còn ra tiệm như xưa. Nhưng dù ăn một mình tại nhà, nhưng chắc chắn mẹ tôi cũng không bao giờ quên được tô phở với nhiều nước béo của người bạn đời đã từng đồng hành bên bà trong suốt năm mươi năm qua!

*

blank
Mặt tiền của Tiệm Phở trong xóm Mễ.

Phở là món ăn bình dân, dễ ăn nhưng lại không hề dễ nấu! Phở ở Sàigòn khác với Phở tại Huế và cũng không giống với Phở giữa lòng Hà Nội, ngay chính quê hương của Phở! Tại Hà Nội, nhiều quán Phở đã được lưu truyền đến ba đời và đã trở thành một nét đặc thù của người dân xứ “Bắc Kỳ” từ thập niên 40 của thế kỷ trước. Nhà văn Thạch Lam đã từng viết trong “Hà Nội Ba mươi Sáu Phố Phường” như sau:

Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon". Phở ngon phải là phở "cổ điển", nấu bằng thịt bò,"nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả", "rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ….

…Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối...."

Trong khi ấy Nguyễn Tuân, tác giả “Vang Bóng Một Thời” lại nói về Phở như sau:

“Mùa nắng ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt thắm tươi lại...”

Đầu năm 2000 có dịp ra Hà Nội chơi tôi mới chứng kiến tận mắt tại các quán Phở người ta thường có thói quen thêm một “thìa be bé” bột ngọt trên mặt các tô phở trước khi đem ra bàn cho thực khách. Vậy mà có người còn gọi vói theo:

- Cho thêm tí mì chính nữa Bác nhé!

Trước khi đi Mỹ định cư nghe bạn bè rủ rê tôi cũng có lần ghé vào tiệm Phở của một Việt Kiều mới mở ngay sát chợ Bến Thành, Quận 1. Với mô hình và cung cách phục vụ như-bên-Mỹ tiệm Phở này đã thu hút nhiều thực khách thuộc giới trung lưu. Với khung cảnh khá sang trọng với máy điều hòa không khí, cửa kính nên trông khác hẳn với những tiệm Phở “truyền thống” lúc bấy giờ. Giá cả của một tô phở ở đây cũng khá chênh lệch so với những nơi khác. Qua thông tin của báo chí tôi cũng được biết nhiều chính trị gia, nhiều người nổi tiếng và cả Tổng Thống Mỹ Bill Clinton đã có lần ghé tiệm phở này. Tuy nhiên theo những “tín đồ” của Phở đánh giá, đây chỉ là một trong những tiệm Phở nổi tiếng nhất Sàigòn nhưng chưa chắc đã là tiệm ngon nhất!!!

Thật tình mà nói tính đến thời điểm trước khi đi Mỹ tôi vẫn còn quá quen thuộc với cái không khí hầm hập của các quán phở bình dân trong xóm. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác khi vừa ăn xong đến miếng phở cuối cùng, bỏ đũa xuống thì chất cay nóng của tiêu, ớt, quế, gừng, hồi quyện lẫn vào nhau khiến cho mồ hôi từng giọt vắn dài… vậy mà thấy ngon lạ lùng! Chưa kể có khi đang cắm cuối thưởng thức tô phở của mình, đến lúc ngẩn mặt lên thì bắt gặp ánh mắt tha thiết như van lơn và giọng nói rụt rè đến tội nghiệp:

- Cô ơi! Làm ơn mua giúp cho con vài tờ vé số. Chiều nay sổ rồi cô ơi!

Và như quán tính tôi vội vã tìm cái bóp lấy tiền đưa cho cô bé, rồi nói:

- Thôi con giữ hết số tiền đi, cô không lấy vé số đâu.

Định nói thêm là cô không có thời gian để dò vé số; nhưng chưa kịp nói thì cô bé đã bước sang bàn bên cạnh còn tôi thì tiếp tục công việc đang bỏ dở của mình. Có lẽ cô bé kia và tôi đã quá quen với những tình huống như vậy!!!

Rồi tôi cũng đi Mỹ định cư vào tháng 4 năm 2000 tại một thị trấn nhỏ xíu có cái tên Leola, thuộc thành phố Lancaster của tiểu bang Pennsylvania. Đến lúc ấy, tôi vẫn chưa biết nấu ăn sao cho ngon và cũng chẳng biết làm các món cầu kỳ ngoài những thực đơn “nhanh, gọn” mỗi ngày cho chồng con. Thèm phở chúng tôi phải lái xe xuống thành phố Philadelphia hoặc Harrisburg cách nhà tôi một tiếng rưỡi hoặc 45 phút; tranh thủ vừa đi chợ vừa ghé vào một nhà hàng Việt Nam gần đó “làm” một tô phở, uống thêm một ly nước mía nữa là có đủ hương vị quê nhà!

Đến lúc mang bầu thằng con trai tôi chỉ thèm độc nhất một món Phở! Chị bạn đồng nghiệp người Việt Nam sang trước tôi ít năm theo diện HO thấy tội nghiệp đã tận tình chỉ cách nấu phở cho tôi còn kèm theo lời nhắn nhủ như sau:

- Qua đây ai cũng biết nấu phở hết em ơi! Dễ ợt thôi mà. Cứ nấu hoài sẽ có kinh nghiệm và bảo đảm em sẽ nấu ngon-hơn-tiệm!!

Quả thật chỉ sau vài lần nấu được nồi phở thành công tôi đã có ngay một “bí kíp” nấu phở cho riêng mình. Có thể nói đối với nhiều người món phở của tôi không đậm đà, không đặc sắc nhưng với chồng con tôi thì lúc nào nó cũng là “number one”. Có lẽ trong mỗi tô phở home made, nó luôn gói ghém cả một tình yêu chồng con của người phụ nữ trong đó nên bất cứ bà mẹ Việt Nam nào cũng có khả năng trở thành những nhà nấu phở tài ba nhất của gia đình họ vậy!

Tại bất kỳ thành phố lớn nào ở Mỹ, mọi người dễ dàng bắt gặp những cái tên khá quen thuộc như Phở Hòa, Phở Pasteur, Phở Xe Lửa, Phở Tàu Bay… làm gợi nhớ trong lòng người viễn xứ biết bao là kỷ niệm của một thời quá khứ đã xa! Những quán Phở của người Việt với hương vị khác nhau mà giá cả cũng không giống nhau! Có dạo ngày nào lái xe tôi cũng nghe trên radio quảng cáo ra rả có tiệm Phở mua 2 tặng 1. Sang Cali tại Little Sàigòn bắt gặp dòng chữ “Phở mua 1, tặng 1” khá hấp dẫn. Mà giá một tô phở bên Cali lại “nhỉnh” hơn tại Dallas – Texas một chút! Xem ra cuộc cạnh tranh giữa những chủ tiệm Phở cũng “căng thẳng” không thua gì các chủ tiệm Nail!

Đối với người Việt tại hải ngoại Phở là một sợi dây vô hình kết nối nhiều thế hệ trong gia đình lại với nhau. Một công dân tí hon người Mỹ gốc Việt bên này dù không biết nói rành tiếng mẹ đẻ nhưng vẫn yêu tha thiết Phở như bao đứa trẻ bên nhà. Không gì vui hơn khi thấy cảnh ba thế hệ cùng ngồi quay quần bên nhau giữa những tô phở đang bốc khói chuyện trò râm rang, có thể họ nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng vẫn đầm ấm một tình yêu gia đình và tình yêu phở dạt dào!


Tại Sàigòn muốn có một tô Phở vừa miệng người ta không ngại lái xe qua nhiều quận trong nội thành để đến tiệm Phở ưng ý. Ở Mỹ còn khó khăn hơn nhiều, từ dạo dọn xuống miền Nam Texas đã thử qua nhiều tiệm Phở nhưng cuối cùng chúng tôi cũng chỉ “kết” có mỗi tiệm Phở ở vùng Arlington, nơi có cộng đồng Việt Nam sinh sống cách nhà tôi khoảng 45 phút lái xe. Có thể tạm gọi đây là Quán Phở Nhà của tôi tại Mỹ vậy! Bởi mỗi khi bạn bè người thân từ Việt Nam sang hay từ tiểu bang khác, nước khác đến thăm chúng tôi đều đưa họ đến đây để thưởng thức món Phở “xứ mình” và đã nhận được sự khen ngợi hết lời.

Cái đặc biệt nhất của tiệm Phở này là dù tôi chỉ mới “dứt điểm” nồi phở ở nhà vài hôm trước, bụng bảo dạ sẽ chọn một món khác trong thực đơn để thay đổi; nhưng khi vừa đặt chân vào tiệm nghe mùi thơm lừng của Phở lan tỏa khắp gian phòng và nhìn mọi người chung quanh với đủ mọi sắc tộc: Mỹ trắng, Mỹ đen, Mễ, Việt Nam và cả dân Châu Á khác đang xì xụp với tô Phở bốc khói của họ, tôi và thằng con lại quyết định “Phở Tập Hai”. Thế mới biết cái hấp lực của tiệm Phở này rất khó cưỡng, vì nó đáp ứng được gu ẩm thực “đa quốc gia” của nhiều người yêu Phở! Đây quả là một việc không hề dễ làm chút nào!

Phải nói thêm Phở bên Mỹ có phần khác với Phở bên nhà vì nước dùng trong vắt do chủ nhân đã gạn sạch hết lớp sóng sánh của nước dùng để giúp thực khách giảm thiểu bệnh cao mỡ. Tô Phở bên đây nhìn cũng chất lượng hơn vì nó to hơn, nhiều thịt, nhiều bánh và cả nhiều nước hơn! Phụ nữ, trẻ em thường chỉ ăn tô nhỏ là vừa. Đàn ông, thanh niên thì cỡ tô lớn là đã no. Riêng tô đặc biệt chắc phải dành riêng cho các anh chàng Mỹ, Mễ mới “đủ đô”. Riêng những tiệm Phở tọa lạc trong khu vực của người bản xứ thường được nấu giảm bớt hương vị của hồi, quế, thảo quả để mùi Phở đừng quá gắt. Chính vì điểm này mà ngày nay nhiều nơi trên nước Mỹ, Phở cũng đã trở thành món ăn ưa thích của nhiều sắc dân, không còn độc quyền chỉ dành cho người Việt nữa.

Rồi tôi cũng về lại Sàigòn thăm gia đình. Quán Phở Nhà vẫn còn đấy, trẻ em bán vé số và cụ già ăn xin cũng chẳng ít đi chút nào. Mọi thứ gần như chẳng thay đổi gì cả chỉ có tự trong bản thân tôi đã có một sự thay đổi đến không ngờ! Tôi cảm nhận ra rằng dẫu một món ăn có ngon cách mấy, hấp dẫn cách mấy nhưng khi tâm tư tình cảm của người đang thưởng thức mang một cảm xúc nghèn nghẹn, nao lòng thì khó mà ăn thấy ngon trọn vẹn. Biết đến bao giờ trong những quán ăn ở Việt Nam hay tại vĩa hè, góc phố không còn những người già và em nhỏ sống lây lất bằng lòng trắc ẩn của khách thập phương. Vâng!!! Biết đến bao giờ?!

...

blank
Bên trong Tiệm Phở.

Cuộc đời tôi cứ ngỡ sẽ êm đềm trôi với những nồi phở “tự biên tự diễn” và Quán Phở Nhà; nhưng chuyện gì cũng có thể bất ngờ xảy ra, kể cả đó là chuyện của Phở! Một ngày thằng con đi học về chạy đến “báo cáo”:

- Mẹ! Cô giáo con nói có một quán Phở trên đường 77 gần tiệm Subway, mình đã đến đó ăn thử chưa? Cô hỏi vì biết con là người Việt Nam duy nhất trong trường.

Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không tin tưởng mấy với cái quán Phở mà cô giáo của thằng con vừa cho thông tin nhưng cũng gật gù qua loa nói cho nó vui:

- Mẹ không biết chuyện này, để mẹ hỏi lại xem sao rồi cả nhà mình sẽ đến đó ăn thử.

Tôi nghĩ bụng làm gì có tiệm Phở nào trong cái thành phố toàn Mễ, Mỹ đen, Mỹ trắng với chút ít Châu Á và chỉ có gia đình tôi là Việt Nam duy nhất sinh sống tại đây? Chắc có gì nhầm lẫn! Rồi tôi cũng nhanh chóng quên đi mẫu đối thoại trên vì có quá nhiều công việc phải lo nghĩ. Một thời gian sau, tại chỗ làm có anh bạn Mỹ trắng khá thân đã nói với tôi trong giờ break, giọng rất chân tình:

- Tôi đã thử qua món Phở của người Việt Nam rồi! Thật tuyệt vời!

Lần này tôi giật bắn cả người, cám ơn lời khen của anh bạn đồng nghiệp nhưng vội vàng hỏi tiếp liền:

- Quán đó ở đâu? Tôi đã nghe nói nhưng chưa biết chính xác chỗ nào?

Nghe anh bạn “định vị” xong tôi mới chưng hửng. Thôi đúng rồi! Chẳng còn sai chạy gì nữa. Tôi đem thuật lại cho ông xã nghe, không ngờ sự tò mò của anh xem chừng còn cao hơn tôi một bậc. Chỉ vài hôm sau, anh hớn hở bảo rằng:

- Sáng nay anh đến đó thử rồi, tiệm Phở Việt Nam mà chủ là Mexican còn đầu bếp là Philipine. Chuyện này lạ à nhen! Anh còn pha trò tiếp, đặc biệt là chữ Phở có bỏ dấu hỏi đàng hoàng, không biết dân trong cái town này có bao nhiêu người đọc được hay chỉ mình anh, em và thằng Toại thôi!?

Tôi tỉnh bơ hỏi lại cho chắc ăn:

- Quan trọng là có… giống Phở không?

Lần này anh nói có vẻ nghiêm túc hơn:

- Em phải đến đó mới biết, không xuất sắc nhưng bảo đảm ngon hơn quán X, quán Y mà mình đã ghé lúc trước. Đặc biệt là thực đơn viết bằng tiếng Việt và bán toàn món ăn Việt Nam thế mới… độc chớ!?

Một tiệm Phở Việt Nam mà chủ là Mễ thì cũng có thể chấp nhận được nhưng nếu đầu bếp là người Phi thì vô lý hết sức!? Họ biết gì về văn hóa ẩm thực của người mình mà lại đi nấu món ăn Việt Nam?! Bán tính bán nghi, thế là tôi đã quyết định đi một mình đến đó để “làm cho ra lẽ”. Hơn nữa đi một mình mới tập trung thưởng thức chính xác, không bị chi phối bởi người bên cạnh.

Tiệm Phở nằm trong một khu shoping center nhỏ nhưng tọa lạc ngay vị trí trung tâm của thành phố Waxahachie cách nhà tôi chừng năm phút lái xe. Trên đường đến đó, từđàng xa tôi đã thấy bảng hiệu PHỞ - Noodle Asian Cuisine được design rất mỹ thuật. Đây là lộ trình khá quen thuộc mà sao tôi không hề thấy. Kể cũng lạ thật. Có lẽ nó nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi chăng?! Tiệm Phở Việt Nam trong xóm Mễ. Chuyện này đáng ghi vô kỷ lục guinness của người Việt lắm chớ chẳng chơi! Trước khi vô tiệm tôi còn đứng lại khá lâu, chăm chú xem lịch mở cửa cẩn thận rồi mới bước vào.

Phía bên trong tiệm đang có một số khách ngồi rãi rác tại các bàn, một cặp đang đứng order thức ăn ở quày để mang về nhà, nhiều người đang đợi gọi tên để lấy hộp “to go” từ nhà bếp đem ra. Phải đến hơn năm phút sau thì cô Quản lý người Mễ mới đến bàn tôi, tíu tít nói lời xin lỗi vì bận tiếp khách. Tôi gọi ngay món Phở tái nạm tô nhỏ, thế cũng vừa đủ, nhưng vì muốn kiểm tra tài nấu nướng của đầu bếp nên tôi gọi thêm gỏi cuốn thịt nướng và một ly nước.

Cách nêm nếm của thịt nướng không khác gì tại các nhà hàng Việt Nam, đặc biệt có cả rau thơm được cuốn chung với bún, chấm với hỗn hợp Hoisin sauce và Peanut butter, đúng là gu của người Việt rồi. Sang đến Phở thì không còn sai chạy vào đâu, Phở ăn với giá sống, vài cọng quế bày trên đĩa có thêm lát chanh và ớt xanh kế bên. Mùi vị không “gắt” và đậm đà như những tô phở bán tại khu người Việt nhưng vẫn là hương vị Phở quá quen thuộc đây mà!

Ngay lúc ấy, cô quản lý đến hỏi thăm nói những lời xã giao, tôi liền bắt chuyện ngay và tự giới thiệu sơ qua về mình. Trong mẫu trao đổi ngắn tôi được biết tiệm Phở này do một người đàn ông Việt Nam tên T. Nguyễn làm chủ, hiện anh đang sống tại Dallas. Chính anh chàng Việt Nam này đã “truyền nghề” nấu phở cho cô người Phi Luật Tân và mướn cô Mễ làm quản lý cho tiệm của mình. Tôi như trút được hết cả “gánh tò mò” suốt mấy ngày liền. Ừ! Ít ra thì cũng phải vậy chớ?!

Trước khi ra về tôi có lưu lại vài chữ cho chủ tiệm và số cellphone của mình với nội dung cho biết tôi là gia đình Việt Nam duy nhất trong thành phố này, rất vui mừng hôm nay đã đến thưởng thức món Phở tại tiệm của T. Nguyễn và chúc cho công việc kinh doanh của anh luôn phát đạt. Tôi đã viết bằng tiếng Việt. Tối đó vào khoảng hơn chín giờ rưỡi người chủ tiệm đã gọi cho tôi anh bảo không ngờ gia đình tôi đang sống tại Waxahachie này! Anh cũng cho biết đã rời Việt Nam khoảng đầu thập niên 80 lúc được chín tuổi nhưng nhờ sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử nên anh nói và viết tiếng Việt khá sành; T. Nguyễn còn cho hay ngoài tiệm Phở này ra anh còn vài địa điểm khác ở các vùng lân cận.

Điều thú vị nhất mà tôi được anh cho biết thêm là hiện nay có một số người Mỹ trắng “sành điệu” đã chuyển sang chọn gu ẩm thực Việt Nam vì đã ngán ngại dầu mỡ và chất béo quá nhiều từ thức ăn của Chinese, Mexican hay American… Món ăn của người Việt đa phần đều có rau nên có nhiều chất xơ, ăn đỡ bị béo phì! Riêng các món soup dễ tiêu hóa và rất healthy. Đặc biệt vào mùa lạnh họ rất mê ăn Phở vì sau khi dùng thấy ấm áp và có nhiều năng lượng. Kết thúc buổi trò chuyện qua phone T. Nguyễn có nhã ý mời tôi đến phụ giúp cho tiệm Phở của anh vì đang thiếu người. Tôi đã vô cùng cảm kích, cám ơn người bạn trẻ và rất tiếc tôi quá bận rộn không thể giúp gì cho anh được. Tôi cũng không ngần ngại đánh giá cao công việc của anh đang làm, vì đã “đem Phở đi đánh xứ người”; một hình thức quảng bá món ăn truyền thống của Việt Nam trên đất khách.

Cuộc chuyện trò chỉ trong vòng có vài phút nhưng sau đó tôi đã cảm thấy vui suốt mấy hôm liền. Tôi nhớ hồi còn ở bên nhà, từng làm việc cho một công ty của Nhật Bản và được đồng nghiệp cho biết tại đất nước Phù Tang các nhà hàng của Việt Nam bán rất đắc và chỉ những người có tài chánh kha khá mới dám ghé vào. Người Nhật cũng đặc biệt yêu thích món Phở vì ngon bổ và dễ ăn. Ngày nay qua mạng truyền thông tôi được biết món Phở đã vươn dài ra nhiều quốc gia và nhiều Châu lục trên thế giới. Nghe thật vui làm sao!

Nhưng đó là chuyện ở đâu xa lơ, xa lắc. Tôi chỉ muốn nói về tiệm Phở trong xóm Mễ của mình! Với món Phở này và những món ăn thuần túy Việt Nam trong cái nhà hàng này chắc chắn đã làm phong phú thêm trong danh sách thực đơn và sự lựa chọn của người dân tại thành phố Waxahachie. Nhờ những người có công “đi khai phá” như T. Nguyễn mà biết đâu một ngày không xa món Phở của Việt Nam sẽ sánh vai cùng với Pizza, Spaghetti của Ý hay Tacos, Tamales của Mễ lan rộng khắp xứ sở cờ hoa này. Vâng! Biết đâu được!

*

Phở đã đi vào lòng người cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen từ những ngày còn nằm trong bụng mẹ cho đến những năm tháng về già. Buồn biết mấy nếu không có Phở vì nó đã trở thành quê hương, là kỷ niệm và là một phần đời của mỗi người Việt Nam chúng ta!

Một ngày nào đó trên đường thiên lý nếu tình cờ bạn có dịp đi ngang qua thành phố Waxahachie nơi tôi đang sống và bất giác thèm một tô Phở thì bạn đừng chần chờ, hãy tìm vào địa chỉ Google chắc chắn bạn sẽ có ngay một tô Phở nóng thơm lừng và những món ăn thuần túy rất…Việt Nam! Tôi cam đoan Phở ở đây sẽ không làm bạn thất vọng và đôi khi nó còn làm bạn cảm thấy vô cùng hãnh diện vì ở giữa một xóm Mễ xa lạ, “khỉ ho cò gáy” lại bất ngờ xuất diện một tiệm Phở thân thương của người Việt mình!

Nguyễn Bích Thuỷ

Ý kiến bạn đọc
10/01/202316:41:34
Khách
Good day!

You won't find a fluffier blanket elsewhere. Guaranteed.

Dogs and cats are the best snuggle buddies on unrelentingly cold days, but we need to keep our pets warm, too.

One simple way to keep them cozy is to use a heated blanket or bed, but pet parents have expressed concerns over the potential fire hazard, and also high energy cost!

That’s why we designed the blanket with special materials as a self-warming mat.

It includes a reflective thermal ​layer inside the plush faux lambswool quilt, making it an incredibly efficient (and affordable) way for pets to keep cozy.

As fellow cat or dog owners, we get you want the best for your friend.

The one thing we can wholeheartedly promise is that our blanket will change the way your pets relaxes and sleeps.

"You will find these blankets everywhere in my home when watching my channel ! Cleo absolutely LOVES this fleece blanket mat. He sat on it as soon as I unboxed the product. Perfect for winter and the cold season. 10/10 recommend!"

Diana Olson - Youtuber, Pets channel

<img src="https://www.levilands.com/wp-content/uploads/2022/11/img_9_Soft_Flannel_Thickened_Pet_Soft_Fleece_P-1.jpg" alt="heating pad" />

<a href="https://www.levilands.com/">Pet bed|pet blanket|pet mat|pet coshion|cat bed|cat blanket|cat mat|cat coshion|dog bed|dog blanket|dog mat|dog coshion|pet accesories|cat accesories|dog accesories|pet supplies|pet store|pet care|energy save|warm protection|warm blanket|warm mat|heating cotton|heating blanket|heating mat|Thermal Equipment|energy saving|heater|warmer|Heated Mattress|heating pad</a>:
https://www.levilands.com

Best Regards,
Janice
05/02/201503:39:00
Khách
Cám ơn những lời nhận xét, khích lệ và góp ý đầy chân tình của các độc giả : Phương-Ha, ly pham, HueDo, Thắng, Tony n, Phương. Riêng với bạn Binh Tran, bạn có thể vào cái link sau đây để biết được số điện thoại của tiệm Phở nói trên. Hy vọng người quản lý sẽ cho bạn thêm thông tin về T Nguyễn. Thật sự mà nói khi viết bài này tôi chỉ tình cờ nghe, thấy và cảm xúc tình cờ đến nên đã viết ra. Tôi không hề có ý định quảng cáo cho quán Phở của T Nguyễn. Tôi chỉ muốn quảng cáo cho món Phở của người Việt Nam mà thôi :)
Sau lần nói chuyện ngắn ngủi qua điện thoại đó tôi vẫn chưa có dịp gọi lại cho T Nguyễn để báo tin rằng tôi đã "đem" Quán Phở của anh lên VVNM và mong anh lượng thứ vì chưa hỏi qua ý kiến của anh :)
http://www.yelp.com/biz/ph%C3%B3-noodle-and-asian-cusine-waxahachie
20/01/201516:40:08
Khách
Bài viết cảm động, nhiều lỗi chính tả nhỏ đã không được ban biên tập sửa.
Sao cô ấy lại phải "tranh thủ" dùng từ cộng sản này trong bài viết của mình nhỉ? Các cháu sinh gần 1975 hay sau 1975 không biết từ "tranh thủ" là từ "đăng ký" độc quyền của CS, được nột cái là cô ấy đã không dùng tên đường mới mà vẫn dùng tên trước 1975.
Công bằng mà nói, ngay cả những người lên tiếng đả kích CS gay gắt nhất vẫn dùng những từ chỉ xuất hiện sau 1975, thế mới biết CS nồi sọ rất tải
19/01/201507:59:20
Khách
Thích quá !Viết rất hấp dẫn và có duyên! Tác giả có thể cho xin số phone của Ông T.Nguyễn, nếu không có gì trở ngại.Một lần nữa xin cám ơn tác giả vì khi đọc bài này vào lúc 3 giờ sáng,giờ của tiểu bang S. Carolina tôi có cảm giác như đang được thưởng thức một tô phở ngon tuyệt.
Trân trọng
19/01/201505:03:05
Khách
That la tuyet voi cho nguoi Viétnam o hai ngoai.
15/01/201523:27:37
Khách
Câu chuyện đã hay, người viết lại rất hay.... Cảm ơn tác giả.
12/01/201517:24:10
Khách
Đọc bài này xong là thèm Phở ngay!Bên Đức giờ đây hàng quán VN nào cũng có Phở.Người Đức,bgười Thổ.v..v. ăn Phở qua một lần là ghiền luôn.TG bây giờ nơi nào có người VN là nơi đó có Phở.Cám ơn vài viết gợi nhớ ẩm thực quê nhà !
10/01/201509:16:07
Khách
Hay và cảm động
09/01/201509:26:27
Khách
Đề tài nào Bích Thủy viết cũng rất gợi hình và truyền cảm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,098,499
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Năm 2016, bà nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ.
Với bút hiệu Trần Như Nguyện, tác giả hiện là phóng viên truyền thông cho một số báo Việt và Đài Truyền hình tại Hoa Kỳ. Định cư Mỹ 27 năm, nhưng đến 2017 lần đầu tiên tham gia Việt Báo và đã đoạt giải Đặc Biệt VVNM 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa, cơn bão Harvey ". Sau một năm vắng bóng, nay cô xuất hiện lại với bài viết thứ tư dự thi.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn. Bài đăng 2 kỳ, bắt đầu bằng “Chuyện Con Bé Tuổi Mùi”. Mong bà tiếp tục.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm trước khi ông còn ở Việt Nam và đã nhận giải đặc biệt 2005. Hiện tác giả đã an cư tại Hoa Kỳ và đây là bài thứ hai ông viết từ quê mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến