Hôm nay,  

Bà Trùm

29/11/201400:00:00(Xem: 19386)
Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 4397-14-29797vb7112914

Chuyện về một bà mẹ trong một nhà già tại Cali. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Tuy sống tại Pháp, bài viết của bà thường là những đề tài và khung cảnh đời sống Việt tại Mỹ.

* * *

Bà Trùm tíu tít,

- Cháu nhớ mang cho bác chiếc khăn choàng có hình tháp Eiffel nhé, ờ chốc nữa mình gặp nhau.

Cúp điện thoại, bà cười thầm, cụ Đầm mà choàng khăn Paris, chuyến này bà thành Tây thứ thiệt đấy.

Biết Ty sẽ đi du lịch Châu Âu, tháng trước bà đã đặt hàng cái khăn choàng như thế này,

- Cháu nhớ nhé, giống như chiếc khăn của bà Hậu phòng bên cạnh đấy.

Ban đầu Ty ngạc nhiên vì bà tự nhiên phát khiếp, làm như Ty là con cháu nhà bà, nhưng nghĩ lại bà đâu còn bao nhiêu năm để sống nên cô nàng không phiền, thà “có sao nói vậy người ơi” như bà lại dễ gần, dễ mến, dễ thân thiện.

Ty gác điện thoại hỏi Nhi,

- Đi chưa, bà Trùm sốt ruột chờ chiếc khăn của mình lắm rồi.

Nhi tỉnh bơ,

- Bà Trùm lúc nào chả thế, để mình lấy thêm bánh gìo cho các cụ, bồ mang mấy túi đồ ra xe trước đi.

Xe trực chỉ khu Nhà Già nơi mẹ Nhi sống đã ba năm, từ ngày bố qua đời.

Hai đứa vừa bước vào phòng, bà Trùm lăn xe đến bên Nhi cười cười,

- Đường xa đi mệt nhỉ, bà Thái này, các con đến rồi.

Bác Thái nhìn Ty ngơ ngác, cô nàng đến bên bác,

- Cháu có quà cho bác, tràng hạt và tượng Đức Mẹ ở Lộ Đức đây.

Bác nhíu mày, gật đầu nhưng ánh mắt dò hỏi khiến Ty buồn muốn khóc, trí nhớ của bác bắt đầu làm nũng rồi.

Ty ôm vai bác và thúc Nhi,

- Chụp cho mình tấm hình với bác đi.

Ty nghe mấy ngón tay bác Thái bấu vào vai mình, giọng run run,

- Ty ròm đó à.

Cô nàng ôm chầm lấy bác nước mắt chực trào, bác nhớ ra mình rồi, mà sao ánh mắt bác vẫn lạc thần.

Bà Trùm nhanh tay lăn xe đến bên hai đứa và nói,

- Nhi chụp hình bác với mẹ cháu, chốc nữa Ty chụp với bác thêm một tấm với chiếc khăn Paris nhé.

Nghe bà nhắc khéo, Ty lấy khăn ra, choàng lên vai bà, chờ bà chụp hình với bác Thái, Ty ôm bà để Nhi chụp hình.

Tay bà níu tay Ty,

- Cảm ơn Ty, lúc nào cháu cũng chìu bác.

Giọng bà hơi run, xúc động, vì được chiếc khăn hay được Ty ưu ái như bà nói, có lẽ cả hai.

Lần đầu vào thăm bác Thái, đang chải tóc cho bác, bà trùm từ ngoài lăn xe đến bên giường bác Thái lên tiếng,

- Cô Nhi đâu rồi nhỉ.

Ty quay lại,

- Chào cụ, Nhi đi nhúng khăn để lau mặt cho bác Thái.

- Thế cô tên gì, lần đầu đến đây nhỉ, bạn làm sao với Nhi?

Giọng bà sang sảng như phóng viên truyền hình đang phỏng vấn ai đó, Ty tuần tự trả lời theo trật tự của bà.

Sau đó bà giải thích tên Đầm của mình, bố bà cứ muốn bà “đầm thấm” (chắc ý bà định nói “đằm thắm”) mà có được đâu, giời sinh bà cứ liền tay liền chân, bây giờ phải ngồi xe lăn nhưng tay vẫn liến thoắng, như thế mới không phí đời.

Trên đường về Ty hỏi về gia cảnh của bà, Nhi tóm tắt, một mẹ một con trai, góa bụa ở vậy nuôi con từ khi chồng chết, bà “làm dâu” cho con dâu bao nhiêu năm nay, vậy mà khi bà bị đau hai đầu gối đi đứng không nỗi thì họ đẩy bà vào đây cho nhẹ gánh.

Ngày đầu vào đây, bà gọi nhân viên gốc Việt đến mở lời tâm sự,

- Tôi vào đây chắc chắn sẽ làm phiền anh chị đấy, tôi lại thẳng tính, nếu nói năng có phật lòng ai xin anh chị thông cảm và cứ bảo ban, tôi sẽ sửa sai.

Đã vào đây như cá nằm thớt, sớm hôm nhờ vả nhân viên lúc hữu sự, nên ai cũng đồng thanh, nhờ cô, nhờ chú giúp đỡ và bỏ qua cho những sai sót.

Bà có cái “đích cua” không giống ai, đã thế bà còn lân la từ phòng này sang phòng khác ra mắt mọi người như muốn đưa tín hiệu, bà tuy là ma mới nhưng khó nhai, không dễ bị ma cũ bắt nạt đâu.

Sau mấy đợt chữa trị dai dẳng không có kết quả, bác sĩ đành cắt luôn đôi chân để bà không còn đau đớn.

Từ bệnh viện trở về, bà triết lý,

- Có chân cũng như không, lê lết mãi mà có nhích được bao nhiêu đâu, giờ ngồi xe lại hay, lăn nhanh hơn đôi chân chuyên làm khó mình đến phát bực.

Bà biết đời mình đang rút ngắn đi như thân thể bà bây giờ, chỉ tiếc tấm thân không toàn, đâu còn cơ hội mặc áo dài chụp hình ba ngày xuân.

Thuở chưa bị cưa chân, mấy ngày Tết bà diện áo dài lân la từ phòng này sang phòng khác chúc tết mọi người, bà còn giữ mấy tấm hình làm kỷ niệm, dạo đó bà còn đẹp lão chán, bây giờ ngồi xe lăn đâm mất phong độ.

Nghe bà giải bày, Ty cười thầm, gần hui nhị tỳ mà bà đòi phong độ, đúng là bà Đầm, Tây mà đụng độ với bà chắc không toàn thân.

Cụ ông cụ bà vào đây ai cũng thấy đời tàn trong nhà già, bà Trùm làm cách mệnh, bà mang sinh khí cho mọi người với bản tính sinh động trời phú, bà đạo diễn và làm chủ tình hình cư dân gốc Việt không khó.

Bà đăng cai đại diện phe ta gặp gỡ cư dân Mỹ khi hữư sự, với dân Mễ bà tha hồ “to quơ“ nếu đồng hương yêu cầu, nhờ đó không khí trong này cũng bớt tẻ nhạt, Nhi đặt cho bà biệt danh “Bà Trùm” không ngoa chút nào.

Bà nắm lịch thăm nuôi các cụ đồng hương, nếu có người hờn con, giận cháu vì chúng ít thăm viếng, đến ngày hẹn bà làm nhân viên hòa giải.

Bà đã từng lên tiếng, tự nhiên như người nhà với con gái của bác Phiên,

- Bác bảo này, mi làm ông cụ tủi thân đến tội nghiệp, sao lại giao cho thằng Mỹ Tho mua Pizza cho ông, trong lúc ông thèm bát phở, chúng mày thật vô tình vô tâm quá.

Chị Yến bị bà trách mà không phiền lòng, trái lại còn quí bà hơn vì được bà cho biết sự thật, thì ra thằng nhóc mê thức ăn Ý nên cho ông ăn luôn một thể.

Con nít bên này đứa nào không rành tiếng Việt đều được bà cho biệt danh, thằng Mỹ Tho, con Mỹ Thuận, Mỹ lai...

Có con bé đút bà ngoại ăn cháo và hối,

- Bà ăn nhanh lên, con sắp đi đây.

Bà cụ mắc nghẹn đến ứa nước mắt, thấy cảnh tức người, bà phát cáu lên tiếng,

- Ô hay con bé Mỹ Thuận này, sao lại dục bà như thế, mi không thấy bà đang nuốt đó sao?

Con nhỏ ngạc nhiên nhìn bà,

- Con tên Cindy chứ không phải tên Mỹ... chi đó như bà nói đâu.

Bà nhăn nhó,

- Ối giời “Xin đi, Xin ở” gì cũng được, Việt Nam chính gốc không Mỹ Thuận là gì, mà thôi mi đi đi, để bà đút cho bà ngoại.

Con bé “thánh kiêu” bà rối rít và chuồn nhanh.

Bà lắc đầu vừa thương vừa giận, rồi lẩm bẩm, bà tên Đầm, sống hơn nửa thế kỷ vẫn chưa thành Tây nổi đây, mà sao lại Xin Đi, dân ta ai chả mơ thiên đàng xứ Mỹ, đến nơi rồi mà còn xin đi, bố mẹ chúng mày bạo thật.

Có người không thích tính tài lanh của bà nên không giao du với bà, vì họ nghĩ ở tuổi này, đâu cần phải có người dìu dắt như trẻ con. Giữ kẽ một lúc rồi họ cũng nhận thấy, nhờ bà tài lanh mới gỡ rối cho các cụ “ít nói” khi các cụ buồn con cháu mà không biết tỏ cùng ai.

Nhìn bà tất bật giải quyết chuyện người nhưng mấy ai hiểu, đêm về bà tủi phận hẩm hiu. Con cháu bà bận kế sinh nhai nên ít vào thăm bà.

Đến lượt bà giữ kẽ với đồng hương, sợ mất phong độ bà Trùm, nhưng khi không giữ cho riêng mình được nữa, bà tìm Ty trút bầu tâm sự, không quên thòng một câu giáo đầu,

- Bác biết cháu kín tiếng, lại quý bác nên bác mới kể cho cháu nghe.

Kiểu gài độ của bà làm Ty bị việt vị, coi như cô nàng trúng thầu trọn gói “tâm sự đời tui” của bà, “sống để bụng chết mang theo” để giữ sĩ diện cho bà, Ty phải tuyệt đối giữ bí mật.

Bà tâm sự, dạo mới bị đau chân, bà vẫn lo nhà cửa cơm nước cho con cháu, tội nghiệp vợ chồng thằng con tối mặt với công ăn việc làm, chiều về bù đầu dạy học cho các con.

Có hôm đôi chân hành hạ quá mức bà uống thuốc giảm đau, thế là đầu óc chập chờn như người mộng du, cơm khê cá khét, con cháu lãnh đạn, nuốt không trôi nhưng vẫn im lặng chịu trận.

Bà ray rứt lắm chưa biết tính sao, có đêm không ngủ được bà xuống bếp pha tách trà nóng, đi ngang phòng con trai, tiếng con dâu than phiền,

- Mẹ nấu cơm kiểu này tội cho các con, chúng nó sụt cân vì có ăn được gì đâu.

Con trai bà đề nghị,

- Để anh tìm người đến nấu cơm phụ mẹ.

Con dâu dẩy nẩy,

- Mình có thừa tiền đâu mà thuê người giúp việc, đưa mẹ vào nhà già là tiện nhất.

Bước nhanh về phòng mình, nước mắt hòa vào tách trà đang sóng sánh vì bước chân chập choạng của bà.

Bà là người nhạy cảm, tủi thân vì không còn hữu ích cho con cháu, chưa kịp thanh minh, chưa kịp xin rút lui thì con dâu đã nói một câu làm bà đau lòng khiến bà phải tự quyết định số phận của mình.

Bà cầm tay Ty, nước mắt lưng tròng,

- Buồn lắm Ty ạ, giá con dâu nó đề nghị giữ bác ở lại, bác vẫn tình nguyện ra đi, nhưng bác thấy vui vì con nó vẫn thương mình, đàng này...

Bà khóc ngất, Ty vuốt vai bà,

- Chuyện qua rồi bác quên đi cho vơi.

Hôm đó hai bác cháu ôm nhau mà khóc, chuyện đời bà cũng như bao cảnh đời của những vị cao niên thời nay, bị bỏ xó, bỏ quên hoặc bỏ luôn vì con cháu hội nhập quá nhanh với nếp sống mới mà quên các cụ chưa có đủ thời gian để định thần trước những biến động lớn trong đời.

Bà Trùm đi từ Bắc vào Nam, lìa nơi chôn nhau cắt rún, bỗng dưng bước vào vùng đất cò bay thẳng cánh nơi thiên hạ làm chơi ăn thiệt, bà thấy choáng ngợp và thương nhớ làng quê giá buốt có năm thất mùa của mình.

Mươi năm an cư lạc nghiệp, ông chết trận, lại một khúc quanh khác, buồn đau hơn dạo ông bà khăn gói lìa xa đất Bắc, và rồi một thân nuôi con khôn lớn.

Tháng Tư đen làm bà mất nhà, mẹ con dắt díu nhau đi vượt biên, đến được đất lành bà đau đáu trong lòng vì mộ của ông vẫn còn bên nhà, bà hẹn với lòng sẽ quay về bốc cốt của ông mang sang bên này.

Sau vài năm tất bật làm việc ngày đêm, mẹ con bà tậu một nóc gia nhỏ trong chung cư, cuộc sống mới an lành cứ tưởng như thế mà tiếp tục.

Ngày con trai bà lấy vợ cuộc đời bà một lần nữa rẽ qua một ngả mới, vui buồn lẫn lộn, chung sống với con cháu chưa tròn chục năm bà đổ bệnh.

Vào nhà già là đoạn đường cuối bà phải chọn nhưng bà không phiền trách các con, chỉ buồn cho thân phận hẩm hiu, vì con cháu bà chỉ đến thăm bà vài lần trong năm.

Nhìn đồng hương có con cháu vào ra liên tục, bà tự trách giá bà sinh năm ba đứa con như người ta giờ này đâu đến nỗi nhìn thiên hạ mà thèm thuồng.

Từ ngày nghe tâm sự đời bà, Ty không nỡ làm lơ nên nếu có dịp cô nàng đu theo Nhi vào thăm bà.

Hình như bà cũng cảm nhận tình cảm Ty dành cho bà nên khi nào Nhi đến một mình bà đều hỏi thăm Ty.

Có lần bà tâm sự với Nhi,

- Giá mà bác có cô con gái như Ty, chắc đời bác không buồn như thế này.

Sau khi kể lại cho Ty nghe, Nhi đắn đo hỏi,

- Hay bồ nhận bà Trùm làm mẹ nuôi.

Ty ngần ngại,

- Có đường đột quá không, tự dưng mẹ mẹ con con với cụ mình thấy ngượng, ngại thế nào ấy.

Nhi khuyến khích,

- Có phải tuyên thệ chi đâu mà bồ ngại, bồ theo mình vào chơi thường xuyên với cụ, lúc nào tiện thì bồ lên tiếng.

Nhi làm Ty suy tư, đó là một quyết định lớn, tuy cảm mến cụ, nhưng xem cụ như người thân trong gia đình mình, Ty chưa nghĩ đến, nhưng cô nàng hứa với Nhi sẽ tìm cách nói chuyện với bà Trùm.

Tuần này Ty theo xếp qua bờ Đông chuẫn bị khai trương trụ sở chi nhánh mới của hãng, Ty nhờ Nhi nhắn với bà Trùm, cô nàng sẽ không cùng Nhi đến thăm bà những ngày sắp tới.

Đến nơi được hai hôm, Nhi gọi qua cho Ty, giọng nghẹn ngào,

- Ty ơi bà Trùm sốt nặng, trong lúc mê man bà gọi tên bồ đó.

Ty bối rối,

- Thế bà đã đở chưa, người nhà có vào thăm bà?

Nhi run run,

- Họ đến thì đã muộn rồi, bà đã vào hôn mê, chắc bồ về không kịp đâu.

Ngày trở về đây Nhi đưa Ty đến viếng mộ bà, hình bà trên mộ bia tươi lắm, Ty mang cho bà bó Tulipe, bà mê và mơ đến xứ Hòa Lan nhưng bây giờ thì hết thật rồi.

Nhi đưa thư cho Ty, bức thư của bà Trùm hôm trở bệnh nặng, thư đầu tiên cũng là thư cuối cùng bà viết cho Ty.

Cháu Ty,

Bác viết thư này từ lâu rồi, biết sẽ có ngày bác cháu mình chia tay nhau nên bác đã chuẩn bị trước, định sẽ trao tận tay cháu, nhưng cháu bận đi công tác xa, đành nhờ Nhi chuyễn lại.

Nhi từng là cầu nối để bác cháu mình quen nhau, bây giờ cũng qua Nhi để bác đến với cháu một lần cuối.

Trước hết bác cảm ơn cháu đã lắng nghe bác tâm sự, có lúc cháu đã chịu đựng cách cư xử quá tự nhiên của bác, bác biết cháu quý bác nên sẽ không phiền trách bác, nhưng bác vẫn xin lỗi cháu cho phải phép cháu nhé.

Bác phải cảm ơn Nhi đã mang cháu đến với bác, đôi khi lầm lẫn bác ngỡ cháu là con mình, bác vui lắm, tối đến bác mơ, giá cháu là con gái của bác thật, cũng chỉ là mơ thôi chứ cháu có cha mẹ hẳn hoi làm sao bác có thể với tới ước mơ này.

Nước mắt nhạt nhòa, Ty ôm bức thư trước ngực, Ty tự trách, nếu biết có ngày này, ngày đó chắc cô nàng đã không nỡ để bà phải ước mơ, và tự trách sao mình có thể khách sáo, giữ kẽ vớ vẩn thế này.

Tình cảm cho đi là món quà mình nhận được, ai đã nói câu chí lý đó không quan trọng, cái chính là Ty đã quá vô tình với bà, trách con cháu bà hờ hững, sao Ty không thấy mình còn tệ hơn họ.

Nhi ôm vai Ty, an ủi,

- Bồ có duyên gặp bác nhưng tình thì chưa tới, cũng là phần số, mình tin bác không giận bồ đâu. Mà này bồ có biết bác ấy đã làm một việc tuyệt vời không, đẹp như mơ ấy, nhưng là chuyện có thật chứ không hư ảo như “giấc mộng con” nhận bồ làm con gái đâu nhé.

Bà để lại gia tài vài ngàn đô la cho tổ chức từ thiện để giúp đở người khác, số tiền này có là bao so với những gì bà nhận được từ quê hương thứ hai này, con cháu bà chúng nó sẽ hiểu nghĩa cử này và hãnh diện vì bà.

Bà Trùm ngồi xe lăn, lanh chanh lo chuyện thiên hạ, những việc cỏn con, nhưng cuối đời bà đã làm chuyện lớn, bà không quên tri ân xứ Mỹ trước khi ra đi, một ngày nương thân đã là Ân Tình, làm sao quên được.

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
04/12/201418:39:10
Khách
Chào bạn WoWang,
Cảm ơn bạn đã bỏ thời gian đọc bài và góp ý.
Hẹn bạn ở một bài viết khác, vui hơn.
02/12/201420:53:01
Khách
Truyện hay và cảm động. Cám ơn tác giả đã chia sẻ!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,966
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến