Hôm nay,  

Hãy Chọn Một Kết Thúc

24/09/201400:00:00(Xem: 14727)

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 4339-14-29738v4092414

Bồ Tùng Ma là bút hiệu của Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH, từng là hạm trưởng và chỉ huy ngành chiến tranh chính trị của Sở Phòng Vệ Duyên Hải VNCH. Sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Ông từng nhận các giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2001, giải Việt Bút 2008, và là tác giả được bạn đọc, bạn viết đặc biệt quí trọng. Từ 5 năm qua, ông là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" Viết Về Nước Mỹ, nhưng hàng năm vẫn tiếp tục góp bài, nói là "cho vui". Sau đây là bài góp mới nhất.

* * *

Viết thay một người bạn.

Khoảng một năm sau khi vợ tôi tỏ vẻ lạnh nhạt với tôi trong việc chăn gối tôi có ý định tìm một người bạn gái. Vợ tôi phong phanh biết chuyện này nhưng bà ấy không mấy quan tâm. Bà ấy không nói ra nhưng tôi biết tôi phải xử sự thế nào cho kín đáo nhất là đừng để đứa con gái, đứa con độc nhất của chúng tôi biết. Có mấy người bạn thân bảo tôi nên về Việt Nam tìm. Tôi nghĩ tôi đâu có đi tìm vợ mà phải lặn lội xa xôi như vậy, mà tìm được rồi thì sao, để bạn tôi ở lại quê nhà cũng không ổn, mà đem qua Mỹ cũng không xong. Nhưng cuối cùng tôi cũng quyết định về Việt Nam một chuyến. Tôi về Việt Nam mục đích chính không phải để tìm bạn gái, mà vì đã lâu không về thăm vợ chồng anh chị tôi, những người tôi rất quý mến.

Đó là vào năm 2009. Tôi về Việt Nam ở nhà anh chị tôi tại đường Phan Xích Long, một con đường mới mở, có lề đường rộng cả hai bên, có bóng cây mát, ít xe cộ, không ồn ào. Buổi sáng sau khi đi bộ dọc theo con đường này tôi đến một tiệm cà phê có cái tên hình như là U Don. Nơi đây tôi gặp một số phụ nữ ở lứa tuổi trên dưới 40, nghĩa là kém hơn tôi chừng 10 tuổi. Họ đến đây sau khi tập thể dục, đánh quần vợt hay cầu lông. Chúng tôi làm quen với nhau và chuyện trò thân mật như đã biết nhau từ lâu. Qua những câu chuyện, tôi thấy họ có học thức nhưng mù mờ chính trị, lịch sử, văn chương... nên những đề tài họ nói chỉ loanh quanh chuyện gia đình, con cái, việc làm..., những chuyện không mấy thích hợp với tôi. Nhưng sau đó có một bà ở trong một hội phụ nữ đề cập đến việc ly hôn tôi nghe hay hay, nên còn nhớ đến hôm nay. Bà ta cho rằng khó biết được ai muốn ly hôn trước. Có thể người này muốn thôi người kia vì thấy người kia cũng muốn thôi mình. Tình yêu như sợi giây cao su hai người cùng kéo căng, người bị đau luôn luôn là kẻ không chịu buông tay. Do đó có người sợ đau đã buông tay tước, chứ chưa hẳn muốn ly hôn.

Một ngày nọ tôi chú ý đến một cô trẻ đẹp nhất trong đám này mà mấy lần trước tôi chưa hề thấy cô đến đây. Cô có vẻ lạc lõng ở chỗ này. Cô chỉ ngồi nghe, không bao giờ lên tiếng. Có lẽ cô không nói gì cả nên trông dễ chịu hơn những người khác. Lần thứ nhì gặp cô cũng vậy. Im lặng. Cô đi theo một người hình như là chị và lúc nào cũng ngồi bên người ấy. Tôi tò mò hỏi cô chủ quán về cái "cô im lặng" đó. Cô chủ quán nói:

- Bộ anh chưa biết Thủy sao? Con nhỏ bị mất tiếng. Khi nó nói giống như mèo cái kêu lúc nửa khuya.

- À, thì ra là vậy

Tôi đã xin được số điện thoại di động của Thủy qua cô chủ quán. Tôi muốn làm quen với Thủy vì tò mò, chứ không phải vì cái gì khác hơn. Nghe cô chủ quán nói "giống như mèo cái kêu lúc nửa khuya" tôi đã sợ rồi. Hồi nhỏ tôi từng nghe tiếng mèo cái kêu. Sau những tiếng chân chạy sột soạt trên mái nhà, chúng rú lên như ma quỷ từ dưới âm ty. Tôi đã trùm mền suốt đêm dù trời rất nóng.

Tôi lấy điện thoại nhắn một tin cộc lốc vì sợ nhắn nhiều tôi có thể đổi ý:

- Xin lỗi nghe.

- Xin lỗi, ai vậy?

- Tôi ngồi gần cô chủ quán đây này.

- Em biết ngay mà.

- Biết mà còn hỏi. Anh hỏi có hơi đường đột. Sao lần nào em cũng đi một mình vậy?

- Em đi một mình hồi nào? Em đi với chị em mà.

- Anh muốn nói đi với...chồng.

- Ở đây có ai đi với chồng đâu. Cánh phụ nữ với nhau nói chuyện tự nhiên hơn. Mấy anh cũng vậy chứ!

- Em nói phải. Vậy là em có chồng mà không đem theo.

- Không phải vậy. Em có bạn trai, nhưng đang giận, lần này giận luôn.

Tôi vừa bấm máy vừa cười:

- Nếu giận luôn, sao không tìm bạn khác.

- Em đang tìm. Anh giới thiệu đi!

- Anh không quen ai ở Việt Nam.

- Bộ anh không quen ai ở Mỹ sao?

- Dĩ nhiên có.

- Anh giới thiệu đi. Em muốn qua Mỹ.

- Anh sẽ cố gắng. Anh hứa.

Tôi nghĩ đến Tu, anh chàng vừa bị vợ bỏ, đang muốn tìm vợ gấp. Tôi có việc giao dịch với một dịch vụ di trú tư nhân nên đã gặp Tu ở đây. Tu 45 tuổi, hơi xấu trai, nhưng có công ăn việc làm và tánh tình cởi mở.

Trở về Mỹ tôi giới thiệu Thủy cho Tu. Tôi cho Tu biết Thủy khá đẹp, tính tình hiền hậu, không quên nói thêm về khuyết tật của cô ta. Tu cười:

- Miễn là cô ta đẹp và hiền. Cô ta không nói càng tốt, khỏi gây nhau. Mà bệnh mất tiếng cũng có thể chửa được. Sau khi liên lạc, nếu hợp, em sẽ tiến hành việc này ngay.

Tôi biết Tu nói thật tình, vì anh ta muốn đem Thủy qua sớm để "trả thù" người vợ cũ. Tôi đã cho cả Tu và Thủy biết địa chỉ email, điện thoại của của nhau

Tôi lại đi gặp Hoàng, cháu gọi tôi bằng cậu, bác sĩ chuyên khoa về tai, mũi, họng. Cậu ta tốt nghiệp từ Đại Học Y Khoa Sài Gòn và sau này từ USC. Tôi muốn hỏi Hoàng về việc mất tiếng của Thủy, mong có thể giúp Thủy được phần nào. Tuy Hoàng là bác sĩ Tây Y nhưng rất thích nghiên cứu Đông Y. Mỗi lần ai hỏi về bệnh tật cậu ta thường nói đến Đông Y trước, sau mới nói đến Tây Y. Nghe Hoàng nói về Đông Y có người cứ tưởng cậu ta là thầy thuốc bắc. Lần này cũng vậy, Hoàng thao thao bất tuyệt:

- Chắc cậu muốn nói về trạng thái âm thanh không phát ra được như bình thường. Nếu đột nhiên mất tiếng, gọi là Cấp Hầu Âm, bệnh kéo dài lâu ngày gọi là Mạn Hầu Âm. Tuỳ mức độ có thể khàn giọng hoặc mất tiếng hẳn. Mất tiếng thường do bệnh ngoại cảm nhưng cũng có thể là bệnh nội thương do tạng phủ suy nhược. Sách Trực Chỉ Phương viết: "Phế là cửa ngõ của thanh âm, Thận là gốc của thanh âm".

Như vậy tắt hay mất giọng có liên quan đến Phế và Thận.

Tôi sốt ruột nói:

- Cậu muốn hỏi chữa khỏi bệnh mất tiếng có tốn nhiều tiền không?

- Không tốn bao nhiêu đâu.

- Khoảng bao nhiêu?

- Tùy bệnh trạng. Con sẽ trả lời sau.

- Chữa theo Đông Y hả?

- Không, chữa theo Tây Y chớ!

Tôi nói đùa:

- Vậy mà cậu tưởng David cho bệnh nhân uống thuốc bắc.

David cười tiễn tôi ra cửa.

Tôi đã giới thiệu Bác sĩ Hoàng với Tu nhưng sau đó vì bận việc, tôi cũng không tìm hiểu việc chữa trị đã tiến triển như thế nào.

Tôi được tin Thủy đến Mỹ một thời gian không lâu sau đó. Tôi nhận được email của cô thông báo việc này. Sau thông báo và những lời thăm hỏi, Thủy nói hồi ở Việt Nam cô biết tôi muốn tìm bạn, nay tôi đã có ai chưa, nếu chưa Thủy sẽ giới thiệu cho tôi một người. Người này lớn hơn cô chừng 5 tuổi.

- Anh đang chờ em trả ơn anh. Bây giờ được tin em anh mừng lắm. Nhưng em biết tình trạng gia đình của anh thế nào mà dám đòi giới thiệu.

- Còn anh thì biết tình trạng gia đình của em thế nào mà "đem" em qua đây đươc?

Tôi đoán có lẽ Trinh đã cho Thủy biết về tôi. Không những Thủy biết mà các bà ở tiệm cà phê U Don có thể cũng biết. Hồi mới chân ướt chân ráo về Việt Nam tôi có quen một bà ly dị chồng tên Trinh. Tôi thử nói về tình trạng gia đình tôi, bà ấy đã từ chối:

- Cứ cho là anh nói thật đi. Chị ấy không ghen. Nhưng anh đem em qua bằng cách nào? Anh có chịu về đây với em không? Lâu lâu về một lần em không chịu đâu.

Thật ra tôi chỉ muốn đùa, nhưng luýnh quýnh không biết trả lời sao.

Tôi hỏi Thủy:

- Có phải Trinh nói lại với em không? Trinh ở đường Hoàng Văn Thụ.

- Dạ phải.

- Tình trạng gia đình anh như vậy đó. Em nói với chị bạn của em phải suy nghĩ kỹ trước khi gặp anh.

- Dạ

Đúng như đã hứa, Thủy giới thiệu cho tôi một người mà tôi sắp kể sau đây. Người này đã lưu lại trong đời tôi một ấn tượng sâu sắc.

Theo chỉ dẫn của Thủy tôi hẹn gặp Kim Lan tại tiệm ăn El Pollo Loco ở Rosemead, không cách xa nhà Kim Lan bao nhiêu. Tôi cảm thấy hồi hộp như hồi còn đi học hẹn với bạn gái. Tôi nghĩ rằng ngay cả khi chuyện hẹn hò không đi đến đâu nhưng cũng có được cái cảm giác như hồi còn trẻ: Có chút hồi hộp, có chút lo lắng, có chút sợ sợ... Tôi ngồi đợi chừng 5 phút thì một cô bước vào. Cô ta trên dưới 40, có thân hình đẹp, nhưng vẻ mặt trông hơi khó chịu. Vậy mà khi nhìn hai bàn tay của cô vừa đặt lên mép bàn tôi cảm thấy xúc động. Đôi bàn tay thật đẹp.

- Đợi lâu không...chú?

Tôi đâm ra bực mình:

- Kim Lan hả? Sao lại... chú?

- Chuyện nhỏ.

- Em dùng gì?

- Anh ăn chưa? Nếu ăn rồi thì thôi, mình đi.

Tôi thấy cụt hứng nhưng vẫn mời cô lên xe. Tôi cho xe lên freeway 10 đi về phía Thành phố Los Angeles. Đến gần Freeway 101 tôi liếc nhìn Kim Lan vừa lúc cô định nói gì đó nhưng rồi không nói. Tôi cho xe vào freeway 101 hướng Hollywood. Cả hai cùng im lặng. Đến Hollywood tôi xuống đường Vermont rồi lại lên Freeway 101 đi trở lại Los Angeles.

- Đi đâu vậy?

- Em muốn đi đâu?

- Oh, my God!

- Anh hỏi em muốn đi đâu mà.

Kim Lan không trả lời. Khi xe đến Rosemead, ngang qua tiệm ăn El Pollo Loco, cô nói hơi lớn:

- Cho xuống đây đi!

Tôi dừng xe. Kim Lan bước xuống đi vào một con đường nhỏ. Nhìn cái mông tròn trịa không chịu nằm yên trong mỗi bước đi, tôi cầm lòng không đậu, định gọi cô. Tôi tin rằng tôi có nhiều cách nói, để cô trở lại, leo lên xe...Tôi có thể nói: "Anh xin lỗi em. Em có vẻ nghiêm trang, làm anh ngại". Sau đó tôi có thể nhập đề ngay: "Em có thể cùng anh đi chơi cho đến ngày mai không?" v.v...Tôi tin rằng cô sẽ không từ chối. Nhưng tôi lại đỏi ý, nói với theo:

- Bye nghe!

Kim Lan không đáp, cũng không xoay mặt lai, chỉ đưa tay chào tôi...sau lung.

Tôi trở về nhà, chán ngán. Chắc suốt cả cuộc đời còn lại của tôi, khó tìm ra được một người đàn bà như vợ tôi dù là một người vợ có khiếm khuyết.

Đêm hôm đó nằm nghĩ lại tôi thấy mình cũng hồ đồ, đã gần tới đích rồi mà còn không chịu khó tiến lên một vài bước nữa. Chịu khó một chút đi, hạ mình một chút đi. Cô ta đã chịu lên xe để mình chở đi. Cô ta tự ái vì mình thiếu nhiệt tình, chứ đâu phải chê mình. Cứ tiến thêm một hay vài ba bước nữa cũng được. Chỉ là bạn gái thôi, chớ đâu phải vợ mà yêu cầu cô ta phải thế này thế nọ, để ăn đời ở kiếp với nhau. Nếu cô ta làm cao quá thì sẽ có cách khác, có thể khi cá đã cắn câu rồi, khi đã thấm rồi, mình "buông sợi cao su" để cô ta đau cho bỏ ghét. Tôi nghĩ vậy và gọi điện thoại cho Kim Lan ngay. Chuông reo cho đến khi có tiếng báo để lại lời nhắn mà vẫn không nghe tiếng Kim Lan trả lời. Chắc cô ta bận gì đó hay không nghe chuông reo. Việc này cũng bình thường thôi. Hai tiếng đồng hồ sau vẫn không nghe thấy Kim Lan lên tiếng. Tôi gọi lại lần nữa, vẫn im lặng. Lại đợi. Tự nhiên tôi hối tiếc, cảm thấy như mình đã yêu Kim Lan. Lúc đó tôi nghĩ không có gì hạnh phúc bằng được nghe tiếng cô. Tôi không chần chờ lâu nữa. Tôi lại gọi và đầu giây bên kia có tiếng Kim Lan:


- Xin lỗi, ai gọi tôi vậy kìa.

- Anh chứ ai.

- Anh là ai vậy.

- Anh...ở tiệm El Pollo Loco đây.

- Ủa, tôi đâu có quen ai làm ở đó.

- Thôi đừng làm mặt lạ nữa. Anh có gì không phải, bỏ qua đi.

- Anh có gì không phải với Kim Lan đâu. Bình thường mà.

- Thôi, cho anh xin lỗi.

- Thôi đi, anh xem em có ra gì đâu. Anh không ga-lăng với phụ nữ. Anh không chịu đi theo năn nỉ.

Tôi biết cô ta nói như vậy là huề cả làng rồi.

- Thôi, cho anh xin lỗi. Anh muốn gặp em.

Kim Lan định nói gì đó nhưng rồi ngừng, rồi tiếp:

- Ở đâu, khi nào?

- Nửa giờ sau, chỗ cũ.

Một lát sau Kim Lan đến. Tôi ngạc nhiên thấy cô dịu dàng, duyên dáng hơn lần trước. Khuôn mặt không son phấn làm cô trẻ ra. Hai mái tóc buông xõa hai bên má khiến mặt cô thon lại. Với cái áo sơ mi trắng và quần jean cô trông đơn giản, dễ chịu. Cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện, không nhìn lên nhìn xuống như hôm qua, mà như nhìn xuyên qua tôi để nói chuyện với ai đó:

- Xin lỗi đi!

- Anh xin lỗi rồi.

- Thôi được, em tha. Bây giờ...

- Hôm qua anh thấy em nghiêm trang quá nên ngại-Tôi ngắt lời

- Nếu anh thấy em không nghiêm trang thì sao?

- Anh sẽ rủ em đi...

- Đi đâu?

- Đi chơi cho đến hôm nay.

Kim Lan cười thành tiếng:

- Bộ em giận anh vì anh không rủ em đi chơi sao. Thiệt ra nó cũng tương tự như vậy. Ai lại gặp phụ nữ mà mặt mày như lựu đạn, chỉ chở đi vòng vòng. Anh làm em sệ quá. Nhưng nếu anh rủ "đi chơi cho đến hôm nay" thì em từ chối.

- Anh thấy em rắc rối. Không rủ đi thì giận, mà rủ đi thì từ chối. Thôi bây giờ tụi mình đi đâu?

- Hôm nay không được. Phải ở nhà với chồng em...

- Ủa, em có chồng sao?

Tôi hơi giật mình, đưa mắt nhìn cô dò hỏi.

- Anh an tâm. Một người đàn bà có chồng hiếm khi có đàn ông khác nếu không có...vấn đề.

- Em nói rõ hơn được không?

- Anh chỉ cần biết như vậy là đủ. Từ từ anh sẽ hiểu.

Tôi không quá cẩn thận mà cũng không quá đạo đức đến nỗi yêu cầu Kim Lan phải đưa ra lý do chính đáng khiến cô đến với tôi.

- Vậy thì khi nào chúng ta đi chơi được?

- Em muốn chúng ta đi đâu đó xa xa một chút. Em muốn có sự thoải mái, yên ổn.

- Đi chừng bao lâu, khi nào?

- Hai ngày. Thứ Ba em off. Thứ Hai em xin nghỉ. Chủ Nhật em về sớm. Chiều Chủ Nhật anh đón em tại đây. Em đi làm rồi đến đây luôn. Chủ Nhật em để xe ở nhà. Em đi làm bằng xe buýt, khi về em quá giang người bạn đến đây.

- Anh đưa em đi làm, được không?

- Không, bất tiện cho em.

Tôi trở về nhà lòng hớn hở như một cậu trai mới lớn, gặp người yêu lần đầu. Tôi suy nghĩ mông lung. Lạ thật, khi gặp cô ta lần thứ nhất thấy dễ ghét quá, mà lần sau thì trái lại. Có lẽ lần đầu tình yêu chưa được "điều chỉnh chính xác", cũng như cái máy GPS chỉ đường đi, mới quẹo gấp, nó chỉ tùm lum, sau đó mới chỉ đúng hướng.

Chiều Chủ Nhật, y hẹn tôi đến El Pollo Loco đợi một lát thì Kim Lan đến. Tôi đề nghị với Kim Lan đi Buena Park. Kim Lan bằng lòng. Trên đường đi tôi hỏi:

- Sao lần đầu anh thấy em dễ ghét vậy?

- Hôm đó em có chuyện bực mình với chồng em. Mà em cũng thấy anh dễ ghét lắm. À, mà sao anh thích đi Buena Park?

- Buena Park có ít người Việt, không ai dòm ngó, lại có Motel 6, giá cả phải chăng, nếu thuê cả tuần thì khá rẻ. Từ đó xuống Little Saigon cũng không xa. Bên cạnh motel có tiệm McDonalds hay Jack In The Box. Vào đó ăn uống cũng được.

Kim Lan im lặng không nói gì. Tôi nhìn cô, thấy cô có vẻ đăm chiêu. Mãi về sau này có dịp gợi lại chuyện hẹn hò đó, Kim Lan mới cho tôi biết lúc ấy cô thấy tôi chi li quá.

Chúng tôi đã rất hạnh phúc bên nhau. Chiều Thứ Ba cùng lên xe trở về nhà, tôi cứ tưởng tôi là Ngưu Lang đang chia tay với Chức Nữ. Còn Kim Lan thì rơm rớm nước mắt:

- Vậy là em lại về nhà.

Cô khe khẻ ngâm mấy câu thơ của Huy Cận:

Sầu chi lắm trời ơi chiều tận thế.

...

Tôi lái xe trở về nhà mang theo hình bóng Kim Lan. Tôi nhớ từng câu nói, cái cười, từng cái nhăn mặt của cô. Cũng đã trên 30 năm rồi tôi mới lại có được cảm giác như vậy. Thời gian không gặp nhau, nếu cả hai không quá bận việc, chúng tôi gọi cho nhau, mê mãi nói với nhau đủ thứ chuyện. Tôi đã dùng tiếng chim sơn ca mà tôi đã gài sẵn trong phone để làm ringtone cho những cuộc gọi đến của cô. Tôi hầu như không muốn nghe các cuộc gọi khác, tôi chỉ muốn nghe tiếng chim sơn ca.

Chúng tôi đã hẹn nhau nhiều lần tại motel này. Nhưng không phải lần chia tay nào cũng lãng mạn như vậy. Chúng tôi đã gây gổ nhau, đúng hơn Kim Lan kiếm chuyện gây tôi. Cô nêu những lý do mà ngay cả tôi, tôi cũng không nhớ tôi có phạm phải hay không, như tôi hay gọi điện thoại về nhà, không biết dành thời gian cho cô trong khi cô bỏ nhà ra đi, bỏ cả công ăn việc làm; tôi ăn nói cộc lốc... Sau nhiều lần như vậy tôi nghĩ ắt phải có một nguyên nhân gì sâu xa hơn những nguyên nhân mà cô đã nói.

Một hôm Bích, bạn thân của Kim Lan, gọi cho tôi biết đại khái như sau: Kim Lan đang gặp trở ngại về tài chánh. Chồng bị bệnh nan y, từ trước đến nay chỉ lãnh tiền bệnh. Gia đình cô ở nhà thuê 2 phòng 1400 đô một tháng. Gia đình cô có trợ cấp tiền nhà nên không phải trả hết số tiền đó. Chủ nhà thấy Kim Lan hưởng lợi của chính phủ hơi nhiều nên muốn "ăn theo". Anh ta nói nhà của anh ta chính phủ quy định 1400 đô một tháng nhưng giá thị trường hơn con số đó nhiều. Anh ta không thể tăng giá đã quy định được, chỉ còn một cách Kim Lan phải trả thêm tiền thuê cho anh ta. Việc này ngoài khế ước. Nếu Kim Lan không đồng ý, anh ta sẽ tìm một cách nào đó không cho Kim Lan thuê nữa, mà pháp luật cũng không làm gì anh ta được. Kim Lan rất sợ dọn đi nên vì phải di chuyển đồ đạt. Kim Lan muốn trả thêm tiền nhà. Kim Lan đang rất bối rối, bà con bạn bè chẳng ai giúp được gì.

Tôi nghe qua rồi không để ý nữa. Nhưng sau đó tôi đánh một dấu hỏi trong đầu: Bích là người tốt bụng và rất kín đáo, không bao giờ đem chuyện người khác kể cho người thứ ba nghe, tại sao Bích kể chuyện này với tôi. Phải chăng Kim Lan nhờ Bích kể. Tôi đâm ra khó chịu. Tôi cảm thấy xưa nay tôi không giúp đở gì cho Kim Lan ngoài những món quà. Tôi hoang mang không hiểu tôi đối xử với người yêu như vậy thì có tệ lắm không.

Suốt ba ngày tôi không có hứng thú gọi cho Kim Lan. Tôi cũng chẳng hề nghe cô gọi. Tại sao sau câu chuyện kể của Bích, Kim Lan không liên lạc bình thường. Chắc việc này phải có liên quan đến chuyện kể của Bích, nghĩa là Kim Lan bất mãn vì tôi không đáp ứng yêu cầu của cô. Có lẽ tôi phải trả lời Bích như thế này thì Kim Lan mới hài lòng:

- Chuyện nhỏ! Nói Lan để tôi phụ tiền nhà cho!

Tôi khó nói như vậy được vì tôi cũng có trở ngại về tài chánh và vì tình yêu của cả hai chúng tôi, nhất là của Kim Lan, không đủ mãnh lực để chúng tôi vì nhau, cho nhau nhiều hơn. Chúng tôi đến với nhau muộn màng. Nếu chúng tôi là những người chưa lập gia đình thì mọi sự đã khác. Tôi chẳng hẹp hòi gì với Kim Lan như tôi đã từng không hẹp hòi với vợ tôi trước đây.

Nửa tháng sau chúng tôi vẫn không liên lạc với nhau.

Một hôm không cưỡng lại đươc, tôi gọi Kim Lan. Cô trả lời ngay với giọng bình thản:

- Kim Lan tính gọi nhưng bận quá.

Những khi Kim Lan giận co thường xưng tên, không xưng "Em" như thường lệ. Tôi nói:

- Không lẽ lúc nào em cũng bận.

Tôi tiếp tục nói đủ thứ chuyện mà cho đến bây giờ tôi cũng không rõ lắm tôi đã nói gì, hình như tôi có nói những gì giống như xin lỗi, như có hứa sẽ quan tâm hơn. Tôi đang nói thì đầu giây bên kia có tiếng Kim Lan:

- Thôi, nếu có gì quan trọng sẽ gọi lại sau.

- Bye!

Tôi tắt điện thoại ngay sau lời chào, không đợi Kim Lan chào lại.

Ba ngày sau chẳng ai gọi cho ai cả. Tôi đem chuyện này kể cho một anh bạn thân lớn tuổi. Anh ta cười:

- Cô ấy nói bận là cô ấy muốn "tháo chạy" như "Đồng minh tháo chạy" năm 1975 đó. Đừng bao giờ nói bận với tình yêu - Love means never having to say you re busy.

Anh ta có thói quen khi nói một câu gì có vẻ như danh ngôn cũng không quên chêm một câu tiếng Anh để cho người nghe biết câu nói đó có trọng lượng, có "tầm cỡ quốc tế". Nhưng lần này nghe anh đem một câu trong "Love Story" chế ra thành câu "danh ngôn" này, đổi "sorry" thành "busy", tôi hy vọng đó chỉ là một câu nói đùa. Nhưng sao tôi chẳng bao giờ nói bận khi nghe tiếng chim sơn ca. Những lúc nghe tiếng chim sơn ca tôi đã bắt điện thoại ngay dù rất muốn kéo dài niềm hạnh phúc được thưởng thức âm thanh vui tươi lảnh lót như từ môi Kim Lan phát ra. Có lần nghe tiếng chim hót từ khu vườn nhỏ phía sau nhà tôi đã vội vã chạy ra vườn, tưởng mình bỏ quên điện thoại ở đó.

Tôi định dẹp bỏ mọi tự ái gọi cho Kim Lan. Tôi nghĩ biết đâu cũng như lần trước, cô chỉ hờn mát. Tôi là đàn ông phải tỏ ra độ lượng. Nhưng ngay sau đó tôi cảm thấy lần này không như lần trước. Lần trước Kim Lan hờn mát bằng cách im lặng; lần này cô trả lời điện thoại một cách bình thản, dửng dung, lại không muốn nghe tôi nói. Tôi nhớ lại cảm nhận của tôi về Kim Lan trong lần đầu tiên gặp gỡ. Tôi nghĩ lúc ấy Kim Lan mới chính là con người thật của cô.

Tôi email báo cho Thủy biết Kim Lan không muốn liên lạc với tôi nữa nên tôi cũng không muốn liên lạc. Tôi chỉ email một câu gọn lỏn như vậy. Thủy trả lời: Lúc đầu cô và Tu cũng thường xích mích nhau nhưng nay đã tạm ổn, thời gian sẽ làm cho Kim Lan và tôi xích lại gần nhau. Tôi nghĩ Thủy và Tu cùng nhau đi trên con đường gập ghềnh nhưng có điểm đến và cố gắng vượt qua; còn tôi và Kim Lan không có điểm đến nào cả, như trong lần đầu tiên tôi đã lái xe đưa cô đi loanh quanh từ Rosemead lên Hollywood rồi lại trở về Rosemead.

Tôi không chần chờ nữa, xóa bỏ tên Kim Lan, xóa bỏ luôn tiếng chim sơn ca đã lưu trong điện thoại, để không còn một dấu vết nào gợi cho tôi nhớ đến cô. Tôi nghĩ dù có tiếp tục đến với nhau, mối tình buồn này cũng sẽ không có gì thay đổi, có khi còn buồn hơn. Tôi nhớ đến một câu nói tôi đã đọc ở đâu đó: "Hãy chọn một kết thúc buồn thay vì chọn một nỗi buồn không bao giờ kết thúc".

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
29/09/201406:30:41
Khách
"Ông già" gặp "bà già" này là vừa. Bên tám lạng bên nửa cân. Tính cách "bà già" này thì quá rõ; còn "ông già " này thì thấy "bà già" này "yêu" theo cái kiểu này cũng chán, dù còn mê. Dù sao, riêng tôi, tôi bênh ông già. Ba tôi cũng đã từng lâm vào hoàn cảnh này. May mà ỏng không tiếp tục
28/09/201406:40:40
Khách
Ý kiến nhièu phần là binh vực đàn ông mà không binh nguòi phụ nữ này. Cô này có một nguòi chồng bịnh hoạn mà vẫn không bỏ nhưng vẫn còn sống với ông ấy tức là cô ấy cũng có phần hy sinh rồi đó chứ. Cái ông già trong câu chuyyen này chỉ muón thỏa mãn dục vọng mà không chịu chi cho cô áy thì cổ rút lui là phải rồi. Theo như chuỵen kể thì cô ấy có thân hình hấp dẫn và có lẽ cũng dễ nhìn, thì chuỵen lập lại gia đình mới o khó khăn gì. Ở trong chăn mới biét chăn có rận. Cô ấy đi đêm như vậy dễ gạp loại đàn ông thực dụng như ông này. Một nguòi đàn bà khôn ngoan quỉ quyẹt thì không dễ dàng chăn gối với ông già dịch này mà họ phải moi truóc rồi mới có chuỵen Kia sau. Toi tháy tội nghiẹp cho co LAN này hơn là trách móc cô vì xét cho cùng là phụ nữ lúc nào cũng thiẹt thòi cả!
27/09/201400:24:30
Khách
Đồng ý với Thắng Chi. Trai (bần tiện) tứ chiến gặp gái giang hồ. chuyện đâu có bắt đầu đâu mà có kết thúc. Cà 2 người đều có ý muốn chơi qua đường, lợi dụng nhau thì làm gì có tình mà đủ với không đủ. Bài này đọc xong, phải đi rửa mắt (giống như sự tích Tiêu Do của Tàu ngày xưa). Dù biết cuộc đòi không như là mơ, nhưng sao mà …chán quá như thế !!!
26/09/201416:00:52
Khách
Nói theo cách “trần tục”, có cả tình lẫn tiền thì tốt, còn nếu không thì một trong hai cái đó cũng okay. Bà Kim Loan này muốn cả hai. Tham lam. Ông này nếu tiếp tục với bà này được vài ba tháng là khá lắm rồi. Nếu ông này kéo dài tình trạng này được, ông ta đã mê bà này quá rồi. Bà này như thế mà ông ta còn muốn liên lạc, còn dằn vặt, đau khổ…Theo cách nói của ông này, ông ta còn yêu bà này lắm. Khuyên ông nên trở về với bà vợ. Đem bà đi chữa bệnh lạnh nhạt (?). Khuyên cô kia đừng quá tham. Cái tình là cái quý nhất. Cô đã bỏ cái tình.
26/09/201407:01:01
Khách
Tôi đồng ý với Thắng Chi, nhưng ở đời tôi cũng biết nhiều trường hợp chỉ là qua đường nhưng cô này lại muốn lợi dụng tiền bạc, vừa có người dẫn đi du hí vừa thỏa mản sinh lý vì có thể ông chồng bịnh khg đáp ứng được, bạn ông BTM cũng còn tỉnh táo rút lui ,thôi thì để cô ta tìm một tên khờ nào đó đáp ứng cả sẽ lẫn tiền cho cô.
25/09/201406:03:30
Khách
Nếu một người đàn ông yêu một người đàn bà mà người này vòi vĩnh, yêu cầu này nọ…thì thường người đàn ông sẽ tự ái, thấy bà ta yêu tiền, chứ không yêu mình. Tôi gặp loại đàn bà này tôi sẽ de ngay. Tôi de dĩ nhiên không phải tôi xấu, tôi tính toán, mà chỉ vì tôi là người đàn ông tự trọng, biết giữ giá trị của mình.
25/09/201400:15:22
Khách
"Khoảng một năm sau khi vợ tôi tỏ vẻ lạnh nhạt với tôi trong việc chăn gối tôi có ý định tìm một người bạn gái. Vợ tôi phong phanh biết chuyện này nhưng bà ấy không mấy quan tâm. Bà ấy không nói ra nhưng tôi biết tôi phải xử sự thế nào cho kín đáo nhất là đừng để đứa con gái, đứa con độc nhất của chúng tôi biết"
Tha^t kho' hieu? ? Vo minh` vi` ly' do suc' khoe?khong ddap ung' dduoc nhu cau` cua? minh` .... thi` cho phep minh` ddi quan he. ben ngoai` . Vo. chong` song' voi' nhau ma` can tinh` can nghia~ nhu the' dduoc sao ? Mac du khong noi' ra chu' la` thanh' sao khong suy nghi~ va` buon long `.Co' nhieu` cach' ....thoa? man~ ma` van~ khong phu tinh` ddo' nguoi` oi!
Vai` hang` chia xe~
24/09/201420:58:50
Khách
Như vậy thì "Võ dưa gặp võ dừa", cả hai không yêu thương gì nhau, "mãnh lực tình yêu không đủ" . Cái cô kia muốn lợi dụng người đàn ông và ông này thấy được nên khó chịu, muốn rút lui, tuy nhiên ông này vẫn còn yêu cô kia (Gọi ĐT, đợi v.v...Đọc kỹ đoạn sau sẽ thấy rõ), nhưng cô kia không thèm trả lời, có thể cô kia thấy không ăn được cái giải gì nên "tháo chạy" hay cũng đang có mối khác. Nói về lỗi tại ai, có thể xem cô kia như một loại đàn bà vòi vĩnh; còn ông kia không phải thuộc loại dại gái.
24/09/201416:59:36
Khách
Cái tình của bà Lan quá ít hay là không có. Cái tình này không đủ để ông này “cho” nhiều hơn. Nếu bà Lan đừng biểu hiện tánh cách không đẹp đó hay khôn khéo một chút, có thể ông này sẽ xử sự tốt đẹp hơn. Còn chuyện chấm dứt, tôi thấy có trường hợp như như thế kéo dài rất lâu, dù không chính đáng lắm, nhưng cả hai vẫn có vẻ rất hạnh phúc, vì một lý do đơn giản: Họ yêu nhau thật tình.
24/09/201415:23:51
Khách
Người đàn ông trong truyện không thật lòng, chỉ muốn thỏa mãn dục vọng với giá phải chăng, tính toán hơn thiệt, thấy lỗ cho mình là rút lui. Một hạng đàn ông tiêu biểu. Ông Bồ Tùng Ma mô tả nhân vật này nổi bật.
Chị em phụ nữ có những lúc yếu lòng, cần cảnh giác loại người đàn ông trên.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,292,032
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới về cuộc diễn hành được coi là đẹp nhất của nước My. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Nhạc sĩ Cung Tiến