Hôm nay,  

Bệnh Nhân Phòng 204

05/06/201400:00:00(Xem: 12390)

Tác giả: Nguyễn Bích Thuỷ
Bài số 4242-14-29642vb4060414

Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Bài Viết Về Nước Mỹ thứ tư, theo cô cho biết, là một chuyện có thật, nhưng được viết lại theo dạng một truyện ngắn.

* * *

Đêm qua một người đàn ông được nhập viện do chứng nhồi máu cơ tim cấp trong tình trạng nguy kịch! Sau khi bệnh nhân hồi phục họ đã đưa ông về phòng số 204.

Bác sĩ May Harris nhìn vào hồ sơ bệnh án và cố nhớ ra cái tên khá quen thuộc của người bệnh nhân này. Thôi đúng rồi! Mike Larry Thompson, 69 tuổi đã từng là một Bác sĩ tim mạch rất nổi tiếng mà các sinh viên trường thuốc thời của May không ai mà không biết và ông cũng đã từng là thần tượng của cô nhiều năm liền. Ngay lúc ấy y tá cho hay bệnh nhân phòng 204 đã khỏe lại rồi, Bác sĩ May xếp hồ sơ bệnh án lại, chuẩn bị xuống thăm bệnh. Khi đến nơi thì người bệnh đang nằm quay mặt ra cửa sổ, May liền gõ cửa bước vào và lịch sự giới thiệu:

- Chào ông Thompson, tôi là Bác sĩ May Harris. Ông đã đỡ nhiều chưa?

Người đàn ông trạc tuổi thất tuần trông còn rất mệt mỏi nhưng ánh mắt ông vẫn còn hết sức tinh tường. Ông cười nhẹ:

- Bệnh này cũng giống như đùa vậy lúc thì thật khỏe, lúc thì như sắp ngừng thở… mạng sống con người đúng là chỉ ngắn trong hơi thở!

Nói xong ông cười buồn. Bác sĩ May hỏi thăm bệnh trạng như cách mà tất cả những thầy thuốc thường làm khi đến thăm bệnh nhân. Cô khuyên ông nên tịnh dưỡng, giữ cho đầu óc thanh thản, tránh xúc động mạnh, vừa nói cô vừa hí hoáy gõ trên bàn phím rồi kê toa thuốc điều trị cho ông. Xong mọi việc, cô đứng dậy đến bên bệnh nhân và thân mật bảo:

- Thưa Bác sĩ Mike Thompson, tôi chỉ làm theo bổn phận của một người thầy thuốc, những điều tôi nói ra đối với ông cũng chỉ là thừa vì hơn ai hết ông cũng là một Bác sĩ chuyên về tim mạch nổi tiếng và chuyên môn của ông chắc còn giỏi hơn tôi.

Người đàn ông trước mặt Bác sĩ May chỉ cười buồn:

- Tôi từng là một Bác sĩ nhưng giờ đây tôi cũng là một bệnh nhân. Tôi đã chữa cho rất nhiều người về thân bệnh nhưng không thể nào chữa được tâm bệnh cho chính mình!

Bác sĩ May nhẹ nhàng đặt tay lên vai ông:

- Ông đừng quá bi quan mà hại sức khỏe. Mẹ tôi thường nói sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của muôn đời và không ai có thể thoát ra khỏi quy luật này được cả.

Người bệnh có vẻ ngạc nhiên khi nghe May nói những điều này:

- Mẹ cô là người Mỹ nhưng cũng biết về triết lý này nữa sao?

May bật cười làm cho không khí giữa hai người bớt căng thẳng:

- Mẹ tôi là người Việt Nam 100%, còn tôi thì chỉ 50% thôi. Ba tôi là người Mỹ, tôi giống gien của cha mình nên không ai có thể nhận ra tôi là đứa con gái đã được sinh ra tại Việt Nam. Tôi đến Mỹ năm 10 tuổi theo diện con lai, năm nay tôi đã 41.

Một thoáng xúc động hiện lên gương mặt của bệnh nhân, ông đưa tay lên chận ngực:

- Tôi cũng có một đứa con gái và một người vợ chưa cưới còn ở lại Việt Nam sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, tôi có về lại đó tìm họ mấy lần nhưng không gặp. Tôi nghĩ chắc họ đã sang đây nhưng cho đến hôm nay gần 40 năm rồi mà vẫn chưa nghe tin tức gì về họ cả. Con gái của tôi chắc cũng cỡ bằng tuổi cô nhưng tên của nó có nghĩa là một-đám-mây-màu-hồng và nó mang họ Lê của mẹ.

Mây đứng lặng người thật lâu.

Đúng rồi! Lê Hồng Mây là tên của cô trước khi kết hôn, giờ đây cô đã đổi theo họ chồng với cái tên đầy đủ là: May Hong Harris. Tiếng Mỹ không bỏ dấu nên ai cũng lầm tưởng nó có nghĩa là tháng Năm. Cha của cô đây sao? Người mà cô đã canh cánh đi tìm suốt bao năm trời giờ đang hiện diện bằng xương bằng thịt trước mặt cô đây sao?

Bất giác cô muốn chạy đến ôm cha mình thật chặt để nói ngàn lời thương yêu mà cô chất chứa trong lòng suốt mấy chục năm nay. Nhưng Bác sĩ May đã kịp quay đi để cố dấu dòng nước mắt. Bác sĩ May cố trấn tĩnh khi từ giã người bệnh với lý do phải đến thăm bệnh nhân kế tiếp.

Hơn ai hết cô rất hiểu bệnh tình của cha, chỉ cần một chấn động tình cảm mạnh có lẽ ông sẽ khó vượt qua. Quan trọng hơn nữa, phải gặp Mẹ ngay. Phải cho bà biết chuyện này. May đâu thể ngờ Bác sĩ Mike Thompson lại chính là cha cô. Tại sao bao năm qua, Mẹ không bao giờ nhắc tới tên ông? Phải hỏi lại Mẹ.

Những câu hỏi Bác sĩ May mang về đã đánh thức cả một phần đời từng bị vùi lấp của người mẹ.

*

Cơm nước xong Thuyền bưng chén bát ra ngoài ao sau nhà ngồi rửa trong khi má chồng cũng chuẩn bị giấc nghỉ trưa như mọi ngày. Giờ này chồng Thuyền đã đi làm và hai đứa em chồng cũng đi học chưa về. Thuyền vào phòng đóng cửa lại rồi lôi dưới gầm giường ra cái túi xách nhỏ với vài bộ đồ và một bức thư, cô mở ra đọc thật cẩn thận lần sau cuối:

Mỹ Tho, ngày 20 tháng 4 năm 1972.

Mình ơi,

Em nghĩ đã đến lúc em phải xa mình rồi!!! Ba năm tình nghĩa vợ chồng sâu đậm quá nên đã khiến em nhiều lần nấn ná, chần chờ và hy vọng nhưng cuối cùng thì em phải giũ áo ra đi. Má anh cần một đứa cháu Nội để ẵm bồng, anh cần một đứa con để nối dõi mà em thì lại không có khả năng làm mẹ! Em cảm thấy thật sự mệt mỏi vì mang tiếng “gái độc không con” trong căn nhà của anh!

Thôi thì anh hãy tìm một cô gái khác để làm vợ, chúng mình đã hết nợ duyên rồi.

Chúc anh sẽ tìm thấy hạnh phúc mới trong một ngày thật gần.

Vợ của anh,

Lê Thị Thuyền.

Đọc xong Thuyền gấp lá thư làm tư lại rồi đặt lên bàn, nước mắt cô đã ràn rụa từ lúc nào. Với tay lấy chiếc nón lá treo trên tường Thuyền rón rén bước ra khỏi phòng rồi nhẹ nhàng đi ngang qua chỗ má chồng đang nằm ngủ trên bộ ván gõ. Thuyền khép cửa lại, cô đi bộ từ con đường đất đỏ phía trước nhà ra đến lộ tẻ khoảng ba trăm mét. Trời tháng tư nắng chang chang mùi sình non quyện với mùi rơm rạ bốc lên thật quen thuộc như níu lấy mỗi bước chân Thuyền, nước mắt cô vẫn tiếp tục đỗ dài. Đi được một chập thì có chiếc xe đạp lôi phía đối diện trờ tới Thuyền vội ngoắc lại và kêu chạy ra hướng bến xe. Đây là lần đầu tiên Thuyền đi xa một mình, cái cảm giác sờ sợ và đơn độc khiến cô vơi bớt nổi buồn. Từ Mỹ Tho lên Sàigòn chỉ có bảy mươi cây số nhưng với Thuyền giờ đây xa đăng đẳng, cô ngoáy lại nhìn những cây cầu, những hàng dừa, những cánh đồng chạy dật lùi phía sau và không biết tương lai mình sẽ về đâu phía trước.

Sau khi ổn định tại nhà người chị họ đang làm y tá của một bệnh viện khá nổi tiếng ở Sàigòn; Thuyền định đi tìm việc làm thì may quá căn-tin của bệnh viện đang cần người nên cô đã nhanh chóng đến xin việc và được chấp thuận ngay. Công việc của Thuyền tại căn-tin là đứng bán hàng, dọn dẹp và thỉnh thoảng thiếu người cô có thể vào bếp nấu các món đơn giản theo yêu cầu của khách. Không trình độ, không chuyên môn nên Thuyền chỉ nhận một mức lương khá khiêm nhường hàng tháng đủ để trang trải các khoảng chi tiêu, cô cũng nhín chút gửi về biếu gia đình dưới quê. Thuyền cảm thấy bước đầu như thế cũng khá thuận lợi.

Bệnh viện Thuyền đang làm có nhiều bác sĩ đến từ các nước Pháp, Mỹ, Úc, Canada, Singapore… đa phần họ biết nói tiếng Việt, số ít mới cần thông dịch viên kiêm y tá đi kèm. Vào những giờ nghỉ giải lao mọi người thường đến căn-tin để dùng bửa, do đó Thuyền gần như quen hết tất cả các Bác sĩ, Y tá và nhân viên trong bệnh viện. Cũng tại nơi đây Thuyền đã bắt gặp nhiều ánh mắt, nụ cười của biết bao đấng mày râu muốn bày tỏ tình cảm với mình. Như con chim đã một lần bị trúng tên nên Thuyền rất sợ “phải lòng” ai thêm lần nữa, thêm vào đó mặc cảm vô sinh cứ luôn ám ảnh cô suốt đêm ngày. Thuyền làm việc một cách nhanh nhẹn, xông xáo, vui vẻ nhưng khi bước ra khỏi cánh cổng bệnh viện cô bỏ lại sau lưng tất cả những buồn vui lẫn những mời mọc hẹn hò. Thuyền đã hai mươi bốn tuổi rồi, giờ này bạn cô ở dưới quê họ đã có vài ba đứa con để bận bịu làm mẹ còn Thuyền thì vẫn lao đao đơn độc giữa nơi này như chạy trốn một quá khứ đầy đau buồn. Mỗi lần nghĩ đến đó Thuyền chỉ muốn bậc khóc!

Căn-tin của Thuyền nằm cạnh phòng làm việc của Bác sĩ Mike Thompson thuộc Khoa Tim Mạch, đây là một trong những Bác sĩ trẻ nhất của bệnh viện vừa tốt nghiệp ở Mỹ. Do đặc biệt quan tâm đến chiến tranh Việt Nam nên sau khi ra trường anh đã học cấp tốc vài khóa tiếng Việt rồi tình nguyện sang đây làm việc để có điều kiện tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam hơn nữa. Bác Sĩ Mike thỉnh thoảng hay ghé vào căn-tin của Thuyền nên cô cũng có dịp tiếp xúc với vị Bác sĩ trẻ tuổi tài hoa này. Mike hoạt bát, vui tính chịu khó học hỏi nên chỉ hơn sáu tháng anh đã nói được khá trôi chảy tiếng Việt. Do tính thân thiện cởi mở nên Mike rất được lòng bệnh nhân, đặc biệt là những nữ nhân viên độc thân trong bệnh viện, Bác sĩ Mike dường như có sức cuốn hút mọi người tại mọi nơi anh đến. Trái với những phụ nữ khác Thuyền lúc nào cũng tỏ ra xa cách, khó gần mặc dù cô lúc nào cũng nở nụ cười rất tươi. Những lúc hai người có dịp trao đổi Thuyền hay tìm cách lẫn tránh ánh mắt của Mike hay hướng về cô, có lẽ anh đang ngạc nhiên vì cô gái trẻ quê mùa này khác hẳn với những người phụ nữ đang vây quanh anh và cũng chính từ đó mà Mike bắt đầu để ý đến Thuyền. Những lúc rãnh rỗi anh ghé vào căn-tin thường hơn, anh hay tìm cách bắt chuyện và chăm chú nhìn Thuyền còn cô thì chỉ biết lắng nghe và im lặng. Khoảng cách giữa hai người là một bức tường quá dày và quá cao khó mà vượt qua so với thân phận nhỏ nhoi, bèo bọt của Thuyền!

Vào một buổi chiều đang làm việc cô cảm thấy choáng váng và xin phép được về sớm hơn thường lệ. Vừa bước ra khỏi căn-tin thì cô đã ngã nhoài xuống nền gạch; mọi người hốt hoảng bế cô vào phòng làm việc của Bác sĩ Mike Thompson ngay cạnh đấy thay vì phải đi một quãng khá xa mới đến chỗ cấp cứu của bệnh viện. Sau khi chẩn đoán cho Thuyền, Bác sĩ Mike bảo cô không sao cả chỉ bị hạ đường máu giây lát sẽ khỏe ngay thôi, anh đã làm cho Thuyền một ly ca-cao sữa nóng và khuyên Thuyền nên nằm tịnh dưỡng giây lát đợi lúc tan ca anh sẽ đưa cô về. Thuyền khá bối rối bảo cô cảm thấy khỏe rồi không dám làm phiền Mike hơn nữa. Lúc đó Bác sĩ Mike đã nhìn cô và nói hết sức ôn tồn:

- Thuyền ơi! Cô có biết rằng tôi sẽ lo lắng như thế nào nếu để cô ra về một mình không? Cô không chỉ là một bệnh nhân mà cô còn là một người bạn của tôi nữa mà, sao cô không cho tôi một cơ hội được chăm sóc cô chứ?!

Nhìn vẻ khẩn thiết của vị Bác sĩ trẻ Thuyền không thể nào nói lời từ chối lần nữa. Cô đành chấp thuận lời yêu cầu của Mike và ra xe để anh chở cô về. Đó là một trong những buổi chiều đẹp nhất và có ý nghĩa nhất với cô từ ngày bước chân lên Sàigòn lập nghiệp. Chiếc áo sơ mi sọc xanh sau giờ làm việc đã khiến Mike trẻ trung bội phần. Đợi cho Thuyền ngồi lên yên sau của chiếc Vespa anh đã nói ngay rằng:

- Mình ghé vào đâu ăn đi Thuyền nhé, hôm nay em cần ăn nhiều hơn thường ngày.

Lần đầu tiên Mike gọi Thuyền bằng em, Thuyền im lặng và nghe trái tim mình rung lên nhè nhẹ. Hai người bước vào một quán phở khá nổi tiếng trên đường Pasteur, Mike hào hứng bảo:

- Anh ở Sàigòn đã hơn sáu tháng nay nhưng hầu như ngày nào cũng ghé quán phở này ít nhất một lần.

Dường như khoảng cách của hai người đã gần lại chút khi Mike đổi cách xưng hô khá thân mật với Thuyền. Quả đúng như Mike nói, chủ quán đon đã chạy ra chào anh và Thuyền hết sức vui vẻ:

- Hôm nay Bác sĩ đến đây đến “hai mình” lận sao?

Mike cười to giới thiệu:

- Đây là bệnh nhân của tôi và hôm nay tôi có nhiệm vụ phải chăm sóc cô ấy!

Nhưng đó không phải là lần duy nhất mà những ngày tiếp theo Mike thường đến căn-tin của Thuyền hơn và trước khi về chỗ làm việc của mình Mike hay dúi vào tay Thuyền mẫu giấy nho nhỏ với dòng chữ “Chiều nay anh chở em về nhé!”. Có lẽ vì sợ Thuyền từ chối nên anh đã nghĩ ra cách này!

Cũng từ đó họ đã có những buổi chiều thật lãng mạn khi thì tại quán kem, lúc thì xem phim, hôm thì đi dạo phố… Thuyền đã thật sự bị chinh phục bởi vị Bác sĩ trẻ tuổi này. Mặc dù lý trí của cô nhiều lần khước từ Mike nhưng con tim của cô đã mở cửa để bắt đầu một cuộc phiêu lưu tình cảm mới. Có thể lành ít dữ nhiều, nhưng tại sao lại không? Tuy từng bị nhà chồng cũ đay nghiến là “gái độc không con,” không có khả năng làm mẹ và không thể tiếp tục làm vợ, nhưng cô hoàn toàn có quyền yêu và được yêu cơ mà!

Và rồi họ thành đôi tình nhân Việt Mỹ. Thuyền và Mike hoàn toàn bị cuốn hút vào nhau! Cho tới một buổi chiều sau giờ làm việc, Thuyền cảm thấy choáng váng muốn buồn nôn nên vội đến phòng Mike và nhờ anh khám cho mình. Mike chẩn mạch cho cô xong và nói ngay:

- Thuyền ơi! Em đã có thai rồi!

Thuyền hoàn toàn không tin vào tai của mình. Thuyền đứng lặng thẩn thờ nghe dường như đất dưới chân mình vừa xụp xuống và thời gian như ngưng đọng lại. Hình như Thuyền không còn đứng vững được nữa, ngay lập tức Bác sĩ Mike đã chạy đến ôm cô vào lòng nói:

- Thuyền, đây cũng là con của anh nữa mà. Anh hứa sẽ bảo bọc hai mẹ con em, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi, em đừng lo!

Nước mắt của Thuyền đã tuôn trào, trong tích tắc cô nhớ lại ánh mắt khinh khi, nụ cười mai mỉa, chế giễu của má chồng và lối xóm vì nghĩ rằng cô là thứ “cây độc không trái”. Mọi việc đã rõ như ban ngày, cô hoàn toàn có thể làm mẹ và sanh con như bao nhiêu phụ nữ khác. Thuyền nói trong nức nở:

- Mike ơi! Em mừng quá, vậy là em sắp được làm mẹ rồi phải không anh?

- Chính xác em ạ. Con mình sẽ ra đời trong mùa thu năm sau!

Cũng từ hôm đó cuộc đời Thuyền đã thay đổi, đứa con trong bụng đã đem lại cho cô niềm hạnh phúc vô biên. Thuyền đã dọn về sống chung với Mike, họ như một cặp vợ chồng đang chờ đón từng ngày đứa con sắp chào đời, chỉ thiếu mỗi một tờ giấy hôn thú nữa là đủ hết ý nghĩa! Nhưng Thuyền không dám mong mõi gì hơn nữa ở Mike, anh đã cho cô một đứa con, điều đó đã quá đủ rồi!

Đứa con gái với hai dòng máu Mỹ - Việt đã ra đời với tóc vàng, mắt xanh, da trắng giống Mike như đúc chỉ duy có cái tên Lê Hồng Mây là lấy họ của mẹ. Mike muốn lấy họ của mình để đặt tên cho bé Mây nhưng Thuyền đã từ chối vì trong thâm tâm cô không biết cuộc tình của hai người sẽ đi về đâu, nếu có chuyện gì không hay xảy ra thì tội nghiệp cho Mây, nó sẽ bị chúng bạn chê cười khi đến lớp.

Dường như những linh tính của Thuyền đã thành sự thật vì cuộc chiến tại Việt Nam càng lúc càng tồi tệ kể từ đầu năm 1975. Gia đình Mike hối thúc anh trở về Mỹ liên tục, họ vẫn chưa biết chuyện của hai người và sự ra đời của bé Mây, Mike đã dự tính sẽ sắp xếp một thời điểm thích hợp để đem Thuyền và con gái về Mỹ ra mắt ba mẹ mình nhưng chưa thể thực hiện được. Và chuyện đó đã không thể xảy ra vì chiến cuộc càng lúc càng gay gắt, vào những ngày của cuối tháng 4 năm 1975 Mike cứ cố nán lại Sàigòn để thuyết phục Thuyền hãy đem con cùng về Mỹ với anh. Thuyền thật sự phân vân trước quyết định có nên đi hay không! Với cuộc hôn nhân trước cô vạn bất đắc dĩ phải bỏ chồng ra đi rồi may mắn gặp được Mike và có con với anh. Mike là một người đàn ông tốt đã bảo bọc hai mẹ con cô rất chu đáo nhưng giờ đây nếu phải chọn lựa giữa quê hương, gia đình và Mike thì thật không dễ dàng. Nếu sau này mọi việc không diễn biến tốt đẹp thì hai mẹ con Thuyền sẽ sống sao đây nơi xứ lạ quê người với quá nhiều khác biệt và bất đồng ngôn ngữ?!! Chỉ nghĩ bao nhiêu đó thôi là Thuyền đã cảm thấy bồn chồn lo lắng. Cuối cùng, cô đã quyết định như sau:

- Mike! Anh chỉ muốn đến đây trong vòng một hay hai năm để thỏa sức tò mò nhưng em và bé Mây đã giữ chân anh quá lâu rồi. Anh còn cả một tương lai rực rỡ bên kia và gia đình anh đang chờ đợi anh từng ngày. Anh đã cho em nhiều thứ quá, cả cuộc đời này em không biết lấy gì để đền đáp ơn anh. Nếu không có anh thì chắc chắn mãi mãi em sẽ sống trong tuyệt vọng và cũng không có cơ hội làm mẹ. Đã đến lúc anh phải về Mỹ để còn lo cho công danh sự nghiệp của mình nữa.

Mike biết tính Thuyền, rất nhỏ nhẹ, hiền lành nhưng khó ai thay đổi được quyết định của cô. Anh chỉ ôm cô vào lòng và nói:

- Làm sao anh có thể sống được khi xa em và con cho được.

Thuyền nhẹ nhàng bảo:

- Nếu mình còn duyên, còn nợ thì sẽ gặp lại nhau. Chiến tranh rồi cũng sẽ qua, chúng mình rồi sẽ đoàn tụ. Anh hãy về lại Mỹ để ba mẹ anh đừng lo lắng nữa. Em và con sẽ chờ anh.

Đúng là chiến tranh rồi sẽ qua đi nhưng chiến tranh đã để lại một nổi mất mát trong cuộc đời của mỗi người mà trong đó có Mike, Thuyền và con gái của họ. Vào ngày 20 tháng 4 năm 1975, khi những đoàn “Giải Phóng Quân” đang tiến dần về Sàigòn và khi người dân đang tìm mọi cách tháo chạy như đàn ong vỡ tổ thì Mike phải ra sân bay về lại Mỹ. Trước lúc ra đi Mike đã trân trọng đeo vào tay Thuyền chiếc nhẫn có chữ M và T lồng vào nhau và bảo đây là cặp nhẫn cưới mà Mike đã chuẩn bị sẵn cho ngày trọng đại của hai người; giờ đây anh trao cho Thuyền một chiếc như giữ lấy tình yêu của mình. Mike đã nói một cách rất quả quyết:

- Nhất định anh sẽ quay trở lại!

Rồi anh ôm hai mẹ con Thuyền lần cuối trong nước mắt đoạn đi thẳng ra cửa không dám ngoái nhìn lại. Hôm đó bé Hồng Mây vừa tròn 20 tháng tuổi và 4 ngày! Kể từ dạo ấy chiếc thuyền nhỏ cùng đám mây màu hồng đã trôi xa và bay cao ra khỏi cuộc đời Mike.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 Bệnh viện của Thuyền bị tiếp quản, mọi thứ đã xáo trộn một cách thật bát nháo do thiếu kinh nghiệm quản lý của những người lãnh đạo mới. Thuyền bị cho nghỉ việc vì có dính líu đến “Mỹ Ngụy”. Thuyền dọn ra khỏi căn nhà mà hai người đã thuê bấy lâu nay, cô đã phải buôn bán tần tảo hết sức vất vả để lo cho bé Mây. Những lúc chán nãn và tuyệt vọng Thuyền thường nhìn xuống bàn tay bé nhỏ của mình, chiếc nhẫn của Mike như tiếp thêm sức mạnh để cô vượt qua bước ngoặc gian truân của đời mình. Cô cứ thầm chờ đợi mong ngày vợ chồng, cha con trùng phùng nhưng chính sách “bế môn tỏa cảng” của chính quyền mới đã giết chết dần mòn niềm hy vọng trong cô. Bé Mây càng lớn càng nhận nhiều sự kỳ thị của mọi người chung quanh, đó là điều mà Thuyền cảm thấy đau lòng nhất!

Vào một ngày khoảng cuối năm 1978 Thuyền đã thật ngỡ ngàng khi gặp lại người chồng cũ năm xưa. Cô đã không tin vào mắt mình khi nhìn người chồng mà cô từng phải rời bỏ chỉ vì bị gia đình anh kết tội là “gái độc không con”! Chồng Thuyền bảo do nhiều người ở quê lên đây buôn bán làm ăn tình cờ gặp cô ra vô xóm này, họ còn kể rằng hiện giờ cô đã có một đứa con lai Mỹ nên chính vì thế mà anh dễ dàng tìm ra nơi cô cư ngụ. Anh cũng cho biết trước đây đã đi tìm Thuyền nhiều lần nhưng bặt tin vì gia đình cô dưới quê quá kín tiếng. Anh cũng cho hay sau khi cô đi rồi má anh cũng cậy người mai mối để cưới đám khác cho anh nhưng họ cũng bỏ đi sau nửa năm chung sống vì biết rằng anh không có khả năng sinh con. Anh nói vẫn còn rất thương Thuyền và hứa sẽ coi bé Mây như con đẻ, lo cho nó ăn học đến ngày thành tài.

Như người đang chết đuối gặp lại cái bè cũ, tình nghĩa vợ chồng bao năm sống lại nhưng Thuyền vẫn còn nhớ đến chuyện xưa nên cô ra điều kiện cô không muốn trở về quê sống trong căn nhà của má anh lần nữa. Chồng cô ưng thuận ngay, anh bỏ công việc kế toán ở Mỹ Tho, lên Sàigòn. Hai vợ chồng cô mua một căn nhà nhỏ, mở tiệm tạp hóa bán trong xóm sống qua ngày. Tình cảm của Mây và chồng cô càng ngày càng khắng khít như cha con ruột thịt. Thuyền cũng thấy am tâm với mái gia đình hiện tại của mình.

Đầu năm 1983, cô quyết định nộp đơn cho cả nhà đi Mỹ theo chính sách nhân đạo cho diện con lai còn sót lại Việt Nam. Cô nghĩ đã đến lúc bé Mây cần được bù đắp những mất mát suốt bấy lâu nay.

*

Những ngày sau đó Mây đến thăm cha thường xuyên hơn nhưng cô vẫn chưa dám nói cho ông biết về lai lịch của mình. Cô thầm nghĩ sẽ đợi đến khi cha xuất viên khỏe hẳn cô sẽ tìm cơ hội thuận tiện nhất. Riêng ông Mike, dù không hề biết đây là con gái của mình nhưng ông rất quý mến Bác sĩ May vì cô cũng trạc cỡ tuổi con ông và có một cái tên rất gần gũi với nó. Tình cảm của họ lớn dần và ông đã không ngại ngần kể lại chuyện đời tư của mình cho Mây nghe.

Qua lời của cha, Mây được biết được sau khi về lại Mỹ ông đã tìm cách liên lạc với mẹ cô nhưng không cách gì tìm ra tung tíchmẹ con cô. Vào năm 1981 ông đã về Việt Nam tìm hai mẹ con cô nhưng mất tung tích. Mãi đến năm 1985, ông mới lập gia đình với một phụ nữ Mỹ và có một đứa con trai. Nhưng sau gần 10 năm chung sống vợ ông đã đem lòng yêu thương người khác, đòi ly dị phân chia tài sản và dắt đứa con trai ra đi biền biệt cho đến bây giờ ông cũng không biết họ đang sống nơi đâu. Mất hai người vợ và hai đứa con khiến ông rơi vào trạng thái tuyệt vọng và bị trầm cảm lúc nào không hay!

Sau đó ít lâu ông Mike cũng đã trở lại Việt Nam nhiều lần nữa cùng với những tổ chức khám bệnh thiện nguyện nhằm giúp đỡ những trẻ em mồ côi, bất hạnh như muốn chuộc lấy lỗi lầm vì đã không lo được cho hai mẹ con Mây như những lời ông đã hứa khi xưa. Trong những chuyến đi ấy ông cũng đã cố tìm kiếm vợ con mình thêm nhiều lần nữa nhưng tất cả đã trở nên vô vọng.

Giờ đây ở tuổi gần 70 ông vẫn sống một mình trong căn nhà trống với những nổi buồn đeo bám ông suốt gần 40 năm qua. Cũng từ đây ông ngộ ra sự ngắn ngủi của kiếp nhân sinh, ông cũng đã chuẩn bị mọi thứ cho cuộc đời mình rồi, ông không tiếc nuối gì cả khi ra đi nhưng chỉ mong một điều duy nhất là tìm lại được vợ con của mình. Ông linh cảm rằng sẽ có một ngày ông gặp lại họ! Chính niềm tin mãnh liệt này đã giúp ông vượt qua những cơn nhồi máu cơ tim nguy kịch trước đây.

*

Người đàn bà hấp tấp đi vào bệnh viện, vội vã bước vào thang máy, bồn chồn đưa tay nhấn vào nút số hai để lên tầng trên của bệnh viện. Đêm qua đứa con gái của bà đã gọi điện thoại kể cho bà nghe về người cha thất lạc mà nó đã tình cờ gặp lại trong bệnh viện này. Bà gần như thức trắng đêm để ôn lại những đoạn phim cũ của cuộc đời mình mà 40 năm qua bà tưởng như đã đi vào quên lãng. Những năm đầu đến Mỹ bà cũng muốn đi tìm lại cha cho con gái để nó biết nguồn cội của mình nhưng bà kịp nghĩ lại tìm để làm gì? Bà giờ đã là người phụ nữ có chồng và chắc người ta cũng đã có một mái ấm khác, bà không muốn làm xáo trộn cuộc sống hạnh phúc của ai cả. Với ý nghĩ đó nên bà chưa bao giờ hé môi cho con gái biết tên của ba nó vì Hồng Mây sẽ rất dễ dàng tìm được cha của mình từ một cái tên! Bà chỉ khuyên con như sau:

- Con hoàn toàn có thể tự hào rằng mình là đứa trẻ đã ra đời trong tình yêu của ba mẹ. Ba con là một Bác sĩ giỏi và có y đức. Tuy nhiên, con phải suy nghĩ cho thận trọng trước quyết định tìm lại cha vì đôi khi nó sẽ đưa đến những hệ lụy không hay sau này.

Mây đã im lặng không nói lời nào, không biết cô đã suy nghĩ gì nhưng cũng từ đó cô đã quyết tâm theo đuổi sự nghiệp y khoa của cha mình. Riêng mẹ của Mây, từ lâu rồi bà đã quên đi những chuyện của quá khứ để tập trung sống tốt cho hiện tại với chồng, con và cháu. Cuộc sống của bà đã qua rồi những sóng gió kể từ ngày đặt chân đến Mỹ. Con gái học hành thành tài, hai vợ chồng bà đã thảnh thơi có thời gian thực tập tâm linh, an hưởng tuổi về chiều. Cuộc gọi đêm qua đã đem bà về lại với quá khứ của 40 năm trước khiến bà không khỏi bàng hoàng khi biết người xưa của mình giờ đang trải qua cơn thập tử nhất sinh.

Rồi chính Mây sáng nay đã gọi lại cho mẹ đầy hoảng hốt:

- Mẹ ơi! Con nghĩ mẹ nên đến bệnh viện ngay lập tức, càng sớm càng tốt. Nếu không chắc mẹ sẽ không còn dịp nào nữa! Con chờ mẹ ở phòng 204.

Phòng 200, 202 và đây phòng 204! Người đàn bà ở tuổi 65 rung rung đưa tay đẩy cửa bước vào. Hồng Mây đang đứng lặng yên mắt ướt sũng nhìn cha đầy bất lực, có lẽ ông vừa mới qua cơn nhồi máu cơ tim tái diễn, mắt ông nhắm nghiền đầy mệt mõi. Mike của bà đây rồi! Gần 40 năm đã trôi qua, bao nhiêu biến động của cuộc đời vùi dập để giờ đây họ được gặp lại nhau giữa đôi bờ sanh tử. Bà từ từ nắm lấy bàn tay ông, chiếc nhẫn năm xưa có tên hai người ông vẫn còn đeo trên ngón tay áp út, bất giác bà úp mặt vào đó mà khóc nức nở nghẹn ngào. Nước mắt của gần 40 năm đợi chờ giờ có dịp tuôn trào. Người đàn ông này tuy chỉ đi với bà một đoạn đường ngắn ngủi nhưng lại là người đã làm thay đổi cả cuộc đời bà!

Bất chợt bệnh nhân phòng 204 khẻ mở mắt, tiếng khóc của bà đã lay ông tỉnh lại, cặp mắt của ông bỗng trở nên tỉnh táo một cách lạ thường. Ông ngước lên nhìn người phụ nữ trước mặt mình. Cuộn phim cuộc đời ông bỗng chậm rãi quay lại rõ ràng hơn bao giờ hết! Ông rung rung nắm lấy bàn tay bà rồi quay sang nhìn đứa con gái thân yêu của mình. Vợ con của ông kia rồi!!! Đây không phải là mơ nữa!!! Nhưng giờ thì họ sắp chỉ còn là một phần giấc mộng của đời ông.

Bàn tay ông vẫn cứ nắm lấy tay vợ của mình! Họ tay trong tay, mắt trong mắt, nghẹn ngào nhìn nhau lần sau cuối. Rồi ông nhẹ nhàng nhắm mắt, khép lại một giấc mộng dài!

Nguyễn Bích Thuỷ

Ý kiến bạn đọc
06/06/201421:03:02
Khách
Đúng là khó ngăn được dòng nước mắt!Phải chi cô Bác Sĩ nhận cha sớm một chút để cha mình được an ủi thêm nhiều biết đâu bệnh tình khả quan ? Cuối cùng thì những người hữu tình cũng được gặp nhau!Bài viết hay và lôi cuốn với kết thúc đột ngột và buồn!
05/06/201422:21:53
Khách
Cau chuyen that la xuc dong. Chung ta khong nen mat niem hy vong va cuoc doi luon day nhung bat ngo...
05/06/201413:23:33
Khách
kg the ngan duoc nhung dong nuoc mat,qua dat tron that
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,309,730
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến