Hôm nay,  

Đi Tặng Quà Dùm Việt Báo

28/05/201400:00:00(Xem: 10784)

Tác giả: Phương Hoa
Bài số 4224-14-29634vb4052814

“Việt Báo Viết Về Nước Mỹ và Vietnam Museum” là chuyện kể trong bài viết mới nhất của tác giả từng nhận giải danh dự 2013. Trang nhất Việt Báo Daily News hôm nay có hình và tin về bài viết, nguyên văn như sau:

Sau đây đầy đủ bài viết..

* * *

Sau khi bài viết “Bảo Tàng Của Người Lính Bị Bỏ Quên” được Việt Báo đăng trong giai phẩm Xuân Giáp Ngọ, báo giấy, và trên online, tôi dành thời gian dịch ra một bản tiếng Anh để tặng giám đốc Dann Spear vì ông ấy dặn nhớ gửi ông xem khi bài lên báo.

Bài dịch xong tôi gửi cho Dann, kèm theo cái link của Việt Báo thì nhận ngay hồi âm. Ông Dann cám ơn về bài viết, và hỏi tôi có thể nào tặng ông tờ báo giấy đã đăng bài để ông kèm vào bản tiếng Anh trưng bày ở bảo tàng cho khách tham quan đọc. Tôi chẳng biết tính sao, vì tôi chỉ có quyển báo Xuân Việt Báo tặng chứ không có tờ nhật báo. Tôi bèn email cho người phụ trách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, copy luôn cái thư ông Dann gửi cho tôi, trong đó ông cho biết là nhờ coi bài tôi viết trên Việt Báo, một nhóm cựu phi công Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ San Jose có liên lạc và sẽ đến tham quan nhà bảo tàng trong tuần tới.

Sau email “cầu cứu” với Việt Báo, tôi nhận được chẳng những tờ nhật báo, mà còn cả cuốn báo xuân và một quyển tiếng Anh “Writing On America” để có thể tặng lại nhà bảo tàng. Nhận đủ sách báo, tôi ghi mấy cái note đề tặng “từ Việt Báo” dán trên bìa sách, rồi gọi thằng út, kêu nó chỉ cách điều chỉnh cái máy in để tôi in bài viết cho đẹp kèm theo sách đem tặng nhà bảo tàng. Không ngờ thằng con cũng muốn chung tay, nó kêu tôi email bài viết để nó gửi UPS in bằng giấy cứng loại in thiệp sẽ giữ được lâu bền hơn. Sau khi lấy được bản in, tôi bấm lỗ và dùng dây đỏ thắt nơ rồi bỏ vào kẹp hồ sơ, bên kia là hai tờ nhật báo Việt Báo.

Tôi cùng ông xã đến bảo tàng vào chiều thứ Năm. Vùng Marysville đang bắt đầu cho vụ lúa mới. Cánh đồng dọc hai bên đường A Road từ đường lớn Beale quẹo vô nhà bảo tàng bát ngát một màu xanh của lúa non, hệt như những ruộng lúa quê nhà.

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến lễ Memorial Day. Một rừng cờ rực rỡ đủ màu phất phơ trước gió dọc đoạn đường non cây số chạy thẳng đến cổng nhà bảo tàng như chào đón và dẫn đường cho khách viếng. Lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa được cắm ở đầu đường, tiếp theo là những lá cờ Mỹ xen lẫn với cờ các quốc gia khác trên thế giới.

Ông xã tôi kêu dừng xe để ông xuống chụp hình dãy cờ, cũng vừa lúc giám đốc Dann Spear lái chiếc “Scooter” lùn, kiểu như cái máy cắt cỏ, từ nhà bảo tàng chạy ra. Thỉnh thoảng, ông dừng lại để chỉnh sửa những lá cờ bị gió xô lệch. Thấy ông nâng niu trên tay lá cờ vàng ba sọc đỏ bị gió cuốn chéo, tỉ mỉ tháo gỡ, rồi trang trọng cắm trở lại vào trong cây trụ mà tôi tội nghiệp ông vô cùng. Trời đang nắng, con đường thì dài, mà số cờ không phải ít. Giá mà có cơn gió nào nghịch ngợm, nhẫn tâm làm lộn xộn cả đám cờ này, không biết ông Dann làm sao mà sửa hết chúng đây.

Dann vẫy tay chào chúng tôi và nói hãy vô trước chờ ông. Trong khi chờ đợi, tôi lang thang ra phía sau và gặp vợ ông, bà Roberta. Đây là lần đầu tiên tôi gặp bà, nhưng dường như bà biết rất rõ về tôi, có lẽ do Dann kể. Bà cho biết từ ngày treo đám cờ ấy lên, chiều nào đi làm về Dann cũng lái scooter đi thăm và chỉnh lại những lá cờ bị gió làm xiêu vẹo. “Ông ấy yêu chúng lắm!” Roberta nói. Tôi cảm nhận được Dann rất yêu cái tác phẩm nhà bảo tàng này của ông, chăm chút kỷ lưỡng cũng như tôi đã yêu các tác phẩm của tôi vậy.

Trước khi Dann trở lại mở cửa, chúng tôi đã thấy cựu chiến binh Việt Nam Richard, người lần trước đã nói với tôi đây là “nhà thứ hai” của ông, cười vui thò đầu ra từ bên trong dù chưa đến giờ mở cửa. Chúng tôi đến sớm vì sợ khi mở cửa đông người khó nói chuyện.

Đón chúng tôi vào, ông Dann hào hứng kể về nhóm năm cựu phi công QLVNCH đến từ San Jose hôm thứ Hai. Ông cám ơn tôi rối rít, nói nhờ đọc bài viết của tôi trên Việt Báo mà những người này đã gọi làm hẹn đến thăm bảo tàng, và ông còn vài cuộc hẹn sắp tới với mấy nhóm cựu chiến binh Việt Nam khác, đông hơn nữa. “Ôi! Anh chị không thể tưởng tượng là bọn họ đã thích thú đến cỡ nào đâu!” Dann nói. Họ đã đi dạo cả buổi, đến chừng về còn tỏ ra luyến tiếc, và hứa sẽ đưa thêm bạn bè trở lại nữa. Dann còn kể, một trong những cựu phi công này đã đứng tựa người vào chiếc trực thăng kỷ vật để chụp hình. Người này đã từng lái trực thăng trong thời chiến tranh Việt Nam. “Dù ông ấy nói cười, tôi như đọc được nỗi đau và niềm luyến tiếc, xúc động tràn trề trong mắt ông ấy,” Dann kể lại.

Theo chân Dann, vừa nghe ông kể chuyện tôi vừa quan sát xung quanh. Thật là ngạc nhiên. Chỉ sau mấy tháng từ lần trước chúng tôi đến đây, bây giờ nhà bảo tàng đã phát triển nhìn đến chóng mặt. Thêm rất nhiều dãy tủ kính, nhiều kỷ vật được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng, cho thấy tầm vóc hiện tại của nhà bảo tàng. Nếu là lần đầu đến đây, tôi không nghĩ trong một ngày là có thể xem tỉ mỉ hết các thứ, vì mỗi kỷ vật đều kèm theo xuất xứ, đề tặng, và câu chuyện cảm động khiến người ta phải chú ý. Cứ theo cái đà phát triển này, trong tương lai sẽ cần thêm rất nhiều phòng nữa.

Bây giờ nhà bảo tàng đã được cả nước biết đến, chứ không còn là của thành phố nhỏ Marysville, vì Dann cho biết, bảo tàng liên tục nhận kỷ vật từ khách viếng và từ khắp nơi gửi về. Đối với Dann, dù họ chỉ gửi tặng một tấm hình cũ, ông cũng rất quý và đem bỏ lên trang nhà ngay. Những cựu phi công từ San Jose sau chuyến đi, họ về gửi tặng Dann nhiều hình ảnh của họ thời chiến tranh với quân phục quân hàm, và một video clip quay toàn cảnh bảo tàng trong ngày đến viếng. Ông Dann đã vui mừng forward cho tôi xem. Bây giờ thì tất cả hình ảnh và video của nhóm này đã được post trên trang web bảo tàng.

Vào đến thư viện, nơi có cái bàn dài nhận kỷ vật, ông Dann và Richard mời chúng tôi ngồi. Tôi lấy ra quyển sách tiếng Anh VVNM “Writing On Amrerica” trước. Tôi cho Dann và Richard biết, trong tuyển tập này là tâm huyết của những người Việt Nam sống trên đất Mỹ và khắp thế giới sau cuộc chiến 75. Họ Viết Về Nước Mỹ từ khoảng thời gian 2000 đến 2010. Các tác giả đã viết lại những mất mát đớn đau, những sự kinh hãi trên đường vượt biển, vượt biên, sự vất vả để hội nhập trên quên hương mới, cộng với sự thành tựu cùng những đóng góp hữu ích của họ và con cháu họ cho đất nước Hoa Kỳ. Hai người tròn mắt, lắng nghe với vẻ thích thú lẫn xúc động hiện rõ trên nét mặt.

“Dù bận cỡ nào, tôi nhất quyết phải đọc nó!” Ông Dann nói. Richard cũng gật đầu đồng ý. Trong niềm hân hoan, giám đốc Dann còn dặn tôi khi về nhà nhớ gửi địa chỉ email của thi sĩ Từ “để tôi viết cho ông ấy,” Dann nói.

Sau đó nhà tôi lôi ra hai tờ Việt Báo, tờ Báo Xuân, và bản dịch bài viết của tôi, ông ấy mang dùm vì sách báo dày nặng quá tôi mang đâu có nổi. Ông chỉ cho Dann xem trang 2 có bài đăng, cùng những trang tiếp theo mà ông ấy đã cẩn thận chú thích bằng tiếng Anh về bài viết, highlight, và đánh dấu sẵn.

Dann cười ha hả, “Ồ, chúng đây rồi! và thích thú cầm lấy mấy tờ báo, lật từng trang xem xét. Nhìn ông tươi vui hớn hở như một cậu bé vừa được tặng món đồ chơi vừa ý.

- Ah, để rồi tôi sẽ chuyển email của ông webmaster Harlan cho chị xem. Đột nhiên Dann lên tiếng, sau khi ngắm nghía đã đời mấy quyển tạp chí và mấy tờ báo. – Ông ấy rất thích bài viết của chị và nói sẽ post lên trang web của nhà bảo tàng khi nào rảnh.

- Ấy chết! Tôi vội kêu. – Phiền ông nói với ông ấy làm ơn sửa dùm lỗi trước khi đăng, nếu không người ta đọc sẽ cười tôi đó. Bạn bè tôi, và rất đông người Việt giỏi tiếng Anh, họ viết hay lắm chứ không phải kiểu “amateur” tài tử như tôi đâu! Ông đọc quyển “Writing On America” thì sẽ thấy.

Thú thực tôi chưa từng dịch một bài tiếng Việt sang tiếng Anh nào trước đây. Hồi còn ở College, tôi không sợ khi phải viết một bài văn, hay câu chuyện bằng tiếng Anh, và hiện tại tôi cũng có viết lai rai dăm ba truyện ngắn. Nhưng dịch lại là một vấn đề. Tiếng Anh vốn gọn gàng, thẳng tắp, còn tiếng Việt đầy luyến láy, bóng gió đủ thứ hết. Nếu dịch ngắn ngủn thì không hết ý với bài tiếng Việt, còn dịch theo ý “méo mó” của người Việt Nam, rủi “nghề nghiệp” cũng bị…méo mó theo thì thiên hạ sẽ cười. Cho nên tôi không được tự tin lắm.

blank
Các cựu chiến sĩ gốc Hmong về từ khắp nơi trên nước Mỹ chờ nhận tuyên dương. Nhân mùa lễ Memorial Day 2014, tại Marysville, miền Bắc Cali Viện Bảo Tàng Vietnam với danh xưng “Museum of the Forgotten Warriors” có buổi lễ đặc biệt. Chỉ huy phó Joe Teruel của Oliverhurst Veterans Post 4095 và Dân biểu tiểu bang Dan Logue đã trao tặng huân chương và vinh danh công trạng của 50 cựu chiến sĩ VNCH gốc Hmong. Vietnam Museum tại Marysville khởi sự từ 1965 bởi cậu bé Dann Spear 10 tuổi có người bạn lớn đi lính chiến đấu tại Việt Nam. Nửa thế kỷ sau, đây là một bảo tàng chính qui rộng lớn.

Nhưng ông Dann lắc đầu cười:

- No, no! Họ sẽ không cười đâu. Tôi nhận thấy, và cả Harlan cũng đã nói với tôi, là chị viết bài này từ cảm xúc tận trái tim. Văn của chị cho dù không thể hiện chính xác như văn phong người Mỹ, nhưng “emotional,” tình cảm lắm. Nó đã làm cho tôi và Harlan rất xúc động, cả bà Mary nữa, cho nên không cần sửa chữa gì hết!

Có lẽ ông Dann nói vậy để tôi yên lòng.

Thấy khách viếng thăm bắt đầu lai rai đến vì đã tới giờ mở cửa, Dann nói:

- Anh chị đi theo tôi! Hãy để sách đó, chúng ta phải đi tìm một chỗ thích hợp, một chỗ thật xứng đáng để trưng bày mấy quyển sách báo này.

Tôi cùng ông xã và Richard bước theo Dann. Tôi thầm nghĩ ông sẽ tìm chỗ trưng bày mấy quyển sách trong cái phòng thư viện với hàng khối đầu sách về chiến tranh này.

Nhưng không.

Dann đưa chúng tôi ra phía trước, chỗ khu vực bảo tàng chiến tranh Việt Nam. Ông dừng lại nhiều lần, xem xét, hỏi ý chúng tôi, rồi lại lắc đầu đi tiếp. Đi ngang qua chỗ có hình bà Mary Webb và chị Mẫn Susie chụp chung sau khi họ gặp lại rồi cùng nhau đến thăm bảo tàng, và tấm hình hai người chụp chung trước 75 khi họ phục vụ ở phi trường Tân Sơn Nhất, Dann chợt nhớ ra và reo lên:

- Ồ, chị đã biết tin gì chưa? Susie sắp đưa ông xã qua đây lần nữa vào tháng 7 này đó!

Rồi ông cười chỉ vào tôi, nhưng lại nói với nhà tôi:

- Không biết sao các bà ấy làm quen với nhau nhanh thế! Bây giờ chị ấy, Mary, và Susie, đã là bạn bè với nhau rồi. Tôi nghe Mary nhắc đến họ luôn. Sắp tới đây bọn họ còn “hẹn hò” đi chơi chung với nhau nữa đó!

- Đúng thế. Tôi cười xác nhận. - Chúng tôi bây giờ đã là bạn bè rồi, thường email trao đổi thông tin, hình ảnh các thứ.

Giám đốc Dann còn tỏ lòng khâm phục, khen ngợi việc chị Susie hết lòng phục vụ cộng đồng người Việt ở Utah. Ông nói không sai. Chị Susie Đặng thị Mẫn hiện là một thành viên trong ban chấp hành của CĐNV Tự Do Utah. Qua những thông tin hình ảnh chị thường chia sẻ với tôi, tôi thấy chị ấy quả thật là một người rất năng nổ trong công việc phục vụ cộng đồng, dù chị vừa bận đi làm full-time vừa lo cho gia đình con cháu. Tôi cũng cho Dann biết việc trang nhà của cộng đồng Người Việt Tự Do Utah đã đăng lại bài “Nhà Bảo Tàng” từ Việt Báo, và ông rất vui.

Nhà tôi thấy Dann tìm một lúc mà chưa chấm được chỗ nào bèn gợi ý nên trưng bày chúng bên cạnh những biểu tượng người lính Việt Nam Cộng Hòa. Tôi thì muốn kiếm một chỗ cạnh các cô búp bê áo dài Việt Nam xinh đẹp để người ta dễ thấy. Nhưng nhìn sang gần đó có một hình nộm mặc đồ bộ đội Bắc Việt, ông Dann cười và trêu chúng tôi:

- “I bet,” tôi cá là anh chị không muốn chúng đứng gần tên “Viet Cong” này phải hôn?

Đi khắp hết các gian phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh Việt Nam, nhưng Dann chưa hài lòng được chỗ nào. Ông vừa đi làm về mệt mỏi, nếu như là người khác thì kiếm đại một chỗ nào đó cho xong. Nhưng ông kén chọn kỹ quá. Cuối cùng ông chợt nhớ ra, reo lên: - Ồ tôi biết chỗ nào rồi! Và ông vội vã bước ra đàng trước, nơi có mấy dãy tủ kính cao tận trần nhà gần cửa ra vào. Dann quả là đã thuộc hết các ngõ ngách trong cái nhà bảo tàng của ông.

Dann dừng lại dưới một chiếc tủ gỗ đựng huy chương phù hiệu quân đội. Có một lá cờ vàng ba sọc đỏ tựa vào chiếc tủ kính nhỏ trong suốt, trên để mấy tấm hình, bên trong đựng kỷ vật, và bên ngoài có mấy đầu đạn hỏa tiển “bự tổ chảng” dựng chung quanh.

- Đây rồi! Giọng sôi nổi, ông chỉ vào mặt chiếc tủ kính. - Tôi nghĩ đây là chỗ xứng đáng nhất để trưng bày những sách báo quí giá, ít ỏi này của nhà bảo tàng! Nói xong ông bắt đầu dọn dẹp những khung hình đó sang nơi khác cho trống chỗ, trong khi nhà tôi trở ra thư viện mang sách tới. Tôi vui mừng khi thấy những sách báo của Việt Báo được ưu tiên như thế.

Ông Dann vừa sắp những quyển sách lên trên mặt tủ kính vừa nói:

- Chẳng những ở đây gần cửa, dễ gây chú ý cho khách viếng, mà chúng còn nằm bên cạnh lá cờ Việt Nam Cộng Hòa của các bạn. Rồi ông cười đùa: - Tôi nghĩ là chúng cũng đang “proud,” tự hào lắm đấy!

Nghe Dann nói đến lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, bây giờ tôi mới chú ý. Đây là một lá cờ đã cũ và có vẻ rất lạ lùng. Đúng hơn đó là một chiếc túi hình chữ nhật màu vàng, mỗi bìa đều có ba sọc đỏ, nhưng là chiếc túi may kín không miệng. Ba sọc đỏ nhìn không đều, và bốn góc thì cũng không được vuông vức. Tôi bèn cầm lên quan sát tỉ mỉ. Thì ra chiếc “túi cờ” này được may bằng tay với những đường kim mũi chỉ chưa tinh xảo lắm. Tôi đang phân vân, định hỏi ông Dann về “lý lịch” của lá cờ ngộ nghĩnh này thì ông lên tiếng:

- Lá cờ này do vợ tôi Roberta may đó!

Tôi tròn mắt nhìn Dann:

- Vậy sao? Và trước khi tôi kịp nói một câu khen xã giao thì ông nói tiếp, vẻ mặt rạng rỡ:

- Đây là lá cờ “lịch sử!” Nó đã có mặt ở đây từ những ngày đầu tiên của nhà bảo tàng, mấy chục năm rồi. Ngày đó, chúng tôi chỉ trưng bày những gì tôi có được do bạn bè cựu chiến binh Việt Nam đem về tặng. Chúng tôi không có nhiều cờ, và cũng không biết kiếm đâu ra cờ vàng ba sọc đỏ, nên Roberta đã tự tay may lá cờ này. Tuy rằng nó không được “perfect” hoàn hảo cho lắm, nhưng cô ấy đã rất tự hào về nó! Tôi cắm nó ở đây như là một nhắc nhở về những ngày đầu của chúng tôi, của nhà bảo tàng…

blank
Ông Dann Spear nay là Giám Đốc Sáng Lập Bảo Tàng cùng Ông Trịnh Khoa, một cựu Không Quân VNCH chụp hình với lá cờ vàng nhỏ. Đây là lá cờ vàng từ buổi đầu lập bảo tàng, do một phụ nữ Mỹ trẻ -người bạn đời của Dann- tự tay khâu may, vào lúc các thế lực phản chiến tại Mỹ không ngừng bôi nhọ các cựu chiến binh và VNCH. Phía sau lá cờ, là nơi bảo tàng thường xuyên trưng bầy báo xuân, báo ngày của Việt Báo, và sách “Writing on Ameria”, Viết Về Nước Mỹ bản Anh ngữ.

Tôi đứng lặng người trong xúc động.

Không ngờ sau cuộc chiến Việt Nam, trong khi những cựu chiến binh Mỹ trở về đã bị các thành phần phản chiến xem thường, nếu không nói là khinh miệt, thì nơi thành phố nhỏ cổ kính này, có một phụ nữ Mỹ trẻ ngồi căm cụi đột từng mũi kim để may lại lá cờ mà các quân nhân anh hùng của dân tộc bà đã từng chiến đấu để giúp bảo vệ nó. Đây quả là một việc làm cảm động vô song! Nếu tôi là một sử gia Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ ghi lại câu chuyện “người phụ nữ Mỹ may cờ vàng ba sọc đỏ” này vào một góc nào đó như là một câu chuyện thú vị bên lề lịch sử. Tôi nhận ra, cả Dann và vợ ông đều có một tấm lòng, một mối duyên kỳ lạ đối với Việt Nam, đất nước xa xôi mà họ chỉ nghe tên chứ chưa bao giờ đặt chân đến. Nếu mà thực sự có kiếp trước, có thể kiếp trước cặp vợ chồng này là người Việt Nam.

Ông xã tôi nghe nói cũng rất xúc động nên bước lại cầm lấy lá cờ ngắm nghía. Giám đốc Dann thấy thế cũng vào đứng kề bên, hai người cùng cầm chung cây cờ và Dann kêu ông Richard chụp vài tấm hình để ông bỏ lên trang web.

Trong khi họ chụp hình, tôi rảo mắt nhìn quanh, và chợt nhận ra khu vực nhà bảo tàng Chiến Tranh Việt Nam không có nhiều cờ vàng của VNCH cho lắm. Chỉ một số nằm rải rác đó đây, mà hầu hết là những lá cờ nho nhỏ và trong các huy hiệu binh chủng. Có một lá đại kỳ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng cũng không lớn lắm, được đóng khung trang trọng cùng với lá cờ Mỹ trưng bày trong tủ kính, và một lá cờ vàng lớn thêu tên đơn vị quân đội được treo cao trên trần nhà mà Dann rất quý. Khi chụp hình, Dann căn dặn Richard phải lấy cho bằng được một phần của lá cờ vàng trên trần vào tấm hình của nhà tôi và ông ấy. Phải chi tôi biết, tôi đã tìm mua vài lá cờ vàng ba sọc đỏ thật lớn đem tặng cho Dann trang trí khu vực này chắc ông sẽ thích lắm. Bây giờ thì tôi biết tại sao Dann đã nâng niu lá cờ VNCH ngoài đầu đường đến như vậy. Nếu để gió cuốn đi, có lẽ ông không còn lá cờ nào khác thay thế.

Giám đốc Dann còn cho chúng tôi biết, lễ Memorial Day năm nay sẽ có một sự kiện đặc biệt tại nhà bảo tàng. Ngày thứ Sáu trước lễ, bảo tàng sẽ có buổi vinh danh các cựu chiến binh Hmong, những người đã từng sát cánh giúp quân đội Hoa Kỳ ở biên giới Lào trong chiến tranh Việt Nam, mà lâu nay họ cũng bị… bỏ quên.

(Hôm nay khi đang ngồi viết bài này, tôi nhận được email từ ông Dann về một bài báo địa phương tường thuật buổi lễ vinh danh đó. Chỉ huy phó Joe Teruel của Olivehurst Veterans Post 4095 và “Assemblyman” Dan Logue đã vinh danh, trao tặng cờ Mỹ, huân chương, và bằng công nhận công trạng cho 50 cựu chiến binh Việt Nam người Hmong đến từ khắp nơi trên nước Mỹ. Tôi rất xúc động nhìn hình cựu chiến binh Hmong Vang Thao khóc mếu khi ông nhận bằng công nhận. Ông là người Hmong tôi đã gặp khi đến tặng kỷ vật lần trước. “Tuy rằng muộn, nhưng chúng tôi cuối cùng đã không bị bỏ quên như đã từng bị bỏ quên trước đây,” Vang Thao nói với báo chí. Ông Dann thì khỏi nói, ông vô cùng vui khi nhìn thấy kết quả này. Nhờ ông mà những chiến binh Hmong ngày nay cũng đã được “trả lại mặt mũi”.)

Biết Dann còn nhiều việc phải chuẩn bị cho buổi lễ vinh danh ngày mai, và thấy khách viếng đã lần lượt đến khá đông nên chúng tôi đành phải giã từ. Trước khi ra cửa, tôi quay lại nhìn lần nữa nơi trưng bày sách có “lá cờ vàng huyền thoại.” Tôi thầm mừng vì số sách báo này đến kịp lúc trong dịp lễ Memorial Day. Dann nói với tôi ông sẽ in thêm ra mấy bản tiếng Anh nữa kèm vào tờ báo xuân nơi có bài Nhà Bảo Tàng, vì sẽ có nhiều khách tham quan đọc chúng.

Nhìn mấy tờ Việt Báo, tập bao xuân, và quyển “VVNM Writing On America” 2000-2010 được trưng bày trang trọng trên kệ của VIETNAM-MUSEUM mà trong tôi dâng lên một nỗi niềm khó tả. Tôi biết công trạng của giám đốc Dann rất lớn đối với các cựu chiến binh Mỹ; đặc biệt là, đối với lịch sử tỵ nạn của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Và đồng thời tôi nhớ tới công khó của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ suốt 14 năm qua.

Với việc làm xuất phát tự trái tim, ông Dann từkhi còn là một cậu bé, đã thành lập nhà bảo tàng VIETNAM-MUSEUM, giúp bảo vệ trang sử của Hoa Kỳ. Ông đã chứng tỏ cho những thành phần phản chiến của quốc gia có nền tự do ngút ngàn này thấy rõ, là họ đã sai lầm khi phản đối người Mỹ giúp Việt Nam bảo vệ tự do và hòa bình. Có lẽ bây giờ họ nhận ra, những quân nhân anh dũng của họ đã đau lòng biết bao khi bị bắt buộc bỏ cuộc nửa chừng, đẩy nước Việt Nam tự do vào tay Cộng Sản. Nhất là lúc này, tôi tin họ đã thấy rõ bọn Cộng Sản Trung Quốc “bành trướng” đến cỡ nào, chúng đang lăm le nuốt chửng Việt Nam. Và tôi cũng đoán, từ nhà bảo tàng này, tự thâm tâm những người phản chiến bây giờ cũng cảm thấy có lỗi vì đã không đối xử tử tế khi những anh hùng của họ trở về sau cuộc chiến Việt Nam. Giám đốc Dann đã và đang tiếp tục góp phần gìn giữ và bảo vệ trang sử hào hùng cho các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ tự do tại Việt Nam trước đây, và tiếp tục ở nhiều đất nước khác.

Cũng vậy, với cả tấm lòng và ý chí bền bỉ, Việt Báo cũng đã phát động và tập hợp được hàng chục ngàn trang sách của bộ “lịch sử ngàn người viết” của người Việt trên quê hương thứ hai này. Có thể nói “Viết Về Nước Mỹ” cũng là một “nhà bảo tàng,” không phải nhà bảo tàng để trưng bày những vật thể kỷ niệm như của ông Dann, mà là một “nhà bảo tàng tinh thần,” để người Việt Nam “donate,” hiến tặng những “kỷ vật vô hình” tự tâm hồn họ.

Vào thăm nhà bảo tàng Viết Về Nước Mỹ, hiện đã có hơn bốn nghìn câu chuyện được viết lại từ trái tim, người Việt và con cháu sau này sẽ lấy đó làm gương, học hỏi, và hảnh diện. Vào thăm nhà bảo tàng “Writing On America,” người bản xứ sẽ phải nể trọng “sự mạnh mẽ đứng lên từ đống đổ nát” của người Việt. Đặc biệt là, chứng tỏ cho những người Mỹ từng bác bỏ chấp nhận người Việt tỵ nạn thấy là họ đã sai.

Biết đâu, trong một tương lai nào đó, sẽ có những sử gia Hoa Kỳ phải đến nhà bảo tàng này để tìm đọc những quyển “Writing On America” Viết Về Nước Mỹ, và sẽ trích đăng, ghi vào lịch sử của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ một vài chi tiết quan trọng nào đó trong bộ sử ngàn người viết mà mẹ cha, ông bà, hay chú bác của một vị tổng thống Hoa Kỳ gốc Việt đã từng viết ra.

Rời nhà bảo tàng mà lòng tôi thấy lâng lâng. Tôi thật may mắn được dịp làm “cầu nối” mang số sách báo của Việt Báo đến tặng cho nhà bảo tàng VIETNAM-MUSEUM, một việc làm đã cho tôi cái cảm nhận tuyệt vời.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
08/06/201419:49:09
Khách
Chị Phương Hoa giải thích bài thơ "In Flanders Fields" một cách rất hay và đầy ý nghĩa. Cảm ơn.
06/06/201417:02:02
Khách
Chào nate,
Cám ơn bạn nate đã đọc. Phải, sự tự do mà chúng ta đang hưởng là nhờ vào những hy sinh to lớn của các chiến sĩ anh hùng. Chúng ta chẳng những luôn nhớ ơn họ mà còn phải tiếp tục nối bước…
Chúc bạn vui khỏe may mắn
PH
06/06/201416:56:14
Khách
Chào anh Binh Tran,
Cám ơn anh đã đọc bài. Đây là địa chỉ nhà bảo tàng:
5865 A Road
Marysville, CA 95901
Phone: (530) 742-3090
Địa chỉ trang Web: http://www.museumoftheforgottenwarriors.org/
Chúc anh vui khỏe
PH
06/06/201410:14:58
Khách
Chào chị
Chị vui lòng cho tôi địa chỉ trang web,địa chỉ Viện Bảo Tàng.Cám ơn chị.Chúc chị khỏe.Mến
01/06/201402:45:13
Khách
Anh Sáu Steve thân mến,
Cám ơn anh đã chia sẻ bài thơ "In Flanders Fields" của bác sĩ John McCrae. Tôi cũng đã từng cảm động khi lần đầu tiên đọc bài thơ này trong một lớp "Literature" nhiều năm về trước. Đây là một huyệt tác! Bài thơ vừa làm cho độc giả xúc động vừa khơi dậy lòng yêu nước mà những chiến sĩ đã hy sinh vì đấu tranh cho lẽ phải, cho tự do đã "trăn trối" cho những người còn ở lại và các thế hệ sau. Tuyệt vời nhất là khổ cuối của bài thơ. Đó là. Lời của các tử sĩ kêu gọi những người ở lại hãy tiếp tục lãnh lấy cái trách nhiệm mà họ đã bỏ lại sau lưng, hãyt tiếp tục đưa cao ngọn đuốc tự do, nếu không thì họ se không thể yên nghỉ dù cho hoa poppies có nở đầy khu nghĩa trang Flanders.
Cám ơn anh lần nữa. Chúc anh chị luôn vui khỏe ...
Phương Hoa
30/05/201404:14:00
Khách
Memorial Day Remembrances - Thanks to the men & women for their SERVICE and SACRIFICE to protect our ever lasting FREEDOM.
30/05/201402:43:19
Khách
Chị Phương Hoa,
Bên đây cũng có những buổi lễ tưởng niệm do các hội cựu chiến binh tổ chức. Ngày xưa trong trường tiểu học mỗi năm có lễ tưởng niệm mà có ai đọc một bài thơ buồn thật tên là In Flanders Fields. Sau đó tôi nhớ đến bài thơ đó rất nhiều lần. Người làm thơ đó là sĩ quan Gia-Nã-Đại tại chiến trường Ypres năm 1915 trong Thế Chiến Thứ Nhất. Bài thơ đó như sau:

In Flanders Fields the poppies blow
Between the crosses row on row,
That mark our place; and in the sky
The larks, still bravely singing, fly
Scarce heard amid the guns below.

We are the Dead. Short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved and were loved, and now we lie
In Flanders fields.

Take up our quarrel with the foe:
To you from failing hands we throw
The torch; be yours to hold it high.
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders fields.



Chúc vợ chồng chị bình an và nhiều hạnh phúc
29/05/201414:15:01
Khách
Anh Sáu Steve,
Cám ơn anh đã đọc bài viết. Nhờ Việt Báo cho cơ hội đi tặng quà dùm mà PH đã trở lại nhà bảo tàng đúng trong diệp lễ Memorial Day và đã được chứng kiến quang cảnh sôi nổi rộn ràng của những ngày trước lễ. Nơi anh ở, tôi tin rằng cũng da có những buổi lễ tưởng niệm long trọng lắm phải hon?
Chúc anh chị và gia đình luôn vui vẻ hạnh phúc
Thân mến,
Phương Hoa
28/05/201416:59:42
Khách
Chào chị Phương Hoa,
Chị có thêm một bài viết rất hay đây. Cảm ơn chị gởi vô diễn đàn VVNM.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,197,600
Nhạc sĩ Cung Tiến