Hôm nay,  

Mẹ Hiền Yêu Dấu

12/05/201400:00:00(Xem: 10449)

Tác giả: Thái Anh QNA
Bài số 4210-14-29620vb2051214

Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ hai.

* * *

Đêm cuối tuần thứ hai của tháng Năm, ngày lễ hiền mẫu, Hội Phụ Nữ Việt Mỹ tại thủ đô tị nạn Little Saigon có dạ tiệc vinh danh các bà mẹ thuộc nhiều thế hê. Trong phần trình diễn văn nghệ, người MC giới thiệu, “Thưa quý vị, sẽ là màn độc tấu violin bài “Mẹ hiền yêu dấu” do một người con trình diễn để kính tặng các bậc hiền mẫu có mặt, và cũng để tưởng nhớ người mẹ kính yêu của anh...”

Một thanh niên rất trẻ nhanh nhẹn cầm đàn ra sân khấu cúi chào. Ngực áo sơ mi xanh da trời, cà vạt xanh đậm làm nổi bật bông hồng nhỏ cài trên ngực áo trái, dấu hiệu của người con đã mất mẹ. Ngay khi tiếng đàn đầu tiên vang lên, cả khán phòng bỗng như tiếng đàn hút hồn. Từng nốt nhạc trầm bổng, réo rắt. Tay vĩ cầm trẻ như xuất thần. Anh đang đàn bản nhạc mẹ anh từng yêu nhất. Theo từng đầu ngón tay trên phím tơ, anh như nghe tiếng mẹ từ cõi nào xa xôi, “con yêu, mẹ đang bên con, mẹ đang nghe con đàn, đàn nữa đàn mãi, con nhé”. Nhưng anh không đàn mãi. Khúc nhạc đã tới lúc kết thúc. Ngưới thanh niên như choàng tỉnh cơn mê, anh cúi chào máy móc rồi vội vã quay mặt đi vào.

Trong tiếng đàn vừa dứt, không hiểu có điều gì làm nhiều bà mẹ hiện diện trong khán phòng cảm động tới rơi lệ. Sau một phút yên lặng, tiếng vỗ tay đồng loạt vang lên.

Tiếng vỗ tay đi theo người thanh niên trên đường lái xe về. Những trang giấy mẹ để lại đang chờ anh trở về.

*

Con trai thương yêu của mẹ,

Mẹ không biết bao giờ con mới đọc những trang giấy này. Có thể con sẽ đọc, mà cũng có thể con sẽ không bao giờ nhìn thấy nó để đọc. Mẹ hy vọng sau nầy lớn lên, có gia đình, rồi làm cha làm mẹ, con sẽ hiểu được những tâm tình của mẹ khi viết những dòng nầy. dành cho đứa con trai yêu dấu nhất đời mình.

Cuộc đời mẹ đã trải qua nhiều mất mát, chia lìa. Điều mẹ cầu mong nhiều nhất, lo sợ nhiều nhất, rồi cũng mừng vui nhiều nhất, tất cả đều là hướng về con, con trai yêu quí nhất của Mẹ.

Khi Bố Mẹ thành hôn, miền Nam Việt Nam đã đổi đời, khó khăn chồng chất. Trong những năm chờ xuất ngoại sang Hoa kỳ, mẹ đã mang thai lần đầu, đã chờ đợi, hồi hộp. Trước ngày sinh, mẹ phải vào bệnh viện sớm để theo dõi. có chuyện gì cũng có sẵn phương tiện kịp cứu chữa. Linh tính cho mẹ biết có điều gì không ổn. Mẹ được chích thuốc để sinh mau và ngất xỉu trong phòng sanh. Sau đó mới biết mẹ đã sinh con trai nhưng thai nhi không thể sống được. Lần sinh nở đầu tiên này là nỗi đau đớn tưởng không nguôi ngoai nổi. Nỗi sợ hãi vì mất đứa con đầu lòng luôn ám ảnh me.

Sau đó, bố mẹ đến Hoa kỳ theo diện HO, gia đình bên bố, bà nội và các bác, cô, chú của con hầu hết đã ở Mỹ từ lâu, nên lúc đầu bố mẹ được sự giúp đỡ của mọi người rất nhiều, từ việc cho ở chung nhà, đến việc chở đi làm giấy tờ cá nhân cần thiết. Mẹ vẫn chưa dám nghĩ đến việc có con lần nữa, vì mẹ vẫn còn bị ám ảnh lần sinh con trước. Mấy năm sau bố mẹ ra ở riêng, hai vợ chồng cùng đi làm suốt từ sáng đến chiều tối, cũng chưa dám nghĩ chuyện có thêm một thành viên nữa trong gia đình.

Mãi đến 6 năm sau ngày tới Mỹ mẹ mới mang thai con, thời gian đầu mẹ cũng lo sợ vô cùng, rủi lại bị khó khăn như lần sinh trước. Mẹ cầu nguyện ngày đêm, van vái bà ngoại phù hộ cho mẹ sinh con được vuông tròn.

Mẹ đi bác sĩ, do mẹ có cho bác sĩ biết tình trạng lần sanh trước, bà bác sĩ đặn dò, cho thuốc bỗ đủ thứ. Đến tháng thứ tư, bác sĩ đề nghị mẹ thử nước trong bụng để biết chắc chắn hơn về thai nhi. Từ lúc thử nghiệm đến lúc có kết quả phải mất hai tuần lễ, mẹ đếm từng ngày trong lo âu, hồi hộp.

Ngày chờ đợi cuối cùng, mẹ chờ từng giờ muốn nghẹt thở. Mãi gần 4 giờ chiều, văn phòng bác sĩ mới gọi lại sở làm cho mẹ biết kết quả. Cầm điện thoại trong tay mà tim muốn rớt khỏi lồng ngực. Sự hồi hộp của mẹ làm cô y tá phải trấn an ngay bằng tiếng cười trong phone. Tiếp theo là lời chúc mừng em be. Kết quả thử là thai nhi rất bình thường và là bé trai, có vẻ lanh lắm. Mẹ rơi người xuống ghế không kịp cám ơn cô y tá. Các bạn làm chung thấy sắc mặt mẹ xanh xao vội xúm lại hỏi thăm, mẹ bật khóc òa như đứa trẻ, rồi lâi bật cười giữa hai hàng nước mắt còn chảy dài trên má.


Nghe mẹ báo tin lành giọng nói bố vui lên, bố thở phào nhẹ nhỏm bên kia đầu giây điện thoại, chắc bạn bè của bố cũng đang xúm lại chúc mừng bố. Tối hôm ấy bố mẹ thật vui, bố chở mẹ đi ăn ngoài, lâu lắm bố mẹ mới có một buổi tối hạnh phúc như thế!

Thời gian sau đó mẹ cũng bắt đầu mua sắm quần áo em bé, dù ở Mỹ không thiếu một thứ gì hết, nhưng mẹ vẫn muốn tự tay mẹ may lấy cho con trai những bộ đồ ngộ nghĩnh dễ thương. Mẹ chuẩn bị mọi thứ cho con trai yêu quí của mẹ. Thời mang nặng rồi cũng qua, lúc đẻ đau đã tới. Giữa khuya bố chở mẹ vào bệnh viện, chờ suốt ngày hôm sau chưa sinh. Cuối cùng chiều tối hôm ấy bác sĩ quyết định giải phẫu đem con ra. Trước khi lả người thiếp đi vì mệt, mẹ còn kịp nghe tiếng trẻ khóc oe oe và mơ hồ có tiếng nói của bác sĩ ”con trai 6 lbs 9”.

Sau đó, mẹ ở nhà với con được 6 tháng, thời gian đầu vết mổ mới chưa lành, mẹ chảy nước mắt vì đau mỗi lần ngồi bế con cho bú hay tắm cho con. Con trai mẹ lúc nhỏ thật dễ tính không biết lạ người, ai đưa tay bế cũng đòi qua, ai kêu đến cũng toét miệng cười. Bố con đã chụp biết bao là hình của con treo khắp nhà, hai đồng tiền lún sâu bên má làm con của mẹ tươi hẳn lên mỗi khi con cuời.

Con được 6 tháng thì mẹ đi làm lại, ngày đi làm phải gửi con nhà bác coi dùm. Cả nhà bác sau đó thương con lắm, vì hai bác con có dâu có rễ nhưng chưa có đứa cháu nội ngoại nào, điều nầy làm cho mẹ yên tâm gửi con để đi làm phụ với bo.

Bố con mua thêm chiếc xe khác cho mẹ đi làm và đưa đón con. Mỗi ngày đặt con vào carseat chở đi gửi trước khi tới chỗ làm, mẹ đã tập cho con nghe những bài hát về cha về mẹ, mẹ truyền cho con tình thương các đấng sinh thành qua các bài nhạc, những câu chuyện kể cho con nghe để ru con vào giấc ngủ. Con biết nói bập bẹ mẹ dạy con hát đỏ đẻ bài hát “Cho con”. Chở con trên xe, mẹ cho con nghe quen bài Tình Cha, bài Lòng Mẹ. Mẹ muốn truyền hết cho đứa con yêu quý những tâm tình của mẹ gói ghém làm gia tài mẹ để lại cho con sau nầy.

Mẹ đưa con đi học tiếng Việt, cho con đi tham gia những hoạt động từ thiện, mẹ muốn con không quên tiếng Việt của mình, nguồn gốc của con là người Việt-Nam, dù con sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Cả đời mẹ, mẹ dâng tặng hết cho con, đứa con yêu quý nhất đời.

Mẹ còn nhớ lúc con lên 5 tuổi, sắp đi học mẫu giáo, lần đó con cứ bị sốt cao hoài, uống thuốc không giảm sốt, bác sĩ gia đình bảo mẹ đưa thẳng con vào bệnh viện xin cấp cứu; tại đây người ta thử máu thấy số lượng bạch cầu trong máu con tăng cao, họ sợ con bị viêm màng não nên đề nghị thử nước trong tủy. Bố mẹ cắn răng ký tên đồng ý mà lòng đau như cắt, đứng bên ngoài phòng nghe tiếng con khóc vì đau đớn khi bị đâm kim vào đốt xương sống mà tim mẹ thắt lại nhói đau, mẹ ôm bố khóc ròng vì quá thương con, bố con cũng đỏ hoe hai mắt, nhưng nhờ thế mới yên tâm khi có kết quả con chỉ bị sốt cao thôi, nằm bệnh viện vài ngày rồi về nhà, bố mẹ vui mừng như chính mình mới vừa thoát khỏi một cơn bệnh thập tử nhất sanh.

Sau đó, cũng từ lần bệnh nặng nầy của con mà mẹ quyết định không đi làm cả ngày nữa, chỉ làm buổi sáng thôi sau khi đưa con đến trường; mẹ muốn dành nhiều thì giờ chăm sóc cho đứa con trai thương yêu duy nhất của mẹ.

Thời gian 13 năm học của con, từ mẫu giáo đến xong trung học, mẹ luôn đưa đón con mỗi ngày, hai mẹ con đã có với nhau biết bao là những chia sớt vui buồn về những câu chuyện kể của con về trường lớp, thầy cô, bạn bè. Mẹ vui sướng khi nghe con khoe thành tích học tập tốt; mẹ an ủi, khuyên nhủ mỗi lần thấy con tan học về với vẻ mặt kém vui.

Khi con bắt đầu học violin ở trường Mỹ, mẹ đã tìm kiếm những bài hát có nốt nhạc cho con tập đàn. Con đàn những nốt đầu tiên bài “Mẹ hiền yêu dấu” cho mẹ nghe, mẹ đã khóc vì sung sướng, con tôi còn nhỏ đã biết làm vui lòng mẹ, mẹ cám ơn con, con yêu.

Hàng ngày, cả khi mẹ mạnh khoẻ lẫn khi mẹ đau yếu, con đều đàn cho mẹ nghe. Sau này, dù mẹ con cách trở, mỗi khi con đàn lại bài “Mẹ Hiền Yêu Dấu” là con có thể thấy mẹ đang ở bên con.

Con trai thân yêu của mẹ,
Mẹ muốn viết mãi, viết mãi cho con đọc...

*

Những hàng chữ đứt đoạn. Và chàng thanh niên mắt nhòe lệ cúi xuống từng trang giấy, thì thầm “Mẹ ơi đêm nay con đã đàn bài Mẹ hiền yêu dấu, Mẹ có nghe con đàn tặng Mẹ không? Con đã thấy Mẹ trở về bên con. Giờ này, ở nơi xa xôi, Mẹ biết là con đang nhớ Mẹ.

Hình như bông hồng trắng cài bên ngực trái của chàng đã ướt đẫm nước mắt.

Để nhớ ngày lễ MẸ tháng 5

Thái Anh QNA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến