Hôm nay,  

Thế Giới Không Âm Thanh

10/03/201400:00:00(Xem: 31110)
Tác giả: Trương Ngọc Anh
Bài số 4158-14-29568vb2031014

Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ 2014

Trương Ngọc Anh đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài “Tiểu Hợp Chủng Quốc” kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, lần đầu tiên, Ngọc Anh góp một tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh.

* * *

blank
Tác giả, khi ngày vui trở lại với âm thanh của đời sống.

Hai năm dài đằng đẵng sống trong thế giới không âm thanh là một trải nghìệm, một thử thách từ tinh thần đến thể xác lớn nhất trong cuộc đời tôi.

Bạn có thể tưởng tượng, hay thử hình dung một ngày thức giấc, bỗng dưng bạn không nghe được gì cả, dù chỉ là một tiếng động nhỏ chung quanh. Bạn sẽ không thể tưởng tượng, hay hình dung ra tình cảnh nầy khi bạn không thực sự trải qua, rõ ràng là như thế. Không trải qua thì không thể hiểu được.

Tôi đã hốt hoảng, đã bật khóc, thất vọng, rồi điên rồ nghĩ tới giải pháp tự tử khi nghĩ mình làm sao có thể sống được trong một thế giới hoàn toàn im lặng, trống rỗng, như sa mạc, giữa thế giới đông đúc đang diễn ra ngay trước mắt mình.

Nhỏ em kế nói:

- Mình phải nhìn thấp xuống, người mù còn khổ hơn, người bịnh ung thư biết trước ngày rời thế gian còn khổ hơn nữa mà, từ từ coi có nghe lại được không.

Con gái tôi an ủi:

- Má chỉ hơi gặp khó khăn chút xíu thôi mà!

Từ lúc thiếu nữ, tôi đã bị lãng tai. Trong một trận bịnh nặng nóng sốt dữ dội, chị tôi đem ra bịnh xá, y tá chích mũi thuốc streptomycine thì tôi bị xỉu, về nhà sau đó hết bịnh nhưng từ từ lãng tai. Sau nầy mới biết đó là hậu quả của thuốc trụ sinh streptomycine. Vì vậy giao tiếp có chút khó khăn nhất là ở trường lớp.

Nhớ lần học sinh ngữ Pháp, khi cô giáo bảo tôi đứng lên, đọc mấy chữ chia động từ rắc rối, tôi lắp bắp… vậy là nhận được một tràng la mắng… trâu bò, lỗ tai cây. Trong khi tôi đỏ mặt thì nhỏ bạn tôi trong lớp đã dõng dạc đứng lên nói:

- Thưa cô, chị ấy bị lãng tai.

Tuy thế, tôi lại là đứa trẻ rất ham học, thi đâu đậu đó và có nhiều bạn bè cưng, che chở. Trải qua thời thiếu nữ tươi đẹp suốt từ đệ nhị cấp trường nữ Trung học GL lên tới Đại học, là nhờ tánh lạc quan, yêu đời và có sức cố gắng gấp đôi người bình thường, để vượt qua bịnh tật.

Tôi vẫn nhớ người bạn trai đầu tiên năm tôi 16 tuổi. Chính anh là người đã đưa tôi tới bác sĩ tai để khám. Chúng tôi yêu nhau không phân biệt tuổi tác sức khỏe và tôn giáo, nhưng tiếc thay có duyên không nợ. Mối tình đó vẫn còn ở lại trong tim tôi cho tới hôm nay.

*

Năm đầu tiên tới Mỹ, chị kế đã đưa tôi đi khám tai, và bác sĩ đề nghị tôi nên dùng máy trợ thính để có thể nghe lại bình thường. Từ đó, cho tới hơn ba mươi năm nay tôi vẫn nghe nhờ máy trợ thính.

Khoảng cuối thập niên 80, ngành thẩm mỹ đối với người Việt còn giai đoạn phôi thai, tôi đã có bằng thẩm mỹ. Vào nghề trong một tiệm làm tóc và móng tay, chủ nhân là người Mễ, một cô trạc tuổi tôi, xinh đẹp, ồn ào, vui tánh. Khi tôi cho biết nghe nhờ máy trợ thính, cô nói cô cũng có đứa con gái đầu lòng bị câm điếc bẩm sinh. Cô ngậm ngùi kể rằng có lẽ vì cô mang thai nó quá sớm, năm mới 13 tuổi nên phôi thai không phát triển đầy đủ. Năm đó, con gái cô đã 14 tuổi, có mái tóc dầy, dợn sóng đen tuyền thật đẹp. Thỉnh thoảng cô bé chạy ra tiệm cho mẹ gội chải đầu. Những lúc đó luôn luôn thấy hai mẹ con cãi lộn nhau… bằng tay, ngó rất vui, tụi tôi mặc sức đoán mò mẹ con gây gỗ nhau chuyện gì. Lúc đó tôi có ý định học ngôn ngữ bằng tay nầy (sign language), nhưng rồi công việc cứ lôi cuốn mình về phía trước, quên bẳng đi.

Một hôm cô chủ vui mừng, cho bọn chúng tôi hay tối hôm qua, cô đã cho phép con gái, vừa qua sinh nhựt 15 tuổi, được đi chơi với bạn trai. Cô ấp hai bàn tay lên ngực, nét mặt sung sướng, chia sẻ niềm vui mừng cho cô con gái tật nguyền có được một tình yêu đầu đời.

Làm ở tiệm nầy rất vui, đủ chuyện hỉ nộ ái ố ai bi lạc với khách hàng, cũng như đồng nghiệp, kể ra sẽ đến ngàn trang. Sau hai năm, tôi được gọi làm việc văn phòng, từ giã nghề tay trái từng đem tới cho tôi nhiều niềm vui. Sau nầy ngành Nail bộc phát lớn mạnh trong cộng đồng người Việt mình thì tôi đã gắn bó cuộc đời qua nghề nghiệp khác rồi.

Ở tiệm thẩm mỹ nầy, ồn ào nhất cứ mỗi tháng một lần, là ngày cô chủ tiệm rủ rê lôi kéo bầy thợ nữ tới tiệm vũ khỏa thân nam vui chơi. Lần đầu tiên nghe vụ nầy, tôi lắc đầu lia, cương quyết từ chối, mắc cở chết được! nào giờ có nghe nói chuyện nầy đâu nà. Nhưng lần thứ hai thì cô chủ tiệm đã thuyết phục được tôi, cũng như mấy bạn đồng nghiệp khác hớn hở chèo kéo… thì thôi, đi cho biết với người ta.

Trời thần ơi, bước vô tiệm cái là choáng váng vì âm thanh, vì ánh sáng, vì tiếng nhạc lớn hết cỡ Chỉ có tiếng nhạc tiếng cười đùa tiếng la hét, những bộ mặt phụ nữ hớn hở, những miệng cười nở toét loét hết kích cỡ. Rồi thì, tôi có biết gì nữa đâu, mờ mắt luôn cho tới khi cô bạn thúc vai, hét bảo tôi "nhét tiền… nhét tiền vô đi… con gái".

Thật đúng là chỗ để giải trí, để mất tiêu những căng thẳng, một cách đặc biệt, có đi mới biết. Qua ngày hôm sau vô tiệm còn nghe đồng nghiệp bàn tán khen chê cái nầy dài cái kia dẹp, rồi chấm điểm phê bình ầm ỉ loạn lên như thiên hạ chấm điểm tuyển lựa ca sĩ hay "nam vương" thế giới khiến cả tiệm thẩm mỹ tràn ngập tiếng cười khi khách chưa vô tiệm.

Tuy nhiên những khi tới chỗ ồn ào như nhà hàng, quán nhạc đông người, nhạc kích động quá lớn thì tiếng động chát chúa làm tôi bị nhức đầu kinh khủng không nghe tiếng nói chuyện. Vì nể bạn nên đi theo một lần cho biết, nên đã có được một "kinh nghiệm cười thoả thích vì chỉ lo cười chớ có "thấy"… gì đâu… Những lần sau không đi nhưng nghe những bình phẩm của lũ bạn nghịch ngợm liếng khỉ cũng đủ vui toe toét.

Trong thế giới tiệm thẩm mỹ nho nhỏ, tôi nghe khá rõ với máy trợ thính, giao tiếp với khách và bạn đồng nghiệp ít gặp khó khăn. Chỗ làm việc chỉ là cái bàn nhỏ, khách ngồi dối diện, hay khi gội đầu, quấn tóc cho khách, khoảng cách cũng rất gần gũi, hơn nữa cũng nhờ tôi biết tiếng Mỹ nên dễ gợi chuyện, rồi chỉ việc lắng nghe khách trút bầu tâm sự, tiếng còn tiếng mất. Chỉ khó khăn khi vào những nơi rộng lớn như quán nhạc, những âm thanh lớn, hỗn tạp, thì tôi không nghe được tiếng người nói chuyện, chỉ nghe những âm thanh náo nhiệt. Tôi rời khỏi tiệm nầy trong niềm lưu luyến, một chỗ làm nhẹ nhàng vui quá. Không biết cô con gái của cô chủ bây giờ ra sao, cầu mong y khoa tiến bộ hy vọng giúp cô có được cuộc đời bình thường.

blank
Bìa sách "Hear Again: Back to Life with a Cochlear Implant" của Arlene Romoff, tìm hiểu về "cấy ốc tai điện tử" giúp khôi phục thính giác cho người đã điếc đặc.

Tôi rời khỏi tiệm thẩm mỹ nầy vì dời nhà qua thành phố khác.

Ở đây tôi cũng có vào làm một tiệm Nail. Cô chủ tiệm là người mình, lúc mới vô cũng vui vẻ, nhưng khi tôi nói nghe bằng máy trợ thính thì cô thay đổi thái độ 180%. Tôi tự biết thân, nên khi chỗ làm văn phòng gọi phỏng vấn và nhận, tôi thôi chỗ làm nầy không luyến tiếc.

Tôi nhớ lần phỏng vấn việc làm đầu tiên nghề nghiệp kế toán, tôi đã thẳng thắn cho bà sếp "Financial Aid" người bản xứ phỏng vấn tôi để làm phụ tá cho bà về việc tôi cần dùng máy trợ thính. Bà đã cười to, lắc lư thân hình đồ sộ sau cái bàn viết bự tổ chảng, nói rằng;

-Tôi ước chi được mang cái máy trợ thính như cô, để mỗi khi sếp tôi la rầy, tôi có thể tắt cái máy nghe… không sao, không sao… hahaha.

Thái độ thân thiện, tiếu lâm nầy đã khiến cho tôi an tâm ngay từ hôm đầu tiên gặp nhau, và sau đó làm việc với bà luôn mười lăm năm, hoàn tất công việc không sai chạy một con số, khi còn làm kế toán bằng cây viết chì, cục gôm và máy tính.

Trong phòng kế toán, cô bạn đồng nghiệp rất thân của tôi đã bảo:

- Không nghe nhiều thì đỡ nhiều chuyện mà.

Tuy mình cũng tự an ủi như vậy, nhưng nhiều khi trong buổi quây quần chị em, hay hội họp bè bạn đông người, nghe không rõ cũng là chuyện chẳng vui chút nào khi mình không thể theo kịp câu chuyện vui đùa để bàn ra tán vào những "chuyện bà tám".

Tôi thành người ít nói hay cười.

Thời gian làm việc kế toán, sự tiếp xúc với bạn đồng nghiệp ít gặp khó khăn vì ai cũng thông cảm cho tôi. Về sau, ngành hàng vải lao đao, xuống dốc, tôi rời khỏi hãng, ngồi nhà một thời gian, lãnh hết tiền thất nghiệp rồi mới tìm được việc làm khác.

Những buổi phỏng vấn xin việc cũng thường hay gặp khó khăn vì khiếm khuyết. Nghề nghiệp sau cùng có lẽ thích hạp với tôi nhất, đó là nghề Job Coach.

Tôi không biết dịch nghề nầy qua tiếng Việt ra sao. Công việc của tôi là chăm nom, dạy dỗ, hướng dẫn sinh hoạt, hòa nhập xã hội cho các học trò người lớn bị bịnh chậm phát triển. Trường nầy do người Việt điều hành nên học trò và bạn đồng nghiệp đa số là người Việt.

Đây là một việc làm có số lương chót bẹt, mà trách nhiệm thì cao như núi, nếu không có tinh thần yêu nghề, thương xót người bịnh tật khó mà làm được. Tôi rất yêu nghề nầy, những tưởng mình có thể làm cho tới khi về hưu, hay tới năm 70 tuổi, là thời kỳ chót chấm dứt việc làm vì không được lái xe đưa rước sinh hoạt với học trò được nữa, theo luật của trường.

Khi bị mất âm thanh hoàn toàn, việc đầu tiên của tôi là phải báo cáo tình trạng sức khoẻ của mình cho văn phòng HR* và xin thôi việc.

Thật buồn khi phải từ giã các em một cách bất ngờ. Nhiều em ôm hôn tôi, những em khác đứng khóc vì không biết diển tả bằng lời nói, tôi cũng khóc không ngừng. Tôi nhận được nhiều ưu ái từ cô giám đốc. Cô đã cho nhân viên làm nguyên một cuốn album đặc biệt là những hình ảnh sinh hoạt trường của tôi cùng các em, những buổi dã ngoạn cả trường từ các bãi biển cho tới những công viên, những ngày thi thế vận hội dành cho người tàn tật, hình ảnh kỷ niệm những buổi họp mặt cuối năm, lễ Tạ ơn, Giáng sinh của các đồng nghiệp, để tặng cho tôi khi tôi từ giả trường.

Ngồi lật từng trang coi từng tấm hình và nhớ từng em.

Tôi thương từng đứa học trò, từ cô N.H trên 50 tuổi, tự hào mình tuổi con cọp, thích đi học với cô tới nỗi trên cuốn lịch ngày, đã xé bỏ tất cả những tờ lịch có màu, nghĩa là những tờ lịch hai ngày cuối tuần, là ngày cô không được đi học.

Nhớ tới cậu T., gặp cô giáo là dang hai tay ôm cô, miệng nói "con thương cô đó, má mi"

Nhớ em S., gặp cô là vỗ tay, mắt sáng ngời, miệng lấp bấp vì em không biết nói. Nhớ em H. nhõng nhẽo số một, ai đụng tới là khóc, H. đã hăm mấy tuổi, cao ngều nghệu, cao khỏi đầu cô giáo mà cứ bắt cô giáo dỗ ngon dỗ ngọt suốt ngày. Tôi nhớ những buổi học Anh văn cùng các em, đứa thì ngủ gục, đứa thì nhăn nhó "con không thích học…" Có em không biết tự kềm chế mỗi khi cần đi vệ sinh, nên có một đôi lần tôi phải nín mủi bịt hơi làm cho em bớt dơ, sau đó đưa em về nhà cha mẹ để thay quần áo. Một em khác luôn luôn đúng giờ, bằng đồng hồ đeo tay, không sai chạy, cho nên buổi ăn trưa của nhóm nhỏ có em, thường là phải theo đồng hồ của em, nếu không thì em không ăn.

Cô học trò khôn lanh nhất của tôi, tuổi đời hơn 40 nhưng tuổi não bộ chỉ 10, 11, thường nhờ được vài chuyện như ôm cặp sách cho cô. Có lần mấy cô trò vô tiệm bán thức ăn nhanh để mua thức ăn trưa, thấy cô khá lanh lợi nên tôi lo chọn thức ăn cho các em, nhờ cô gọi mua dùm ổ bánh mì thịt cho tôi với lời dặn:

- Con mua dùm cô ổ bánh mì thịt không lấy đồ chua, chỉ dể ớt với ngò thôi.

Đến chừng thầy trò ăn trưa, mở ổ bánh mì thì thấy trong đó chỉ có xanh rì ngò và ớt, không thịt thà gì hết! Tôi cười phì thôi, ráng nuốt ổ bánh mì ngò và ớt vừa đắng vừa cay. Khôn cách mấy, cô cũng là một cô bé con chậm phát triển.

Đa số các em không biết viết, hay biết rất ít, có em không biết nói, có em chỉ dạy viết tên thôi mà phải kiên nhẫn gò tay cả năm trời, do đó khi tôi cố gắng dạy các em một trò chơi mới là domino, tôi gặp nhiều khó khăn ở bước đầu, sau đó, mới nghĩ ra cách dạy các em phân biệt màu sắc, từ đó qua domino, dạy cách em chọn những con cờ domino cùng màu để áp vào nhau. Khi các em đã chơi được domino, trở nên ghiền môn chơi nầy vào mỗi giờ nghỉ, nhóm tôi đã chơi rất hứng khởi, khiến các nhóm khác tò mò, và xin tham gia thật vui. Tôi chỉ cần làm trọng tài phân xử coi em nào "ăn gian" hay tính điểm coi em nào thắng. Cha mẹ các em thường nói ở nhà em rất "quậy" vậy mà từ khi đến trường, các em trở nên ngoan hơn, nghe lời hơn, biết làm mấy chuyện nho nhỏ giúp đỡ mẹ ở nhà nữa, đây là thành quả tốt đẹp nhất của người làm nghề "Job Coach".

Dù là tình trạng sức khỏe của các em không được tốt, tôi vẫn cố gắng đương đầu và vượt qua mọi trở ngại để tạo tinh thần vui vẻ lạc quan, là điều rất cần thiết cho các em. Nhiều em gọi tôi bằng "má, mommy" dù tuổi cũng xấp xỉ gần bằng tôi. Để cố gắng giúp các em hội nhập vào xã hội chung quanh, tôi dạy các em từ bước như qua đường phải bấm đèn, coi chừng xe, ăn uống phải từ từ chậm rãi, dẹp sạch bàn sau khi ăn, rửa tay trước khi ăn, vào thư viện biết dùng máy computer, biết thẩy trái banh qua cho người khác, biết chơi đùa và tập nói chuyện, tập viết tên.

Ôi những học trò tuổi tuy lớn, mà tâm hồn vẫn luôn bé tí, trẻ thơ suốt đời. Tôi yêu thương các em hơn cả các con tôi. Công việc chăm sóc các em nặng nề trách nhiệm, về an toàn, về sức khoẻ, kể từ lúc rước các em tận nhà, cho tới khi giao trả em về với gia đình lúc cuối ngày, sau 7 tiếng đồng hồ sinh hoạt thầy trò liền cánh liền cành cùng nhau.

Tôi luôn nghĩ và nhớ tới mấy em học trò của tôi, nhớ những tình cảm chân thật các em dành cho tôi không vướng bận chuyện thế gian lừa lọc. Các em ngây thơ, thánh thiện như thiên thần, những thiên thần bé nhỏ trong sáng, mong các em mãi mãi khỏe mạnh. Chăm sóc dạy dỗ các em, tôi học được một điều, chỉ cần tôi thương yêu các em, tôi nhận được tình yêu thương từ các em, gấp bội.

Thời gian làm việc nầy tôi cũng hay gặp khó khăn, do việc không nghe rõ như người bình thường nên mỗi khi tiếp xúc tôi thường hay đứng gần người khác, và có thói quen nhìn thẳng vào người đối diện, là vì tôi không chỉ lắng nghe, mà còn nghe bằng mắt và môi nữa, do đó đã xẩy ra vài hiểu lầm nhỏ. Cho nên nếu nói về vấn đề khó khăn trở ngại, khi tôi làm việc với người Mỹ, thường thoải mái hơn như thời gian làm việc kế toán trong hãng Mỹ. Ngoài ra, mỗi khi cần tiếp xúc, tôi vẫn luôn được nhiều ưu đãi chẳng hạn như lúc đi thi quốc tịch, khi tôi cho nhân viên phỏng vấn biết tôi không nghe rõ, ngay lập tức ông ngưng phỏng vấn, mời tôi vào một phòng riêng. Tại đây tôi đã gặp và được phỏng vấn đặc biệt với người khác. Họ nói chuyện với tôi thật chậm rãi, rõ ràng để tôi có thể hiểu và theo kịp những câu hỏi của họ.

Cho dù thế, tôi vẫn còn nghe được bằng máy trợ thính, với sức cố gắng gấp đôi người bình thường mong loại bỏ 25 phần trăm khả năng khiếm khuyết. Có lẽ nhờ nghe ít mà tôi giảm thiểu phần nhiều những phiền toái nhiêu khê của cuộc đời. Tuy thế, thiệt thòi nhất vẫn là những mơ ước nhỏ nhoi như không thể ôm điện thoại bên gối thủ thỉ, hay nghe thủ thỉ những lời đường mật, con đường tình mất đi một phần thi vị. Bù lại, thế giới liên mạng toàn cầu qua internet đã giúp tôi có những mối giây liên lạc bạn bè trao đổi kiến thức, học hỏi thêm rất nhiều điều hay thay thế đường dây điện thoại, giao tiếp dễ dàng hơn giữa gia đình cũng như bạn bè qua "chat", điện thư và "face book". Thế giới tin học bao la, giúp đỡ cho những người khiếm khuyết sức khỏe theo kịp những tiến bộ của loài người, không bị gạt ra ngoài xã hội. Cảm tạ những nhà phát minh liên mạng toàn cầu.

*

Những ngày nằm nhà chờ các thủ tục lãnh tiền thất nghiệp, chữa bịnh, là chuỗi ngày tôi lao đao, mất định hướng và trầm cảm! Thời gian gần lúc bịnh tôi tự nhiên không mua bảo hiểm sức khoẻ nữa, vì nó quá đắt so với số lương quá ít ỏi, mặc dù có sự trợ giúp của trường. Vì thế khi chuyện xẩy ra, tôi đành phải nhờ vào trợ cấp y tế của tiểu bang, cũng như trợ cấp tàn phế trong khi đang làm việc của tiểu bang lẫn liên bang.

blank
Cô bé Arlene Romoff như thấy tượng nhà bác học Albert Einstein bảo “Tin đi. Khoa học sẽ giúp con nghe lại. Và cô viết thành sách “Hear Again”.

Nước Mỹ số một trên phương diện nầy.

Tôi là một người có nghị lực, tánh tình lại rất lạc quan, vậy mà chuyện xẩy ra quật ngã tôi thảm hại. Từ một người đầy sinh lực, thích âm nhạc, thể thao, làm việc hứng khởi, luôn nghĩ một ngày 24 giờ không đủ sống, tôi trở nên bi quan, nhút nhát, sống thu mình lại, dễ giận dữ và luôn tủi thân.

Thời gian chờ đợi, đi bác sĩ, là thời gian tôi thất vọng não nề. Không thể lái xe vì quá nguy hiểm, đi bộ cũng là cả một vấn đề khó khăn. Trong bóp tôi lúc nào cũng phải có cây viết và quyển sổ tay. Thoạt đầu tôi vô cùng mắc cỡ khi phải thú nhận với người đối diện rằng tôi không thể nghe được, tôi hoàn toàn điếc. Tôi ứa nước mắt, lảng tránh mọi người.

Từ người luôn xông xáo trong đời sống, hội họp bạn bè, náo nhiệt trong nhiều sinh hoạt, tôi lặng lẽ rút vào thế giới riêng, đầy ánh sáng mà tuyệt vô âm thanh. Tôi thích viết lách, khi viết thì phải có tiếng nhạc lời ca bên tai mới viết được, đó là thói quen, bây giờ khi ngồi xuống bàn viết, tôi chỉ có cảm giác hụt hẩng, đầu óc trống rổng tựa như cái đầu cũng chết cùng với âm thanh!

Những ngày nầy, tôi nghiền ngẫm cuốn sách "Hear Again: Back to Life with a Cochlear Implant" của Arlene Romoff để tìm hiểu về "cấy ốc tai điện tử" giúp khôi phục thinh giác cho người đã điếc đặc. Kinh nghiệm của tác giả cuốn sách gần sát với kinh nghiệm trong đời tôi.

Đó là một phép lạ y học - một câu chuyện nhiều cảm xúc, chạm vào trái tim, và có thể thay đổi cuộc sống của mình. Arlene Romanoff bắt đầu mất thính giác khi cô chỉ mới hai mươi tuổi. Cô dùng máy trợ thính, nhiều năm sau đó, bắt đầu chầm chậm vào bịnh điếc. Không tìm thấy nguyên nhân, không phương pháp chữa bệnh. Cô sử dụng và vật lộn với chức năng giới hạn của máy trợ thính và đọc môi. Cuối cùng, không có gì giúp cô nghe lại: cô đã trở thành điếc hoàn toàn. Sự cứu rỗi nằm trong các phát minh tiên tiến nhất trong Y khoa: cấy ghép ốc tai điện tử, với con chip máy tính và nam châm, khi gắn vào một thiết bị bên trong kích thích hệ thần kinh thính giác. Đây là một nhật ký tuyệt vời, kinh nghiệm của tác giả, chia sẻ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nhất là độc giả. Cuốn sách cho tôi hiểu - có lẽ là lần đầu tiên - cuộc sống là gì nếu không có âm thanh và cảm giác thế nào để tham gia vào thế giới chung quanh.

Sau mấy lần nhà có khách, mà tôi không thể nghe được tiếng gỏ cửa, tiếng chuông reng, tôi nghĩ tới người mù cần con chó thông minh dẫn đường, vậy thì người điếc cũng cần con chó để nghe dùm, thế là con trai tôi xin về cho tôi cô chó nhỏ bé xíu, tinh khôn, thuộc giống chó Đức, biết giữ nhà và giữ chủ, là giống miniature pinscher, thuộc giống chó doberman mà tôi đã nuôi lúc các con còn nhỏ. Nhờ con chó nầy mà tôi có thể "nghe" khi có người tới gỏ cửa. Biết người lạ hay người quen khi cô cẩu quẩy đuôi hay cúp đuôi. Khi đi ra ngoài tôi cũng luôn dắt con chó nhỏ theo để có cảm giác an toàn hơn. Cô cẩu bé tí xíu nầy giúp đỡ tôi rất nhiều cũng như làm phiền tôi không ít vì rượt khách chạy dài để bảo vệ chủ.

Cám ơn cô cẩu thân thương.

Từ thuở nhỏ tôi đã thích hoạt động xã hội. Thời gian là nữ sinh GL, tôi sinh hoạt trong ban xã hội của trường, tham gia hầu hết những buổi cứu trợ nạn nhân bảo lụt, nạn nhân chiến tranh, cô nhi viện, sinh hoạt hè trong hội Thanh niên sinh viên học sinh phụng sự xã hội, cũng như ủy lạo Chiến sĩ suốt thập niên 60's. Tôi đã từng vác từng bao bố cùng bạn bè đến từng nhà, xin từng lon gạo, ôm thùng đứng trước nhà Bưu điện Saigon xin từng đồng cho nạn nhân bảo lụt miền Trung, từng moi đất đắp nền xây một lớp học đơn sơ cho trẻ em ở ngay sát nách ngoại ô Saigon. Tôi luôn tự hào mình là một người hữu dụng, vẫn mong ước ngày nào đó, có thì giờ, tôi sẽ trở lại tham gia những sinh hoạt thiện nguyện nầy, vậy mà bây giờ, thời gian thừa mứa ra, tôi lại trở thành một người hoàn toàn vô dụng, ngay chính an toàn cá nhân mình, tôi cũng gặp nhiều khó khăn và đầy mặc cảm.

Tuần lễ đầu mất âm thanh, tôi hốt hoảng, cứ đinh ninh máy trợ thính của mình gặp vấn đề, không hề nghĩ tới rằng đôi tai của mình tự nhiên vô khả dụng. Sau khi bác sĩ chuyển tôi qua lấy test tai, kết quả tối ám rằng tai tôi đã không còn nghe âm thanh được nữa. Từ đó, tôi được chuyển qua rất nhiều bác sĩ, từ bác sĩ gia đình qua những vị bác sĩ chuyên khoa tai. Từ bác sĩ nầy, không giải quyết được, lại chuyển tôi qua vị bác sĩ khác, lòng vòng rất nhiều buổi hẹn, những buổi kiểm tra về tình hình sức khoẻ của tôi từ khi mới chào đời, phải lập đi lập lại tới phát chán tuy tôi rất hiểu, càng báo cáo nhiều, càng nhiều hy vọng chữa bịnh.

Vị bác sĩ gia đình của tôi là một bác sĩ giỏi, đó là BS P, D. Ông cho tôi chụp hình đầu (MRI) chú trọng tới dây thần kinh số 8 có liên hệ tới tai. Ông bảo rằng bây giờ có rất nhiều người tự nhiên không nghe được giống như tôi, là do bị một loại vi khuẩn lạ tấn công hệ thần kinh. Cho tới hai năm sau, sau khi đi từ bác sĩ chuyên khoa nầy cho tới bác sĩ chuyên khoa khác, vị bác sĩ sau cùng, người cho phép tôi giải phẩu tai (cấy ốc tai điện tử) đã cho biết rằng có thể hệ thần kinh tai của tôi đã bị một loại vi khuẩn tấn công, vi khuẩn nầy chưa tìm ra được cho nên chưa có tên. Thật sự không ai biết đích xác nguyên do tại sao tôi bị mất khả năng thính giác.

Sau hai năm trời đằng đẵng, càng ngày càng buồn tủi và thất vọng trong thế giới vô thanh, như sống trên sa mạc trống rỗng, phố thị người qua kẻ lại đông đảo, còn tôi như là một chiếc bóng, như người đứng ngoài lề xã hội, bị cô lập tức tửi mặc dù tôi luôn tự nhủ mình "việc gì không thể thay đổi thì chấp nhận". Cuối cùng, tôi nhận được giấy tờ từ CMS (Cap Management Systems) chấp thuận cho tôi mổ tai.

Suốt thời gian nầy tôi vô cùng cảm tạ chị hai, người đã luôn sát cánh bên tôi từ ngày đầu tiên tôi bị mất âm thanh. Chị đưa tôi đến trường chỗ tôi dạy để nói chuyện với cô giám đốc, chị cùng tôi qua cơ quan HR để xin thôi việc, đưa tôi đi xin những trợ cấp y tế, trợ cấp tàn phế, giúp đỡ tôi tiếp xúc tất cả mọi chuyện vì tôi không thể nghe được.. Khi đi bác sĩ, chị kiên nhẫn ghi chép lại những gì bác sĩ cần vô sổ tay để tôi có thể đọc và hiểu mà trả lời. Tuy tôi có thể "đọc bằng miệng" để đoán, nhưng có khi đúng, cũng có khi sai nên trả lời trật lất.

*

Sau hai năm trời ròng rã hai chị em đã đi gặp rất nhiều bác sĩ, tôi nhận được giấy tờ chính thức giải phẫu tai ở UCI.

Vị bác sĩ sẽ giải phẫu tai cho tôi là người Trung đông, nhỏ người, đôi mắt sáng quắc thông minh. Trước khi giải phẫu, lần hẹn cuối bác sĩ cần tôi chích 2 mũi thuốc chủng ngừa cho đầu, chụp hình đầu lần thứ hai, và phải lấy test tim mạch. Test nầy làm tại phòng mạch của bác sĩ gia đình. Kết quả không được tốt, một mạch máu bị nghẽn, bác sĩ gia đình không cho phép mổ mà chuyển tôi qua bác sĩ tim để xác định lại.

Tại đây bác sĩ cho biết tôi cần phải làm 4 tests tim, yêu cầu nhà thương dời ngày giải phẫu. Như vậy ngày giải phẩu dời sau 1 tháng.

Qua 4 tests, bác sĩ tim chứng nhận mạch máu đã thông, cho phép mổ. Tôi nghĩ rằng nhờ tôi kiên nhẫn tập thể dục, cũng như ăn uống kiêng cử và uống nước sinh tố trái thơm không thêm đường hằng ngày trợ giúp cho mạch máu thông. Bác sĩ giải phẫu không nói gì với tôi về việc giải phẫu, chỉ vắn tắt cho biết sẽ giải phẩu cho tôi bên tai mặt, và kỳ hẹn thứ hai sẽ gặp bác sĩ "audiology". Đây là vị bác sĩ dễ thương nhất trần đời, cô tóc vàng, trẻ, xinh đẹp, dịu dàng, kiên nhẫn, và vô cùng dễ thương. Không như bác sĩ giải phẩu ít lời, cô nói rất nhiều, ánh mắt nồng nàn nhân ái, và đôi bàn tay thoăn thoắt đánh máy lên "monitor", giải đáp tất cả những thắc mắc của tôi về việc giải phẫu tai cũng như những việc phải làm tiếp theo sau khi giải phẩu. Cô trình bày cho tôi 3 hãng dụng cụ cấy ốc tai để tôi mang tất cả tài liệu về nhà đọc thật kỹ, chọn ra 1 hãng và cho cô biết trong kỳ hẹn sau, để cô đặt hàng sẵn sàng cho bác sĩ giải phẫu. Tôi chọn một loại có hình dạng nhỏ nhất thế giới hiện nay.

Theo cô, tôi sẽ cần thời gian để học nghe lại, giống như những em bé mới biết nghe, là vì thời gian mất âm thanh, bộ não của tôi đã quên hết âm thanh cũ.

Trong khi máy trợ thính chỉ là một bộ phận bên ngoài, khuyếch đại âm thanh, việc cấy ghép ốc tai điện tử (cochlear implant) là một tiểu giải phẫu cấy ghép một máy phát thanh tí hon (microphone) vào tai trong, kích thích trực tiếp hệ thần kinh thính giác làm rung động âm thanh (hair cells), hoạt động cùng với bộ phận bên ngoài (Speech processor) nằm phía sau tai, áp vào nhau bằng một bộ phận nam châm cấy ghép bên dưới da, nhờ đó âm thanh di chuyển đến tai trong.

blank
Minh hoạ về ốc tai điện tử.

Quá trình nghe diễn ra như sau:

Âm thanh được đưa vào ống tai và làm màng nhĩ dịch chuyển.

Màng nhĩ dao động cùng với âm thanh.

Dao động của âm thanh truyền vào các xương nhỏ đến ốc tai.

Dao động của âm thanh làm cho lưu chất trong ốc tai dịch chuyển.

Sự dịch chuyển của lưu chất làm cho các tế bào lông uốn cong. Các tế bào lông tạo ra tín hiệu thần kinh và tín hiệu này được truyền đi bằng dây thần kinh nghe. Các tế bào lông ở phần đầu của ốc tai truyền tín hiệu âm thanh có tần số thấp, và các tế bào lông ở phần đầu kia của ốc tai truyền tín hiệu âm thanh có tần số cao.Thần kinh thính giác sẽ gởi các tín hiệu đến não, và tại đó các tín hiệu này được hiểu là âm thanh. Kể ra thì dài dòng, thực tế mọi chuyện diễn ra rất nhanh như tốc độ của âm thanh

Ốc tai điện tử khác hoàn toàn khác với máy trợ thính. Trong khi máy trợ thính khuếch đại âm thanh đến mức độ mà người bị khiếm thính có thể nghe được, ốc tai điện tử đi tắt qua phần tổn thương của tai, kích thích trực tiếp hệ thần kinh thính giác.

Đối với người lớn nghe kém từ nặng đến sâu, các ốc tai điện tử có thể giúp họ lấy lại một giác quan mà họ sẽ dựa vào đó để giao tiếp và tham gia trong thế giới âm thanh. Cấy ốc tai điện tử có thể giúp trẻ em bị mất thính giác bẩm sinh có thể trưởng thành và sinh hoạt như trẻ em bình thường. Ngoài ra, không giống như máy trợ thính, học cách sử dụng một ốc tai điện tử là một quá trình đòi hỏi phục hồi trên phạm vi rộng.

Khi đọc những thông tin trong mấy bộ sách bà bác sĩ đưa, lúc biết được rằng giải phẩu sẽ cần phải đục vô sọ, tôi bị chiêm bao hãi hùng mấy đêm liền vì sợ quá chừng. Nhớ lại câu chuyện Back to Life with a Cochlear Implant mà Arlene Romoff đã kể trong cuốn sách củ cô, dân dần tôi tìm được sự đồng cảm, và giữ bình tĩnh trước khi giải phẫu với lòng ao ước mãnh liệt được nghe lại âm thanh.

Ngày giải phẫu, tôi được chị hai và hai đứa em gái đi theo hộ tống, để cho tôi bớt sợ và an tâm hơn. Thức dậy từ 4 giờ khuya, mấy chị em sửa soạn khởi hành vì giờ ghi danh nhà thương rất sớm, để chuẩn bị lên bàn mổ vào lúc 7 giờ sáng. Khi vào phòng mổ tôi được đưa cho bộ quần áo nhà thương màu xanh. Nằm trên bàn mổ, nhỏ em được vào phòng mổ để giúp tôi trả lời những câu hỏi cần thiết. Người chăm sóc cho tôi trước khi bác sĩ giải phẫu, tiêm thuốc, đo mạch, là một y tá RN người Việt. Ông rất vui vẻ. Ông đưa cho tôi xem một tấm bảng, có ghi những con số từ 1 tới 10. Và cho tôi biết là sau khi mổ xong tôi sẽ đau, độ đau sẽ tính bằng những con số nầy. Đau tới số 5 trên 10 thì coi như bình thường, nếu đau nhiều không thể chịu nổi thì chỉ con số 7, 8 … đau không thể chịu được nữa sẽ chỉ con số 10 trên 10… Điều nầy làm tôi rất sợ hãi dù biết trước rằng sau khi giải phẩu, đau đớn là điều tự nhiên, nhất là tôi mổ tai, gần não, lại còn bị đục thẳng vào sọ nữa, đương nhiên là phải đau rồi.

Gần tới giờ mổ tôi nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường, hai vị bác sĩ sẽ giải phẫu, hai vị bác sĩ gây mê lần lượt tới tận giường tự giới thiệu với tôi, rồi sau đó ông y tá cho biết sẽ tiêm cho tôi một mũi thuốc thẳng vào bình IV cho tôi ngủ trong khi bác sĩ làm việc. Giải phẫu sẽ mất ba tiếng đồng hồ, tôi được cho biết trước.

Tôi thiếp đi lúc nào không hay.

*

Khi tỉnh, điều đầu tiên là cảm giác đau, đau xiết óc. Bà y tá đưa cho tôi thấy tấm bảng chỉ cấp độ đau mà tôi đã được hướng dẫn từ trước khi mổ, tôi chỉ vào số 5, rồi kế tiếp, cơn đau bùng lên, kèm theo trận ói mữa thốc tháo mà bà y tá biết trước cầm sẵn cái bao ni lông cho tôi vì những bịnh nhân sau khi mổ đều có những biểu hiệu giống nhau nầy. Khi đau tới mức hết chịu đựng, tôi gần muốn khóc, chỉ tới con số 7 rồi 8, bà tiêm rất nhiều thuốc giảm đau cho tôi và liên tục đo mạch máu ở cổ tay cứ mỗi 15 phút.

Sau 4 tiếng, tình trạng sức khoẻ hơi ổn định bác sĩ cho tôi xuất viện, bà y tá bảo về nhà nằm nghỉ sẽ thoải mái hơn là nằm lại bịnh viện. Tôi rời nhà "ghét" với cái đầu băng kín vải màu trắng toát, và đau nhức vô cùng. Về nhà, tiếp tục uống thuốc giảm đau và liên tiếp hai ngày sau chỉ toàn uống nước súp, không ăn được. Tôi từ từ hồi phục. Tôi được cho uống thuốc giảm đau và 10 ngày thuốc trụ sinh. Khi về tới nhà, chị hai hoan hỉ cho hay bác sĩ đã báo tin ngay khi vừa mổ xong là tai tôi đã có rung động âm thanh.

Tôi mừng lắm, dù thật sự tôi vẫn chưa nghe được, là vì phải chờ vết thương phía sau tai lành lặn hẵn hoi, tôi mới được chỉ cách xử dụng "sound processor", là một dụng cụ trung gian bên ngoài thu nhận âm thanh, để chuyển vô não. Não ghi nhận âm thanh, do tần rung của tế bào lông bên trong ốc tai, để tôi có thể nghe được. Ba ngày sau khi mổ, cô em gái là y tá tới nhà để tháo băng, làm vệ sinh, thoa thuốc sát trùng chỗ vết thương cũng như ý muốn gội đầu cho tôi nhưng tôi cố gắng làm một mình.

Sau 4 tuần lễ, trong buổi hẹn với bác sĩ giải phẫu, tôi cám ơn và chụp cùng ông một tấm hình. Tuần kế tiếp ngày hẹn cô bác sĩ "audiology", tôi được đo thử nghiệm âm thanh trầm bổng để cô cài đặt vào máy. Tôi cho cô biết ngày mai chúng tôi lên đường đi chơi xa, cô liền cho tôi mang thử chiếc "Rondo" đầu tiên để tập nghe. Thật là tuyệt dịu, tôi đã nghe lại âm thanh sau hơn hai năm chờ đợi. Đây là thời gian sung sướng nhất, tôi lâng lâng như bay theo âm thanh, theo tiếng gió.

*

blank
Minh hoạ về ốc tai điện tử.

Trên một con đường phố đông đúc ở San Francisco, lòng tôi cũng mở hội theo âm thanh, như được ghé bến Saigon. Thấy người họa sĩ Tàu ngồi chờ khách bên lề đường rộng rãi, mấy chị em liền xà xuống, nhờ vẽ chân dung theo kiểu hài hước để làm kỹ niệm. Đang dòm coi nhỏ em làm người mẫu thì nghe loáng thoáng tiếng nói: "kiếm tiệm phở… ăn phở". Chữ phở… phở liền tai nghe quen, xây lại có thấy người Việt nào đâu mà rõ ràng mà là ba bà da đen "thứ thiệt". Nhỏ em ngoắc lại, hỏi:

- Việt Nam hả, sao biết tiếng Việt?

Nghe một bà trả lời:

- Dạ, em là người Mỹ, em tên Ngọc Lan, còn đây là bác em, con gái em tên Ngọc Mai.

- Trời đất, nói tiếng Việt rành quá, có lai hông?

- Em học tiếng Việt 10 năm, hội nhà thờ Tin Lành, là người Mỹ.

Mấy chị em xúm lại, nghe tiếng Việt qua một người Mỹ không lai, giựt mình. Tôi càng thú vị, cố gắng nhận âm thanh tiếng nói giọng cười rổn rãng hồn nhiên của chị "Ngọc Lan".

Nói chuyện một hồi chị móc bóp ra cho chúng tôi cuốn sách mỏng bằng tiếng Việt "Tỉnh Thức" của Hội Thánh trước khi từ giả để tiếp tục kiếm tiệm phở trên phố San Francisco.

Khi dạo trên bến cảng náo nhiệt, tôi đã nghe được âm thanh của dàn nhạc sống "one man band" bên lề đường, lúc ghé một tiệm thủ công, vào khu bán những loại chim, thú, điêu khắc bằng đá, tôi nghe âm thanh tiếng két kêu, tiếng chim hót qua máy phát thanh. Dạo bờ biển Pismo, tôi nghe tiếng hải âu gọi nhau, tiếng gió xào xạc hàng cây cọ, tiếng sóng vỗ ghềnh đá, thế giới thực sự sống lại chung quanh, tôi không còn cảm giác lạc lõng, cô lập giữa thế giới vô thanh nữa và đã nở được nụ cười tròn môi.

Từ giờ tôi đã trở lại với thế giới đầy sinh động, khi đi bộ tôi nghe tiếng xe chạy, tiếng còi xe cứu hỏa, tôi có thể lái xe đi chợ mua thức ăn, nghe tiếng cười nói, tiếng hỏi lời chào náo nhiệt mà tôi có thể tham dự vào một cách tự tin và vui vẻ. Tôi có cảm giác hồi sinh sau thời gian sống như cái bóng bên lề xã hội.

Âm thanh tôi nghe được còn "robot", giống như nghe trong mấy phim hoạt họa, ngang ngang không có dấu, tôi cần cố lắng nghe, cũng rất là vui. Khó khăn nhất là tự tôi phải bỏ dấu cho những câu nói ngang ngang tôi nghe được, cũng giống như nghe người ngoại quốc nói tiếng Việt không thể bỏ dấu được. Theo cô bác sĩ, nhiều bịnh nhân phải mất hơn sáu tháng trước khi nghe được, tôi nghe nhanh có lẽ nhờ đã quen cách đọc bằng môi. Những ký âm tiếp nhận và chuyển đến não bộ từ máy móc so với từ các bộ phận thích giác tự nhiên thì có khác biệt, chỉ có thể nói là "tương tựa" mà thôi, cho nên bộ não cần có thời gian để "phát hiện", rồi "nhận định" và chuyển giao tín hiệu cho từng nhóm tế bào vi tế trong thần kinh não bộ.

Cô bác sĩ bảo tôi, cấy ghép ốc tai không phải là một phép lạ, nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với bà Arlene Romanoff, đây chính là phép lạ Y học. Tuy không phục hồi hoàn toàn khả năng thính giác nhưng cũng giúp cho tôi không bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Trở về sau chuyến đi kỳ thú, tôi được bạn bè cùng trường cũ báo hung tin một người bạn đồng song vừa qua đời vì căn bịnh ung thư quái ác. Chúng tôi, một nhóm bạn đã cùng nhau cầu nguyện cho bạn mình được sống mới tuần trước, tuần sau đã đến nhà thờ cầu cho bạn mình sớm hưởng nhan Thánh Chúa. Tôi may mắn hơn bạn, thật nhiều, nhờ vào sự tiến triển vô cùng của ngành y khoa.

Hôm trở lại tái khám, ngồi ngoài phòng đợi rất đông khách, có một gia đình trẻ gồm hai vợ chồng, một đứa bé trai độ 3 tuổi chạy vòng vòng trong phòng đợi, và một bé gái xinh xinh tóc đen tuyền, khoảng 5,6 tháng nằm im lìm trên tay mẹ. Cậu bé thỉnh thoảng chạy tới bên em gái, vỗ hai bàn tay lách chách vào bên tai em gái, cô bé vẫn nằm im không động đậy, cũng không nhìn theo bàn tay vỗ của anh mình. Thăm hỏi, được người mẹ cho biết bé bị điếc ngay khi chào đời. Tôi thấy tim mình nhói lên khi nhìn bé. Nếu việc trị liệu không thành công, không thể nghe được tiếng nói tiếng cười, bé sẽ không biết nói, thậm chí, tiếng cười tiếng khóc tiếng kêu của bé có thể cũng không giống bình thường. Tôi đã cầu nguyện cho bé. Hy vọng là nhờ được sinh ra trên đất Mỹ, bé sẽ được hưởng sự trị trị liệu tối tân của y khoa Hoa Kỳ, bé sẽ nghe, sẽ nói, sẽ hát, sẽ cười... Nhưng thế giới này còn biết bao xứ xở không được như nước Mỹ, những em bé vào đời thiếu may mắn như bé, rồi sẽ ra sao? Tôi tự hỏi và cầu nguyện cho bé cũng như tất cả những bé chào đời với khiếm khuyết thân thể.

*

Tôi trở lại bác sĩ gia đình để khám bịnh, cho ông biết tin vui tôi đã nghe trở lại tương đối rồi, ông không cần phải dùng viết và giấy khi tiếp xúc với tôi. Ông vui lắm, hỏi lại tôi:

- Còn đọc môi không?

Tôi trả lời:

- Không cần đọc môi nữa, chỉ cần chú ý lắng nghe.

Ông cười tươi, buông hai tiếng thán phục:

- Thần kỳ.

Tôi bảo ông:

- Còn hơn thần kỳ nữa bác sĩ ơi, gần đây tôi đọc tin tức thấy nói việc cấy ghép tế bào tai sống đã thành công ở chuột rồi, như vậy, con đường cấy tế bào ốc tai nầy rồi đây sẽ áp dụng thành công trên người, bác sĩ há.

Bác sĩ gật đầu, đồng ý. Tôi tin vậy. Thế hệ kế tiếp tôi sẽ không còn ai bị điếc nữa. May mắn nhất là tôi đang sống ở nước Mỹ, một quốc gia tôn trọng nhân quyền nhất thế giới và ưu ái người tàn tật, nếu sống ở nước không tôn trọng nhân quyền thì… tàn tật là tàn đời!

Sau hai năm khổ tâm sống trong thế giới vô thanh, chờ đợi với hy vọng thật mong manh, chợt sáng lòa ánh sáng ở cuối đường khi phẩu thuật thành công. Trong cái rủi có cái may như người xưa nói. Nghĩ ra tôi vẫn còn rất nhiều việc muốn làm, không đào đất xây lớp học như ngày còn nhỏ, tôi vẫn còn làm được những chuyện khác, người khiếm khuyết chung quanh tôi còn đầy, nếu đã nhẹ lòng tự tử hồi hai năm trước thì thật là uổng đời.

Trương Ngọc Anh

Ý kiến bạn đọc
07/07/201415:48:02
Khách
Tôi cũng bị "nghe không rõ" . Sẽ liên lạc NA để tìm hiểu thêm
20/06/201402:01:28
Khách
Chào Tâm. rất vui :) , liên lạc với mình nha
email của mình :[email protected]
Thân mến
15/06/201412:00:17
Khách
Thưa chị Ngoc Anh ,bài viết rất hay ,em cũng học cùng trường trung học với chị , em đọc xong mừng quá ,con trai em bị câm điếc bẩm sinh ,nhờ chị tư vấn giúp ,cám ơn chị nhiều
Chị có thể cho em xin DC email để liên lạc không ?
Tam Le
19/03/201403:15:48
Khách
Bài biết quá hay.
Nhưng đây là chuyện thật của cô hay của một người khác mà cô viết thay.
Dù ai đi nữa thì cũng đáng phục lòng can đảm
16/03/201402:40:46
Khách
Đa tạ bạn đọc
TNA
10/03/201415:18:30
Khách
Cám ơn bài viết rất hay của tác giả. Xin chúc bà cùng gia đình nhiều sức khỏe và bình an.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,315,620
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018. Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2008.
Ông Hai nhâm nhi ly trà sâm Đại Hàn, mùi sâm thơm thơm, vị đăng đắng, hơi ngòn ngọt, màu nâu cánh dán.
Chó là một động vật rất gần gũi với con người và có ích trong nhiều lãnh vực như trông và giữ nhà, dẫn đường cho người tàn tật hay khiếm thị
Không biết từ ngữ “Ăn Tết” có từ lúc nào. Nhưng khi nói về tết với đầy đủ ý nghĩa của nó người ta dùng từ Ăn Tết.
Không biết từ khi nào tôi bận tâm về cái việc xuất hành đầu năm! Hồi còn ở quê nhà thì khỏi nói, chuyện xuất hành, hái lộc đâu phải là phần vụ của lũ con nít chúng tôi.
Tết sắp tới rồi! Một câu nói thật ngắn gọn, thật đơn giản, vậy mà sao tôi cứ nghe nao nao, cho dù tuổi đời đã gần đến cái gọi là cổ lại hy!
Vặn tay cầm, thấy không khóa, thím Sáu bèn đẩy cửa bước vô. Đèn đuốc trong nhà sáng rực, nhưng không thấy có người. Nghe tiếng động trong phòng tắm
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia. Bài mới của cô là chuyện vui gia đình và bạn đọc Viết Về Nước Mỹ cuối năm.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018, hiện đang phát hành khắp nơi. Đây là tự sự của một tôn nữ thời đổi đời: Làm tài xế Taxi tại Huế. Định cư, kết hôn với người Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến