Hôm nay,  

Chú Lính Mỹ Gốc Việt

27/02/201400:00:00(Xem: 38182)
Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 4149-14-29559vb5022714


Tác giả là nhà giáo sinh năm 1949, thuộc một gia đình HO tại Westminster, California. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Bà: “Kock and Me / Vi Trùng Lao và Tôi” trên Việt Báo Online từ ngày 4 Tháng Sáu 2013, hiện có trên 280,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.

* * *

Thằng nhỏ đi từ xa trong bộ quân phục, bước đi của nó mạnh mẽ, vững chãi. Bà ngoại và má nó trông đứng trông ngồi từ sáng nay để mong gặp nó. Nó đến gần, bà chạy ra ôm, hun nó tới tấp, nước mắt nước mũi, sụt xà sụt xịt. Bà mếu máo:

- Sao con ốm quá vậy con? Con đen thui à. Có đói bụng không? Ngoại có đem đồ ăn cho con nè. Con chào dì Ánh, cậu mợ Phi đi. Có hai em đi thăm con nè. Jasmine, Dustin ra đây ôm anh, hun anh một cái nha.

Má nó đứng sau lưng, bóp hai bờ vai nó nhè nhẹ. Nó quay đầu phía sau cho má nó hun một lúc thật lâu.

Tôi ngồi nhìn thằng nhỏ. Mới ngày nào tôi đến nhà Sophie con gái tôi ở Cali dự sinh nhật đứa cháu ngoại. Lúc đó nó còn bé xí, bây giờ nó là một thanh niên cao lớn, chững chạc, mặc bộ đồng phục áo trắng quần xanh đen, đội chiếc mũ thuyền có mũi nhọn, đeo phù hiệu trên ngực, giầy đen bóng loáng, tôi nhận không ra.

Bà Lụa là thông gia với tôi. Tôi đi thăm con gái ở Dallas. Bà và má nó bay lên Dallas nhờ Phi chở đến San Antonio thăm Eric là đứa đang ngồi trước mặt tôi. Tình cờ gặp bà ở nhà con gái, tôi theo bà và gia đình thằng con rể lái xe mất bốn tiếng đồng hồ đến căn cứ không quân Lackland ở San Antonio. Eric đang được huấn luyện quân sự tai đây. Ngày mai là ngày lễ ra trường, sau đó nó sẽ được đổi đến đơn vị khác để tiếp tục học ngành chuyên môn.

Thằng nhỏ có vẻ mắc cỡ trước mặt người lạ. Nó nghiêng đầu tránh và nói: "Má nhại đừng hun con nữa, That's enough!". Bà nuôi nó từ hồi còn nhỏ cho đến lớn. Sống gần bà nên nó hiểu tiếng Việt. Nó nói tiếng Việt xen lẫn tiếng Mỹ và thích thức ăn Việt Nam. "Má nhại" là "nickname" của bà đọc trại từ chữ "bà ngoại" mà ra. Đám cháu ngoại, và cháu nội kêu "má nhại" riết rồi quen. Bà thích gọi cái tên "má nhại" vì chữ này là chữ của bà "chế" ra để nựng nịu tụi nhỏ.
Bà rờ cái eo bụng nó, lại mếu máo:

- Con ốm quá con ơi! Họ cho con ăn uống có đầy đủ không con? "Má nhại" biết con tập cực khổ lắm mà. Con thích cơm chiên, "má nhại" đem cho con ăn nè. "Má nhại" đem thịt kho, giò, chả, thịt chà bông, cá chiên, gỏi cuốn… "Má nhại" có đem thịt bò chiên cho con nữa. Ăn đi con. Ăn hết đi con.

Giống như hầu hết các bà, má Việt Nam khi gặp con cháu, những câu hỏi đầu tiên là "Con ăn gì chưa? Con có đói không?" Tình thương của các bà gắn liền với cái… bao tử của con, cháu. Bà lăng xăng với các giỏ thức ăn bà, má nó và con gái tôi làm từ hôm trước để sáng hôm sau mang cho nó ăn và ở chơi với nó trong hai ngày.

Thằng con rể đã đặt trước khách sạn "Air Force Inns" ba phòng trong căn cứ để tiện việc đi lại mỗi phòng 53$. Muốn vào căn cứ phải qua bộ phận kiểm tra an ninh bằng thẻ ID, số an sinh xã hội và cho biết số người đi là bao nhiêu. Các chi tiết này phải ghi danh trước. Khi được chấp thuận, họ gửi một tờ giấy gọi là "guest pass" để ra vào trại. Những người không có "guess pass" phải sắp hàng chờ làm thủ tục xin phép ở "Visitor Center" ngay cổng vào rất mất thì giờ.

Thằng nhỏ ngồi ăn ngon lành. Nó ăn như đã thèm từ lâu lắm. Nhờ má nó và bà ngoại lên thăm, nó có cơ hội ăn xả láng thức ăn Việt Nam, những món nó thích. Món nào ăn cũng khen ngon. Vừa ăn nó vừa kể chuyện về hai tháng "huấn nhục" ở căn cứ huấn luyện các tân binh có tên là "Lackland Air Force Base", căn cứ Không quân Lackland.

Lackland là tên của Thiếu tướng Frank Dorwin Lackland, một trong những người tiên phong trong ngành bay, phục vụ ngành không quân trong thế giới đại chiến thứ hai và có công trong việc xây dựng căn cứ này. Trước năm 1975, đây là nơi huấn luyện căn bản cho các phi công Việt Nam trong thời chiến tranh. Căn cứ này chuyên trách huấn luyện các loại máy bay B52, F4 Phantom, Blackbird... và các loại máy bay quân sự khác. Nó được ví như trung tâm của một cái bánh xe có bảy cái căm, mỗi căm xe là một bộ phận phụ trách một nhiệm vụ thí dụ như bộ phận "802nd Mission Support Group" làm công việc phục vụ và cung cấp các dịch vụ và các sinh hoạt trong quân đội, bộ phận "737th Training Group" làm công việc huấn luyện các phi công chuyên ngành, bộ phận "Defense Language Institute" dạy tiếng Mỹ cho các phi công Đồng minh, bộ phận "Air Force Interligence, Surveillance and Reconaissance" chuyên huấn luyện các sĩ quan chỉ huy chiến đấu. (Combattant commanders), bộ phận "24th Air Force" điều hành và bảo vệ lực lượng không quân của Bộ Quốc phòng, bộ phận "Inter-American Air Force" dạy 37 khóa kỹ thuật bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh cho sinh viên các nước, cuối cùng là bộ phận "37th Training Group" là bộ phận cung cấp kiến thức và huấn luyện về chuyên môn cho các tân binh trong các ngành kỹ thuật và quốc phòng. Họ giúp cho người sinh viên tốt nghiệp có những kỹ năng, kỹ xảo có thể tìm việc làm hoặc đi vào chuyên ngành dễ dàng. Bộ phận này còn phụ trách huấn luyện cho các binh chủng không quân, hải quân, thủy quân lục chiến, đặc biệt nhất là các chú quân khuyển "military walking dog". Đội quân "AFOSI" (Air Force Office of Special Investigations) chuyên điều tra tội phạm như gián điệp, khủng bố cũng được huấn luyện tại đây. Eric là một trong 200 sinh viên được bộ phận này "huấn nhục" trong hai tháng gọi là "Basic Military Training" viết tắt là " BMT", khóa huấn luyện quân sự căn bản.

Cả nhà ăn trưa chung với Eric trong phòng cậu Phi. Lâu ngày gặp nhau, Eric đùa giỡn với Jasmine và Dustin. Hai đứa đè gối và ngồi lên bụng anh Eric. Eric nói cái mình nó bằng sắt tha hồ cho hai đứa nhỏ đánh, đấm, đập, thụi. Một lát hai đứa ngồi thở hồng hộc. Anh Eric nắm bốn bàn tay hai đứa cứng ngắc. Không vùng vẫy được, cả hai mếu máo với "má nhại" anh Eric làm con đau. Cậu Phi thử nắn hai bắp tay nó. Cậu nói nhờ tập luyện, hai bắp tay nó nở nang như hai bắp chuối hột và cứng như hai khúc gỗ.

Tôi nhìn thằng nhỏ vừa tốt nghiệp trung học nhưng nét mặt ra vẻ một người đàn ông phong trần. Trông nó khỏe mạnh, da rám nắng, tóc húi cua sát da như đầu trọc, thân hình cứng cáp, vai to, ngực nở, eo thon, bắp thịt ở hai cánh tay vồng lên, săn chắc. Eric có nụ cười thật trẻ thơ, khi cười, khuôn mặt nó sáng hẳn lên. Bà ngoại lại gần, xót xa ôm cái bụng hỏi nó:

- Bụng con bây giờ xẹp lép, con mặc quần "size" mấy? "Má nhại" nhớ "size" cũ của con là 34? Con sụt bao nhiêu pound? Tội nghiệp con, "má nhại" nhớ con quá. Ráng học nghen con. Con chuyển sang trại mới, "má nhại" gửi đồ ăn cho con. Đừng vi phạm kỷ luật nha con.

Thằng nhỏ nhăn mặt hỏi:

-"Má nhại", "Vi phạm kỷ luật" là gì? " I don't understand it."

Cậu Phi nó giải thích:

- Là "Don't break the rules". You must be a good guy. Ok?

Thằng nhỏ này coi bộ thương bà ngoại, nó vỗ vai bà nhè nhẹ:

- "Má nhại", Đừng khóc! Don't cry! Con muốn "má nhại cười. Con khỏe mà! Con mặc quần "size" 29. Con "lose weight"nhưng đâu có sao! "Lose weight" tốt! "Má nhại", "Don't worry about me". "I grow up. I am a big man now." Nói xong, nó gồng hai bắp tay, hai con chuột căng lên cuồn cuộn như một lực sĩ khoe trước mặt má nó làm bà ngoại phì cười.

Đi lính Mỹ không phải dễ. Yêu cầu trước hết là thể lực. Thằng nhỏ kể những bước đầu tiên vào đời lính của nó là sự tập luyện để có một thân thể khỏe mạnh, dẻo dai thích nghi với hai tháng thử thách cam go và khóa học chuyên môn sắp tới. Nó kể tới đâu bà ngoại chép miệng, xuýt xoa tới đó. Má nó ít nói, nét mặt lúc nào cũng trầm ngâm.

Hai tháng "huấn nhục" hay còn gọi là hai tháng "hành xác"này nhằm mục đích luyện cho các học viên sức chịu đựng bằng những buổi dậy sớm làm vệ sinh cho nhanh rồi tập thể dục. Ăn sáng xong, tùy theo ngày, các huấn luyện viên cho học viên ra bãi tập, tập đi, đứng, tập chạy, tập nhào lộn, tập nhảy cao, tập leo dây, tập leo tường, tập trườn, bò dưới những hàng dây kẽm gai sắc nhọn, tập phóng qua các chướng ngại vật, tập lội qua những bãi sình lầy, tập hít hơi ngạt… dưới cái nắng và cái nóng gay gắt của thời tiết vùng Texas lúc nào vào khoảng trên 80 độ F. Trời mưa thì mặc trời mưa. Các buổi tập ngoài trời vẫn theo thời khóa biểu quy định. Bệnh thì có bệnh viện, bác sĩ, thuốc men. Mỗi huấn luyện viên phụ trách một nhóm khoảng 50 người. Ăn trưa xong, các học viên được nghỉ ngơi hơn một tiếng đồng hồ. Buổi chiều là những giờ học lý thuyết, ăn tối, sinh hoạt cá nhân rồi lên giường lúc 9 giờ. Tất cả các sinh hoạt ăn, ngủ, học, tập luyện, nghỉ ngơi đều có giờ giấc. Học viên nào trễ hay vi phạm kỷ luật, cả nhóm sẽ bị phạt mất phần ăn trưa.

Nhờ đi lính, thằng nhỏ biết được thế nào là đói. Thằng này, hồi chưa đi lính, bà ngoại kể nó ăn như… hạm và kén ăn. Ở ngoài đời, các cậu ăn uống ngon quen rồi, có khi thừa mứa. Vô trại tập luyện này, khẩu phần ăn đều có tính toán, chỉ đủ về dinh dưỡng cho các cậu có sức khỏe để tập luyện, làm sao ăn ngon như … bà, má nấu ở nhà? Có thể đây cũng là mục đích cho các cậu có kinh nghiệm kham khổ. Đời lính, có khi phải chiến đấu trong rừng sâu núi thẳm, nhịn ăn hoặc ăn đói là chuyện bình thường. Hồi sáng, tôi nhìn nó ăn thịt thật ngon lành. Nếu cái bao tử còn chứa được, nó còn tiếp tục ăn nữa. Nó kể nó thèm ăn thịt lắm, nhất là thịt bò chiên và phở.

Theo lời Eric kể, thực đơn của các học viên chất bột là chính, gần như ít có thịt. Rau quả, sữa đầy đủ. Ngày chủ nhật mới có phô-mai. Mỗi tháng, tự động trong chương mục ngân hàng của nó có hơn 800$. Số tiền này chính phủ cho. Gọi là "cho" nhưng để các học viên dùng để trang trải các chi phí cá nhân như tiền giặt ủi mỗi tháng 250$ (hèn chi đứa nào quần áo cũng láng cón) tiền ăn mỗi ngày 10$, tính lại chi xài cho cá nhân đâu còn bao nhiêu? Học viên không được giữ điện thoại cầm tay, không được liên lạc bên ngoài, mỗi tháng được gọi tối đa 15 phút và có thể viết thư cho gia đình. Sau hai tháng huấn luyện sẽ có một kỳ thi, nếu đậu, được ưu tiên chọn chuyên ngành, nếu rớt, họ cho học ngành nào thì phải chịu.

Thằng Eric coi vậy mà gan cùng mình. Đăng ký vô lính, nó chọn ngành… chất nổ và bom mìn. Bởi vậy mẹ và bà ngoại nó khóc hoài. Bà ngoại và mẹ nó khuyên chọn ngành khác an nhàn và ít nguy hiểm hơn nhưng nó nhất định đi theo ngành này. Nhìn bề ngoài trông nó hiền lành, ít nói, đôi khi lạnh lùng nhưng bên trong nó thật là một thằng "tough guy". Tôi nghe nó chọn ngành này mà … giật cả mình!

Ngoài sự huấn luyện về thể chất, học viên tùy theo trình độ, sở thích, kỹ năng chọn lựa các ngành thích hợp. Ngành nào cũng phải học tóe khói, tập bở hơi tai, cuối khóa có kỳ thi tốt nghiệp. Khi ra trường, học viên tùy theo trại có nhu cầu, có thể ở lại học tiếp hoặc thuyên chuyển đến căn cứ khác. Học viên nào ở lại được chọn học trong sáu ngành. Có sáu liên đội chuyên huấn luyện về kỹ thuật (Technical Training Squadrons) để cho các học viên chọn lựa chẳng hạn như liên đội 37th TRG huấn luyện các học viên sau này trở thành những người dạy kỹ thuật hoặc các nhà lãnh đạo, liên đội 341st TRS huấn luyện và đào tạo cho bộ Quốc phòng các "handlers" là những người dẫn chó đi bắt tội phạm hoặc kiểm tra ma túy ở phi trường, liên đội 342nd huấn luyện và đào tạo các "Pararescuemen", những người này nhận các sứ mệnh lớn lao, nguy hiểm và chịu trách nhiệm trước Tổng Thống (chẳng hạn như phối hợp bắt Bin Laden trùm khủng bố). "Pararescuemen" là những người phải biết "mưu sinh thoát hiểm", giỏi các kỹ năng như nhảy dù, lặn sâu, leo núi, lái "snowmobile" (loại xe lái trên tuyết và lướt trên nước). Họ là hình ảnh nhân vật James Bond 007 ở ngoài đời. Họ cứu phi công lâm nạn, xâm nhập vào hang ổ địch, nhảy dù xuống các vùng đất nguy hiểm, cung cấp tin tức chiến lược cho các đơn vị không quân và lục quân định hướng để di chuyển đến các vị trí chiến đấu. "SERE' là tên gọi các công việc của họ: "Survival, Evasion, Rescue, Escape". Ngoài ra còn có liên đội 343rd huấn luyện và đào tạo các nhân viên an ninh, liên đội 344th TRS huấn luyện các chuyên viên máy móc trong ngành hàng không, bảo trì các loại xe thiết giáp, chuyên chở các trang thiết bị, xử lý các hóa chất độc hại và chất nổ phế thải…

Khởi hành từ 7 giờ nhưng vì kẹt xe nên gia đình đến trễ, không được dự lễ cấp chứng chỉ tốt nghiệp của Eric. Buổi lễ chính thức là buổi lễ ra trường sáng hôm sau. Cả nửa ngày, Eric dẫn gia đình sáu người đi xem căn cứ Lackland.

Phải gọi căn cứ này là một thành phố vì nó rộng lớn quá với diện tích khoảng gần 7000 acres. Lúc đầu chỉ có trại "Kelly Field" là một trại lính nhỏ, chung quanh là vùng đất đầy muỗi mòng, đá và rắn, các phi công dùng vùng đất hoang vu này để tập luyện thả bom và đặt tên nó là "The Hill". Tướng Lackland nhìn thấy đây là vùng đất thuận lợi nên có kế hoạch bành trướng thành một căn cứ huấn luyện quy mô. Căn cứ mang tên Lackland để tưởng niệm công lao này của ông. Từ khi thành lập năm 1941 đến nay, căn cứ này đã huấn luyện cả triệu học viên ra trường. Cư dân sinh sống trong căn cứ có khoảng 7000 người gồm có dân sự và học viên, 412 đơn vị gia cư, 152 gia đình, lợi tức trung bình khoảng 32.000 một năm. Thành phần chủng tộc ở đây gồm 65% Mỹ trắng, 20% Mỹ đen, 4% người bản xứ (native American) còn lại là các sắc dân khác.

Lối đi vào trại có hai cổng chính, "Selfridge west gate" ở hướng Tây và "Bergouist gate" ở hướng Đông. Con đường lớn nhất mang tên "Military drive" chạy dài từ Bắc xuống Nam chia căn cứ làm hai "thành phố" nhỏ trong đó có những con đường dọc, ngang như bàn cờ. Có nhiều khách sạn sang trọng như "Mariotte", các phòng trọ "Inns" vừa túi tiền, các bệnh viện, tiệm thuốc, nhà trẻ, nhà hàng, siêu thị, building, sân chơi, hồ bơi, tiệm giặt ủi, hội đua ngựa, nhà thờ trường học, công viên "Lion Park", các trung tâm thương mại (mall), trung tâm thể dục thẩm mỹ (fitness center), trung tâm sinh hoạt cộng đồng (community center)… Vận động trường " Parade Grounds" là nơi sẽ tổ chức lễ ra trường nằm trong khu này. Không xa "thành phố" là các trại lính rộng mênh mông gồm tổng hành dinh "headquarter" nơi chỉ huy các đội huấn luyện và điều hành các hoạt động về quân sự, các tòa building lớn trong đó có đơn vị gìn giữ an ninh, phòng ăn, phòng ngủ, phòng sinh hoạt của các học viên. Gần đó là sở cứu hỏa, phòng giặt, nhà vệ sinh, bãi tập, nhà kho, nhà ở của cư dân làm việc trong căn cứ.


Sau nhiều giờ đi thăm "thành phố" Lackland, đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy tận mắt một căn cứ quân sự quy mô và tiêu biểu, xứng đáng là một trong những căn cứ lớn nhất ở nước Mỹ với danh hiệu "The Gateway to the Air Force", cửa ngõ đến với Không lực Hoa kỳ.
Đi chơi một vòng thăm trại, ai nấy đều mỏi mệt, trở về nghỉ ngơi, chuẩn bị ăn cơm tối dưới phố.

San Antonio được xem là thành phố du lịch có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử, có truyền thống văn hóa lâu đời với các lễ hội, diễn hành, tiệc tùng, ca hát... Đây là thành phố đông dân cư lớn thứ bảy ở nước Mỹ 1.300.000 ngàn người và thứ hai sau Houston ở Texas. Quảng trường "River Center" là trung tâm sinh hoạt chính lúc nào cũng sầm uất, nhộn nhịp. Các thương hiệu nổi tiếng như "Macy's", "Starbucks", "Victoria Secret's"… đều tập trung tại đây. Có hàng trăm nhà hàng lớn, nhỏ, sang trọng hoặc trung bình với thực đơn truyền thống của Thái, Mễ, Nhật, Mỹ, Ấn Độ. Các cửa hàng buôn bán, phục vụ, giải trí… lúc nào cũng đầy người. Trai thanh nữ tú cặp kè qua lại. Khách du lịch, thân nhân đi thăm học viên đến San Antonio không lúc nào ngớt.

Phong cảnh hữu tình nhất vùng này có lẽ là "River Walk", con đường quanh co, khá dài, dành cho người đi bộ, lót gạch hoặc trát xi măng, cây cối xanh tươi, hoa lá đủ màu, sạch sẽ và râm mát. Dọc theo con đường, một bên là sông nước uốn lượn xuôi dòng một bên là những nhà hàng lộ thiên xây trên những dốc cao với những chiếc dù xanh đỏ che nắng xinh xắn.

Gia đình tám người chúng tôi lên một chiếc tàu nhỏ, giá vé khoảng 8 đồng cho mỗi người. Chiếc tàu chở khoảng 20 hành khách chạy dọc theo dòng sông khoảng nửa tiếng đồng hồ. Khách bộ hành vừa đi vừa ngắm những cây cổ thụ tàn lá xum xuê soi bóng bên bờ sông. Khách ngồi trên thuyền, vừa nghe người "tour guide" kể chuyện về lịch sử thành phố, vừa ngắm bầu trời xanh, cây cảnh, nóc nhà thờ, trang trại (ranchos) và những ngôi nhà cổ trên dốc cao. Phong cảnh thật là đẹp và nên thơ. Ban đêm, con đường rực rỡ ánh đèn. Tiếng đàn guitar với điệu nhạc "flamenco" và những bài hát trữ tình bằng tiếng Tây Ban Nha vang lên từ những nhà hàng, hộp đêm. Các ban nhạc "live show" với các nhạc sĩ trình diễn ngoài trời làm cho khu "River Center by night" thật quyến rũ, thơ mộng và sống động.

Theo kinh nghiệm của Eric, nó chọn một nhà hàng Mỹ vừa là một "museum" nhỏ có ưu tiên cho các học viên tên là "Buckcorn Saloon and Museum". Học viên vào ăn ở nhà hàng này được phát một cái thẻ trong đó các học viên được phép trở về trại lúc mười giờ thay vì tám giờ theo quy định. Nghe Eric nói vậy, ai cũng ngạc nhiên. Thức ăn không có gì đặc biệt, quanh đi quẩn lại là steak, hamburger, taco, salad, chips, sauce… và nước uống vậy mà phải trả 25$ một người. Trẻ em và người lớn cùng giá. Ngoài ăn uống, có những trò chơi đặc biệt bằng kỹ thuật cao tạo ảo giác như làm cho người mình thu nhỏ lại hay tạo bóng mình trên tường… Nhà hàng đông người, khách ra vô nườm nượp, hầu hết là những thân nhân muốn có thêm hai tiếng đồng hồ quý giá với con em mình. Ăn xong, ai cũng tiếc tiền nhưng vui vì có các trò chơi lạ và "lá bùa" thêm hai tiếng đồng hồ đi thăm thành phố San Antonio với Eric.

San Antonio là thành phố đẹp, cổ kính, nhà cửa xinh xắn ảnh hưởng kiến trúc Tây Ban Nha với đường nét hình vòng cung và các hoa văn trang trí tinh xảo. Là thành phố du lịch, mỗi năm thu hút khoảng 26 triệu du khách với những địa danh lịch sử và những thắng cảnh như "Mission Alamo", "River walk", "Sea world", "Six Plags Fiesta"… San Antonio còn là nơi có nhiều căn cứ quân sự nổi tiếng như "Fort Sam Houston", "Lackland Air Force Base", "Randolph Air Force Base"…
iễn hành tại Lackland Air Force Base.

Gần 10 giờ đêm, khu "River Center" vẫn đông người qua lại. Chúng tôi phải trở về đúng 10 giờ quy định. Eric trở về trại còn gia đình chúng tôi về phòng trọ "Gateway Villa" thuộc "Air Force Inns" gần đó để nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, ăn sáng xong, chúng tôi tập trung đến trạm xe bus gần đó để cùng với các thân nhân lên xe đến "Parade Grounds" là nơi diễn ra cuộc diễn hành. Từ khu "Gateway Villa" là khu nhà trọ đến vận động trường "Parade Grounds" qua nhiều đoạn đường khá xa. Khi chúng tôi đến, vận động trường đã khá đông người. Ai cũng ăn mặc đẹp để chụp hình, đến sớm để có chỗ tốt gần chỗ duyệt binh.

Thân nhân được xếp ngồi theo ngành học của học viên, để lát nữa khi các học viên đi qua, họ sẽ xướng tên các liên đội (squadron), thân nhân sẽ nhìn thấy con em mình diễn hành trong đó. Đây là một thảm cỏ xanh rộng mênh mông có những lối đi bằng xi măng cho người đi bộ. Chung quanh vòng đai sân là bãi đậu xe.Vài chục chiếc máy bay đủ loại, đủ cỡ lớn nhỏ được trưng bày làm cho khung cảnh "Parade Grounds" thêm phần khí thế, biểu dương không lực Hoa Kỳ.

Khán đài là một tòa building lớn dành cho các nhân vật lãnh đạo và các cấp chỉ huy làm lễ ra trường. Trước mặt khán đài là cột cờ. Lá cờ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ tung bay trước gió cùng với một hàng cờ xí đủ màu của các nước. Mặt trời mọc cao dần. Ánh nắng ban mai lan tỏa trong không gian hứa hẹn một ngày gay gắt của thời tiết vùng Texas vào giữa trưa có khi lên đến 100 độ F. Thân nhân được hướng dẫn không đội nón hay che dù. Họ đã ngồi đầy trên những hàng ghế có mái che như ở trong sân vận động.

Buổi lễ bắt đầu lúc 9 giờ. Mở đầu là lễ chào quốc kỳ và mặc niệm các chiến sĩ tiếp đó là bài diễn văn của vị chỉ huy căn cứ Lackland. Nhìn lá cờ Hoa kỳ tung bay phất phới, lắng nghe từng lời và tiếng nhạc trầm hùng của bài quốc ca, trong giây phút cúi đầu mặc niệm những chiến sĩ Hoa kỳ đã hy sinh, tôi hồi tưởng lại lịch sử dựng nước Hoa kỳ trải qua các cuộc chiến tranh cách mạng dành độc lập "The American Revolutionary War" (1775- 1783), là cuộc chiến tranh giữa Vương Quốc Anh (Kingdom of Great Britain) và nước Hoa kỳ vừa mới thành lập gồm 13 nước thuộc địa. Kế đó là "The Mexican- American War" (1846-1848) cuộc chiến tranh giữa người Mỹ Texans với người Mễ Tây Cơ. Tiếp theo là cuộc nội chiến tương tàn "the Civil War"(1861-1865) giữa hai miền Nam Bắc. Thế giới đại chiến thứ nhất (1914-1918), Hoa kỳ tham chiến với các nước Đồng minh Anh, Pháp, Nga… đánh tan trục Phát- xít Đức-Ý-Nhật. Tại châu Á, Korean War (1950-1953) là cuộc chiến tranh giữa Nam Hàn do Hoa kỳ ủng hộ chống lại Bắc Hàn do Trung cộng và Nga xô yểm trợ. Năm 1955, chiến tranh Việt Nam giữa hai chủ nghĩa Quốc gia và Cộng sản để rồi kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nghĩ đến đây, lòng tôi không thể quên 38 năm trôi qua mà cứ ngỡ như mới ngày nào.

Ngồi trên khán đài dự lễ ra trường của những người lính Mỹ trong đó có những người gốc là người Việt Nam như thằng Eric, nó đâu có biết gì về đất nước Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam, về những người lính Việt Nam Cộng Hòa?

Loa phát thanh đã vang lên lời giới thiệu buổi diễn hành bắt đầu. Mọi người nhìn thấy từ đàng xa, đội quân nhạc đồng phục trắng, nón trắng với tiếng kèn, trống, tiếng "cymbal" xèng xèng vang lên theo từng nhịp bước. Tiếp theo đó là các tân binh mặc đồng phục áo trắng ngắn tay, quần xanh đen, giày đen, đội mũ thuyền xanh đi theo từng đội.

Hàng đầu là một dãy sáu người cầm cờ mặt hướng về phía trước, các hàng sau là các tân binh tốt nghiệp, tay mặt giơ ngang trán trong tư thế chào, đầu ngước lên hướng về phía khán đài, chân bước theo nhịp trống và hiệu lệnh của người chỉ huy. Họ đi theo nhịp quân hành, tay đánh nhịp, chân bước đều. Tiếng loa phóng thanh giới thiệu từng liên đội khi đi ngang qua chỗ thân nhân ngồi. Các thân nhân đều đứng lên vỗ tay, huýt sáo, gọi tên, cổ võ tinh thần các tân binh khiến cho bầu không khí thật là phấn khích và náo động.


Buổi lễ chấm dứt. Eric được phép ra gặp thân nhân. Sau khi ra trường, từ nay nó sẽ mặc bộ quân phục này khi đi ra ngoài. Lúc nào tôi cũng thấy bộ quân phục của nó sạch sẽ, thẳng nếp, giày đen bóng loáng. Nó luôn luôn sửa chiếc mũ thuyền cho thẳng thắn, ngay ngắn. Tôi hỏi nó bằng cách nào, nó chỉ cách mắt nhìn thẳng vào ngón tay trỏ dơ lên cao, đặt trước mũi làm trung tâm, đầu nhọn của chiếc mũ hình cái thuyền phải canh sao cho thẳng với ngón tay. Thảo nào thỉnh thoảng thấy nó dơ ngón tay trước mũi.

Cả nhà ghé vào một tiệm "buffet" ăn bao bụng. Má nó nhâm nhi chút ít, chỉ ngồi bên cạnh nhìn con ăn. Còn vài tiếng đồng hồ nữa chúng tôi phải trở về Dallas. Má nó ghé mua cho Eric đôi giày và vài thứ vật dụng trong trại trả bằng tiền mặt. Các cửa hàng này chỉ nhận thẻ của học viên. Các học viên chỉ được dùng thẻ credit của trại cấp để tiêu xài. Bà ngoại, má nó và cậu Phi dúi vào túi nó vài tờ giấy trăm. Eric nói sẽ xin phép bộ phận an ninh cho chúng tôi được đi thăm các phòng ăn và chỗ ngủ của Eric trước khi ra về.

Đó là các tòa building lớn nằm trong một khu riêng biệt yên tĩnh xa các khu sinh hoạt và thương mại. Phòng ngủ của các tân binh là những căn phòng lớn. Những dãy giường hẹp chỉ vừa đủ một người nằm thẳng, không có chỗ để lăn qua lăn lại thoải mái. Đặc biệt là mền gối xếp ngay ngắn, khăn trải giường thẳng nếp. Sàn nhà sạch bóng. Quần áo, đồ đạc cá nhân đều xếp trong các ngăn tủ sắt. Phòng ăn của trại là một gian phòng lớn gồm những dãy bàn dài. Đâu đâu cũng sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng. Đó là những bài học căn bản đầu tiên làm thay đổi sinh hoạt cá nhân của Eric sau này. Bà ngoại kể thằng này hồi còn ở nhà, nó ở dơ và bừa bãi. Mỗi sáng sau khi nó đi học, bà đều phải vào phòng dọn dẹp, thu dọn chai nước, thức ăn thừa, quần áo dơ, sách vở, giấy rác, xếp mền gối, trải giường. Bây giờ nó đã được giáo dục theo kỷ luật nề nếp của trại. Nó thay đổi thành một con người mới có trách nhiệm với bản thân và có lối sống tích cực hơn. Nó kể học viên mỗi lần khi đi ngoài đường, muốn gọi điện thoại phải kiếm chỗ ngồi, không được vừa đi vừa gọi xí xô xí xào như trước đây. Khi đi bộ, trong khi mọi người tìm lối đi tắt cho đỡ mỏi chân, Eric phải đi một vòng khá xa tìm cái "crosswalk" chứ không tạt ngang, xé lẻ cho gần như thói quen của bà con mình. Kỷ luật quân đội ở đâu cũng vậy. Đó là một thứ kỷ luật sắt, có nguyên tắc nhất định, "gò" con người vào khuôn khổ. Người nào vượt qua được là đã tự chiến thắng mình bước đầu để sau này trở thành người có bản lĩnh và có cách ứng xử đẹp trong cuộc sống.

Trên đường về, tôi nhớ có lần tôi hỏi Eric tại sao con chọn học ngành chất nổ. Thằng nhỏ trả lời đơn giản: "I hate terrorists. Iwant to fight them". Nó ghét bọn khủng bố. Nó muốn chống bọn khủng bố. Tôi hỏi tiếp học về ngành này, nó có biết một nữ khoa học gia người Việt nam rất nổi tiếng có "nickname" là "The lady bomb" chế tạo một loại bom áp nhiệt "thermobaric" đã giúp sớm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Afghanistan không? Nó mở mắt to, gật đầu, nét mặt rạng rỡ, nụ cười thật tươi "Yes, I know. I know her. Unbelievable! She is so wonderful! ". Tôi hỏi tiếp nó có ước mơ gì khi chọn con đường binh nghiệp. Nó nói nếu ai cũng ước mơ học ngành bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ… để kiếm tiền nhiều thì ai đi lính để bảo vệ nước Mỹ? "I want to protect my country, America. It's my dream".

Ước mơ của Eric đơn giản có vậy. Nước Mỹ bây giờ là quê hương của nó. Chỉ có hai ngày đi thăm Eric, một anh lính mới tò te trong môi trường xa lạ là căn cứ huấn luyện tân binh Lackland, tôi đã nhìn thấy tận mắt một phần nhỏ sinh hoạt và học hỏi biết bao điều mới lạ về đời lính Mỹ. Thằng nhỏ đã cho tôi có một sự đánh giá lại về hai chữ "giá trị" các ngành nghề trong xã hội trong đó có nghề lính.

Đồng hồ chỉ 4 giờ. Bà ngoại ôm nó khóc mùi mẫn. Bây giờ mới thấy mẹ nó sụt sùi, mắt mũi đỏ hoe. Ai cũng bùi ngùi, xót xa khi chia tay với Eric. Jasmine thấy "má nhại" và mẹ Eric khóc, nó cũng khóc theo. Thằng Dustin nét mặt buồn xo, nắm tay anh Eric. Cậu Phi cố gắng cười, nói lời tạm biệt mà nét mặt như… mếu. Mợ Sophie ôm và an ủi sẽ sắp xếp đi thăm khi Eric ổn định ở căn cứ mới. Vài ngày nữa, Eric sẽ cùng các bạn đi bằng xe bus đến căn cứ ở Wichita học ngành chuyên môn. Ở đó, nó được thoải mái hơn như tự do xài tiền, đi lại, nhận quà, ăn uống, dùng phone… Nó bịn rịn ôm và vỗ vai bà ngoại. Nó ôm hun mẹ nó thật lâu. Nó không khóc. Ánh mắt của nó thoáng một chút buồn xa xăm. Những ngón tay vẫy chào. Xe lăn bánh một đoạn thật xa, quay đầu nhìn lại, tôi vẫn thấy Eric còn đứng đó, dõi mắt nhìn theo. Một thằng "tough guy" chọn học ngành chất nổ, bom, mìn như nó không phải là đứa vô cảm.

Lời tạm biệt của tôi khi chia tay với Eric là niềm tin và lời chúc Eric sẽ thành công, thực hiện ước mơ và lý tưởng của nó trên con đường binh nghiệp. Có nhiều những người Mỹ gốc Việt nay trở thành những nhân vật nổi tiếng như Trung tá Paul Longmy Choate, một cấp chỉ huy chiến hạm nguyên tử hạt nhân USS-CVN-74. "The refugee come home", Đại tá Lê Bá Hùng, chỉ huy khu trục hạm USS Lassen, 38 năm sau trở về thăm lại Đà Nẵng quê hương ông. Thiếu tá Elizabeth Phạm, người nữ phi công gốc Việt đầu tiên lái chiếc F-18 trên chiến trường Iraq. Dương Nguyệt Ánh, người phụ nữ tài đức đã làm rạng rỡ người Việt Nam trên đất nước Mỹ... Và còn nhiều, nhiều lắm những bàn tay và khối óc của những người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba đang âm thầm đóng góp cho nền an ninh quốc phòng và bảo vệ đất nước Hoa Kỳ.

Cầu mong cho nước Mỹ có nhiều người lính Mỹ gốc Việt như Eric "Xin nhận nơi này là quê hương", nuôi lý tưởng và ước mơ bảo vệ nền độc lập, tự do, hòa bình cho nước Mỹ và cho nhân loại trên thế giới này.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
07/08/201421:17:28
Khách
Hôm nay đọc báo có tin " Từ cậu bé tị nạn thành tướng quân đội Mỹ" ; đó lả Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt.
Tôi liên tưởng đến bài viết "Chú Lính Mỹ Gốc Việt" của tác giả Phùng Annie Kim .
Cám ơn bà đã có bài viết thật là ý nghĩa và có tính cách thời sự.. Bà đã ghi lại hình ảnh thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt lớn lên và thành công ở xứ sở náy.
Dó cũng là niềm tự hào của người Việt hải ngoại.
07/07/201402:02:02
Khách
Mot bai viet lam thay doi suy nghi cua cac bac phu huynh goc Viet...! Xin pha bo di cai vo ich ky va cau an da co tu lau !
Cam on tac gia da cho mot bai viet nhieu y nghia,xung dang duoc vao du thi chung ket. Cau chuc tac gia duoc trung giai.
03/07/201419:13:58
Khách
Eric học về ngành chất nổ , bom, mìn.
Mong chú sẽ trở thành Dương Nguyệt Anh thứ hai, làm rạng rỡ thế hệ con em lính Mỹ gốc Việt.
21/06/201404:32:15
Khách
Theo tôi, Ericl là nhân vật có thực. Hai câu nói bằng tiếng Mỹ của Eric :
" I hate terrorists. I want to fight them."
" I want to protect my country, America. It's my dream".
Giấc mơ của Eric thật đơn giản làm cho tôi suy nghĩ.
Tôi sang Mỹ năm 40 tuổi. Tôi đã hưởng được nhiều thứ ở xứ Mỹ như : công dân Mỹ, sự tự do, công việc làm, đời sống ổn định....nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến nước Mỹ là quê hương của tôi. Tại sao?
Không lẽ tôi đã phụ lòng những "Chú lính Mỹ gốc Việt" này và đất nước Mỹ tôi đang sống ?
17/06/201420:10:14
Khách
Hình ảnh "Chú Lính Mỹ Gốc Việt" rất là dễ thương. Tôi nhận được thông điệp qua bài viết này : Vai trò của nước Mỹ trong việc xây dựng hòa bình cho nhân loại.
Câu cuối của bài cũng là hy vọng của tôi :" Cầu mong cho nước Mỹ có nhiều người lính Mỹ gốc Việt như Eric." "Xin nhận nơi này là quê hương" với lý tưởng bảo vệ nền độc lập , tự do và hòa bình cho nước Mỹ và toàn thể nhân loại. Bài viết hay, xứng đáng được vào chung kết
17/06/201400:16:04
Khách
Không hẹn mà gặp, 2 bài viết về lính Mỹ gốc Việt đều lọt vào chung kết năm nay: "Chú Lính Mỹ Gốc Việt" và "Lính Mỹ Gốc Nail" (tác giả Trần Du Sinh). Phải chăng thiện cảm của dân miền Nam với quân nhân VNCH và quân nhân Mỹ vẫn còn đây, đâu đó vẫn còn hi vọng một liên hệ đồng minh mới chống cộng sản ?
16/06/201423:17:55
Khách
Trước đây tôi muốn các con tôi sau này ra trường sẽ trở thành bác sĩ, dược sĩ. Đọc bài biết này tôi đã thay đổi quan điểm về đời sống. Nếu ai cũng học ngành
y dược thì ai sẽ ra tiền tuyến chiến đấu bảo vệ đất nước Hoa Kỳ cho con mình an tâm làm ăn kiếm nhiều tiền.
Tôi sẽ tôn trọng ý kiến chọn lựa ngành nghề của các con tôi
16/06/201423:09:12
Khách
Trước đây tôi muốn các con tôi sau này ra trường sẽ trở thành bác sĩ, dược sĩ. Dọc bài viết này tôi đã thay đổi quan điềm về đời sống. Nếu ai cũng học các ngành này thì ai sẽ chiến đấu bảo vệ đất nước Hoa Kỳ cho con mình an tâm kiếm tiền nhiều. Tôi sẽ tôn trọng ý kiến chọn lựa ngành nghề của các con tôi.
16/06/201417:55:54
Khách
Tác giả xin bổ túc vài chi tiết lịch sử như sau :
-Thế giới đại chiến thứ nhất ( 1914-1918 ) Hoa Kỳ tham chiến cùng các nước Đồng Minh Anh Pháp Nga đánh bại Đức-Áo-Hung
-Thế giới đại chiến thứ hai ( 1939-1945 ) Hoa Kỳ tham chiến cùng các nước Đồng Minh Anh Pháp Nga đánh bại Trục Phát Xít Đức-Ý-Nhật.
Tác giả xin thành thật cáo lỗi và cám ơn Quí bạn đọc.
16/06/201403:07:40
Khách
Sau khi đọc bài này, tôi nhìn những người lính Mỹ gốc Việt với sự thiện cảm, quan hoài và kính trọng hơn. Họ cùng với nhân dân Mỹ hy sinh chiến đấu để bảo vệ nền hòa bình cho nước Mỹ và nhân loại
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,265,615
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Bài viết mới của ông là những hồi ức về Huế.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô danh cho tháng Tư 2018
Captovan hay Capvanto là bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết sau đây là câu chuyện thật về người lính trong tấm hình được đề cập trong bài “người yêu trâu điên”.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết sau đây của Ngọc Anh là những lá thư gửi người lính Thủy Quân Lục Chiến, thuộc một đơn vị có biệt anh Trâu Điên. Bài viết từng xuất hiện một lần trên tập san KBC Hải Ngoại mấy năm trước, nay được đăng lại với phần bổ túc trong kỳ tới bằng một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Bài mới, viết cho Tháng Tư Đen năm nay kể lại cuộc chuyện trò giữa tác giả Orchid Thanh Lê và hai nhà hoạt động cộng đồng tích cực tại hải ngoại: Nhà văn Chu Tất Tiến và Nhạc sĩ Lê Xuân Điềm.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng một hồi ức Mậu Thân. Ông sinh năm 1942 tại Huế. Qua Mỹ diện HO 21 định cư tại Thành Phố Tucson Arizona, hiện nghỉ hưu. Mong ông sẽ tiếp tục viết.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California, dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông là một hồi ức sống động về khu xóm bên cầu Bạch Hổ tại Huế Tết Mậu Thân, kể về người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống, chỉ chừa đầu cổ trên mặt đất để hành hình
Thay lời giới thiệu. Điện thư tác giả Captovan gửi Việt Báo Viết Về Nước Mỹ: Bài viết "Huế, Tôi, Mậu Thân" là của anh cựu Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ8/TQLC Nguyễn Văn Phán, anh gửi cho Ban Biên Tập Đặc San Sóng Thần TQLC, nhưng thấy quý báo đang kêu gọi viết về Hồi Ức Mậu Thân nên chúng tôi xin phép anh để gửi đến quý báo đăng trước, BBT/ST chúng tôi sẽ đăng sau, coi như một lời chào của anh gửi đến đồng bào gốc Huế trong lúc anh đang chiến đấu... như 50 năm về trước anh chiến đấu với "thần chết VC" và anh đã chiến thắng và anh sẽ chiến thắng. Kính chào.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo và vẫn tiếp tục góp bài viết. Sau đây là bài mới của cô. Hình ảnh tại Hội Tết Mậu Tuất, San Jose, California.
Nhạc sĩ Cung Tiến