Hôm nay,  

Người Đàn Bà Tuổi Ngọ

24/02/201400:00:00(Xem: 20231)
Tác giả: Huyền Thoại Thịnh Hương
Bài số 4147-14-29557vb2022414


Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006. Cư trú và làm việc tại miền Bắc California, cô luôn vui vẻ tiếp tay mọi sinh hoạt bạn hữu. Một số bài viết khác của cô được ký tên Huyền Thoại. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Sau đây là bài viết mới của cô, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ 2014.

* * *

Không biết có phải vì chị sanh năm con ngựa hay không mà cuộc đời chị lúc nào cũng ôm đồm hết chuyện này sang chuyện khác. Chị là con đầu, và khi cô em thứ hai ra đời, chị đã sáu tuổi, cái tuổi có thể cho mẹ sai vặt. Chẳng hạn như, " Con lấy cho mẹ chai sữa trên bàn", " Con đem cái khăn này treo lên mắc cho mẹ", hay" Con chạy qua nhà dì Bích xin cho mẹ vài củ hành". Đại để là những chuyện nhẹ nhàng mà chị rất thích được mẹ sai. Chị đang tập làm người lớn, vì theo chị, người lớn có uy và ai cũng phải nghe lời.

Rồi mẹ bỗng mắn đẻ, cứ vài ba năm cho chị thêm một đứa em, tổng cộng tất cả tám chị em. Đứa em gái út ra đời là lúc chị bận rộn hơn bao giờ hết.

Chị 16 tuổi, đang học lớp 11, chuẩn bị thi tú tài. Dạo mới có hai ba con, bố mẹ chị còn mướn người làm, với đồng lương công chức hạng trung của bố. Mẹ chỉ ở nhà nuôi con và kiếm chút tiền tiêu vặt bằng cách chơi vài bát hụi nhỏ với bạn bè hoặc bạn đồng sở của bố. Nhưng khi người con thứ năm chào đời thì mẹ cho chị người làm nghỉ việc vì số cung vẫn thế mà số cầu càng ngày càng tăng. Người làm nghỉ, chị phải từ giã mái trường nội trú êm đềm trong thành phố để về nhà phụ mẹ làm việc vặt. Chị đi học bằng xe đạp. Mỗi sáng, trước khi đến trường, chị dậy sớm giặt hai thau quần áo cho cả nhà rồi để đó cho mẹ phơi khi nắng lên. Giặt giũ xong, chị phải bơm đầy hồ nước. Cũng may là nhà chị có giếng nước với chiếc máy bơm nửa ngựa. Nhiều hôm máy bơm trục trặc, chị phải kéo nước bằng tay, mệt lả người. Kéo được một phần tư hồ là đã đến giờ đi học

Chị đi học theo chương trình bán nội trú. Có nghĩa là chị ăn và nghỉ trưa tại trường. Đó cũng là một cố gắng đáng kể của bố mẹ, tránh cho chị phải về nhà ăn trưa rồi lại vội vã trở lại trường trong những ngày mưa to gió lớn hay những hôm nắng hè gay gắt. Buổi tối về nhà, chị cho các em ăn uống, tắm rửa cho những đứa bé trước khi lên gác học bài, chuẩn bị cho năm thi quan trọng. Dù phải làm chuyện nhà mà cuối cùng chị cũng đậu tú tài, dù chỉ đậu bình thứ. Chị vui mừng khi bố mua cho chị chiếc Honda dame mầu xanh, một phần thưởng chị không dám mong đợi. Nhớ lại những lúc còn đi xe đạp, gấu quần chị hay bị xích xe nghiến, rách te tua. Mẹ bảo chị phải lấy giây thung cột hai ống quần lại. Chị không làm theo lời mẹ vì trông nó dị hợm và... quê mùa làm sao. Mất đi vẻ thanh tao của người con gái có gương mặt... dễ thương. Chị biết chị dễ thương vì nghe mấy người con trai nói với nhau như vậy.

Giòng đời êm đềm trôi... Chị thi đỗ tú tài hai. Chị có vận may trong đường học vấn thi cử. Thi đâu đậu đó, dù không đậu cao như chị muốn. Chị đã có bạn trai đang học năm thứ hai Văn Khoa... Nên chị cũng ghi danh học theo ngành của người yêu. Chiến tranh lúc đó bắt đầu leo thang dữ dội.

Không ngày nào không nghe về những trận giao tranh ghê hồn, những trận pháo kích thảm khốc, và những con số thương vong đáng sợ.

Lúc này Bố đã về hưu. Mẹ sang lại sạp bán tạp hóa ngoài chợ, lợi tức chẳng là bao so với giá sinh hoạt leo thang. Chị buồn khi thấy mẹ ưu tư, bố trầm ngâm. Đứa em gái kế chị đã đến tuổi dậy thì, đã biết thích quần áo đẹp để không thua bạn bè cùng trường cùng xóm. Chị biết đã đến lúc chị phải phụ bố mẹ lo cho đàn em. Chị không muốn học lên cao trong khi bố mẹ phải tính toán chi li từng đồng. Lòng chị nao nao buồn khi những bữa ăn bắt đầu nhiều rau hơn trước, và những món thịt cá đã bắt đầu thưa dần trong tuần. Gia đình không còn những buổi đi ăn kem dưới phố... Xi nê đã trở thành những trò xa xỉ... Một hôm anh bạn cùng lớp chạy đến tìm chị, cho hay chỗ anh đang làm cần người giỏi tiếng Anh. Chỗ làm của anh là chi nhánh của tòa đại sứ Mỹ tại Sàigon, và công việc của anh là một thông dịch viên.

"Có dám đi làm không", bạn chị hỏi, vì thời điểm đó, xã hội không mấy khoan dung với những người đàn bà con gái đi làm sở Mỹ. Người ta nhìn những người đàn bà làm cho Mỹ bằng ánh mắt khinh bạc, làm như ai cũng là gái bán bar hay bồi phòng trá hình... Chị phân vân, chưa dám quyết định, Bạn nhắc nhở, đừng để lâu, rủi họ kiếm được ai khác thì uổng lắm. Lương gấp ba, gấp bốn lần lương giáo sư của bọn mình, đâu có ít.

"Lương gấp ba, gấp bốn lần lương giáo sư" cứ văng vẵng trong đầu chị từ lúc đó. Hèn gì mới đi làm có mấy tháng mà bạn chị đã sắm Vespa Italie mới cáo chỉ! Buổi chiều, gặp ngưòi yêu, chị đem chuyện đi làm ra hỏi. Người yêu nhìn chị nghiêm khắc:

- Ba má anh không thích con gái làm sở Mỹ. Tại sao em không đi dậy học? Nghề đó ai cũng nể.

Chị buồn bã nghe anh nói. Gia đình anh khá giả, ba má anh có đại bài gạo, làm sao anh hiểu được hoàn cảnh sa sút khó khăn của gia đình chị? Chị đã 18 tuổi, chẳng biết làm gì ra tiền để giúp đỡ bố mẹ và đàn em 7 đứa. Chị bảo anh:

- Em cũng biết như vậy, nhưng dậy học cũng đâu có ngay được. Còn phải thi cử, chờ đợi lâu la.

Anh dứt khoát:

- Em đừng đi làm cho Mỹ. Anh không thích có vợ làm sở Mỹ.

Buổi tối chị kể chuyện người bạn cho bố mẹ nghe rồi xin ý kiến. Mẹ ngần ngại:

- Người ta cười cho. Mình con nhà tử tế, ai lại đi làm sở Mỹ!

Mẹ thở dài. Xã hội thượng vàng hạ cám, đục trong khó phân biệt, khó giữ gìn. Bố ngập ngừng:

- Nhà mình cũng chưa đến nỗi nào để con phải mang tiếng. Thiên hạ thường vơ đũa cả nắm, con không nên vội vàng. Nhất là con đang quen với Khoa. Sợ người ta khinh mình, không cho nó đi tới.

Bố mẹ thở dài. Chị cũng thở dài. Đêm đó, chị trăn trở rất lâu. Rồi chị quyết định. Chị không thể để bố mẹ vất vả thêm nữa. Với gia cảnh hiện nay, chị nghĩ chị học đến đây kể cũng tạm đủ. Chị phải để phần cho các em, nhất là ba thằng em trai đang tuổi ăn tuổi học. Chị phải nắm lấy cơ hội có một không hai này.

Ba hôm sau, chị tới chi nhánh tòa đại sứ theo tiến cử của người bạn. Chị thi đậu với số điểm cao, cả thi viết lẫn thi vấn đáp. Ông chủ sự thấy chị giỏi tiếng Anh liền cho chị chức vụ bí thư kiêm phiên dịch, với số lương ngoài sự mong đợi của chị lẫn anh bạn. Chưa bao giờ biết sử dụng máy đánh chữ IBM, chị được sở cho đi học đánh máy và hệ thống lưu trữ hồ sơ trong một tháng với lương chính thức. Chị như trên trời rớt xuống, không dám tin vào những chuyên đang đến với mình. Chị bảo bạn:

- Mình có nằm mơ không nhỉ? Sao tư nhiên có nhiều tiền thế? Bạn thử nhéo mình xem mình có biết đau hay không?

Người bạn cười. Bạn không nằm mơ đâu. Nhưng đời là một giấc mơ, một giấc mơ dài với những buồn vui lẫn lộn. Khi tỉnh cơn mơ cũng là lúc mình giã từ tất cả...

Chị chia tay người yêu từ đó... Mối tình đầu của chị đã bị cơn cuồng phong thời đại cuốn ra biển khơi. Chị buồn, rất buồn. Chị gõ phím trên máy đánh chữ như gõ vào quan tài của trái tim mình. Chị thổn thức trong âm thầm. Chị khóc trong đêm đen để bố mẹ và đàn em không ai chứng kiến.

Những đồng tiền chị kiếm được không hoen ố mà sao chất đầy ly tan, đổ vỡ. Chị tìm vui qua những ánh mắt chan hòa hạnh phúc của đàn em khi cùng chị đi mua sắm. Chị ấm lòng khi mẹ hết băn khoan tính toán những chi tiêu hằng ngày. Chị mãn nguyện khi bố lại được uống những chai bia lạnh, được đi khám bệnh tại bệnh viện Grall như dạo trước. Chị sung sướng nhìn tủ lạnh lại đầy thịt cá như xưa. Chị mất người yêu, nhưng đem lại được nắng ấm trong gia đình mình. Những tia nhìn ảm đạm đã không còn trên gương mặt già nua của bố nữa. Chị vui trong cô đơn. Chị buồn trong tiếng cười.

Rồi tình yêu cũng tìm đến với chị một lần nữa. Anh là một cánh chim trong khung trời lửa đạn. Anh tung cánh gào thét, nhả những làn khói hừng hực thiêu hủy kẻ thù trong lùm cây bụi cỏ. Trong mắt chị, anh là sự oai hùng, là nét ngang tàng và phóng khoáng. Anh đến với chị hồn nhiên, tự tại.

Nhưng chim trời một ngày tháng tư đã gẫy cánh theo vận nước điêu tàn. Con đại bàng mắc bẫy nằm co ro trong cũi với xiềng và xích. Chị phải bỏ nhà bỏ của chạy về ẩn náu trong mái gia đình ruột thịt. Tài sản của chị bị bên thắng cuộc phong tỏa, cho là của cải của nhân dân, nay nhân dân lấy lại. Chị chỉ còn chiếc nhẫn cưới và vòng ngọc trai mang trong người. Nhẫn và vòng, chỉ mấy tháng sau anh đi tù, chị đem ra chợ trời Huỳnh Thúc Kháng bán tống bán tháo cho người chuẩn bị đi Tây với quốc tịch Pháp... Lúc đó chỉ có vàng là còn có giá. Hột xoàn, cẩm thạch hay hạt trai coi như đồ bỏ, bán được là may. Chị đau xót nhìn của cải của mình qua tay người lạ như những thứ đồ chơi rẻ tiền.

Có được ít tiền, chị mon men đứng chợ trời tìm kế sinh nhai. Cuộc đời chị lần đầu tiên nghe chửi thề, nhiếc móc. Chị sống trong cảnh vàng thau lẫn lộn. Bên những người phụ nữ đã từng có thời gian ngồi trên nhung lụa, bên những tiểu thư khuê các nay thành tấm cám tìm đường nuôi cha trong tù. Chị lăn lóc bên những kẻ đá cá lăn dưa, cố né tránh để đừng bị xây xát. Chị nuốt nước mắt ôm vào mình những mảnh áo quần bần thỉu hôi hám khi bị công an rượt đuổi bắt bớ. Chị phải đứng đó, cam chịu, vì chị phải kiếm mồi về mớm cho đứa con vừa biết nói sõi. Chị phải gồng mình cam chịu, vì bố chị cần thuốc men cho những cơn đau tim nhức nhối. Chị phải tiếp tay với mẹ chị trả tiền củi lửa gạo nước điện đùng... Mấy đứa em bị lùa đi học yêu bác yêu đảng. Tối về nhà, mệt nhoài, nghe đám nhỏ nhi nhô "như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng", chị bỗng nổi cơn điên, thét lên "Im ngay, im ngay. Tụi mày cầm giao giết tao chết đi rồi hãy hát, hãy hò. Tụi bay vô lương tâm vừa vừa thôi kẻo tao đứt gân máu tao chết tại chỗ cho tụi bay coi"... Đám nhỏ sợ hãi nín thinh. Chị vùi đầu trên gối khóc như khóc cái chết của chính mình.

Nhiều tháng sau ngày anh lên đường "cải tạo" chị cũng chưa biết chính xác chỗ anh và bạn bè anh đang bị giam giữ. Những người vợ tìm nhau hỏi thăm tin tức chồng. Rồi rủ nhau đi tìm, dù chẳng biết chỗ mình tìm có chính xác hay không. Cuối cùng chị cũng tìm được nơi anh bị giam theo sự tiết lộ của mấy người tài xế xe đò. Đó là hai dãy nhà tôn, một doanh trại cũ của quận đội Cộng Hòa ở Phú Lợi tỉnh Bình Dương.

Chị mặc bộ bà ba vá víu, đội nón lá, bế con đến nhà một dân địa phương có lòng. Bà chủ nhà cho chị mượn đôi quang gánh, giả dạng người đi mua giấy báo cũ, đi loanh quanh ngoài hàng rào trại tù. Anh nhận ra chị, vội chạy ra đầu nhà, thảng thốt kêu lên tiếng "em" ngắn gọn. Chị nhìn anh nước mắt lưng tròng mà hai chân vẫn phải đi tới, vì bà chủ nhà căn dặn, đừng dại dột ngừng chân kẻo người bên trong bị phạt. Chị lưu luyến, quanh đi trở lại hai ba vòng. Anh bên trong lính quýnh đi tới đi lui. Bỗng từ phía vọng gác có người la lối:

- Chị kia! Chị kia! Đứng lại!

Chị sợ quá, tim muốn ngừng đâp. Chị không sợ cho chị, mà sợ cho anh, không biết những tai vạ gì sắp đổ xuống đầu... Tên vệ binh vác súng chạy đến, quát tháo om xòm, dọa bắn chị nát óc, rồi đem chị giam trong chòm canh. Tên mang quân hàm bốn sao bảo chị nói láo không đúng sách, đi mua sách báo gì mà đi tới đi lui năm ba lượt, mắt láo liên ngó ngược ngó xuôi. Vì chị không thành thật khai báo, họ sẽ giam hai ba ngày chờ điều tra. Nghĩ đến con đang gởi bà chủ nhà, chị lo lắng, không biết ngưòi ta có tận tình coi sóc nó hay không. Chị bị giam trong chòi gác cho đến chiều, khi chuyến xe đò cuối cùng về thành phố đã rời bến. Họ thả chị ra lúc đó là cố tình trừng phạt chị. Không còn xe đò, chị long đong khốn khổ kiếm cách về nhà. Bà chủ nhà tốt bụng kiếm cho chị một người xe ôm, đi đường tắt ra ngoài lộ để cho đám vệ binh không nhìn thấy. Xe honda đi trong mương rẫy, hất hai mẹ con chị lên xuống liên tu bất tận trên những mỏm, những mô.

Hình phạt hôm đó không ngăn được lòng thương nhớ của chị dành cho anh. Chị và mấy người bạn thỉnh thoảng đón xe đò đi thăm chồng bằng những ánh mắt từ xa. Những đồng tiền lén lút bay qua hàng rào khi tên quản giáo không lẩn quẫn đâu đó. Mãi mười tháng sau ngày ra đi, anh mới được phép chính thức thăm nuôi. Chị gồng gánh xách mang đem thực phẩm đến giúp anh hồi sức. Những bao quà nặng trĩu anh không được ra nhận. Người ta cho đại diện ra lãnh đem vào để phân phối tới tay người tù. Anh đứng trong hiên xót xa nhìn vợ nhìn con. Bên ngoài chị lưng tròng nước mắt thấy anh ốm yếu gầy còm. Những chuyến đi thăm nuôi của chị kéo dài sáu năm cơ cực. Anh phải di chuyển liên tục, từ Bình Dương đi Kà Tum, Phước Long, Bù gia Mập rồi lại trở về Suối Máu Biên Hòa. Chị và con nối gót theo anh không biết mệt, cùng bạn bè ngủ tại bến xe chờ sắp hàng mua vé lúc hai, ba giờ khuya. Đến nơi còn phải băng rừng, vượt suối trên những chiếc xe thồ cọc cạch, những chuyện xe ôm lắc lư. Chuyện kể về những kẻ tán tận lương tâm giết hại những người vợ trẻ đi thăm chồng không làm chị nản lòng. Chị khấn Chúa cầu Phật cho chị tai qua nạn khỏi. Đấng trên cao động lòng trắc ẩn, đem lại chị những kẻ thiện tâm giầu lòng nhân đức, nên chị luôn luôn đi đến nơi về đến chốn bình an.

Những năm về sau, anh được phép ra nhận quà tận tay. Nhìn anh tả tơi chị nghe lòng mình nhói buốt. Hai vợ chồng trao nhau những tia nhìn đắm đuối nhưng chẳng dám động chạm tay chân trước những con mắt cú vọ xét nét. Phận con người bỗng thấp kém như nô lệ ngàn năm trước. Bao nhieu vất vả cơ cực chỉ đổi được nửa tiếng phù du bên nhau. Chị trở về thành phố tiếp tục ngược xuôi chợ đời, đánh đổi nhan sắc cho nắng mưa để kiếm những bữa ăn khoai nhiều gạo ít cho gia đình và cho những bao quà nặng tình nghĩa cho anh mỗi tháng. Mẹ cũng phải theo chị ra đường bán buôn. Hai người đàn bà, hai thế hệ một gánh nặng chia nhau. Nhiều đêm nhìn con say ngủ chị ước gì hai mẹ con được cùng nhau chắp cánh lên trời. Rũ bỏ mọi phiền muộn, mọi nhọc nhằn. Chị không nhìn thấy tương lai. Chỉ thấy bóng tối mịt mù. Không hy vọng, chẳng mong chờ. Xong ngày nào biết ngày đó. Nhưng chị cũng không có can đảm để chấm dứt tất cả. Sự sống trong nỗi chết vẫn còn một sợi giây vô tình ràng buộc không ai có thể tháo gỡ. Đó phải chăng là bản năng sinh tồn của con người.

Cuối cùng, anh cũng được trở về sau hai lần đổi tiền và bốn, năm lần chuyển trại. Mỗi lần đổi tiền, chị mất thêm một số vốn. Mỗi lần anh chuyển trại, chị già thêm ít tuổi. Vì lo âu sợ hãi những chuyện không may đã xảy đến cho anh.

Nhưng niềm vui đoàn tụ không ở lại với chị lâu hơn vài tháng. Chim đại bàng xổ lồng, sẵn sàng bay ra biển khơi tìm khung trời bao la rộng lớn. Chị hy sinh tìm cách cho chim chắp cánh vươn lên, hy vọng chim có đà về tha con đến tổ. Nhưng hình như số chị không được may mắn trọn vẹn. Bên trời mới thênh thanh, chim lạc đường mất dấu. Hình ảnh chị gầy gò, đen nhẽm vì mưa nắng làm anh không thích nhớ. Anh tìm vui bên người đàn bà mới trong thiên đường chị góp sức trao anh. Chị giận, nhưng cam chịu. Chẳng qua đó là cái số của chị. Ngày xưa lúc cưới chị, biết chị tuổi Ngọ, anh cười âu yếm, "Em là ngựa chứng, anh là nài giỏi". Ngựa chưa trở chứng mà nài đã xuống tay.

Đi xem bói giải sầu, bà thầy bói nói cung Di của chị có sao Thiên Mã, chém chết cũng phải xuất ngoại. Chị nghe vậy, dốc sức kiếm đường ra đi. Và chị ra đi trên mây, không bị biển khơi dây sóng vùi dập. Còn bao nhiêu vốn, chị để lại hết cho gia đình, ra đi với vài trăm đô dằn túi.

Anh đến tìm chị trơ tráo phân giải. Chị không níu kéo, không phiền hà. Chị bảo anh chị không mong anh trở lại, vì người ta giữ kẻ ở lại, không ai giữ kẻ ra đi. Chị hỏi anh, anh có biết câu ca dao, "Uổng công xúc tép nuôi cò. Cò ăn cho lớn cò dò cò đi" hay không. Anh nhăn mặt khó chịu thì chị cười, "Chuyện đời thường, và anh cũng thường như thế". Rồi chị mời anh ra khỏi nhà, và ra khỏi đời mẹ con chị từ đó.

Tình yêu từ biệt, chị không tiếc. Tiếc làm chi một mớ chỉ rối. Hận làm gì một kẻ lạt lòng. Chị trả thù anh bằng cách vươn mình đi lên. Lúc còn bên kia biển chị còn đủ sức lo cho mình, cho mọi ngưòi. Bây giớ chỉ còn chị và con. Chị tập làm single mom trong một thế giới hoàn toàn xa lạ. Chị vừa đi làm vừa đi học mong lấy được một college degree. Ban đêm chị host cho một nhà hàng sang trọng cạnh bờ biển. Nửa đêm đi xe bus về thấy con còn học, chong đèn chờ mẹ, âu lo. Hai mẹ con nương nhau, như cây leo bám rào, quấn quít từng ngày từng tháng. Chị dè xẻn chắt chiu, mua quần áo ở Ross, Marshall. Sắm mỹ phẩm ở Rite Aid, Walgreens. Thậm chí còn đi Goodwill mua đồ "lâm dố" mà xài. Hai, ba tháng chị ra cửa hàng dịch vụ đóng thùng gởi quà, gởi thuốc về cho gia đình. Mỗi chiếc áo là một hy sinh, mỗi viên thuốc là mỗi nhớ thương chị gởi về cho thân nhân. Trong đầu óc chị vẫn còn hình ảnh những bữa cơm đạm bạc bên quê nhà. Chị xót xa thương cha thiếu thốn, thương mẹ nắng sớm mưa chiều. Chị không trông mong gì ở các em. Xã hội đó không có chỗ cho con nhà ngụy quân ngụy quyền. Chợ trời chưa là nơi dung thân cho kẻ mới lớn nên chị cứ tiếp tục hà hơi, ngoảnh mắt quay lưng với những cửa hàng đầy hấp dẫn như Macy's, Norstrom, Bloomingdale... Chị nghèo áo quần nhưng chị giầu tình thương.

Rồi chị cũng ra trường. Ra trường trước con hai năm. Có việc làm mới, hai mẹ con dọn ra thuê nhà ở khu khá để ban đêm đi về không phải hồi hộp ngó trước nhìn sau, dù ngó trước nhìn sau là câu nhật tụng cho bất cứ địa danh nào.

Chị về thăm nhà lần đầu sau bảy năm chắt chiu. Những đồng tiền lúc đó còn có giá nên chị làm được nhiều việc tưởng không bao giờ dám nghĩ dám mong. Chị sửa nhà cửa, sắm đồ nội thất cho đẹp mắt mẹ cha. Mấy đứa em đã lập gia đình, chị cho mỗi người vài ngàn làm vốn. Vài ngàn lúc đó như vài chục ngàn bây giờ, nên ai cũng trầm trồ khen chị giỏi, chị giầu. Họ có biết đâu chị nhịn xài nhịn thèm để đem về cho họ niềm vui. Chị không than vãn kể công, nhưng cho họ biết đồng tiền bên Mỹ không như lá rụng cho mình đến hốt.

Trở về Mỹ chị lại ky ky cóp cóp, lại cắt coupons đi chợ mua đồ để dành mai mốt đem ra dịch vụ tiếp tế trường kỳ. Con có việc làm lương khá, hai mẹ con chung nhau mua nhà trả nợ 30 năm cho biết đá biết vàng. Đến lúc này, hàng gửi về VN đã xưa như chuyện cổ tích. Dịch vụ gởi tiền giao tại nhà đã thay thế những kiện hàng qua của khẩu Tân Sơn Nhất đóng thuế muốn trào đờm. Chị thấy sung sướng vì không phải khệ nệ vác khiêng, dù đâu đó có tiếng phê bình nọ nọ kia kia. Ai nói gì chị cũng biết, nhưng cha mẹ gia đình mình ai lo nếu mình không rót tiền về tiếp tế. Đôi khi cái khó nó bó cái khôn, biết việc mình làm không là việc khôn việc khéo, nhưng sơ già néo thì đứt giây gia đình.

Những dịp Noel hay tết, chị gởi thiệp về chúc tết gia đình, kèm theo những đồng tiền để mua áo quần, kẹo mứt. Người nhận cứ vô tư nhận mà chẳng hề nghĩ đến chuyện cám ơn. Làm như những đồng tiền, những thùng quà chị gởi là một bổn phận tất nhiên họ không cần thắc mắc chuyện nghĩa ân. Họ chỉ cần trích ra một đô, mấy phút ra bưu điện để tỏ một chút tình mà không ai làm được. Nhiều khi chị tủi thân và ngại ngùng với con cái, nhưng tủi hay ngại cũng chẳng làm chị ngưng làm kẻ yêu một chiều và cho không biết tiếc…

Chị ngán những chuyến bay dài mệt mỏi mỗi lúc trở về, nhưng cha mẹ nay đã già yếu, ra vào bệnh viện như người ta đi chợ. Nên cứ hai ba năm chị lại đóng hành lý ra phi trường về nhà thăm cha me. Mẹ cha còn đó mà không thăm thì khi vắng bóng còn mong nỗi gì. Cho nên chị cứ chăm chỉ bòn mót từng đồng và tiếp tục những chuyến bay dài đăng đẳng.

Những lần trở về gần đây, chị nghiệm ra rằng tình thương em út cho chị đã có nhiều hờ hững. Mấy trăm bạc chị cho chẳng nhằm nhò gì so với thời mở cửa bây giờ. Vài đứa có công ăn việc làm, áp phe áp phúng rộn ràng nhà cửa. Đi xe gắn máy xịn, mang biển số đặc biệt đóng niên liễm cả mấy triệu để giưt le. Con cái đi giầy Nike thứ thiệt cả trăm đô, trong khi mẹ con chị bên Mỹ co ro cúm rúm mua hàng on-sale, final sale không thể sale hơn. Đồng tiền chị cho trở nên mất giá, và giá trị của chị giảm theo tỉ lệ ngược lạm phát.

Biết người biết ta, chị chỉ xin cho quà các cháu, chẳng dám giúp cha mẹ chúng nó. Ngày đầu chị về còn em nọ cháu kia. Mấy ngày sau chỉ có cha mẹ và chị hủ hỉ chuyện trò, thỉnh thoảng mới có một hai đứa ghé ngang hỏi nọ hỏi kia cho có lệ. Mẹ bảo chị, "từ nay con lo cho cha mẹ thôi, chứ chúng nó lớn cả rồi, để cho chúng nó tự lo đi ". Hôm chị ra phi trường về Mỹ, có mấy đứa chẳng ghé chào. Chào mà làm gì, tiền thì đã cho rồi, mà cho thì cũng chả đáng là bao.

Chị dặn mẹ, "Tiền con đưa, mẹ cất kỹ phòng lúc đau ốm mà con không về kịp. Xài đến đâu, mẹ đổi ra tiền Việt đến đó, đừng gởi ngân hàng kẻo đang lạm phát, lời lãi không bõ".

Mấy tháng sau, mẹ gọi sang, than thở với chị rằng vợ chồng con Tư mượn tiền mẹ làm vốn buôn bán. Ai ngờ nó mượn tiền cá độ bóng đá, thua sạch sành sanh, bây giờ không có tiền trả. Mẹ hối vợ chồng nó trả bớt cho mẹ xài, thì tụi nó giận lẫy, tết nhất cũng không thấy mặt thằng chồng vô chúc tuổi. Chỉ có con vợ mua cho mẹ vài tấm bánh chưng tỏn mỏn cho có lệ. Tiền của mẹ thì vợ chồng nó không chịu trả, mà cứ lo trả tiền bài bạc cho thằng con lớn. Thằng đó ra đường ăn xài như con nhà đại gia, bán cả Honda, cầm cả đồng hồ. Rồi cho "xã hội đen" giả tới đòi tiền cha mẹ! Bó tay!

Chị gọi cậu Năm hỏi đầu đuôi tự sự, mới vỡ lẽ là ai cũng chí véo vô tiền chị cho mẹ. Đứa vài ngàn đô, đứa năm bảy trăm. Bây giờ mẹ còn cái bóp trống rỗng, tháng nào cũng trông chị gởi tiền về làm lẽ sống. Chị thở dài ngao ngán. Phải chi có năm bảy gia đình bên này gởi về chu cấp cho một hai gia đình bên đó thì nhẹ thở biết mấy. Đằng này, chỉ có chị, cong lưng mà kéo. Chị buồn lắm, nhưng lại tự an ủi, cái số mình nó vậy. Trời cho mình sanh nhằm năm con ngưa. Ngựa thì phải kéo xe. Chị tự nhủ lòng, khi nào cha qui tiên mẹ bái tổ thì chị sẽ cho ngựa nghỉ, làm một chuyến du lịch dài ngày cho biết đó biết đây.

Bỗng từ ngoài phòng khách, chị nghe tiếng gọi thánh thót của đứa cháu gái, "Grandma, con muốn grandma ra làm ngựa cho con cỡi!"

Chị mỉm cười. Đúng là chạy trời không khỏi nắng!

Huyền Thoại Thịnh Hương

Ý kiến bạn đọc
07/03/201422:57:20
Khách
Bài viết nói lên sự thật phủ phàng mà đa số người Việt ở hải ngoại ngày nay đều ít nhiều vướng phải. Cám ơn tác giả đã chia sẽ cùng mọi người.
24/02/201408:00:00
Khách
Bài viết rất hay, mạch lạc và rõ ràng về những gì đang xảy ra tại Việt Nam, tình người nhạt dần theo quà cáp,tiền bạc....cám ơn tác giả.
24/02/201408:00:00
Khách
Bài viết hay lắm!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,290,508
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018. Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2008.
Ông Hai nhâm nhi ly trà sâm Đại Hàn, mùi sâm thơm thơm, vị đăng đắng, hơi ngòn ngọt, màu nâu cánh dán.
Chó là một động vật rất gần gũi với con người và có ích trong nhiều lãnh vực như trông và giữ nhà, dẫn đường cho người tàn tật hay khiếm thị
Không biết từ ngữ “Ăn Tết” có từ lúc nào. Nhưng khi nói về tết với đầy đủ ý nghĩa của nó người ta dùng từ Ăn Tết.
Không biết từ khi nào tôi bận tâm về cái việc xuất hành đầu năm! Hồi còn ở quê nhà thì khỏi nói, chuyện xuất hành, hái lộc đâu phải là phần vụ của lũ con nít chúng tôi.
Tết sắp tới rồi! Một câu nói thật ngắn gọn, thật đơn giản, vậy mà sao tôi cứ nghe nao nao, cho dù tuổi đời đã gần đến cái gọi là cổ lại hy!
Vặn tay cầm, thấy không khóa, thím Sáu bèn đẩy cửa bước vô. Đèn đuốc trong nhà sáng rực, nhưng không thấy có người. Nghe tiếng động trong phòng tắm
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia. Bài mới của cô là chuyện vui gia đình và bạn đọc Viết Về Nước Mỹ cuối năm.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018, hiện đang phát hành khắp nơi. Đây là tự sự của một tôn nữ thời đổi đời: Làm tài xế Taxi tại Huế. Định cư, kết hôn với người Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến