Hôm nay,  

Có Những Mùa Xuân

31/01/201400:00:00(Xem: 15482)
Tác giả: Minh Nghĩa
Bài số 4129-14-29539vb6013114


Chúc Mừng Năm Mới, mùng Một Tết Giáp Ngọ, Viết Về Nước Mỹ năm thứ 15 trân trọng mời đọc bài viết cảm động về hoa mai và mùa xuân từ một gia đình H.O. Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO.; Hiện sống tại thành phố Tacoma, làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp, đồng thời cũng là một cô giáo thiện nguyện dạy Việt ngữ ở địa phương. Tham dự Viết về nước Mỹ từ đầu 2013, Minh Nghĩa đã góp 6 bài viết, cho thấy một tấm lòng đôn hậu. Bài mới nhất, bài thứ bẩy, chuyện về cành mai của một gia đình H.O., được dành cho ngày Nguyên Đán Tết Giáp Ngọ 2014.

* * *

Những ngày Tết xưa ba chở tôi đến vườn mai ở Thủ Đức, ngắm thật lâu đi tới đi lui ba lần bảy lượt mới chọn được một cành mai ưng ý. Hí hửng hai cha con chở nhau về. Ngồi phía sau, một tay tôi níu lấy yên xe còn một tay thì ôm chặt cành mai. Mỏi tay quá tôi phải để tựa vào đùi của mình để giữ cho nhành mai không bị rớt xuống đất.

Về đến nhà cánh tay tê cứng nhưng mà vui. Ba vừa dắt xe vào sân thì tôi cũng vội vàng khiêng cành mai xuống nhà bếp. Ba thui gốc mai để giữ nhựa và để vi khuẩn không làm thối cành mai. Sau khi cho một viên Aspirin vào hòa với nước trong cái bình lớn làm bằng đất nung có vẽ hình mai lan cúc trúc màu xanh, ba cắm cành mai vào bình. Ba xoay đi xoay lại ngắm nghía để chọn phía nào đó mà ba có thể bày được vẻ đẹp của cành mai.

Có năm đã gần đến Tết rồi mà thiệp xuân ba nhận vẫn chưa đủ. Nhắm mắt lại tôi cũng có thể đoán được là ba sẽ nhận được bao nhiêu tấm thiệp xuân vì hằng năm tôi là đứa giúp ba viết thiệp gởi đi cho bà con và bạn bè của ba. Còn nhỏ nhưng tôi cũng biết suy luận, tôi tính nhẩm trong đầu cứ gởi một tấm thiệp đi thì ba tôi sẽ nhận lại một tấm thiệp. Tôi ngóng người phát thư rồi chạy ào ra cửa nhận những cánh thiệp xuân từ khắp nơi gởi đến cho ba. Tôi nôn nao chờ ba về để được mở những tấm thiệp, treo lên nhành mai mà ba đã chuẩn bị từ những ngày cuối tháng Chạp.

Còn hai ba ngày nữa là đến Tết, ba trông đợi những nụ hoa đầu tiên hé nở. Thấy mai nở chậm, ba nấu một nồi nước ấm để thay bình nước cũ thúc cho mai mau nở kịp đón nàng xuân. Đi tới đi lui, ba tủm tỉm cười ngắm những cánh hoa màu vàng ươm khoe sắc trên cành. Khi gia đình tôi dọn lên Sài Gòn, mỗi năm gần Tết ba vẫn chở tôi xuống vườn mai Thủ Đức để mua chứ không mua hoa mai bày bán ngoài chợ.

Vận nước đổi thay, những mùa xuân hạnh phúc của tôi ra đi để lại nhiều nuối tiếc khôn cùng. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng như bao sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, ba bị đưa đến những nơi hoang vu chướng khí ròng rã bao năm trời. Những ngày Tết vắng ba, mùa xuân lặng lẽ đến với mấy mạ con tôi. Chật vật với cuộc sống khiến mạ không còn thiết tha gì tới ba ngày Tết. Căn nhà bám đầy khói củi đước đã bao mùa xuân rồi vẫn chưa được quét một lớp vôi mới, bốn bức tường phủ một màu xám buồn!

Ra trường tôi đi làm cho một công ty cây kiểng ở Sài Gòn. Vào những ngày cuối tháng Chạp tôi cùng với Thu Thủy, một cô bạn thân làm chung với tôi, đi đến các nhà vườn ở Thủ Đức mua mai và cây kiểng về bày bán ở chợ hoa Nguyễn Huệ. Nhìn những cụm mai vàng đang hé nở trong những ngày cuối năm, lòng bồi hồi tôi nhớ ba tôi, nhớ những ngày Tết xưa ba chở tôi trên chếc xe Mobylette đi đến những khu vườn trồng mai.

Thời gian lặng lẽ trôi, sau nhiều năm đi tù ở trại tập trung Cao Bằng - Lạng Sơn ba tôi được trở về nhà. Lúc ấy gia đình tôi mòn mỏi đợi chờ và không biết bao lần chúng tôi đã hy vọng ba sẽ được trả tự do, được về sống với vợ con như những lá thư ba đã viết và gởi về cho mạ con tôi. Khi chúng tôi tưởng chừng như tuyệt vọng vì chờ mong thì ba lại được tha về. Khuya đó, khuya 29 Tết, cả nhà đã đi ngủ bỗng có tiếng đập mạnh vào khung cửa rào và có tiếng người la to:

- Bà Nhơn ơi! Bà Nhơn …

Mấy con chó đang ngủ nghe tiếng động sủa vang làm cả nhà giật mình hoảng sợ. Tôi nhảy vội xuống giường, vén tấm màn cửa nhìn ra ngoài hiên. Dưới ánh đèn đường hiu hắt chiếu xuyên qua cành mận có hai bóng người đang đứng trước cửa rào. Khi chị em tôi mở cửa bước ra sân thì tiếng người hàng xóm như reo lên:

- Bà ơi, ông về rồi nè!

Vừa nói chú ấy vừa đẩy một người sát tới cửa rào. Tay nắm cánh cửa, người này cất tiếng gọi tôi:

- Hà ơi, ba về rồi nè!

Trời ơi! Giọng nói của ba tôi! Tôi la lên:

- Mạ ơi! Ba về rồi!

Bàng hoàng như đang nằm mơ, mạ cuống quýt hối em tôi chạy vào nhà lấy chìa khóa mở cửa rào. Ba bước vào sân cùng với chú hàng xóm. Niềm vui đột ngột làm mọi người sững sờ chết lặng nhìn nhau. Rồi niềm vui vỡ ra hòa với nước mắt, cha con vợ chồng ôm chầm lấy nhau.

Ba trông ốm yếu xanh xao trong bộ quần áo sờn cũ màu rêu đậm, đầu đội cái nón vải, tay xách một cái giỏ đệm nhỏ làm bằng lác. Nhìn ba tiều tụy, tôi không cầm được nước mắt. Khi tôi càng cố kìm giữ thì nước mắt không biết từ đâu lại cứ tuôn ra. Thấy mấy chị em tôi khóc thút thít, ba nén xúc động nói:

- Ba về rồi, sao không mừng mà khóc vậy?

Khuya đó cả nhà tôi thức cho tới sáng để nghe ba kể chuyện. Chú hàng xóm chạy vào xóm trong, báo cho người quen biết tin ba tôi được tha về nên hàng xóm kéo tới nhà tôi để thăm ba. Họ muốn chung vui với gia đình tôi và họ cũng muốn đến để xem ba tôi như thế nào, sau một thời gian đi tù ở biên giới miền Bắc.

Ba kể lại ba chỉ được cho biết là mình được tha về trước đó vài giờ để thu xếp hành lý. Nói là hành lý chứ thật ra chỉ có hai bộ quần áo cũ, một ống điếu thuốc lào cùng với xấp thư mà tôi và mạ đã gởi cho ba lúc ba đang ở trong trại tập trung. Họ cho ba hai chục đồng để thuê xe về nhà và một ít lương khô ăn dọc đường. Họ chở ba ra trạm xe lửa, mua vé cho ba về Bình Triệu. Đến đó, ba mới dùng tiền của họ cho để thuê xe ôm về nhà.

Tới đầu ngõ khu gia binh Đào Bá Phước, tên của vị chỉ huy binh chủng Biệt Động Quân đã hy sinh trong trận chiến Tết Mậu Thân năm 1968 tại Chợ Lớn, nơi gia đình tôi đang ở, ba xuống xe đi bộ vào. Trời tối, tâm trạng nôn nao cộng thêm cây trứng cá to ở trong sân nhà đã bị đốn bỏ nên ba không nhớ ra được căn nhà của mình ngày nào. Ba đi thẳng lên xóm trên. May nhờ chú lính cùng đơn vị của ba tôi ngày trước đạp xích lô trên đường về nhà, gặp ba đang đứng tần ngần trong đêm tối. Chú ấy đã nhận ra người sếp cũ của mình và dắt ba tôi về lại căn nhà của ba.

Tết năm đó là một cái Tết hạnh phúc nhất của gia đình tôi. Có ba, ngôi nhà của chúng tôi trở nên ấm áp hơn bao giờ hết và mạ con tôi không còn có cái cảm giác bơ vơ lo lắng như đã trải qua trong thời gian vắng ba. Những cái Tết có ba tôi không khí gia đình trở nên ấm cúng hơn dù chúng tôi không có những nhành mai, không có những phong pháo để đốt trong đêm Giao Thừa nhưng rõ ràng là mùa xuân đã hiện hữu trong lòng chúng tôi.

Vào những năm sau đó chú Vĩnh Bồng, một người hàng xóm, có em là Việt kiều ở Canada về thăm nhà ăn Tết. Ông mua cho chú Bồng một chậu hoa mai thật to, thật đẹp với những bông hoa mai có nhiều cánh. Chiều chiều tôi cố ý đi ngang qua nhà chú ấy để ngắm nhìn chậu mai. Tối Mùng Một ba đi chúc Tết, về nhà cứ trầm trồ khen nức khen nở chậu mai giảo Thủ Đức, mà mỗi bông hoa có tới mười hay mười hai cánh của nhà chú Bồng.


Lúc đó đồng lương ba đồng ba cọc của tôi không đủ cho tôi ăn sáng đi làm nhưng mà tôi cũng mơ ước, ước gì tôi có nhiều tiền để mua cho ba một chậu mai vàng. Nhưng vào thời ấy những chậu mai đẹp, những nhành mai xinh là một cái gì đó thật xa xỉ đối với cuộc sống của chúng tôi nên ba không dám nghĩ đến. Ba chỉ muốn tôi mua cho ba một cặp cúc hoặc cặp thược dược với giá rẻ, được bán đổ bán tháo trưa Ba Mươi Tết để những người bán hàng hoa dọn hàng về nhà chuẩn bị cúng ông bà. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã mang lại cho chúng tôi một không khí Tết trong đoàn tụ và hạnh phúc.

Mười hai năm sau gia đình tôi được đi Mỹ. Mạ con dắt dìu nhau đi mang hũ tro cốt của ba theo cùng. Đến đây vào những ngày đông lạnh lẽo vậy mà khi xuân đến vạn vật như trỗi mình thức dậy sau một giấc ngủ dài. Cây cối trơ cành bỗng đâm chồi nẩy lộc, hoa cỏ đua nhau nở. Khi nhìn hoa nở khắp nơi, một chú HO hàng xóm nói:

- Thiệt là cái xứ “Hoa Kỳ”, đi đâu cũng thấy toàn là hoa với hoa.

Mùa xuân đầu tiên trên quê hương thứ hai đã để lại trong tim tôi một cảm xúc đặc biệt vì đó là lần tôi được đi dự lễ Tết của Cộng Đồng Việt Nam ở Tacoma. Bước vào hội trường tôi thật xúc động khi nhìn thấy lại lá cờ vàng ba sọc đỏ sau gần 20 năm, kể từ ngày đất nước bị thay đổi, người Việt bỏ nước ra đi. Từ những ngày chập chững đến trường cho đến khi tốt nghiệp trung học, bao nhiêu là ngày, bao nhiêu là tháng, bao nhiêu là năm cứ mỗi sáng thứ Hai và mỗi chiều thứ Sáu tôi đứng nghiêm trước kỳ đài hát vang bài quốc ca cùng thầy cô và bạn bè. Hình ảnh lá cờ vàng và âm điệu của bản quốc ca đã in sâu vào trong tim tôi, đã tạo một dấu ấn không bao giờ phai trong lòng tôi.

Đầu buổi lễ là nghi thức chào cờ và hát quốc ca. Khi nhịp điệu quen thuộc trỗi lên, từ trong tiềm thức môi tôi bật lên tiếng hát “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống....” Lời ca quen thuộc cất lên một cách thật tự nhiên nhưng sao lòng tôi nghe rưng rưng và tim tôi thắt lại. Tôi cố giữ nhịp thở để hát nhưng sao giọng của tôi cứ run run và đôi lần như bị lạc đi bởi nước mắt. Thật lòng tôi không biết làm sao để có thể diễn tả hết cảm xúc của mình khi nhìn thấy lại lá cờ vàng và được hát lại bài Quốc Ca Việt Nam từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Những mùa xuân kế tiếp, vào những ngày Tết các em tôi và nhóm bạn Vovinam ở đây đã múa lân và biểu diễn võ thuật cho Cộng Đồng Việt Nam và cho trường học của các em. Không biết múa lân, chẳng biết biểu diễn võ thuật nhưng lúc nào tôi cũng xăng xái đi theo hỗ trợ tinh thần, khi thì xách nước uống, khi thì ngồi giữ áo quần đồ đạc cho các em … Theo đoàn múa lân của các em võ sinh Vovinam để được nghe tiếng pháo vang rền, để được hít vào lồng ngực mùi thơm của pháo đã cho tôi có được những ngày Tết thật đậm đà ý nghĩa ở nơi này. Nhìn các bác, các chú, các anh tham gia hội Tết, lòng tôi se buồn khi nhớ đến ba tôi. Nếu ba còn sống, chắc chắc những ngày này không thể nào thiếu mặt ba tôi.

Sau nhiều năm sống trong khu housing Shalisan, đi học rồi đi làm chị em tôi dành dụm tiền mua chung một căn nhà nhỏ để mạ con ở với nhau. Cái Tết đầu tiên trong ngôi nhà mới, tôi có một cành đào thật được kết chung với những cánh hoa mai bằng vải. Đó là món quà tặng của một gia đình quen thân với tôi khi chúng tôi là hàng xóm của nhau. Từ lúc chính phủ giải tỏa các dãy nhà trong khu “housing” cũ để xây lại khu nhà mới, đẹp và tiện nghi hơn thì chị em tôi cũng từ giã khu “housing” này. Khi các dãy nhà mới hoàn tất, gia đình bác ấy được dọn vào một căn nhà sạch sẽ khang trang. Những ngày gần Tết đến thăm nhà mới của bác, tôi thật là thích khi nhìn những cành đào đang hé những nụ hoa nhỏ màu hồng phơn phớt lẫn với những cánh mai vàng. Bác khoe với tôi là bác đi nhặt những cành đào quanh nhà mà các nhân viên “housing” đã tỉa thưa để tránh gãy đổ trong mùa mưa bão. Dù trời lạnh bác vẫn cố đem các cành cây về nhà, cắm vào thùng nước rồi cùng với cô con gái gắn thêm mấy cánh hoa mai vàng cho có vẻ Tết. Thấy tôi tấm tắc khen, bác cho tôi được chọn một cành mang về chưng trong mấy ngày xuân

Sau nhiều lần cầu nguyện, cám ơn đời đã cho tôi có thêm một cái Tết thật đặc biệt. Hai năm trước, chiều 30 Tết cả nhà tôi tất bật ra phi trường đón gia đình chị tôi từ Việt Nam qua. Khi được tin gia đình anh chị xong phần phỏng vấn, chúng tôi hối thúc anh chị sắp xếp đi cho lẹ chừng nào tốt chừng ấy. Lấy chuyến bay rời Việt Nam chiều 30 Tết, anh chị để lại đứa con trai lớn ở lại quê nhà. Nôn nóng muốn gia đình anh chị qua sớm nhưng lòng tôi se thắt lại khi nghĩ đến đứa cháu thui thủi một mình trong ngày cuối năm. Tết là dịp đoàn tụ gia đình vậy mà cháu tôi lại cô đơn một mình! Lòng tôi sao cứ không yên dù có một chút nào đó vui mừng khi mình đã bảo lãnh được gia đình anh chị sang đây. Hai mươi năm trước khi chúng tôi rời bỏ quê hương ra đi, chị tôi và gia đình nhỏ của chị ở lại Việt Nam. Đôi mắt đỏ hoe, chị bế cô con gái út chưa đầy một năm tuổi đứng trước sân, không dám vào nhà gặp mạ và các em vì sợ cảnh chia ly. Khi xe từ từ lăn bánh tôi cố quay đầu nhìn lại căn nhà của mình, bất chợt ánh mắt tôi chạm phải đôi mắt ướt đẫm của chị. Hình ảnh chị bế con đứng nhìn theo đã làm lòng tôi chùn lại, trăn trở không biết bao nhiêu năm trời!

Năm nay dưới mái nhà này, gia đình chị ăn thêm một cái Tết với chúng tôi để rồi cả nhà sẽ dọn ra ở riêng. Anh chị thuê một căn nhà hai phòng ở khu chung cư gần nhà tôi để tiện việc thăm viếng mạ. Tưởng tượng lúc gia đình chị rời khỏi ngôi nhà của mình, lòng tôi nao nao buồn. Tấm lòng thì rộng mở nhưng căn nhà của mạ con tôi lại bé nhỏ chật chội, anh chị cần một không gian riêng tư để nghỉ ngơi sau những giờ làm việc vất vả và hai cháu gái của tôi cũng cần một góc nhỏ yên tỉnh để học hành. Cuối tuần đi lễ, tôi quỳ trước Mẹ Maria cầu xin cho gia đình chị được bình an sức khỏe, công việc được ổn định để một ngày nào đó anh chị lãnh đứa con trai còn sót lại ở quê nhà sang cùng với anh chị. Lúc đó hai chữ “đoàn tụ” mới thực sự đúng nghĩa với gia đình tôi. Nhớ ngày nào cả nhà chị qua đây gặp cơn bão tuyết, cái Tết đầu tiên ở nước Mỹ tuy ấm lòng vì tình cảm của mạ của em nhưng chị vẫn co ro vì lạnh và nước mắt vẫn chảy dài trên má vì nhớ con.

Năm nay dường như mùa xuân đến sớm, ngoài kia vẫn còn một màu xám nhạt và hơi lành lạnh nhưng cây đào trong sân nhà tôi búp non đang đâm chồi. Trời đất đang chuyển mình, cây cỏ dường như cũng đang đón chờ xuân đến và chính tôi cũng đang chuẩn bị đón xuân. Từ đó tôi nghiệm ra một điều, dẫu có bận rộn hay buồn phiền đến đâu chăng nữa nhưng khi xuân đến người ta vẫn hoan hỉ đón mừng. Dù cho lòng mình có vui hay buồn thì xuân vẫn cứ đến theo quy luật tự nhiên của vũ trụ, một năm vẫn có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông.

Riêng phần tôi, nhìn lại những mùa xuân đi qua trong đời mình, tôi đã may mắn có được những mùa xuân hạnh phúc thuở còn thơ. Tôi cũng đã trải qua những mùa xuân nhọc nhằn khi khôn lớn, và cũng đang có những mùa xuân tươi mới trên đất nước này, mặc dầu hiện tại vẫn còn đầy ắp nhiều nỗi lo toan.

Minh Nghĩa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,277,985
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến