Hôm nay,  

Một Ngày Về Quê, Đi Chợ Tết

28/01/201400:00:00(Xem: 19694)
Tác giả: Giang Thiên Tường
Bài số 4126-14-29536vb3012814


Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012). Tác giả hiện là cư dân Sacramento, Cali, tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 5, 2011 và đã nhận Giải Đặc Biệt 2013 với bài viết “Chung Một Mảnh Vườn.”. Bài viết mới của ông là chuyện cuối năm của một nữ Phật tử đã Mỹ hoá, thình lình thấy mình về quê, đi chợ Tết ngay trên đất Mỹ.

* * *

Tại West Sacramento, vùng ngoại ô phía tây của thủ phủ Cali có một ngôi chùa nhỏ của Sri Lanca, nhỏ và đơn sơ đến độ không có bảng tên chùa và địa chỉ. Khách vãng lai nào mà thường hay chuẩn bị xem đường đi nước bước trước cũng chỉ biết theo con đường lớn là West Capitol, đến một hương lộ cắt ngang thì rẽ vào chừng vài blocks là gặp chùa.

Sau khi qua hàng rào xiêu vẹo phía trước, khách viếng chỉ thấy có hai căn nhà ở mặt tiền: bên phải dành cho các sư ở, bên trái cho việc tụng niệm và tập thiền. Đi sâu vào trong là một mảnh đất trống còn lởm chởm đá nhỏ dùng làm chỗ đậu xe hoặc dành cho các lễ lớn ngoài trời.

Mỗi sáng chủ nhật, chùa có tổ chức một bụổi thuyết giảng kinh Phật và tập thiền do sư cả Sanhitha hướng dẫn. Đặc biệt sáng nay có một sư trẻ đến dự tên là Janu. Hầu hết các tín đồ của chùa cũng như những người đến dự buổi thuyết giảng là người Sri Lanca hay Ấn Độ, họ nói tiếng Anh rất giỏi và sư cả cũng giảng bằng tiếng Anh. Trong số các người ngoại quốc da ngâm đen và khá cao lớn này có một tín đồ rất đặc biệt: nhỏ người, đầu đen, da vàng vì nàng là người Việt chính cống, tên là Hằng Miller, chồng nàng là người Mỹ, đã qua đời khoảng bốn năm nay vì bệnh ung thư.

Nhà của Hằng Miller ở phía bắc của thành phố, không gần chùa này, nhưng tại sao nàng lại phải tìm đến một nơi xa xôi hẻo lánh trong "hóc bà tó" này, chung quanh toàn là người ngoại quốc xa lạ?

Có thể nơi đây ít người, khung cảnh yên tĩnh, giúp tâm hồn thanh thản hơn các chùa Việt Nam chăng? Cũng phần nào đúng. Nhưng về phương diện ngôn ngữ có thể đúng hơn: qua Mỹ thật sớm, được học các trường Mỹ, rồi tốt nghiệp bằng cao học Anh văn, từng làm phụ giảng về Anh ngữ cho các sinh viên đại học, rồi lấy chồng Mỹ thì tiếng Anh nàng phải rất thông thạo và hầu như tiếng Việt đối với nàng đã trở thành thứ yếu.

Hằng tiếp tục sống ở căn nhà của người chồng quá cố để lại, khá xa khu Việt Nam, nên ít có dịp tiếp xúc và tham dự các sinh hoạt của người Việt như chợ búa, nhà hàng, giải trí, báo chí Việt, do đó mất cơ hội quí báu được nói, đọc và viết tiếng Việt

Buổi thuyết giảng và tập thiền vừa chấm dứt thì Hằng cùng các tín đồ khác đến vái chào sư cả để cám ơn và từ giả như thường lệ. Nhưng lần này, sư cả mời Hằng ở nán lại, có vẻ như có chuyện gì cần.

Sư cả từ tốn nói:

- Xứ Sri Landa của chúng tôi là xứ sở có truyền thống Phật giáo mà hơn 70% dân số theo đạo Phật. Nhiệm vụ của tôi là truyền bá đạo Phật trên khắp thế giới. Riêng tại thành phố này, chúng tôi đã quyên góp và cất được một chùa nhỏ nữa ở miền nam và cử sư Janu để trụ trì và lo Phật vụ ở đó. Sư cả liền giới thiệu sư Janu đứng gần đó cho Hằng.

Hằng vái chào sư Janu, một sư trẻ, gương mặt hiền hậu, nhưng đầy vẻ thông minh và nhiệt tâm.

- Sau khi chùa mới ở South Sacramento bắt đầu hoạt động được vài tháng nay, sư cả nói tiếp, có một số người Việt ở gần đó tới lui, càng ngày càng đông, nhưng đa số họ không thông thạo Anh ngữ nên việc giao tiếp với họ khá khó khăn. Những ngày sắp tới sẽ có những lễ lớn như Tết Việt Nam, lễ Phật Đãn, nên tín hữu người Việt có thể tới đông hơn nữa. Do đó, tôi không biết cô có thể để chút ít thì giờ để giúp sư Janu học một số tiếng Việt căn bản cho sự giao thiệp với người Việt không?

Vừa nghe xong những tiếng cuối cùng của sư cả Sanhitha về dạy tiếng Việt, Hằng bỗng nghe bối rối và có phần bất mãn nữa. Hằng lẩm bẩm trong lòng: "Ai đời lại nhờ một người không rành tiếng Việt để dạy tiếng Việt, hay là mấy ông sư này kiếm chuyện này nọ...?"

Hằng đưa mắt liếc nhìn hai sư: "Không, hai sư vẫn nghiêm trang, không có vẻ đùa giỡn và đang trầm ngâm chờ đợi câu trả lời.

Hằng ấp úng:

- Dạ, con cũng biết vài người Việt khác có thể giúp việc này...

- Nhưng cô là người thích hợp nhất, sư cả ngắt lời Hằng, vì cô là người có học thức, lại có kinh nghiệm sư phạm.

Hằng biết không sao giải thích cho các sư biết mình không thông thạo Việt Ngữ mà không khỏi bị mất danh dự hoặc hiểu lầm, nên đành miễn cưỡng nhận lời:

- Dạ, để con thu xếp giờ giấc xong sẽ cho sư Janu hay.

Hằng hẹn sư khoảng hai tuần sau, thời gian không quá lâu để các sư phải chờ đợi và cũng tạm đủ để nàng có thì giờ chuẩn bị tài liệu và tinh thần.

Về nhà, Hằng miên man suy nghĩ đến việc các sư nhờ dạy tiếng Việt, tính tới tính lui mà cũng không biết cách nào để chạy thoát nợ đời! Chỗ khó là hoàn cảnh học vấn và gia cảnh đặc biệt khiến nàng không thể thông thạo được cả hai tiếng Anh và Việt cùng một lúc, nhất là khi nàng đã không cố tâm duy trì cho chính mình di sản quí giá về ngôn ngử và văn hóa của quê hương. Do đó dù đã ngoài năm mươi mà Hằng không còn viết và đọc được nhiều tiếng Việt, nói chi phải dạy cho người nước ngoài.

Nhà Hằng và gia đình cũng rất mộ đạo Phật, đã chọn chùa Sri Landa để tới lui cúng kiếng và nghe giảng kinh bằng tiếng Anh thì làm sao nỡ từ chối yêu cầu đơn giản là giúp các sư biết qua tiếng Việt?

Sau cùng một tia sáng lóe lên. Hằng chụp vội điện thoại gọi anh Hưng, người bạn học nhạc từ lâu tại đại học cộng đồng, nhưng thỉnh thoảng mới có dịp liên lạc vì Hưng đã dấn thân vào văn chương và cộng đồng Việt Nam khá nhiều.

Đầu dây kia Hưng đã nhận ra Hằng.

- À, chào cô nhạc sĩ, lâu quá, khỏe không? Sao, dạo này em đã viết được tình ca lãng mạn nào không?

Hằng dẫy nẩy:

- Cám ơn anh, nhưng đời em nào biết sáng tác, còn chữ lãng mạn là gì, sao anh hay dùng chữ khó quá. Em vẫn tiếp tục đàn piano cho ban nhạc ở trường, còn các bài ca tiếng Việt thì chịu thôi vì em đâu có rành tiếng Việt.

- Thì em đang nói tiếng gì đó? Hưng bắt chẹt.

- Em nói được tiếng Việt, nhưng không biết đọc và viết! Hằng trả lời có hơi do dự, xấu hổ. À này, anh còn nhớ chùa Sri Lanca không, năm trước anh có đến dự lễ dâng y đó. Nay họ nhờ em dạy tiếng Việt cho sư trụ trì vì có nhiều người Việt đến chùa. Thế mới trớ trêu không? Anh có thể thay em dạy sư không?

Hưng tỏ vẻ xúc động:

- Thật là quí khi có người ngoại quốc muốn học tiếng Việt. Nhưng đáng lẽ em phải hãnh diện hơn về điều này và lợi dụng dịp này luyện lại Việt ngữ chứ!

- Tại sao phải luyện lại Việt ngữ, Hằng bồn chồn hỏi.

- Chớ còn gì nữa, Hưng gằn giọng trả lời, người Việt phải biết tiếng Việt.

Hằng vẫn không nao núng:

- Anh biết không, từ lúc qua Mỹ đến giờ em làm sở Mỹ, về nhà có ông xã Mỹ, có bao giờ phải giao dịch với người Việt hay viết một câu tiếng Việt. Cả nhà em cũng vậy, không ai rành tiếng Việt. Các cháu con ông anh không hề nói một chút tiếng Việt, cả khi ở nhà với cha mẹ cũng nói tiếng Anh, nhờ vậy mà giọng chúng hệt như Mỹ.

Hưng mỉa mai nói:

- Gia đình em vọng ngoại quá nhỉ?

_Vọng ngoại là gi? Khó hiểu quá, Hằng bực tức hỏi

Hưng bỗng giận hơn, tuôn ra một tràng cho bõ ghét:

- Vì vọng ngoại quá nên trở thành vong bản đó!

- Hả, cái gì? Hằng tò mò hỏi, vong bản là gì?

Hưng thấy mình hơi quá đáng, dịu giọng trở lại, ôn tồn nói:

- Tiếng Việt rất phức tạp, em phải hiểu một số danh từ Hán Việt mới hiểu chuyện này. Em có nghe nói trường dạy Việt ngử của thành phố mình đã xây cất xong và vừa được khai trương? Trường này khá lớn và khang trang, lại ở vùng phía nam, gần người Việt ở, do đó tiện các cha mẹ đưa con em đi học. Anh nghĩ em cũng nên ghi tên dạy tiếng Việt cho các em nhỏ, đồng thời học hỏi thêm tiếng Việt qua các thầy cô đang dạy ở đó.

Hằng vẫn tỏ vẻ dửng dưng:

- Em nào có biết trường Việt ngữ gì anh nói. Em có bao giờ bén mảng tới các nơi ấy làm gì.

Hưng tỏ vẻ thất vọng, nhưng cũng cố gắng vớt vát:

- Thôi thì anh xin chịu. Anh không đủ thì giờ thay em dạy các sư nhưng anh hứa sẽ làm cố vấn cho em trong công việc rất danh dự là dạy một sư ngoại quốc, người Sri Lanca học tiếng Việt.

Tới ngày hẹn định mệnh với sư Janu, Hằng rất khổ sở và lo lắng: một mặt nàng phải sửa soạn một giáo án dạy tiếng Việt bất đắc dĩ do Hưng chỉ vẻ; mặt khác nàng phải "dọ đường" xuống khu nam. Hằng không lái xe trên freeway được, còn đường trong thì chỉ có đường Stockton là độc đạo nối khu bắc nơi Hằng ở xuống khu nam là nơi chùa Sri Lanca tọa lạc.

Đây là con đường huyết mạch của khu vực thương mại của người Việt phía nam thành phố mà Hằng đã từng đi qua đã lâu trong quá khứ. Lúc đó, chỉ mới có lưa thưa vài tiệm Việt Nam và an ninh cũng chưa ổn định nên Hằng rất ngại qua lại.

Vậy mà việc đến phải đến. Xe Hằng lái đã tới đầu phía bắc của đường Stockton, bên trái là một dãy nhiều buildings lớn của bệnh viện UC Davis, tiến qua vài cơ sở Mỹ nữa là bắt đầu khu thương mại Việt Nam.

Tới đây đường tương đối chật, xe cộ hai bên đông đảo, tấp nập nên xe Hằng cũng phải nối đuôi đoàn xe phía trước, chạy chầm chậm, có đủ thì giờ để quan sát hai bên đường. Trái với dự tưởng, các khu thương mại Á châu nay đã được xây cất và phát triển quá nhiều, cứ cách một hoặc hai blocks là có một shopping center Á châu, kiến trúc tương đối giống nhau, ở mặt tiền có hai hình chóp và vách tường thường được sơn màu gạch đỏ.

Tới một ngã tư đèn đỏ, Hằng phải dừng xe hẳn lại và có dịp nhìn kỹ sinh hoạt của khu phố. Hằng vô cùng ngạc nhiên khi thấy bên phải mình một dãy trung tâm thương mại mà mặt tiền chính giữa có bảng hiệu thật lớn "Little Saigon", còn bên trái là tiệm phở Bolsa. Hằng ngơ ngác, không hiểu mình có lạc đường vào thế giới sầm uất của người Việt trên phố Bolsa ở miền nam Cali hay không. Chẳng những ngạc nhiên về sự phát triển mà Hằng còn chứng kiến cảnh tượng xe cộ qua lại trật tự, dân đầu đen qua lại trong khu vực rất đàng hoàng, lịch sự, không có dấu hiệu của sự sai trái nào cả. Hằng tự nhiên có một cảm giác, tuy nó còn tiềm tàng, không rõ rệt, là xấu hổ với lương tâm, với thành kiến tiêu cực trước đây của mình.

Xe chạy được gần hết con đường "thiên lý" Stockton này thì bỗng bị kẹt bởi một đoàn xe dài nối đưôi nhau. Xe chỉ nhích được từng chút và sau cùng phải dừng hẳn lại. Lúc đó, Hằng mới biết là mình tình cờ đi xuống đây đúng vào ngày hội chợ Tết vì có nhiều người Việt đi bộ đang tiến vào một cỗng bên đường với bảng hiệu lớn "Mừng Tết Nguyên Đán". Sống tại Mỹ và nhất là tại những vùng xa người Việt, lại làm việc sở Mỹ, không hề có bạn bè đồng hương tới nhà chơi như Hằng thì không đời nào biết Tết Việt Nam đã đến.

Hằng bỗng nghe lòng mình như âm ấm lại giữa rừng người đồng bào ruột thịt, một cái gì như tự tin, tự hào dù đó mới là một cảm giác mông lung, mơ hồ.

- "Chào cờ, chào!" Một tiếng la lớn, nghiêm trang khiến Hằng giật mình.

"Này công dân ơi! / Quốc gia đến ngày giải phóng / Đồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống / Vì tương lai quốc dân / Cùng xông pha khói tên”

.....

Hằng bỗng nghe tim mình đập mạnh. Thì ra, hội chợ được khai mạc với bản quốc ca Việt Nam. Tiếng các ca sĩ nam và nữ đồng ca bản Quốc Ca Việt Nam sao mà nhịp nhàng, hùng tráng và đầy xúc động như làm cháy lên đám tro tàn lịch sử mấy chục năm qua mà một người xa quê vô tình chôn vùi.

“Công dân ơi mau hiến dâng dưới cờ!”

Điệp khúc kêu gọi quá thiết tha của quê hương làm cho lòng người tha hương nào cũng cảm động dù có dửng dưng hay phủ nhận tới đâu. Một luồng cảm giác lạnh kỳ lạ làm Hằng cảm thấy rợn người sau khi nghe bản quốc ca, hậu quả một xúc động bất ngờ.

Các xe phía trước đã bắt đầu trống nên Hằng có thể mau lẹ rời khỏi nơi đông đảo, ồn ào này.

Chùa Sri Lanca ở phía nam thành phố tọa lạc tại một nơi thanh vắng, yên tĩnh. Chùa thì nhỏ, nhưng nằm trên một miếng đất khá rộng, chắc hẳn của một đạo hữu giàu có dâng tặng. Hằng lái xe vào sân chùa, quẹo trái đến một bãi đậu xe nhỏ, nhìn xuống một con rạch nước chảy róc rách với đàn vịt bơi tung tăng. Đằng xa một chút, băng qua cái cầu cây nhỏ là một miếng đất hoang, khô cằn, có thể chủ cũ đã bỏ phế từ lâu, nhưng vẫn còn sót lại một lũy tre, tre thứ thân lớn chớ không phải trúc cảnh, và một hàng cây chuối, bên cạnh một vài chòi tranh có thể dành cho người giữ chùa ở. Lại văng vẳng đâu đây có tiếng gà "cục tác". Thật là một bức tranh đồng quê mà người thành thị như Hằng hiếm khi có dịp chiêm ngưỡng.

Hà vội bước xuống xe, mơ màng ngắm cảnh.

- Chào cô, cô có khỏe không?

Hằng giật mình bởi giọng nói tiếng Việt lơ lớ, nhưng đủ hiểu. Thì ra sư Janu thấy Hằng nên đã ra đón.

Hằng hỏi lại bằng tiếng Anh cho sư dễ hiểu.

- Sao thầy nói tiếng Việt giỏi quá, ai dạy thầy trước?

- Thì cô chớ ai, thầy Janu vui vẻ trả lời, cô đã chỉ cho tôi một số câu chào hỏi thông dụng qua điện thoại hồi tuần rồi.

- À thì ra! Hằng phấn khởi. Thầy học thuộc bài mau quá đó. Chức mừng! Vậy để tôi dạy nhanh hơn cho thầy mau được nói tiếng Việt nhé!

Buổi học tiếng Việt khá hào hứng giữa trò là sư Janu có rất nhiều thiện chí học hỏi, còn thầy Hằng bất đắc dĩ trước đây cũng thấy vui vui.

Sau khi dạy thêm các câu chào hỏi, các từ ngữ căn bản về thời tiết, ăn uống, đi lại, thì Hằng bỗng cao hứng, lên lớp để dọa thầy Janu chơi.

- Trong tiếng Việt, có vấn đề dấu là phức tạp nhất, thầy coi chừng, cùng một chữ mà dấu khác thì phát âm khác và có nghĩa khác, như chữ:

Ma: ghost, Má: mother, Mạ: seed, Mà: but, Mả: tomb. Đó thầy thấy chưa! Còn các dấu hỏi ngã thì phức tạp hơn nữa thí dụ: Nửa: a half, Nữa: again, more.

- Chắc phải có luật gì về các dấu hỏi ngã này, thày Janu thông minh đoán trúng.

Hằng chỉ nhớ lờ mờ những gì về dấu hỏi ngã vừa kể trên do anh Hưng chỉ vẽ trước đây, nên tránh né:

- Thưa có luật rõ ràng và tôi sẽ chỉ dẫn thầy lần sau.

Thầy Janu tươi cười:

- Nếu học hết những luật đó có thể tôi đọc được truyện Kiều của Nguyễn Du bằng tiếng Việt!

Hằng giật mình, ấp úng hỏi:

- Hả, truyện Kiều... Nguyễn Du nào?

Thầy Janu chỉ một quyển sách trên bàn, khoe:

- Đây là bản dịch qua Anh ngữ. Muốn biết rõ ngôn ngữ nước nào, mình phải đọc được vài tác phẩm văn chương tiêu biểu của nước đó.

Với độ tuổi của Hằng thì khi còn ở Việt Nam, ít nhất nàng có nghe qua tên Nguyễn Du hay Tự Lực Văn Đoàn rồi nhưng cuộc sống nước ngoài bắt phải quên đi những tinh túy của nước nhà.

Hằng đỏ mặt, nhưng cũng nói khỏa lấp:

- Tôi có bản gốc bằng tiếng Việt của sách này, tôi sẽ tặng thầy.

Buổi học vừa xong, sư Janu đứng dậy đưa tiễn Hằng ra cửa, nhưng nửa chừng chợt nhớ một điều gì.

- Này, khoan. Cô có thấy cây đàn dương cầm sát vách, gần cửa sổ không? Tôi không biết đàn còn tốt không, nhưng một đạo hữu có nhã ý gởi tặng chùa. Tôi nhớ cô là một nhạc sĩ dương cầm, nên cô có muốn thử đàn, dạo một bản không?

Hằng lặng lẽ ngồi ngay xuống đàn vì nàng có đam mê chơi đàn từ nhỏ. Hằng dạo thử vài âm giai: tiếng đàn còn tốt. Hằng vừa ngẩng mặt lên, ngay người định bắt đầu một nhạc khúc cổ điển của Chopin mà nàng ưa thích thì bỗng khựng lại vì vừa thoáng thấy một cái gì dìu dịu, mơ màng khi nhìn từ cửa sổ.

Chao ôi! Ai khéo sắp đặt cây đàn ngay gần cửa sổ mà tầm nhìn lại bao gồm được cả cảnh tượng thiên nhiên man mác hồn quê mà Hằng vừa mới thấy khi nhìn từ bãi đậu xe: cái rạch nhỏ, cây cầu con vắt ngang, bên kia là lũy tre già cao lớn, bên hàng chuối xanh mướt. Chắc hẳn chủ cũ phải là người Việt, trồng tre và chuối để có dịp ngày ngày hồi tưởng quê xưa.

Khác với lúc mới vào chùa, lần này Hằng có nhiều thì giờ để tâm hồn thảnh thơi hơn, ngồi đắm mình vào mộng mơ. Ôi! Những ngày thơ ấu lần lượt hiện ra, khi rõ khi mờ, nhớ nhớ thương thương. Có những ngày nào của tuổi xuân, ở một nơi nào xa lắc xa lơ, mình thơ thẩn dọc theo một con rạch, cũng nho nhỏ, nước trong veo, đuổi bầy vịt hay vớt cá lòng tong, xong băng qua cầu, chạy tung tăng vào vườn đầy hoa thơm, cỏ dại.

Những ngón tay mềm mại của Hằng bất thần lướt trên phím đàn, rung lên một giai điệu rất lạ, chậm chậm, buồn buồn,nhưng không phải "Tristesse" của Chopin, vì nó có âm sắc quê hương, đến từ một hoài niệm được chôn vùi thật lâu, nay bỗng dưng sống lại, thánh thót, nghẹn ngào mà mỗi nốt nhạc như quyện lấy lời ca, không rứt ra được, mỗi âm thanh từ phiếm đàn vang lên một lời nức nở tự đáy tâm hồn:

Thu năm qua, đoàn người đi xót xa
Mang tâm tư, hận sầu vương thiết tha
Hôm nay đi, nghe tiếng sóng rạt rào
Nghe tiếng gió nghẹn ngào, nhìn làn mây buồn trôi
Ôi quê hương! Giờ chìm trong khói sương
Mây bao la, gợi sầu ai viễn phương… *


Tâm hồn Hằng đang bồng bềnh trong tiếng nhạc, lời ca của trang lịch sử đau buồn của quê hương phải chia cắt, của cả triệu người Việt phải rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn. Ngày đó, đã hơn nửa thế kỷ rồi, chắc chắn "đoàn người đi xót xa" phải là bậc tiền bối, cha chú của mình, nhưng Hằng vẫn là nạn nhân "mang tâm tư hận sầu" trong các chuyến đi đau đớn sau này. Phải có xa quê hương, xa thật xa mới biết tình yêu quê hương thắm thía đến đâu.

Bản "Hận Ly Hương" của cuộc từ ly vĩ đại thuở xưa hầu như đã chìm trong quên lãng trong lòng một số người Việt hải ngoại, nay bỗng dưng rạt rào trong tâm tư một kẻ từng mang tiếng là vọng ngoại, vong bản.

Khi giai điệu tới điệp khúc, Hằng không sao cầm được nước mắt:

"Ra đi xa mái tranh thân yêu
Xa bến xưa cô liêu với hình bóng quê nghèo
Đêm nay ta lặng ngắm mây trôi
Nhớ về phía xa xôi..." *


- Chà, sao lãng mạn quá! Sư Janu bất ngờ đánh thức giấc mơ nhớ quê của Hằng. Sư không biết rõ lời ca, nhưng sư chắc hiểu nhạc vì đó là ngôn ngữ chung của nhân loại, sư chắc hiểu đây là một mối tình thiết tha, nhưng không có tính cách cá nhân riêng tư mà là mối tình rất lớn lao, cao thượng đối với quê hương.

Hằng dụi nước mắt vội cho sư không thấy và trong lòng vụt rộn lên một niềm vui, niềm vui của một ngày được về quê và sống với quê.

Hằng tự nhiên nghe phấn khởi lên với kế hoạch hành động sắp tới, một kế hoạch có vẻ nhỏ nhoi, nhưng là một khúc quanh quan trọng, như sau:

"Bận về mình sẽ ghé qua phở Bolsa, ăn một tô phở đặc biệt, nóng hổi, thật lớn, tội gì mà phải nhịn suốt mấy chục năm. Hằng bỗng nhớ lại cảnh chào cờ, khai mạc chợ Tết mà nàng vừa tình cờ lái xe qua. Hằng nhìn bụi tre bụi chuối ngoài cửa sổ, thấy như nàng đang về lại quê. Phải rồi, đã về quê mùa này là phải đi chợ Tết. Nàng sẽ ghé chợ Tết Việt Nam, sẽ mua bánh chưng, bánh tét, chắc phải mua cả chai nước mắm nhĩ thật ngon, không cần giấu giếm ai và cuối cùng ghé lại trường Việt Ngử để ghi tên dạy tiếng Việt cho các em nhỏ".

"Dạy Việt Ngữ chớ không phải luyện lại Việt Ngữ, Hằng vui sướng lẩm bẩm, vì hôm nay mình đã đi về quê, học được bài học quí giá của quê hương từ những âm thanh huyền bí của quá khứ vọng lại. mang về bao nhiêu kỷ niệm, tình cảm, kiến thức mà mình đã vô tình lãng quên trong cuộc đời tha hương".

GIANG THIÊN TƯỜNG

Ghi chú: (*) Ca khúc “Hận Ly Hương”, Nhạc và lời: Ngọc Long – Anh Hoa, bài hát phổ biến từ năm Giáp Ngọ 1954, khi hơn một triệu người miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,249,832
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến