Hôm nay,  

Tư Ếch Học Nhẩy Đầm

13/01/201400:00:00(Xem: 25050)
Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 4112-14-29512vb2011314


Tác giả sinh năm1949, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991. Nghề nghiệp trước 75: dạy học. Công việc làm ở Mỹ: du lịch. Hiện đã hưu trí và là cư dân vùng Little Saigon, Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà năm 2013 là "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi." Và liên tiếp cho thấy sức viết nhanh, viết mạnh. Xin mời đọc bài viết thứ mười một của bà.

* * *

Còn hơn tháng nữa là hết năm Quý Tỵ. Xét về tử vi, năm nay là năm tuổi của Tư Ếch bị sao La Hầu chiếu mạng. Tử vi dạy “Nam La Hầu, nữ Kế Đô”. Sao này là hung tinh thuộc loại sao dữ. Nó mà chiếu mạng thì te tua, không tang ma thì bệnh tật, không tai nạn thì làm ăn thua lỗ, không tù tội thì bị lừa đảo...Nghe thầy tử vi nói phát ớn!

Đầu năm, bà Tư nói năm nay là năm con rắn. Rắn thích ăn thịt…ếch nên bà lo cho cái mạng của Tư Ếch:

- Ông có muốn tui cúng sao giải hạn, cầu an đầu năm cho ông không? “ Đừng bỏ em một mình” nha… anh Tư?

Tư Ếch vẫn lạc quan:

- Tiền bạc hả? Phù du. Bệnh hả? Bệnh là bạn.Tui ăn ở hiền lành mắc gì đến tù tội? “Sáu mươi năm cuộc đời”. Tư Ếch này lết đến con số bảy mươi ba. Được “bô nớt” hơn một con giáp còn mong gì nữa. Ai mà không qua cái vòng “sinh lão bệnh tử”. Nếu rắn có đớp…ếch thì chẳng có gì mà phải sợ?

Nói thì nói vậy chớ Tư Ếch thông cảm với bà vợ già chỉ sợ Tư Ếch… lên đường sớm, bỏ nàng ở lại mình ên nên trấn an:

- Cái mạng tui lớn lắm. Bà đừng lo sao La Hầu chiếu mạng. Tui có cái sao …chổi đây nè. Lấy cái…chổi “đức năng thắng số”, “ở hiền gặp lành” mà …quét. Tiêu tùng hết.

Tư Ếch không cúng, quên cả năm tuổi. Một năm trôi qua. Còn hơn tháng nữa là hết năm con rắn, Tư Ếch vẫn an nhiên, yêu đời, gõ ki-bo và hát suốt ngày “Em cứ yêu đời đi. Như lúc em còn thơ” như trong bài hát “Thoi Tơ”.

Học đàn “ki-bo” được sáu tháng,Tư Ếch nói nhỏ với ông Thầy dạy nhạc xin cho thọ giáo vài đường lả lướt của Thầy.

Thì ra Tư Ếch muốn học nhảy đầm.

Ông thầy tài hoa đủ ngón nghề và …dễ thương từ hồi nào đến giờ. Quan niệm sống của Thầy là “Vui là chính. Tiền bạc không thành vấn đề”. Thầy nhận lời. Thế là sau giờ học đàn ở chùa, chiều xuống, vợ chồng Tư Ếch rủ cặp “Uyên Ương song phi” hẹn nhau đón Thầy đến nhà của cặp “Long Phụng kỳ duyên” ở Huntington Beach.

Thầy có thêm “dốp” mới. Kèm …ba cặp “xi-nhơ” nhảy đầm tại tư gia.

Gọi là cặp “Uyên Ương song phi”, chim uyên và chim ương cùng bay vì cặp này đẹp lão. Bà vợ tên Uyên.Vợ chồng đi đâu cũng có nhau chỉ có cái…khắc khẩu.

Gọi là cặp “Long phụng kỳ duyên”vì ông chồng tên Long. Thời trẻ, vợ chồng hợp “duyên” bởi cái máu làm giàu và chịu khó. Về già, họ tậu được cái nhà to, đẹp, sát biển như cái lâu đài của… Long vương.

Còn Tư Ếch? Cả lớp nhạc ai cũng biết đó là“nít nêm” của một lão ông vui tính, tóc tai bờm xờm, có cái chân khẳng khiu như chân ếch, mặc chiếc quần cháo lòng xắn lên đến gối, vừa gõ ki-bo vừa xướng âm “son- son- mì son-mí…”. Lão còn hát nhạc cải biên bài “Thoi Tơ” do lão sáng tác: “Em lo gì tiền hết. Em lo gì tiền tiêu. Em lo gì không tiền. Anh kiếm tiền để tiêu…”.

Ba cặp này thân nhau trong lớp nhạc. Âm nhạc làm cho tâm hồn các cụ trở nên trẻ trung. Nói nôm na là các cụ đang hồi xuân. Sau khi tập các bài Slow, Valse, Boston êm dịu, Thầy cho tập ki-bo các bài “bốc”, giựt gân… giãn cốt như bài “Ô mê ly” điệu Pasodoble, bài “Sài gòn” điệu Bebop, bài “Chiều” điệu Tango, bài “Nắng Chiều” điệu Rumba… làm cho chân cẳng các cụ ngứa ngáy. Mùa này lại là mùa lễ lạc như Thanksgiving, Noel, New Year, Tết Âm lịch. Đọc báo thấy các hội đoàn đồng hương hội ngộ nào là kỷ niệm, tất niên, tân niên. Các đoàn thể thi đua nhau tổ chức họp mặt tưng bừng như “trăm hoa đua nở” trong khu vườn vui chơi của người Việt ở xứ Mỹ.

Ba cặp thường đi chơi chung với nhau trong các buổi sinh hoạt cuối tuần. Các màn ăn uống đều có văn nghệ và nhảy đầm. Ba cặp này thuộc loại “hai lúa” đành ngồi dựa tường, nhìn thiên hạ nhảy mà …ấm ức. Mấy cặp “xi- nhơ”đầu bạc trắng ở đâu mà lắm thế! Họ ùa ra nhảy thật vui nhộn, tự nhiên và dạn dĩ. Cái mặt …câng câng như ta đây còn ngon lành. Mà ngon lành thiệt! Điệu nào cũng thấy họ bao... sàn, khi thì êm dịu, lả lướt khi thì lắc lư, nhún nhảy. Chưa thấy cặp nào tỏ ra… sụm bà chè hay hết… xí quách mặc dù trời đã về khuya. Ba lão ông nhìn các cụ “xi-nhơ” nhảy bèn nóng mặt, nảy ra ý kiến rủ nhau học nhảy đầm cho… bằng với thiên hạ mặc dù nhảy với đầm…già!

Thôi thì “một chút nắng chiều sao cũng vội”. Tuổi già như buổi hoàng hôn. Còn một chút sức khỏe như những giọt “ nắng chiều” thưa thớt và quý hiếm. Đó là lý do tại sao ba cặp “vội” vàng và… bí mật mời Thầy về nhà dạy cho vài “chiêu” để có dịp vui chơi (Little) “Saigon By Night”với bà con trong mùa lễ lạc sắp tới.

*

Nói đến các bộ môn nghệ thuật khiêu vũ, đây là một sinh hoạt trẻ trung, vui chơi phổ biến trên thế giới, được nhiều giới già lẫn trẻ đều hâm mộ. Tiếng Việt nôm na gọi là nhảy đầm. “Nhảy đầm” (dancing) có lẽ được du nhập vào Việt nam thời Pháp vì có chữ “đầm” (dame). “Nhảy đầm” là nhảy với các bà các cô.

Ngoài các bộ môn văn hóa nghệ thuật thanh nhã như cầm, kỳ, thi, họa, nói đến nhảy đầm, ở Việt nam, nhiều người còn thành kiến. Thời thanh xuân của cặp Tư Ếch, các cụ …cố khó lắm, không được tự do, dễ dãi như các trai gái bây giờ. Cặp Tư Ếch chỉ biết cắm đầu cắm cổ học. Học xong lo đi kiếm cơm, xây dựng sự nghiệp, lấy vợ, lấy chồng, nuôi con, chẳng biết các món ăn chơi là gì. Nếu có học lén hay học lóm bạn bè cũng chỉ léng phéng ở mấy cái “bum”, đâu có dịp nào ghé những chốn ăn chơi như vũ trường.

Thời gian qua nhanh đến khi cuối đời mới khám phá ra có nhiều món trong nghề chơi rất tốt cho sức khỏe của người già như nhảy đầm thì mình lạc hậu, công lực quá…yếu! Cũng có lúc các cụ nghĩ đến học nhảy đầm cho vui nhưng nhìn đàn con đang lớn, ông bố có… sống dậy bảo học nhảy, các cụ cũng chẳng dám vì phải làm… gương cho con. Lại thêm các đầm già bảo thủ, kềm kẹp sát nút, thỉnh thoảng bắn tiếng, soi mói người khác nhưng nhắm vào các cụ làm các cụ nhột nhạt “có tật giật mình” nào là: “Sắp xuống… lỗ mà còn nhỏng nhảnh học đòi… ôm đầm. “Chân yếu, xương mềm nhún nhẩy cho lắm vào có ngày té…lọi giò”. “ Bệnh tim nhảy các điệu giựt gân có ngày… “bất đắc kỳ tử”. “Ôm cho lắm như con thia lia quen chậu, nhảy đầm quen… hơi có ngày… nhà tan cửa nát”.” Người “đứng đắn” có ai vô vũ trường cà giựt, rững mỡ, bỏ… đầm già ở nhà đâu. Nhảy điệu gì mà lắc giò, lắc mông, uốn éo cái “bo-đi” thấy…ngứa con mắt.” “No cơm ấm cật, rậm rật khắp nơi”v.v…

Hồi còn ở Việt nam, toàn là những thành kiến và luận điệu tiêu cực về môn giải trí rất ư văn minh và lịch sự này làm cản trở con đường… nghệ thuật của Tư Ếch.

Nhờ được qua Mỹ, Tư Ếch và đám bạn “hai lúa” được các đầm già “giải phóng” khỏi các thành kiến lạc hậu trước đây. Các đầm già bây giờ được tự do hưởng thụ nếp sống văn minh phóng khoáng của nghệ thuật nhảy đầm nên đầu óc mở ra, sẵn sàng “đáp lời sông núi” theo các cụ ông học nhảy.

Phải công nhận các cụ ông cụ bà Việt nam ở xứ Mỹ sướng thiệt. Xứ Mỹ là thiên đường của các cụ đấy. Này nhé, các cụ là triệu phú thời gian. Bệnh đã có các loại bảo hiểm y tế nào là medical, medicare, Medicaid. Cơm ăn, áo mặc khỏi lo. Hàng tháng, các cụ cứ ung dung ngồi nhà lãnh ngân phiếu tiền hưu, tiền già, tiền bệnh. Nhà ở đã có housing. Ăn uống thì các cụ cứ dọn về quận Westminster có khu Little Saigon, tha hồ mà thưởng thức các món ăn Việt nam vừa rẻ vừa ngon.Giải trí tinh thần thì Little Saigon là số một, trung tâm của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí…Ngôn ngữ mới là điều tâm đắc. Ra đường, các cụ đừng…thèm nói tiếng Mỹ. Thật ra, có Mỹ đâu mà nói.

Ông Phạm Quỳnh, một học giả nổi tiếng có câu nói đi vào lịch sử: “Truyện Kiều còn, nước ta còn”.Ở khu này, phải khẳng định rằng “Tiếng Việt còn, Little Saigon còn”. Các cụ tha hồ nói tiếng Việt.

Tư Ếch là một trong những cụ cao niên may mắn sống ở xứ Mỹ và ngay tại trung tâm cộng đồng người Việt. Tư Ếch giết thời gian bằng cách học vi tính miễn phí cho bộ óc làm việc, ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ. Tư Ếch học vẽ, học thêm ngón đàn ki-bo cho đôi tay hoạt đông ngăn ngừa bệnh tê thấp. Bây giờ Tư Ếch học nhảy đầm cho đôi chân…ếch thêm cứng cát, về già đỡ phải đi bằng…ba chân.

Có thời gian, có sức khỏe, không phải lo sinh kế, có đầm già ủng hộ, có ông Thầy chịu chơi, có bạn bè ham vui, có dư luận xã hội đồng tình, được thừa hưởng các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật phong phú, không học nhảy đầm thật là …uổng một đời trai.

Nói…túm lại, đời sống vật chất và tinh thần của Tư Ếch như thế là an tâm, thoải mái và đầy đủ. Còn mơ ước gì hơn! Trong bụng Tư Ếch luôn luôn thầm cám ơn cái thiên đường là nước Mỹ và những người Mỹ bao dung đã… đóng thuế, “cô-vơ” tuổi già của Tư Ếch.

Nước Mỹ mắc nợ Tư Ếch hay Tư Ếch mắc nợ nước Mỹ? Hay cả hai?

*

Buổi học đầu tiên trong phòng khách sang trọng với ánh đèn vàng lung linh mờ ảo tại nhà cặp Long Phụng, thầy dạy vài món ăn chơi về phong cách nghệ thuật nhảy đầm. Ba ông Ếch, Long và (Ểnh) Ương ngồi cạnh ba đầm, nghe ông thầy “nhập môn” bằng các động tác trước khi vô thực hành.

.Ôi, sao mà lịch sự ghê! Ba đầm ung dung ngồi ở ghế sa-lông, hớn hở nhìn ba ông thực tập theo lời Thầy chỉ dẫn. Giống như các hiệp sĩ thời Trung cổ, ngồi trước mặt là ba tiểu thư khuê các, ba hiệp sĩ tay trái vòng phía sau lưng, bàn tay phải ngửa ra, chân trái… hơi rút về phía sau, chân phải… hơi cong phía trước, lưng… hơi cúi xuống, đầu… hơi nghiêng nghiêng, miệng mỉm cười. Đó là những động tác mở đầu để mời các đầm ra sàn nhảy. Thầy bảo nghệ thuật đón … đầm là phải chừng mực, lịch sự, dịu dàng.

Chưa gì đã thấy màn giáo đầu “ga –lăng” với phụ nữ làm ba đầm khoái chí ra mặt. Ba đầm tâm sự:“ Sống với nhau hơn bốn mươi năm, có bao giờ “mấy chả” lịch sự với mình như vậy đâu. Toàn là mình cơm bưng nước rót không hà!”.

Đến màn “nam nữ thọ thọ… thành thân”, ông thầy hướng dẫn tay phải hiệp sĩ ôm eo đầm, tay trái đầm đặt trên vai hiệp sĩ, còn hai tay kia, bàn tay trái hiệp sĩ để ngửa, xòe ra, bàn tay đầm nhè nhẹ đặt lên. Chú ý một điều quan trọng là hai cái đầu phải nghiêng. Đầu hiệp sĩ hơi nghiêng bên trái, đầu đầm hơi nghiêng bên phải. Thì ra động tác nghiêng đầu không phải chỉ là nghệ thuật suông mà còn có tác dụng… vệ sinh, tránh phà hơi thở vào nhau, đề phòng hôm đó hiệp sĩ… hút thuốc hay đầm già ăn…lẩu mắm mà cả hai chưa kịp súc miệng hoặc nhai kẹo “chiu-quynh-gâm”.

Buổi học đầu tiên là điệu sì -lô nhịp 2/4, chậm rãi, tình tứ, Thầy đệm ki-bo bài “Nỗi Lòng”. “Chách” “Chùm chum”. “Yêu ai/ Yêu cả một đời/ Tình những/ quá khắt khe/ khiến cho lòng ta…” Bước nam, chân phải một nhịp, chân trái một nhịp. Bước nữ ngược lại. Cứ thế mà dậm chân tại chỗ hoặc di chuyển theo điệu nhạc miễn là đúng nhịp và đừng dẫm chân lên nhau. Điệu này dễ òm.

Thầy nói giỡn chơi mà có thiệt. Ngoài điệu Slow rock, Slowfox… còn có điệu Slow “quíu” hay Slow “mùi”dành cho các cặp nam nữ ôm nhau không có…khoảng cách. Slow “mông cổ” không phát xuất từ xứ Mông Cổ mà là người nữ choàng tay đong đưa trên cổ nam, hai tay nam thay vì ôm eo nữ thì hạ thấp xuống phần …mông. Điệu này cũng không có…khoảng cách.

Các điệu slow này, ba cụ Ếch, Long. Ương nhà ta được nhảy với đào nhí thì khỏi nói. “Phê” hết biết!

Sau điệu Slow là điệu Boston nhịp 3/4 rất du dương, lên xuống nhịp nhàng còn gọi là Valse chậm. Thầy hô: “Nào, bước. “Chình” nhịp thứ nhất, chân trái nam rút xuống,“Chách” nhịp thứ hai, chân phải nam rút xuống ngang với chân trái, “chách” nhịp thứ ba chân trái nam đưa qua chân phải. Bước chân nữ ngược lại với bước nam. Thầy chơi ki-bo bài “Niệm khúc cuối”. “Dù cho mưa/ tôi xin đưa em/ đến cuối cuộc đời. Dù cho mây/ hay cho bão tố/ có kéo qua đây”.

.Ba đầm già thả hồn theo điệu nhạc êm ái, trữ tình vừa… đếm nhịp. Bài này nghe thật là “phê” nhất là được ba hiệp sĩ dìu trong ánh đèn vàng mờ ảo.

Ngoài đời, ba lão đã trót hứa sống với ba đầm già đến hết cuộc đời nên nghe bài hát này nhắc lại lời hứa năm xưa… “Tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời”, ba lão có lẽ …ớn nên chưa hết bài đã thả tay, buông ba đầm ra làm ba đầm …chới với, bơ vơ giữa sàn nhảy.

Thấy vậy, Thầy cho một bài học về phong cách lịch sự của nghệ thuật nhảy đầm là không bao giờ nhả đầm ra khi chưa hết tiếng nhạc. Phải kiên nhẫn dìu đầm cho đến nốt nhạc cuối cùng và làm một động tác lịch sự nữa là giơ tay lên cao, chờ đầm quay một vòng 360 độ rồi… “dẫn độ” đầm về chỗ ngồi. Đừng quên các động tác lúc ban đầu như co chân, cúi lưng, nghiêng đầu và nở một nụ cười cho đến khi các đầm… bình thân, an tọa.

Ba đầm nghe Thầy “chỉnh” ba hiệp sĩ, trong bụng lấy làm hả hê, nhỏ to với nhau: “Phải vậy chớ. Có đầu phải có đuôi! Thật là một bài học …nhớ đời nhá! Chưa gì bỏ… người ta nửa chừng. Chẳng lịch sự tí nào!”.

Sau điệu Boston là điệu Valse.Valse là điệu nhảy cổ điển phát xuất từ tiếng Đức “walzen”có nghĩa là uốn, xoay, lướt. Thầy bảo điệu này tuy dễ mà khó. Các cặp nhảy quay tròn, quyện vào nhau với tốc độ nhanh, dễ chóng mặt. Điệu này nhịp 3/4 giống như Boston “Chát” “Chùm”… “Chát” “Chùm” “Chùm” nhưng nhanh hơn.

Valse cũng có “ made in China” đó là điệu Valse Hong Kong. Đa số người Việt thích Valse Hong kong vì không quay nhiều, dễ nhảy, thích hợp với các cụ ông cụ bà có vấn đề về huyết áp hay tim mạch.

Theo lời Thầy chỉ dẫn, ba lão dìu bà đầm quay vòng vòng tá lả trên sàn. Bà Tư có máu tăng-xông, mới có vài vòng mà cái đầu tơ lơ mơ, chỉ thấy Tư Ếch trong… bóng mờ. Tư Ếch thả bà Tư xuống ghế cho bà hít thở vài hơi để ổn định thần kinh.Tư Ếch an ủi:

- Thôi, sức có bi nhiêu xài bi nhiêu. Đừng có cố. Mắc công gọi “ ê-mẹt dân-xi”.Để mình tui học rồi tui truyền nghề cho bà.

Tư Ếch tiếp tục ra sàn nhảy. Ếch vòng tay, đầu hơi ngước, mắt lim dim. Ếch đang tưởng tượng ôm…ai. Chắc chắn ai đó không phải là bà Tư. Cùng với hai cặp kia, Ếch quay mình ên, say sưa theo điệu nhạc. Thầy chơi bài “ Giòng sông xanh” (Le beau Danube bleu) êm dịu và lả lướt “Một giòng xanh xanh/ Một giòng tràn mênh mông/ Một giòng nồng ý biếc/ một giòng sầu mấy kiếp…”.

Hai cặp Long, Uyên mê man quay tít thò lò với điệu luân vũ này.Nhạc chấm dứt,hai cặp ngồi thở hồng hộc. Thầy bảo ba đầm già nhảy điệu này nên mặc váy đầm xòe, mỗi khi quay, váy xòe ra thành vòng tròn trông đẹp lắm.

Đầm Long, tuổi gần ngang bằng thầy nhưng rất dễ thương và lễ phép ở chỗ khi nói chuyện với thầy, đầm Long luôn luôn xưng “con” rất cung kính:

- Dạ, chúng “con” sẽ nghe lời thầy sắm váy đầm xòe để nhảy điệu valse quay vòng vòng, tròn tròn cho giống… cái dù.

Tư Ếch xen vào:

-Thưa Thầy, còn em Tư bị máu xâm, đang lục ví tìm viên Tylenol nhưng cũng sẽ sắm cái đầm xòe để quay với chị em cho dzui.

Chỉ có ba tiếng đồng hồ, ba cặp đã nhảy được ba điệu Slow, Boston và Valse. Ông thầy khen ba cặp học hành tiến bộ nhờ học lớp nhạc nên bắt được nhịp chính xác. Bà Tư bị thầy chê cái chân cong vòng, khum khum nhìn “phô” quá!. Tư Ếch bị thầy chê thân hình cứng đơ như… người máy rô-bô.Thầy bảo muốn nhảy đầm đẹp: chân thẳng, lưng thẳng,vai ngang, ngực ưỡn, bước đi uyển chuyển, nhẹ nhàng, lướt trên sàn thật là “sì-mút” như đi “pa-te”.

Buổi học kéo dài ba tiếng đồng hồ chấm dứt bằng một màn bún mọc do cặp Long Phụng khoản đãi. Cặp Tư Ếch góp món chè. Cặp Uyên Ương góp bánh chuối. Bảy mạng thầy trò ăn uống chuyện trò rôm rả đến 9 giờ mới tan hàng.

Tuần lễ thứ hai hứa hẹn nhiều màn nhảy sôi nổi vì Thầy sẽ dạy các điệu nhảy “hot” nóng bỏng, phát xuất từ các nước châu Mỹ La tinh như Rumba,Tango, Cha Cha Cha.

Rumba là điệu nhảy theo nhịp 4/4, gồm ba bước và một bước chụm, tổng cộng 4 bước, nguồn gốc từ những người nô lệ da đen xa xưa nhưng phát triển mạnh ở đất nước Cuba. Đây là điệu nhảy đòi hỏi di chuyển cả cơ thể nhất là cái hông chứ không chỉ đôi chân. Để chuẩn bị cho các điệu nóng… chảy mồ hôi này, cặp Tư Ếch ngậm vài miếng… sâm Hoa kỳ để có sức tha hồ nhún nhẩy suốt ba tiếng đồng hồ.

Sau khi thuộc các bước căn bản, thay vì điệu Tango, thầy chơi điệu Rumba bài “La Paloma” bất hủ, dịch ra lời Việt “Cánh buồm xa xưa”. “Vi vu/ Đồi thông reo/ xao xác lá/ chiều nay/ thu về. Em ơi/ cách buồm xa/ ngày xưa còn/ vương bao lời thề.” Ba cặp tay trong tay, vừa ôm,vừa nhảy vừa… đếm nhịp. Bất ngờ, giày của Tư Ếch đạp trên chân đầm già khiến đầm già đau quá kêu oái oái.

“Buồm xa xưa” gãy “cánh”. Đầm già co giò, nhảy… cà nhắc đến ghế sa-lông ngồi bóp chân, mặt nhăn nhó, mắt liếc cái ví bên cạnh. Tư Ếch hiểu ý, mau mau lục ví kiếm… chai dầu.

Hổng sao! Sự cố kỹ thuật. Cọ quẹt chút đỉnh.

Sang đến điệu Tango nhịp 4/4,gồm 12 bước cơ bản. Thầy kể chuyện hồi xưa có ông Giáo Hoàng nào đó nói Tango là “vũ điệu của con quỷ dâm dục”. Ông Giáo Hoàng là nhà đạo đức. Ngài nói vậy vì muốn bảo vệ con chiên tránh mọi cám dỗ. Ngài nói cũng…đúng phần nào. Điệu nhảy này có sức cuốn hút mạnh mẽ và quyến rũ mãnh liệt. Nghe nhịp điệu Tango, ai biết nhảy đều có cảm giác tay chân ngứa ngáy, lòng xôn xao, rạo rực. Tango còn được mệnh danh là điệu vũ say đắm của những đôi tình nhân vì sự lôi cuốn, gợi cảm, tình tứ của nó. Tuy xuất phát từ xứ châu Mỹ La tinh Argentina, sang đến nước Pháp, Tango trở thành điệu nhảy lịch lãm, phong nhã với hình ảnh các vũ công nam đầu chải bóng láng, ánh mắt buồn buồn, nét mặt lạnh lùng, trang phục đẹp, dìu các nàng lả lướt trong các bước “phăng” rất là độc đáo như cú hất chân, đá tới, đá lui, là đà sát đất…

“Chát” “Chát” “Chát” “Bùm” “Chát. Một bước lùi. Ba bước tới. Thầy chơi bài “Lạnh Lùng” mà… lạnh thiệt vì nhiệt độ tối nay xuống 40 độ nhưng đầm Long chưa bật máy sưởi. “Em nỡ lạnh lùng đến thế sao/ Tim anh tan nát tự hôm nào/ Giờ đây đã nát càng thêm nát/ Muốn nói mà sao vẫn nghẹn lời …”. Ba cặp đang lui lui tới tới, Thầy giơ tay chỉ ngay cặp Tư Ếch:

- Nhảy sai rồi.Nhảy sai rồi. Sao hai ông bà nhảy cùng bước… giống nhau vậy? Ông tiến thì bà lui chớ.

- Cặp Long kia. Hai cánh tay buông lỏng ra, đừng vật lên vật xuống như… giã gạo. Xấu lắm!

- Cặp này nhảy khá nhất. “Sì –mút”.

Đầm Uyên thật thà khai báo:

- Dạ, tụi em có học trước ở nhà.

Bước sang điệu Cha Cha Cha 5 bước “Chát” “Chát” “Chùm” “Chùm” “Chát”. Cha Cha Cha là tiếng Tây ban nha. Điệu này phát xuất từ xứ Cuba, được ưa chuộng vì những động tác vui tươi, sống động nhất là cái vùng…bàn tọa tha hồ thả lỏng, lắc lư, uốn éo. Nhảy điệu này, kép tiến thì đào lui, hai đầu gối ngược nhau, đầu gối này chùng xuống thì đầu gối kia thẳng lên còn hai tay đưa đẩy trước sau theo điệu nhạc.

Điệu này là sự phối hợp của sự bốc lửa và hoang dại từ điệu Mambo và trữ tình của điệu Rumba nên Tư Ếch hăng máu lắc mông dữ dội. Tư Ếch còn cao hứng miệng hát theo tiếng đàn: “ Cha Cha Cha ma-ní lấy chồng chà-và… Cha Cha Cha…”

Bài hát này hồi nhỏ em nào mà không biết. Bà Tư nghe vậy sửa lưng Tư Ếch:

- Ông hát sai rồi!.”Con gái lấy chồng chà-và”. Ma-ní là người Phi luật Tân. Chà-và là người Ấn độ. Người Ấn Độ qua Việt nam đa số làm nghề cho vay lấy lời nên giàu lắm. Con gái thích lấy chồng giàu. Ông hát “Con gái lấy chồng Chà-và” mới đúng.

Buổi học chấm dứt với màn mồ hôi toát ra như tắm. Đầm Long chuẫn bị sẵn nồi bò kho bánh mì, đầm Uyên góp món gỏi, bà Tư góp món chè. Bảy mạng hôm nay ăn rất ngon vì đói bụng. Bao nhiêu ca-lo-ri, co-lét-tơ-rôn tiêu hết sau ba tiếng đồng hồ nhún nhảy.

Bước sang tuần lễ thứ ba, Thầy dạy hai điệu rất được ưa thích. Sàn nhảy lúc nào cũng đông và vui nhộn khi nhạc cất lên đó là điệu Pasodoble và Bebop.

Pasodoble là điệu cơ bản gồm 6 bước, gốc gác từ các trận đấu bò ở Tây ban Nha nên nhịp nhanh, rộn ràng như nhịp bước quân hành, thường là điệu mở đầu cho các buổi khiêu vũ có nhạc “tour”. Hai chân bước một,hai, một,hai. Có khi kép dìu đào sàng qua sàng lại, dung dăng dung dẻ như đi chợ. “Paso” tiếng Tây ban Nha có nghĩa là hai bước.

Điệu này dễ ẹt. Tư Ếch rủ bà Tư đi… chợ. Thầy chơi bài “Ô mê ly” thật là giựt gân, Nghe điệu này giò cẳng ai cũng ngứa ngáy “Ô mê lý/ mê ly/. Ô mê lý/ mê ly đời ta/ Ô mê ly/ đời sống với/ cây đàn/Tình tình tang/ dạo phím rồi/ ca vang…”

Tư Ếch dìu đầm già mà cứ ngỡ mình đang sàng qua sàng lại với con bò tót vì bữa đó đầm già mặc chiếc áo màu đỏ.

Điệu bebop là điệu khó, nhịp nhanh, dồn dập gốc từ Âu châu gồm 8 bước, giống 5 bước của Cha Cha Cha và 3 bước xoay. Nhảy cho đủ ba vòng thành 24 bước. Nhảy điệu này, tay nắm tay, kép đẩy, đưa đào, lại có màn kép và đào giơ tay cùng quay. Kép nhảy giỏi có thể “rào trước đón sau” dẫn đào nhảy dễ dàng. Chỉ cần một cái đẩy, một vòng tay của kép giỏi là đào…tơ chưa biết gì về bebop cũng bắt nhịp nhảy theo.Vai trò của kép là chính, đào là phụ.

Kép già như ba lão nhà ta nhảy thật chán lắm. Ba lão chưa biết gì về điệu này, chưa thuộc hết các bước nhảy của nam làm sao đẩy đưa các đầm già đang còn lạng quạng. Các bước nhảy phức tạp, nhịp điệu nhanh, hết nắm tay, xoay người rồi tiến tới tiến lui, nên khi ba cặp đào kép xáp vô nhảy với nhau xảy ra tình trạng lộn xộn,nhốn nháo, ba cặp đạp, xô, đẩy, lấn, lướt, đụng nhau loạn cào cào, đầm già kêu la ới ới trên sàn nhảy.

Thầy đang chơi bài “Một tình yêu” thật đẹp và lãng mạn “Một tình yêu/ Trọn con tim/ Một tình yêu/ một tình yêu/ Hoài dâng hiến/ Một tình yêu…”. Thầy ngước đầu lên, la chí chóe:

- Trật rồi! Trật rồi! Mấy bà nhảy gì kỳ cục vậy?

- Tui không biết quý vị nhảy điệu gì ? Các bước sao…loạn xà ngầu. Bebop đâu phải dzậy.

Các cụ lao nhao, ồn ào như cái chợ:

- “Tại anh”. -“Tại em”.- “Em đúng”. “Anh sai”. - “Thầy ơi thầy, thầy coi ai sai ai đúng Thầy?”- “Điệu này khó quá làm em “cần-phiu”. -“Bí- bốp” thành bí…lù”. -“Đói bụng rồi Thầy ơi, cho xả hơi chút xíu Thầy ”….

Thầy có vẻ …mệt, tuyên bố:

- Tui thấy …cả hai đều sai. Ba cặp đều sai… toét. Điệu này khó. Về nhà các cụ tập lại đi. Thôi, tạm nghỉ.

Bảy mạng kỳ này được thưởng thức món cá nướng da dòn ngon tuyệt vời của đầm Long đầu bếp.

*

Thế là lớp kèm “xi-nhơ” nhảy đầm tai tư gia chấm dứt sau ba buổi thọ giáo với ông thầy. Học thì phải hành.Tập thì phải luyện. Đã đến lúc Tư Ếch “xuống núi” tìm đất dụng võ, tìm nơi hành hiệp để rèn luyện công phu. Gia tài và bửu bối của Tư Ếch là “Thất Bảo chân kinh”, bảy món ăn chơi gồm Slow, Boston, Valse, Rumba, Tango, Cha Cha Cha, Paso, Bebop căn bản đủ xài. Còn mấy điệuTwist, Hip hop, Disco, New Wave, Techno….dành cho bọn trẻ vì chơi các món này hao tốn năng lượng lắm.

Westminster là quận người Việt chiếm đa số. Ông thầy “ri- phơ” Tư Ếch đến “Westminster Senior Center”, Trung Tâm Sinh hoạt Westminster của người già ở đường Westminster mỗi thứ sáu từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều đều có nhảy đầm để tập dợt. Tiền vô cửa 1$, nước chai 1 $, đậu xe miễn phí.

Xưa nay mình cứ quanh quẩn ở Hội Cao niên Á Mỹ, Hội Người Già ở khu người Việt nhưng các hội này đâu có nhảy đầm. Có biết đâu đây là nơi sinh hoạt của những người Mỹ già sống ở khu Westminster mà ông thị trưởng là người Mỹ gốc Việt.Thiệt là “Bụt nhà không thiêng” chút nào.

Đến đây mới thấy trung tâm này sinh hoạt rất là đa dạng và phong phú. Họ đang quảng cáo “ Get ready to dance! Come join us.Dress your best walk the red carpet” “ Night in the Spotlight Dance” “January 10,2014”.Họ mời mình đến nhảy. Mặc áo quần cho đẹp nha. Có trải thảm đỏ Không thấy ghi giá tiền.Giá cho người già chắc vài đồng. Họ tổ chức sinh nhật cho người già vào thứ năm cuối tháng chỉ đóng có 3$, tổ chức ăn trưa từ thứ hai đến thứ sáu trên 60 tuổi đóng 3$, dưới 60 tuổi đóng 5$. Chương trình “Commodities Program” vào thứ tư tuần lễ thứ hai có phát không thực phẩm với điều kiện các cụ phải là cư dân Westminster và lợi tức thấp. Họ có chương trình làm “neo” miễn phí cho các bà. Các phương tiện chuyên chở đã có chương trình “Wow program” cung cấp xe “van” hoặc “shuttle” là loại xe nhỏ chở từ 8 đến 10 người đón các cụ đến hội để ăn trưa hoặc chở các cụ đến các siêu thị mua sắm.

Ngoài ra, nhằm mục đích phục vụ cho người già có được phẩm chất tốt cho đời sống, hội người già còn tổ chức các chuyến du lịch cho các cụ đi đánh bài hoặc thăm viếng các địa điểm du lịch trong ngày hoặc ở qua đêm. Các buổi nói chuyện về bệnh già, cách chăm sóc da, chích ngừa cúm, tập “taichi”, “múa gậy” chiếu phim, các hội cờ như “bingo”, “bridge”, “aerobics” mạt chược, bi-da, may, thêu, đan, làm thủ công…là những sinh hoạt cho người già chỉ có ở thiên đường hạ giới này là xứ Mỹ.

Đây là lần đầu tiên cặp Tư Ếch sinh hoạt với cộng đồng người Mỹ già tại Trung tâm Westminster. Họ tươi cười, vui vẻ, lịch sự rủ mình ra sàn nhảy cho đông. Ban nhạc là năm ông Mỹ già mặc đồng phục áo thun xanh. Họ chơi khá chuyên nghiệp đủ loại điệu nhạc quốc tế. Họ lên sân khấu hát tiếng Mỹ, tiếng Tây ban Nha rất tự nhiên nghe cũng khá hay.Nhiều bà Mỹ già trông lụm khụm vậy mà khi nhảy, các bước chân và các động tác như lắc mông, xoay người rất là điệu nghệ. Người Mỹ học khiêu vũ khi còn trẻ. Họ xem khiêu vũ như bộ môn giải trí không thiếu được trong đời sống.Nhìn chung quanh thành phần người già vào đây gồm đủ quốc tịch, người Cam-bốt, Tàu, Việt nam, Đại Hàn, Mỹ đen. Đa số là người Mỹ trắng. Tất cả chan hòa, hội nhập với nhau trong những bước chân và điệu nhạc. Mỗi lần nhạc cất lên, Tư Ếch “gà” cho bà Tư về nhịp điệu và các bước, dần dần bà Tư thuộc bài. Khi đã dạn dĩ và tự tin vào “Thất bảo chân kinh” của thầy, bà Tư theo Tư Ếch quậy tới …toát mồ hôi nào là Rumba, Tango, Paso…Điệu Bebop tuy còn lạng quạng nhưng nhảy ở đây không ai biết mình nhảy sai hay đúng, ai muốn nhảy kiểu nào, điệu nào thì cứ nhảy theo ý thích. Nhảy tự do miễn vui.

Từ một ông “hai lúa”, vừa nhát vừa mặc cảm mình già, hết…xài, sau khi học khiêu vũ, Tư Ếch tự tin, dạn dĩ, trẻ trung, yêu đời hơn, khả năng giao tế bén nhạy hơn. Khu Little Saigon của người Việt chúng ta có nhiều trung tâm dạy nhảy khiêu vũ vào cửa miễn phí vào chiều thứ năm. Các cụ nên rủ các cụ bà cùng đi cho vui. Khi cảm thấy vui, các cụ có thể ghi tên học. Trước lạ sau quen. Chỉ trả chút đỉnh tiền nước mà có sàn nhảy, có nhạc sống, có bạn, có không khí vừa vui chơi vừa luyện “chân nghề”, lại giúp cho sức khỏe dẻo dai, thân hình thon gọn, bớt các bệnh của người già như thấp khớp, tiểu đường…

Về tâm lý, môn nhảy đầm làm giảm những âu lo, phiền muộn còn gọi là các bệnh trầm cảm hoặc căng thẳng trong cuộc sống của người già. Có nhiều cụ ông sống cô độc và cô đơn sau khi cụ bà mất, vào sinh hoạt tại đây, biết đâu các cụ nên “duyên” bạn bè, có cơ hội gặp người tri kỷ hay đồng điệu chia sẻ, tuổi già các cụ có niềm vui, tăng tuổi thọ, cuộc sống có thêm ý nghĩa.

Chỉ còn vài ngày nữa là qua năm cũ, năm mới đến, Sắp tới, bài hát “Auld Lang Syne” (Old Long Since) sẽ cất lên trong những buổi “count down”. Đó là những giây phút cuối đếm… gần đến sự kết thúc của năm cũ và bắt đầu cho năm mới. Con số 12 pm còn gọi là thời điểm giao thừa, là sự giao hòa của trời đất và con người, quả cầu Waterford Crystal theo truyền thống của thành phố New York sẽ được thả xuống quảng trường Times. Mọi người sẽ ôm và hôn nhau, chúc nhau bốn chữ “Happy New Year”. Mọi người sẽ uống rượu sâm banh, ca hát nhảy đầm vui chơi đến sáng.

Tư Ếch còn nhớ bài hát “Auld Lang Syne” hồi còn nhỏ, không biết ai đã “chế” cho đám con nít nghêu ngao trong đó có Tư Ếch:“Tò te/ zô-rô đánh đu/tạc-zăng nhảy dù/ don-quây bắn súng. Chết cha con ma nào đây/ làm tao hết hồn/thằn lằn cụt đuôi”

Năm 2014, mừng các cụ xi-nhơ sắp thêm một tuổi. Bài viết “Tư Ếch học nhảy đầm” riêng tặng các cụ chưa bao giờ học nhảy. Các cụ hãy đi học nhảy đầm như Tư Ếch. Hai câu này Tư Ếch hát theo âm điệu bài “Auld Lang Syne”để tặng các cụ:

“Ngày Xuân/“xi-nhơ”chúng ta/ cùng nhau/ chúc mừng “hay ăn chóng…nhớn”.

Muốn dzui/ “xi-nhơ” đừng quên/ học thêm… nhảy đầm/ đời mình càng …dzui.”

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
22/01/201408:00:00
Khách
Nội Dung rất vui, rất hữu ích cho những người cao niên .... Cách hành văn dí dỏm, một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ, không cần đi bac sĩ ....
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,601,534
Nhạc sĩ Cung Tiến