Hôm nay,  

Cậu Tư Quậy

06/12/201300:00:00(Xem: 17190)
Tác giả: Nguyễn thị Hoà Nam
Bài số 4078-14-29478vb5120513


Tác giả lần đầu dự viết về nước Mỹ. Theo bài viết, đây là chuyện kể của một bà mẹ trong gia đình đến Mỹ theo diện H.O., an cư ở Seattle. Một đứa bé được định cư ở Hoa Kỳ sẽ phát triển và hội nhập như thế nào?Xã hội mới, hoàn cảnh mới tạo cho em những điều kiện sinh hoạt ra sao. Cha mẹ sẽ khuyến khich giúp đỡ em như thế nào? Đó là nội dung chuyện kể. Mong tác giả tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.

* * *

Khi sanh thằng Út, tôi hơi thất vọng vì đã có hai thằng, đang thèm một đứa con gái cho có nếp có tẻ. Vậy mà nó lại là bảo bối của tôi, Nguyễn Gia Bảo, lúc nhỏ còn có nick name là Tư Quậy, vì bất kể ở đâu, đi đâu và làm gì, thiên hạ đều phải lắc đầu, bởi nó quậy quá đi.

Tôi nuôi thằng Út thiệt cực. Cu cậu ói ỉa lung tung, uống thuốc tây hoài vẫn không khỏi, ốm nhom xanh mét. Nóng ruột vì con, tôi tin lời mấy bà già, cho rằng nó bị ban trắng đã lậm vào mà không trổ ra, nên ai chỉ thầy hay, thuốc giỏi tôi đều ẵm nó đi chữa. Sau, có ông bác sĩ nói rằng, đường ruột thằng Út lúc sinh ra chưa được hoàn chỉnh, nên phải uống sữa Pelargon, một loại sữa chua của Pháp để cấy men tiêu vào ruột. Thời đó, năm 1988, một chỉ vàng mà một công chức như tôi, không tham ô, không móc ngoặc, không ăn hối lộ, phải kiếm đỏ mắt mới có, chỉ ngang ngửa với giá của một hộp Pelargon, vậy mà nó bú vào rồi lại ói ra, tiếc đứt ruột. Nhưng dần dần, đúng như vị bác sĩ kia đã nói, hệ thống tiêu hoá của nó tốt lại, nó không còn ói ỉa lung tung nữa, khoẻ mạnh như trẻ con bình thường. Và bắt đầu quậy.

Lúc cỡ hai tuổi, mỗi khi đòi gì không được, nó nằm vạ. Tôi bỏ mặc: "Cứ nằm đi con, con nằm chán thì con sẽ thôi." Ai dè, sau vài lần thấy không hiệu quả, nó đổi kiểu. Nó không nằm vạ trên nền đất sạch sẽ nữa, mà ra sàn nước, chỗ rửa chén giặt đồ của chị tôi, ở ngay sau nhà tôi. Nó vừa khóc la, vừa lăn lộn dẫy dụa, quần áo, mình mẩy, mặt mũi dơ dáy bẩn thỉu trước bao nhiêu cặp mắt của bà con lối xóm. Đành phải chịu thua nó thôi.

Khi nó bốn tuổi, cả nhà đùm đúm qua Mỹ theo diện HO. Lần đầu tiên chúng tôi đi máy bay đến xứ lạ quê người, nên ở phi trường New York, phần bỡ ngỡ, nôn nao hồi hộp, phần đồ đạc lỉnh kỉnh, đã không kịp mang giày cho nó, để nó đi chân không mà dẫn nó ra. Ra được tới ngoài rồi, cu cậu mới sực nhớ, vừa khóc vừa hỏi, sao không mang giày cho nó, vụt chạy ngược trở vô, đòi phải mang giày trong máy bay mới chịu. Ba nó chạy theo ẵm ra thì nó la hét, vùng vẫy. Hai cha con cứ xà quần như vậy trước bao nhiêu cặp mắt kinh ngạc của Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ vàng, và sự chờ đợi của nhiều gia đình Việt Nam cùng đi chung đoàn. Cuối cùng ba nó đành phải mua bịch kẹo dụ, nó mới chịu im.

Nó tuy quậy, nhưng thương mẹ lắm. Khi vào học mẫu giáo, bắt đầu biết viết chữ Bảo và chữ Mom là nó viết hai chữ đó ở mọi nơi, "Bao and Mom" trên tất cả các tờ giấy, dưới tất cả hình vẽ hay bài viết gì của nó, y như là chữ ký của tác giả vậy. Lúc đó tôi mới qua Mỹ, không tiền, nên ngày nào cũng đi may đến tối khuya mới về. Mỗi ngày ba nó đi rước tôi, nó đều theo, nhưng luôn ngủ từ lúc lên xe cho đến khi trở về tới nhà. Một hôm, tôi hỏi nó:

- Sao con không ở nhà ngủ, đi theo ba làm gì cho khổ?

- Con muốn thấy mẹ trước. Con không muốn anh hai, anh ba thấy mẹ trước.

Ôi! Nghe nó nói mà thương làm sao.

Năm tuổi, nó biết dùng phương pháp mở cửa ra ngoài đứng vạ khi chỉ mặc phong phanh chiếc áo thun dưới trời mùa Đông khoảng 40 độ F. Lúc đầu, tôi không ngó ngàng tới, nhưng nó nhất định không chịu thua. Cuối cùng lại phải chịu thua nó chứ hỏng lẽ để nó bị sưng phổi?

Sáu tuổi, có lần ba nó đi chợ, nó đòi đi theo nhưng muốn ba nó phải chờ nó thay quần. Khi thay xong, thì ba nó không chờ, đã bỏ đi mất. Nó đổ thừa tại tôi thay quần cho nó chậm, khóc la, và bắt tôi phải xin lỗi. Tôi nhất định không. Lúc đó hai mẹ con đang ở nhà bếp. Nó cầm lấy con dao nhọn, hướng mũi dao vào ngực và nói, nếu tôi không xin lỗi, nó sẽ đâm nó chết. Dầu biết rằng đó chỉ là lời hăm doạ, nhưng tôi đâu dám lớn gan như nó, đâu dám thách đố nó nên đành phải gằn giọng bực tức:

- Xin lỗi.

Nó vẫn không chịu:

- Xin lỗi như vậy không được. Mẹ phải ôm con và nói nhỏ nhẹ: "Mẹ xin lỗi con, Bảo."

Tôi lại phải nuốt giận, ôm nó mà nhỏ nhẹ xin lỗi.

Một lần, trời tối mà nó vẫn mê chơi, kêu hoài không về. Đến khi về, nó thấy tôi cầm cái roi, biết sẽ bị đòn, năn nỉ:

- Khoan đã, mẹ chờ con chút.

Anh chàng vô phòng, đóng cửa lại, mặc thêm quần jeans vào rồi mới để tôi đánh. Sau đó nó đã kể với anh hai của nó:

- Anh hai ơi, anh hai! Bữa nay em bị đòn, mẹ “quýnh” đâu có đau, nhưng em cũng phải khóc cho mẹ hết "quýnh".

Tôi hiếm khi đánh con. Chỉ có thằng Tư Quậy, quậy quá, mới bị tôi đánh vài lần. Không phải tôi bị Mỹ hoá đâu. Nếu đánh nhẹ thì không ăn thua và chỉ làm cho nó lì đòn. Còn đánh mạnh đến nó phải sợ và chừa thì tôi làm không được. Tôi không có can đảm làm con tôi đau đớn thân xác. Ba tôi ngày xưa đánh con dữ quá, nên mặc dù tôi rất thương và kính trọng ba tôi, nhưng tôi sợ ba tôi lắm, ít dám lại gần ổng. Có lẽ thằng Bảo giống tôi hồi nhỏ. Tôi còn nhớ hồi tôi còn nhỏ, nhỏ lắm kìa, tôi đang quét nhà, ba tôi giựt ngang cây chổi, rồi quất vào người tôi, vừa quất ông vừa la: "Quét nhà mà cái lưng đứng sững, không chịu khom xuống là cái kiểu của con người lười biếng". Tôi đau lắm nhưng nhất định không rớt một giọt nước mắt. Vậy mà cũng có lần, không nhớ vì lẽ gì ba tôi xoa đầu tôi, và tôi đã len lén ra sau hè, đứng một mình mà chảy nước mắt thật lâu.

Tôi biết thằng Út là đứa lớn gan nhưng lại nhiều tình cảm giống tôi, nên giả bộ giận chính là ngón đòn hữu hiệu nhất. Mỗi khi nó làm điều trái ý, tôi chỉ cần làm thinh, không đếm xỉa tới nó thì nó biết liền, sợ lắm. Nó không chịu nổi khi bị mẹ giận. Vậy là cu cậu cứ chạy theo, chìa má bắt tôi hôn. Tôi quay đi. Nó quay theo. Cứ như vậy hai mẹ con quây qua quây lại một hồi và bao giờ tôi cũng là người chịu thua nó.

Tôi hồi nhỏ rất mê chơi, nghịch ngợm, lớn gan, sau nầy ra đời cũng có nhiều sai lầm. Có lẽ vì vậy mà tôi thông cảm được với con tôi hơn. Tôi chỉ cầu cho nó học hành đàng hoàng, không ác độc hại người, không tứ đổ tường, thì dù cho nó có quậy quọ chút đỉnh cũng có chết thằng Tây nào hay ảnh hưởng gì tới hoà bình thế giới? Chỉ cần ta kiên nhẫn với nó một chút, nó sẽ tự thay đổi khi lớn lên. Còn thay đổi thế nào thì tuỳ tâm tánh mỗi đứa. Nhưng tôi biết chắc một điều là nó sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những người cận kề bên nó, cho nên cách dạy con tốt nhất không phải là đánh con mà hãy tự mình làm gương cho con.

Có lần nó theo Richard, thằng Mỹ trắng hàng xóm lớn hơn nó hai tuổi, cũng thuộc loại quậy có tiếng, đi tháo nắp đậy vòi bơm của mấy bánh xe hơi đậu ngoài đường. Chỉ phá chơi thôi. Ai dè người ta thấy bèn kêu cảnh sát. Cảnh sát đến vớt hai cậu chở về nhà giao cho cha mẹ. Ôi! Thằng Tư Quậy sợ muốn té đái, khóc thút thít, còn bị thằng anh của nó chọc quê:

- Sao? Ngồi xe cảnh sát êm hôn Bảo? Mát đít hôn cưng? Ít người được ngồi trên đó lắm à nghen.

Còn tôi, việc phải làm lúc đó là cho nó một tình cảm thương yêu, một chỗ dựa của người mẹ, chứ không chửi mắng thêm, vì tôi biết nó đã quá sợ, và nó sẽ tởn tới chết.

Đến năm thằng Út lên bảy thì anh hai của nó cũng được mười bốn, đủ lớn để trị thằng em quậy. Hình như những lúc tôi không có ở nhà, Tư Quậy bị anh đánh dữ lắm nên sợ. Mỗi lần nó chứng lên, anh nó chỉ cần kêu: “ Bảo!”, là nó ngưng liền lập tức. Từ đó, tôi khoẻ re.

Có lần tôi hỏi nó:

- Sao con sợ anh hai mà không sợ mẹ?

- Tại mẹ thương con nhiều. Con biết mẹ không nỡ đánh con mạnh, nhưng anh hai dám đánh.

Dần dần, tôi như vừa là mẹ, vừa là bạn của nó. Có hôm đi học về, nó nói với tôi:

- Mẹ ơi mẹ, hôm nay con bị phạt.

- Sao vậy?

- Con nói với mẹ, nhưng mẹ hứa không được mét anh hai với ba à nhen.

- Ờ. Mẹ hứa.

- Vì con bỏ trái nho vô bình sữa của bạn con.

Tôi giữ lời hứa. Từ đó về sau bất kể gặp phải chuyện gì, vui hay buồn, trúng hay sai, nó đều kể cho tôi nghe. Tôi không cần dạy bảo hay la rầy nó nữa, vì khi nó kể ra, nó đã tự biết việc nó làm là đúng hay sai rồi.

Nó tuy quậy, nhưng học giỏi. Năm nào cũng được thầy cô khen ngợi hết lời. Ấy vậy mà tôi có thấy nó học hành gì đâu? Thắc mắc thì nó trả lời đã làm bài xong khi ngồi trên school bus, để về nhà chơi được nhiều hơn.

Có một chuyện nhớ lại vẫn còn mắc cười. Lúc mười hai tuổi, nó đòi nhuộm tóc, màu vàng cho giống Mỹ. O.K. thích thì cứ nhuộm, không lý do gì ngăn cấm nó. Nhưng tôi giao hẹn trước:

- Con phải tự làm lấy. Mẹ chưa nhuộm tóc bao giờ, không có kinh nghiệm nên không giúp được gì đâu nhen.

Thằng nhỏ tự mua thuốc về, đọc lời hướng dẫn, rồi tự nhuộm lấy. Tôi không rớ vô. Nhuộm xong, cái đầu không hoe vàng như Mỹ con, mà vàng hực như trái cam Florida. Vừa hết hồn mà vừa mắc cười. Thằng nhỏ kêu cứu:

- Mẹ ơi, làm sao bây giờ? Cái đầu nầy ngày mai không thể "dô" trường được, mẹ ơi.

Tôi phải chở nó đến tiệm uốn tóc, vừa tốn công lại vừa tốn tiền, nhưng không hề cằn nhằn. Nó đã khổ rồi, tôi là mẹ, giúp được nó thì giúp, tôi không làm cho nó khổ thêm. Có lẽ vì vậy mà nó luôn nghĩ đến tôi lúc hữu sự. Nó luôn kể tôi nghe tất cả mọi điều về nó, vì nó tìm thấy ở tôi một sự bao dung, che chở, thông cảm và chia sẻ.

Tôi có tật hay cười. Tôi dễ cười lắm. Những năm trung học tôi có đọc một bài viết "An Nam ta, gì cũng cười", tôi là người An Nam điển hình đó. Mà hễ cười thì ít giận, ít bực bội. Có phải điều này làm các con tôi gần gũi với tôi hơn?

Thằng Út chơi thể thao cũng giỏi. Nó là thành viên đội baseball của trường. Mỗi lần nó thi đấu với trường khác tôi đều đến tận nơi để ủng hộ, mặc dù tôi nào có biết gì về thể thao đâu. Bởi vậy có lần tôi quê muốn độn thổ luôn. Trong một trận đấu, nó cầm cây “bat”, đánh trúng vào trái banh của đội kia văng ra khỏi lằn biên nên được điểm. Thiên hạ vỗ tay tán thưởng vang rân, nhưng tôi, mẹ nó, lại đứng im ru, vì tôi đâu biết con mình mới được điểm đâu nè. Thiệt quê một cục. Nhưng mà biết rồi nhen. Lần sau, nó lại cầm cây “bat” đánh trúng trái banh của đội kia ném. Tôi đứng dậy vỗ tay thiệt lớn. Tiếng lốp bốp chỉ của riêng tôi vang lên lạc lõng trong sân đấu. Nhìn lại chung quanh, cả đội của nó vẫn im re, còn nó thì tiu nghỉu liệng “bat” đi vô. Tôi hỏi nhỏ:

- Sao vậy con, con đánh trúng mà?

- Nhưng tụi nó chụp được. Tụi nó có điểm. Con thua.

Tôi hố quá rồi. Tôi quê quá rồi. May mà thằng nhỏ không giận, không "cấm" tôi theo nó nữa.

Thôi bây giờ kể qua chuyện tình duyên của nó.

Thằng Út biết yêu sớm lắm. Còn nhớ lúc mới bốn tuổi, nó đã tủm tỉm cười mà nói với tôi:

- Hỏng biết mai mốt con cưới ai làm "dợ" đây nữa? Chắc con cưới con Rebeca quá (con bạn học chung mẫu giáo của nó). Nó bận đồ đẹp lắm mẹ ơi.

Tôi kể chị Sáu tôi nghe, chỉ cũng cười và nói với tôi:

- Thằng Phúc (con chỉ) hồi nhỏ cũng hỏi tao, "Nhà mình chỉ có ba người, ba đã cưới mẹ rồi, vậy còn con, mai mốt con cưới ai hả mẹ?"

Ha ha ha. Con nít ngô nghê hết sức. Nhưng mấy đứa như vậy biết yêu sớm lắm. Mười sáu tuổi, Tư Quậy đã yêu đứa con gái Việt Nam cùng tuổi, nhưng học khác trường, ở khác thành phố, quen biết nhau qua thằng bạn. Mẹ con bé rất khó, không cho bạn trai tới nhà nên tụi nó ít có cơ hội gặp nhau, thường chỉ thấy nó ôm phone thì thầm thủ thỉ. Chỉ sau vài tháng, con bé tuyên bố chấm dứt quan hệ để lo học hành. Nó muốn gặp con bé để nói chuyện, có lẽ định năn nỉ hay thuyết phục gì đó, nên nói với tôi:

- Mẹ chở dùm con lên nhà con Thuý.

- Sao không dùng phone mà phải đến nhà?

- Con muốn gặp để nói chuyện thẳng với nó.

- Vậy thì đi.

- Không được. Phải sau chín giờ tối mới đi được.

- Trời đất! Sao phải đi tối quá vậy? Tối mà lái xe quá xa, mẹ ngán lắm.

- Nó phải chờ cho má nó "dô" phòng ngủ, mới lại cửa sổ nói chuyện với con, chứ con đâu "dô" nhà nó được.

Đúng là “yêu em mấy núi anh cũng leo, mấy sông anh cũng lội, cực cỡ nào anh cũng đi”. Chỉ có điều anh còn nhỏ quá nên mẹ anh phải chở anh đi. Ôi, tội nghiệp hai mẹ con tôi. Vậy là mới mười sáu tuổi, nó đã nếm mùi thất tình, mối tình đầu. Nó buồn, cứ trằn trọc, không ngủ được. Nó nói:

- Sao con khổ quá mẹ ơi, mẹ có bao giờ khổ như con "dzậy" không? Mẹ nằm đây với con, nắm bàn tay của con, chờ khi nào con ngủ rồi mẹ hãy đi.

Mùi vị thất tình tôi đã nếm qua. Khổ sở cỡ nào tôi cũng đã biết. Lòng tôi xốn xang khi thấy con mình đau khổ vì tình, nhưng cũng sung sướng vì tôi được nắm lấy bàn tay của nó mà chia sẻ nỗi đau của nó.

Lúc đó, nó đang học lái xe, nhưng chưa được phép lái ra đường. Thấy nó khổ quá, tôi tìm cách cho nó khuây khoả, hỏi nó:

- Tập lái xe không? Chờ tối tối, vắng xe, mẹ cho con lái ra đường hén.

Nó mừng lắm, chịu liền, nhờ vậy mà đỡ khổ. Nhưng mà tôi cũng liều lĩnh quá sức, dám cho thằng nhỏ tập lái xe ngoài đường lúc đang thất tình. Làm mẹ, sao chịu được khi nhìn thấy con mình khổ sở, nên làm càn.

Vết thương lòng qua rất nhanh, năm sau, mười bảy tuổi, nó đã quen với một con bé khác, nhỏ hơn nó một tuổi. Cuộc tình thứ hai kéo dài tới năm năm. Trong năm năm đó, đứa con nít mới lớn trở thành chàng thanh niên trưởng thành. Nó phát triển rất nhiều về khả năng và trí tuệ. Con bé thì ngược lại. Thêm nữa, cá tánh càng lúc càng không phù hợp. Nó quyết định chia tay. Nó nói, chờ cho con nhỏ lớn thêm.

Mặc dù con bé rất đau khổ, nhưng thằng Út của tôi vẫn chặt dạ, nó mệt mỏi vì cãi nhau với con bé quá rồi. Tôi hơi tiếc. Con bé dễ thương, vui vẻ, lễ phép, tuy sanh đẻ ở Mỹ mà rất dễ nuôi, khô mắm gì nó cũng dứt tuốt, lại nói tiếng Việt rành rọt. Mỗi lần đi chợ mua sắm với con bé, nó đều giành đẩy xe xách giỏ rất xông xáo. Tôi không có con gái, nên thương con bé lắm. Nhưng cuộc đời thằng Út là của thằng Út, nó không cần và không muốn tôi xía vô thì tôi không thể xía vô.

Có lần, nó dẫn về một cô bạn gái, con nhỏ cũng đẹp, dễ thương, nhưng gia cảnh không mấy tốt. Tôi dặn trước:

- Quen thì quen, nhưng sau nầy không thể cưới.

Nó biết vì sao tôi nói không thể cưới, nên đã nói với tôi một hơi, giọng cương quyết:

- Cuộc đời của con là của con. Mẹ không thể quyết định cuộc đời con cho con. Yêu là yêu. Không thể vì cái gì mà yêu hoặc vì cái gì mà không yêu. Tình yêu nếu có suy nghĩ, tính toán và chọn lựa thì không thật sự là tình yêu. Một đứa con gái tốt, nhưng không có hoàn cảnh tốt, không thể có người chồng tốt hay sao?

Cái lý lẽ của một thằng nhỏ mới hai mươi ba tuổi, mãi đến mấy năm sau nầy, khi gần sáu mươi, tôi mới thấy đúng.

Nó tốt với con bé đó lắm. Con bé sống một mình. Có hôm con nhỏ bịnh, nó về nhà, hỏi tôi cách nấu cháo để mang lại cho cô nàng. Dĩ nhiên tôi phải "ra tay" cho nó rồi. Chỉ là bạn, nó khẳng định với tôi và nói tiếp, không biết sao nó cứ thấy tội nghiệp cho những đứa con gái không có hoàn cảnh tốt.

Rồi nó lại có bồ. Hai đứa biết nhau từ lúc còn học trung học, nhưng đến giờ mới cặp bồ. Con bé ngoan, hiền lành, dễ thương và coi bộ hợp với thằng con hơn. Nhưng lần nầy thì hơi mệt cho tôi. Con nhỏ là dân "mắm bồ hóc" Cambodian, nên khô mắm gì cũng thích. Có điều, với vốn tiếng Anh như gió, khi có khi không của tôi, tôi không thể tía lia được với con bé, hơi tiếc.

Thôi, kể qua chuyện khác. Chuyện nuôi gà.

Thằng Út rất thương thú vật. Một lần, nó ôm về ba con gà giò, hí hửng khoe với tôi:

- Mẹ, anh con Hiền cho con nè, một gà trai với hai gà gái. Mẹ lấy cái gì nhốt đỡ, vài bữa nữa con kiếm mua cái chuồng.

Tôi bật cười vì mấy tiếng gà trai, gà gái của nó. Rồi thở dài ngao ngán. Ứ hự! Lại đem cực về cho tôi nữa. Nào cá, nào thỏ, nào chim, nào rùa... Bây giờ tới gà. Nó ham nuôi thiệt. Nhưng nựng nịu, ngắm nghía là nó, mà chăm sóc, cho ăn, hốt cứt, cũng sẽ là tôi. Thôi thì, thương con, thương cả gà con ôm về. Chứ biết sao đây? Tôi lấy cái chuồng bằng kẽm hồi trước dùng để nuôi thỏ, nhốt tạm ba con gà, rồi hốt gạo cho ăn. Gạo lúa mới Thái Lan thơm lừng, tôi tiếc đứt ruột. Nhớ hồi tôi còn nhỏ, má tôi nuôi gà chỉ cho ăn bữa sáng, ngay sau khi mở cửa cho ra từ chuồng. Sau đó thả cho chúng tự đi bươi, kiếm mồi dưới đất mà ăn. Nhưng nhà tôi không có hàng rào, thả ra, chúng sẽ đi mất. Được vài hôm, thằng con đề nghị:

- Chắc nó quen rồi, mẹ thả một con cho nó ra ngoài chơi, còn hai con thì mình vẫn nhốt. Một mình nó ở ngoài, chắc nó không bỏ đi đâu.

Quả đúng như vậy. Bắt đầu từ đó ba con gà được thay phiên nhau ra ngoài dạo chơi. Rồi từ từ, đến lúc, chỉ nhốt một con, còn hai con ở ngoài. Một hôm tôi nhìn con gà bị nhốt cứ lúc thúc đi tới đi lui trong cái chuồng nhỏ xíu như người bị cầm tù, tội nghiệp quá, tôi thầm nghĩ:

- Chắc nó đã quen rồi, không đi xa đâu. Mà có đi thì chiều cũng về chuồng ngủ, giống gà của má mình hồi xưa.

Tôi thả con cuối cùng ra luôn. Nhìn nó tung tăng chạy nhảy với hai con kia mà lòng vui lây, có cảm giác như mình vừa mới làm được hành động nghĩa hiệp. Nhưng hỡi ơi! Khi thằng con về, ra thăm chuồng, thì không còn con gà nào nữa, dẫn nhau đi đâu biệt tăm rồi. Hỏi ra cớ sự, thằng con cự nự:

- Sao mẹ ngu quá vậy?

Tôi xụ mặt xuống. Nó thấy tôi giận bèn dài giọng nhỏ nhẹ:

- Mẹ...! Con xin lỗi mẹ vì con đã la mẹ ngu.

Tôi mát ruột nhưng rán nín cười vì sợ thằng con lờn. Ai dè nó bồi tiếp, giọng chắc nịch:

- Mà mẹ ngu thiệt chứ.

Có ông bà phong kiến nào chửi tôi thì tôi chịu, chứ tôi hết nín nổi khi nghe cái kiểu “đổi tone” bất tử của nó, nhe răng bật cười. Ờ, mà sao kỳ vậy? Những lúc nó khen tôi “Mẹ thông minh quá, mẹ ơi.” hay là “Con thông minh giống mẹ quá đi.” thì tôi khoái chí nở lỗ mũi, nhưng sao tôi không muốn nó nói tôi ngu khi tôi ngu thiệt? Tiếng cười khúc khích tự nhiên chấm dứt "lỗi phải" giữa tôi và nó, hai mẹ con cùng nhau đi kiếm mấy cô chú gà gái gà trai. Cuối cùng cũng tìm gặp chúng đang nằm dưới lùm cây hóng mát. Tôi chạy về hốt nắm gạo ra dụ. Thằng con chụp được hai gà gái. Con gà trai hoảng hồn, co giò, giang cánh, phóng một nước. Coi như mất.

Hôm sau thằng con đi một vòng kiếm thử cầu may thì thấy gà trai trong khu rừng nhỏ gần nhà. Nó chạy về hốt gạo đến dụ nhưng vẫn không tài nào bắt được. Lớp mẹ, lớp con, rảnh rảnh thì xách chuồng và gà gái lại rừng cây dụ khị gà trai nhưng đều thất bại. Một tuần vẫn chưa bắt được. Có con bé nhà ở ngay cạnh rừng, tốt bụng nói với thằng con để nó canh bắt giùm. Con nhỏ cột chân gà gái vào chuồng rồi dùng sợi dây thật dài, một đầu cột vào cửa chuồng cho mở ra, một đầu ngồi khuất trong nhà giữ. Nó dùng gạo dụ cho gà trai vào chuồng rồi thả dây cho cửa chuồng đóng lại. A ha, thành công rồi, mừng quá. Tôi đền ơn con bé bằng cách tặng mẹ nó một mớ cà chua dưa chuột trồng trong vườn nhà tôi.

Bửa nọ trời gió lớn quá làm chuồng gà ngã xuống, chận trúng đầu một cô gà gái, chết ngắt. Chỉ còn lại một trai, một gái. Thằng con hoảng hồn, lập tức đi mua cái chuồng gà bằng cây đàng hoàng, “second hand” thôi, với giá năm chục đô. Hai con gà lớn dần. Gà trai bắt đầu biết gáy. Sáng nào nó cũng gáy ò ó o om sòm trời đất. Tôi sợ hàng xóm bực mình, kêu cảnh sát thì phiền hà lắm, nên năn nỉ thằng con cho tôi xử trảm. Nó nhất định không chịu:

- Con muốn có gà con.

- Muốn có gà con thì mua gà con về nuôi. Chi mà phải khổ như vậy?

- Không phải con chỉ muốn có gà con, mà con muốn nhìn gà mẹ dẫn gà con đi chơi nữa kìa, thấy thương lắm.

Tôi đành phải kiếm đồ trùm thật kín chuồng gà vào mỗi buổi tối để gà trai không biết trời sáng mà gáy. Ôi, cực hết sức. Lúc đó đã là mùa đông, vừa mưa vừa lạnh mà tối nào tôi cũng phải ra ngoài trùm chuồng gà, ngán thấy bà cố. Còn thằng con tôi, nó có ở nhà để giúp tôi đâu, nó đã vào đại học và ở nội trú, đến cuối tuần mới về.

Rồi đến lúc gà gái đẻ trứng. Gom gom lại cũng hơn 1 chục. Tôi tuy ở nhà quê nhưng chưa từng bao giờ cho gà ấp trứng, đâu biết phải làm sao, nên giao cho thằng Út. Nó hăng hái mang trứng ấp theo cách học được từ trong trường. Nó lấy cái rổ, trải cái khăn, rồi bỏ trứng vào, lấy cây đèn bóng tròn rọi vào sưởi cho ấm. Vài giờ sau, anh chàng bưng rổ trứng lại gần tôi, cười lỏn lẻn và nói:

- Nè. Mẹ ăn luôn đi. Chín hết rồi.

Ha ha ha. Mắc cười quá. Xong rồi. "Phẻ". Thì ra anh chàng để cái bóng đèn quá nóng. Tưởng dễ hả con? Vậy cho con cam lòng. Anh chàng đành cho phép tôi được quyền xử trảm gà trai nhưng với điều kiện:

- Mẹ không được cho con ăn thịt của nó. Con dặn mẹ rồi, mẹ mà cho con ăn, con biết được, con không thương mẹ nữa.

Chỉ còn lại một gà gái. Vài tuần sau, chắc chó hàng xóm nghe tiếng, đến mở cửa chuồng do tôi không gài kỹ, bắt gà đem đi xé xác ăn thịt. Lỡ rồi. Nó đang đi học, không chính mắt nhìn thấy cảnh con gà bị xé xác nên không đau lòng lắm, chỉ nói: “Tội nghiệp.” Phần tôi, xui mà hên. Chấm dứt những ngày lu bu với mấy con gà.

Vài hôm sau, nó xịt nước chùi rửa chuồng rồi rao bán trên mạng. Nó bỏ ra năm chục bạc, mua xài đã đời, rồi bán lại cũng được năm chục, coi như huề vốn.

Cái thằng thật là kỳ lạ. Không biết nó giống ai mà ngay từ nhỏ đã có gan buôn bán. Cái gì còn xài được là nó bán được, bán rất dễ dàng và được giá. Nó bắt đầu sự nghiệp buôn bán của nó bên cạnh việc học từ lúc nó còn học tiểu học. Một lần, nó đem kẹo vô trường ăn. Thằng bạn năn nỉ mua với giá một đồng. Lời quá rồi vì nó mua chỉ có ba mươi ba xu. Nó bán liền. Từ đó, mỗi ngày nó bỏ kẹo vô cặp, đem vào trường bán cho mấy thằng Mỹ. Một lời hai. Tôi nói với nó:

- Bán chi mắc quá vậy, bán một lời một được rồi.

- Mấy thằng Mỹ nhiều tiền lắm mẹ ơi. Một lời một bán chi cho cực. Tụi nó chịu mua một đồng thì con bán một đồng cho chẵn, khỏi thối.

- Sao nó không mua đem theo mà ăn, mua của con chi cho mắc quá vậy?

- Mỹ mà mẹ.

Mỹ mà mẹ. Là sao? Không hiểu nổi. Có thể là Mỹ con không hà tiện, không tính toán thiệt hơn. Có thể là Mỹ cha, Mỹ mẹ không cần biết Mỹ con không thích đồ ăn của trường nấu, đói bụng thì ăn gì? Có hôm nhà tôi hết kẹo, chưa kịp mua, nên nó không có kẹo mang theo, mấy thằng Mỹ con cứ xoa bụng: "Bao! Có gì ăn không Bao? Tao đói bụng quá." Nó xách cả mì gói ở nhà vô bán. Mì tôm, dòn dòn, chua chua, mấy thằng Mỹ cũng thích lắm. Lại một đồng một gói cho chẵn, khỏi thối. Mặc dù mì thời đó, mua một đồng tới sáu gói.

Có người trách tôi sao để nó làm gì kỳ vậy. Vậy chứ tôi phải làm sao? Tôi hoàn toàn không có chút máu buôn bán. Tôi không xúi con kiếm lời. Tôi không thích nó làm vậy. Nhưng đó là niềm vui, là sở thích của con tôi. Tôi không ủng hộ, khuyến khích, nhưng tôi cũng không thể ngăn cấm. Nó không lường gạt ai. Nó cũng không phạm luật. Nó vẫn học rất giỏi. Vì lẽ gì mà tôi ngăn cấm nó? Tôi bây giờ thấm thía một điều: Nếu trong cuộc sống, mà người nào đó cứ phải bị ràng buộc, lệ thuộc, hay bị la rầy, ngăn cấm, áp bức, người đó sẽ không phát triển được. Họ sẽ mất tự tin, sẽ có đời sống tinh thần nhu nhược, yếu đuối, thậm chí lâu dần sẽ trở thành bệnh hoạn. Không phải điên loạn mới là bệnh hoạn, theo tôi, suy nghĩ sai lầm cũng là hình thức của tinh thần bệnh hoạn rồi.

Cũng may, sự nghiệp bán kẹo của cậu Tư Quậy chỉ kéo dài được vài năm. Lên trung học nó không bán được nữa vì học trò lớn, trường đã có máy bán bánh kẹo, nước uống đầy đủ.

Không bán kẹo thì nó bán thứ khác. Cái gì còn xài được là nó bán được. Vài năm sau đó, khi nó đã biết lái xe, mê xe, thì nó cũng bắt đầu học sửa xe, bán xe, bán phụ tùng xe. Bạn của anh hai nó mua xe về tân trang bán lại kiếm lời, nhưng không bán được, phải nhờ nó bán dùm rồi cho huê hồng mỗi chiếc ba trăm đô. Nó bán cái vèo, có bao nhiêu bán bấy nhiêu. Có lần, bạn của anh nó kêu giá năm ngàn. Nó coi xe, nhắm bán được năm ngàn rưởi, nó kêu giá năm ngàn rưởi, và nó bán được năm ngàn rưởi thiệt. Tôi hỏi nó:

- Vậy con được tám trăm hả Bảo?

- Không. Con chỉ lấy ba trăm thôi. Năm trăm bán hơn, con đưa cho anh Tú. Ảnh cực khổ mà mẹ. Còn con chỉ nói vài câu, có làm gì đâu, lấy ba trăm là đủ rồi.

Tôi rất thích cách suy nghĩ của nó, biết người biết ta, không coi đồng tiền quá bự.

Thằng Út cũng mua xe cũ, nhưng không phải xe nào cũng mua, mà phải là loại xe đúng gu của tụi chơi xe mới được, với giá thật rẻ, đem về, tháo hết đồ trong xe ra, bỏ lên mạng, bán dần. Tuy cực nhưng lời nhiều lắm, mà lại là hobby của nó. Những phần còn lại như sườn xe chẳng hạn, nếu có giấy tờ thì kêu xe tới kéo đi bán sắt vụn, không có giấy tờ thì chịu khó cưa nhỏ ra rồi tự chở đi bỏ. Có lần, nó cưa xong chiếc xe, chở đến bãi bỏ. Nó phải chở hai chuyến. Sau chuyến đầu trở về, nó kể:

- Lên đến bãi liệng, con thấy có một ông ở đó, ổng hỏi xin con, con cho ổng luôn.

- Cho ổng làm gì?

- Ổng chở đi bán.

- Vậy sao con không chở đi bán như ổng mà phải đi liệng?

- Chỗ liệng gần đây còn chỗ bán xa lắm. Con làm được nhiều tiền rồi, không cần kiếm thêm mấy chục mà phải chở nặng đi xa. Mà cũng tội ổng lắm mẹ. Nhìn ổng nghèo và khổ lắm, chạy chiếc xe quá xá cũ. Không đi xin ăn mà chịu khó làm kiếm tiền như vậy là tốt lắm rồi. Con kêu ổng bán xong, trở lại, con cho ổng một xe nữa.

Sau chuyến thứ hai trở về, nó lại kể:

- Con lên tới nơi, không thấy ổng. Con gọi ổng. Ổng nói xe ổng bị hư ở chỗ bán, mượn con chở tới đó dùm luôn, hứa trả lại tiền xăng cho con. Con tội nghiệp nên chịu giúp ổng. Mẹ coi đó. Con chở lên tới chỗ bán, xa lắc, nhưng con không bán lấy tiền, con vẫn cho ổng. Ổng không trả lại tiền xăng thì thôi. Đàng nầy ổng lại xin con thêm ba đồng. Con không cho. Ổng thấy con tốt, lợi dụng con, con không thích.

Còn có một lần, nó tháo hết đồ trong xe, kể cả bánh xe nó cũng lấy, chỉ còn lại cái sườn xe. Vì xe có giấy tờ nên nó kêu người đến chở đi bỏ. Theo lệ thì không ai phải trả tiền ai. Nó thì bỏ được xe. Người kia thì chở đi bán sắt vụn, kiếm được tiền. Nhưng lần đó nó cho ông ấy thêm năm chục, và giải thích:

- Xe còn nguyên thì nặng hơn, ổng bán được nhiều tiền. Xe nầy con lấy hết đồ ra rồi, nhẹ hìu, ổng bán không được bao nhiêu. Mà con lại tháo hết bốn cái bánh ra, nên ổng kéo cái sườn lên xe ổng cực quá, mẹ thấy không? Cũng thì “mần ăn” mà con “mần” dễ dàng, nhưng kiếm được nhiều tiền, còn ổng thì cực khổ, lại không kiếm được bao nhiêu, nên con cho ổng thêm chút đỉnh.

Tôi thiệt rất thích cái cách cư xử trong lối "mần ăn" của nó. Nó tốt bụng, không những chỉ trong những vụ “mần ăn”. Nó luôn sẵn sàng giúp đỡ những ai nó thấy cần giúp. Tôi lại thích thằng Út ở chỗ nó không để ai lợi dụng lòng tốt của nó. Có lần, thằng bạn đem toán lại nhờ nó chỉ. Nó ngồi chỉ thằng bạn thật lâu, cho đến khi thằng bạn biết làm. Tôi nhìn thấy thằng bạn ngồi cặm cụi làm toán một mình. Không bao lâu sau, lại thấy thằng bạn mở cửa đi ra. Còn nó lại ngồi làm toán, trên bàn có tờ hai chục. Tôi thắc mắc, hỏi:

- Thằng Sam đâu rồi mà con làm toán vậy Bảo? Còn tiền gì để trên bàn vậy?

- Nó đi chơi rồi. Nó không biết làm toán nên đem lại kêu con chỉ. Con chỉ cho nó biết làm. Nhưng làm được mấy bài thì nó lại làm biếng không làm nữa. Nó kêu con làm dùm phần còn lại, trả công cho con hai chục.

A ha, chuyện "mần ăn" kiểu nầy thật hy hữu, chắc là có một không hai. Tôi cũng không biết thằng con tôi nó làm như vậy là đúng hay sai? Nhưng tôi thích cái nguyên tắc của nó. Khi nó thấy cần giúp, nó sẽ giúp tận tình, dù bạn thân hay không quen, nó đều tốt bụng và rộng rãi lắm. Nhưng khi nó thấy không cần giúp, thì nó sòng phẳng mà không e ngại. Như vậy sẽ không ai bị thiệt thòi, mếch lòng, hay ấm ức. Sòng phẳng, không lợi dụng và không để bị lợi dụng, theo tôi nghĩ, cũng là một trong những yếu tố giúp duy trì mối quan hệ được lâu dài, bền vững.

Thôi, trở lại cái vụ xe cộ. Cũng có khi thằng hai tôi mua xe ở St. Louis, tiểu bang Missouri (gia đình bà chị tôi và thằng hai tôi ở bên ấy), rồi thằng út đi máy bay qua St. Louis, lái xe về Seattle, bán kiếm lời. Đường xa dịu vợi mà nó lái về một mình, tôi lo, nên cản:

- Lời lóm bao nhiêu mà con làm chi cho khổ vậy Bảo?

- Con thích mà mẹ. Tại mẹ tưởng con khổ chứ con không khổ. Nếu con khổ, con đã không làm.

Thấy nó đi một lần êm xuôi an toàn, lần sau tôi xách giỏ chạy theo. Tôi cũng có máu giang hồ nên mê đi lắm.

Ba ngàn miles nó chạy một nước, chỉ phải ngừng lại nằm ngủ vài giờ trong xe chứ không chịu vô khách sạn, vừa tốn thời gian lại vừa tốn tiền. Xe của dân chơi thì toàn xe số tay, tôi không thể lái phụ, nên ngồi không rồi ngủ li bì. Thiệt kỳ cục, tôi đã già mà như con nít, hễ lên xe là ngủ, dù đã cố gắng nhướng hai con mắt lên để nói chuyện với thằng con cho vui nhưng cuối cùng cũng phải chịu thua. Mặc dù vậy tôi cũng có những kỷ niệm khó quên với nó trong những chuyến đi đó.

Ngoài lúc phải học hành ra, thằng Út chỉ thích loay hoay với xe cộ. Nó có nhiều xe lắm, nhưng toàn là xe của dân chơi xe. Cứ mua về, sửa sang tân trang, cần thay máy thì thay máy, rồi bán lại kiếm lời. Xe nào vừa ý thì để dành chạy chơi không bán. Có khi mua xe về, chỉ để lấy mấy cái vỏ xe và body, rồi thay toàn bộ đồ bên trong. Ở những năm hai mươi tuổi mà nó đã như một người thợ máy lành nghề. Còn bà già nầy thì cũng biết... chút chút, vì thỉnh thoảng phải theo phụ nó. Nhất là đạp thắng, nhồi thắng cho nó sửa thì thiện nghệ vô cùng. Đừng tưởng bở. Không phải dễ đâu à nhen. Phải biết đạp thật mạnh, rồi giữ chặt lại, sau đó phải biết thả ra, cũng như phải biết nhồi nhồi... theo lệnh của nó. Làm không đúng, nó sửa không được, nó cho lay off thì buồn. Thật ra, có lúc cũng ngán thấy tía, nhất là vào mùa Đông lạnh ngắt mà phải ngồi lâu trong garage mở toang cửa. Nhưng có khi phụ được nó cũng là niềm vui, vì chứng tỏ tôi không đến đỗi già nua, hết xài, mà lại có thời gian gần gũi với con. Vì vậy, được làm “ thợ phụ " thì mặt mày phải tươi tỉnh, không được than thở, cằn nhằn hay bực bội à nhen, còn phải ráng làm cho tốt để được phụ hoài.

Tư Quậy nhà tôi còn khoái đi coi đua xe bất hợp pháp của con nít chơi xe nữa chớ. Dỉ nhiên tôi ghét dữ lắm, nhưng không cấm, vì biết rằng có cấm cũng không được. Thôi thì vài năm nữa, lớn lớn một chút, hay khi đã có vợ con, tôi nghĩ nó sẽ bỏ thôi. Tôi đâu có thấy thằng “sồn sồn” nào khuya khuya còn đi coi đua xe đâu. Cũng may, nó chỉ coi chứ không đua nên không nguy hiểm lắm. Mà đua xe thì chỉ đua từ giữa khuya cho đến gần sáng, đường vắng mới đua. Người đua xe chạy xe đua đã đành. Người đi coi cũng chạy xe đua nữa, vậy mới “ngầu”.

Một lần, nó mới ráp xong chiếc xe, hôm sau lại nhằm thứ Bảy. Tối thứ Bảy là tối của đua xe. Nó xách xe đi với con bạn gái. Bốn giờ sáng tôi đang ngủ ngon thì chuông điện thoại reo. Thì ra xe của nó bị hư trên đường về, nó gọi tôi đem đồ đến cho nó sửa. Tôi lập tức lái xe đến:

- Sao lại phải sửa liền? Bỏ đó đi con, về ngủ, ngày mai hãy tính.

- Bỏ đây mất sao mẹ?

- Xe hư không chạy được, sao mất?

- Xe của con dân chơi xe mê lắm, không chạy được thì nó cũng kêu xe chở về tháo lấy hết đồ của con.

Nó kêu tôi về ngủ tiếp, nhưng sao có thể để hai đứa nhỏ loay hoay sửa xe trong đêm tối vắng vẻ, tôi ở lại, ít ra cũng cầm đèn pin rọi cho nó và có thêm người. Mặc dầu không nói ra, nhưng nó cũng cảm nhận được cái lòng của tôi đối với nó.

Một lần khác, sáng Chủ nhật mà nó dậy thiệt sớm, đến gần tôi, nói nhỏ:

- Mẹ, hồi hôm con với con Hiền đi coi đua xe, bị xe đụng.

- Trời đất, có đứa nào bị sao không?

- Không. Nhưng xe con nát đầu, coi như bỏ. Con phải kêu xe chở về, đang để ở trước nhà, trùm kín lại rồi. Con định dấu mẹ, sợ mẹ lo, mẹ rầy, nhưng thôi, con không dấu.

Không bị thương là tốt rồi. Còn xe thì kệ. Xe của nó mà, có sức chơi phải có sức chịu, tôi chẳng lo mà cũng chẳng rầy. Tôi biết, nó là thằng biết học những bài học từ thất bại hay sai trái, không cần dạy cũng không cần rầy. Nó kể lại:

- Con với con Hiền đậu xe trong lề, ngồi coi. Thằng Mỹ trắng hai mốt tuổi, đang đua bỗng lạc tay lái, đâm vào đầu xe con. Con hết hồn tưởng chết. Đến khi bớt sợ, con quay qua con Hiền coi nó còn sống không? Nó cũng không sao. Xe thằng Mỹ còn chạy được, nên nó lái bỏ chạy luôn. Nhưng may quá, lúc đụng xe, cell phone nó bị rớt xuống đường, gặp lúc đó má nó gọi, phone reo, con nghe nên lượm được. Một lát nó quay trở lại. Nó muốn đền cho con ba ngàn. Con không chịu. Con đòi sáu ngàn, vì xe con trị giá sáu ngàn. Nó không chịu nên phải đưa bảo hiểm cho con.

Sau đó, bảo hiểm của thằng Mỹ đến coi xe của thằng Út và đền cho nó mười ba ngàn. Thật không thể tưởng tượng. Nghe qua như “xạo” nhưng tôi không “xạo” chút nào. Xe của nó dùng toàn đồ xịn, nhưng lại là đồ second hand. Bảo hiểm thì chỉ biết trả theo giá đồ mới. Nó nói thằng Mỹ con nhà giàu, mua bảo hiểm tốt, nên đền bù ngon lành. Ai mà biết đúng hay không? Chỉ biết xui mà hóa hên. Mà hên nhất là từ đó nó không còn thích đi coi đua xe nữa.

Nhờ nó chơi xe, rành về xe nên vấn đề xe cộ nhà tôi khoẻ lắm. Cứ đi về bỏ đó, đã có nó lo hút bụi, chùi rửa, thay nhớt, kiểm tra, bơm bánh... và sửa chữa từng chiếc. Ôi, khoẻ làm sao! Mà cái thằng Tư Quậy này, coi bộ số nó cũng cực. Hễ nó đi học đi chơi thì thôi, khi nó ở nhà, nếu không lo xe lo cộ thì cũng làm việc tối ngày. Nó cắt cỏ, nó dọn dẹp, nó làm vườn, nó sửa cái nọ, nó làm cái kia, không bao giờ thấy nó ở không. Hai bàn tay nó thiệt lanh, đứng ở nhà bếp nói chuyện với tôi mà miệng nói tay dọn, một hồi là gọn gàng ngăn nắp sạch trơn. Nó lại lanh lợi nên chuyện gì trong nhà cũng do nó giải quyết. Bảo hiểm, điện thoại, internet, chuyện mua bán, đồ đạc, máy móc trong nhà... trục trặc là nó giải quyết hết, gọn gàng lẹ làng. Cả nhà tin tưởng vào nó, tôi thì khỏi nói rồi, mấy thằng anh nó cũng vậy, làm gì cũng hỏi ý kiến nó. Bởi vậy mà tôi hơi lo, e rằng sau nầy, nó sẽ không sống hạnh phúc được với vợ. Nó giỏi đủ điều, nên nếu vợ nó không tháo vát... như tôi (ha ha ha), cứ ù ù cạc cạc, nó sẽ dễ bực, dễ chán lắm.

Và nó cũng vẫn thương tôi như hồi còn nhỏ xíu. Thỉnh thoảng vẫn ôm tôi, rồi nói:

- Không biết tại sao mà con thương mẹ quá mẹ ơi. Mẹ may mắn có con trai thương mẹ tới như vậy đó nhen mẹ. Con nói với mấy bạn của con, mẹ là “The best mom in the world”. Mai mốt con học xong ra trường, con sẽ lo cho mẹ, hỏng cần biết vợ con chịu hôn, hỏng chịu cũng phải chịu.

Chuyện mai mốt để mai mốt tính. Tôi sẽ không để con cái vì tôi mà mất hạnh phúc. Còn bây giờ tôi cứ enjoy tình cảm mẹ con giữa tôi và nó trước đã.

Nó phát triển nhanh hơn tuổi về suy nghĩ và khả năng. Hồi nhỏ nó dựa vào tôi, còn bây giờ hầu như tôi dựa vào nó. Hồi nhỏ nó quậy "tưng bánh", còn bây giờ tôi không chê nó được chỗ nào. Nó là người tôi thích kể lể khi gặp chuyện buồn phiền hay lo nghĩ. Nó luôn lắng nghe và thông cảm. "Thì mẹ learn thôi." là câu sau nầy nó thường nói với tôi mỗi khi tôi làm gì sai. Không còn "Mẹ ngu thiệt đó nhen." như hồi trước.

Có lần tôi chạy chiếc xe mới mua, bị cục đá văng lên làm nứt kiếng trước. Tôi bực mình cằn nhằn hoài. Nó nói:

- Đâu phải lỗi của mẹ đâu.

- Nhưng mẹ cứ bực mình vì xui quá.

- Thì người ta phải có lúc hên lúc xui chứ mẹ. Mẹ muốn hên "quài" sao được?

- Ờ, vậy thì thôi, mẹ không tiếc nữa.

Một hôm, tôi chở bà bạn đi chợ. Lên xe, hai chị em "tám" chuyện lia chia. "Tám" đến nỗi lúc xuống xe, quên lấy chìa khoá ra, thậm chí quên cả tắt máy, đi vào chợ. Cửa xe tự động khoá. Đến khi xách đồ ra xe thì mới tá hoả. Xe tôi có chìa khoá extra nhưng để ở nhà. Tôi nghĩ ngay đến thằng Út, nó sẽ sẵn sàng cứu tôi mà không mặt lớn mặt nhỏ, thở dài bực bội hay chắc lưỡi chau mày, cũng như ngày xưa lúc tôi cứu nó vậy mà. Khi người ta có lỗi, tự người ta cũng đã biết lỗi, đã feel bad lắm rồi. Nếu như phải cứu người ta, thì vui vẻ cũng cứu, bực bội cũng cứu, sao phải bực bội, làm khổ thêm cho mình, càng khổ thêm cho người? Cũng may hôm đó cuối tuần, thằng Út đang ở nhà, nó rủ thêm thằng bạn cùng đi. Trên đường, biết tôi nóng ruột, nó cứ gọi tôi riết:

- Con bây giờ bắt đầu đi. Mẹ ráng chờ. Nửa giờ nữa con tới nhen.

- Mười phút nữa con tới nhen mẹ. Mẹ ráng chờ chút nữa nhen.

Đến nơi, nó vừa ôm tôi thương cảm, vừa quây qua phân bua với bà bạn của tôi:

- Tội nghiệp. Mẹ con đang stress lắm bác ơi.

Đúng là lúc đó tôi đang "stress" thiệt. Nhưng trouble lần nầy là do nhiều chuyện, không phải do stress. Mà thôi, biết vậy để bụng được rồi, ngu gì mà khai thiệt với nó.

Chuyện của tôi và cậu Tư Quậy, kể hoài không hết. Nhiều năm trước, khi tôi nhận ra nó rất thông minh. Nó học mà chơi, chơi mà học, "Con chỉ học bài được sau khi mặt trời lặn thôi mẹ à." thì thỉnh thoảng trong lòng tôi dậy lên niềm tiếc rẻ: "Phải chi nó đừng mê chơi, phải chi nó tập trung hơn cho việc học..." Nhưng bây giờ, thấy cảnh ngộ của mình, cảnh ngộ của người, lại thỉnh thoảng nghe nó nói: "Con enjoy cái life của con quá, mẹ ơi." Và sau nầy, khi nó vào đại học ở Hawaii, nơi có nắng ấm và biển trời lồng lộng mà nó từng mơ ước, nó càng vui thêm, thì niềm tiếc rẻ xưa kia của tôi hoàn toàn biến mất. Công danh sự nghiệp của nó đã đủ để có thể bảo đảm cuộc sống vật chất căn bản sau nầy. Nếu như nó dành toàn bộ thời gian, sức lực và tâm trí thời trai trẻ để vươn cao hơn nữa, rồi sau đó có vợ có con, mang gánh năng trên vai, mà chưa từng một lần có thể mở miệng nói được câu "Con enjoy cái life của con quá, mẹ ơi." thì đó mới là hối tiếc thật sự.

Ngày xưa, lắm khi tôi mắc cỡ vì thằng Tư Quậy. Ở đâu, lúc nào nó cũng quậy. Nhưng bây giờ thì tôi rất tự hào về nó, Gia Bảo của tôi. Không phải vì nó sẽ là một dược sĩ tương lai mà vì khả năng, cá tánh và quan niệm sống của nó. Người ta nói: "Ngựa chứng là ngựa hay." Con ngựa Tư Quậy mà trở thành ngựa hay, không thể nào không kể cái công đóng góp của mẹ nó. Ha ha ha. Cho tôi nổ một chút đi hén.

Người ta nói: “Con người không mấy ai được hết mọi điều.” Câu nầy có lẽ đúng. Tôi cũng có bất hạnh của tôi. Tôi cũng có lỗi lầm của tôi. Tôi cũng có thất bại của tôi. Tôi cũng có nỗi buồn của tôi. Tôi cũng có niềm đau của tôi. Tôi cũng có nước mắt của tôi. Nhưng tôi cố tìm cái nắp, gài nó xuống tận đáy lòng như người ta gài củ kiệu, dưa món. Thỉnh thoảng niềm đau cũng len lén trồi lên, khiến tim tôi đau nhói. Thì phải gài chặt nó lại thôi. Hãy nghĩ đến và enjoy niềm vui có được. Quên nỗi muộn phiền đi.

Tôi vẫn phải sống. Sống vui cũng phải sống. Sống buồn cũng phải sống. Sao không chọn sống vui? Muốn mang được niềm vui thực sự đến cho người xung quanh, những người mà tôi thương mến, thì chính bản thân tôi phải buông bỏ phiền não để sống vui trước đã. Đó là điều, cuối cùng, tôi cũng đã nghiệm ra.

Tháng 11, năm 2013

Nguyễn thị Hoà Nam

Ý kiến bạn đọc
27/06/201411:25:49
Khách
Bài đọc hoài vẫn thấy hay, vừa vui mà cũng vừa mang nhiều ý nghĩa. Có nhiều điều giá mà tôi học được sớm hơn !!!!!
06/01/201408:00:00
Khách
Bài viết hay về tình mẹ con.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,259,102
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến