Hôm nay,  

Cô Khách Sở Welfare

03/11/201300:00:00(Xem: 32202)
Tác giả: Nguyễn Đặng Bắc Ninh
Bài số 4051-14-29451vb8110313


Tác giả định cư tại Seattle từ 1975, đã hồi hưu sau khi phục vụ trong ngành xã hội tiểu bang nhiều năm. Bài viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Đặng Bắc Ninh là “Nàng Dâu Mỹ” cho thấy cách viết chừng mực mà sinh động. Sau đây là bài viết thứ hai.

* * *

Hà xếp đặt lại giấy tờ trên bàn. Vừa trở lại đi làm sau mấy ngày nghỉ với con cháu về thăm, nấu ăn dọn dẹp, chị thấy mệt oải cả người. Tới tháng này mà thời tiết vẫn còn lạnh. Sáng nay có ửng lên chút nắng, nhưng ra khỏi nhà chị vẫn phải co ro trong chiếc áo dạ. Nhớ đến mấy câu thơ của Trần Mộng Tú “Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc. Anh có về gọi nắmg đến cho em”. Chị cười một mình. Tội quá. Vùng Tây Bắc này quả có nhiều mưa ít nắng nhưng đâu có hiếm hoi đến vậy. Nhà thơ thật đa cảm khác người.

Ngoài phòng đợi chỉ còn ít người, vì đã quá giờ phỏng vấn. Chắc toàn là khách đến hỏi những việc linh tinh như xin giấy giới thiệu đi Bác Sĩ chứng nhận mất hiệu năng làm việc, mất thẻ trợ cấp…vv.

Có tiếng gõ cửa rụt rè. Bà thư ký Wendy bước vào, trên tay cầm một tờ đơn “Còn một người nữa cần tái xét. Cô ta đến trễ nhưng năn nỉ quá. Ban tài chánh ai cũng về hết rồi. Chị tiếp cô ta dùm”. OK, Hà thở dài. Ðã sửa soạn sắp về mà còn thêm việc.

Làm công bộc bên Mỹ này là đầy tớ nhân dân thứ thiệt, chớ không phải nói xuông. Khách nhận trợ cấp mà cảm thấy bị đối xử bất công, có người gọi đến tận văn phòng Thống Đốc để than phiền, vì ở tiểu bang này, văn phòng xã hội thuộc tiểu bang, chứ không trực thuộc county như nhiều nơi khác.

Nhiều người rất ngại công việc này vì phải đối đầu với những vấn đề của nhiều tình huống phức tạp, với những khách có cá tính khác nhau. Ngoài kinh nghiệm với công việc, chị biết điều tiên quyết là phải có lòng nhân ái. Sự quan thiết sẽ thể hiện trong dáng vẻ, lời nói để tạo sự cảm thông và tránh làm tổn thương tự ái khách. Do đó đôi khi có phải từ chối trợ cấp vì lý do nào đó mà khách cũng tỏ ra hiểu biết mà không gây gổ.

Những thân chủ của chị, vì hoàn cảnh phải nhờ đến trợ cấp tiểu bang hay liên bang. Họ thuộc mọi sắc dân và các tầng lớp trong xã hội. Từ mấy gia đình Gypsy gốc Romania có truyền thống “không bao giờ đi học”, họ sống lang thang khắp nơi, nhiều nhất ở Âu Châu nay lan sang cả Mỹ. Có những gia đình nhiều thế hệ nối tiếp nhau sống nhờ trợ cấp. Có những người bệnh tật hay nghiện hút và có cả mấy ông tiến sĩ người ngoại quốc từ Trung Hoa, Hàn Quốc được sang Mỹ bằng học bổng tu nghiệp, họ không có bảo hiểm gia đình, nay vợ có bầu đến xin trợ cấp y-tế. Có ông luật sư trông còn trẻ mà tay run lẩy bẩy khi ký tên. Ông khai bị mất bằng vì nghiện rượu hay vì tội gì nữa không rõ, ông đến xin trợ cấp để đi cai nghiện. Và rất nhiều người tị nạn đến từ các nước chiến tranh như Việt Nam, Ukraine, Somalia, Ethiopia...

Trường hợp các người già và những người tàn phế, họ đã có tiền trợ cấp liên bang, Hà chỉ lo phần thực phẩm và y-tế nên lâu lâu mới phải tiếp xúc hoặc giở đến hồ sơ. Nhưng với đa số còn lại là những gia đình có con nhỏ, thì ôi thôi, làm việc muốn mờ mắt. Thêm nữa, đời sống của người Mỹ vô cùng phức tạp. Vợ chồng, bồ bịch nay tụ mai tán, thai nghén, sinh nở lung tung mà hầu hết là không chính thức. Nếu họ có kiếm được việc làm thì nay có mai không, rồi bị đuổi nhà, cắt nước cúp điện. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, chút chút lại chạy đến sở xã hội kêu cứu. Mỗi tháng đôi lần đều có chuyện. Lắm lúc thấy việc quá nhiều mà không đủ thời giờ giải quyết, Hà thấy đầu óc căng thẳng, những muốn bỏ việc. Tuy nhiên chị lại tự nhủ bao nhiêu người bỏ công bỏ của để giúp người, mà mình được trả lương để làm việc ấy, sao còn phàn nàn.

Nhiều khi chị thấy công việc mình làm không chỉ vì lương bổng mà còn có những chuyện ấm lòng mà chị coi là “bonus”. Hôm đó, một ông H.O. cao niên, vì giấy tờ không hiểu rõ hay không để ý, bị cắt tem phiếu và y tế. Bà vợ già của ông lại đang trị ung thư. Thực ra trước sau gì xin lại vẫn được, nhưng phải chờ lâu, trong khi đó người bệnh và thân nhân sẽ lo mất ăn mất ngủ.

Lúc đó đang giờ break, chị vẩn vơ đi ra phía phòng đợi thì thấy cô tiếp viên đang cố giải thích gì đó với một ông người Việt lớn tuổi mà cả hai cùng lúng túng. Nhìn thấy chị, cô Mỹ vội cầu cứu. Thì ra ông đã trễ hẹn, mà ngày có hẹn phỏng vấn văn phòng đã sắp đặt cho người thông dịch tiếng Việt mà ông không đến nên bây giờ mới có cảnh ông nói gà, bà nói vịt.

Chị mời ông ngồi, xem hồ sơ, mở lại trợ cấp, còn cẩn thận in ra cái phiếu y tế tạm thời để hai ông bà có thể đi bác sĩ ngay. Ông khách mừng quá, cám ơn đi cám ơn lại. Ông nói “Chúng tôi lo quá. Sáng nay bà nhà tôi khẩn cầu Đức Mẹ cho tôi ra đây gặp được người Việt. May sao gặp bà, thế là Đức Mẹ đã đáp lại lời cầu xin của chúng tôi”. Chị thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. Một việc làm cỏn con trong phận sự của mình, đâu có đáng gì.

Dù là một Phật tử, chị cũng thầm cảm tạ Đức Mẹ đã cho chị cái cơ hội giúp người đồng hương.

Trong số khách hàng, Hà rất quí và thân với mấy cụ thân chủ già. Vì tuổi già, các cụ không phải đến văn phòng mà chỉ cần liên lạc qua điện thoại. Qua ngôn từ, chị thấy các cụ thật dễ thương và hóm hỉnh. Có cụ bằng cấp đầy mình, xuất thân từ những trường đại học danh tiếng. Cụ thì đã đậu tiến sĩ từ khi Hà chưa ra đời, mà nay đến tuổi lão niên, lại phải nhờ đến trợ cấp. Hà nghĩ cũng tội, học hành đến thế tốn bao công của, mà sao đến tuổi già lại không có lợi tức. Có lẽ những lương bổng của các cụ ngày xưa không đóng vào thuế an sinh xã hội, nên bây giờ mới không có tiền an sinh (Social Security) hay lương hưu (pension). Tuy vậy các cụ lại rất thích ứng với hoàn cảnh, các cụ vẫn vui vẻ và lâu lâu có cụ lại gửi cho Hà những bài giảng thuyết dày cộm như cả cuốn sách. Ngay cả khi cụ muốn kể tội anh chủ nhà lười biếng mà cứ định tăng tiền phòng, cụ lại gửi đến một xấp “bạch thư” hài tội, với văn từ hoa mỹ nhưng không kém phần dí dỏm “Hắn (chủ nhà) mượn cớ bận học thi, hẹn sẽ sửa cái ống nước phòng tắm cho tôi sau khi hắn trình xong luận án Thạc Sĩ. Nhưng chẳng hiểu học hành ra sao mà đã qua mấy tháng rồi, đến giờ này tôi vẫn phải xách từng xô nước vào bồn tắm…”


*

Với cô khách đến muộn này, chị có thể từ chối vì không phải phần việc của mình, và cô đã trễ hẹn cả tuần, chắc là cô đã nhận đựơc thư cắt trợ cấp từ computer gửi đi. Theo luật, thư ký sẽ cho cô một cái hẹn khác với đủ thời giờ để phỏng vấn. Nhưngviệc tái xét thì mọi chi tiết đã có sẵn trong hồ sơ, việc mở lại cũng dễ thôi. Không giúp thì cũng tội cho cô có con nhỏ, lếch thếch mấy chuyến xe bus, đi tới đi lui, chờ đợi mất thì giờ.

Chị ra ngoài phòng đợi, gọi to:

- Sonia Hudson

Một cô gái tóc hoe vàng hấp tấp bước vào, một tay dắt một bé gái, tay kia bồng đứa con trai. À, cô này trông quen. Chắc Hà đã phỏng vấn và mở hồ sơ trợ cấp cho cô cách đây mấy năm. Sonia là một trong số nhiều thân chủ trước kia Hà phụ trách.

- Chào Sonia, mời cô ngồi. Thế nào, hồi này khỏe không?

Cô gái thở phào, ngồi phịch xuống ghế. Chắc cô đã phải chờ lâu với hai đứa con nhỏ líu tíu chạy quanh. Những nhân viên chuyên phụ trách phần việc của cô đã về hết, may mà Hà nhận tiếp cô.

Trông cô có vẻ tươi tỉnh hơn những lần gặp trước đây. Mái tóc của cô có một màu vàng nhợt nhạt mà người Mỹ gọi là “màu nước rửa chén”, nhưng hôm nay được chải gỡ gọn gàng hơn, quần áo cô đỡ nhăn nhúm và trên hai gò má có nhuốm chút ánh hồng. Nhờ có thêm chất bổ dưỡng hay do một hạnh phúc mới? Hà thầm nghĩ và trong lòng thấy vui vui.

- Cám ơn bà, tôi vẫn thường. Nhờ bà xem hồ sơ cho tôi. Tôi nhận được giấy hẹn phải đến từ tuần trước nhưng thằng nhỏ bịnh, hôm nay mới đi được. Mong bà giúp cho. Tôi sợ trợ cấp bị cắt thì lôi thôi lắm.

- Để tôi coi, không sao đâu. Ðây chỉ là tái xét, cô điền nốt vào những phần này trong tờ đơn, ký tên rồi tôi sẽ phỏng vấn.

Cô gái gò mình trên mấy tờ giấy, hí hoáy viết, mắt thỉnh thoảng vẫn dòm chừng thằng bé con 2 tuổi ngồi lê dưới sàn với con gấu nhồi bông, con chị nó 4 tuổi chạy vòng vòng trong căn phòng nhỏ, lát lát lại kéo tay, níu áo mẹ “Về chưa má? Xong chưa má?”

- Chút nữa xong, chút xíu nữa thôi. Cô vỗ về con.

Theo thói quen, Hà lật tờ khai gia cảnh. Ðộc thân. Hai con. Không có tiền cấp dưỡng của cha hai đứa bé.

Hà xem lại ngày sinh trên giấy tờ rồi đưa mắt nhìn Sonia. Cô chỉ sấp sỉ tuổi Lan con gái út của Hà, mà sao trông cô đã tàn tạ, sơ xác thế này. Ánh mắt cô không còn trong, môi cô không có sẵn nụ cười như các thiếu nữ cùng trang lứa. Một so sánh thoáng qua làm chị ngậm ngùi. Mấy cô con gái của Hà đều cao lớn hơn mẹ, đã ra trường đi làm cả rồi mà vẫn như trẻ con, họp nhau là đùa rỡn ầm nhà. Còn Sonia, không biết cô đã chấm dứt tuổi niên thiếu hồn nhiên từ bao giờ? Có phải như nhiều trẻ khác lớn lên trong môi trường không lành mạnh, cô đã học được những trò yêu đương ôm ấp từ khi còn ở lứa tuổi “preteen”, như các trẻ khác trong xóm cô. Hay cô đã học theo lối sống cá nhân chủ nghĩa và những ý niệm yêu đương xô bồ, buông thả…Hay tất cả bắt đầu bằng một đêm hè ngột ngạt, người cha ghẻ của cô chếnh choáng bước vào phòng cô, hơi thở sặc sụa mùi men rượu?

Sonia cho biết đứa con đầu tiên của cô, không biết cha là ai, có lẽ là kết quả của một đêm party vào hồi chưa xong cấp trung học. Có bầu, cô phải nghỉ học nuôi con. Vài năm sau cô lại có thai và một lần nữa là nạn nhân của một người tình mà cô đã tưởng có thể nương tựa lâu dài. Đã mấy lần Sonia đến văn phòng Hà với những vết bầm tím trầy sát trên mặt trên tay, vì bị anh chồng hờ say sưa hành hạ. Cảnh sát đã có can thiệp nhưng kết cục mẹ con cô vẫn phải sống nhờ trợ cấp xã hội. Vỏn vẹn có mấy trăm bạc, sau khi trả tiền mướn nhà, điện nước, cô chẳng còn bao nhiêu để trang trải hàng trăm thứ tiêu pha lặt vặt trong đời sống hàng ngày của ba mẹ con.

Hà thương cảm nhìn người đàn bà trẻ ngồi trước mặt, tuổi đời không bao nhiêu mà đường đời có lẽ đã nếm đủ vị, ngọt bùi ít mà cay đắng thì nhiều. Mái tóc khô bồng bềnh được giữ gọn bằng một cái kẹp tóc rẻ tiền, đôi mắt mệt mỏi thiếu ngủ sau những đêm dài một mình thức trắng coi con.

Sonia vẫn lúi húi với mấy tờ đơn, hai bàn tay với những ngón khô gầy nứt nẻ. Chị nhớ Sonia có khai là thỉnh thoảng cô nhận việc dọn dẹp lau chùi nhà cửa cho mấy nhà trên phố để kiếm thêm lợi tức. Da mặt da tay cô thô nhám, thật tội nghiệp.

Chị hỏi:

- Sonia, cô còn trương mục ở ngân hàng không?

- Có, ở Key Bank, nhưng không còn đồng nào trong đó. Đây là tờ chứng nhận của nhà băng.

- Cô có nhận được tiền cấp dưỡng của cha mấy đứa nhỏ không?

- Không

- Hai đứa con cô khác cha hả?

- Dạ khác

- Ba của Eliza tên gì? Ở đâu?

- Dạ, hổng biết, chỉ thấy gọi là Ed. Mà cũng không chắc là hắn. Cô cười gượng gạo.

Hà nói không sao, hỏi tiếp:

- Ba thằng Tom tên gì?

- David Mills. Nhưng hắn đi đâu mất đất rồi, ngay từ khi mới biết tôi có bầu lận.

Vậy là cơ quan đòi lại tiền cấp dưỡng cho tiểu bang chịu thua rồi. Hà nghĩ thầm.

Chị chuyển đề tài:

- Từ hồi tôi giới thiệu cô qua bên huấn nghệ, có kết quả gì không?

Đôi mắt Sonia sáng hẳn lên:

- Tôi cũng định khai với bà hôm nay. Tôi sắp có việc làm. Tuần sau bắt đầu. Làm cho hãng điện tử Eutek. Bà nghĩ tôi còn được trợ cấp nữa không?

- Để phải tính mới được. Khi nhận được tờ khai lợi tức từ sở của cô, tôi sẽ tính rồi gửi giấy cho cô biết. Dù không được lãnh tiền, cô và hai cháu vẫn được hưởng 12 tháng y tế. Có thể cô vẫn còn được trợ cấp thực phẩm, tùy vào mức lương. Cô cũng nhớ gọi bên giữ trẻ để họ giúp trả tiền coi hai bé trong khi cô đi làm.

Sonia cười thật tươi:

- Vậy thì đỡ quá. Và tôi cũng sắp lập gia đình. Chắc bà cũng mừng cho tôi. Anh ấy có việc làm tốt và thương con tôi lắm. Cám ơn bà đã giúp đỡ từ trước tới nay.

Hà đứng dậy, nhìn theo ba mẹ con hấp tấp bước ra sân. Nắng chiều đã nhạt, chiếu trên mái tóc vàng của ba mẹ con óng ánh như những tia hào quang. Chị thầm mong lần này Sonia được may mắn và sẽ không phải trở lại đây lần nào nữa trong đời.

Nguyễn Đặng Bắc Ninh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,474,077
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến