Hôm nay,  

Có Phòng Cho Share

21/09/201300:00:00(Xem: 108504)
Tác giả: ThaiNC
Bài số 4016-14-29416vb7092113


Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

* * *

Nghe tiếng chuông, Dung buông tờ báo xuống bước ra mở cửa. Người thanh niên khẽ mỉm cười gật đầu chào:

- Tôi là Tâm, còn chị là…

- Vâng, tôi là Dung, mời anh vào.

Nàng trả lời, nghiêng mình qua nhường lối và kín đáo quan sát khách. Hắn không trẻ lắm như nàng nghĩ, khoảng 27, 28, ba mươi trở lại... áo sơ-mi trắng dài tay xắn lên gần khuỷu, quần jean gọn gàng tạo nên vẻ giản dị nhưng đàng hoàng vừa đủ.

Khi khách bước vào, bỗng nhiên Dung cảm thấy hơi ngượng cho sự nghèo nàn của nhà nàng. Nói nào ngay, gọi là nhà chứ thực ra đây là một apartment hai phòng ngủ Dung mới được chương trình Housing của chính phủ cấp cho.

Gần hai năm trước, Dùng cùng con gái là Nga vượt biên thành công và được qua Mỹ định cư. Hai mẹ con ở với gia đình người bảo trợ là ông chú ruột. Nàng lãnh trợ cấp xã hội, ngày ngày đi học Anh văn ở một trường gần nhà, còn Nga tiếp tục học trung học. Thời gian đầu còn êm thắm, tất cả mọi người đều tốt và giúp đỡ mẹ con nàng. Nhưng càng về sau, những đụng chạm lặt vặt không thể tránh khỏi khi hai người đàn bà trong bếp: Dung và người thím, có sự hục hặc về hủ ớt, lọ tiêu… thì Dung có ý dọn ra riêng trước khi gây sự khó nghĩ cho người chú đã từng giúp đỡ nàng. Dung dọ hỏi và được mấy người bạn trong lớp chỉ cách xin nhà Housing do chính phủ trợ cấp. Sau hơn bốn tháng nộp đơn, Dung được cấp cho căn apartment hai phòng này trong một khu tương đối không đến nỗi tệ lắm.

Ban đầu, Dung định chỉ để hai mẹ con ở. Nhưng những người bạn cứ xúi nàng dồn lại và để một phòng cho người khác mướn, mỗi tháng được khoảng vài trăm đô. Nghe nói mãi, Dung xiêu lòng. Hai mẹ con ở một phòng còn rộng chán, đồ đạc nàng có gì! Nếu mỗi tháng có thêm một món tiền dành dụm làm vốn hay gửi ít quà cho các em ở quê nhà chẳng hay hơn ư? Dung quyết định cho share. Tuy vậy Dung cũng cẩn thận đăng thêm câu: “Chỉ nhận phụ nữ” trên một tờ báo quảng cáo Việt Nam tại địa phương.

Cả mấy tuần, không một phụ nữ gọi lại. Toàn giọng đàn ông gọi đòi mướn. Dung từ chối hết. Ý nàng chỉ muốn có một bạn gái ở chung một nhà như chị em và đỡ cho nàng ít tiền. Còn đàn ông thì Dung ngại tai tiếng.

Gần một tháng, căn phòng vẫn để trống làm nàng sốt ruột. Người bạn lại khuyên nên để thanh niên độc thân thuê, sẽ dễ dàng hơn nhiều. Bà ta lý luận: “Bọn nhỏ ở đây đông lắm. Ngày thường tụi nó đi làm hay đi học, tới cuối tuần là đi chơi suốt ngày, chẳng làm phiền gì nhiều”. Không cách nào hơn, Dung đành chịu. Người bạn vui mừng và nhân tiện giới thiệu luôn người em họ đang đi tìm phòng. Dầu sao chỗ quen biết vẫn hơn.. Một lần nữa, Dung nghe theo.

Thanh niên tên Tâm này là người được giới thiệu đến. Dung chỉ biết Tâm qua đây một mình, cha mẹ anh em còn kẹt tại Việt Nam. Ban dêm hắn làm technician cho một hãng điện tử ở trong vùng này, ban ngày đi học thêm ở college.

Cảm giác đầu tiên về người thanh niên làm Dung yên tâm. Hắn có vẻ hiền hòa và lịch sự, không như một số thanh niên khác nàng đã gặp.

Dung gượng cười phân trần:

- Nhà mới dọn đến chẳng có gì. Cậu vào trong này coi phòng đi.

Tâm theo Dung bước vào trong. Nàng thấy hắn dễ dãi liếc sơ qua, rồi bước ra. Dung hồi hộp chờ đợi ý kiến, lần đầu tiên trong đời nàng cho thuê nhà.

- Theo chị Tánh nói thì chị định cho thuê với giá 300?

“Hay là hắn chê mắc?” Nàng vội vã nói:

- Vâng tôi bao hết điện nước và điện thoại, chỉ khi nào cậu gọi long distance thì phải trả lấy.

Tâm trả lời:

- Dĩ nhiên rồi. Chừng nào em có thể dọn tới?

Dung mừng rỡ:

-Khi nào cũng được. Phòng đang để trống.

- Vậy để cuối tháng, em phải trả chỗ bây giờ cho chủ nhà.

- Được mà.

Chủ và khách nói chuyện mưa nắng thêm một hồi. Tâm cáo từ ra về. Đưa ra cửa Dung nói thêm:

- Có parking phía sau tôi không dùng, cậu có xe cứ đậu ở đó.

Khách đi rồi, Dung về phòng nhẹ nhõm. Thế là xong! Gương mặt hiền lành và cử chỉ chững chạc của Tâm làm nàng vững bụng. Nhưng Dung cũng không khỏi lo lắng vẩn vơ khi nghĩ đến điều nhà nàng từ đây sẽ có bóng dáng một người đàn ông.

*

Vậy là Tâm dọn về đã được hơn ba tháng. Dung hoàn toàn hết lo âu như ban đầu. Người thanh niên đứng đắn và dễ thương hơn nàng nghĩ. Hắn hòa đồng và được cảm tình của Nga ngay khi hắn mới dọn đến. Ban đầu, vì Tâm gọi nàng bằng “chị” nên Dung bắt Nga kêu Tâm là “chú”. Nhưng Tâm cương quyết không chịu. Hắn phân trần:

- Chị nghĩ coi, Nga gọi Tâm là chú rồi nhỡ mấy cô khác bắt chước gọi theo… thì chắc ế dzợ tới già.

Cả nhà cười xòa. Nga cũng đồng ý với Tâm. Kể ra Tâm hơn con nàng chưa đến mười tuổi mà bắt nó kêu: “chú” thì… hơi ép` cho cả hai. Dung đành dễ dãi, mặc cho Nga muốn gọi sao cũng được.

Chỉ trừ những ngày cuối tuần, ngoài ra tuy sống chung nhà nhưng Tâm ít khi gặp Dung và Nga. Mỗi sáng sớm, nàng và con dậy đón xe bus đi học thì Tâm còn ngủ trong phòng.. Khi nàng về hắn đã đi làm đến nửa đêm, và giờ đó thì hai mẹ con nàng đã an giấc. Vì vậy Dung không thấy có gì đụng chạm giữa hai “hộ”. Trái lại, từ ngày có mặt Tâm, Dung thấy không khí gia đình nàng khởi sắc hơn vào những ngày cuối tuần. Tiếng nói cười rộn của Nga và Tâm làm nàng vui lây và thấy như trẻ lại. Thỉnh thoảng nàng cũng tham gia vào bàn cãi, góp ý. Dung có cảm tưởng đây là một gia đình ấm cúng. Trong đó nàng là chị cả chăm lo cho Tâm, cậu em trai hiền lành chăm chỉ, và Nga là cô em út nhí nhảnh ngây thơ.

Cho đến một hôm...

Gần 11 giờ đêm rồi mà Dung không thể dỗ được giấc ngủ. Nàng cầm cuốn tiểu thuyết mượn ở thư viện lên cố đọc, nhưng những giòng chữ vô nghĩa làm Dung chán nản bỏ xuống. Đầu óc nàng như bị một khối cô đơn bao bọc. Nga đi dự party sinh nhật cô bạn cùng lớp vẫn chưa về, và Tâm chắc cũng la cà ở cà phê nhạc nào đó. Hồi chiều Nga có vẻ hờn giận Tâm. Hình như Tâm hứa đưa Nga đi party hôm nay, nhưng không hiểu sao đến giờ chót lại viện cớ bận việc, mặc dẩu Nga năn nỉ, hờn dỗi. Dung linh cảm như việc Tâm từ chối party với Nga và những sự việc xảy ra mấy hôm nay có liên quan với nhau.

Hai ngày qua Tâm nghỉ làm ở nhà. Hắn bảo lâu lâu mình cũng phải lấy ngày nghỉ bệnh cho khỏe, gần cuối năm rồi, không nghỉ qua năm mới cũng mất, tội gì!

Vì vậy Tâm có nhiều thì giờ nói chuyện với Dung vào buổi chiều khi Nga còn ở thư viện ôn bài. “Có lẽ mình chỉ tưởng tượng”, Dung tự nhủ. Nhưng nàng không sao quên được ánh mắt âu yếm của Tâm khi đưa nàng đi chợ về, ngồi yên lặng nhìn nàng làm bếp. rồi hắn lại vào phụ Dung làm những việc vặt một cách hăng hái. Dung có cảm tưởng nhiều lúc Tâm như muốn quàng qua vai nàng nhưng không dám. Nàng cảm thấy ngượng nghịu khi Tâm đứng sát bên, vai hắn hầu như chạm vào vai nàng, tay vụng về lặt rau một cách khó hiểu.

Hai người ăn cơm tối, Nga vẫn chưa về. Dung bỗng thấy tim hồi hộp khi đối diện người thanh niên mấy tháng nay nàng vẫn coi như em. Tâm cứ thỉnh thoảng ngừng ăn nhìn Dung với ánh mắt kỳ lạ. Nói chuyện bâng quơ cho xong bữa ăn, nàng vội vào phòng tránh ánh mắt của Tâm. Lần đầu tiên Dung cảm thấy lo sợ. Nhà vắng vẻ quá. Nếu hắn tự nhiên vào phòng nàng giờ này, và… nàng gạt vội ý tưởng đó ra khỏi đầu. Dung bỗng nhớ đến chồng, Sinh, năm năm trước đã rời bỏ mẹ con nàng về miền đất lạnh từ một trại tù cải tạo. Ngày mới gặp và yêu nhau, Sinh cũng nhìn nàng bằng ánh mắt tương tự.

Dung cười thầm về ý nghĩ của mình. Có lý nào? Nàng đứng dậy soi mình trong gương. Chưa đến bốn mươi và Dung tự biết mình trẻ hơn tuổi nhiều lắm. Ra đường khó ai tin được Nga là con, mà chỉ tưởng là hai chị em. Từ lúc Sinh mất đi, nàng vẫn ở vậy nuôi con. Tuy cũng có lúc buông trôi theo sự đòi hỏi của thể xác với những mối tình tạm bợ trong những lần đi buôn xa hồi còn ở quê nhà, Dung vẫn chưa muốn đi thêm bước nữa vì đang dự định vưọt biên. Rồi nàng cùng con gái đến Mỹ. Đây là cơ hội cho Dung làm lại cuộc đời, thì Nga đã lớn. Sự trưởng thành của con gái yêu duy nhất làm Dung ngần ngại. Liệu nó có thông cảm cho nàng không? Những người đàn ông chung quanh một lần nữa lại đeo đuổi tán tỉnh, nhưng những tấm gương trước mắt làm nàng lo sợ. Dù sao Dung cũng không muốn lâm vào cảnh vợ hờ của một người đàn ông nào đó, để khi người đàn bà kia cùng con cái qua đây, lại bị bẽ bàng. Trường hợp như mình giữ được người đàn ông nọ, chẳng hóa ra lại là người phá hoại gia cang hạnh phúc người khác sao? Cũng có vài người chưa từng lập gia đình, là trai tân đó, nhưng phần đông họ đều trẻ hơn nàng nhiều. Mà Dung thì không mấy tin tưởng vào cuộc hôn nhân giữa trai tân gái góa!


Hay hắn cũng chỉ là đàn ông thích mình đàn bà? Cũng có thể, nhưng Dung biết Tâm cũng có quen bạn gái qua những lần điện thoại đến. Có những đêm Tâm vắng nhà, sáng về với mùi đàn bà còn phảng phất. Một điều chắc chắn Dung biết là Tâm rất nhiều tình cảm. Có lần Tâm cho hai mẹ con nàng xem hình của ba mẹ và em gái hắn từ Việt Nam gửi sang. Một gia đình có vẻ ấm cúng và hiền đức. Nhưng đường tình cảm của hắn lại không may. Người yêu của hắn ở quê nhà đã lấy chồng sau mấy lần vượt biên không thành, người con gái mà hắn yêu tha thiết từ lúc còn ngồi ghế nhà trưởng. “Tâm vẫn chưa quên cô ta được. Con gái ở đây có vẻ hời hợt làm sao ấy, chị Dung ạ”, hắn tâm sự.

Có lẽ, Dung chợt nghĩ, Tâm lãng mạn và nhiều tình cảm nên đã hiểu lầm cử chỉ thân mật và sự săn sóc bấy lâu nay của nàng chăng ? Làm sao đây? Người đàn ông nào cũng nhiều tự ái. Đổi thái độ thì Dung không nỡ.

Tiếng mở khóa cửa cắt đứt giòng tư tưởng. Nàng biết Tâm đã về. Không phải Nga. Mấy tháng nay, Dung có thói quen lắng nghe cách mở khóa của mỗi người. Nếu là Nga thì nó chỉ có một cái chìa khóa nhà, và chỉ nhẹ nhàng mở, không phải chọn lựa. Tâm thì khác. Hắn có khoảng gần chục cái mang theo, mỗi tối về, khi mở cửa, nàng có thể nghe tiếng kim khí chạm nhau không ngớt.

Dung chờ đợi tiếng chân quen thuộc đi ngang qua phòng mình như mỗi ngày. Nhưng không thấy. Một tiếng “xoảng” vang lên từ phòng khách làm nàng giật mình. Hắn đang làm gì ngoài đó? Dung vội vàng bước xuống giường ra khỏi phòng.

Tâm đang ngồi mệt mỏi trên chiếc ghế sa-lông duy nhất trong phòng mắt ửng đỏ và có vẻ lờ đờ. Dưới đất là cái bình hoa lăn lông lốc, có lẽ Tâm làm rớt khi nãy. Dung ngửi thấy mùi bia rượu thoang thoảng. Nàng hoảng hốt:

- Tâm, sao vậy?

Hắn có vẻ mệt mỏi không trả lời. Lần đầu tiên Dung thấy Tâm có vẻ say xỉn về nhà. Chuyện gì khiến hắn phải quá chén như vậy? Dung vào phòng lấy khăn thấm nước lạnh và ngồi xuống kế bên lau mặt cho Tâm.

- Hư quá. Đã bảo đừng uống bia nữa mà!

Dung nói giọng hờn trách. Tâm vẫn không trả lời. Tự nhiên hắn nhìn Dung như si dại, một tay vòng sau lưng nàng miệng thì thào: “ Chị Dung… Dung ơi ! Tâm thương chị Dung quá…”. Nàng hoảng hốt chưa kịp phản ứng thì Tâm đã xiết chặt Dung vào lòng. Nàng cảm thấy vừa ngỡ ngàng vừa ngượng ngùng, muốn vùng dậy thoát ra, nhưng sao tay chân bỗng dưng như tê dại, không nghe sự điều khiển của nàng nữa. Vòng tay Tâm như con trăn đã bắt được mồi. Môi hắn nồng ấm bên tai nàng, trên má, trên ngực… Dung vẫn ngồi yên không phản ứng, đầu óc quay cuồng. Mùi bia, mùi thuốc lá, và mùi đàn ông hừng hực của người thanh niên đang cùng nhau đồng lõa đánh tan chút nghị lực cuối cùng của Dung. Những thỏi nham thạch âm ỉ từ lâu bị nàng lạnh lùng nhốt kín nay đồng loạt nổi dậy, theo từng tế bào rung lên đòi hỏi. Dung không cần biết gì thêm nữa. Chiếc khăn đã rơi tự lúc nào. Náng đê mê lắng nghe cái cảm giác lâng lâng quen thuộc từ lâu đã cố gắng đè nén, lãng quên…

Hai người ngã sõng soài trên chiếc ghế dài...

- Ok, bye. See you tomorrow

Tiếng Nga bên ngoài như chén nước dội vào mặt. Dung như bừng tỉnh giấc mơ. Nàng đẩy mạnh Tâm ra và kịp vùng chạy vào phòng. Nga còn nói thêm gì đó với bạn ở bên ngoài trước khi vào nhà giúp Dung có đủ thì giờ trấn tĩnh lại. Nàng nghe tiếng Nga gọi thất thanh:

- Má ơi, ra coi anh Tâm làm sao rồi nè!

Vuốt lại mái tóc và khoác thêm tấm áo nữa, Dung vờ bước ra ngạc nhiên. Tâm đã ngồi lại trên ghế, mặt ửng đỏ và cúi gầm xuống. Dung cảm thấy ngượng ngùng xen lẫn tức giận. Suýt chút nữa… nàng rùng mình nếu vừa rồi Nga bất chợt bước vô và chứng kiến giây phút nóng hổi của hai người.

Nga có vẻ lăng xăng, thấy chiếc khăn khi nãy của Dung còn trên bàn, con bé cầm lên và bước tới làm Dung hoảng hồn la:

- Nga. Đừng con…

Nga trố mắt ngạc nhiên trước thái độ lạ lùng của mẹ, nhưngTâm đã đứng lên xua tay nói:

- Tâm không sao, ngủ một giấc sẽ hết.

Hắn xiêu vẹo đi vô phòng. Nga hình như định đưa tay đỡ, nhưng lại thôi…

* * * * *

Tiếng chén bát chạm nhau bên ngoài báo cho Dung biết Tâm đã đi làm về và sửa sọan ăn cơm. Sau câu chuyện đêm qua, hắn chưa gặp nàng. Dung không biết mình sẽ nói gì với Tâm. Dung cảm thấy xấu hổ và tức giận với chình mình hơn là với Tâm.Tại sao? Tại sao mình lại yếu đuối đến như vậy?

Từ giường bên cạnh, Dung thấy Nga nhẹ nhàng ngồi dậy. Té ra nó chưa ngủ. Nàng hé mắt theo dõi. Con bé rón rén xuống giường, không buồn mang dép, mở cửa phòng bước ra. Dung nghe rõ tiếng chân của Nga ra tận phòng ngoài.

- Ủa, sao chưa ngủ? Tiếng của Tâm.

- Suuyỵt… nói nhỏ để má ngủ.

- Mai đi học sớm, thức làm gì? Tâm hạ giọng.

- Ngủ không được, ra đây ăn cơm với anh Tâm cho vui.

- Chiều chưa ăn à?

- Rồi, nhưng mà bây giờ… hơi đói. Anh Tâm ngồi nghỉ đi, để em hâm đồ ăn cho.

- Anh làm được rồi. Nga ăn nhiều ít?

- Ít thôi… ấy ấy đủ rồi.

Dung nghe tiếng đũa chén chạm nhau.

- Anh Tâm nè.

- Gì?

- Tối qua anh say rượu ghê quá!

- À, anh lỡ uống hơi nhiều với người bạn.

- Có phải…?

- Phải gì?

- Phải anh thất tình cô nào nên uống rượu?

Tiếng Tâm bật cười dù cố ngăn lại.

- Anh mà thất tình?

- Không thất tình sao uống rượu?

- Đâu phải uống rượu là thất tình. Với lại hôm qua anh uống bia chứ đâu uống rượu!

- Anh Tâm nè!

- Hả?

- Anh có girlfriend chưa?

- Hưư… có, nhưng cổ ở Việt Nam và lấy chồng rồi.

- Còn ở đây?

- Thì chưa.

- Dóc.

- ?! (Chắc Tâm chỉ nhún vai).

- Mấy lần có cô nào gọi anh mà.

- Đó là bạn, đâu phải bồ.

Im lặng một chút.

- Tại sao anh chưa có bồ?

- Tại… chưa cô nào ưng.

- Ha, anh Tâm vui vậy sao chưa cô nào ưng?

- Chắc tại anh nghèo.

- Em không cần giầu đâu anh!

- ?!

Tiếng Nga vội vàng lặp lại:

- I mean, em và mấy nhỏ bạn chơi với bạn trai đâu phân biệt giàu nghèo gì đâu.

Tiếng Tâm:

- Tụi em còn nhỏ, khác.

- Lớn lên cũng vậy mà, với lại em đâu còn nhỏ nữa.

- Chưa chắc… nhưng mà ăn lẹ lên, có chén cơm ăn hoài không hết.

Tiếng Nga bỏ đũa xuống:

- Không ăn nữa, no rồi!

- ?!

- Ăn cơm xong anh cứ đi ngủ cho khoẻ nha. Để chén bát đó mai em rửa cho. Good night anh Tâm.

- Good night.

Dung nghe tiếng Nga kéo ghế và nhè nhẹ đi vào, rón rén mở cửa phòng leo lên giường. Con bé vẫn chưa chịu ngủ, ngồi dựa vô tường ôm gối mông lung.

Dung thấy Nga lớn hẳn. Vào tuổi cùa Nga bây giờ, nàng đã biết yêu rồi cơ mà.

Bên cạnh, Nga vẫn ngồi dựa vào tường, gương mặt con bé rạng rỡ hơn mọi ngày, như vừa khám phá điều gì thích thú. Dung chợt cảm thấy xốn xang và lo ngại. Có phải Nga nó đang lớn và có cảm tình với Tâm rồi không?

Làm sao bây giờ? Nếu đừng xẩy ra câu chuyện đêm qua, có lẽ Dung cũng không phiền hà gì. Nàng vẫn tin Tâm là người con trai tốt. Sự tự lập và chăm chỉ hứa hẹn một tương lai sáng sủa. Khối gì những thanh niên độc thân chung quanh đây nàng biết, đang hoang xài tuổi trẻ, bỏ phế tương lai bên những bàn bi-da, những canh bài đen đỏ với nhau đó ư?

Nga đã nằm xuống giường và thiu thiu ngủ, môi vẫn còn nụ cười tươi tắn. Riêng Dung vẫn còn thao thức. Chuyện xẩy ra và sự phỏng đoán cảm tình của Nga đối với Tâm khiến nàng bị bức xúc. Phải chi đó chỉ là giấc mơ? Ờ nhỉ, nếu chỉ là mơ…Dung rùng mình và cảm thấy nóng ran cả người, cong chân kéo tấm chăn trùm kín đầu như sợ Nga tình cờ nhìn sang và biết nàng đang suy nghĩ những gì.

Tự nhiên nàng nghĩ tới “giấc mơ” đêm qua, và nàng nghĩ giá mà Nga… chưa về, cho nên chuyện phải đến, đã đến.

*

- Má ơi, coi nè !

Giọng Nga thảng thốt, tay con bé run run cầm tờ giấy.

Tâm đã âm thầm dọn đi rồi.

Nga hoảng hốt chạy vào. Căn phòng trống trơn.

Dung bỗng thấy bâng khuâng, không biết mình vui hay buồn. Nàng cảm thấy như mất mát một cái gì đó. Tâm có thực sự cần phải ra đi không?

Nhưng nếu hắn cứ ở lại?

Dung thở dài và quay ra, không muốn nghĩ tiếp.

Nga đang ngơ ngác, không biết chuyện gì đã xảy ra.

Tội nghiệp. Nó sẽ không bao giờ biết.

*

Tuần sau, trên tờ báo quảng cáo địa phương laị thấy đăng

“CÓ PHÒNG CHO SHARE
Chỉ nhận phụ nữ...”./.


ThaiNC

Ý kiến bạn đọc
29/09/201307:00:00
Khách
Xin lưu ý: "...nhà Housing do chính phủ trợ cấp" là giúp cho người có lợi tức thấp. Bạn không có quyền cho thuê mướn, kiếm thêm lợi tức mà không khai báo. Đó là gian lận trợ cấp. Họ vẫn tái xét hàng năm về lợi tức và số ngừơi sống trong nhà. Cô Dung sẽ khai báo thế nào? Xin hãy cẩn thận!
26/09/201307:00:00
Khách
Tôi cũng muốn đến thuê nhà. Ngon quá !!
21/09/201307:00:00
Khách
Rất hay và sống động.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,334,726
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến