Hôm nay,  

Những Ngày Hè Của Cuộc Đời

20/09/201300:00:00(Xem: 84951)
Tác giả: Quân Nguyễn
Bài số 4015-14-29415vb5091913


Tác giả từng nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước 2007. Một bài viết của ông từ năm nhận giải, “Bài Không Tên thứ 20” hiện đã có tới 206680 lượt người đọc trên Viebao Online, tính tới hôm nay. Ông là một cựu SVSQ Học viện CSQG Thủ Đức, cao học Xã hội học CSUF, CA State parole officer, đệ tử bốn đẳng của Võ sư Đặng huy Đức. Sau đây là bài mới nhất của ông với lời ghi trân trọng:

Kính viếng hương hồn mẹ tôi,
một đóa hồng thắm bạc mệnh,


* * *

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng hai tuần cuối của tháng tám thì mùa hè ở Cali trở nên nóng bức tột độ! Vậy mà, dù chưa từng đến Texas hay sống ở Arizona, tôi nghe bà con nói cái nóng mùa hè ở hai nơi đó còn dữ dội hơn nhiều…

Cũng may, hai mươi sáu năm qua, tôi đã chọn Bang Cali này làm quê hương thứ hai. Và bờ biển xanh Long Beach, một ngày đẹp trời nào đó sẽ là nơi gởi nắm tro tàn…

Khi mới bước vào tuổi năm mươi, thấy cái nóng mùa hè làm mệt muốn chết, lại lo về già thở không nổi với nó, tôi bèn kêu anh Sơn thợ lạnh gắn cho một cái máy lạnh loại bự nhất, bật lên mười lăm phút là lạnh tới bến liền! Tiền điện vô nó cũng hao nhưng một năm chỉ mở máy độ ba tuần thì chẳng có gì đáng phàn nàn, vì vào khoảng mười tây tháng Chín là trời mát rồi.

Sân sau có cái hồ bơi, ngày con cái còn nhỏ tụi nó thi nhau bơi lặn như nhái, còn mình ngồi canh chúng lâu lâu cũng nhảy xuống bơi vài vòng cho cha con hò hét có nhau. Nay thì năm thì mười họa nó mới ra bơi năm mười phút rồi vô, còn mình có nóng mấy thấy nước muốn nhẩy xuống cho mát mà cảm thấy cô đơn quá cũng thôi, đành ngồi thừ trên ghế lặng nhìn hồ nước xanh biếc mà nghĩ ngợi vẩn vơ, cho tới khi vợ kêu vô tắm ăn cơm…

Bà xã tôi chẳng biết vì sao thường ví dung nhan của con người như trái chanh dây (passion fruit). Khi còn nhỏ tuổi thì xanh non căng tròn mơn mởn, từ từ chín tới thì bự ra đổi màu sâm sẩm hơi có nếp nhăn rồi rụng, đem vô bếp để một tháng thì khô rang nhăn nheo méo mó thấy sợ!

Còn tôi, mỗi sáng trước khi đi làm, nhìn vô gương chải đầu mà phát chán mình luôn! Nhưng tôi tự nhủ mình đâu phải trái chanh dây, và đời người có lẽ nên giống như bốn mùa thì đúng hơn.

Này nhé, từ lúc sanh ra cho đến hai mươi lăm thì trẻ trung căng cứng khỏe mạnh yêu đời yêu người cho nên có thể ví như mùa Xuân của đời người.

Từ đó tới năm chục thì nào ra trường bằng cấp, công việc trách nhiêm, gia đình vợ con, tuy có hơi bận rộn nhưng cũng còn xung độ lắm nên gọi là mùa Hè cũng hay.

Ngoài năm mươi, nếu ở Việt Nam, theo phong cách văn hóa xưa, các ông đã bắt đầu đi đứng ăn nói chậm rãi đứng đắn có dâu có rể rồi! Nhưng bên Mỹ, ở xứ người, sáu mươi lăm mới được hưu hay ăn tiền già, đi đứng ăn nói chậm chạp … hơi sớm như vậy là vất vả, vì hổng ai muốn mướn hết! Cho nên theo tôi, mùa Hè ít ra nên kéo dài tới sáu chục mới được, vả lại những ngày hè bao giờ cũng có vẻ dài hơn so với các mùa khác…

Ngoài sáu mươi, thì dung nhan … mùa hạ đã qua rồi, nên mặt thường nhăn như bị, mắt miệng lại sệ xuống coi dữ hay khó đăm đăm trông chán phèo. Lực lại bất tòng tâm, đau nhức đủ bệnh, thường chỉ có hai chỗ để đi là phòng mạch bác sĩ và chùa chiền hoặc nhà thờ mà thôi! Theo tôi cái “mùa thu … Cali” này kéo dài khoảng mười lăm năm, tới bẩy mươi lăm tuổi gì đó là xong.

Bên Mỹ văn minh giàu có nhiều phúc lợi, nên các cụ ngày nay đa số sống tới tám mươi là thường. Nhưng, tới giai đoạn này, mấy cụ thường thấy lạnh trong người, suốt ngày đau nhức rên hừ hừ, uể oải lơ mơ ngồi đâu ngủ đó, rồi ra vô bệnh viện thường xuyên hơn làm con cháu vất vả tê tái lắm! Gọi bà nó là mùa Đông của cuộc đời cho xong, và mùa này thường tương đối ngắn ngủi nhất!

Tuy nhiên, theo tôi sống lâu không có nghĩa là sướng! Vì chất lượng mới đáng kể chứ không phải cứ thấy số lượng mà ham…

Như bố tôi mất năm tám mươi sáu tuổi, nhưng ông ngồi một chỗ trong nhà hơn chục năm sau khi bị “stroke” ở tuổi bẩy lăm. Còn ông già vợ tôi đang khỏe mạnh bỗng lăn đùng ra đi luôn vì đứng tim ở tuổi bẩy mốt, thiệt khỏe!

Riêng tôi, từ trẻ coi tử vi của mình thấy số tới bẩy mươi tám là tuyệt hạn (ngủm hay đi đứt). Nay mới năm bẩy mà thấy cuộc đời sao dài quá! Đã vậy, lại đủ thứ chuyện trên đời đã và đang tiếp tục xảy ra không thôi trong cuộc sống đó, chuyện người chuyện ta, thế thái nhân tình vui buồn lẫn lộn, mắc mệt…

Vốn tính cẩn thận, từ trẻ tôi đã mua bảo hiểm nhân thọ, lỡ làm “police” Mỹ có khi đi làm không về thì vợ còn nhà, còn tiền nuôi con mà kiếm anh khác cho đỡ khổ cái thân! Nay con cái lớn khôn hết rồi thấy nhẹ hẳn làm sao…

Như nói ở trên, tôi tính ra sống bẩy tám nên mua bảo hiểm tới tám chục. Loại bảo hiểm này như mua bảo hiểm xe, đóng từng tháng, hổng đóng là nó chấm dứt hợp đồng luôn. Vậy thì cứ 118 đồng một tháng cho tới tám chục tuổi để vợ được mấy trăm ngàn sau khi mình quy y, ủa … quy tiên!

Rồi thì mới ba tuần trước đây, có dịp đọc bài “Sợ chết, quên sống” của anh Nguyễn Thượng Chánh, tôi bèn vô phần “Đoán tuổi thọ” mà ảnh chỉ coi sao. Kết quả, nó đoán tôi sống tới tám mươi sáu bằng tuổi ông già tôi luôn!

Bà xã tôi liền ý kiến, nếu tôi sống tới tám mốt là mất toi mấy chục ngàn tiền đóng bảo hiểm từ giờ tới tám mươi, vì bảo hiểm chỉ mua tới tám mươi là hết hợp đồng. Tám mốt chết ráng chịu!

Vậy sao không mua tới tám sáu? Không đơn giản! Mua tới tám mốt thì 149 đồng một tháng đóng từ bây giờ. Tám hai thì 199, tám ba 499, tám bốn 999, tám lăm 1999, tám sáu 2499 một tháng, chịu gì nổi!

Thôi thì cỡ bảy bảy tôi chơi ngày nửa chai cognac, bốn điếu xì gà Cuba, ba viên Viagra đều đều cỡ hai năm chết ngắc là cái chắc…

Còn nếu chết đúng số thì cần gì phải bàn nữa!

Bà xã tôi hay ỉ ôi được chết trước tôi vì sống lâu, vừa già vừa xấu, bệnh tật đau nhức, ăn ngủ không yên, báo đời con cháu và nhà thương chán lắm…

Nghe cũng phải, nhưng kẹt cái đâu phải hễ ai muốn chết là chết hay muốn sống mà sống được đâu, ai cũng có phần số hết!

Giàu tỷ phú như Steve Jobs ông chủ hãng Apple, mà chẳng chịu bố thí cho ai đồng nào, mới năm mươi sáu đã tiêu diêu miền cụp lạc, ủa … cực lạc, không mang theo đươc một xu, trong khi mấy ông bà “homeless” già ngắc cú đế lang thang gầm cầu xa lộ, công viên, vỉa hè, dãi nắng dầm mưa đời buồn thúi ruột mà vẫn cứ sống, muốn sống, phải sống, hay có chết được đâu!

Thấy tôi có lần băn khoăn trước cảnh hoạn nạn khốn cùng của họ mà bó tay, một người bạn liền bảo tôi rằng, những kẻ ác độc gian manh, hãm hại lừa đảo làm nguời khác xấc bấc sang bang, hay cướp của giết người như ngóe, nếu sống không tù đày trả nợ thế gian thì sau khi chết nó phải bị sao cho có công bằng?

Có người kêu cái ác đó là nghiệp chướng (karma) gì đó, có khi quả báo nhãn tiền ngay tại đời này như tù tội, con cháu lụn bại, hay đợi chết rồi tái sanh trở lại trong nghèo khó tật nguyền tai ương yểu chiết, vì sách có câu “trồng đậu thành đậu, trồng dưa nên dưa.” OJ Simpson là một thí dụ điển hình, anh ta dẫn chứng.

Cho nên, theo anh ta bận tâm về loại tha nhân như vậy cũng chẳng giải quyết được gì, vì nghiệp ai nấy trả, hết nghiệp thì chết, thế thôi.

Nếu quả thật vậy, thì anh Obama hay Bill Gates đời trước phải là người tốt lắm…

Dù sao, tôi cũng tin “Trời cao có mắt” chẳng dám láo lếu bốc phét gì hết sợ “đời cha ăn mặn, thằng con khát nước” thì khổ cho nó!

Thôi thì tóm lại, nhờ sống ở Cali, ai cỡ tuổi tôi hiện nay vẫn còn … Hè lắm!

Trở lại chuyện bà xã nỉ non muốn chết phứt trước tôi, nghe cũng mủi lòng, lại nghĩ tới lúc ẻm già chín mươi nhăn nheo như bà Mỹ hàng xóm sao giống trái chanh dây quá! Nhưng biết làm sao đây?

Ẻm lai xin với Trời Phật cho ẻm hết kiếp này đi luôn không trở lại, vì làm người ngoài cái Sinh Lão Bệnh Tử ra, còn phải vất vả với cuộc sống -- lúc nhỏ cha mê cờ bạc bỏ vợ con lăn lóc, lớn lên một chút yêu vài ba thằng đẹp trai quá cỡ thợ mộc mà đành phải lấy thằng xấu hoắc này, rồi nào sinh kế, con cái phải nuôi phải lo, nó mà giận không đem cháu về cũng khổ… Đời chẳng nghĩa lý quái gì hết chỉ thấy hầu hết là lo nghĩ đau khổ mà thôi!

Tôi bảo nàng, Văn hào Pháp Alexandre Dumas từng nói, "If God were suddenly condemned to live the life which He has inflicted upon men, He would kill Himself!" (Nếu Thượng đế thình lình bị bắt phải sống cái kiếp con người mà Ngài đã áp đặt lên loài người, Ngài chắc sẽ tự tử thôi!)

Và các sư sãi chân tu đạo hạnh cũng chỉ mong khi chết được như cái em muốn mà thôi – không còn kiếp căn luân hồi gì nữa…

Nhưng làm sao để đạt được ước nguyện đó thì tôi không biết!

Mà thôi, xin trở lại cái mùa Hè của đời tôi, kẻo loanh quanh lạc đề mất…

Bạn tôi, anh Hải tốt nghiệp UCLA, có lần tâm sự vợ chồng ảnh có thằng con duy nhất nên hết sức chăm lo cho nó. Theo ảnh, bắt nó ăn học tới nơi tới chốn để sau tự lo thân mà sống chứ không dè sẻn dành dụm tiền của gì cho nó về sau hết!

Ảnh kể có thằng ông nội kia ăn mắm mút giòi để của lại cho thằng cha, tới đời thằng cha cũng nhịn thèm tất cả dành dụm để của lại cho thằng cháu. Tới đời thằng cháu, thấy có của cải ông cha để lại không chịu học hành làm ăn gì hết, chỉ lo ăn chơi hư hỏng rồi phá sản luôn! Uổng công đời ông đời cha nó khổ sở chắt mót…

Lại có ông nọ làm thợ máy hơn ba mươi năm từ ngày qua Mỹ. Vất vả cả đời chả dám ăn xài gì hết, vợ chồng ky cóp mua được ba căn nhà để lại cho ba đứa con gái. Gặp ba thằng vô làm rể hai ba năm gì đó rồng dông mất với nửa căn nhà của con gái chả! Có ông cẩn thận hơn ra làm di chúc rể nào bỏ con chả cái nhà vẫn thuộc con chả, chẳng được một xu. Thằng rể thấy bị chơi khăm vợ chồng lục đục vì cái nhà mà bỏ nhau luôn! Thiệt là, có con gái, từ chết tới bị thương – tui có hai em!

Còn có ông kia làm nha sĩ, tuần cày bảy ngày, đầu tắt mặt tối chẳng dám ăn chơi gì hết, mua được ba căn nhà. Tính về già sang tên hết cho ba đứa con để chính phủ phải lo hoàn toàn phí tổn bệnh tật cho chả, rồi ở với một đứa mình thương nhứt. Vậy mà về già, con chẳng đứa nào chịu chứa, lại cho thẳng vô viện dưỡng lão chẳng buồn ghé thăm!

Nói tới viện dưỡng lão, mới nhớ có anh bác sĩ nhà cửa sang trọng, mời vị Đạt Lai Lạt Ma hạng hai về nhà cung phụng như vua, hy vọng nhờ được quen biết ngài khi chết sẽ được nâng đỡ phần hồn, còn cha mẹ đẻ thì cho vô dưỡng lão lâu rồi! Thiệt ra mà nói, ổng lo cứu ổng chưa chắc xong mà tới mình, Phật nói chỉ có mình mới cứu đượcc mình mà thôi…

Nói chuyện người không quện chuyện ta. Tôi thường bảo con cái cái nhà là để ở, cái xe là phương tiện tới lui, một đời ta ba đời nó, vật chất đến rồi đi không có gì bền mãi hay quan trọng hết. Cứ vay nợ học ra cao học tiến sĩ đi, cái học vị đó sẽ nuôi mình suốt đời no cớm ấm áo, còn giàu sang là chuyện khác phải có số mới được! Sau nếu làm ăn khá trả nợ tiền học chẳng đáng bao nhiêu, còn nếu dở quá thì cái nhà của bố mẹ đó bán chia nhau mà trả tiền học, chứ chết để lại cho ai?

Hy vọng chúng đừng dở quá, nhưng dở cũng hông sao!

Sang chuyện nhà cửa, tôi dọn về đây đã mười bẩy năm, từ ngày đứa út mới bốn tuổi mà nay nó sắp ra trường rồi. Sân sau nở hậu bè ra, một bên hồ bơi, bên kia sân cỏ, có cái “patio” ở giữa bốn mùa che nắng che mưa là chỗ ngồi chơi ăn nhậu…

Mái ngói đã dộp lưa thưa, sang năm chắc lại phải thay mới mất hết chục ngàn như chơi!

Sân sau, có cây xoài “manila” chủ trước trồng sát tường với nhà hàng xóm từ bao giờ hổng biết, năm nay có lẽ nhờ tôi chôn phân “miraclegro” dưới gốc hay sao đó mà nó ra hàng trăm trái bự bằng nắm tay chín rớt lộp độp phải kêu người cho mới hết. Lúc trái còn xanh chấm nước mắm đường hết xẩy, còn khi chín thì chẳng ai thèm vì trong chợ có hai ba đồng một thùng! Gì thì cũng ăn vài ba trái là ngán rồi, trồng cây ăn trái cho vui chớ tới mùa thì đem cho bà con là cái chắc!

Hồi xưa, có nhà đồng hương ở kế bên, cứ tới mùa xoài là chó sủa sáng đêm vì có đứa thích thọc cây xoài! Có lần mình ra la chó, bắt gặp thằng nhỏ hàng xóm ngồi gọn trên cây, mình nghĩ hàng xóm chẳng la rầy gì, thì nó còn đánh tiếng, “Cây gì rụng đầy bông sân người ta, mà chẳng có trái nào hết!”

Nay, anh hàng xóm mới người Úc cỡ tuổi con mình, cao sáu “feet” rưỡi tốt nghiệp cao học cùng trường với tôi, có vợ Mỹ đen và một bé gái tên Sydney, rất tử tế đàng hoàng, tây ta gì cũng vậy dân có học bao giờ cũng khác…

Ngoài cây xoài, tôi còn ra “Home depot” mua thêm cây ổi, cây chanh, quít, mơ, mận, tắc, sung, sa con trê, ủa … sa pô chê, hay đi xin lựu, cam, lý, đu đủ, cherry, chanh dây, mãng cầu dai (na) về trồng cho có cho vui. Hễ đi làm về là lui cui ở vườn sau tới tối mịt mới vô…

Hai mươi năm trước, bố tôi còn sống, về Nam Định thăm quê quán, có dấu mang sang vài cọng rau ngót già để trồng ở Mỹ. Tôi đươc hai cọng cắm xuống đất sống tới bây giờ, một năm cũng nấu được vài nồi canh nhỏ đủ hai vợ chồng húp mà nhớ đến ông già, còn con cái chúng chẳng thèm đụng tới!

Có ông bạn già HO, bà con bên Việt Nam gửi hạt giống cây “sưng sông” qua trồng được, cho tôi một cây. Khi nó ra bông tôi vùi bông xuống ra thêm hai chục cây nữa. Cuốn thịt bò ăn ngon gấp mười lần lá lốt. Bà thím bắc kỳ qua Mỹ từ bẩy lăm, tới chơi nhìn thấy nói ngay là cây “sưng sông” ăn có mùi dầu lửa đúng ngay phóc!

Nhưng thích nhứt là bộ sưu tập đủ loại rau thơm của tôi như tía tô, canh giới, dấp cá, quế, răm, cần tàu, húng cây, húng lủi…, thêm vài cây ớt, bụi xả, cây nhà lá vườn rất tiên lợi!

Vợ thấy rau thơm tươi tốt là xách rổ hái vô, chắc chắn bữa đó sẽ nấu bún riêu hay bún thịt nướng với rau thơm, hay cà tím xào tía tô đậu hũ ba rọi, ăn hoài không ngán…

Dưới đất thì phủ toàn rau má, tới mùa vợ ra hái xay uống ná thở luôn…

Bạn bè cho vài nhánh “alovera”, và thăng long giống trắng hay đỏ về cắm nay mọc tràn lan thành bụi lớn. Năm ngoái thanh long được chín trái năm nay chỉ có năm, vậy là vui lắm rồi, nhiều quá lại mất công tìm người cho! Nói vậy, chứ tôi biết cũng có ông nhà cây trái thà để chim ăn chứ chẳng cho ai…

Trước nhà có cây mai “Thái lan” trong chậu (hổng biết ai cho nó cái tên đó?), mùa xuân cành vươn thanh thoát hoa vàng rực rỡ, hàng xóm ai ai cũng trầm trồ làm mình hãnh diện hết sức!

Nhưng ngắm nó lại nhớ tới cái lon mai vàng sáng chói sĩ quan CSQG của mình, rồi ngậm ngùi cho các đàn anh và đồng bạn! Học gạo cho đậu tú tài, cử nhân để ra sĩ quan chiến đấu giữ nước cứu dân. Mất nước, bị kẻ thù bắt làm tù khổ sai hết! Biết vậy, “ta trượt tú tài, ta hụt tình yêu…” bà nó cho xong…

Ngày xưa, khi Hitler thình lình đánh chiếm Ba Lan một tháng Chín 1939, quân lực Ba Lan hoàn toàn án binh bất động vì quá sợ Đức. Mười sáu ngày sau, Stalin xua quân Nga vào Ba Lan để chia phần. Quân lực Ba Lan được lệnh không kháng cự gì hết.

Nhằm thôn tính Ba Lan lâu dài, Stalin ra lệnh cho tất cả sĩ quan Ba Lan ra trình diện để được “khoan hồng” và được đối xử như tù binh, ai trình diện trễ hạn sẽ bị xử bắn. Cho nên tất cả đều bị lừa!

Luật pháp Ba Lan thời đó, trừ những trường hợp đặc miễn hiếm hoi, tất cả đàn ông tốt ngiệp đại học đều phải đăng ký thành sĩ quan trừ bị của quốc gia, bao gồm cả luật sư, bác sĩ, giáo sư, kỹ sư, nhà văn, ký giả và giáo sĩ…

Rồi chỉ trong vòng vài tháng, quân Nga đã thủ tiêu hơn hai mươi ngàn người Ba Lan, bao gồm sĩ quan, công chức và cảnh sát. Ít lâu sau, công nhân đường sắt Ba Lan tìm thấy hơn mười ngàn thi hài với quân phục sĩ quan Ba Lan được vùi trong các hố sâu ở rừng Katyn. Mỗi thi hài, tay còn trói đều bị bắn bằng một viên đạn súng lục sau ót!

Riêng Vasili Mikhailovich Blokhin, xếp mật vụ Nga thời ấy, đã đích thân hành quyết bẩy ngàn tù binh bằng cách đó trong vòng hai mươi tám ngày của tháng Tư 1940.

Hy vọng thằng này không đang đầu thai làm con chó nhỏ của tôi, vì tôi quí chó tôi lắm!

Có thể nói rằng, tinh hoa của dân tộc Ba Lan bị tiêu diệt hoàn toàn làm lụn bại xứ này nhiều thế hệ!

Còn ở Việt Nam, sau năm 1975, tinh hoa của cả một dân tộc thành tù khổ sai!

Một ước lượng khoảng hai trăm ngàn công chức, cảnh sát, sĩ quan, văn nghệ sĩ, ký giả, tu sĩ… miền Nam bị đưa vào vài ngàn trại tù khổ sai trên toàn đất nước hàng chục năm là thường. Ít nhất hơn hai mươi ngàn người đã chết trong các trại tù “cải tạo” man rợ này!

Cộng sản là thế đó, chúng đều từ một khuôn mà ra! Những anh bần cố nông, ít học nhưng sẵn sàng dùng bất cứ thủ đoạn bẩn thỉu gian manh trơ tráo tàn ác mà những chế độ dân chủ của loài người chẳng dám nghĩ đến, để cướp chính quyền. Rốt cuộc, để bảo vệ cái thành quả “cách mạng, giải phóng” dối trá vô lương đó, chúng tiếp tục thẳng tay đàn áp, bóc lột, cầm tù, giết chóc để cai trị và làm giàu trên xương máu nhân dân…

Do đó, đất nước luôn bị cai trị bởi những anh mới học lớp năm như HCM hay Đỗ Mười là vậy (mà sao má nó đẻ dữ quá, hổng biết có thằng Đỗ Mười Một hông?)

Nghe nói, bây giờ tốt hơn rồi, đương kim thủ tướng nước ta xưa đi chích dạo, từng tốt nghiệp trường luật ở … trong rừng!

Lại nhớ năm xưa, ghé nhà anh bạn Tiến sĩ Lâm đầu bạc chơi, thấy vợ ảnh có cây mai trong chậu đẹp quá, hỏi mai gì chị nó “Thái lan”, bèn xin hột giống về gieo. Nay vợ chồng ảnh đã chia tay, nhà bán mất rồi, nghĩ buồn quá!

Cái đáng lẽ được gọi là mùa Xuân của đời người (và của tôi) như đã đề cập ở trên, đã sớm lụi tàn từ ngày nước mất nhà tan, và chẳng nên đề cập lại ở đây làm gì, mặc dù nó vẫn là vết thương, nỗi đau buồn, căm phẫn lớn nhất của đời tôi!

Rồi thì, năm ba mươi mốt tuổi, tôi đến trại tỵ nạn Bataan cùng vợ và đứa con gái nhỏ, bỏ lại quãng đời của chiến tranh, phản bội, đói rách, tù tội...

Tôi đã quá hạnh phúc lấy được người mình yêu (dù nàng không phải là người yêu thứ nhất), mà nhiều người nói rằng đó là một người đàn bà đẹp (anh Jerry, người Phi từng đi Hải quân Mỹ, dạy anh ngữ ở trại tỵ nạn có lần nói vậy với tôi.)

Và, cho đến hôm qua đang lúc coi phim “Safe haven”, ngắm nghía cô đào nhỏ nhắn Julianne Hough, tôi đã bảo nàng ngày xưa nàng chẳng thua gì cô ấy, và cả hai đứa con gái đều không đẹp bằng mẹ nó khi xưa…

Cũng may con gái thường giống mẹ ít nhiều, chứ giống tôi là hỏng rồi!

Có thể vì vậy, mà tôi đã đầu tắt mặt tối lo toan mọi bề từ ngày đến Mỹ, để nàng được an nhàn tấm thân. Tiếc thay, tôi đã chẳng giàu sang gì hết!

Con cái có ba đứa, đứa lớn xong cao học theo nghề cha, có gia đình và địa vị trong xã hội.

Hai đứa kia, dự định đi xa học cao học, biết lo thân như vậy là tốt rồi!

Tôi quan niệm con cái lúc còn nhỏ hay chưa vào đại học, mình phải uốn nắn nó cho có chí hướng vào đại học. Để sau có nghề ngỗng nuôi thân một cách lương thiện, vì ai không phải đi làm để nuôi thân hay gia đình. Nếu học cao nữa thì tốt, đời có nhiều cơ hội hơn cả về địa vị lẫn vật chất trong xã hội. Và ít có ai đầu tư công sức thời gian tiền bạc nhiều năm cho bằng cấp, để rồi làm chuyện sai trái ngu muội mà hỏng đời mình. Tôi cũng dậy chúng, “có thể giả quần áo, vờ lễ nghĩa, nhưng nhân cách không thể giả được!” Và nhân cách tốt hay xấu có thể thừa hưởng từ giáo dục của cha mẹ, nhưng một nửa kia phải đến từ học vấn cao hay thấp mà thôi…

Tôi hiểu loài người chỉ có hai giống, nam nữ hay đàn ông và đàn bà. Giới này bị thu hút bởi giới kia không thể tránh khỏi, đó là luật tự nhiên để sinh tồn trên trái đất từ triệu năm nay. Và đó cũng là lý do các ca sĩ như Vũ Khanh, Tuấn Ngọc… chỉ rên rỉ mà kiếm ăn ngon lành! Yêu anh yêu em, phụ anh phụ em…

Nào, “Bao giờ biết tương tư”, “Dư âm”, Hạ trắng”, “Hoa vàng mấy độ”, “Sang ngang”, “Bài không tên cuối cùng”, “Anh biết em đi chẳng trở về”, “Giết người trong mộng”… là vài thí dụ, thấy “Yêu” mệt chưa?

Nói vậy chứ hồi mới bẩy tuổi, một buổi trưa hè nắng xiên xiên sau cơn mưa vừa tạnh, tôi ngồi chơi ngoài hiên một mình, nhìn vào trong nhà thấy mẹ tôi đang đạp máy may vừa hát vừa khóc nức nở một mình… Lớn lên, tôi rất thích bài hát “Bóng chiều xưa” này. Tôi biết mẹ tôi là người đàn bà đẹp, nhưng số vất vả. Sách có nói, “Vai lệch, vất vả!” giống bà, vai tôi cũng lệch, bên cao bên thấp!

Và con cái mình cũng chẳng được ngoại lệ…

Nên khi nó vào đại học rồi muốn quen ai cặp ai, có muốn nói không cũng không nên hay không được, hồi đó mình mê em đó anh đó ai cấm được mình? Miễn sao chúng cùng lứa, một giới học sinh cùng lớp cùng trường, sau này lâu dài có tiến tới hôn nhân cũng cùng một nghề, một giai cấp xã hội như nhau là tốt rồi!

Nếu chẳng may nó còn trẻ tuổi non dại, bị một anh ít học nhưng ma mãnh hay chị dân chơi lỡ thời nào đó dùng mọi thủ đoạn lươn lẹo dụ nó thì mình phải chặt liền, hổng thôi nó cho đẻ một đứa là đời con mình mệt rồi! Thường thì anh dông lẹ, còn chị thì táp pi thêm vài em bé nữa cho chắc ăn…

Cấm cản con gái, nếu nó thương mình nghe lời, rồi tuổi xuân qua đi, những người nó yêu nay có vợ hay nó chẳng còn yêu ai nữa, đời nó buồn thay…

Hay con trai, có vợ rồi mà mình vẫn muốn kiểm soát đời nó một trăm phần trăm, nếu nó thương mình mà nghe lời. Một bữa nào đó vợ nó hỏi nó, “Tao lấy mày hay lấy gia đình mày?” rồi giải tán, chỉ tội cháu mình mà thôi…

Chê trách con rể hay xía vô gia đình nó cũng hậu quả vậy thôi!

Sống chỉ một lần! Làm chi cho khổ người khác, nhất là nó lại con mình, có phải ích kỷ lắm thay…

Tuần bảy ngày, năm ngày lồm cồm thức dậy đi làm, hai ngày kia bật dậy đi tập võ cho có sức khỏe tuổi già. Mà nếu lỡ không thức dậy cũng hông sao!

Tôi thích còn sức thì cứ đi làm, sáu lăm bẩy mươi gì cũng được, cho có đi tới đi lui gặp người này người nọ, hay có công việc trách nhiệm chứ ở nhà biết làm gì suốt ngày đây?

Có ông HO bạn đồng môn với tôi ở võ đường, bẩy mươi bẩy vẫn còn sắp thi năm đẳng, hổng biết cỡ tuổi chả tôi còn đi được hông!

Hồi xưa, ổng đại úy, ra trận chỉ cầm súng trường, súng lục để nhà, sợ vẹm rình ông nào đeo súng lục biết sĩ quan mà bắn sẻ!

Đi tù cải tạo ngoài bắc, ói ra máu, vẹm tưởng sắp tiêu dên nên tha cho về…

Nghe bà vợ ổng khen ổng, “… chỉ kém xưa một chút hà!” Hỏi ra mới biết chả chơi ngày hai viên “Extra gold super seal,” mua ở Ming Fung gì đó…

Mười bảy năm trước, chở mấy đứa con nhỏ bắt đi tập võ, ngồi chờ chúng ngoài xe thấy chán vô học luôn.

Nay chúng đã lớn khôn đi học đi làm hết, còn rớt lại có mình mình, lên hết đai này tới đẳng nọ hổng chán, đúng là sống lâu lên lão làng có khác!

Nhưng thử làm biếng nghỉ hai tuần không đi tập coi, người thấy uể oải mệt mỏi chán chường muốn chết!

Thôi thì cứ vậy đi cho nó tốt cái tuổi già chẳng bệnh tật đau nhức gì hết.

Chứ còn dám đánh đấm gì ai! Một buổi tập mình đá bao cả trăm lần cái nào cái nấy như bổ củi, thọc hay quất ai một cái là xe cứu thương tới rồi…

Thầy thì càng già càng khó, đá thấp cũng la, đá cao cũng la, đá chậm cũng la, đá nhanh cũng la, đá không đẹp cũng la. Đá … chết bà nó là gật gù!

Dùng đòn tay thì dễ nhưng hổng mạnh bằng đòn chân. Nhấp trên một chân, đưa tay ra cho nó coi chỉ tay tốt xấu, mà quất trúng một cái từ trên xuống dưới hay từ trái qua phải hay phải qua trái, tay nào đỡ cho nổi!

Nhưng mà luật pháp có nói rõ, một anh đai đen đánh người gây thương tích trầm trọng (như bể mũi, gẫy xương sườn) tù sáu tháng tới một năm về tội “tấn công bằng vũ khí chết người” (vũ khí ở đây là hai tay hai chân). Cho nên đi làm, gặp chuyện tôi xài dùi cui chắc ăn, chả ai thưa gửi gì hết…

Ngày còn niên thiếu, tôi có lần mơ mộng đậu tú tài sang Tây du học, mơ đến Paris… (Có biết đâu khác ngoài Paris!)

Trong lớp, có hai thằng bạn, ngồi bên trái là Nìm ký Chương ở Chợ lớn, bên phải là Trần phụng Dương ở Chợ Vườn chuối.

Cả ba đậu tú tài cùng năm, thằng Chương vào văn khoa, thằng Dương sang Tây du học, tôi đậu Bình, cao hơn hai thằng kia, đi lính!

Mất nước, lăn lóc kiếm sống chơi vài thằng bạn thân, mang vợ con tới thăm nhau thành thân thiết suốt cả cuộc đời luôn.

Năm 1984, gia đình anh Sáng sang Tây…

Ba năm sau, gia đình tôi sang Mỹ.

Năm 2008, nhân có ông bạn hàng xóm về Ý thăm con gái lấy chồng bản xứ, cho tôi tháp tùng mà biết đó đây.

Ở Ý, hai đứa tôi đi xe lửa từ nhà sang Venice và ăn trưa ở đó. Cái thành phố đẹp nhất thế giới này, đóng kèo trên biển đắp nền liên kết 118 hòn đảo nhỏ dính lại với nhau bằng cầu rồi xây nhà thờ dinh thự phố xá ở trên từ thế kỷ thứ chín.

Sau đó, từ Ý, hai đứa tôi đi xe lửa sang Paris. Tháng ba, tuyết phủ trắng mịt mù hai bên đường tàu từ Ý đến Pháp!

Ở Paris, anh Sáng đưa tụi tôi về nhà ở ngoại ô. Con cái đã lớn có gia đình ra riêng, chỉ hai vợ chồng còn đi làm, nhà sắp trả xong.

Tôi đến đứng dưới chân Tháp Eiffel chụp vài tấm hình với vợ chồng bạn hiền. Tháng ba lạnh cóng vô quán uống tách cà phê Paris, sau đó đến thăm Cung điện Versailles của Vua Louis XIV coi cho biết vợ chồng thằng Vua Tây bị dân chặt đầu này sống vương giả xa xỉ ra sao… Chặt là phải rồi!

Ở Paris, ông hàng xóm tôi nhờ anh Sáng kiếm ra được ông anh họ làm nghề lái taxi ở Paris, mà đã mất liên lạc từ lâu. Tên anh ta là Nguyễn đình Chiểu. Vậy là cùng tên họ với Cụ Đồ Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên, nhà nho nghĩa khí của miền Nam ngày xưa. Cả bọn đi ăn phở ở khu Việt Nam, dở òm!

Rồi từ Paris, hai đứa tôi đáp xe lửa đi Rome. Vào thăm Nhà thờ Thánh Phêrô và Giác đấu trường Colosseum. Ở Rome, ông hàng xóm tôi găp lại “thằng em” cùng đi tỵ nạn ở Ý năm xưa tiếp đãi rất nồng hậu ở nhà hàng số một Ý. Tên anh ta là Trần khánh Dư, cùng tên với một đại danh tướng nhà Trần hai lần dự phần đánh bại quân Nguyên Mông.

Chuyến du lịch này sao toàn gặp các nhân vật lịch sử…

Và giấc mơ ngày còn trẻ đã thành sự thật sau gần bốn mươi năm. Vậy là mãn nguyện lắm rồi!

Nói vậy, chứ hai mươi sáu năm ở Mỹ, tôi có biết New York, Washington DC là ở đâu!

Cũng may, cuộc đời vẫn còn đang mùa … hè, rồi cũng sẽ tới thăm nó thôi, để dành được hai năm ngày phép mà lo gì!

So ra, Nó vẫn tốt hơn mùa Xuân của cuộc đời mình rất nhiều…

Và, tốt nhất đấy!

Quân Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
25/12/202122:43:22
Khách
https://cialiswithdapoxetine.com/ generic cialis
24/02/202121:29:17
Khách
chloroguine <a href=https://chloroquineorigin.com/#>arechin</a> cloroquina 250 mg
23/02/202123:29:48
Khách
erectile disorder symptoms <a href=https://plaquenilx.com/#>hydroxychloroquine plaquenil cost</a> erectile dysfunction guide
22/11/201308:00:00
Khách
hay lam sao chi co bon star and half?
29/09/201307:00:00
Khách
Hay lắm!
21/09/201307:00:00
Khách
Merci anh bai viet rat hay, dung tam trang cua tuoi minh
20/09/201307:00:00
Khách
Bài viết hay lắm!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,252,069
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến