Hôm nay,  

Trăng Thơ Ấu

17/09/201300:00:00(Xem: 100405)
Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 4013-14-29413vb3091713


Bài viết mới của tác giả dành cho dịp Rằm Tháng Tám, Tết Trung Thu đang đến. Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh trước 1975, đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng Tư 1975, cô không viết, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010.

* * *

Tôi đọc một mẩu tin.

Họ là đôi song sinh duy nhất của NASA sắp tham gia vào một dự án nghiên cứu về ảnh hưởng trên gene trong những chuyến phi hành dài ngày. Nói một cách dí dỏm là họ sẽ trở thành hai chú chuột lang (guinea pigs) trong thí nghiệm này.

Phi hành gia Mark Kelly, người chỉ huy trong bốn phi vụ của phi thuyền con thoi, kể cả chuyến bay cuối cùng của phi thuyền Endeavour, sẽ đóng vai đối chứng ở trên mặt đất, trong khi người anh em song sinh của ông thì ở trên quỹ đạo, đóng vai đối tượng thí nghiệm..

Mọi người nghe nhiều đến Mark Kelly bởi ông là phu quân của nữ dân biểu Gabrielle Giffords, người bị một tay súng điên loạn bắn vào đầu giữa lúc bà đang nói chuyện với cử tri tại Tucson, Arizona vào tháng Giêng năm 2011 – cuộc xả súng đã lấy đi mạng sống của sáu người và làm bị thương hai mươi sáu người khác. Sau đó Mark Kelly đã rời NASA để dành trọn vẹn thời gian chăm sóc cho vợ mình. Nhưng người “thường dân” như tôi không hề biết đến Scott Kelly. Không ngờ Mark Kelly lại có người anh em song sinh cùng làm trong lãnh vực không gian như ông. Scott Kelly sẽ thực hiện sứ mạng lâu một năm trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS), phi vụ độc hành dài nhất từ trước tới nay của NASA. Thử nghiệm này chỉ có tính quan sát, nhưng có lẽ những gì mà giới khoa học tìm thấy được sẽ rất thú vị.

Cả hai anh em họ đều giỏi, tôi suy nghĩ chủ quan như vậy. Và khi hai cá thể giống hệt nhau được đặt trong hai môi trường hoàn toàn khác biệt, họ sẽ có những biến đổi thế nào? Tôi gật gù, cảm thấy hào hứng lắm. Để chờ xem!

Nhưng tôi chợt ngẩn người.

Tôi cũng có một người anh em song sinh. Sinh đôi cùng trứng. Nghĩa là chúng tôi giống hệt nhau, như Mark và Scott. Ở nhà, ba má tôi cho tôi làm anh, vì tôi “ra” trước. Nhưng sau này, tôi lại nghe có một quan niệm trái ngược, đó là: ai ra trước thì làm em, vì “đứa kia” nhường em nó, cái gì cũng nhường ưu tiên cho em hết cả. Quan niệm này cũng hay hay đấy! Tôi không biết các gia đình có con sinh đôi nghĩ thế nào. Nhưng anh em tôi không quan tâm lắm, vì chúng tôi vẫn gọi nhau bằng tên, không ai giành làm anh hay làm em gì cả.

Ở gần tuổi năm mươi, hai anh em Kelly bước vào cuộc thí nghiệm “thay đổi theo môi trường”. Cũng vào tuổi gần năm mươi, anh em tôi nhìn lại sự thay đổi, nếu có, theo môi trường. Thử nghiệm của nhà Kelly sẽ là trong một năm. “Thử nghiệm” của anh em tôi, tính ra đã gần ba mươi năm!

*

Tôi ngồi vào máy. Yahoo messenger. Chat!

“Hi!” (tôi chào)

“Hi hi” (bên kia cười)

“Hành làm gì đó?”

“Chat.” (Vậy là hòa đồng ngôn ngữ)

“Vẫn vui với lũ nhỏ chứ?”

“Vẫn. Còn Phi?”

“Vẫn. Toàn người lớn.”

“Hi hi”

Chưa gì thì người anh em của tôi đã chào:

“Bye nghen! Có khách rồi!”

“OK.”


Và thế là cái khung chat chỉ còn mình tôi. Tôi thở dài. Hành, anh em sinh đôi của tôi đấy, lúc nào cũng bận rộn. Tôi có “người lớn” là các bệnh nhân của tôi. Còn Hành, như con thoi, chạy tới chạy lui không thấy lúc nào nghỉ. Má tôi vẫn ghẹo anh em tôi: đứa thì bay, đứa cứ phải đi bộ. Chẳng là ba của chúng tôi mê truyện và phim khoa học không gian lắm, nên ông đặt tên chúng tôi là Phi và Hành, mà chắc là ông cũng mong ước chúng tôi lớn lên sẽ làm phi hành gia. Cái năm mà Apollo 11 đưa người lên mặt trăng, cả nhà chúng tôi say mê dán mắt lên ti-vi, hình đen trắng. Hai thằng tôi mới có năm tuổi, thì thầm với nhau về nỗi ước ao được mặc bộ đồ phi hành gia, bước khệnh khạng trên mặt đất cung trăng, trông oai “ra phết”. Chỉ biết là oai thôi, không biết gì hơn. Vậy mà, càng lớn thì anh em chúng tôi càng mê làm phi hành gia thật sự. Ba má chúng tôi mừng lắm, nhưng cũng lo lắng lắm. Bởi vì phải học cho thật giỏi, muốn làm phi hành gia phải ra ngoại quốc học chứ! Anh em tôi còn nhỏ quá, chỉ việc chúi mũi vào sách vở, phim ảnh, xem cho “đỡ ghiền”. Hai chú nhóc tôi học cũng không tệ, lúc nào cũng chia nhau hạng nhì, nhất trong lớp. Ba má chúng tôi ươm hy vọng dần dần…

*

Đêm nay, tôi nhìn lên bầu trời. Một mảnh trăng tròn. Không có gì hoàn hảo hơn! Bỗng như thấy lại một vùng thơ ấu của anh em tôi. Ngày đó, với cái ước mơ trở thành phi hành gia của hai chú nhóc, anh em tôi quấn quít nhau không rời. Ba má chúng tôi có đi đâu cũng yên tâm vì hai chú nhóc biết lo cho nhau. Người ta nói anh em hoặc chị em sinh đôi (mà phải là identical twins như chúng tôi cơ!) có những ý nghĩ, những ước muốn, và cách hành động giống nhau. Có lẽ đúng thế. Mà thật lạ, càng lớn thì chúng tôi càng xa rời cái ước mơ làm phi hành gia. Cuộc sống thực tế dần dần thay đổi chúng tôi. Lên cấp ba, tức trung học đệ nhị cấp, hai anh em tôi thấy rõ ước mơ của mình là trở thành bác sĩ. Nghĩ cho cùng cũng chẳng có gì lạ. Có nhiều bạn khi còn bé thích làm cô giáo thầy giáo, suốt ngày đứng trước bảng dạy học cho mấy bé con nít hoặc cho đám búp bê, tới lớn thay đổi, lại thích làm nghề khác là thường. Và cứ thế mà tiến lên. Hai anh em chúng tôi cùng đậu vào trường Y, thế mới vui chứ! Ba má chúng tôi là những người vui nhất.

Một đêm, tôi nhớ, không trăng. Tôi không rủ ai đi cùng, một mình bơi ra biển.

Không ai hiểu tại sao. Chỉ có tôi hiểu mình muốn thay đổi hoàn cảnh mình đang sống. Tôi không nỡ bắt người anh em của tôi thay đổi theo. Và thế là tôi xa mái nhà của mình, xa ba má và người anh em của tôi.

Mỗi mùa Trung Thu về, tôi lại nhớ ray rứt những trò chơi “làm phi hành gia” của hai anh em. Hành bên đó tiếp tục học ra bác sĩ. Tôi vất vả bên này tự lực và cũng học ra bác sĩ dù chậm hơn người anh em của mình đến vài năm. Cứ như là tôi đã chọn làm một cuộc thử nghiệm vậy.


*

Năm 2015, Scott Kelly sẽ là người Mỹ đầu tiên ở trên không gian một năm. Trước đó, đã có năm người Nga sống như vậy. Nhưng đặc biệt, Scott sẽ được so sánh với Mark, ở yên trên trái đất. Cả hai anh em sẽ cung cấp mẫu máu và các mô của cơ thể mình cho giới khoa học để nghiên cứu. Các mẫu của Scott sẽ giúp xác định những biến đổi về gene, nếu có, xảy ra trong suốt thời gian sống bên ngoài trái đất. Trong điều kiện không trọng lực, những chuyển động của cơ thể sẽ gây ảnh hưởng lớn trên mắt, trên tai, trên não – điều này có thể gây mất định hướng. Đầu có thể sung huyết và mặt có thể sưng do sự tái phân bố chất dịch. Tốc độ lọc của thận sẽ tăng. Mất calcium trong xương có thể dẫn đến sạn thận. Xương và cơ sẽ yếu đi. Chân sẽ bị phù. Giảm huyết tương gây thiếu máu tạm thời khi trở về trái đất. Và cuối cùng, nguy hiểm hơn cả, đó là sự tiếp xúc lâu dài với các tia vũ trụ dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư.

Bao lâu nay tôi vẫn lo rằng người anh em của tôi ở lại quê nhà, sống trong một môi trường nhiễu nhương, rồi sẽ như thế nào. Hành có biến đổi như bao nhiêu người đã biến đổi? Trong một lãnh vực mà nghề nghiệp có thể giúp người ta thăng tiến về kiến thức, về khả năng phục vụ, giữ gìn y đức, nhưng cũng có thể biến người ta trở thành kẻ chạy theo đồng tiền và danh vọng mà quên đi chức năng thiêng liêng của mình là cứu người, Hành sẽ ra sao? Lúc mới ra trường, Hành vì là thành phần không có “thân thế” nên phải vào nhóm công tác lưu động, suốt năm đi về vùng quê hay lên miền ngược. Sau lần bị lật xe, Hành bị thương, mới được về làm trong bệnh viện. Rồi một lần khác, tôi nghe nói Hành bỏ bệnh viện, sau khi lên tiếng chống lại các chức sắc trong bệnh viện vì bất bình trước sự phân biệt đối xử. Sau đó, Hành không đi làm “công chức” nữa. Nói theo cách của Hành là “bây giờ tà tà, làm quơ quào đủ sống, không vướng bận”. Ba má tôi buồn lắm. Tôi cũng buồn. Phải chi ngày ấy tôi can đảm rủ Hành cùng ra biển!…

Tôi lấy vợ. Bên nhà, Hành chưa chịu lấy vợ. Cuộc sống của tôi bên này tạm gọi là êm ả, tuy công việc bệnh viện thường không mấy dễ chịu. Nhưng đó là đặc điểm của nghề nghiệp thôi. Tôi cũng sắp xếp được để đủ thì giờ thưởng thức cuộc sống.

Người anh em của tôi bên nhà ít kể lể về cuộc sống của mình. Tôi không biết gì nhiều ngoài những chữ ngắn gọn “tạm ổn”, “OK”, “chưa chết”… mà Hành hay nói tếu. Hỏi ba má tôi, các cụ chỉ nói: “Nó nghèo lắm con ơi! Nó làm việc ở ngoại thành, đi suốt ngày, ăn mặc đơn giản, tiêu xài tiết kiệm…”

Trong một lần chat:

“Phi bảo lãnh ba má và Hành qua Mỹ sống ha!”

“Ba má nói già rồi không đi đâu, còn Hành cũng không đi.”

“Hành qua đây học thi lại lấy bằng bác sĩ.”

“Không phải vì chuyện làm bác sĩ. Hành cũng đang là bác sĩ.”

“Nhưng Hành bị thua thiệt quá!”

“Đâu có gì thua thiệt, Hành chấp nhận mà!”

“Vậy…”

“Vậy Phi về thăm nhà một lần đi!”

“Không… Phi chưa chấp chận chuyện về lại…”


Hết chat.

Tôi sợ Hành sẽ như Scott hay ai đó ở trong môi trường không trọng lực, cơ thể sẽ biến dạng, ung nhọt sẽ bùng lên. Cái xã hội mà Hành đang sống làm cho con người điên đảo, nhiễm tánh vị kỷ, có khi trở nên tàn ác với đồng loại chỉ vì lợi ích của mình. Có phải những tin tức mà tôi xem và nghe được hàng ngày làm cho tôi có tâm trạng như vậy chăng? Hay vì câu chuyện thử nghiệm trên hai anh em sinh đôi Mark và Scott Kelly làm tôi liên tưởng đến anh em mình?

*

Đêm rất khuya. Một đêm trăng khuyết. Tôi không ngủ được, ra mở máy PC, định gọi Hành, nhưng Hành đã có sẵn ở đó.

“Có cái này cho Phi coi.”

“Cái gì thế?”

“Bảo về chơi không về, thì quay cái phim này cho coi vậy.”

“Phim về cái gì?”

“Coi sẽ rõ.”

Hành gửi qua cho tôi một cái “link” YouTube. Tôi cười. Chúng tôi cũng khá biết tận dụng internet lắm chứ!

Một đoạn phim ngắn. Cảnh quay từ xa cho thấy một con đường sạch sẽ nhưng là ở ngoại ô, ít xe cộ. Tiến đến gần, người xem thấy một cái cổng xinh xắn dẫn vào một ngôi nhà trông như một cái trạm y tế xã. Tấm biển gắn trên cửa, ghi “Trăng Thơ Ấu”.

Tôi giật mình. Trong khung chat, hiện ra câu của Hành:

“Thấy gì chưa?”

“Sao lại là Trăng Thơ Ấu?”

“Thì là trăng của Phi Hành… gia đó!”

“Có ý nghĩa gì?

“Vào trong sẽ biết.”


Tôi “vào trong”. Ôi, cả một thế giới thơ mộng mà tôi chưa từng được thấy! Những bàn ghế, kệ sách màu sắc tươi vui, các bức tường trang trí dịu dàng mát mắt, với những hình “trăng khuyết” – nói theo cách của anh em tôi – đính nhè nhẹ trên đó. Trong cái thế giới ấy, có các em bé và cả những người lớn đang chơi với nhau những trò chơi ngộ nghĩnh. Họ vẽ trên những khay cát. Có người thì đàn, có người thì hát. Có người ngồi ôm con ru ngủ. Có người yên lặng đọc sách.

“Hiểu gì chưa?” Hành hỏi.

“Sơ sơ.”

“Hi hi.”

“Nhưng sao lại là Trăng Thơ Ấu?”

“Vì đó là giai đoạn rất non nớt của trăng, tức là trăng non đấy, nhưng nói cho nó văn vẻ chút mà!”

Tôi để trống phần câu của mình.


Hành viết tiếp:

“Những đứa bé trong căn nhà này bắt đầu cuộc đời của mình bằng những nốt nhạc lạc lõng. Các em bị những chứng bệnh tâm lý. Không ai hiểu chúng, ngay cả cha mẹ của chúng. Nơi đây, mọi người được trị liệu bằng những phương pháp chuyên biệt. Nhưng điều quan trọng là mọi người học cách hiểu nhau, hàn gắn vết thương cho nhau.”

Tôi lại chừa trống.

Hành viết tiếp:

“Tất cả chi phí hoạt động của cái “club” này đều do anh chị em tự lực, cộng thêm sự giúp đỡ của các “mạnh thường quân” khắp nơi. Coi như một cái “nhà trẻ” cũng được, nhưng “người giữ trẻ” toàn là bác sĩ. Hi hi.”

Tôi thở ra, nghe nhẹ người. Bên kia Hành giục:

“Viết gì đi chứ!”

“Phi vui lắm!”

“Vui sao?”

“Vui là vui quá vui.”

“Hi hi.”

“… vì mình còn giữ mãi vầng trăng hồi còn nhỏ của tụi mình.”

“Ừa, hồi đó… hai đứa mơ làm phi hành gia há!”

“Ừa.”


Tôi mỉm cười. Người anh em của tôi bên nhà sẽ không thấy tôi cười, và cũng không biết được tôi đang nghĩ gì đâu! Cuộc “thử nghiệm” không tùy ý của chúng tôi sau gần ba mươi năm đã có kết quả. Cái “môi trường không trọng lực ấy” không ảnh hưởng gì đến cái “gene” trong người anh em sinh đôi của tôi.

Tháng Tám, 2013

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
18/09/201313:37:31
Khách
Xin cam on tac gia.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,300,820
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Bài viết mới của ông là những hồi ức về Huế.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô danh cho tháng Tư 2018
Captovan hay Capvanto là bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết sau đây là câu chuyện thật về người lính trong tấm hình được đề cập trong bài “người yêu trâu điên”.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết sau đây của Ngọc Anh là những lá thư gửi người lính Thủy Quân Lục Chiến, thuộc một đơn vị có biệt anh Trâu Điên. Bài viết từng xuất hiện một lần trên tập san KBC Hải Ngoại mấy năm trước, nay được đăng lại với phần bổ túc trong kỳ tới bằng một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Bài mới, viết cho Tháng Tư Đen năm nay kể lại cuộc chuyện trò giữa tác giả Orchid Thanh Lê và hai nhà hoạt động cộng đồng tích cực tại hải ngoại: Nhà văn Chu Tất Tiến và Nhạc sĩ Lê Xuân Điềm.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng một hồi ức Mậu Thân. Ông sinh năm 1942 tại Huế. Qua Mỹ diện HO 21 định cư tại Thành Phố Tucson Arizona, hiện nghỉ hưu. Mong ông sẽ tiếp tục viết.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California, dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông là một hồi ức sống động về khu xóm bên cầu Bạch Hổ tại Huế Tết Mậu Thân, kể về người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống, chỉ chừa đầu cổ trên mặt đất để hành hình
Thay lời giới thiệu. Điện thư tác giả Captovan gửi Việt Báo Viết Về Nước Mỹ: Bài viết "Huế, Tôi, Mậu Thân" là của anh cựu Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ8/TQLC Nguyễn Văn Phán, anh gửi cho Ban Biên Tập Đặc San Sóng Thần TQLC, nhưng thấy quý báo đang kêu gọi viết về Hồi Ức Mậu Thân nên chúng tôi xin phép anh để gửi đến quý báo đăng trước, BBT/ST chúng tôi sẽ đăng sau, coi như một lời chào của anh gửi đến đồng bào gốc Huế trong lúc anh đang chiến đấu... như 50 năm về trước anh chiến đấu với "thần chết VC" và anh đã chiến thắng và anh sẽ chiến thắng. Kính chào.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo và vẫn tiếp tục góp bài viết. Sau đây là bài mới của cô. Hình ảnh tại Hội Tết Mậu Tuất, San Jose, California.
Nhạc sĩ Cung Tiến