Hôm nay,  

Tôi Thành Công Dân Mỹ

14/09/201300:00:00(Xem: 92470)
Tác giả: Phan Việt Nam
Bài số 4009-14-29409vb6091313


Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, ông là sĩ quan VNCH, khoá 1/72 Thủ Đức, từng bị chiến thương, giải ngũ và du học Thụy Sĩ từ tháng 2, 1975. Bài viết được gửi bằng điện thư, kèm lời tác giả viết, “Đây là chuyện thật của tôi - Nhân ngày kỷ niệm 9/11 đau thương - xin gửi bài để cùng bà con tâm tình khi viết về nước Mỹ.” Mong Phan Việt Nam sẽ tiếp tục viết thêm.

* * *

Tôi rời Sàigòn ngày 8 tháng 2 năm 1975, đúng vào ngày 28 Tết để đi du học. Ba mươi tháng Tư, thế cuộc đổi thay. Ba mươi ba năm sau, ngày 7 tháng 4 năm 2008, kể từ 3:10PM, vợ chồng tôi và đứa con út chính thức thành công dân Mỹ. Con trai lớn đã là công dân Mỹ từ mấy tháng trước.

Buổi tuyên thệ mang đến cho tôi một cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Vui vì từ nay thành công dân của một nước dân chủ lớn và giàu có bậc nhất thế giới, buồn với cảm giác man mác như đang phản bội lại đất nước Canada nơi đã cưu mang chúng tôi mười bảy năm. Và bâng khuâng hụt hẫng như đang xa rời hơn nữa Tổ Quốc Việt Nam thân yêu mà nay nhìn lại đã xa gần nửa đời người. Tuổi về hưu đang trước mặt, điểm hết cuộc đời cũng thấp thoáng xa xa. Con, cháu và những thế hệ sau là người Mỹ với hai chữ “gốc Việt” ngày càng nhạt nét.

Âu đây cũng là lúc thử nhìn lại chính mình, với phần đời đã hơn bốn mươi năm, qua bốn nước: Từ Việt Nam du học Thụy Sĩ, thành di dân tại Canada, rồi bây giờ là công dân Hoa Kỳ.

Sau đây là chuyện thật của tôi - Nhân kỷ niệm mười hai năm ngày 9/11 đau thương - xin gửi tới Việt Báo để cùng bà con tâm tình khi viết về nước My.

*

Cuộc đời tôi phải nói là được dẫn dắt bởi các Đấng Thiêng Liêng qua những khúc quanh bất ngờ. Sau mấy năm học Chính Trị Kinh Doanh tại Viện Đại Học Đà Lạt, ngày tốt nghiệp Cử Nhân, áo mão xuênh xoang xong là vài tháng sau trực chỉ ắc ê, súng trên vai, ngay hàng đằng trước bước, tương lai chỉ thấy một màu xanh của đồ lính và một màu xanh của cỏ mộ.

Tôi nhập ngũ khoá 1/72 Thủ Đức. Mãn khoá không bao lâu, tôi bị vướng mìn ở Bạc Liêu. Oành một cái, lê la quân y viện hơn năm, được giải ngũ loại 2, rồi thành sinh viên du học.

Ngay chuyện đi du học Thụy Sĩ cũng là do những tình cờ lạ thường.

Những ngày chưa bị động viên, tôi cùng anh chị em Hướng Đạo tham gia cứu trợ Tết Mậu Thân cùng với Kha Đoàn Yersin ở Dalat. Sau đó tôi chuyển qua sinh hoạt với Thanh Niên Hồng Thập Tự Dalat vì mục đích của HTT là cứu trợ. Nhờ vậy tôi quen thân với anh Ulrich Schule, người Thụy Sĩ. Những tháng năm làm việc bên Việt Nam, anh thuê một căn gác xép ở Saigon, ăn uống đạm bạc để cuối tháng dư được ít tiền. Tất cả số tiền dư này anh mang tặng lại cho Hồng Thập Tự Việt Nam với tên là vô danh. Năm 74, khi tôi làm hồ sơ xin đi du học, biết tôi cần người bảo lãnh, chính anh ấy đã bảo lãnh giấy tờ cho tôi du học Thụy Sĩ.

(Cho tới nay, tôi với anh vẫn liên lạc thường xuyên. Đã gần 40 năm qua nhưng anh vẫn còn nhớ và phát âm “Cà phê đá”, “Trời đất ơi”, “Trà đá chanh đường”. Ulrich Schule luôn luôn là người anh của tôi.)

Để có thể nạp đơn đi du hoc, ngoài giấy bảo lãnh, tôi còn phải lo đủ thứ giấy tờ trong đó có giấy chứng nhận cựu quân nhân. Lo xong, khi nạp đơn, họ lại bảo ông quá tuổi du học rồi và dứt khoát không nhận. Thời ấy, tôi đang ở trọ nhà TTD, một người bạn cùng khoá Chính Trị Kinh Doanh viện Đại Học Đalat. Tôi theo ngành tài chánh, D. theo ngành báo chí. Thấy tôi buồn tình ôm đống hồ sơ quay về. TTD bảo “mi đưa hồ sơ đây”. Sau đó ít hôm, hắn về kể lại: Tao xin vào gặp Giám Đốc Nha Du Học. Lúc đầu tao toàn nói chuyện khen. Lừa lúc ngài giám đốc đang vui tao chuyển sang vấn đề phế binh đi du học. Ngài giám đốc đang hứng chí “Trả nợ quỷ thần rồi thì tha hồ du học” Lúc ấy tao mới lấy hồ sơ của mày ra. Ngài giám đốc lỡ bộ, ghi ngay vào hồ sơ “Cho nộp gấp”. Thế là mấy tháng sau, tôi có tên trên danh sách du học.

Ngày tới xem danh sách niêm yết, có bà cụ nói với tôi. Cậu ơi, làm sao cậu 28 tuổi mà đi du học được hay vậy. Nếu cậu lo cho con tôi đi được, tôi cho riêng cậu 5 triệu, tiền lo cho con tôi tính riêng. Năm triệu hồi đó lớn lắm. Lương chuyên viên ngân hàng có đâu sáu bảy chục ngàn một tháng. Thưa bác, cháu đổ máu ngoài chiến trường được giải ngũ mới đi được chứ cháu mà biết cháu cũng lấy 5 triệu ngay.

Hồi ấy tôi đang học khoá huấn luyện chuyên viên Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp. Khi nhận được visa, tôi lên xin gặp ông TGĐ cũng là giáo sư (Thầy Nguyễn Văn Hải) hướng dẫn đề tài luận án ra trường “Ngân Hàng Nông Thôn” của nhóm Alpha chúng tôi (NHNT cũng chính là đề tài thi vào Ngân Hàng PTNN). Ông TGĐ bảo, nếu em muốn thì chỉ trả lại chi phí huấn luyện rồi đi. Nếu không cứ ở lại làm, hai năm nữa tôi sẽ đưa em đi Mỹ học 2 năm. Lúc ấy đã có kế hoạch bổ nhiệm mấy chục khoá sinh, phần tôi được về là Phó Giám Đốc Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp Phan Thiết. Tôi trả lại chi phí, xin lỗi Thầy để đi.

Tôi mơ ước đi du học từ những năm Đệ Nhị, Đệ Nhất. Một phần cũng không muốn tham gia chiến tranh, một phần cũng mơ ước như bao học sinh khác. Thời đi lính, đâu đó giữa năm 1972, một hôm đang nằm nghỉ trưa, trốn nắng dưới lùm cây trên đồi 30 Thủ Đức tôi chỉ chiếc máy bay Boeing 747 đang trên bầu trời và ao ước với thằng bạn bên cạnh “Phải chi có một ngày nào đó mình ngồi trên chiếc máy bay như thế đi du học nhỉ?” Cũng trên đồi 30 đó, nhiều lúc nhìn xuống xa lộ thấy những chiếc quân xa chở quan tài phủ đỏ cờ vàng ba sọc đỏ với những chiếc áo, khăn tang trắng chạy nhanh về phía Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà.

Những ngày cứu trợ Tết Mậu Thân ở Đalat, tôi đã thấy quá nhiều tang tóc. Một người bị bắn chết trước toà Thị Chính chỉ vì lính kêu đứng lại mà không dừng. Ông ta bị điếc. Một người bị trực thăng bắn chết ở cuối hồ Xuân Hương đang lúc vác cần đi câu, giới nghiêm đang 24/24. Tại miếu Âm Hồn đầu nghĩa trang Dalat ở số 4, một trái bom đã giết toàn bộ một gia đình chạy loạn từ Quãng Trị vào đây. Chỉ vì cả gia đình chạy núp và ai nấy đều toàn mặc đồ đen nghèo của dân quê trong lúc giao tranh đang xảy ra trên đâu đó đường La Sơn Phu Tử. Những ngày chạy đi chạy lại cứu người, giúp người tôi luôn khấn nguyện cùng Phật Bà Quan Âm cho tôi được bình an, cho mọi người được bình an.

Tới thăm một người bạn cùng khoá 1/72 Thủ Đức nay đang làm ở Bộ Tổng Tham Mưu, anh ta bảo tôi, “Mày đi được thì nên đi ngay. Tình hình nặng lắm.” Lúc ấy Phước Long đã mất.

Ngày 28 Tết năm 75, tôi ngồi trên chiếc Boeing 747 của Air France đi Thụy Sĩ, ba năm hơn kể từ ngày chỉ tay chiếc 747 mà ao ước.

Chia tay người yêu, bỏ lại sau lưng gia đình và cuộc chiến đang hồi khốc liệt. Khi ra đi, trong túi tôi chỉ với 40 đô la được đổi theo quy định. Qua Thụy Sĩ vừa làm thợ “đụng” cũng theo quy định 15 giờ một tuần cộng thêm làm “lậu” để vừa học vừa làm.

Khi miền Nam sụp đổ năm 1975, tôi hoàn toàn mất liên lạc với gia đình và người yêu. Hơn một năm dài không một tin tức.

Tin chót khoảng đầu tháng Tư 1975 là mẹ cùng tám đứa em của tôi đã rời Dalat về đến Nha Trang. Thư chót nhận được của người yêu đâu đó giữa tháng Tư. Những ngày trước 30/4, tin tức TV nơi tôi du học lên hàng giờ, thay đổi hàng giờ, dồn dập, đau thương. Từng đoàn người, từng đoàn xe chen lẫn. Xác chết đây đó nhưng đoàn người xe vẫn cố lách mình vươn tới về phía Sàigòn, tắc nghẽn đâu đó trên quốc lộ 1. Xác mấy em nhỏ bị người lớn chen nhau đạp chết trên Cầu Đá Bạc Cam Ranh, nhưng đoàn người vẫn chen lấn để lên tàu.

Báo chí, với hình ảnh đau thương của cuộc chiến tràn đầy phố chợ xứ người. TV vẫn chiếu, báo vẫn đăng, nước mắt tôi vẫn không làm sao ngưng, tim tôi quặn thắt. Mẹ tôi đâu? Các em tôi đâu? Người yêu tôi đâu? Chỉ có hinh ảnh của đồng bào đang chạy loạn và tiếng ồn của người người, tiếng động cơ của xe trên màn ảnh.

Hình ảnh những biệt động quân, bộ binh nổi giận thành nổi loạn bắn phá cướp bóc ở Nha Trang chỉ vì họ xin nước uống và lương thực nhưng chỉ có những cánh cửa đóng kín không trả lời. Có những nhà vắng chủ thật sự nhưng cũng có những nhà vì quá sợ.

Người lính đổ máu khổ cực trên chiến trường nay gặp cảnh phủ phàng giận là phải, nổi loạn cũng là chuyện có thể hiểu được. Chỉ cần một vài tràng đạn nổi loạn là những cánh cửa càng khoá chặt. Cửa càng khoá chặt thì nòng súng càng rộng mở. Không trách ai được. Những ngày ấy hình ảnh cướp bóc đã làm tôi suy nghĩ rất nhiếu. Không làm sao hiểu được tại sao những người lính kia quay lại cướp bóc dân. Mãi đến nhiều năm sau tôi mới hiểu tại sao.

Những ngày ấy, một số anh chị em sinh viên chúng tôi chia nhau từng nhóm đứng các ngả đường phố chợ để làm hành khất xin tiền cho dân. Chúng tôi nhận được rất nhiều người cho, những lời an ủi chia sẻ, chúc lành và những ánh mắt xót thương của người bản xứ. Tôi đứng ở trạm xe buýt Belvedère nhìn về phía chân trời xa xăm, nơi ấy là quê hương tôi, nơi ấy tôi khao khát muốn biết mẹ, em, người yêu đang phiêu dạt nơi nào, còn sống hay đã là những xác người lây lất trên đường lộ? Lòng tôi như vô vọng, điên cuồng. Nếu ai đó, vào đúng giây phút đó gây chuyện, và nếu trong tay đang cầm dao, chắc chắn là tôi sẽ đâm ngay. Cái cảm giác bơ vơ đến cuồng nộ. Tôi không khác gì những người lính đang cuồng nộ kia.

Không nhớ lúc nào tôi đã liên lạc với người yêu nhưng thư tôi nhận được từ Hà Nội. Mọi thư từ về miền Nam hoàn toàn bị cắt đứt. Bác Thu là anh ruột của ba Mai Liên. Hai ngươi đã bắt được liên lạc sau bao nhiêu năm chia cách. Thư cũng cho biết mẹ và các em tôi đều bình an và trở về Dalat. Không thể nào mô tả được cảm giác nhận thư lúc ấy. Nó như một hơi thở hồi sinh, tôi như thoát ra khỏi một sức ép vô hình nhưng rất nặng. Tôi muốn ôm hôn tất cả mọi người và chia sẻ với họ niềm vui bất tận.

Tạ ơn Trời Phật và cơ may đã cho hai chúng tôi gặp lại nhau. Tạ ơn nhiều người đã cảm động vì tình yêu chung thủy của chúng tôi mà giúp chúng tôi đoàn tụ. Năm 2008 cũng là năm thứ 30 chúng tôi chính thức cưới nhau dù ngày nay cãi vã đã xen chỗ cho tình yêu.

Từ Thụy Sĩ, chúng tôi được Canada nhận cho làm di dân cũng hết sức tình cờ. Tình cờ cũng như tôi du học Thụy Sĩ.

Một hôm chợt biết hai chữ immigration mà không hiểu rõ thể thức như thế nào, tôi viết thư cho toà Đại Sứ Canada ở Bern xin giải thích và tài liệu. Thay vì giải thích và tài liệu, tôi lại nhận một tập hồ sơ xin đi immigrant và một lá thư bảo “xin ông điền vào mẫu đơn, chụp hình và gửi lại cho chúng tôi”. Tôi điền và gửi lại. Một tháng sau một thư khác mời ông lên phỏng vấn. Một tháng sau, mời ông đi khám bác sĩ. Một tháng sau tôi nhận được visa đi Canada. Vỏn vẹn 4 tháng.

Tôi gặp hai cái tình cờ may mắn để đi Canada chỉ sau 4 tháng nạp đơn. Cái thư hỏi chuyện đã cho họ biết là người này hoàn toàn ngây thơ không có tính toán hay mưu kế gì khi xin vào Canada. Lúc ấy đã vào gần cuối năm, quota di dân vẫn còn dư.

Mù mờ và bơ vơ không biết về đâu, chỉ một lá thư hỏi thăm dẫn chúng tôi qua lập nghiệp ở Montreal nói tiếng Tây như gió chốc (chốc thông, chốc trật), để rồi hãnh diện có hai thằng con người Québec gốc Việt Nam nói tiếng Tây đúng là như gió.

*

Và rồi, tôi qua Mỹ cũng với một tình cờ. Trong nhiều năm vợ tôi muốn tôi phải mang gia đình qua Mỹ. Những năm đầu qua Canada (1980), anh chị vợ tôi ở Texas sẳn sàng bảo lãnh chúng tôi qua Mỹ nhưng tôi bảo không. Một phần vì tôi đang có job thơm ở Montreal, một phần đọc báo thấy bên Mỹ “violent” quá. Sao mà súng đạn bán tự do, bắn nhau lia chia. Sau nhiều năm bị vợ “mè nheo” phải đi Mỹ, năm 1997 tôi lấy quyết định.

Mà cũng phải thôi. Một phần tuổi càng cao, vợ tôi cứ đến mùa đông là mấy đầu ngón chân bị tím lại và hết sức ngứa. Một phần vì cái gần như “không đội trời chung” của hai bà (bà má và bà vợ). Tôi bảo vợ. Anh sẽ xin việc một cách mạnh mẽ để đi Mỹ trong vòng một tháng. Nếu không được thì thôi, không nói tới chuyện đi Mỹ nữa.

Mấy tuần sau, một người bạn qua trước kiếm được cho tôi một việc ở Dallas. Thế là với visa TN, chúng tôi “move south”.

Tôi rời nhiệm sở cũ với một thiệp chúc mừng nhưng có dán thêm một con chuột nhỏ xíu. Thiệp chúc mừng đến từ một phụ tá giám đốc nhân viên, người đã tổ chức, sắp xếp và tốn tiền cho tôi theo học khoá Communication 5 ngày để chuần bị cho tôi lên nắm một chức vụ trong IT department. Họ đã hụt hẫng khi tôi từ chức. Mà tôi thì không thể từ chối khoá học vì không biết chuyện đi Mỹ có được không? Thôi thì đành tạ tội với những người lo cho mình và giữ con chuột để nhắc mình hai chữ thủy chung. Hai chữ thủy chung mà lần ấy tôi không làm sao giữ được.

Ngày 20 tháng 6 năm 1997 là ngày chót của năm học ở Montreal. Ngày 21 tôi lái xe cùng gia đình xuôi Nam qua ngõ Toronto. Bốn ngày sau đến Dallas. Bắt đầu đi làm ngày 01 tháng 7. Hai ngày sau bà giám đôc mời đến nhà cùng dự lễ mừng ngày Độc Lập với gia đình. Tôi thật ngạc nhiên. Quốc Khánh Mỹ đúng là của người dân, ngày lể hội người dân từng gia đình cùng tổ chức.

Những nơi mà tôi đã sống qua, lễ hội Ngày Quốc Khánh là do chính phủ tổ chức, người dân có một ngày nghỉ. Họ cũng nhớ và gắn bó với hai chữ Độc Lập nhưng chắc không có cái biểu hiện nồng nhiệt như người Mỹ. Ở Việt Nam, còn chăng là những người thời Đìện Biên Phủ là còn cái cảm xúc trọn vẹn và đặc biệt của Ngày Độc Lập. Cũng pháo hoa, cũng lễ hội. Nhưng không nơi nào pháo bông tiệc lễ trong gia đình như người Mỹ vào ngày Quốc Khánh. Hai tháng sau, tôi lại thêm một ngạc nhiên và thán phục: ngày Lao Động. Cũng là do dân tự động tổ chức xe hoa mừng lễ. Với chính phủ, nó chỉ là một ngày nghỉ chính thức.

Sống trên đất Mỹ tôi công nhận là dân Mỹ là một dân tộc rộng rải và thương người. Hàng trăm tỷ đô la hàng năm cho từ thiện. Mỹ là đất nước của cơ hội và công bằng cho tất cả mọi người. Đương nhiên những di dân bất hợp pháp không thể được hưởng quyền công dân, nhưng cũng chỉ tại Mỹ, mới có luật không cho vô cớ xét giấy tờ tuỳ thân, nhờ đó dân nhập lậu cũng dễ thở chờ cơ hội đặc xá.


Sống tại Mỹ với visa TN (thông hành làm việc dành cho người ngoại quốc) được gần một năm ở Dallas, một hôm tôi nhờ một người bạn cùng phân khoa CTKD ngày trước học trên tôi một năm chở đến Immigration. Trên đường về, hai chúng tôi ghé ăn phở. Vừa đậu xe xong tôi chợt thấy văn phòng bác sĩ mà tôi đã đưa con tôi đến khám mấy tuần trước. Tôi bảo bạn chờ tôi một chút. Tôi vào hỏi bà bác sĩ “Bác sĩ đã hẹn dùm tôi một bác sĩ về tim chưa?” Bà xin lỗi đã quên và bắt ngay điện thoại. Sau đó bảo tôi rằng. May quá, có người vửa bỏ hẹn. Anh đến ngay bây giờ đi. Tôi bảo “để chúng tôi ăn phở xong sẽ lên”. Bà bác sĩ kêu lên “Trời! Ông bác sĩ này rất là khó hẹn. Anh lên ngay đi rồi ăn phở sau”. Thế là anh bạn tôi NSD đành ôm bụng đói chở tôi đi. Lúc ấy đâu giữa trưa.

Bác sĩ chuyên khoa tim là một người Việt Nam nên tạm gọi là bác sĩ Việt, nói giọng Quảng Trị đâu chừng hơn ba mươi. Ông bảo “Bác vào đây, cháu cho bác chạy trên chiếc máy này. Nếu quá 8 phút mà không có gì thì tim của bác tốt”. Bao thứ dây nhợ nút hút được gắn lên tôi. Tôi chạy đâu ba phút thì bác sĩ ngưng máy và bảo rằng “Pheo (failed) rồi. Bác phải ở đây để cháu lo tiếp. Nếu bác về nhà, bác có thể chết bất cứ lúc nào. Bác chờ cháu sắp xếp phòng mổ. Khoảng 4 giờ chiều cháu sẽ mổ khám cho bác”.

Khoảng hơn một giờ rưỡi trưa, y tá lên đẩy tôi xuống phòng mổ. Ba màn ảnh truyền hình, bốn y tá chuyên viên, bác sĩ Việt và thêm một bác sĩ chuyên tim người Mỹ đã sẵn sàng. Họ chích thuốc chi đó để nhìn máu cho rõ, cắt động mạch háng và chuồn vào một cái ống. Tên gọi việc mổ này là “angioplasty”. Trên màn ảnh, tôi thấy rõ ràng một trong ba động mạch vành tim phình lên xẹp xuống như củ cà rốt mà chỗ hẹp là phần cuống giữa lá và củ. Một y tá bảo tôi cái động mạch vành này đã bị nghẹt tới 99%. Tôi nằm lại bệnh viện đêm ấy, suốt 24 giờ họ cho tôi chuyền thuốc để làm nở mạch máu. Hôm sau bác sĩ Việt thông một ống trên đầu có cái bong bóng đẩy tới nơi bị nghẹt và cho bong bóng nong phần nghẹt lớn ra. Hôm sau tôi về nhà. Phải nói là nước Mỹ đã cứu tôi.

Hai lần ở Montreal, tôi thấy bị đau nhói ở lồng ngực, bác sĩ gia đình khám và bảo rằng “Tôi gọi cho anh chiếc taxi, đưa anh đi bệnh viện. Nhưng anh không được cử động mạnh hay nhanh”. Lên bệnh viện, người ta nhẹ nhàng đỡ tôi lên giường, đẩy vào phòng chuyên khám, gắn đủ thứ dây nhợ, đủ thứ sensor biểu đồ. Nằm đó, đo đạc đâu cả tiếng đồng hồ và tuyên bố “Votre coeur va très bien”. Năm sau ở Dallas mới biết không phải thế. "Non, mon coeur a été allé très mal".

Nghỉ một tuần, quay lại chỗ làm thì nhận ngay cái giấy cho nghỉ việc. Họ không muốn có nhân viên bệnh tim chi phí cao. Chao đảo vì sắp hết hạn visa. Visa TN chỉ có giá trị trong một năm và phải có chủ thuê. Nếu không có việc làm là phải rời nước Mỹ. Nếu không tôn trọng quy định sẽ bị cấm vào Mỹ trong 10 năm.

Ra xin Immigration cho ở lại cho hết hạn Visa vì các con còn đi học. Họ OK, tôi mừng lắm. Quay ra tìm việc khác. Cả trăm résumés gửi đi, mấy chục cám ơn đã nhận được và sẽ..., mấy chục biệt vô âm tím… Mỗi ngày trôi qua là thêm một tấn sức nặng đè thêm trên tôi. Ngày mới bước chân đến Canada, hai vợ chồng chỉ có hai cái valises, hai thùng sách và chén dĩa nồi niêu. Ngày rời Montreal xuôi nam đến Dallas là một chiếc xe tải 18 bánh đầy bàn ghế, TV tủ lạnh, đồ đạc linh tinh.

Hai tuần đâu đó trước ngày hết hạn Visa, tôi liên lạc thuê xe. Họ đồng ý mang về kho và sẽ chở về nơi nào tôi quyết định. Một tuần trước hạn, đồ đạc đã được mang đi. Cũng trong tuần đó tôi nhận được 3 interviews: của Oracle để đi Memphis, một của IBM đề đi Philadelphia và một để đi Seattle do đồng môn LCL khoá 5 giới thiệu. Tôi kịp hai interviews với Oracle và Endura. Cả hai đếu đồng ý thuê nhưng Oracle không thể ra giấy tờ kịp ngày hết hạn Visa. Tôi nhận được offer của Endura gửi overnight đúng vào ngày chót của visa. Tôi vui mừng báo cho nhà xe nơi đến là Seattle, địa chỉ sẽ báo sau (Dallas–Seattle họ sẽ đến sau 4 hay 5 ngày).

Nhận offer xong, ngay ngày hôm sau tôi lái xe đưa gia đình trực chỉ Seattle. Bốn ngày trên đường đi, liên tục liên lạc anh TV Lành đàn anh khoá 1 CTKD nhờ anh lo kiếm dùm nhà. Mỗi ngày đều nhận câu hỏi của nhà xe “Mi có địa chỉ mới chưa?” Mấy ngày đó tôi như tung hoành một trận chiến, làm sao lo cho ăn khớp mọi chuyện. Lên tới Wyoming thi nhận phôn anh Lành bảo kiếm được nhà. Một đồng môn Chính Trị Kinh Doanh khác thuộc khoá 5 là chị KM sẵn sàng cho thuê nhưng phải chịu ở trong một căn nhà đang sửa chữa. Mới một nửa xong. Có nhà, có địa chỉ cho đồ đạc đến là quá mừng rồi.

Đến Seattle xong, ngay hôm sau lại cả gia đình ra biên giới Mỹ-Canada ở miệt Vancouver làm Visa. Gặp một nhân viên Immigration nhìn giấy tờ và bảo tôi anh là một cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam đóng ở Pleiku. Mọi chuyện xuông sẻ.

Đi làm đâu được hai năm thì bị đuổi việc. Lý do là công ty bị bán. Chủ mới tổ chức lại công ty và bớt nhân viên. “Last in, first out”. Một hôm, một người thuộc phòng nhân viên, một người thuộc phòng an ninh, hai người đến nơi tôi làm việc báo rằng “Ông bị cho nghỉ việc và ông có mười phút để thâu dọn đồ đạc. Chúng tôi chờ và hộ tống ông ra ngoài. Xin ông cho chúng tôi lại cái thẻ khoá điện tử”. Choáng váng và rất bực bội. Hoá ra làm cho một công ty software, họ sợ mình bị đuổi sinh ra phá hoại. Thôi thì đành. Gặp thời thế thế thời phải thế.

Phải thế nhưng biết nói làm sao với vợ con khác hơn là “Em ơi anh bị đuổi việc rồi.” Và nàng cũng chẳng quan tâm cái gì là “first in first out”. Nàng chỉ quan tâm là làm sao có tiền đề trả tiền nhà, mua cơm đây? Lần thứ nhất bị thất nghiệp ở Dallas không xin tiền thất nghiệp. Không biết, không rõ, bị quay cuồng trong lo âu và kiếm việc. Lần hai, thất nghiệp cũng không chú ý. May mà một tháng sau kiếm được việc mới khá thơm.

Lần này làm consultant. Công ty có trụ sở chính ở Canada và chi nhánh ở Seattle. Cứ vài ngày ngồi ở Seattle là bay đi Atlanta một hay hai tuần, thường là hai tuần. Cứ hai tuần đi thì được hưởng 500$ tiền “Road Warrier”, mỗi ngày 65$ tiền ăn. Ở khách sạn buổi sáng điểm tâm miễn phí, buồi tối ăn nhẹ khỏi trả tiền. Nói là nhẹ là nhẹ tiền chứ không phải nhẹ sơ kiểu rau cải bánh ngọt. Toàn là pizza, cánh gà nướng, cheese, pasta đủ cho buổi tối. Buổi sáng ăn xong lấy thêm trái táo, miếng bánh là trưa khỏi tốn. Tóm lại dành dụm khá tốt. Được gần hai năm, thằng ông nội Biu Lá Đần chơi một cú khủng bố Nai Wan Wan 911. Mọi projects đều khựng lại. Ngồi buồn đến nản ở Seattle chờ project mới.

Ngày ấy, khi nước Mỹ bị khủng bố tấn công 11 tháng 9 2001, tôi đang làm việc ở Atlanta. Sáng ngày thứ Ba, đang làm việc tự nhiên thấy mọi người lao xao. Ai đó mang một cái TV vào. Hình ảnh một trong hai toà Tháp Đôi đang cháy, cảnh náo loạn trên đường phố. Rồi chốc sau, một chiếc máy bay đâm bổ vào tháp Đôi còn lại. Mọi người như bị lửa đốt. Không ai còn đầu óc nào mà làm việc. Tôi cứ vào máy làm việc, cố gắng lắm cũng được mười phút rồi chạy ra xem.

Khi một toà Tháp đôi đổ sụp, mọi người la ầm, có nhiều người khóc trong đó có tôi. Bàng hoàng chưa kịp lắng, cái Tháp Đôi kia đổ sụm. Bụi bay mù mịt. Mịt mù từ từ cuộn tới phía trước nuốt người, xe vào màu trắng của tro bụi. Rồi cũng trong mịt mù tro bụi từ từ xuất hiện những con người trắng xoá từ đầu đến chân chỉ còn hai con mắt như những người của bộ lạc nào đó bên Phi Châu dùng tro bụi phủ lên mình đề bảo vệ mình chống ruồi độc. Họ cũng giống những con người đến từ hành tinh khác. Tất cả đều thảng thốt kinh hoàng. Ngày kinh hoàng đó và những ngày tiếp theo hơn cả tháng, tôi không thể nào ăn ngon, không thể nào ngủ yên giấc. Cứ chợt nhớ lại những hình ảnh kinh hoàng đó là tôi cảm thấy bụng đau thắt.

Ngay từ giờ phút đầu, lòng tôi có ngay quyết định. Đây là Đất Nước của các con tôi, chúng nó sẽ được giáo dục, lớn lên và sinh con đẻ cái trên Đất Nước này. Tôi phải và muốn bảo vệ nước Mỹ. Tôi đăng ký và hô hào các đồng môn, người thân, quen tôi hãy xung phong cho máu của mình như là một đóng góp, một trả ơn. Ba lần tôi không cho được máu của tôi vì quá nhiều người trên danh sách và nơi nhận đã không còn phương tiện để nhận và bảo quản. Tôi đóng góp nhiều lần với những số tiền khiêm tốn và trong khả năng.

Nhiều đêm khó ngủ tôi hay nhớ tới quê hương, có lúc nhớ tới cảnh những xác người chồng chất ở Mỹ Lai, nhớ tới cảnh di tản năm 75, nhớ tới cảnh người Mỹ tháo chạy bỏ lại những người lính Cộng Hoà đã một thời cùng họ chiến đấu. Nhưng rồi tôi lại nhớ tới thảm cảnh Tết Mậu Thân hình ảnh những xác người bị chôn ở Huế. Năm ấy cùng anh em Kha Đoàn Yersin từ Đalat ra Huế cứu trợ đã dự đám tang của TNS Trần Điền cũng là một huynh trưởng Hướng Đạo. Trưởng Trần Đìền là một trong những bị chôn sống.

Tôi đã bước trên những nấm mộ ngập lắng trong lòng nước của những người lính Giải Phóng trên đường hành quân đâu đó ở Bạc Liêu và tôi đã buồn vô hạn. Tôi trĩu lòng nhìn những nấm mộ thẳng hàng trên Nghĩa Trang Biên Hoà hay đọc mấy chữ “tử trận ngày...” của người thân, của bạn bè thời đi học.

Những năm sau này, tôi có dịp đi qua những Nghĩa Trang Liệt Sĩ, lòng tôi chùng xuống, buồn với cái im vắng xa xăm khi nghĩ tới những người trẻ cùng dòng máu với tôi đang yên giấc ngàn thu. Tôi đi thăm mộ cha tôi, đi qua những nấm mồ “Nơi đây, nơi an nghỉ của…” “Tử trận ngày…” mà không khỏi xót xa thương tiếc. Tuổi đời họ còn trẻ đầy sức sống nhưng họ đã ra đi. Tôi không đi sâu vào chuyện “đúng sai”. Đúng của bên này thì bên kia bảo đó là sai. Nhưng cái đúng cho cả hai là có những xác người nằm xuống, có những người vợ, người yêu khăn tang vấn đầu bên cạnh những đứa con côi, có những mẹ cha ngày đêm nhìn con trên bàn thờ mà rưng rưng nước mắt.

Sống tại Mỹ, tôi đã đến Bức Tường Đen mang tên hơn năm mươi ngàn người trẻ của nước Mỹ mà nay tôi đã trờ thành công dân. Tôi cũng rưng rưng trong lòng với hai chữ tại sao? Nếu họ còn sống, họ cũng ở trang lứa tôi. Tôi đã gặp nhiều cựu chiến binh Mỹ thời Việt Nam đứng xin tiền ở những ngả tư đường. Tôi biếu họ vài đồng với một trân trọng xót xa. Họ đã đánh mất cả tuổi trẻ lẫn tương lai. Tôi cảm thấy một cái gì ràng buộc với họ. Mấy mươi năm trước Bắc Việt Nam là kẻ thù của Mỹ. Mấy mươi năm sau Việt Nam là đối tác bạn bè của Mỹ. Thời thế đổi thay. Ngày xưa họ nã súng vào nhau, ngày nay họ choàng vai nâng cốc bạn bè. Nhưng người chết không thể sống lại, người đánh mất tương lai không thể quay ngược thời gian.

Tôi đã từng đau lòng, bơ vơ không biết có nên chọn nơi này làm quê hương hay không? Có những phân vân đắn đo, nhưng qua 10 năm sống ở Mỹ, một đất nước với nhiều giá trị và chuẩn mực cao quí, một dân tộc Mỹ kết hợp bởi nhiều giống dân nhưng họ chung sống hài hoà, cơ hội dành cho tất cả mọi người, Luật bảo vệ mọi người và điều này đã minh thị trong Hiến Pháp. Những điều đó làm tôi an lòng nhận nơi đây làm quê hương sinh sống cùng với các con tôi. Chúng nó rồi đây mới thật là những người Mỹ dù hai chữ “gốc Việt” gắn kèm cũng chỉ có được 5% con người của chúng. Năm phần trăm thể hiện màu da và một tiếng nói không trọn vẹn. Tôi tin rằng khi chúng muốn tìm hiểu về tổ tiên của mình, các con tôi sẽ tìm được bao nhiêu là sách vở tài liệu để biết và hiểu hai chữ Việt Nam.

Đời tôi có ba lần thề. Lần đầu khi còn là Thiếu Sinh Hướng Đạo, tôi đã thề là trung thành với Tổ Quốc Việt Nam. Lần hai là thề trung thành với Canada. Và lần ba và cũng là lần chót, thề trung thành với nước Mỹ. Chỉ mong không có đối nghịch giữa ba nơi, lời thề của tôi sẽ không bao giờ phai, nhưng lời thề lần nhất vẫn là lời thề thiêng liêng nhất. Nó là tiếng gọi của huyết thống (Appel de sang).

Dù đã là công dân Mỹ, tôi thấy mình vẫn là người Việt Nam không bao giờ quên cội nguồn và Tổ Quốc Việt Nam. Tôi có ba quê hương nhưng chỉ có một Tổ Quốc. Nếu một mai Đất Nước sinh thành của tôi và Đất Nước nuôi dưỡng tôi trở thành thù địch. Tôi xin nhận lưu đày như người Mỹ gốc Nhật trong Thế Chiến Thứ II đề trọn vẹn với hai đàng. Bằng không, tôi xin chọn cái chết để tạ tội với đôi bên.

Các con tôi, nếu chúng chọn quay về Canada nơi chúng sinh ra thì Canada là Tổ Quốc. Nếu chúng chọn quay về với Việt Nam thì Việt Nam là Tổ Quốc. Bây giờ chúng lớn lên và sẽ sinh sống ở Mỹ, chúng phải xem Mỹ là Tổ Quốc. Tôi mong muốn nhưng quyết định phải tự tấm lòng của chúng. Nếu chúng thương cha và có nhiều cảm tình với nguồn gốc Việt Nam, tôi mong chúng tránh tối đa làm đau cho cả hai bên, làm đến tối đa cho Việt Nam và Mỹ là bạn thân như Mỹ và Do Thái.

Tôi biết đã từ lâu nước Mỹ đã được xây dựng trên một nền tảng Pháp Luật vô cùng lớn. Nếu chính quyền muốn kết tội người dân công tố viện phài chứng minh là người dân có tội. Nhiều nước mà tôi biết, người bị kết tội phải tự chứng minh là mình vô tội. Đây là một khác biệt vô cùng lớn. Gánh nặng buộc tôi phải về phía chính quyền vì chính quyền có đầy đủ tài lực và sức mạnh.

Ngày tuyên thệ người ta đã chiếu lên câu viết “Bạn có quyền tự do ngôn luận. Không ai có thể bắt bớ hay hành hạ bạn vì lời bạn nói”. Hiến Pháp ghi rõ “Nhà cầm quyền không được phép lấy đồ hay xâm nhập nhà người dân nếu không có lệnh của Toà Án”… Những giá trị ấy đã được tôn trọng và thi hành.

Sáu mươi tuổi hơn, chính thức chọn một quê hương thứ ba để dừng chân với các con tôi; chọn với nhiều suy nghĩ đắn đo. Tôi đã sống ở đây mười năm cần mẫn chăm chỉ và từ nay sẽ là công dân tốt ở Mỹ nhưng lá rụng sẽ về cội. Điều đó, quê hương Mỹ sẽ không có gì phiền trách người công dân mới này. Tôi không mấy hy vọng là các con, các cháu tôi và những thế hệ sau này có dịp đọc những dòng chữ phát xuất từ những gì chân thành và sâu thẳm nhất của tôi. Cuộc đời là thế. Bình thường như chính tôi ngày hôm nay cũng không biết làm cách nào tìm hiểu về thế hệ trước thế hệ của ông tôi.

Phan Việt Nam

Ý kiến bạn đọc
31/10/201307:00:00
Khách
Bài viết hay như lời tự thuật về cuộc đời trôi nổi qua bao thăng trầm.
Nhiều quốc gia đã mở rộng vòng tay cưu mang tác giả.
Cám ơn bài viết đầu tay nhưng đầy ý nghiã.
14/09/201319:26:08
Khách
Tức cười quá.Nước VN nhỏ bé, nghèo nàn, bộ khùng hay sao mà đi gây chiến với Tổ quốc của ông là mỹ và ca nada?.
Không lẽ quân đội VN thả bom xuống mỹ?.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,813,524
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến