Hôm nay,  

Đời Rau Răm

14/07/201300:00:00(Xem: 215638)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sinh năm 1950, tốt nghiệp đại học 1972, công chức VNCH. Từ 1975, tù cải tạo 33 tháng. Sau đó lăn lộn kiếm sống tại quê rẫy vùng Bà Rịa Vũng Tàu, sang Mỹ theo diện IR5 (con bảo lãnh cha mẹ) vào cuối năm 2008, hiện là cư dân Las Vegas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là Về VN hay ở lại Mỹ đã phổ biến ngày 17/6/2013.

Tên nhân vật không nhất thiết là đã thay đổi. Duy có sự kiện là thật. Thế mới gọi là
ma ma Phật Phật vậy.
. . .

Đêm giật mình tỉnh giấc vì tiếng còi quéo quéo của police trên đường Fort Apache. Âm thanh tuy khó chịu nhưng tạo cảm giác an toàn trên đất Mỹ. Phải vậy thôi, được cái này phải mất cái kia.. Yên bình nhất là cái ADT đã active, nó nói armed stay rồi mà.

Chập chờn nửa mê nửa tỉnh nhớ hồi lớp Đệ Thất khoảng 6x ở Saigon, là lúc bỏ guốc xuồng đi học bằng sandal đế crêpe. Lúc ấy nhà mình nghèo đông anh chị em, lo được đồng phục quần xanh kaki, áo trắng infante “ba trái đào” đã là hy sinh ghê gớm của nhà bảy anh chị em. Bởi vì sau đó, mình nhớ mặc quần dacron sờn đít, có hai bên hai miếng vá to đùng mãi sau lớp Đệ Ngũ vẫn còn. Riêng áo sơ mi phải lộn cổ vì đã rách do chà bàn chải nhiều lần. Còn xe đạp, mỗi khi đi học ngang qua xưởng Ba Son phải rón rén vì vè long ốc, cạ vỏ kêu lạch xạch làm mất giấc ngủ của cái ông gì đó có búi tó đang ngủ trưa. Thậm chí, có ngày phải vịn giữ xuống xe dắt bộ đi ngang qua không dám hó hé.

Năm 1963 ồn ã vì Cảnh Sát Dã chiến rằn ri đóng sân trường, làm mình thầm khóc. Áo trắng sợ hãi áo xanh Nguyễn Trường Tộ, Cao Thắng vì học sinh trường kỹ thuật có đồ chơi kềm dũa trong túi dết. Có lẽ do hiềm khích vì nữ sinh Trưng vương, hay do cái không khí oi nồng vì biểu tình đả đảo chỉnh lý. Chiến tranh đến gần hơn những năm 1967: trong lớp một số bạn bè lớn tuổi đã ra đi lính, đứa sĩ quan Thủ Đức, đứa đi Trung sĩ. Về trường khoe bộ quân phục, khoe lon lá, khoe cái đầu một phân. Nhớ nụ cười thằng Văn Hò, thằng Văn Ngày sáng rỡ dưới ánh nắng sân trường.

Sau Mậu Thân 1968, sau Tú Tài 2 lại càng tứ tán, lớp học cung cấp cho quân trường các loại binh chủng. Bạn bè kháo nhau đi du học Tây Đức, Nhật Bản, Tân Tây Lan, có phần do không đòi hỏi điều kiện gắt gao về trình độ sinh ngữ. Một số được hoãn dịch học vấn nhờ còn tuổi 18- 19, nhảy vào Sư phạm trong khi vào Phú Thọ hoặc Y Dược chỉ vài đứa. Kẻ thênh thang SPCN, MGP, MPC nơi trường Khoa Học. Đứa lò mò ghi danh học Luật, Văn khoa. Tan đàn xẻ nghé. Lưỡi hái tử thần lởn vởn trên đầu mọi người thanh niên Việt Nam.

Cho đến tháng 4 năm 1975. Lại sững sờ, hốt hoảng, tan hoang.

Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ…

Một số gia đình hiện nay ở Portland Oregon là do nhảy bám xà lan từ cảng Khánh hội quận Tư vào ngày cuối tháng 4 năm 75. Bạn kể, lúc ấy chỉ mơ hồ đi về Vũng Tàu, không biết chắc sẽ đi đâu. Lại e ra cửa biển Cần Giờ bị B40 của Việt Cộng. Thế mà ra khơi, loanh quanh chần chừ cả đêm ngoài biển rồi mới được lên tàu lớn. Ở trại tạm cư mới biết có tướng tá mang theo nhiều va li tiền vàng đô la nhờ ra đi bằng trực thăng, vẫn sống sung túc, kẻ hầu người hạ.

Vào đất Mỹ, dù có sponsor cả nhà dúm dó vì không biết tiếng Mỹ. Thậm chí ăn đồ Mỹ ngán quá mà không biết mua gạo ở đâu, chưa kể không biết xử dụng cả toilet, vòi nước nóng lạnh. Rồi dẫm tuyết mà đón xe bus đi học ESL. Đi làm thêm ở cửa hàng Mac Donald là quét thức ăn thừa, dọn toilet. Bạn kể, chỉ mới cách đây vài tháng mình còn là Thiếu uý, sĩ quan VNCH, nay đang ngồi chùi cầu tiêu trên đất Mỹ. Bèn nức nở. Thế mới thấm thía câu thơ của thi sĩ Dante:

Chén cơm của người nhiều vị đắng,
Bậc (ngưỡng) cửa nhà người quá cao..

Phận người lưu vong nên lầm lũi, nhọc nhằn mưu sinh để làm quen nếp sống mới đầy bỡ ngỡ. Tiếng tăm chữ nghĩa khó thông nổi khi đã cứng tuổi, vì gánh nặng vợ con mà cố vươn lên. Mấy người dám thú nhận rằng đã có lần mình đi nhầm, đi lạc đường, đi quá ngõ quẹo của exit. Nỗi sợ hãi của phận người di dân ít nhiều tiêm nhiễm khó phai. Ngồi trên xe đò Lộc từ Las Vegas đi Nam Cali, nghe đám trẻ VN nói chuyện với nhau bằng tiếng Mỹ, kèm giọng mũi, thấy lòng bâng khuâng mất mát.

Thế mà sau ba bốn mươi năm đất Mỹ, ngồi cà phê ở Phước Lộc Thọ- Little Saigon, hay đánh cờ ở khu Lion, Grand Century- San José, hay thương xá Eden- Washington vẫn dỏng tai nghe giọng nói Việt, đau đáu tìm quen dáng người Việt. Đây đã đành, còn nữa phải không, ở đâu…Rồi năm mười năm nữa, con cháu không chở ra đây nữa, biết là về đâu.

Ăn sung nằm gốc cây sung,
Lấy chồng thì lấy, nằm chung không nằm.

Chiến tranh rồi sẽ qua đi, chỉ người lính vẫn còn lại. Hội chứng sau chiến tranh ám ảnh toàn Việt Nam, cả miền Bắc lẫn miền Nam, cả bên thắng lẫn bên thua cuộc. Mậu Thân ở Huế trắng màu khăn tang, cả thành phố làm đám giỗ vào ngày Tết. Hội chứng ở Đại lộ kinh hoàng vào mùa Hè đỏ lửa 1972: bánh xích xe tăng T54 dính tóc người, cả đoạn đường dài bốc mùi thối hoăng.

Miền Nam thất thủ, số binh lính, công chức lãnh lương VNCH – trong đó có mình - gánh chịu nhiều tang thương: đầu tiên là lấy gì thay thế lương tháng. Nhất là những anh em có gia đình bận bịu, loay hoay chật vật vì miếng ăn: có gì bán hết, làm nhiều nghề để sống. Có người chỉ bảo nhau kiếm sống: học cách làm giá đậu xanh. Chỉ được hơn tuần là gác khạp, chịu không nổi do thiếu kinh nghiệm, thiếu nhiều thứ.. Có bạn kể, bán nhẫn cưới lấy tiền mua cái máy ảnh Petri, nhờ quen Thú y trong Thảo cầm viên ra bờ hồ, viện Bảo tàng đứng chụp hình cho bộ đội, lấy một hai đồng tiền Bắc hay 500 tiền VNCH một pô. Họ yêu cầu chụp hình sao cho thấy béo, rồi khuỳnh tay dạng chân, tay ôm đài đổng đạp để gởi hình ra Bắc. Buồn hay nhục? Chỉ mới đây cách hơn tháng, nếu gặp Việt cộng là cung tay mắm môi nay ngoan ngoãn nhe răng cười: chớp hình/ chụp ảnh không anh. Mong lấy tiền VNCH, có đứa trong tụi nó có tiền con cọp cả nắm…

Thế rồi trại cải tạo chăng kẽm gai rộng mở, cổng rào ghi nguệch ngoạc dòng chữ màu đỏ “Nghiêm trị những kẻ nào không chịu cải tạo” thêm lạnh gáy người bị xua vào trong đêm. Nguỵ quân- cao nhất là Trung uý, rồi Nguỵ quyền lần lượt chui vào. Có người đầu xanh vương tội, vì mới tham gia chế độ cũ mấp mem ba năm hoặc ít hơn. Đùm theo một tháng gạo ăn, ngây thơ nhẩm tính cùng lắm là Tết năm ấy sẽ về.

Tháng ngày tù tội bắt đầu từ Suối Máu Tân Hiệp Biên Hoà, xuống tàu ở Tân Cảng bước chân lên đảo Dương Tơ Phú Quốc. Đêm giáng sinh năm ấy, trong mùng nghe tiếng nghẹt mũi rền đây đó khắp phòng. Bão gió nổi lên vô hồi, chén cơm lạm xạm những cát. Bèn rót nước lắng cát mà vớt gạn phần trên…

Giường xô thì chiếu lệch, chớ khá bùi ngùi. Nhỉ. Thôi thì đã đến lúc ấy thì thôi, thấy cầm càng hô lên bắt nhịp “Bão nổi lên rồi, Trường Sơn đông Trường Sơn tây, như có bác…” là hát thôi. Kìa như Kha Tư Giáo nhốt connex chỉ vì đeo kính trắng trong hàng. Ai dám viết trong bài thu hoạch là không có nợ máu với nhân dân. Chỉ mong được cải tạo học tập tốt, lao động tốt để sớm trở về với gia đình xã hội. Học chính trị toàn trại là dịp để anh em nhìn lại nhau, trao đổi đường, thuốc lá thuốc lào, là lúc thầm thì ai còn ai mất, tin tức nghe phong phanh thế này thế khác. Cải tạo mút mùa Lệ Thuỷ, anh em ơi. Nhớ lúc nhiều trại ở Phú Quốc học chính trị ngày 3/2, tay chính trị viên sư trưởng gì đó lên phát biểu giọng Nam biết đâu sau này có anh em đứng trong hàng ngũ Đảng.., liền nghe vỗ tay vang dội. Miền Nam có câu thấy dzậy mà không phải dzậy..

Chuyển trại về Long Giao tức là chuyển từ thiếu muối, thiếu cá ở Phú Quốc thành thiếu nước sinh hoạt trong vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ. Đi vác củi vùng Cẩm Mỹ nghe chim kêu cải tạo tà tà lại anh em nhìn nhau thấm thía khi bước vào năm cải tạo thứ hai. Cho đến khi chuyển về trại Z30 ở Gia Ray lại thiếu… như tù thường có thời ấy. Bấy giờ do Công An áo da bò làm giám thị, danh sách tù do Bộ Nội vụ nắm rồi. Học chính trị ít hẳn đi, cuối tuần chỉ còn phê bình đấu tố nhau, tìm ra sơ hở lỗi lầm dựa trên nội quy trại để tính sổ với nhau. Vẫn có người mơ mộng học tập tốt lao động tốt được về sớm với gia đình xã hội. Thì vẫn có người được bình bầu lao động xuất sắc, được thăm nuôi quà cáp thoải mái, còn ở lại đêm với tù cải tạo, đấy. Giai đoạn này không ít antenn, tổ trưởng, đội trưởng,… thi nhau lập công với cán bộ Quản giáo, anh em trở nên dè dặt hơn, thủ thân thủ thế, kín mồm kín miệng….Trai cò tranh nhau, ngư ông tức cán bộ Quản giáo hưởng lợi. Biết thì biết đấy, nhưng vẫn… Như câu chuyện giỏ cua VN không cần đậy nắp: con cua nào trèo lên định thoát ra liền bị các con cua khác kéo lui lại.

Ngày ra trại, từ Ngã Ba ông Đồn về Long Khánh, Saigon cả lơ lẫn tài đều không lấy tiền vé, khi biết là cải tạo tha về. Bà con ai nấy nhìn thương cảm, giúp đỡ ăn uống tối đa cho bộ dạng tong teo tù Cộng sản mới ra. Về đến nhà thấy vợ con nheo nhóc, nụ cười dang dở. Quanh một vòng Saigon, thấy lạ lẫm với hết mọi thứ, dù là chỗ này trước kia là vầy, chỗ kia là nọ. Đạp chiếc xe cọc cạch, ngẫm nhớ hồi trung học, thầm khóc. Bạn bè trôi nổi phương nào, chẳng còn ai. Trình diện Sở Công An, thúc dục đi kinh tế mới ở Dầu Giây, Tây Ninh.

Gió đưa gió đẩy,
Về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá
Về đồng ăn cua...

Đành phải lăn lộn kiếm sống, đành trôi về vùng Đông Nam bộ mà lúc ấy chưa phân biệt nổi cỏ với lúa khác nhau thế nào.

Năm 1979 nghe đâu chiến sự ở Campuchia, đói vàng mắt. Nông nghiệp ấp họp hành khuyên dân trồng/ gơ dây lang cứu đói. Có nhà đông con chặt tiếp củ chuối mà ăn, sau khi buồng chuối xanh đã luộc hết rồi.. Đứa con gái giơ hai tay ghẻ đầy kẽ tay, kềnh càng như hai con cua, vì thiếu đạm protein. Bắp ngoài rẫy mới tượng hột, gạo trong nhà đã hết nhẵn trước đó cả tuần. Saigon lúc ấy bột mì làm sợi làm nouille cũng còn đỡ hơn tình trạng thiếu tinh bột, đói đường đói mỡ trầm trọng ở quê rẫy. Mấy năm sau đó, chỉ nhớ mỗi câu nhất bí (đỏ), nhì thuốc (lá).

Sau đó về Saigon nghe thầm thì vượt biên. Than ôi, gạo còn không có ăn nói chi đến cây đến chỉ. Nhớ hồi cùng Mạnh Hùng mới ở trại cải tạo ra (khu nhà thờ Xóm Chiếu), bạn nói sẽ đi vượt biên, đầu người khoảng 8 cây, mình bùi ngùi. Chính trị là cái nói xa, còn kinh tế là cái gần trước mắt. Có ai cho đi không đâu nhỉ, lại đang đùm đề vợ con. Lại thấy Thanh Quế là sĩ quan Hải quân, từng du học Mỹ hai năm về lái tàu Hải vận hạm, ngày trở về thầm thì lao ra biển, mong được miễn phí vé đi cả vợ con. Sau này cho đến nay bặt tin. Nghe nói sóng gió trùng khơi nhiều bất trắc. Nguy hiểm từ trong bờ đến hải phận cơ mà.

Việt nam còn những thương phế binh, hạ sĩ quan, binh sĩ tan tác tìm đường sống, như chó mất chủ. Quan thầy đã bỏ nước ra đi, cấp trên sĩ quan hoặc có tiền của đã đi vượt biên, rồi đến lúc H.O ra đi, cũng đành anh em còn lại trơ tráo nhìn nhau mà sống. Hoan hô đả đảo theo thời thế, đã đành có không ít người ngây thơ về chính trị mà toa rập chế độ mới. Khôn ngoan là cúi đầu kiếm miếng ăn, chớ chớ làm điều gì khác. Còn lứa đàn em kế tiếp, kẻ vào Thanh niên Xung phong, kẻ vào bộ đội nghĩa vụ (quân dịch) sang chiến trường Kampuchia mà hiến máu hiến thân. Sau ngần ấy năm, hơi nào trông ngóng từ bên kia biển khơi, ai trung trinh ai tiết liệt. Thời đã thế, thế thời phải thế….

Nghe lý giải cộng đồng người Việt tại Mỹ sau gần bốn mươi năm là nghèo gần bằng Mỹ trắng, khá giàu không bằng Phi, học kém hơn Ấn Trung, ăn trợ cấp nhiều nhất cộng đồng châu Á… chỉ vì mình là người tỵ nạn tay trắng chứ không phải là di dân. Buồn man mác.

Còn tại Việt Nam, lương tối thiểu chỉ hơn trước có 5 ký gạo so với 60 ký gạo hồi 20 năm trước, thế mà vẫn tranh nhau vào biên chế...Vì đói nghèo hay vì cái gì khác mà người ta hèn đến thế sao? Sẵn sàng ăn thịt lẫn nhau, ăn thịt chính mình?

Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại, chịu đời/ (lời) đắng cay.

Trong câu ca dao đó, ai nhận mình là cây cải, còn ai nhận mình rau răm?

Quý Vu

Ý kiến bạn đọc
21/07/201316:46:44
Khách
- Năm Đệ Ngũ lên Đệ Tứ 1963 lẽ ra mình được học tại tầng trệt, nhưng vì quân đội mặc đồ rằn ri ( hình như là CSDC ??) chiếm đóng sân trường nên lớp dời học nơi khác cho đến khi rút khỏi trường VTT.
- Xin đinh chính lại là SUỐI DÂY thuộc Tân Châu, Tây Ninh. Không phải ngã Ba Dầu Giây, Long Khánh.
- Chân thành cám ơn bạn michael đã nhắc nhở, góp ý.
20/07/201315:40:30
Khách
"Năm 1963 ồn ã vì Cảnh Sát Dã chiến rằn ri đóng sân trường, làm mình thầm khóc."

"thúc dục đi kinh tế mới ở Dầu Giây, Tây Ninh."

Cảnh Sát Dã Chiến được thành lập đầu năm 65, nổi tiếng trong những trận đánh tại Sàigòn năm mậu thân.
Dầu Giây thuộc tỉnh Long Khánh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,250,504
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến