Hôm nay,  

Chiều San Francisco

12/07/201300:00:00(Xem: 213841)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Sinh năm 1960 tại Quảng nam. Qua Mỹ tháng 9/2003. Hiện sống tại Stockton, California. Năm 2010, ông góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên, “Căn Hộ Đầu Tiên Trên Đất Mỹ”, cho thấy cách viết thứ tự, tỉ mỉ, hiện còn lưu tại đường dẫn: http://www.vietbao.com/D_1-2_2-372_4-168012_12-4651/. Ba năm sau, mừng tác giả trở lại với bài viết thứ hai. Mong ông tiếp tục viết.

Tháng Sáu, gió từ Vịnh thổi vào hiu hiu lạnh. Tôi lang thang trên Bến Ngư Phủ (Fishman's Wharf), đi theo lề bên trái vì lề bên phải người đông đúc nhộn nhiệp quá, vả lại, tôi thường thích đi theo lề trái để nhìn mặt người, để thấy được những nét vui, buồn hay trầm tư, lo lắng của họ. Càng về chiều người càng đông. Khách du lịch từ bốn phương cứ muốn đổ dồn về San Francisco, một thành phố quá đẹp mà nếu đã biết thì người ta không thể không đến thăm, dù một lần trong đời, nếu có điều kiện. Nhiều người cũng đến, nhiều lần lắm, nhưng chỉ tới SFO rồi thôi, cũng tiếc.

Tôi ở Mỹ gần mười năm rồi, nơi tôi sống cũng không xa nó lắm, nhưng vì chạy đua với cơm áo gạo tiền, nên dù rất muốn, số lần đến để thăm thành phố này cũng đếm không quá mấy ngón trên một bàn tay. Lần nào cũng vội vàng, "nhân tiện", "tranh thủ" không kịp cả "cỡi ngựa" để "xem hoa". Lần này, cố dành một ngày lang thang để mà ngắm San Fran từ từ, nhưng một ngày rồi thấy cũng chẳng thấm tháp vào đâu.

Lướt qua một chút mấy con phố Tàu, phố Nhật, ngồi đâu đó nhấm nháp ly cà fê bên quán lề đường trên phố Ý, chưa kịp cảm thụ một phần nhỏ nhịp sống của thành phố hoa lệ này thì ngày đã sắp tàn. Vội trở về đường Embarcadero, chen chân với du khách mà ngắm San Fran chiều về trên bến Vịnh. Cung đường ven biển này có hơn bốn chục cái cầu tàu, nhưng Pier 39 (cầu tàu thứ 39) là đẹp và nhộn nhịp nhất: bến du thuyền tham quan Vịnh, nhà hàng, quán nước, hàng lưu niệm, hàng trái cây, nước juice, thức ăn nhanh... "Nam thanh nữ tú", khách thập phương lũ lượt. Người ta đi, người ta ăn uống, ngồi nghỉ nhìn ngắm thiên hạ, chụp hình với nhau và chụp hình với những người giả (model bằng người thật nhưng sơn lên khắp mặt mũi chân tay nhũ vàng, nhũ bạc để khách thuê làm mẫu chụp hình chung). Ngồi trên chiếc ghế gỗ bên vệ đường nhìn cảnh vật, trời mây nước, người qua kẻ lại, nhìn góc phố, hàng hiên, nhìn những con bồ câu bay sà xuống hè phố giành với lũ chim những mẫu bánh, mà du khách cố tình vương vãi cho chúng.

Thùng rác bên đường, một bà cụ già dáng đi lọm khọm với bao ny lông dùng đựng rác to màu đen. Chiếc nón lá Việt Nam hơi nhạt màu, cây gậy trên tay. Bà cúi sát nhìn vào trong thùng rác và thò chiếc gậy dài vào. Bà chăm chú với công việc của mình mà như quên hết phố xá nhộn nhiệp xung quanh. Chiếc áo hoa lấm tấm hồng, quần kaki đen, đôi giày bata xanh nhợt, chìm lẫn với những áo quần sắc màu bright color dập dìu trên phố, nó như mơ hồ với những trang phục fashion của vạn người hớn hở trên bến cảng.

- Sao giờ này chưa về hả bà? Bà giật mình, đột ngột quay lại vì câu hỏi bất ngờ của tôi. Sau một thoáng ngạc nhiên, bà nhìn tôi, nỗi vui mừng hiện lên mặt

- Giờ nầy mới có nhiều lon con à!

- Ngày nào bà cũng đi lượm hết hả, thế có nhiều không?

- Cũng tùy bữa con à, có ngày lượm được đến 4, 5 bao như vầy đó. Bà vui vẻ hẳn lên.

- Lượm lon vậy có cực lắm không bà?

- Cũng vui con à, có gì đâu mà cực. Ở nhà bít bùng bó chân bó cẳng buồn lắm, ra đây thoáng mát, đông vui lại còn có được vài đồng mua bánh cho cháu nữa. Muốn đi lúc nào thì đi, khỏe thì đi mệt ở nhà nghỉ, làm nghề tự do mà. Bà nhìn tôi cười hóm hỉnh.

- Bao nầy lớn quá bà khiêng nổi không?

- Không nặng đâu, chừng vừa đủ sức là về. Có khi lượm đầy rồi ngồi đây chờ mấy đứa con ra chở về. Bà vừa nói vừa móc trong túi ra cái điện thoại di động giơ giơ cho tôi thấy. Mấy đứa nó làm cũng gần gần quanh đây.

Nếu vô tình thấy một người già cặm cụi đi lượm lon, nhiều khi tôi động lòng trắc ẩn thấy mà thương, nghĩ sao họ phải làm việc vất vả lúc tuổi già. Đôi khi lại trách móc con cháu họ ở đâu, sao tệ bạc, để cha mẹ già phải lao đao vất vả kiếm sống.

Lúc đầu khi nhìn thấy cụ già này tôi cũng nghĩ bà tội nghiệp quá, lân la qua hỏi han tôi mới thấy bà rất lạc quan, yêu đời, vui vẻ. Tôi có cảm giác như bà làm công việc này không phải bon chen, khổ cực vì miếng cơm manh áo mà vì niềm vui, sự ham thích, chẳng có một chút gì là mặc cảm chịu đựng, xấu hổ, thấp hèn trên khuôn mặt hớn hở của bà.

Ngồi xuống băng ghế dài bên đường, bà buộc miệng bao lại. Tôi chào bà. Một chiếc xe chạy sát bên lề, nghe tiếng gọi "Mẹ". Tôi ngoái đầu nhìn, một người đàn ông trong xe: "Mẹ ngồi yên ở đây chờ con nhe!".

Tôi nhìn đồng hồ gần 9 giờ rồi, mặt trời đã lặn nhưng trời vẫn còn sáng. Du khách không vơi đi mà như còn đông hơn. Hàng quán sáng trưng ánh đèn. Dựa vào lan can cầu tàu nhìn bao quát qua Vista Point phía bờ bắc, đón gió ngoài Vịnh San Fran thổi vào mát lạnh. Cầu Golden Gate đỏ màu rực rở trong dải lụa sương mờ bềnh bồng, đẹp huyền ảo giữa bàng bạc núi non, biển cả và sao trời lưa thưa lấp lánh. Không biết đã bao ngày tháng thăng trầm trôi qua, từ những năm cuối thế kỷ 18, khi những người thám hiểm Tây Ban Nha rong ruổi thuyền buồm, từ bên trời Âu, tìm ra vùng vịnh hoang sơ, hẻo lánh nơi đất Bắc Mỹ xa xôi này. Có ai nghĩ ngày hôm nay, dưới bàn tay con người, San Fran nó trở nên đẹp như thế này không? Gió hiu hiu mang hơi nước đọng lại trên tóc ươn ướt. Đảo Alcatraz (đảo ngục tù) mờ mờ trong sương chiều tàn giữa Vịnh. Tôi quay nhìn lại, băng ghế bây giờ đã thay bằng môt đôi vợ chồng già Mỹ trắng, cả hai tóc bạc phơ, họ đang mở túi lấy đồ ăn đưa cho nhau. Bà cụ khi nãy chắc cậu con đã đón về lâu rồi.

Thành phố nhập nhoạng trong bóng tối. Ánh đèn lấp lánh từ các khung cửa sổ trên những tòa cao ốc của phố tài chính, cầu Bay sáng bạc, xa xa những căn nhà trên núi vùng Oakland sáng lung linh làm cho San Fran thêm huyền ảo. Trời tháng 6 nhưng gió mang hơi nước từ Vịnh thổi vào nghe lành lạnh. Một chiếc xe lôi, như những chiếc xe lôi ở bến bắc Cần thơ ngày nào đổ bên lề ngay sau lưng tôi. Bốn cô gái Mỹ đen tranh nhau bước xuống, rôm rả nói cười, líu lo như chim. Còn anh "phu xe" miệng cười méo xệch và thở phì phò như ngựa sau một chặng đường dài phi nước đại. Trời mát mà lưng chàng ta ướt đẫm mồ hôi. Một cậu "đầu đen"! Cũng đội chiếc nón lá nhưng hơi nhỏ hơn, mỗi bên vẽ thêm cảnh cầu Tràng Tiền và Chùa Thiên Mụ! Chắc là “dân nhà mình” rồi, tôi hỏi đại bằng tiếng mẹ đẻ, phải thì tốt không thì thôi, Hợp Chủng Quốc Huê kỳ mà:

- Mệt không em?

- Dạ, mệt muốn bở hơi tai luôn! Lúc đạp xuống gió xuôi cũng nhẹ, bận chạy về gió ngược muốn đứt hơi luôn. Cũng tại em, chúng nó muốn đi 2 người một xe, em "tham thì thâm" năn nỉ chở luôn 4 đứa.


Cậu chỉ tay về hướng đường Jefferson: “Đúng ra phải trả về chổ ăn seafood to go đằng kia kìa, nhưng chúng thấy em chắc cũng gần chết rồi nên tha cho ở đây. Chúng "bo" cho thêm 5 đồng, tụi Mỹ đen ít khi "bo" lắm, chúng cười chọc quê em đấy. Ha ha ha! Cậu ta bỗng dưng lại cười phá lên!

- Sao tự nhiên cười vậy "ông"?

- Em mắc cười cho em mà cũng mắc cười tụi nó nữa, cười đủ thứ. Ha ha ha!

- Làm nghề này cực không?

- Em amateur thôi anh à! Kiếm thêm chút đỉnh mua mấy cái đồ nghề học tập. Thôi anh đi chơi vui vẻ nhé, em về đây, tới phiên thằng bạn...

- Chiếc nón lá đẹp nhỉ? Tôi nói vói theo.

- Nón bài thơ xứ Huế mình đó anh!

Người mình hay đội nón lá nhỉ? Có thể là một cách tiếp thị? Cũng có thể trong tận cùng tâm hồn người mình, thấy tự hào về những vật mà nó gắn bó thiết thân với kỷ niệm quê nhà. Đất nước mình không có nhiều những di tích to tát để lại cho đời sau. Chiến tranh triền miên, chế độ này chà qua chế độ kia xát lại, lòng hận thù, bom đạn đã tàn phá hết. Những công trình tưởng như to lớn, vững chắc thì bây giờ theo thời gian chỉ còn lại những đống đổ nát, lụn vụn. Vậy mà, những cái tưởng như tầm thường, mong manh, dễ vỡ, lại chất chứa sâu đậm tâm hồn Việt Nam và tồn tại nguyên vẹn, vĩnh cửu. Nó không thể lẫn vào đâu được, khi phải chung đụng với bốn bể những mênh mông vật chất, giữa thế giới văn minh bao la này. Chúng không nhiều, có thể là tà áo dài, chiếc áo bà ba, và nơi đây, giữa trời San Fran ở Bắc Mỹ này, tôi nhận diện ra nó là những chiếc nón lá mong manh. Bây giờ dù quê hương xa xôi khuất nẻo chân trời, nhìn trăm ngàn kiểu mũ, nón thời trang hoa hòe, lòe loẹt, sao tôi vẫn thấy bồi hồi xao xuyến khi thấy chiếc nón lá quê nhà. “Nón-bài-thơ-xứ-Huế-mình”, nghe quê hương ở đâu đây, không phải cách xa bên kia bờ Thái Bình Dương thăm thẳm mà rất gần, đâu như vừa trong tầm tay với!

Cậu trai trẻ đã đạp xe đi khuất rồi. Chàng ta có thể là một sinh viên, làm "bậy bạ" kiếm thêm chút tiền trang trải việc học. Bây giờ đi đâu trên khắp nước Mỹ cũng có thể gặp được người Việt mình, có chỗ nhiều chỗ ít nhưng có lẽ chỗ nào cũng có. Họ âm thầm, chịu khó, nhẫn nhục làm bất kỳ những công việc lương thiện nào đó để kiếm sống mà vươn lên. Người ta có tiềm lực, còn dân mình bước ra từ những cuộc chiến tranh hũy diệt, chui ra từ xã hội bùn đen khốn khổ và đi lên bằng hai bàn tay trắng. Từ quê hương nghèo nàn, lạc hậu miễn cưỡng đến đất lạ xứ người khác biệt mọi thứ, mà đứng được trên đôi chân trần, thế cũng là nghị lực lắm rồi!

Tôi đọc đâu đó nghiên cứu của một trường đại học, trong những sắc dân Châu Á di dân đến Mỹ người Việt là nghèo nhất, trình độ học vấn hạn chế nhất, đúng sai như thế nào không biết, nhưng nghe thế cũng thấy tủi. Mới 2, 3 chục năm qua đây, mà bây giờ ở nhiều thành phố trên nước Mỹ người Việt cũng có thể dễ dàng "tự cung tự cấp" mọi hoạt động dịch vụ, đời sống trong cộng đồng thì chắc cũng không phải là quá tệ! Nghĩ thế không biết để tự hào, tự mãn hay để tự an ủi.

Một người Việt nào đó ở Orange County thì phải (xin lỗi), anh nói đùa: "Chỉ khi ra khỏi Mỹ tôi mới phải nói tiếng Anh". Có thể anh đùa thật, nhưng chắc trong lòng cũng có một chút tự hào (nếu thật anh không tự hào thì cho phép tôi được tự hào) về sự lớn mạnh của cộng đồng Việt Nam ở nhiều thành phố trên quê hương thứ 2 này. Bây giờ, nhiều nơi tại hải ngoại, người Việt có thể đáp ứng gần hết mọi nhu cầu đời sống vật chất, cũng như tinh thần của mình, mà không phụ thuộc nhiều vào những sắc dân khác, chỉ trong vòng có hơn một phần tư thế kỷ, thế cũng đáng tự hào chứ. Người Ấn Độ, người Tàu, người Nhật, người Phi, cả người Mễ, họ ở đây, họ đến đây bao nhiêu lâu rồi và họ rời đất nước ra đi trong hoàn cảnh thế nào. Họ có bị xua đuổi, có bỏ của chạy lấy người, họ có bị cướp bóc bao nhiêu chục lần từ những ngày sống dật dờ trong nước, đến khi tơi tả lên tới đảo như dân mình không?

Nhiều gia đình người Việt qua tới bến bờ tự do còn nghèo hơn cả thời ở Việt Nam bị buộc “hồi hương”, đi “kinh tế mới”. Hồi đó đi còn mang theo được quần áo, nồi niêu xoong chảo. Bây giờ đi nhiều khi may mắn còn bộ đồ trên người. Mất mát hết, bỏ lại sau lưng tất cả, chỉ còn tấm thân trơ trụi với bao nhiêu nỗi đau thương, nhưng vẫn nén trong lòng mà vươn lên, thế mới thấy cái chí quật cường của dân mình không phải nhỏ!

Tôi cũng đọc được đâu đó ý nghĩ của vài người, họ nói hãy nhìn xã hội Việt Nam bây giờ, nhìn lối sống của những người trong nước để đừng tự huyễn hoặc, tô hồng dân tộc mình. Nếu cho rằng người Việt mình là không siêng năng, chịu khó, không có chí tiến thủ, mà chỉ thích la cà nhậu nhẹt, ăn chơi, lười biếng thì nước Việt có còn đến hôm nay không! Có lẽ đó là những ý nghĩ không sai lắm, nhưng chắc là không đúng hẳn. Những thói xấu ấy nếu bây giờ có phổ biến, có thể là những hiện tượng phát sinh do hoàn cảnh xã hội, chứ có lẽ không phải là bản tính ngàn đời của dân tộc Việt. Nếu thật, cứ cố tình để những tính tốt ngày một mai một và những thói xấu ấy ngày một phổ biến, thì không biết tương lai nước Việt rồi sẽ ra sao?

Đói bụng! Tôi đi tới chỗ bán seafood lề đường mua vài lát cá lăn bột chiên. Ăn để nhớ lại kỷ niệm, chẳng thấm vào đâu, bây giờ nó như không ngon và rẻ như mấy năm trước? Đi du lịch, tôi ít dám vào những nhà hàng sang trọng, bởi bản tính tiết kiệm từ nhỏ và cũng bởi sợ không đủ tiền. Hơn nữa tôi nghĩ, không hẳn trả nhiều tiền là có thể có một bữa ăn vừa miệng, rất nhiều những hàng quán tuềnh toàng, hè phố cho ta những món ăn rất ngon miệng, bổ và rẻ. Nó không quá khách sáo, không quá gò bó với những phép lịch sự bắt buộc. Nó bình dân, ngon, nhiều, rẻ tiền và gần gũi con người.

"Quần chúng" không phải lúc nào cũng đúng, nhưng "quần chúng" thường ít sai! Đi chơi du lịch mà, cứ lang thang, đâu việc gì phải vội! Thấy hàng quán nào ồn ào, nhộn nhiệp, người ăn, kẻ uống nhồm nhoàm, ồn ào rôm rả thì đích thực là nó đang có những món ngon, bổ và rẻ. Nhiều người tự nguyện thừa nhận nên nó mới đông thế. "Nhân dân" ít sai lắm! Tôi ghé vào một quán góc đường rất đông, xếp hàng order một phần sandwiches: 1 ổ bánh mì tròn còn nóng, có rau, có thịt và 1 ly coke, $7,5. Ngon miệng, no bụng và nhìn mọi người chung quanh cùng ăn hớn hở, vui tươi, lòng mình cũng thấy vui lây.

Ra khỏi quán, trời tối hẳn rồi. Phố phường đèn điện sáng giăng giăng. Du khách thưa thớt, họ đã về, đã đi ăn uống, hay đã chuyển địa điểm vui chơi từ ngoài trời vào những phòng trà, ca nhạc, khách sạn, dancing…Cầu Golden Gate bắt ngang qua Vịnh San Francisco rực rỡ. Bầu trời xanh đen, sao đêm lấp lánh, gió lạnh. Tôi ghé Parking lấy xe. Ngày mai trở lại với đời thường. Hẹn San Fran lần sau…

Phan Thanh Trà

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến