Hôm nay,  

Những Chú Cá Con Bên Bờ Sông Hương

11/07/201300:00:00(Xem: 265737)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Bài viết mới của ThaiNC là chuyện Việt kiều Mỹ về thăm thành phố cũ.

Từ Cali về lại Saigon chưa đến một tuần, tôi đã bay ra Huế. Và cả ba ngày ở Huế, mỗi chiều tôi đều ngồi ở quán Cafê này.

Có một lý do tôi chỉ ngồi ở đây, vì quán ở ngay bên bờ sông, và trên một dốc cao. Từ đây tôi có thể nhìn những chiếc đò xuôi ngược trên giòng Hương Giang lúc chiều về, và nhất là có thể ngắm trọn vẹn chiếc cầu Trường Tiền xa xa, ẩn hiện sau màn khói chiều và nghe như đâu đây giọng hò:

Cầu Trường Tiên sáu vài mười hai nhịp
Anh theo không kịp tội lắm em ơi
Chẳng thà không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn



Ba mươi năm xa cách.

Kỷ niệm tuổi thơ đong đầy những tách cà phê bên bờ sông Hương.

Cô chủ quán biết tôi từ nước ngoài về nên những khi vắng khách cô bắc ghế sang ngồi và nghe tôi kể vài chuyện vui xứ người. Có lẽ cô cũng là một lý do tôi chỉ trung thành với cái quán này mà không đi thử ở những quán khác nhan nhản gần đây.

Cô hỏi trong những năm xa nước, xa quê, cái chi đã làm cho anh nhớ đến Huế nhiều nhứt

Tôi nói rằng mỗi khi nói đến Huế, tôi nghĩ ngay đến chữ lụt.

Ngày còn trẻ thơ, tôi nào biết lụt là thiên tai, là mất mát thương đau! Lụt đối với tôi là những ngày vui được nghỉ học, được nghịch ngợm chơi đùa với nước...

Có một năm lụt, tôi lội nước chơi sau vườn và thấy có một chú cá con, chắc từ sông Hương nước tràn lên trôi lạc vào nhà tôi, mắc kẹt trong một vũng nước. Tôi thích quá thò tay xuống tính bắt nó. Nhưng mà chú cá lanh lắm. Tay tôi mới đụng tới mặt nước bên trái là chú bơi qua bên phải. Tôi qua bên phải thì chú quảy đuôi vọt về bên trái. Bao giờ nó cũng nhanh hơn tôi một chút. Cứ như vậy gần nữa tiếng đồng hồ, không bên nào chịu thua bên nào. Tôi mê con cá này quá, nhứt định phải mang nó vô nhà nuôi, nên chạy kiếm một cái đọi thiệt to chắc mẩm rằng phen này sẽ hốt chú lên dễ dàng. Tính là như vậy, nhưng khi ra tới nơi thì… chú đã đi đâu mất rồi. Ý chừng chú biết tôi có vũ khí lợi hại nên bơi đi chỗ khác. Tôi buồn lắm. Mấy ngày sau đó cứ ra chỗ vũng nước cũ chờ chú cá con trở về, hay là có chú cá khác đi lạc vô đây cũng được. Tôi đứng đó thề với cái vũng nuớc với hy vọng là chú cá nếu còn quanh quẩn đâu đây sẽ nghe và biết tôi không muốn bắt chú nữa, chỉ muốn chơi cút bắt với chú như hôm nọ mà thôi, nhưng chú cá con không hề trở lại.

Còn chi nữa không? Cô hỏi tiếp

Còn chứ, sông Hương này đây!

Nói tới Huế mà không nói tới sông Huơng thì khác chi nói đến Paris trong một đêm bị cúp điện, hay bóng đá thế giới mà thiếu Ba Tây? Tuy vậy, sông Hương đẹp ở đâu, mơ mộng chỗ nào tôi vẫn còn mù mờ lắm. Với cái kiến thức nhỏ nhoi của tôi, sông Huơng chỉ là một đọan ngắn chảy ngang qua ngôi trường làng. Những buổi chiều tan học tụi tôi đứng sẵn trên bờ chờ những tàu tuần duyên chạy trên sông. Khi tàu chạy ngang trường, những người lính Mỹ trên đó ném xuống sông những trái táo, cam, hay những lon dồ hộp Mỹ. Tụi tôi bèn ùa xuống sông bơi ra dành giựt nhau. Tôi nhỏ và bơi dỡ ẹt nên chẳng bao giờ dành được trái cam nào cả. Có một thằng bự con và bơi khỏe nhứt, khi nào cũng giành được vài thứ, nhưng nó không bao giờ ăn. Sau này tôi mới biết nhà nó nghèo lắm. Những trái cây nó bơi giành được, đem về cho mạ nó đem ra chợ bán phụ thêm vào chi tiêu gia đình.

Huế cũng là cái nôi tranh đấu của Phật Giáo. Có một dạo bỗng nhiên nhà nhà đồng loạt khiêng bàn thờ ra đường tranh đấu, rồi bãi khóa, đình công, bãi thị vv… Không biết người lớn đấu tranh thế nào, chứ lũ con nít tụi tôi thì thích lắm. Dễ hiểu thôi, vì bàn thờ phải có chuối, có cam cúng Phật chứ. Tụi tôi chỉ chờ chạng vạng tối bèn nhào ra, vái Phật một cái xin phép, xong rồi khiêng hết trái cây trên bàn thờ chạy lại một chỗ kín đáo nào đó hưởng lộc đã đời.

Nhưng mà phải nói chưa có mục nào vui bằng mục này. Không hiểu bắt nguồn từ đâu và vì chuyện gì, mỗi nhà đều có một thùng thiếc và thanh củi để sẵn trước nhà. Giữa đêm đang ngủ mà nghe tiếng thùng thiếc vang lừng từ đầu xóm, tức là có “báo động”, “có chuyện”. Chuyện chi? Không cần biết. Tôi luôn luôn là người đầu tiên trong nhà dành cái thùng để đập một cách hăng say nhất. Thông thuờng thì sáng hôm sau người ta sẽ hỏi lẫn nhau “ Hồi hôm báo động chuyện chi?” Ai mà biết!

Vậy anh có nhớ “người mô” ở Huế không?

Cô hỏi với ánh mắt tinh nghịch. “Người mô” như ý của cô thì không vì tôi xa Huế lúc còn nhỏ lắm. Nhưng người thì có chớ.

Không nhiều, nhưng cũng có những người thật đáng nhớ.

Người đầu tiên tôi nhớ là Thằng Vui Điên. Tôi gọi là “thằng” theo như mọi người gọi nó, chứ thật ra nó lớn hơn tôi nhiều. Tôi nhớ là thằng Vui Điên không kể trời mưa hay nắng, bao giờ cũng chỉ cái quần đùi màu đen, ở trần trùng trục với tấm thân rắn chắc và đen đúa. Điểm đặc biệt của Vui Điên là nó chạy nhanh lắm. Nó thường đợi có chiếc xe hơi, hay xe gắn máy nào chạy qua là nó hùng hục chạy đua, và hình như bao giờ nó cũng thắng. Thằng Vui Điên có một lối kiếm ăn vô cùng độc đáo. Mỗi ngày nó ra đường kiếm một hàng bánh nào đó đợi bà hàng lơ đãng một chút là nó chụp cái bánh chạy. Nó đâu cần chạy đâu xa, chỉ vài bước là nó dừng lại trả cái bánh. Đố bà nào dám lấy lại, vì cái bánh đó đã bị nó…. nhổ cho một bãi nước miếng rồi. Lấy lại bán cho ai?

Một lần tôi theo chị ra chợ. Trong lúc chờ chị mua đồ, tôi đứng tần ngần nhìn hàng bánh bò, thèm thuồng muốn ăn mà không có tiền mua. Lúc đó thằng Vui Điên từ đâu rà tới ra dấu có ý hỏi tôi muốn ăn bánh phải không -(Trời ơi, ai nói nó điên?)- Tôi gật đầu. Nó chạy lại hàng bánh, bất ngờ chụp một miếng, xong chạy lại cho tôi. Chưa kịp cắn miếng nào thì chị tôi về tới thấy tôi lấy miếng bánh của thằng Vui Điên, sợ quá giựt bánh quăng xuống đất. Chị ấy sợ tôi không biết, ăn cái bánh có dính nước miếng của thằng Vui Đìên sẽ bị lây…. bệnh điên. Chị trừng mắt mắng nó “Vui Điên , mi không được chọc em tau” Thằng Vui Điên không biết sợ trời sợ đất nào cả, mà chỉ sợ…. con gái. Chị tôi so ra còn nhỏ hơn nó vậy mà chỉ trừng mắt một cái nó tiu nghỉu bỏ đi một mách. Tội nghiệp, tôi thấy rõ ràng nó giựt miếng bánh xong là chạy một mạch tới chỗ tôi, có nhổ chút nước miếng nào đâu? Tôi vừa tiếc cái bánh vừa tội nghiệp Vui Điên. Tôi thấy nó bỏ đi nhưng còn quay đầu lại nhìn tôi như muốn hỏi, nó cho tôi cái bánh, và muốn chơi với tôi, tại sao lại đuổi nó đi? Tôi thương thằng Vui điên quá mà không biết phải nói sao!

Mụ Trung bán đậu hủ nước đuờng chắc cũng chưa già lắm đâu, chỉ vì cuộc đời tần tảo bán buôn làm nét mặt mụ trở nên cằn cỗi và mái tóc sớm điểm sương. Mỗi trưa chúng tôi hay ngồi chờ tà áo dài tím thướt tha của mụ xuất hiện ở đầu xóm với tiếng rao “Aaiìi đâu hủ”. Cho đến khi xa lìa Huế, tôi mới biết đó là cái độc đáo chỉ có quê tôi mới có những mụ hàng chè, o trứng vịt lộn, già hay trẻ đều đi bán hàng với chiếc áo dài. Gánh đậu hủ mụ Trung một đầu là cái tỉn chứa đậu hủ, còn đầu kia là rổ đựng đầy chén, muỗng, đường, nước rửa chén, vv…

Mụ Trung có một cái bệnh gọi là bệnh LIỆU. Bệnh này kỳ lắm, cứ hể thấy ai làm cái gì môt hồi là cũng sẽ bắt chước làm theo, không cưỡng lại được. Hồi đó tôi còn nhỏ nào biết gì, theo mấy đứa bạn tinh nghịch. Sau khi ăn đậu hủ xong tụi tôi đứng lên vừa nhảy vừa la “ nhảy! nhảy!!!” thế là mụ Trung cũng nhảy và la theo “nhảy! nhảy!!!”. Tội nghiệp mụ. Tụi tôi con nít nhảy mấy cũng không sao, nhưng mụ Trung thì mới nhảy chút xíu đã mệt thở phì phò phải ngồi phệt xuống đất, vậy mà cũng cứ nhấp nhỏm muốn đứng dậy tiếp tục nhảy theo tụi tôi. Một lần có anh ba de muốn chọc mụ Trung thiệt rắn mắt. Anh ăn đậu hủ xong bỗng đứng dậy làm bộ như đang lấy tiền trong túi quăng ra và nói “Quăng tiền! Quăng tiền!”. Mụ Trung cũng đứng dậy la “quăng tiền quăng tiền!!!”, và giữa lúc mụ sắp sửa lấy tiền quăng thiệt thì không hiểu sao … bỗng tỉnh lại. Mụ lấy cái đòn gánh phang cho anh ba de đó một cái nên thân vô lưng, vừa rượt anh ta chạy vừa chửi “Quăng tiền cái mả cha mi chứ quăng tiền”. Cho nên, Mụ Trung tuy bệnh như vậy, nhưng có trời phật phù hộ, đừng hòng ai làm hại được mụ.

Còn chi nữa không anh?

Còn nhiều lắm. Nhưng điều cuối cùng tôi nhớ về Huế là một buổi sáng mưa bay bay, có một thằng bé ôm khư khư trưóc ngực một cái mền, trong đó cuộn vài bộ quần áo tại một nơi đưọc gọi là phi trường Phú Bài. Nó tần ngần nhìn qua cửa kiếng thấy chiếc máy bay đậu ngoài kia dưới cơn mưa phùn mà lòng sợ sệt không yên. Nó biết chiếc máy bay đó chút nữa thôi sẽ mang nó bay lên bầu trời cao về một miền xa thật xa, và ở nơi thật xa đó sẽ không có Vui điên, hay mụ Trung nữa. Và chắc cũng sẽ hết những ngày lội nước lụt, chơi cút bắt với con cá nhỏ sau vườn.

Cậu bé chỉ không ngờ rằng chuyến bay đầu đời đó sẽ kéo dài đến... ba mươi năm.
. . .

Tôi đang ngồi bữa cuối. Ngày mai phải trở vô Sài Gòn, chuẩn bị về lại Cali. Một thằng bé khoảng 11,12 tuổi cầm xấp vé số tới mời

- Chú ơi, mua vé số dùm con nghe chú!

Thấy thằng bé tội nghiệp, tôi cầm vé số hỏi

- Bao nhiêu tiền một vé?

- Hai ngàn. Nó vui mừng trả lời

Tôi hỏi tiếp

- Vậy hai vé năm ngàn… bán không?

Nó gãi đầu có vẻ đau khổ

- Không được mô chú ơi. Chú trả rứa con lỗ chết.

(Ha ha dám cá là nó tưởng tôi trả.…ba tờ năm ngàn)

Cô chủ quán không nhịn được cười, xen vô

- Thằng Xu mi ngu quá. Hai tờ năm ngàn. Một tờ là hai ngàn rưỡi lận.

Tội nghiệp thằng bé chắc chưa bao giờ gặp ai trả giá ngẵng đời như vậy nên vẫn đứng ngẩn người, sợ nghe lộn. Biết ý, cô đưa hai ngón tay nói:

- Hai vé

Xong rồi xòe bàn tay kia ra nói

- Năm ngàn… Rứa…. Mi bán không?

Bây giờ thì nó mới chắc nghe không lầm, hí hửng gật đầu lia lịa

- Dạ bán, bán.

Nó đưa tôi hai vé và cầm tiền đi vội vã như sợ tôi đổi ý. Cô chủ quán nhìn theo lắc đầu cười;

- Cái thằng… Hắn tội lắm. Ban ngày đi học. Chiều bán vé số kiếm tiền mua sách vở đó anh.

Tôi đang loay hoay suy nghĩ, thì một thằng bé khác tới bên cũng cầm xấp vé số

- Chú mua vé số cho con đi?

Tôi dễ dãi

- Được rồi. Vé số ni con bán bao nhiêu?

Nó nói liền

- Con bán…cùng giá với thằng tê, được không?

Nó đưa tay chỉ thằng hồi nãy đang lân la đứng rao vé số gần đó. À vậy là cu cậu cũng muốn năm ngàn hai vé chứ gì? Dễ mà. Tôi lại mua cho nó hai vé. Cô chủ quán nhìn ái ngại

- Thôi chết, tụi hắn sẽ kéo hết tới đây bán vé số. Anh liệu mà mua nghe.

Quả nhiên cô đoán đúng. Quay qua quay lại tôi đã thấy một bé gái bước vào. Tôi thật ngạc nhiên vì không ngờ chỉ khoảng 9, 10 đã lăn lộn mưu sinh. Tay cầm xấp vé số, rụt rè mời

- Chú mua vé số dùm con.

Biết ý tụi nó, tôi vẫn hỏi

- Vé số giá bao nhiêu?

Nó lại chỉ tay ra ngoài nói

- Con bán…giống hai thằng nớ.

A giống hai thằng nớ. Một thằng hai vé năm ngàn, vậy thì hai thằng phải…bốn vé mười ngàn. Tôi mua cho con bé bốn vé.

Và tôi không nhớ nổi là sau đó có bao nhiêu đứa đã tới bán. Khi thằng bé cuối cùng bước vào. Cô chủ quán la nó

- Xu, mi bán rôì mà

Thằng bé đầu tiên.

Nó gãi tai phân trần

- Nhưng chú mua mấy đứa nớ 4 vé, mà mới mua của con có hai vé.

Nó cũng có lý đó chớ, tôi bèn mua thêm hai vé nữa cho nó công bằng.


Ngồi một chút xíu nữa, tôi đã định ra về, nghe tiếng rao trứng lộn và cô chủ quán kêu vào mua xong xuôi, cô quay qua giới thiệu với tôi

- Anh ăn trứng mệ Trưng đi anh. Trứng mệ Trưng ngon lắm.

Nghe cô giới thiệu tôi suýt bật cười, nhung không dám giỡn vì mệ đã già. Hơn nữa cô nói tiếp

-… Mệ Trưng ni nghèo lắm anh. Mua dùm mệ mấy cái.

Tôi không ăn trứng lộn, nhưng cũng mua. Mua xong, tôi đưa tờ giấy tiền chẵn khá lớn làm mệ lục mãi vẫn chưa đủ tiền thối. Mệ định nhờ cô chủ quán đổi dùm, tôi cản lại

- Thôi mệ khỏi thối. Tui có chuyện ni nhờ mệ làm. Tiền đó coi như trả công cho mệ.

Mệ Trưng ngần ngại hỏi

- Ôn nhờ chuyện chi?

Tôi cầm xấp vé số mua tự nãy giờ đưa cho mệ và nói

- Tui nhờ mệ ngày mốt dò số dùm. Nếu trúng độc đắc thì tui với mệ chia đôi. Còn nếu trật hết thì… tiền ni coi như trả công cho mệ đi dò.

Mệ Trưng ngạc nhiên, quay qua cô chủ quán nhìn hỏi ý. Cô biết tôi ngày mai đã rời Huế vào SG, đâu nhớ đến mấy tấm vé số này làm gì, nên gật đầu đồng ý dùm cho mệ

- Được rồi. Mệ cứ làm như rứa đi. Tui làm chứng cho. Trúng độc đắc nhớ đưa lại ông ni một nữa.

Được lời như cởi mở tấm lòng, mệ Trưng vui mừng ôm rổ trứng vịt lộn rời khỏi quán.

Tôi ngồi nói chuyện chơi thêm một chút nữa. Đang định đứng dậy caó từ thì thấy mệ Trưng đang vội vả trở lại điệu bộ rất hối hả.

- Mô Phật, ông vẫn còn ở đây.

- Chuyện chi rứa mệ? Cô ấy hỏi

Mệ vừa thở vừa trả lời

- Ôn ơi. Nếu lỡ mà trúng thì tui kiếm ôn ở mô mà đưa tiền?

Té ra mệ sợ trúng, kiếm tôi không ra. Ôi tôi cảm động đến muốn khóc. Mệ thiệt là thiệt thà chơn chất. Tôi cố dằn, nói cho mệ yên tâm

- Nếu kiếm tui không ra thì mệ cứ đưa cho cô chủ quán ni, rồi cô ấy đưa lại tui cũng được.

Mệ hí hửng thốt

- Rưá hí. Rưá mà tui nghĩ không ra.


Không biết những tấm vé số đó có trúng được đồng nào cho mệ không.

Đã mười mấy năm nữa trôi qua sau lần duy nhất về lại Huế đó, tôi chưa trở lại Việt Nam, chưa trở về Huế lần nữa để được ngồi lại bên bờ sông Hương như năm nào.

Vật đổi sao dời. Quán cafê xinh xắn có cô chủ quán dễ thương đó chắc là không còn nữa, nhưng những người nghèo khổ như mệ Trưng, hay những đứa trẻ phải lăn lộn kiếm sống ở tuổi còn thơ, những chú cá con bên bờ sông Hương đó… thì chắc vẫn còn đầy.

Sông Hương ơi!
và Huế ơi!


ThaiNC

Ý kiến bạn đọc
21/09/201307:00:00
Khách
Anh tác giả ơi, lâu thật là lâu rồi tôi cũng chưa về Huế nhưng tôi có biết vế ông Vui điên...
01/10/201307:00:00
Khách
Tui không biết Vui điên ở đâu? nhưng khi nào có cống tế ở Đình Phú Hoà đường Huỳnh Thúc Kháng là có mặt Vui điên. Vui điên hiền lắm. Tui biết Vui điên từ năm 68 đến năm 74, sau năm 74 thì còn gặp lại nữa.
11/07/201322:28:07
Khách
Đọc câu chuyện của anh làm tui buồn và nhớ Huế quá sá. Tôi cũng lớn lên ở Huế, và cùng lứa tuổi với anh. Tôi vượt biển từ năm 1979 và chưa bao giờ về thăm VN vì hoàn cảnh gia đình. Tôi vẫn mơ ước về thăm VN một chuyến đơn giản như anh đã kể. Nhất là về lại Huế, một vùng đất nghèo khổ nhưng có quá nhiều kỹ niệm với bản thân mình.
11/07/201319:45:26
Khách
Hay lắm! Nhưng sao tác giả không kể thêm nữa về cô chủ quán cafe dễ thương?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,638,861
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. năm 1990, hiện đã về hưu, an cư tại Westminster. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008, đã góp nhiều bài viết giá trị, từng nhận giải đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
Như mọi năm, báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018 đã bán hết, ngay trước tết, đã phải dành dụm kỹ mới giữ lại được một số lượng nhỏ cho hai hội chợ Tết. Sau đây, thêm một bài Viết Về Nước Mỹ được trích từ báo xuân. Tác giả là cư dân Paris, bà tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, năm 2011, và nhận giải chung kết Vinh Danh Tác Giả VVNM. Với cách viết duyên dáng, Đoàn Thị là một trong những cây bút được nhiều độc giả yêu mến.
Tác giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, nguyên là một chuyên viên quốc tế của USAID về hưu, đang cư trú tại Orange County. TG gia nhập chương trình VVNM từ năm 2015, được chấm giải Danh Dự 2016 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2017.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuiất 2018.
Lá thư nầy em viết từ năm mươi năm trước, khi anh đang đóng quân ở Bình Dương, mà rồi chuyện nầy chuyện nọ khiến thư chưa gởi
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và UC Riverside (SEATRIP) xuấn bản trong năm 2017.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả có nhiều bài viết đạt số lượng người đọc, trên dưới một triệu.
Nhạc sĩ Cung Tiến