Hôm nay,  

Người Bạn Mỹ

28/06/201300:00:00(Xem: 351931)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, hiện sống ở Bắc Cali. Tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education tại Chapman University miền Nam California hồi tháng 5, 2012 khi tròn 62 tuổi, đang volunteer tại một trường Tiểu học ở Marysville trong khi nộp đơn xin đi dạy. Với nhiều bài đặc biệt, Phương Hoa là tác giả có tên trong danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới, theo tác giả, là chuyện đời thật, “được kể bằng tâm huyết để cám ơn một người bạn Mỹ.

Tuổi đời chưa đến bốn mươi, da trắng mắt xanh, đôi môi trái tim mọng đỏ, tóc bạch kim pha màu hạt dẻ. Đó là cô bạn Jilly Johnson. Nếu không nói quá, bạn tôi nhìn giống y chang nữ tài tử nổi tiếng Winona Ryder của xứ Cờ Hoa.

Với tôi, Jilly chẳng những là bạn mà đặc biệt còn là một “quới nhân.” Chơi với Jilly, tôi đã học hỏi thật nhiều điều, và cô còn giúp vợ chồng tôi gỡ được nhiều “bàn thua trông thấy” trong chặng đường hội nhập vào cuộc sống mới ở Hoa Kỳ.

Khi mới đến Mỹ, hành trang tiếng Anh của tôi mang theo chỉ là mớ từ vựng khô rốc. Trước 75 tôi cũng đã từng học chút đỉnh tiếng Anh, và thời gian trước khi đi định cư, ngày nào cũng ôm khư khư quyển Streamline English mà “tụng,” hy vọng sẽ đỡ bỡ ngỡ trong những bước đầu nơi xứ lạ. Tôi đã học thuộc lòng và có thể viết những câu đàm thọai đơn giản dùng trong cuộc sống hàng ngày. Vậy mà đến xứ này, tôi nói “hổng ai nghe” và tôi cũng “hổng nghe” những gì người ta nói. Khi đi học tiếng Anh ở trường Adult, bài tập thì cũng ok, nhưng cái khoản nghe và nói thì dù cố gắng đến cỡ nào, tôi luôn luôn bị “điếc và ngọng.”

Tuy vậy, tôi cũng “lắc la lắc lẻo” lấy được cái bằng lái xe sau bốn tháng đi bộ te tua. Tôi thiệt mừng hết lớn. Nhớ lại ngày xưa ở Việt Nam tôi chỉ biết có “lái” xe đạp mà thỉnh thoảng còn bị té lộn cù mèo, chứ về cái khoản lái “xe máy” hay xe Honda thì tôi chỉ dám ngồi ở “hạng hai” để…lái tài xế! Mà tôi thi đậu bằng lái đâu phải vì hiểu tiếng Anh. Là nhờ tôi hiểu động từ “tu quơ” của ông thầy dạy lái người Nhật đó chứ! Có lẽ vì ổng nói gì tôi cũng cứ “Yes” và “Yeah” nên ông chẳng biết tôi có hiểu hay không, vậy là ổng…quơ thêm cho chắc cú! Và tôi cứ nhìn tay ông trái phải kết hợp với bài học của DMV mà phang tới, chớ thật ra tôi có hiểu hết những gì ổng nói đâu. Rồi lúc tôi thi đậu bằng Nail cũng vậy, họ réo tên tôi hàng chục lần để phát bằng nhưng tôi cứ ngồi im ru cho đến cuối buổi, khi chỉ còn lại “mình ên” trong phòng tôi mới biết là mình được kêu tên!

Đã dở “thần sầu” vậy đó. Vậy mà vì ham kinh doanh tôi đã liều lĩnh sang lại một cái tiệm nail ở Lodi, California, sau mấy năm đi làm thuê cho thiên hạ. Nói nào ngay, đó là tôi ỷ lại vào thằng cả nhà tôi. Nó đang làm việc tận vùng Bay xa xôi, nhưng mọi thủ tục nó lo hết, tôi chỉ lo “mài dũa” và cứ réo gọi nó hà rầm khi tôi cần những việc liên quan đến “nói năng.”

Chỉ mấy tháng sau khi dọn đến Lodi, tôi may mắn được làm bạn với Jilly. Cô ở cách tôi bốn cái nhà. Nhờ một dịp tình cờ mà tôi trở nên quen biết và thân thiết với cô.

Lodi là một thành phố cổ, hàng năm có vô số lễ hội diễn ra. Nào lễ Hội Nho, lễ diễn hành Giáng Sinh, lễ đốt pháo bông ngày Độc Lập… Lễ Halloween năm đó tôi cũng “đáo xứ tùy thân,” bắt chước người ta mua một trái bí đỏ “bự chần dần” đem về rồi trổ tài đục đẽo cắt khoét. Cuối cùng tôi “sáng tạo” ra một cái lồng đèn có cái mặt rất giống…ma, cũng đầy đủ mắt mũi miệng như người ta. Có điều, hai mắt của “con ma” thì toang hoát đến tận nắp của trái bí, cái miệng nó lại méo xệch qua một bên, còn cái mũi thì ôi thôi tội nghiệp, đáng lẽ nó có hình tam giác như trái bí nhà hàng xóm của tôi, nó lại là một cái “bình vôi” toè loe nham nhở những vết cắt. Bị ông nhà tôi chê tá lả, tôi phang lụi:

- Thì chưng lồng đèn để hù…ma mà! Càng dễ sợ càng tốt chứ!

Thôi thì có còn hơn không, tôi cũng lon ton đem “con ma” ra chưng trước cửa, đúng lúc Jilly đi ngang qua, có lẽ thấy…tội nghiệp nên cô cười và nói “good job!” cho tôi đỡ bị quê. Tôi cũng đi mua bánh kẹo về để dành. Vì đó là năm đầu tiên, tôi “mới toanh” với hàng xóm nên không ước lượng được số khách “Trick or Treat.” Tôi đã vui hết biết và cũng bắt chước, ngọng nghịu hét to “Trick or Treat” mỗi khi mở cửa ra phát kẹo và nhìn tụi nhỏ hóa trang đủ kiểu đủ màu. Nếu sau khi phát hết kẹo tôi biết đường dán cái bảng “Xin lỗi đã hết kẹo” hoặc đóng cửa tắt đèn làm như mình đi vắng thì đã yên chuyện rồi! Đàng này vì “điếc không sợ súng,” vì thấy cũng đã hơi khuya, tôi bỏ lên gác luyện “Bao Công” nên đã không nghe tiếng gõ cửa của tụi nhóc đến trễ.

Sáng dậy nghe có tiếng người tôi chạy ra xem, thì ra là Jilly. Nhìn theo tay cô chỉ, tôi sững sờ khi thấy trước mặt là một bãi...chiến trường. Trước cửa nhà tôi, vương vãi khắp nơi vàng rực một màu với bí là bí, những mảnh bí đỏ vỡ, ruột bí tung tóe, hột bí đầy tường, nước bí chảy khô ngoằn ngèo như những đường mương, cả những đóa hồng đỏ mượt mà của tôi cũng biến thành “hồng đốm” vì lốm đốm màu vàng của bí. Tôi quen Jilly từ đấy và tôi cũng hiểu trọn vẹn nghĩa của “Trick or Treat” từ đấy!

Jilly sống một mình vì cậu con trai độc nhất, Christ, vừa chuyển lên đại học Berkeley. Cô làm việc cho một tòa án ở San Jose, lái xe đi về mỗi ngày chung với mấy người ở thành phố lân cận. Người hàng xóm này đã làm tôi ngạc nhiên hết sức vì sự hiểu biết của cô về phong tục của người Việt Nam. Cô có thể nói vài câu chào hỏi như “Xin chào, tạm biệt, và cám ơn,” đặc biệt cô rất thích “Pho.” Ngày đến dự đám cưới con trai tôi, Jilly đã tặng phong bì đỏ và nói “Chúc hai bạn trăm năm hạnh phúc” rất rõ ràng.

Jully cho biết, cha của Mike, vị hôn phu trước đây của cô, là một cựu chiến binh Việt Nam. Ông John đã kể cho cô và Mike nghe thật nhiều về cái xứ sở “green and beach,” tòan là cây xanh và biển, mà ông đã từng qua đó “đanh nhau voi Viet Cong,” nói tiếng Việt không bỏ dấu theo kiểu của Jilly. Sau khi ông trở lại thăm Việt Nam một chuyến thì Mike cũng muốn đưa Jilly qua đó tham quan. Mike làm nghiên cứu cho việc nhân giống cây ăn trái của tiểu bang. Hai người đã đính hôn, và vì họ có ý đi du lịch Việt Nam sau đám cưới nên đã học một số câu tiếng Việt thông thường. Bất hạnh thay, trước đám cưới Mike bị tai nạn trong một chuyến đi nghiên cứu ở Josemite rồi qua đời, để lại Jilly với cái thai hai tháng, đó là Christ. Có lẽ vì cái duyên…hụt với Việt Nam đó mà Jilly thích chơi với chúng tôi và giúp đỡ hết lòng.

Khi thân nhau rồi, cuối tuần Jilly thường rủ tôi đi bộ, đi mua sắm, và thỉnh thoảng tôi chỉ cô làm món chả giò Việt Nam mà cô rất thích. Thấy tôi nói tiếng Anh “gãy vụn,” Jilly thường “sửa lưng,” bắt tôi tập phát âm cho đúng những chữ mà cái lưỡi của tôi nó không phân biệt được, như “live” thì phát âm ngắn gọn còn “leave” phải kéo dài ra, hoặc “like” chấm dứt với “k” và “light” thì nhấn âm “t” khi dừng lại. Rồi cô bày tôi đi “Yard sale” mua sách truyện tiếng Anh chỉ vài chục xu/quyển mà đọc.

- Hãy đọc thành tiếng những câu đàm thọai của nhân vật trong truyện, chị sẽ thuộc thêm nhiều từ, nhưng quan trọng nhất là chị sẽ quen miệng và nói thành câu một cách dễ dàng.” Cô nói.

Jilly còn rủ tôi tham gia sinh họat phụ nữ ở nhà thờ vào mỗi tối thứ Bảy. Khi cô giới thiệu tôi, mọi người chào đón thật vui dù tôi nói tôi là người theo đạo Phật. Buổi họp mặt diễn ra sau khi ăn tối, nên chúng tôi thường mang theo thức tráng miệng để chia xẻ cùng nhau. Trước khi bắt đầu buổi sinh họat, mỗi người tự kể những vui buồn trong tuần của mình. Nếu ai có chuyện vui thì cả nhóm chia vui, còn ai có chuyện lo buồn, người trưởng nhóm tên Tammie ghi xuống để mọi người cùng nhau cầu nguyện.

Khi đó tôi có người cậu ruột 72 tuổi ở Việt Nam mà tôi rất yêu quí đang bị bệnh ung thư phổi thời kỳ thứ ba. Bác sĩ đã chê, kêu gia đình đem về “cho ăn uống trước khi ông chết.” Tôi cũng kể cho họ nghe. Cả nhóm cùng cầu nguyện cho từng người, từng trường hợp riêng rẽ. Đến lượt cậu tôi, tôi rất xúc động khi người trưởng nhóm đọc họ tên của ông kèm theo những lời cầu nguyện thật chân thành, cầu Chúa ban ơn lấy đi căn bệnh trầm kha cho cậu, và mọi người im phăng phắc đầu cúi xuống nguyện thầm theo lời đọc.

Sau đó chúng tôi cùng chơi game, đố vui, ai thua thì phải hát, hoặc đọc thơ, kể chuyện tiếu lâm. Phần tôi mỗi khi thua – tất nhiên là tôi thua nhiều hơn thắng vì tôi đâu có hiểu hết những chỉ dẫn của game – tôi cố gắng vận dụng tất cả số vốn liếng tiếng Anh có được kể về quê hương Việt Nam thân yêu mà tôi đã đứt ruột bỏ ra đi.

Một lần, tôi hát bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa và người ta khen bài ca nghe thật hùng tráng. Họ hỏi tôi ý nghĩa bài hát, tôi tiếng được tiếng mất cộng với “tứ chi” giải thích rằng bài Quốc Ca kêu gọi người dân Việt Nam phải luôn bảo vệ tổ quốc, quyết chí đồng lòng chống giặc ngọai xâm, gìn giữ bờ cõi, và làm rạng danh dân tộc. Tôi còn kể, ngày xưa thời Việt Nam Cộng Hòa, tất cả mọi người già trẻ lớn bé đều thuộc lòng bài Quốc Ca này, học sinh các trường chào cờ tổ quốc và hát Quốc Ca mỗi đầu tuần. Ai nấy đều tỏ ra thích thú lắng nghe. Những buổi sinh họat đó thật là bổ ích cho tôi và tôi đã không hề vắng mặt một bữa nào.

Nhờ cô bạn Jilly mà tôi không còn mê “Bao Thanh Thiên” và “luyện chưởng” thâu đêm như trước nữa. Tôi cố gắng đọc sách tiếng Anh nhiều hơn, dù luôn phải vất vả “đọc kèm” với quyển tự điển. Tuy vậy, môn nghe và nói tiếng Anh của tôi cũng cải thiện khá nhiều.

Không biết có phải Chúa đã linh thiêng chứng cho những lời cầu nguyện của chúng tôi hay chăng, mà sau đó bệnh tình cậu tôi đã ổn định. Khi vợ chồng tôi gửi ít tiền và quyển sách “Canh Dưỡng Sinh Go Bo” của dịch giả Trần Anh Kiệt về cho cậu với lời nhắn “Bên này con và các bạn Mỹ của con cùng cầu nguyện cho cậu” thì cậu rất lên tinh thần. Cậu tôi từng là giáo viên Pháp Văn trước 75, sau “hòa bình” ông bị tù đày đến hai năm nên về già thường đau yếu, cuộc sống rất vất vả. Nhưng cậu không bao giờ than thở để nhờ chúng tôi giúp đỡ. Mỗi khi Tết đến chúng tôi gửi tiền về tặng hai bên nội ngọai ăn Tết đều bị cậu la, “Các cháu hãy để dành lo cho mấy nhỏ ăn học, thứ quà mà cậu vui nhất là bằng cấp của tụi nó chứ không phải tiền.” Kỳ này cậu vui vẻ nhận tiền tôi biết là cậu đã “hết cách” rồi, nên tiếp tục viện trợ lai rai cho cậu.

Tôi cũng sợ bị “đổ thừa” nên dặn cậu, canh dưỡng sinh chỉ là các lọai rau ăn, nếu bác sĩ cho thuốc cậu cứ uống và đi khám thường xuyên. Tôi kêu cậu hãy ăn uống thoải mái, thèm gì ăn nấy đừng kiên cữ, “thiếu tiền tụi cháu sẽ gửi thêm.” Cậu tôi nghe lời, thuốc tây ông vẫn dùng, và nấu “canh dưỡng sinh” uống thêm hàng ngày. Không mua được củ go bo tươi, cậu mua lọai khô ở tiệm thuốc bắc và tự trồng rau củ cải trắng lấy lá nấu canh.

Từ ngày biết chuyện của cậu tôi, Jilly thường xuyên thăm hỏi. Tết đến nghe tôi gửi tiền về Việt Nam cô cũng gửi thêm một ít cho cậu, nói để giúp ông chữa bệnh. Tôi từ chối thì cô giận nên đành phải nhận gửi về và sau đó tìm cách “tặng quà” cho cô ấy. Cậu tôi rất cảm động về tấm lòng của Jilly. Cậu viết một lá thư cho cô bằng tiếng Pháp gửi qua, kêu tôi nhờ ai dịch dùm ra Anh ngữ. Nhưng không ngờ Jilly đọc được cả tiếng Pháp. Cô hồi âm cho cậu tôi, gửi hình của cô, và còn mời cậu, “Chúng ta hãy làm bạn bè.” Cô nói muốn giúp cho cậu vui để tự tin mà sống, như vậy sẽ rất tốt cho bệnh tình của cậu.

Đúng vậy. Cậu tôi đã “chuyển sang một trang mới” của cuộc đời. Cậu nói rất hạnh phúc vì được làm bạn với “một người Mỹ.” Ông tươi tỉnh hẳn lên, thích thú viết những lá thư thật dài để kể chuyện, trao đổi với Jilly và vợ chồng tôi, sáng tác những bài thơ “Gia huấn” để lưu lại dạy con cháu.

Khi cậu tôi đi tái khám, bác sĩ đã rất ngạc nhiên thấy cái bứơu ung thư không phát triển nữa, cậu thì da dẻ hồng hào, rất tự tin, không có vẻ gì là người “sắp lìa đời” như mấy ổng tiên đoán.

Và như có phép lạ, cậu tôi đã “sống ráng” thêm được tám năm. Trong tám năm này, cậu liên lạc thư từ qua Mỹ thường xuyên. Mỗi dịp Xuân về, vợ chồng tôi và Jilly gửi quà cho cậu, còn cậu thì diện “đồ lớn” rất oai phong, chụp hình để “gửi qua Mỹ.” Cậu không thèm để ý, lo âu gì đến bệnh tình nữa. Tiền chúng tôi gửi cho cậu mua thuốc theo toa bác sĩ để uống, mua củ go bo nấu canh dưỡng sinh ăn, còn dư cậu đi du lịch, tham quan nơi này chốn nọ.

Hai năm trước, cậu tôi về với ông bà khi người vừa tròn tám mươi tuổi. Trước lúc cậu đi một ngày, chúng tôi gọi về cậu còn nói chuyện rất minh mẫn, “Cậu rất có phước được sống đến chừng này. Cậu đã thõa mãn lắm rồi, nếu cậu có đi các cháu đừng lo lắng gì cả, cho cậu gửi lời cám ơn Jilly và bạn bè của tụi cháu.”

Tôi tin “phép lạ” này phần lớn là nhờ cậu tôi nhận được sự quan tâm của Jilly, nghe được lời cầu nguyện từ những người Mỹ không quen biết bên trời Tây do tôi kể lại, và trên tất cả, là cậu đã biết đặt niềm tin vào Thượng Đế để sống vô tư, không lo sợ cái chết mà để nó đến tự nhiên. Cậu đã có những năm tháng cuối đời thật vui vẻ, và cả đại gia đình chúng tôi đều rất biết ơn Jilly.

Khi tôi nói ước mơ của tôi là được làm nghề dạy học nhưng chiến tranh đã lấy đi cơ hội, Jilly khuyến khích:

- Bây giờ vẫn chưa muộn. Chị có thể ghi danh đi học ban đêm, cửa trường ở đây rộng mở cho tất cả mọi người. Đã từng có rất nhiều người tốt nghiệp đại học ở tuổi trên 70 cơ đấy! Chị còn trẻ hơn nhiều, em tin chắc chị sẽ học được, đừng nên do dự.

Sự ủng hộ của Jilly là một trong những động lực khiến tôi cảm thấy tự tin để ghi danh vào college.

Người “bạn vàng” này còn giúp tôi nhiều kinh nghiệm quí giá về việc kinh doanh. Trước kia tôi may mắn sang lại tiệm lúc tình hình kinh tế còn đang khấm khá nên “vô cửa” rồi tôi cứ vậy mà tới luôn, không hề biết đến chuyện làm quảng cáo hay cần phải tân trang, mặc dù cái shop theo thời gian cũng đã “cũ xì.” Đến thời điểm nền kinh tế toàn cầu xuống thấp “chỏng gọng,” việc làm ăn khắp nơi ai nấy đều kêu trời, shop của tôi cũng không ngọai lệ.

Thấy tôi than thở, Jilly bèn bày cách để cứu lấy business của tôi. Cô góp ý cho chúng tôi tân trang, làm mới lại tiệm hoàn toàn. Đặc biệt, Jilly khuyên tôi nên góp tiền bảo trợ cho hai đội bóng “Basketball” và “Football” của hai trường học lớn trong thành phố là Lodi High School và Tokay High School mỗi quí ba tháng để họ list tên tiệm tôi vào cột “Mạnh thường quân” trên hàng chục nghìn cái posters được dán khắp nơi. Rồi cô nói:

- Bây giờ anh chị hãy tạo một sự kiện độc đáo và em sẽ gọi nhà báo giúp cho, họ lúc nào cũng bị hấp dẫn bỡi những sự kiện đặc biệt nên sẽ viết bài giới thiệu theo kiểu tin nóng” mà mình không phải trả tiền.


Chúng tôi bàn nhau rồi quyết định ngỏ lời mời bà con trong thành phố đãi một bữa tiệc “chả giò Việt Nam” (Tôi có độc chiêu làm egg rolls mà hầu hết khách hàng của tôi đều biết, ai ăn một lần sẽ nhớ mãi!) để cám ơn thành phố này đã cưu mang chúng tôi trong bao năm qua, mọi người đều có thể đến thưởng thức, không bắt buộc phải làm business với chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi cũng kèm theo nhiều dịch vụ khuyến mãi, tặng quà, xổ số.

Chẳng biết Jilly làm cách nào mà cô “trục” được phóng viên Marc Lutz của nhật báo Lodi News-Sentinel tìm đến shop của tôi để phỏng vấn, rồi đăng một bài giới thiệu rất hấp dẫn trên trang nhất, một ngày trước ngày đãi tiệc, mà tôi chẳng tốn đồng nào.

Kết quả của bài báo thật không ngờ. Chỉ mấy giờ đồng hồ trong buổi chiều thứ Bảy, hàng trăm thực khách đã có mặt để thưởng thức món chả giò, thích thú với những dịch vụ khuyến mãi, và vui vẻ ra về tay cầm quà xổ số, tay chả giò togo. Shop của chúng tôi có thêm rất nhiều khách hàng mới và mức doanh thu được nâng lên một cách đáng kể.

Nhờ sự chỉ bảo của Jylly, tôi chợt nhận ra tầm quan trọng của việc thường xuyên “làm mới” cơ sở kinh doanh và làm quảng cáo để hấp dẫn khách hàng.

Thêm vào đó, tiệm còn tăng được một số khách hàng là phụ huynh và học sinh từ hai trường High School mà chúng tôi bảo trợ. Các em học sinh đến và nói với nhau, “Tiệm này là mạnh thường quân của trường mình, chúng ta đến để ủng hộ,” làm tôi rất vui. Tôi cũng đã thấy việc bảo trợ cho các trường học địa phương, dù có tốn kém nhưng cũng rất hữu ích. Đúng như người mình thường nói, “Hãy bỏ ra con tép để bắt con tôm!”

Jully cũng đã từng giúp “phu quân” của tôi gỡ được một “bàn thua trông thấy.” Ngày kia ổng lái chiếc Honda đang chạy đường hoàng bên trong cái “only” thì một chiếc xe van từ đàng sau chạy tới vượt qua bên trái cái “only” và đụng vào xe ông. Chiếc van bị lạc tay lái chạy loạng quạng qua lane ngược chiều đến bên kia đường thì bị tắt máy dừng lại. Nhà tôi chạy theo đậu trước chiếc van đó. Người tài xế và mấy người nữa trên xe cùng bước xuống, xúm lại xem xét chiếc Honda và hỏi ông nhà tôi có bị gì không. Họ không hề nhìn đến chiếc van của họ. Vốn tính hiền hòa không ưa rắc rối, ông của tôi thấy chỗ móp cũng hổng đến nỗi nào, bèn nói với bọn người xe van:

- Thôi được rồi, tôi không sao, các ông có thể đi! và khoát tay cho họ chạy đi.

Đùng một cái, mấy tuần sau ổng nhận được giấy báo từ sở cảnh sát địa phương. Có người đâm đơn tố cáo chiếc xe ông đã phạm tội “Hit and run.”

Trời ạ! Ông ấy đã tốt bụng tha cho người ta, vậy mà hắn ghi lại số xe, rồi vào đồn cảnh sát địa phương tố ngược là anh ta đã bị đụng rồi bỏ chạy! Tụi tôi sợ hết hồn, vì tội “Hit and run” là một tội đâu có nhỏ.

Jilly nghe kể sự tình, cô rất bất bình về việc “lật ngược đổ oan” này. Cô liền “vấn kế” để nhà tôi khiếu nại. Ông ấy nghe lời đến chỗ xảy ra tai nạn, vẽ lại rõ ràng một tấm bản đồ, với hình ảnh hai chiếc xe, kèm theo những mũi tên chỉ rõ đường đi nước bước của mỗi chiếc, nơi ông bị đụng, địa thế của cái ngả rẽ “only,” và nơi hai chiếc xe dừng lại.

Sau đó ông viết một lá thư kèm theo, giải thích đầu đuôi tự sự, nhấn mạnh điểm quan trọng là vì người tài xế kia đã có lỗi, nên anh ta và những người trên xe chỉ chạy lại xem chiếc Honda và hỏi han người bị họ đụng, chứ họ không để ý gì đến chiếc xe van của họ. Cuối thư, ổng tuyên thệ là lời khai hoàn toàn đúng sự thật, sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu khai gian, và đem nộp tất cả cho cảnh sát.

Tôi lo lắng vì xe phía bên kia đông người họ sẽ làm chứng, nhưng Jilly nói những người đi cùng trên chiếc xe van làm chứng sẽ “không có hiệu quả” vì họ là người cùng phe.

Cuối cùng, nhà tôi thoát cái nạn “Hit and run” trong gang tấc. Nếu không nhờ Jilly, bọn tôi không biết sẽ ra sao. Cô nói đây là một bài học cho sự dễ dãi “không phải chỗ” của nhà tôi, mỗi khi tai nạn xảy ra, dù nhỏ dù lớn cũng phải gọi cảnh sát chứ không nên ứng xử theo cảm tình. Phe đối diện sẽ tìm cách “lật ngược thế cờ” nếu thấy mình sơ hở.

Bề ngoài bạn Jilly của tôi luôn tỏ ra lạc quan yêu đời, chuyện dù rắc rối đến đâu đối với cô cũng chỉ là “chuyện nhỏ.” Không ngờ bên dưới cái vẻ vô tư ấy lại chôn dấu một tâm sự, một thảm kịch gia đình mà mãi đến mấy năm sau ngày quen Jilly tôi mới tình cờ biết được.

Hôm đó là một chiều hè. Tôi và Jilly cùng nhau tản bộ, vừa đi vừa tán dóc đủ thứ chuyện trên đời. Lúc bọn tôi đến Lodi Lake thì mặt trời cũng vừa xuống thấp, sắp sửa lặn vào bên dưới rặng núi phía tây, nhưng những cánh tay ráng chiều vàng ươm còn cố vươn dài trên nền trời trong xanh như vẫy chào nhân gian lần cuối trước khi đi vào giấc ngủ. Bầy chim đang ríu rít gọi nhau về tổ, nhảy nhót rộn ràng trên những cành cây. Gió thổi nhẹ từ sông Mekalume làm mặt hồ gờn gợn sóng.

Jilly dừng lại ở một băng đá gần mặt nước:

- Ngồi nghỉ chút đi chị, em mỏi chân lắm rồi.

Tôi cũng ngồi xuống nhưng dọa:

- Đi bộ mà cứ dừng lại ngắt quãng thế này thì sẽ không burn” được bao nhiêu ký lô mỡ đâu à nha!

- “Whatever!” Cô cười rồi ngồi xuống, hít một hơi dài để tận hưởng cái không khí dịu mát của buổi hoàng hôn.

Dưới nước, từng đàn ngỗng hoang đang say sưa bơi lội. Một số bỗng bay lên bờ, cổ cất cao ngất ngưởng, lệt bệt theo sau du khách, ngoác mồm “ót a ót ét” để xin thức ăn, nhưng ai nấy đều lờ đi làm tôi thấy tội nghiệp chúng. Quay sang cô bạn, tôi định nói lần sau sẽ đem ít bánh mì cho tụi ngỗng, nhưng tôi kịp dừng lại.

Jilly đang ngồi bất động, mắt đăm đăm nhìn xuống dưới hồ. Dõi theo ánh mắt cô, tôi thấy một mẹ vịt đang bơi cùng đàn con. Bốn chú vịt con bé tí với những bộ lông non vàng tươi mượt mà. Mẹ vịt đang tập bơi cho đàn con, nó bơi được một quãng thì dừng lại đợi, khi đám vịt con bơi lại gần nó mới bắt đầu bơi tiếp. Rất nhiều lần mẹ vịt quay trở lại để đưa đàn con theo, và nó không bao giờ cách xa đám “nhóc tì của nó quá vài gang tay. Quả là một bức tranh rất cảm động về tình mẫu tử. Tôi từng nghe nói vịt không biết ấp trứng như gà, đẻ xong rồi bỏ đi, nên người ta phải giúp nó ấp trứng thì mới có vịt con để nuôi. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh này, lòng tôi mềm đi vì xúc động. Có lẽ vịt hoang khôn ngoan hơn, tình cảm hơn vịt nhà thì phải!

Bỗng một cậu bé từ đâu chạy đến, tay cầm nhánh cây khô. Khi nhìn thấy đàn vịt, cậu bất ngờ dừng lại đưa nhánh cây chọc về phía chúng. Ngay lập tức, mẹ vịt vươn cao cổ, xù lông, xù cánh ra như chuẩn bị chiến đấu để bảo vệ đàn con, y hệt hành động của một “bác” gà mái dầu.

- Ngay cả vịt mẹ cũng biết bảo vệ cho con của nó! Jilly chợt lẩm bẩm, mắt vẫn dán vào đàn vịt dưới hồ, bàn tay cô đặt trên băng đá đột nhiên run lên.

Nhìn cô tâm sự trùng trùng, mặt đỏ bừng, đôi mắt mọng lên nung đầy nước, như chỉ chực tràn ra làm ngập lụt lòng người. Không hiểu việc gì đã xảy ra, tôi nói bâng quơ:

- Thì Thượng Đế sinh ra loài vật cũng có tâm tính như người mà. Mẹ nào lại chẳng thương con, bảo vệ con.

- Vậy mà có đấy! Có những người mẹ lại đành lòng vất bỏ con mình!

Câu nói thoát ra từ đôi môi đẹp, ngắn ngủn, mà sao âm thanh nghe tan nát, vỡ vụn như những nhát búa bổ vào đám lọ thủy tinh.

Tôi giật mình, ôm lấy tay cô:

- Bộ…em có tâm sự hả?

Jilly thở dài rồi nói nhẹ, tiếng gió rì rào xen lẫn trong giọng cô ai oán não nề, một điều mà trước đây tôi chưa bao giờ thấy ở người phụ nữ trẻ luôn vui tính này:

- Em đã từng chết một lần!

- Hả?

- Thật đấy! Em đã tự tử!

- Trời!

Jilly lặng yên dễ chừng vài phút. Lần đầu tiên thấy bạn thế này, tôi cũng ngồi im như quên thở. Rồi dưới ánh ráng chiều, cô bắt đầu kể tôi nghe về tuổi thơ bi đát của cô, về những điều bí mật lâu nay cô cố gắng vùi sâu vào ký ức, trong lúc mẹ con nhà vịt bơi xa dần, xa dần về phía bên kia bờ hồ…

Cha mẹ li dị khi Jilly mới lên sáu tuổi. Bà mẹ đã không nhận nuôi đứa con gái bé bỏng vì muốn rảnh tay đi với nhân tình. “Em đã gào thét bằng tất cả sức lực của mình, nhưng mẹ không một lần quay đầu nhìn lại,” Jilly nói trong nước mắt. Cha cô sau đó cưới hết người này thì li dị rồi cưới đến người khác. Sau cùng ông cũng chọn được và đình đậu lại với một bà vợ trẻ, rồi từ California dọn sang tiểu bang Michigan sinh sống.

Cuộc sống với người cha và bà dì ghẻ ở Michigan quả là khủng khiếp đối với Jilly. Hàng ngày cha cô đi làm, bà mẹ ghẻ ở nhà “chăm sóc” cho cái bệnh tim của bà để đủ sức hành hạ cô bé con chồng tội nghiệp. Bà không bao giờ động đến cái móng tay dù việc nhà hay việc của bà. Mọi thứ đã có “cô Tấm” làm hết. Sau khi đi học về, Jilly phải phục vụ cho bà, chuẩn bị hamburger, chiên trứng, khênh cho bà chai Vodka, mang quần áo bà đi giặt.

- Bà ấy đánh đập em dã man lắm, ngày nào cũng vậy, em làm cách nào cũng bị bà hét toáng lên,” Jilly nhớ lại.

Rồi khi tấm thân mỹ miều, nhưng lười biếng của bà dần dần biến thành “cái thùng phuy” do rượu thịt, cả tánh người bà cũng đánh mất luôn. Tiền của chồng cung cấp không đủ cho bà mua rượu Vodka. Hôm nọ có bà bạn đến chơi nhà, bà dì ghẻ đã nhón một tờ $20 trong ví khi bà khách ra ngoài hút thuốc. Bị Jilly nhìn thấy hỏi sao bà lại làm vậy, thì bà lôi cô bé vào phòng tắm riêng của bà, đánh cho một trận và nhốt lại để khỏi bị lộ.

- Ở trong phòng tắm, em đã vơ tất cả các lọ thuốc trị bệnh tim của bà ấy và nốc hết! Jilly nói, giọng uất ức ngẹn ngào.

Đến khi người bạn ra về, bà dì ghẻ ác độc vào nhà tắm thì Jilly đã tắt thở. Ở bệnh viện, Jilly được xem như đã chết, nhưng “còn nước còn tát,” các bác sĩ đã tội nghiệp người cha đau khổ và cô bé xinh đẹp nên đã gọi trực thăng chuyển đến bệnh viện lớn “Children Hospital of Michigan.” Jilly nằm bất tỉnh trong tình trạng “coma” đến hai tuần. Việc cô bé tỉnh lại được thật là hi hữu, ngoài sự tưởng tượng của các bác sĩ.

Sau về nhà Jilly kể cho đứa bạn thân tên Laura nghe, và hai đứa bàn kế hoạch đi trốn sau khi Jilly tìm được cái bì thư có tên và địa chỉ của bà nội ở Cali. Cô bé lén bỏ học, đi giữ trẻ cho một người hàng xóm. Khi đã để dành được ít tiền, Jilly tìm cách trốn đi. Laura thương bạn tình nguyện đi cùng, mấy tháng sau cô bé mới về lại Michigan.

Hai đứa bé mười tuổi lang thang tìm đến một trạm xe truck xuyên bang. Nghe tụi nhỏ kể lể sự tình, bị dì ghẻ hãm hại đến suýt chết nên muốn đi tìm bà nội ở Cali, một tài xế xe truck tốt bụng đồng ý cho đi nhờ. Từ Michigan ông chở chúng đến Chicago rồi gửi xe truck khác đến Iowa, và những tài xế kế tiếp gửi chuyền từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, mãi bốn ngày sau hai đứa mới đến nhà nội của Jilly ở Lodi, California.

Bà Nội của Jilly đã ngạc nhiên hết hồn vì đứa cháu gọi cửa lúc nửa đêm. Bà khóc ròng khi biết sự việc. Thời gian đầu mới đến, tâm thần Jilly còn bấn loạn, hoảng hốt vì những gì đã xảy ra. Phải mất một thời gian, khi tinh thần cô bé ổn định bà Nội mới cho đi học lại. Cuộc sống hai bà cháu rất chật vật, vì bà Nội đã về hưu, nhưng Jilly cố gắng học và cuối cùng cô tốt nghiệp cử nhân ngành “Accounting” từ Sacramento State rồi ra đi làm. Như con chim bị tên, cô nói rất sợ việc lập gia đình. Tuy có quen bạn trai đây đó nhưng cô vẫn giữ cảnh độc thân cho đến khi yêu Mike và tính chuyện hôn nhân thì bị gãy đổ.

Jilly ngừng nói đã lâu mà tôi vẫn ngồi sững sờ, không thể tin những gì vừa nghe được. Ai ngờ người phụ nữ trẻ với vẻ bề ngoài vui tươi xinh xắn và tự tin, bên trong lại chứa đựng cả một trời đau thương. Cô đã tồn tại và vươn lên từ những nỗi đau đó như một kỳ tích. Chẳng biết nói gì để chia xẻ với bạn, tôi bèn “ra tay” nguyền rủa bà dì ghẻ:

- Bà dì ghẻ của em thật quá ác độc! Chắc chắn bà sẽ bị trời phạt!

- Bã chết rồi! Cách đây bốn năm. Ba em đã bắn vào đầu bà ấy!

- Bà ấy thật đáng bị như vậy! Tôi buột miệng, lòng chợt cảm thấy hả hê như chính mình vừa “trả được thù” cho bạn.

Không ngờ Jilly lắc đầu buồn bã:

“No!” - Em rất giận ba về việc này, đến giờ vẫn còn giận! Em không thể nào tha thứ cho ba em. Không ai có cái quyền giết người, cướp đi mạng sống của ai cả, kể cả cướp đi mạng sống của chính mình thì cũng là kẻ giết người!

Tôi nhìn Jilly. Nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt đẹp.

Tôi bỗng cảm thấy xấu hổ vì sự hả hê vừa rồi, và nhận ra lòng mình còn đầy dẫy “hỉ nộ ái ố” phàm tục. Cái tâm của Jilly rất là trong sáng. Dù bị ngược đãi đến phải tự vẫn, một ý nghĩ trả thù cũng không có trong cô. Tôi nói để dấu sự ngượng ngùng:

- Tội nghiệp ba em! Vậy là ông ấy phải bị dính vào vòng lao lý.

- Không! Ông đã tự bắn vào đầu ngay sau đó!

Jilly nói xong quẹt nước mắt đứng dậy. Bỗng cô cúi xuống, nhặt một hòn sỏi và ném mạnh ra giữa hồ, như ném đi nỗi đau đớn trong lòng. - Tối rồi. Mình về thôi chị! Cô phủi tay rồi bình thản bước đi như chưa từng nói với tôi điều gì trước đó.

Tôi bước theo Jilly mà lòng nặng quằn thổn thức. Chúng tôi đi trong im lặng rời khỏi bờ hồ. Mặt trời đã biến mất, để lại vẻ ảm đạm buồn hiu trên mặt hồ không ánh sáng.

Jilly không bao giờ nhắc lại chuyện đó lần nữa. Nếu tôi có gợi lại cô cũng gạt đi, “Việc gì đã qua hãy cho nó qua, chị ạ! Phải bước tới phía trước để mà sống.”

Năm ngoái tôi xin được cái job ở Marysville và dọn đi, lòng mừng vì từ nay sẽ thoát khỏi cảnh dũa nail để đi làm nghề gõ đầu trẻ, cái nghề mà tôi mơ ước từ khi còn bé.

Không ngờ sau khi dọn nhà, tôi sơ ý lôi mấy thùng đồ nặng làm cho cái lưng của tôi nó “biểu tình.” Chẳng biết nó bị “xục xịch” khúc nào mà nó “tra tấn” tôi đau quá mạng mỗi khi ngồi lâu. Dù có kềm sau lưng bao nhiêu cái gối tôi cũng không thể ngồi quá một giờ. Tôi đành phải đau khổ mà “cancel” cái job đã được nhận, rồi đi volunteer vài ngày/tuần, chơi với tụi nhỏ cho đỡ…ghiền, đợi khi nào cái lưng lành hẳn thì mới tính. Do vậy mà từ khi dọn đến đây, ngoài đi volunteer, châm cứu, vật lý trị liệu, tôi ở nhà làm “bảy nghề!”

Mới đầu tôi bị “shock,” buồn, và chán nản lắm. Tôi cứ nằm hoài, không thiết gì ăn uống, vật vã từng ngày mong chữa trị được cái lưng. Nhưng cô bạn Jilly không để tôi gục ngã, cô thường xuyên gọi điện thoại an ủi, khuyến khích. Biết tôi ham viết lách, cô nói:

- Chị không được đầu hàng! Không đi làm được thì chị ở nhà viết văn đi!

Rồi tôi cũng nghe lời Jilly. Nhưng vì không thể ngồi lâu, tôi đành làm cái job “ngọa zăn sĩ.” Trừ bài viết đầu tiên, loạt bài đăng trên Việt Báo và bài này, tôi đều phải “viết nằm.”

Vâng, tôi đã nghe lời bạn. Có điều là, tôi viết văn bằng tiếng của tôi, tiếng Việt, chứ không phải tiếng Anh như bạn mong muốn. Nhưng tôi hứa sẽ thử trong một ngày không xa, bạn thân yêu!

Tôi biết chắc bạn sẽ giúp tôi thắng một bàn nữa, đúng không Jilly?

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
05/08/201305:12:20
Khách
Hi Yến Tuyết,
Chị đã nói lại với Jilly rồi. Cám ơn em đã cho hay tin về dì 7.
PH
05/08/201305:08:25
Khách
Chào các bạn THAO, Hoang,
Cám ơn các bạn đã đọc bài. Phải, trên con đường hội nhập vào nước Mỹ, tác giả đã gặp và nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người Mỹ tốt bụng. Khi người ta đã hiểu và cảm thông nhau thì vấn đề ngôn ngữ không còn quan trọng nữa.
Chào các bạn
PH
26/07/201300:09:20
Khách
Bài viết thật cảm động, chị cho em gởi lời chia sẻ cùng người bạn Mỹ Jilly của chị nhé và nói với cô ấy rằng nơi phương xa em chúc cô ấy luôn an lành và hạnh phúc " Hãy cố vươn lên mà sống, lâu rồi đời mình cũng quen". Em đã in mấy truyện: Chiếc nhẫn hoa tím, Tình không biên giới, Chiếc giày há miệng đưa cho cậu 9 đọc rồi. Cậu khen chị viết truyện hay quá và kể lại chuyện ngày còn bé chị là đứa cháu thông minh nhất. À, em báo cho chị biết là dì 7 Chanh đã mất rồi do bệnh nặng. Thôi em chúc chị và gia đình luôn khoẻ mạnh và hạnh phúc. Bye.
02/07/201317:51:13
Khách
Thích lối văn thật hài hước và dí dỏm của tác giả mặc dù không tâm đắc bằng những bài viết khác của tg PhuongHoa. Đúng như tác giả nói, người Mỹ rất tốt bụng và thương người. Hoàng cũng từng có người Mỹ già hàng xóm đã về hưu giúp đở kiếm việc làm, rửa xe giúp, hay mua 1 bữa ăn sáng nhẹ cho Hoàng khi H. còn học college. Đọc bài viết của tg xong H. cảm thấy yêu nước Mỹ và con người ở đây hơn. Bởi văn hoá và đất nước Mỹ đã tạo ra những con người giàu lòng thương nhân loại như cô Jilly đây. Chỉ có nước Mỹ mới tạo cơ hội cho tg PhuongHoa hay chúng ta bước theo con đường mơ ước của mình. Chúc tg tiếp tục nghề yêu trẻ và cho ra đời những tác phẩm quý giá.
28/06/201317:17:58
Khách
Bài viết rất lạ và hay về tình bạ.n sâu sắc giữa hai người bạn khác ngôn ngữ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,192,959
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây là bài mới của bà trong mùa Lễ Tạ Ơn.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ tư của ông.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho mùa lễ Tạ Ơn.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Vui vẻ nhưng bốp chát, thẳng thừng. Sống độâng, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Bài mới viết của ông là tự truyện hiếm có: trực chiến với Pit Bull, loại chó chiến trận lợi hại nhất. Chúc tác giả mau hồi phục công lực.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada. Với bài viết “Đi Tìm Xác Ba”, bà đã nhận giải Hồi Ức 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân. Bài Viết về nước Mỹ gần đây của Susan Nguyễn là “Thăm Cali, Nhớ Vườn Xưa, Nhớ Mẹ”. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một tai nạn của tác giả. Kính chúc bà mau hồi phục.
Nhạc sĩ Cung Tiến