Hôm nay,  

Phượng Tím - Anh và Tôi

20/06/201300:00:00(Xem: 272601)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tự giới thiệu là “người viết mới toanh” vì chưa từng viết bài gởi cho báo nào, cả ở VN lẫn Mỹ. Sơ lược tiểu sử: Từ 1971, từng học Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Qua Mỹ năm 2009. Hiện ngụ tại Milpitas, San Jose, California. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ tư của bà.

Màu đỏ của hoa Phượng Vỹ đã theo tôi suốt một chặng đường dài. Những ngày học trò ngây thơ lấy nhụy hoa để chơi trò “đá gà, móc nghéo”; rồi đến những ngày biết mộng mơ thì nhặt cánh hoa rơi ép làm bướm tặng nhau; lớn lên thì yêu hoa Phượng chỉ vì không thể quên được những lưu luyến chia tay mỗi khi Hè về.

Ngày lấy chồng cũng đúng vào mùa Hạ, nước mắt tôi rơi khi thấy Phượng đỏ rưng rưng như màu xác pháo. Về với chồng tôi biết Anh còn yêu thêm ... một loài Phượng nữa, nhưng không phải sắc hoa màu son đỏ mà là sắc tím hoàng hôn: Hoa Phượng Tím.

Ở Việt Nam hình như chỉ có Đà Lạt mới trồng được Phượng Tím, nhớ lần đầu lên thăm vùng cao nguyên này, Anh tặng tôi một cành đầy những bông hoa tươi thắm:

- Tặng Em, Kỷ niệm Ngày Cưới chúng mình. Màu tím là Màu Thủy Chung, như sự chung thủy của chúng ta dành cho nhau.

Lúc đó nhìn sắc lam tím quyến rũ tôi thấy hoa đẹp kiêu sa lộng lẫy, không như trước đây vẫn hay cảm nghĩ Phượng Tím mang màu buồn man mác. Và tôi cũng đã yêu... Phượng Tím từ đó.

Màu hoa thủy chung đó theo chúng tôi mấy mươi năm trên quê hương Việt Nam. Cho đến một ngày chúng tôi đậu phỏng vấn đi Mỹ định cư. Nhưng khi cầm được cái Visa trong tay thì tôi lại là người muốn bàn với Anh chuyện hoãn chuyến đi. Mà cũng không hiểu sao những lần đi vượt biên sống chết trong gang tấc vậy mà nói đi là bỏ hết để đi liền, bây giờ được “đường hoàng” lên máy bay đi thì lại chần chừ. Chắc tại cũng không còn trẻ nữa, mà gặp ai cũng bị hỏi: “Già rồi qua Mỹ để làm gì?”, làm cho tôi suy nghĩ mãi. Đêm nào tôi cũng nằm trằn trọc nhớ về những vui buồn trong căn nhà mang đậm dấu tích của vợ chồng con cái mà khóc, và tưởng tượng về những ngày sẽ tới mà không biết nên cười hay khóc?

Rồi cuối cùng cũng phải gật đầu chuẩn bị “hành trang” theo Anh qua Mỹ sống với con gái và con rể ở thành phố Fremont, Tiểu bang California.

Vợ chồng con gái vui mừng đón chúng tôi ở phi trường San Francisco. Nhìn bầu trời cao vút tôi cảm thấy như có phép lạ, mới hôm qua còn ở Việt Nam hôm nay đã đặt chân trên đất Mỹ, cảm ơn những người đã chế tạo ra Boeing 747. Trên đường về nhà, nào là đồi núi chập chùng, thời tiết mát dịu trong lành, cỏ cây hoa lá xinh tươi, mà toàn những cây và bông hoa là lạ dễ thương, sao thiên nhiên ưu đãi cho Vùng Thung Lũng nầy quá nhiều cái đẹp vậy? Rồi nào là những con đường thẳng tấp nhiều làn xe với toàn ô tô chạy ào ào, nào là cầu vượt uốn lượn ngang dọc mấy tầng, sao con người ở đây quá giỏi về ngành cầu đường thế? Tôi cũng là dân Sài Gòn mấy chục năm chứ đâu phải quá quê mùa đến nỗi chưa thấy những cảnh nầy bao giờ, dù chỉ qua hình ảnh. Vậy mà dưới con mắt của người mới đến “Thiên Đường”, tôi ngơ ngẩn như đang đi vào Thiên Đường thật, dù chưa biết nơi đó có đẹp hơn ở đây không? Đang nhìn ngắm ngẫm nghĩ miên man, chợt thấy bên triền dốc nhỏ, những cây hoa tím xum xuê bung nở rợp một góc trời - màu tím thân thương, tôi bật kêu lên:

- Ồ, Phượng Tím kìa Anh!.

Về đến nhà càng ngẩn ngơ hơn khi nhìn thấy hai cây Phượng Tím to lớn trước mặt với những bông hoa tím rụng đầy sân … nhà hàng xóm.

Chuyện kể về đời sống của những người mới qua Mỹ là chuyện cũ rích, ai cũng nghe quá nhiều rồi. Nhưng tôi cũng mạn phép kể thêm lần nữa.

Những ngày đầu ở Mỹ, qua một hai tuần nghỉ ngơi không phải cho khỏe, mà để lấy lại thăng bằng sau một “cuộc đổi thay” quá lớn. Thôi thì sau đó có đủ thứ cái phải học. Hai việc trước tiên mà ai muốn sống ở Mỹ đều phải “vượt lên chính mình” đó là học Tiếng Mỹ và học lái xe.

Vợ chồng tôi vì chưa biết chạy xe, các con phải đi làm đâu có rảnh đưa rước mình, nên đành lội bộ đến Fremont Adult School đăng ký học ESL. Mà khổ nổi cái vốn Anh Văn từ thời Trung Học, sau nầy cũng có sử dụng nhưng chỉ lõm bõm vài ba câu thông dụng, giờ thì chữ nhớ chữ quên, đã vậy cái giọng Mỹ đọc khác quá nhiều đâu có giống hồi xưa đã học, thành thử xin học lại từ đầu cho chắc ăn.

Sau đó Anh cũng dò hỏi đường đi đến DMV để lấy tài liệu Sổ Tay Hướng Dẫn Lái Xe về cho tôi học thi viết, rồi đọc báo Thằng Mõ tìm thầy dạy lái xe. Vụ nầy cũng trầy trật lắm, thi hai ba lần mới đậu. Mà đâu phải có bằng rồi là lái liền được đâu, còn phải học thuộc đường xá, đường local, đường freeway, học cách tự bơm xăng vô xe, học cách trả tiền bằng thẻ, ôi thôi nhức cả đầu. Với cái tuổi 60 ở Việt Nam chạy xe gắn máy còn run, qua đây cứ mỗi lần ngồi sau vô lăng tôi càng run hơn, luôn tự dặn mình là phải bình tĩnh, thế mà cũng không xong … Sau 2 lần va quẹt hơi nặng, con gái cũng sợ và “ra quyết định”:

- Thôi Ba Mẹ có đi đâu để tụi con đưa đi.

Vì không muốn con lo lắng thêm tôi đành an ủi Anh:

- Vậy nhe Anh.

Anh không nói gì nhưng tôi biết Anh buồn vì không thể đỡ đần cho tôi trong việc nầy, tôi nói nhỏ:

- Thôi thì đi bộ tiếp vậy, kể như mình tập thể dục vậy mà.

Những ngày tháng sau đó hai vợ chồng già lấy thú đi bộ làm vui, đi học, đi công viên, đi Ross, Marshalls, Target…, đi đâu cũng có nhau, qua Mỹ được như “vợ chồng son” vậy là nhất rồi. Mấy ông bà người Mỹ hàng xóm rất thân thiện, luôn miệng hello hello mỗi lần thấy chúng tôi đi ngang qua nhà họ, tôi hay nói đùa:

- Anh à, chắc người ta biết mình đang hạnh phúc.

Trong lòng cũng thầm thấy cảm ơn họ, những Người Mỹ tốt bụng không phân biệt màu da, không kỳ thị chủng tộc, nhờ vậy những người mới đến “bơ vơ nơi xứ lạ quê người” như chúng tôi đỡ thấy tủi thân.

À, còn một việc cũng quan trọng lắm, đó là cái vụ xin Medi-Cal, vì chưa đủ 65 tuổi nên cả hai chúng tôi đều không được hưởng chương trình nầy. Anh dù đã bị liệt cánh tay phải do tai biến mạch máu trước đây, nhưng cũng bị từ chối vì chưa đủ điều kiện của diện tàn tật. Thế là vợ chồng tôi lo đi xin Bảo Trợ Y Tế diện Low Income, mỗi lần khám bệnh phải co-pay $40.00, đành vậy vì nếu không thì “không dám bệnh” luôn. Nhưng Chương trình APD nầy cũng tốt lắm vì không phải tốn tiền mua thuốc, và khi cần lấy thêm thuốc chỉ cần gọi qua “hệ thống điện thoại tự động” của Trung Tâm Y Tế nơi mình đã khám bệnh, là thuốc được gởi về đến tận nhà, nghĩ cũng sướng thiệt ...

Còn nữa, tôi còn phải học từ con gái chuyện nấu phở, hủ tíu, bún bò, bún mộc, đổ bánh cuốn…, sao bên nầy phụ nữ giỏi quá, món gì cũng biết nấu, ở Việt Nam mấy món đó toàn ra quán ăn thôi. Còn phải tập ăn cereal với sữa, hay ăn oatmeal, mấy món gì ăn ngán quá chừng … nhưng con gái nói già rồi phải ăn để giảm cholesterol. Rồi tập tính toán đi chợ mua thức ăn cho cả tuần, chắc tại ở đây nhà tôi xa chợ quá đó thôi. À quên, còn phải tập mang đôi găng tay bằng cao su để rửa chén nữa chứ; mấy chục năm rồi rửa chén có đeo bao tay đâu mà “bàn tay năm ngón Mẹ vẫn kiêu sa” …, lúc nào không có con gái mình lại “thoải mái với đôi tay trần”.

Những dịp Lễ hay weekend, vợ chồng con gái chở chúng tôi đi chơi đây đó cho biết. Trước nhất là phải xem cây Cầu Cổng Vàng. Phải nhìn thật gần và phải đi bộ lên cầu mới thấy được cái vẻ đẹp hùng vĩ của cây cầu nổi tiếng nầy và của cả Vịnh San Francisco.

Rồi những lần đi chơi biển, nào là Santa Cruz, Monterey, Carmel, Half Moon Bay - cái tên Nửa Vầng Trăng nghe nên thơ ghê, mà ở đây cũng đẹp thiệt. Tôi thấy có cái khác là ở Việt Nam thì nói là “đi tắm biển”, còn ở đây chỉ nói là “đi biển” thôi, vì đến biển có dám tắm đâu mà chỉ là để ngắm biển và cho mấy đứa nhỏ vọc cát thôi (Ở Việt Nam mà nói “đi biển” là qua nghĩa khác rồi). Nhớ có lần trước khi đi chơi biển Carmel cũng xem dự báo thời tiết là trời nắng đàng hoàng rồi đó chứ, con gái dặn Ba Mẹ mặc quần áo thoải mái thôi, Ba mặc quần sọoc cũng được. Vậy mà đến nơi trời cũng nắng nhưng sao vẫn lạnh buốt mỗi lần gió thổi ào qua, thế là mấy cái khăn lớn định mang theo để trải xuống cát ngồi chơi, giờ thành khăn choàng cho cả nhà, tôi thì phải trùm kín từ đầu đền chân và ngồi co ro nấp vô sau một lùm cây để tránh lạnh. Thế mới biết đi biển ở Cali. Biển ở những Tiểu bang khác thì tôi chưa biết có ấm hơn không?.

Mùa Lá Rụng đến, con gái rủ Mẹ đi xem lá vàng ở San Mateo. Những hàng cây đầy lá màu vàng tươi như từng đàn bướm vàng đẹp tuyệt, hòa cùng màu vàng nâu của những cây phong tạo một nét trầm tư thoáng buồn của cảnh vật vào Thu. Đi ngang qua Stanford University, nhìn khuôn viên quá rộng lớn của Trường Đai Học mà “mơ được đi học”. Đi ngang qua con đường có những ngôi biệt thự sang trọng với giá hàng mấy triệu đô la thì lại “mơ được làm … hoàng hậu trong chuyện cổ tích”.

Mùa Đông cả nhà đi Lake Tahoe, cái hồ rộng lớn như con sông nhưng không có sóng, nhìn mặt nước êm đềm bổng thấy lòng mình yên bình trong vòng tay yêu thương của mọi người trong gia đình. Rồi lên Reno chơi tuyết, tuyết rơi trắng xóa ngập tràn hai bên đường, những rặng thông nở đầy hoa tuyết, những đồi núi phủ kín một màu trắng mênh mông. Anh và tôi háo hức lắm, ngắm nhìn và khen mãi những mái nhà treo đầy “thạch nhũ trong veo”. Toàn là những cảnh trước đây chỉ nhìn thấy trên phim ảnh hay trong những tấm thiệp Giáng Sinh. Anh và tôi rất thích thú khi được nắm vào tay cái lạnh nhưng êm ái của tuyết.

Đi chơi gần cũng biết nhiều rồi, đến đi du ngoạn xa hơn một chút. Anh và tôi ngồi xe đò Hoàng 7 tiếng đồng hồ xuống Santa Ana, nhưng không có mệt mà còn cảm ơn ông chủ xe đò Hoàng đã có những chuyến xe hầu như chỉ dành cho người già, ôi thôi gặp người không quen cũng thành quen, trò chuyện râm ran, tha hồ nói tiếng Việt. Đến nơi thăm được mấy người bạn bao nhiêu năm rồi không gặp, tay bắt mặt mừng mà nước mắt thì chực trào. Rồi họ đưa chúng tôi đi tham quan Orange County, ghé chợ Phước Lộc Thọ xem ... vàng và hột xoàn, dạo phố Bolsa ăn chè Hiển Khánh. Thấy Người Việt mình làm ăn cả một khu rộng lớn đông đúc vui ghê và khi được nghe, được nhìn những thành quả của Dân Mình trên Xứ Người mà thấy đầy tự hào.

Qua cùng năm tháng chúng tôi hiểu được ý nghĩa của các ngày Lễ lớn như: Martin Luther King Jr.Day, Memorial Day, Independence Day, Labor Day. Rồi Halloween, Thanksgiving, cả cái ngày Black Friday ngộ nghỉnh nữa chứ. À, còn những ngày nhận được những tấm thiệp đầy tình cảm cùng hoa chúc mừng của con gái nhân dịp Mothers Day hay Fathers Day. Rồi đến Chrismas Day thì bắt chước mọi người gọi Ông Già Noel là Ông Santa Claus cho đỡ bị chê là “không tiến bộ”, chứ thật ra tôi vẫn thích gọi Ông Già phúc hậu đó là Ông Già Noel … Và sang năm mới thì vẫn thích chúc mọi người là Chúc Mừng Năm Mới hơn là Happy New Year … Hay tại mình già rồi, tiếng Anh tiếng Mỹ không rành nên muốn “phân bua” như vậy!.

Năm hết - Tết Tây qua rồi đến Tết Ta … Lần đầu tiên đón Tết Nguyên Đán có Ba Mẹ qua sum vầy, con gái hớn hở chở chúng tôi xuống San Jose ghé Grand Century Mall xem chợ hoa và sắm Tết, cũng đầy đủ bánh mứt rượu trà tôm khô củ kiệu như ở Việt Nam. Về nhà tôi cũng kho thịt với trứng, cũng hầm khổ qua. Hoa đào chưng đầy nhà, nhưng hơi buồn vì không có hoa mai, con gái mua về một bó hoa màu vàng cũng có cành nhiều nụ như hoa mai. Cắm hoa vào chiếc bình lớn, rồi cũng trang trí lủng lẳng mấy chụm pháo nhỏ, mấy dây tiền vàng, mấy tấm thiệp xuân, rồi xịt nước cho nụ hoa nở đúng Mùng Một Tết để lấy hên. Tôi thấy hoa nở có 4 cánh - không biết gọi là bông gì nên đặt đại là Hoa Mai Mỹ, cũng vui và đỡ nhớ Tết Việt Nam. Sáng Mùng Một cả nhà cũng lì xì nhau xong chở đi Chùa Đức Viên lễ Phật, tôi thầm khấn nguyện: “Xin Ơn Trên mang An Lành đến cho mọi người”.

Vì công việc làm ăn, gia đình con gái phải chuyển nhà xuống thành phố Milpitas, đương nhiên là chúng tôi phải đi theo rồi. Đường phố của Fremont chưa kịp thuộc hết, nay lại phải học cái mới từ đầu, cũng hơi rắc rối đây. Mà thời gian nầy tôi ít đi đâu được vì phải ở nhà trông nom thằng cháu ngoại mới sanh được 4 tháng tuổi. Mà làm như vợ chồng con gái canh sẵn hồi nào không biết, Mẹ vừa qua tới là con gái báo tin có thai. Thế là tôi học ESL được có mấy tháng đành “hẹn khi khác” vì phải ở nhà giữ cháu ngoại. Và khi về Milpitas cũng khó có dịp đi đâu để mà học phương hướng đường xá. Thế là chỉ còn mình Anh lang thang mỗi chiều …. qua từng con phố xa lạ.

Khu chúng tôi mới dọn về khá xa trung tâm nên chẳng dễ đi bộ tới Ross, Marshalls, mà nói thật đi vô ngắm cho đỡ buồn chớ có mua gì đâu; cũng hên là ở đây có cái cửa hàng giá cực rẻ Goodwill hơi gần nhà một chút … nhưng phải qua tới 3 cái ngã tư, nhờ vậy có chỗ cho Anh ghé “giải khuây”. Anh hay nói:

- Cho Anh mấy đồng bạc lẻ, Anh đi bộ vòng vòng về ghé Goodwill coi có đồ chơi gì đẹp mua cho cháu ngoại.

Tội nghiệp già rồi qua đây chưa có làm gì ra tiền nên Anh cũng chỉ vui với mấy chuyện nhỏ nhoi đó thôi.

Nhìn Anh đi bộ hoài thấy thương quá, con gái và tôi lén đi Walmart mua tặng Anh chiếc xe đạp làm quà Sinh Nhật bất ngờ, Anh mừng muốn khóc và cảm ơn vợ con rối rít. Ai có cùng hoàn cảnh người già như chúng tôi mới hiểu, không phải các con không lo lắng cho mình đầy đủ như người khác được, nhưng qua đây rồi mới thấy thương con đi làm cực khổ, cái gì mình tự thấy không cần thiết lắm thì ráng cho qua, không đòi hỏi gì, vậy thôi.

Chiều chiều Anh không đi bộ nữa, mà đổi exercise bằng xe đạp. Mỗi ngày trước khi đạp xe thể dục, Anh lạng mấy vòng trước sân nhà cho thằng cháu ngoại coi, thằng bé thấy thích quá vỗ tay cười, Ông Ngoại cũng cười thích chí …

Hai mùa Phượng Tím trôi qua thật nhanh, ở Milpitas không có hoa Phượng Tím, hay tại tôi ít đi đây đó nhiều nên không thấy ai trông loài hoa yêu dấu đó. Lục lọi tìm lại những tấm hình cũ Anh và tôi chụp mấy lần lên Đà Lạt xem Phượng Tím nở mà lâng lâng nghĩ mãi về “sắc hoa màu nhớ” ngày xưa. Mỗi khi có dịp về Fremont tôi lại ngẩn ngơ ngắm những bông hoa tím rụng đầy sân … nhà hàng xóm, rồi lén nhặt vài cái về ép vào quyển vở nhưng không dám cho Anh biết sợ bị nói: “Già rồi mà còn lãng mạn”.

Chúng tôi còn gia đình con trai ở Sài Gòn. Anh lại thấy nhớ thằng cháu nội. Không yên tâm để con gái thuê người giữ thằng cháu ngoại, tôi phải “hy sinh”. Đành thu xếp để Anh về thăm con cháu một mình.

Một tháng xa nhau sao tôi thấy buồn vời vợi vì nhớ Anh. Có lẽ tuổi già làm người ta dễ chạnh lòng. Mà cũng tại ở đây đường phố thì vắng hoe, đi lại thì khó khăn, ngôn ngữ thì không rành, có vợ có chồng vui buồn thủ thỉ vẫn hơn. Anh thì ngày nào gọi điện thoại qua cũng kêu nhớ bên Mỹ, vì “có bà vợ già dễ thương đang ở đó”. Tôi làm bộ cự:

- Anh sao lộn xộn quá, qua Mỹ thì nhớ Việt Nam, về Việt Nam thì nhớ Mỹ.

Nhưng trong lòng mình thấy xót xa. Chạnh nghĩ nếu đất nước mình không ly tan thì đâu có những xa cách nhớ nhung như vầy. Mà chắc người Việt Nam mình sống ở Mỹ ai cũng có… “Hai khung trời kỷ niệm”.

Rồi Anh trở qua Mỹ. Anh có ý định đi làm vì nghĩ mình chưa già lắm mà sao cứ “rong chơi” bắt con cái nuôi, và cũng muốn có chút đỉnh “tiền riêng” để gởi về Việt Nam giúp đỡ bà con bạn bè. Con rể và con gái rất quý trọng yêu thương chúng tôi, nhưng lẽ thường mình nuôi con bao nhiêu không nệ hà, mà để các con nuôi mình thì lại cảm thấy ái ngại. Anh nói:


- Mình qua đây đâu phải để ngồi không hưởng thụ thế nầy?.

Xin hoài chẳng ở đâu nhận cho làm vì hơi lớn tuổi, mà còn không “lành lặn” nữa. Thế là phải suy nghĩ cách khác vậy. Có người bạn ở Sacramento hướng dẫn hồ sơ cho Anh vào học ở Sacramento City College. Vì tay phải bị liệt không viết được nên ở Trường xếp Anh vào diện cần sự hỗ trợ, được ưu tiên nhiều thứ lắm. Văn phòng Trường chọn một bạn giỏi ở lớp trên trợ giúp cho Anh hiểu thêm về bài vở, và liên lạc với các giáo viên khi có việc cần đề nghị cho trường hợp của Anh. Làm bài kiểm tra tại lớp thì Anh được thêm 15 phút vì viết tay trái chậm quá. Không phụ lòng thầy cô giáo ai cũng tận tình, mổi học kỳ gồm 12 unit Anh đều đạt kết quả tốt. Mỗi tháng nhận được Financial Aid, mua sách vở, phụ tiền share phòng và tiền cơm với gia đình người bạn xong còn dư chút ít, nhưng tôi biết Anh phấn khởi lắm, thấy thương làm sao!.

Sau đó vài tháng nhờ một người bạn mới quen khác nhận Anh vào làm ở văn phòng của anh ấy, Anh đi học một tuần 4 ngày và đi làm ở đây 2 ngày, chỉ là ngồi nhập dữ liệu vào máy tính thôi, lương không nhiều nhưng Anh vẫn thấy vui.

Tay phải không làm được, đi học thì viết tay trái, đi làm gõ bàn phím cũng với một tay trái. Dù nét chữ run run khó đọc - Anh vẫn cố gắng miệt mài với sách vở; dù gõ phím không bằng 10 ngón được như người khác - Anh vẫn miệt mài làm tròn nhiệm vụ. Và Anh rất vui vì thấy rằng mình không phải là người tàn phế.

Cảm ơn Nước Mỹ đã cho Anh có được những ngày đi học đi làm thật sự đầy ý nghĩa. Cảm ơn những người bạn mới quen đã tận tình giúp đỡ Anh ở trường học cũng như ở nơi làm việc. Cảm ơn cuộc đời mới ...

Sống ở California 3 năm là một trong những điều kiện để xin được Phiếu Mua Thực Phẩm. Vậy là vợ chồng đi nộp đơn, rồi chờ phỏng vấn. Ngày nhận được Thẻ EBT, Anh và tôi đều khóc. Ba năm nay không có tiền Food Stamps con cái vẫn nuôi mình đầy đủ mà, sao lại khóc? Cũng không hiểu vì sao. Tôi lại nói nhỏ với Anh:

- Anh à, coi như cũng tạm ổn rồi!

Cũng tạm ổn. Nhưng nhìn quanh thấy ở Mỹ không có Cha Mẹ già nào sống chung với con cái hết, sống ở nhà riêng hoặc vào Nursing Home. Biết là con cái có cuộc sống riêng của nó mình phải tôn trọng sự tự do đó chứ, và phải sống cho phù hợp với xã hội bên nầy, nhưng cứ nghĩ đến một ngày “không còn được” sống chung với con cháu tôi lại thấy mắt mình cay cay. Tôi nói với Anh:

- Mai mốt mình cũng phải như họ thôi. Ráng phụ công việc nhà cho vợ chồng con gái và chờ thằng cháu ngoại lớn thêm vài tuổi nữa rồi hãy tính nha Anh.

Mấy năm sống ở Mỹ, Anh bắt đầu biết thương mến từng lề đường tiện ích dành cho người đi bộ, từng góc phố nhỏ trong khu Circle nhà mình, từng gốc thông già trong công viên, cả khu trò chơi cho trẻ con ở Hall Memorial Park mà Anh hay dẫn thằng cháu ngoại đến chơi mê mải chẳng chịu về. Biết nhớ nhớ từng dãy Apartment giống nhau, từng khu nhà Condominium hay từng khu Housing nhìn cái nào cũng từa tựa, đi vô tìm người quen mà không chú ý là có thể vào lộn nhà. Thấy thương thương từng căn nhà House hoa cỏ mọc xinh xắn mà mỗi khi đi ngang Anh thường đứng lại ngắm nghía rồi mơ ước “vu vơ”. Và đã thấy có rất nhiều kỷ niệm để có thể kể về Nước Mỹ - một Quê Hương thứ hai.

Một hôm Anh thì thầm:

- Anh đi làm rồi, mình có Food Stamps nữa, có thể “ra riêng” được rồi đó Em.

Nói là làm, Anh nhờ người quen hướng dẫn nôp hồ sơ xin Housing cho hai vợ chồng. Tôi nghĩ và hơi yên bụng là Housing có khi chờ mấy năm mới được xét duyệt, như vậy lúc đó thằng cháu ngoại đủ lớn để con gái tôi đỡ vất vả rồi. Và tôi biết Anh đang vạch một hướng đi mới, sáu mươi tuổi rồi lại hy vọng cho một tương lai.

Mà tương lai lại là chuyện ở phía trước ...

Cuộc đời ai biết trước chữ ngờ … Cái tương lai mới hé chút niềm tin và hy vọng đó không đến được với hai chúng tôi.

Cơn tai biến mạch máu của 10 năm trước, nay trở lại đột ngột và mang Anh đi vĩnh viễn. Tôi như chết lặng theo Anh. Trời Già ơi, có quá cay nghiệt lắm không?… Chỉ một thoáng thôi mà Anh không còn cười nói với tôi và con cháu được nữa rồi. Sau 2 ngày hôn mê trong bệnh viện, dù được các Bác sĩ và Y tá tận tình để dành lại sự sống cho Anh, nhưng cũng đành chấp nhận sự thật đau đớn… Con gái òa khóc trong tay chồng:

- Nước Mỹ tân tiến đến vậy sao không cứu được Ba mình?.

Anh ơi !!! - Ba ơi !!! - Ông Nội ơi !!! - Ông Ngoại ơi !!!. Những tiếng kêu xé lòng trong tận cùng của sự thương tiếc vô bờ.

Nước mắt tôi rơi theo từng nhịp đập con tim.

Khóc cho số phần Anh. Có những điều Anh mong ước chưa thực hiện được. Tôi và các con chưa lo gì được cho Anh trọn vẹn. Có những lỗi lầm nhỏ nhặt trong cuộc sống dù vô tình nhưng đôi khi có thể làm Anh buồn, mà tôi và các con chưa kịp xin lỗi Anh. Có những việc Anh cần giúp ngay, thì tôi cứ nghĩ để từ từ làm cho Anh sau cũng được không gấp lắm. Vậy mà …

Khóc cho thân phận tôi. Đến tuổi nầy mới là lúc cần có nhau nhất, cần chia sẻ đắng cay, cần những khi vui buồn, cần chăm sóc những khi đau ốm. Sống với con đâu phải cái gì cũng nói được với con, chỉ có vợ chồng già hủ hỉ với nhau thôi. Vậy mà …

Con trai rớt phỏng vấn khi xin qua Mỹ dự Tang Lễ Cha, ngày phát tang cho con cháu ở Sài Gòn, con chít vành khăn trắng lên đầu mà khóc ngất … Con không ngờ cái vẫy tay tiễn Ba trở lại Mỹ ở phi trường Tân Sơn Nhất năm ngoái lại là cái vẫy tay vĩnh biệt. Hôm đó thấy tóc Ba bạc nhiều hơn, con định ôm hôn Ba nhưng vì đông người đưa đón chộn rộn nên con chưa làm được, con nghĩ thầm thôi đễ lần sau. Cái lần sau đó không bao giờ đến …

Hôm khâm liệm Anh đúng vào Kỷ Niệm 37 năm Ngày Cưới của chúng tôi. Tôi gục xuống hôn Anh từ đầu đến chân: “Cho Em ôm Anh thật chặt lần cuối, bao năm mặn nồng bây giờ lìa xa, có còn lần nào nữa được nằm trong vòng tay ấm áp của nhau nữa hở Anh?”.

Ngày nhận hủ tro cốt của Anh, trên đường từ Nhà Quàn Chapel Of The Chimes - Hayward về Fremont Niệm Phật Đường, tôi chợt thẫn thờ khi nhìn thấy hoa Tím nở … Ôi, lại một Mùa Phượng Tím!

Không ngăn nỗi tiếng nấc, tôi khóc nức nở. Nhớ Anh vô cùng!!!.

Bây giờ mất Anh, màu tím đọng đầy nước mắt:

“Anh vĩnh viễn rời xa gia đình trong một Mùa Phượng Tím,
Nơi Xứ Người sắc Phượng đượm buồn hơn! … “

Về căn nhà vắng lạnh, bước vào căn phòng đầy bóng dáng Anh, tôi lại khóc …

Sau hơn 30 năm gian nan với mười mấy lần vượt biên không thành và còn bị bắt đi tù 3 năm ở Bến Tre, cuối cùng đành chờ con gái bảo lãnh. Anh hay nói vui:

- Số Anh không có đi ghe mà đi máy bay.

Nghe Anh qua tới được đất nước mà Anh hằng ước nguyện, bà con bạn bè ai cũng mừng. Thế mà mới 3 năm thôi, chưa kịp làm được gì ở cái chốn Thiên Đường nầy, chưa đủ thời gian để vợ chồng lo cho nhau, vì mấy năm đầu nầy chỉ toàn lo học đủ điều mới lạ cần thiết cho sự hội nhập cuộc sống mới, lúc nào cũng lật đật lu bu. Đến cái password máy laptop hay cái điện thoại cầm tay của Anh tôi còn chưa kịp hỏi cách mở, lúc nào cũng nghĩ mình còn sống với nhau cả đời mà, từ từ hỏi cũng được. Giờ tôi mới hiểu sâu xa hơn cái ý nghĩa của hai chữ “cả đời”.

Những buổi chiều lang thang một mình trên lề đường ngày xưa Anh hay đi tập thể dục, lại nhớ Anh rồi khóc. Khóc vì giận cho mình, bởi bao nhiêu lần Anh rủ cùng Anh đi vòng vòng vừa exercise vừa ngắm cảnh, thế mà tôi cũng lại hay hẹn:

- Thôi để hôm khác nha Anh.

Giờ thì chẳng còn cái hôm khác nào nữa đâu.

Nhiều lần đi ngang qua căn Housing thấy vợ chồng người Mỹ già lụm khụm chăm sóc cho nhau, sao nước mắt tôi lại trào, sống với nhau đến như vậy mới là hạnh phúc. Tôi không có cái diễm phúc được đi cùng Anh cho đến trăm năm, sống với nhau đến răng long đầu bạc, để còn được chăm lo cho Anh lâu dài hơn, chu đáo hơn, để nói với Anh những lời chưa có dịp nói dù đã sống với nhau mấy mươi năm: “Cảm ơn Anh đã cho Em được làm vợ Anh”. Giờ mới là hối tiếc.

Tôi vẫn chưa tin là Anh đã xa tôi nghìn trùng, làm sao diễn tả hết những nỗi nhớ nhung của tôi về Anh, nhớ giọng nói trầm ấm, nhớ từng làn hơi thở... Mỗi lần có ai nhắc đến Anh, hay xem những bức ảnh Anh và tôi chụp chung, hoặc được nghe lại tiếng cười nói thân thương của Anh trong mấy đoạn video quay những dịp đi chơi, vợ chồng con cháu vui đùa bên nhau, có ai biết tim tôi như ngừng đập … Bốn mươi năm thương lắm chỉ mình Anh!.

Chợt nghe câu hát trong nhạc phẩm Tình Khúc Buồn của Ngô Thụy Miên: “… Ôi sao người miệt mài? … ngày vui nào còn dài! …”. Biết là lời thơ ý nhạc hay những câu ngạn ngữ sẽ được mỗi chúng ta hiểu và cảm nhận tùy theo hoàn cảnh - thời điểm - tâm trạng; sao khi nghe hai chữ “miệt mài”, tôi lại khóc thương cho Anh… Đâu có ai biết mình sẽ chết vào ngày nào để mà “tính” được ngày vui còn dài hay ngắn, để mà chỉ dành thời gian cuối cùng đó vui chơi tận hưởng cái duyên phước được là một con người, được sống trên cõi đời tươi đẹp nầy.

Đến ngày cuối cùng Anh vẫn miệt mài đi học… miệt mài đi làm… hoàn cảnh nào Anh cũng luôn lạc quan để tìm mọi hướng vươn lên.

Nhớ hôm chọn ảnh của Anh để phóng to làm ảnh thờ, các con hỏi:

- Sao Mẹ không lấy hình Ba chụp gắn thẻ mà thờ cho thấy trang nghiêm hơn?

Tôi nói:

- Mẹ muốn chọn hình Ba cười thật tươi, Mẹ yêu Ba nhờ cái răng khểnh và tánh tình hiền hòa phúc hậu, luôn thương yêu lo lắng cho vợ con.

Các con đâu biết ý tôi là lúc nào cũng muốn thấy Anh cười để biết rằng Anh rất Hạnh Phúc khi được sống cùng vợ con trên đất Mỹ - dù chỉ 3 năm ngắn ngủi. Và chắc chắn rằng Anh đã được thỏa nguyện với cái khao khát đi Mỹ để được sống và làm viêc trên một đất nước thanh bình.

Ôm bức ảnh Anh trong tay … hôn Anh - nhưng chỉ chạm được vào tấm kiếng của khung hình lạnh giá:

- Tu bao nhiêu kiếp nữa mới được trở lại làm người? Nếu có kiếp sau xin cho chúng ta được trùng phùng. Kiếp này phần Anh đã yên. Còn phần Em…

Không còn Cha, các con tôi không thể mất luôn Mẹ. Tôi tự nhủ mình phải cứng rắn lên để các con làm điểm tựa. Cuộc đời vẫn còn quá nhiều lo toan…

Vợ chồng con gái hơn mười năm dời đổi không biết mấy cái apartment, nay mới ổn định để dám tính đến chuyện mua nhà, và tiền nợ này còn phải trả đến 30 năm nữa. Rồi đủ thứ tiền phải thanh toán trên một đống bill hàng tháng; công việc làm thì lúc nào cũng lo sợ bị layoff nên không dám bê trể sao lãng ngày nào. Con gái mới sinh thêm đứa con thứ hai, việc nuôi dạy những đứa trẻ từ lúc mới sinh đến khi khôn lớn nên người ở Nước Mỹ là còn phải tốn biết bao nhiều công sức tiền bạc nữa, v.v. và v.v. …

Với tôi bây giờ việc trước nhất phải làm sao học thuộc phương hướng và đường xá nơi nhà mới. Milpitas còn chưa rành đường đi chợ, giờ chuyển đến San Ramon, thêm một thành phố nữa của California mà tôi phải tập làm quen và yêu thương lấy nó.

Cả hai điều quan trọng nhất cần cho sự hội nhập của những người mới đến Mỹ là tự lái xe và nói Tiếng Mỹ tôi đều dở quá chưa làm được. Đôi khi tôi cũng mặc cảm không dám gặp bạn bè cũ vì nghĩ mình thua kém đủ thứ, nhìn thấy ai cũng quá giỏi giang, học hành làm ăn đều thành đạt, người bác sĩ, người luật sư, người làm chủ hãng nầy nọ …Họ là những người Việt Nam đã sống, làm việc và đóng góp nhiều công sức trên cái Quê Hương Thứ Hai nầy mấy chục năm rồi, họ xứng đáng được hưởng mọi điều tốt đẹp mà Nước Mỹ dành cho họ.

Người ta giỏi thì người ta “xông pha tuyến đầu”, mình dở thì đành “ở lại tuyến sau”. Thôi thì chỉ xin được làm cái hậu phương vững chắc cho con cháu yên tâm học hành, làm việc thật tốt. Cầu mong cho gia đình các con luôn vui khỏe là mừng lắm rồi.

Tôi không được may mắn đến Mỹ lúc còn trẻ để được học hành làm việc, để được góp phần vun đắp mảnh đất lành này. Qua được tới đây lúc tuổi đã già, chuyện đến trường ở Mỹ không giới hạn tuổi nên tôi để đó tính sau. Bây giờ việc tôi phải làm hàng ngày là sáng ra dẫn thằng cháu ngoại đến trường, rồi trở về làm “y tá” tắm và chăm sóc cho “baby girl của Ngoại”, xong lo nấu cơm với món thịt kho tiêu cho “bà đẻ”; dọn dẹp lặt vặt khác xong xuôi thì đã tới giờ đón thằng cháu ngoại về, và bắt đầu lui cui nấu bữa cơm chiều cho cả nhà.

Để có thêm thu nhập trả tiền nợ mua nhà hàng tháng, con rể tôi phải làm thêm một job nữa. Sáng sớm đi làm ở công ty, chiều tối về lo việc bán hàng điện tử trên mạng Ebay tại nhà. Cũng tất bật cơ cực. Nhờ đó Bà Ngoại có thêm “nghề thứ hai”, lại cũng chỉ ở “tuyến sau” là phụ con rể shipping hàng cho khách mỗi tối. Trước nay cái máy vi tính chỉ biết để mail, chat hay coi phim bộ Hàn Quốc; nay tôi còn biết làm label để dán lên hộp hàng gởi cho người mua, biết làm invoice cho khách, làm receipt để sau nầy tính thuế. Và cũng nhờ đó tôi “học” được trong cái laptop còn có motherboard, hard drive, CPU, video card, LCD cable…, và còn nhiều thứ khác nữa mà tôi còn phải học từ từ mới biết rành được. Cả chuyện sẽ tự học tiếng Mỹ và sẽ bình tĩnh để tập lái xe lại.

Và vì đây là business nên job nầy bà Ngoại có lương đàng hoàng, lần đầu cầm được đồng tiền làm ra trên Quê Mỹ mà tôi khóc, nếu còn sống chắc Anh sẽ vui lắm vì thấy tôi cũng được “đi học đi làm” … dù chỉ là học và làm tại nhà.

Không có Anh, chắc các con sẽ không cho tôi “ra riêng” nữa rồi, căn hộ Housing đành xếp lại tờ đơn. Không phải các con thấy mình còn khỏe mạnh, còn “nhờ” được nên không cho đi, mà tại … nước mắt luôn chảy xuôi mà. Sau trách nhiệm làm Cha Mẹ, đến trách nhiệm làm Ông Bà. Cũng thiết nghĩ nếu không có những người già “ở hậu phương” như tôi và nhiều Bà Nội Bà Ngoại khác thì Nước Mỹ sẽ mất biết bao nhiêu là “nữ nhân tài”, vì họ đành phải bỏ hết công lao học hành cùng chi phí đào tạo của gia đình và nhà trường để mà ở nhà … nuôi con, lo cho gia đình.

Có lần Anh đã hứa với tôi: “Nếu sau nầy xin được Housing rồi, Anh sẽ trồng hai cây Phượng Tím trước căn hộ của mình để Em khỏi ngắm ké hoa tím rụng đầy sân nhà hàng xóm”. Giờ không có Housing, tôi sẽ trồng Phượng Tím ở backyard nhà vợ chồng con gái, để lỡ sau nầy lớn tuổi hơn nữa “sanh tật hay hờn mát” với con cháu thì ra dựa vào gốc Phượng, tưởng tượng như đang tựa lưng Anh mà “kể lể”…

Niềm vui của tôi hiện nay là mấy đứa cháu. Cứ nghe cháu nội gọi:

- Con thương Nội, Nội về chơi với con đi.

Rồi cháu ngoại nũng nịu:

- Con nhớ Ngoại lắm, Ngoại qua với con lẹ lên nha Ngoại.

Ai đã có cháu nội cháu ngoại sẽ hiểu tại sao nghe vậy là tôi lại mềm lòng …

Cuộc đời của Anh và tôi lận đận nổi trôi theo vận mệnh của Quê Hương Thứ Nhất. Cuộc đời con cháu chúng tôi trên Quê Hương Thứ Hai phải tươi đẹp hơn vì Nước Mỹ luôn cho phép mọi người vươn lên bằng khả năng và ý chí.

Cây hoa tím sau nhà chắc nhiều năm nữa mới có bông, không về Đà Lạt được, cũng chưa có dịp trở lại Fremont ngắm hoa nở. Tôi đặt lên bàn thờ Anh mấy cánh Phượng Tím khô đã lén nhặt của nhà hàng xóm về ép trong quyển vở năm nào:

- Anh à, mỗi khi nghe ai nói có vẻ mỉa mai là mấy người già qua đây đâu có ích gì cho Nước Mỹ, chỉ tốn tiền già và tiền chữa bệnh cho họ. Em lại thấy buồn!

Tôi thường lên Chùa Lễ Phật và tụng Kinh hồi hướng cho Anh. Hy vọng Cõi An Bình đó mới là Thiên Đường thật sự!.

ĐỒNG TÂM

Ý kiến bạn đọc
20/06/201321:32:19
Khách
Kinh' cô Đồng Tâm ,
Cam' on co đa~ chia xe~ cau chuyen ve` tinh` yeu cam? đông Cô la` nhan chung' cho tinh` yeu & long` chung thuy?sat son, mot đoi` yeu thuong chong`con .
Kinh chuc' cô luon binh`an & nhieu`niem vui ben con chau'
KH
PS: Cau van ke'chot ,rat tiec' ko lien quan đen' noi dung & cau chuyen cua? bai`. Kinh'
20/06/201321:21:54
Khách
Bài viết rất cảm động chan chứa tình với quê hương thứ hai. Tác giả đã rất thành thật tri ân quê huơng mới với một tấm lòng thật vô cùng quí báu. Chúc cô luôn vui mạnh va hạnh phúc với gia đình con gái.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,219,680
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến