Hôm nay,  

Chuyện Hậu 30-4-75: Nỗi Đau Còn Đó

09/05/201300:00:00(Xem: 146774)

Bài số 3889-13-29289vb5050913

Tác giả, tự giới thiệu là “người viết mới toanh” vì chưa từng viết bài gởi cho báo nào, cả ở VN lẫn Mỹ. Sơ lược tiểu sử: Từ 1971, từng học Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Qua Mỹ năm 2009. Hiện ngụ tại Milpitas, San Jose, California. Bài viết về nước Mỹ thứ ba của Đồng Tâm là chuyện một gia đình miền Nam với những di chứng từ 30 Tháng Tư năm xưa. 

***

Bom nguyên tử ném xuống Hiroshima ngày 6/8/1945, đó là những ký ức khủng khiếp không bao giờ phai mờ trong tim óc người dân Nhật Bản. Biến cố 30/4/1975 cũng vậy, nó cũng như một trái bom nguyên tử đã dội xuống bao nhiêu gia đình người Miền Nam Việt Nam, cũng có tang thương mất mát ngay lúc nó ập đến, cũng có những di chứng dai dẳng kéo dài đến mấy mươi năm rồi và sẽ còn mãi đó.
Có một gia đình tại miền Nam Việt Nam:

1. Anh Hai
Còn có một ngày nữa thôi là chấm dứt chiến tranh. Thế mà sáng 29/4/75, pháo kích vẫn còn rơi vào ngay vào cái tiền đồn heo hút tận cùng của Huyện Cai Lậy, Tỉnh Định Tường. Anh Hai bị mảnh đạn găm vào bụng, bị thương không nặng lắm, nhưng vì lúc đó tình hình đã bắt đầu rối loạn cuống cuồng, lính tráng thì tự ai lo thân người đó, lo chạy tứ tán tìm mọi cách làm sao về được tới nhà. Xe cứu thương ngoài bệnh viện tỉnh không vào được vì đang tất bất với quá nhiều ca cấp cứu, mà xe cộ của trại lính và người dân trong Huyện lúc đó không biết sao không còn tìm được chiếc nào, có lẽ mọi người đã lấy để làm phượng tiện mà tháo chạy. Vì cứ nghĩ bị thương nhẹ chắc không sao, nhưng đến chiếu tối nhờ một người bạn lính tốt bụng còn ở lại tìm được xe chở anh ra đến bệnh viện tỉnh thì … anh tắt thở vì mất quá nhiều máu. Một cái chết oan uổng.
Cái chết của anh kéo theo một hệ lụy thật đau khổ. Chị Hai và năm thằng con trai còn quá nhỏ mất phương hướng như rắn mất đầu. Thế mà một tháng sau khi anh Hai mất, chị Hai mới biết mình cấn thai đứa con thứ sáu và khi sanh cháu ra thì đúng như anh hằng ao ước: Một đứa con gái thật xinh xắn. Nhưng nó là đứa con gái bất hạnh vì không còn được gọi tiếng Ba trong suốt cuộc đời.
Ngày 30/4/75, khi Sài gon sụp đổ, chưa ai biết rồi việc gì sẽ đến nữa, gia đình chị Hai thì chẳng còn tâm trí đâu mà hòa vào dòng suy nghĩ của mọi người, vì còn phải lo đám tang cho anh Hai. Nhìn mấy vành khăn trắng trên đầu chị Hai và đám con nheo nhóc ai cũng thấy cái thành phố Mỹ Tho lúc đó buồn hiu hắt.
Rồi chị Hai mua gánh bán bưng vất vả để nuôi sáu đứa con, hai đứa lớn phụ Mẹ bán bánh mì, đứa nhỏ trông coi đứa nhỏ hơn. Rồi ở Mỹ Tho không cầm cự nổi vì gia đình chồng lúc đó cũng nghèo không giúp được gì nhiều, chị dẫn các con về lại với Cha Mẹ ruột trên Thủ Đức, sống nhờ vào việc mua bán hàng xén và mảnh ruộng nhỏ của Cha Mẹ chia cho chị và các cháu. Nhưng con đông thì làm cách nào cũng không thoát nổi hai chữ gian khó, chị Hai có lúc tưởng chừng như quỵ ngã, nhìn các con mà nước mắt chảy dài, phải cố gắng đứng lên đi tiếp thôi.
Mấy đứa con ngày một lớn, sắp nhờ cậy được thì cũng là lúc chị Hai không còn sức lực để mà mỉm cười. Chị Hai mất sau hai mươi năm gồng gánh đàn con, khi tuổi đời vừa mới năm mươi.
Cái “di chứng” ở đây rơi vào đứa con gái út, vì không có Ba dạy dỗ uốn nắn, Mẹ thì muốn bù đắp nên nuông chìu, vả lại chị suốt ngày còng lưng với trăm công ngàn việc đâu còn thời gian dành cho nó. Đến khi không còn Mẹ, mấy thằng anh trai không dạy nổi; rồi nó bỏ học, viện cớ buồn nên cặp bè cặp bạn rong chơi lêu lổng, thế là hư hỏng… trong trăm ngàn cái hư của thanh thiếu niên mới lớn, cái đáng lẽ phải vướng vào đàn ông con trai kìa, đằng nầy lại nhằm nó mà bám vào: Cờ bạc. Khuyên bảo, dọa nạt đủ cách không được, bà con họ hàng cùng mấy thằng anh đành bỏ mặc, và nó trượt dài không cách nào để gỡ ra, để chữa trị. Chắc chỉ chờ đến “phép màu”! Nó như những người bị nhiễm phóng xạ của bom nguyên tử ở Nhật.

2. Chị Ba
Cũng sáng ngày 29/4/75, chồng chị Ba không chen chân nổi lên mấy chiếc tàu Hải Quân để rời Sài Gòn như bao người bạn cùng đơn vị. Anh Ba bị kẹt ở lại, rồi như bao nhiêu ngàn sĩ quan VNCH khác phải tập trung đi “học tập cải tạo.” Chị Ba cũng như bao nhiêu ngàn người vợ khác có chồng đi tù, ở nhà phải tự bương chải nuôi ba đứa con, đứa lớn ba tuổi, đứa nhỏ mới sanh; và dành dụm tiền để hàng tháng “tiếp tế” cho chồng. Học tập về anh Ba luôn tìm cơ hội để rời khỏi nơi mà sự tự do đúng nghĩa đã không còn.
Năm 1979 anh chị cùng ba cháu nhỏ vượt biên, may mắn cả chiếc ghe vào được đảo Pulau Bidong an toàn. Cả nhà anh chị Ba chọn đến “thiên đường” nhiều người mơ ước. Qua Mỹ ở nhằm vùng Denver - Colorado lúc đó rất ít người Việt Nam, vợ chồng chị Ba bắt đầu làm đủ thứ nghề để nuôi con và cũng đăng ký học college với hy vọng lên đại học chọn một ngành nghề nào đó cho tương lai mới. Nhưng con cái thì nay đau mai ốm, rồi trường lớp cũng đành xa dần nhường bước cho những cuộc mưu sinh đầy bon chen lận đận, việc làm thì không layoff cũng dẹp tiệm. Mấy mươi năm sống ở Mỹ mà vẫn không có được một căn nhà.
À, mà cũng đã có thời mua được nhà nhưng vì đồng lương không ổn định, bung ra hùn hạp với bạn bè buôn bán thì thất bại, cuối cùng không góp nổi tiền nhà nữa, đành để mất nhà, vậy là đến nay vẫn còn ở nhà thuê. Ngặt nỗi tánh tình anh Ba cũng “bị bệnh sĩ” nên không muốn nhờ sự giúp đỡ từ nhà vợ. Chị Ba đành nghe chồng mà im lặng không dám than vãn với ai một tiếng nào.
Với gia đình chị Ba cái “di chứng” nhằm vào thằng con trai lớn của chị. Bù đầu với cơm áo gạo tiền anh chị không để tâm tìm hiểu xem nó chơi với bạn bè thế nào, ở Mỹ mà con cái buông ra là khó lường được chuyện gì sẽ đến với nó, đến khi hay được thì thằng con đã vướng vào … nghiện ngập. Đưa con đi cai nghiện mà lòng chị xót xa tự trách mình: Cái hối hận nhất trong cuộc đời chị là đây! Vì cai thuốc thì tạm ổn, nhưng không hiểu sao thằng con không lấy lại được sự thông minh lanh lẹ của một thanh niên như ngày trước, mà từ ấy đến nay lại sống ngờ nghệch như một đứa trẻ lên năm, không lớn được nữa?
Đau thương nầy không cách nào nguôi ngoai.

3. Anh Tư
Ngay “ngày Hòa Bình” 30/4/75, có đôi trai gái ôm nhau… khóc, không phải vì mừng mà vì hận: “Bỗng dưng mình thành việt cộng hết vậy sao?”
Bao nhiêu mộng ước cho hai luật sư tương lai bỗng chốc tan tành theo mây khói. Rồi sẽ ra sao với bao nhiêu cái lo, ở lứa tuổi hai mươi đó còn mông lung lắm với thăng trầm của vận nước nổi trôi, đành thôi thì ai sao mình vậy cho yên được ngày nào hay ngày đó.
Nhưng đâu có được yên, những thông tin về chánh sách mới của chế độ mới cứ như một nỗi ám ảnh đè nặng lên những người dân đã sống trong chế độ cũ, nào là con trai từ 18 tuổi trở lên sẽ bị đưa đi “tẩy não”, con gái thì ai để móng tay dài sẽ bị “rút móng”, hoặc mỗi người con gái chưa có chồng sẽ bị bắt lấy một bộ đội thương binh đùi què sứt mẻ gì đó. Ôi thôi đầy lo sợ, ngày đêm ăn ngủ không yên, nhà nào có con trai thì cho gia nhập vô thanh niên xung kích làm việc không công cho nhà nước; con gái thì phải bỏ hết những quần tây áo dài ngày trước, rồi thay vào đó là phải mặc chiếc quần đen với cái áo bà ba vải tám cùng chiếc nón lá ngày ngày vô tập cày cuốc trong những vùng kinh tế mới.
Sau “Ngày Giải Phóng” Đại Học Luật Khoa Sài Gòn đóng cửa, vì Cộng Sản chắc không cần luật lệ. Anh Tư xin được việc làm ở Sài Gòn nhờ người quen bên họ ngoại ngày xưa đi tập kết, nay về làm quan chức trong một ngân hàng lớn. Anh đi làm mà lòng dạ đâu có yên, lúc nào cũng nơm nớp lo cho người yêu còn ở dưới tỉnh. Thế là về năn nỉ Ba Má trầu cau đi cưới vợ, cho cô bạn gái chung Trường Luật ngày xưa khỏi bị bắt gả cho thương binh.
Rồi cũng cho Ba Má được hai đứa cháu nội dễ thương.
Năm 1979, thư từ của thân nhân bạn bè ở Mỹ gởi về Việt Nam đã được len lén chuyền tay nhau đọc, anh Tư bắt đầu bàn với chị Tư chuyện để anh ra Phan Thiết “chôn dầu vượt biển”. Tim chị như thắt lại khi nghĩ vợ chồng con cái đang xum vầy nay chia cách lìa xa, chị buồn lắm nhưng cũng đành để anh đi ... “vì tương lai của chúng mình mà!”
Cái tương lai đến sau 4 lần anh vượt biển hụt, rồi lần thứ 5 cũng thành công nhưng lại bằng đường bộ qua Campuchia để vượt biên giới sang Thái Lan. Và 6 năm nữa chờ anh nhập quốc tịch để bảo lãnh vợ con. Từ 1975 đến 1985, mười năm trôi qua như một giấc ngủ dài đầy ác mộng.
Gia đình anh Tư có cái may mắn hơn gia đình chị Ba là đến Mỹ được sống ở San Jose - Bắc California, có nhiều đồng hương và bạn bè giúp đỡ những ngày đầu còn bỡ ngỡ nơi Xứ Người. Chuyện làm ăn thuận lợi anh chị mở được cửa hàng mua bán xe hơi - cũ có mới có, nhà cửa tiền bạc đầy đủ, con cái học hành tới nơi tới chốn, rồi dâu rể cháu nội cháu ngoại ngoan hiền, hạnh phúc ai nhìn vào cũng thấy ít nhiều ganh tỵ.


Sống trong sung sướng chị Tư nhiều khi nghĩ lại những ngày còn sống dưới chế độ Cộng Sản mà quặn thắt thương cho nhiều bà con bạn bè còn kẹt lại ở quê nhà. Một hôm đi khám bệnh, nhìn cái bệnh viện ở đây lớn đẹp hơn cái khách sạn 5 sao, chị Tư nhớ đến cái khốn khổ của những bệnh nhân trong các bệnh viện ở Việt Nam. Chợt nhớ cái ước mơ “tày trời” của chị thời còn ở trong nước khi đưa các con đi khám bệnh ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 Sài Gòn: “Cầu mong cho các bệnh viện không có bệnh nhân, các nhà thuốc tây không bán được gì, và các y bác sĩ luôn được rảnh rỗi chăm sóc cây cảnh để bệnh viện trở thành nơi tham quan giải trí. Các công ty dược phẩm ế ẩm nên chỉ còn nghiên cứu sản xuất mỹ phẩm làm đẹp thôi!” Mà trời cao quá đâu có nghe chị ước gì!
Cái rạn nứt của những gia đình nghèo thì vì tiền là dĩ nhiên rồi, đằng này giàu có như gia đình anh chị Tư cũng tan vỡ vì tiền. Qua những lần buôn bán xe qua lại với mấy đại lý ở Sài Gòn, anh Tư quen và sống như vợ chồng với một thiếu phụ ở Chợ Lớn, ngặt nỗi cô ta… nhỏ hơn các con của anh chị đến 10 tuổi và đã có một con riêng 8 tuổi. Có cách xa cả đại dương thì chị Tư và các con anh rồi cũng biết.
Giận quá chị Tư không biết phải làm sao, các con thì làm dữ vì nghĩ bấy lâu nay công việc làm ăn của gia đình bị trì trệ nhiều chắc tại Ba chúng đem tiền bạc về Việt Nam “nuôi gái”. Lời qua tiếng lại chồng vợ cha con giận nhau, vợ không nhìn chồng, con không nhìn cha. Cho dù anh Tư có phân bua thanh minh xin lỗi chị Tư thế nào thì cũng không thể hàn gắn. Không có sự thông cảm nào dành cho anh. Bất giác anh cảm thấy căn nhà này đã không còn chỗ cho mình.
Tan nát hết. Anh Tư về Việt Nam ở luôn. Có người nói như vậy anh sướng quá còn gì, nhưng cũng có người cho là anh ngu dại…
“Di chứng” lan tới đứa con nhỏ mới 1 tuổi của anh Tư và cô vợ trẻ ở Chợ Lớn. Trẻ con không có tội! Nó chưa hiểu được những câu nói vô tình của người lạ, “Cháu ngoại giống ông ngoại ghê!” Những lúc như thế anh Tư cũng chỉ biết im lặng thở dài.

4. Bé Năm
Ngày 30/4/75 “bé Năm” mới tròn 18 tuổi, vừa thi xong Tú Tài chưa kịp thực hiện cái ước mơ được lên Sài Gòn vào đại học, thì đã sụp đổ hết. Rồi để tránh phiền phức cho gia đình, bé Năm đành theo dòng thanh niên thời đó gia nhập vào thanh niên xung phong để sắp xếp lại thành phố sau những ngày rối loạn; nhưng không được bao lâu phải xin ra khỏi đoàn thể nầy, vì đi làm mà không có lương lấy đâu tiền bạc để nuôi thân và phụ giúp gia đình trong những ngày tháng khó khăn đó.
Bé Năm sau đó phải phụ Má đi bán từng thùng tương hột về tận mấy chợ huyện xã heo hút ở tỉnh Tiền Giang, kiếm mấy đồng lời ít ỏi để đổi gạo rẻ đem về nuôi cả nhà.
Hơn bảy năm sau, thương cảm người con trai hiếu thảo, cô thợ may cùng xóm đồng ý sánh duyên về làm vợ bé Năm. Hai vợ chồng cố gắng may ngày may đêm dành dụm tiền để lợp lại cái mái nhà dột nát của Ba Má bao năm qua mỗi lần mưa phải lấy thau chậu hứng đủ chỗ. Cuộc sống vẫn còn quá khó khăn, làm hoài cũng không đủ lo cho hai bên gia đình, hai vợ chồng vì chữ hiếu đành hoãn lại chưa dám có con.
Rồi một ngày bên gia đình vợ bé Năm cho biết có người quen “sắm” ghe đi vượt biên, họ đồng ý cho cả hai vợ chồng bé Năm đi theo, khi nào qua được Mỹ đi làm có tiền “trả công” lại cho họ. Thế là hai vợ chồng bé Năm âm thầm rơi quê hương vào một tối tháng 6/1987.
Cả chiếc ghe đưa 28 người đi ra biển không một tin tức phản hồi, cả mười mấy gia đình mỏi mắt chờ mong. Trông ngóng 1 năm, 2 năm, 3 năm … 20 năm …rồi mãi cho đến hôm nay.
Sự ra đi của vợ chồng bé Năm đã mấy chục năm rồi nhưng bên nhà bé Năm thì không ai chấp nhận chuyện chết chóc xảy ra, mà vẫn cứ tin có một ngày hai vợ chồng còn sống sót từ một hoang đảo nào đó sẽ cùng các con về thăm nhà Nội lẫn nhà Ngoại.
“Di chứng” phủ xuống tâm tư của Má vợ bé Năm, từ ngày không có tin vui trở về thì Bà đã không còn nhớ tên đứa con nào còn đang sống chung với Bà nữa rồi, mà chỉ nhớ tên 3 đứa con ruột cùng 1 thằng con rể đã mất tích - chắc đã làm mồi cho cá ở đại dương, từ cái đêm mưa gió tháng Sáu năm xưa.

5. Bé Út
Má nói “mót” thêm Út gái để lo cho Ba Má lúc tuổi già, chứ chị Ba gả cho người ta đi xa rồi còn đâu, ba thằng con trai kia thì chắc chắn chỉ lo cho vợ nó thôi.
Ngày 30/4/75 bé Út mới 5 tuổi, Út chỉ biết ăn biết học thôi chứ chẳng có gì phải lo. Theo ngày tháng hấp thụ nền giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa, Út cũng được làm cháu ngoan bác Hồ, lên Trung học cũng được vô Đoàn Thanh Niên Cộng sản, rồi lên Sài Gòn học Đại học chút xíu nữa là Út được kết nạp làm Đảng viên Cộng Sản nếu không có cái lý lịch xấu là có anh chị sống ở Mỹ. Nhưng mà nghe Út nói, “Út đã thực hiện được ước mơ học đại học dùm anh Năm”, thấy tội nghiệp.
Học xong 4 năm, ra trường, Út cũng như nhiều bạn trẻ khác thích ở lại Sài Gòn hơn trở về que. Út xin vào làm kế toán cho một công ty lớn, gia đình nhờ Út làm lương cũng khá nên lo cho Ba Má tương đối đầy đủ. Vì bận rộn với nhiều nhiệm vụ được giao và còn phải học thêm Cao học, Út ít về quê, xa nhau mà một tháng chỉ còn gặp có một hai lần làm tình cảm giữa Út và người con trai ở chợ Vòng Nhỏ Mỹ Tho phai lạt dần, rồi chia tay. Út mải mê công việc và sự thăng tiến chức vụ liên tiếp, lên Kế toán trưởng, rồi lên Giám đốc tài chánh, rồi lên đến Phó tổng giám đốc công ty làm Út quên cả tuổi xuân đang trôi, Út 39 tuổi.
Rồi duyên nợ cũng đến, Út quen với một việt kiều hay đến giao dịch với công ty, dần dần tình yêu nẩy sinh giữa hai người, Út đồng ý khi anh ngỏ lời muốn kết hôn. Đám cưới diễn ra ở Mỹ Tho trước cho gia đình họ hàng và tuần sau đó thì làm ở Sài Gòn để đãi bạn bè thời đại học, bạn bè cùng công ty và những mối quan hệ trong công việc.
Cưới nhau 2 năm rồi nhưng Út chần chờ vì tiếc cái sự nghiệp đang lên như diều, không muốn qua Mỹ ngay dù rất yêu chồng và nhà chồng hối thúc từng ngày khi thấy sốt ruột vì con trai họ bỏ công ăn việc làm bên Mỹ mà về Việt Nam thăm vợ suốt. Cuối cùng Út cũng chịu bỏ hết để theo anh vào mùa Đông năm 2011.
Qua Mỹ hai vợ chồng Út hạnh phúc nồng thắm sống sung sướng đầy đủ ở Portland - Oregon. Bốn tháng sau gia đình chồng đón tin vui con dâu có thai. Vì chưa quen lắm với khí hậu và lối sinh hoạt “vừa đi vừa chạy” ở xứ Mỹ nên sức khỏe Út không được tốt lắm. Cái thai hành dữ quá làm Út không ăn uống được gì, tuổi cũng đã lớn so với cái chuẩn sanh con đầu lòng, sức khỏe Út ngày càng yếu thế là không giữ được cái thai mới 10 tuần.
Cái buồn chưa khuây khỏa thì đến phiên chồng Út bỗng ngã bệnh, đi xét nghiệm thì mới phát hiện anh bị ung thư gan giai đoạn cuối. Trời đất như sụp đổ dưới chân Út.
May mà khi mới qua đây Út đã lo học và có bằng lái xe để lúc này mỗi ngày chạy ra chạy vô nuôi anh hết bệnh viện đến Nursing Home, qua gần bốn tháng chống chọi với căn bệnh ... anh không còn ở lại với Út. Anh mất đi bỏ lại người vợ còn chân ướt chân ráo qua Mỹ mới 10 tháng, chưa kịp quen được nếp sống hiện đại với quá nhiều điều còn phải học. Út khóc mà nghĩ tủi thân, nhớ tới đứa con, nếu con còn thì Út còn giữ được một cái gì thuộc về anh... nay thì đành tan biến hết theo lửa đỏ.
Những tưởng trong gia đình chỉ mình Út không bị ảnh hưởng gì từ chuyện ngày 30/4/75, ai ngờ … nó còn ảnh hưởng nặng hơn nhiều. Út chịu sự giáo dục của chế độ Cộng Sản nên khi qua Mỹ bất cứ việc gì Út cũng đem so sánh giữa 2 chế độ. Lúc lấy chồng vì yêu anh nên Út chỉ kịp nghĩ sẽ được đi Mỹ để “hãnh diện với bà con bạn bè là có chồng việt kiều”, chứ chưa nghĩ đến tư tưởng phải sống thế nào. Khi còn chồng thì anh ấy “giáo huấn” Út bỏ từ từ những suy nghĩ rặt mùi giặc đỏ, chưa thấm nhuần được bao lâu thì anh mất.
Còn nữa, Út thấy khó hòa hợp với mấy đứa cháu được giáo dục nếp sống tự do ở Mỹ của nhà chị Ba và nhà anh Tư, dù vai vế là Dì là Cô nhưng Út chỉ bằng tuổi tụi nó thôi, hay lớn hơn vài tuổi. Thế là Út thấy hình như cái tôn ti trật tự bị san bằng lúc nào không hay. Út nói tiếng Việt, chúng nó nói tiếng Mỹ, chẳng ai thèm nghe ai, rồi chẳng biết ai đúng ai sai. Út buồn Út chẳng thèm nói gì nữa tới mấy cháu.
Không còn chồng mà ở lại với nhà chồng thì mặc cảm mình như người xa lạ. Về ở với anh chị Ba thì gặp ông anh rể chống cộng triệt để, ghét Cộng Sản đến nỗi ba mươi mấy năm nay không về thăm quê hương lần nào. Muốn đến ở chung với nhà chị Tư thì nhức đầu với chuyện chị dâu và các cháu nói mãi về cái lỗi của anh trai mình. Út cảm thấy bơ vơ trên cái xứ sở rộng lớn nầy.
Út mang trong mình nỗi buồn xa quê, nỗi đau mất chồng, và hầu như mất hết họ hàng ở Mỹ. Bạn bè thì chưa quen thân ai để có người ngồi nghe Út trút hết nỗi lòng. Út cũng muốn bỏ đi cái tư tưởng đã ăn sâu gần bốn mươi năm qua để học những điều hay cái đẹp của nền văn minh trên đất Mỹ… nhưng đâu phải một ngày một bữa là có thể thực hiện được. Ngặt là hiện tại cái “di chứng” Út đang mắc phải là bị trầm cảm. Sợ Nước Mỹ phải gánh thêm gánh nặng nuôi một nàng dâu Việt chưa đóng góp gì được cho đất nước nầy, Má đang xin qua Mỹ du lịch để đưa Út trở về Việt Nam trị bệnh.
Báo đài dồn dập đưa tin Triều Tiên đe dọa phóng tên lửa Hàn Quốc và cả Mỹ.
Bao nhiêu vết thương mà những cuộc chiến gây ra chưa hề biến mất…
Lạy Trời đừng có chiến tranh!!!
ĐỒNG TÂM

Ý kiến bạn đọc
13/07/201322:13:52
Khách
Trôi nổi theo vận nước !

Bài viết hay.
10/05/201315:05:17
Khách
Đọc toàn thấy là mâu thuẫn, câu này tôi hay nghe:
Sợ Nước Mỹ phải gánh thêm gánh nặng nuôi một nàng dâu Việt chưa đóng góp gì được cho đất nước nầy, Má đang xin qua Mỹ du lịch để đưa Út trở về Việt Nam trị bệnh.
Mâu thuẫn vô cùng, qua đây cày chứ bộ ở không lãnh tiền à.
Toàn là việt kiều yêu gái, ở Mỹ thiếu niên dễ xì ke ma tuý lắm.
10/05/201320:15:25
Khách
Doc bai viet nay sao buon qua ! Toan nhung chuyen dau buon, nhat la gia dinh Be Nam, ra di vinh vien khong mot loi tu gia.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,204,867
Người viết định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau nhiều năm ngưng viết, mừng cô viết trở lại. Mong mạnh dạn tiếp tục.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới của ông là chuyện về một cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là một du ký mới của bà.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết phăng phăng bằng giọng yêu đời và yêu người thuộc đủ loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Bài viết gần nhất của tác giả “Có Những Tấm Lòng” mới phổ biến tuần trước, ngày 24 tháng Bẩy. Vì bài mới nhất liên quan tới thời sự, nên xin đặc biệt phổ biến sớm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo và vẫn tiếp tục góp bài viết. Sau đây là bài mới của cô.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài viết mới nhất của tác giả cho thấy bút pháp cho thấy tác giả đã tự vượt chính mình thêm một đoạn dài. Mong ông tiếp tục viết.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến