Hôm nay,  

Hồi Ức Bên Tượng Đài Thuyền Nhân

06/05/201300:00:00(Xem: 90893)
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, có đi dạy học lớp 4 một thời gian ở miền Trung. Định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển.
viet-ve-nuoc-my-vb2
Tượng đài Thuyền Nhân, Westminster.
Khoảng thời gian gần một năm nay, hầu như tháng nào cũng vậy, cuối tuần tôi hay ghé thăm Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, mang theo bó nhang và nến vào thắp hương trên các bia đá có khắc tên những người đã tử nạn trên đường vượt biển sau biến cố 30 tháng 4 ở Việt Nam.

Năm ngoái, vào dịp tưởng nhớ ngày 30/4, tình cờ tôi có nghe người quen kể lại câu chuyện một gia đình vượt biên có ba mẹ con bị mất trên biển Đông, tên những người mất có khắc trên bia đá ở Đài, trường hợp giống như chuyện vượt biên của chị tôi. Sự mất mát đau lòng của gia đình tôi hơn hai mươi năm qua giờ nhớ lại tôi nghe tim mình còn nhói đau, nước mắt vẫn chực tuôn rơi, những thước phim dĩ vãng lần lượt hiện về trong đầu từng chi tiết.

Cuối năm 84, anh rể tôi vượt biên môt mình thoát được tới đảo bình an. Trước đó đã nhiêu lần cả gia đình chị tôi gồm hai vợ chồng và hai đứa con gái đi không thành, chị tôi xem bói, thầy bói khuyên nên để anh rể đi trước một mình sẽ được, ba mẹ con còn lại đi sau tốt hơn. Thế là anh đi trước một mình tới nơi an toàn, chỉ mấy tháng sau là được xét cho sang Mỹ dễ dàng vì lý lịch anh vốn là quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa lại từng bị đi tù cộng sản.

Lúc ở đảo, anh rể gửi thư về kể chuyến đi suông sẻ, chủ tàu tổ chức chu đáo, họ còn nói sẽ liên tục tổ chức thêm vài chuyến nữa trước khi gia đình chủ tàu đi vào chuyến chót. Anh rể nói chị tôi có thể an tâm đi những chuyến sau đó nếu thấy thuận tiện, hay muốn chờ một thời gian sau anh bảo lãnh đi chính thức qua Mỹ cũng được. Chị tôi tính toán nếu ba mẹ con chị qua thoát được tới đảo thì có thể cả ba sẽ được đi định cư sớm với lý do nhân đạo để chữa trị chân có tật của con bé lớn, nên chị tôi quyết định đi chuyến tiếp theo sau anh rể, được tổ chức sau tết năm 85.

Tết năm đó ba mẹ con chị về nhà ba tôi ăn Tết, gia đình tôi sau ngày mẹ tôi mất mới có một cái Tết đầm ấm như thế, vì mới có tin vui của anh rể, thêm tin em gái út của tôi cũng mới đám cưới thời gian trước đó. Mấy ngày Tết gia đình thật vui vẻ, anh hai tôi cũng có mặt tại nhà sau hơn 8 năm đi tù cải tạo vì là sĩ quan chế độ cũ. Ba tôi vui lắm khi có các con cháu quây quần bên ông, hai cháu gái con chị cũng quấn quít bên ông ngoại và các dì, con bé lớn hiền lành lúc đó được 8 tuổi còn nhỏ nhưng nó rất thương em kém nó chỉ có 1 tuổi, luôn miệng xưng chị hai với em; còn con bé nhỏ lại khôn lanh hơn chị hai nhiều, nó biết bá cổ ông ngọai vòi vĩnh, biết nịnh mấy dì khi nó muốn xin việc gì.

Qua mấy ngày Tết sum họp gia đình, chị tôi nói thật với ba là chị sẽ dắt hai con đi trong mấy ngày nữa chứ không ở lại chờ anh rễ bảo lãnh. Ba tôi nghe nói ngạc nhiên, nhưng ông biết là khó ngăn cản chị được. Phần tôi cũng không biết nói gì, chỉ biết cầu xin ơn trên cho mọi sự được suông sẻ tốt đẹp.

Buổi chiều cuối cùng vì sáng sớm hôm sau ba mẹ con sẽ lên đường, chị gửi hai con ở nhà ba để đi thu xếp một số việc. Hình như có cái gì xui khiến mà hai đứa bé cứ quấn bên chân ông ngoại không rời, ông ngoại thương quá đút cơm cho hai cháu ăn. Tối tới giờ đi ngủ hai đứa lại muốn ông ngồi kế bên mới ngủ, lúc mẹ ghé đón về để mai đi sớm, hai đứa mê ngủ không chịu về, tôi phải bế từng đứa ra xe theo mẹ.

Chị dặn dò tôi vài chuyện làm dùm chị, rồi chị thưa ba từ giã, tôi thấy mắt chị thoáng long lanh mặt buồn thiu. Ba tôi quay vội đi không muốn cảnh bịn rịn kéo dài, tôi cũng thấy mắt mình chợt cay cay. Chị tôi thật chu đáo, chị có gia đình ở riêng rồi mà vẫn lo giúp đỡ ba và các em, vì chị biết cả nhà sau biến cố 1975 cuộc sống rất khó khăn; trong 7 đứa con của ba mẹ tôi, chỉ có mình chị là học hành giỏi giang nhất, chị học ngành dược, ra trường có bằng cấp hành nghề dược sĩ đàng hoàng, chị lại rất lanh lợi tháo vát, thông thạo thuốc men, anh hai tôi lúc đi tù chị cũng nhiều lần gửi thuốc vào cho anh. Trước khi đi chị cũng lo cho gia đình có chút ít chi tiêu lúc chị vắng mặt; chị còn lo cho tuổi già của ba đỡ thiếu thốn nữa. Khi từ giã cả nhà chị tôi dặn mọi người cứ yên tâm chờ tin lành của chị gửi về.

Gần tháng rồi tin chị vẫn bặt, cả nhà thật sốt ruột không biết hỏi ai, vì chị tôi không hề nói chi tiết gì về chuyến đi cho ba tôi biết, có lẽ chị không muốn ba tôi bị chính quyền địa phương làm khó dễ. Một đêm thằng em kế tôi đang ngủ, chợt nghe nó kêu to tên chị tôi, tôi lo sợ lay nó dậy hỏi sự tình. Khi thức dậy nó kể là nằm mộng thấy chị tôi tới nắm tay nó bảo mẹ con chị chết rồi, nằm dưới nước lạnh lắm, rồi chị khóc quay đi, nó kêu vói theo nhưng chị không quay lại. Ba tôi và các chị em tôi đều lo sợ trước giấc mơ đó.

Sáng hôm sau tôi tới nhà bà bạn quen của chị, tôi hay gọi là bà Chu, có lần nghe chị kể bà nầy có biết về chuyến đi của anh rể tôi hồi trước. Khi gặp mặt nghe tôi hỏi, lúc đầu bà nầy chối quanh chối co lắc đầu; nhưng khi nghe kể giấc mơ của em trai tôi, tôi thấy nét mặt bà có vẻ sợ hãi ngó quanh quất, tôi nghi ngờ cố tra gạn nhưng bà ta vẫn không nói, chỉ hứa hẹn sẽ cố gắng hỏi thăm dùm tôi. Ngày nào đi làm về tôi cũng ghé hỏi tin, bà cứ hẹn lần.

Mấy ngày sau một bữa tối bà ta ghé nhà tôi đưa một thư tay bảo có người nhờ bà đưa tận tay tôi, bà ta đưa xong đi liền không nói gì thêm. Trong thư người viết có lẽ là đàn ông vì tôi thấy nét chữ rất cứng cát, lời lẽ mạnh mẽ, dứt khoát. Người viết kêu đúng ngay tên tôi, tự xưng là có đi chung chuyến tàu vượt biên với mẹ con chị tôi, ông ta có vài lần nói chuyện với chị nghe chị nhắc nhiều đến tên tôi, chị bảo tôi là em gái kế mà chị rất thương yêu và tin cậy.

Lá thử viết là chuyến tàu lẽ ra chi chở được chừng ba, bốn chục người thôi nhưng không biết do chủ tàu hay tài công tham lam chở thêm người mà lúc lên tàu số người gần gấp đôi. Tàu chở nặng quá bị khẩm, nên chỉ mới ra khỏi cửa biển chừng hai, ba cây số thì bị nước tràn vào, máy bơm nước trên tàu lại hỏng không bơm nước ra được nên càng lúc nước càng vào nhiều, cuối cùng thì tàu từ từ chìm, trên tàu phần đông là đàn bà con nít, lúc đó lại vào đêm khuya nên có kêu cứu cũng không ai nghe, ông nghĩ chắc mẹ con chị tôi khó sống còn, tiếng kêu la vang trời lúc đó thật vô cùng thảm thiết. Có một số người, hầu hết là đàn ông biết bơi thì mạnh ai nấy thoát thân lo sống chứ lúc hỗn loạn đó đâu ai còn đầu óc nào giúp đỡ ai. Tác giả lá thư may mắn có sức bơi được vào bờ, sống sót trở về, và vì ông có dịp nói chuyện với chị tôi nhiều lần trên tàu, có nghe chị tôi kể khá rõ về ba tôi và các em còn lại ở Sài gòn. Ông kể thấy thương hai đứa con gái của chị tôi quá, nhất là bé lớn thật ngoan, lúc nào cũng ôm lấy mẹ, còn bé nhỏ dạn dĩ lanh lợi nói chuyện huyên thuyên, ông tội nghiệp hai bé vô tội chết oan! Lúc ông thoát nạn về được tới nhà, sau khi đã bình tĩnh lại ông nghĩ ngay đến chị tôi, làm cách nào đưa tin cho gia đình chị, thế là có lá thư gửi cho tôi.

Gia đình tôi đã đặt nhiều nghi vấn về tác giả lá thư, không biết hư thực ra sao, có nên tin những điều trong thư đã nói; Tôi cố hỏi bà Chu nhưng bà ta luôn lắc đầu nói chưa bao giờ gặp hay biết mặt người nầy bao giờ. Cả nhà tôi đành tin lời lẽ trong thư là sự thực, coi đấy là môt thứ ánh sáng duy nhất để đi tìm tung tích ba mẹ con chị tôi. Trong thư ông ta cho biết nơi tàu bị chìm ở một cửa biển nhỏ từ huyện Năm Căn thuộc Cà mau đi xuống phía Nam. Tôi bàn với ba xin phép đi về Cà mau một chuyến , vì có đi mới biết sự việc đã xảy ra như thế nào?!

Ngồi trên xe đò tôi vẫn nuôi chút hy vọng mỏng manh là chị và hai cháu còn sống, chỉ bị bắt giữ trong một trại nào đó, và như thế thì còn hy vọng ngày được tha về gặp lại gia đình. Tới Cà mau trời đã xế chiều, tôi ghé nhà ngưòi bà con ngay tại bến xe ngủ nhờ qua đêm, chờ sáng sớm hôm sau đi tàu đò về Năm căn chỉ có một chuyến duy nhất trong ngày, đường đi cũng xa lắm, nghe nói đi gần hết ngày mới tới.

Lúc ngồi trên đò, tôi có làm quen nói chuyện với vài bác lớn tuổi, tôi cũng thật tình nói ra mục đích chuyến đi của tôi, tôi hỏi về tin tức chiếc tàu vượt biên bị chìm như trong thư ông dấu tên đã kể. Một bác xác nhận có nghe tin nầy, nhưng cũng mơ hồ lắm, khó biết chính xác được, một tin gì truyền đi qua bao nhiêu miệng thì thành tam sao thất bỗn mất rồi. Ông bác chỉ tôi cách dò hỏi tin tức người thân xem có bị bắt không bằng cách mua một ít trái cây làm bộ đi thăm nuôi thân nhân ở trại công an biên phòng gần bến tàu đò nơi đó nhốt người vượt biên, nếu không được gặp thì xin gửi quà, làm cách đó tôi sẽ biết người thân của mình có bị bắt vào trại nầy không.

Tôi nghe lời ông bác dạy, mua một ít trái cây ở cái chợ-chồm-hổm ngay sát bến đò. Tôi xách túi quà đi vào cổng trại, đưa tên chị tôi và hai cháu cho người gác cổng xin thăm. Người gác nầy cũng dễ chịu, anh ta cầm mảnh giấy bảo tôi ngồi chờ anh ta vào dò danh sách. Chừng mười phút sau anh ta trở ra nói không có những tên nầy trong trại, chắc bị bắt ở nơi khác rồi. Tôi buồn rầu rời cổng trại lòng nặng trỉu không biết mình sẽ trải qua đêm nay thế nào ở chốn xa lạ nầy.

Trời đã sụp tối, bến tàu vắng vẻ, chợ họp đã tan, lạ người lạ cảnh tôi không dám đi xa hơn bến đò, vì tôi có hỏi qua vài người lúc chiều khi tàu tới bến, người ta nói mỗi ngày chỉ có duy nhất một chuyến đi từ Cà mau tới Năm căn và ngưọc laị chuyến duy nhất khởi hành từ Năm căn về lại Cà mau sẽ đi rất sớm.

Ở cạnh bến đò có một quán cóc nhỏ đèn đầu đêm leo lét, tôi đói mà không muốn ăn, vừa buồn vừa nóng lòng chỉ muốn về ngay Sài gòn vì tôi biết ba tôi và gia đình đang sốt ruột chờ tin. Tôi vào quán gọi ly trà nóng và xin chị chủ quán cho tôi ngồi ở trong cho đỡ lạnh, chờ sáng sớm kịp lên tàu đò về Cà mau rồi còn về Sài gòn nữa. Thấy chị nói chuyện có vẻ thât tình, nét mặt lại hiền lành nên tôi kể hết chuyện tôi đi tìm ba mẹ con chị tôi vượt biên mất tích nghe nói ở miệt dưới nầy. Nghe tôi kể xong chị có vẻ ái ngại tội nghiệp vì việc tôi đi tìm như là bóng chim tăm cá.

Tôi ngồi bó gối nhìn ra bờ sông trời nước thăm thẳm một màu đen lòng buồn rười rượi, tưởng tượng chị và hai cháu nếu thật sự đã chết chắc đang nằm lạnh lẽo dưới đáy nước, bất giác tôi thấy chạnh lòng xúc động nước mắt lại tuôn ràn rụa. Lâu tôi nghe có tiếng máy tàu chạy ngoài sông, tiếng sóng đập vào bờ đá ào ào, chắc ghe máy cúa mấy người chở lúa gạo hay hàng hóa trong mấy vùng quê xa phải đi đêm cho kịp giờ họp chợ buôn bán. Một lát tiếng động cơ im, rồi tôi nghe có tiếng vài người đàn ông nói chuyện lớn, tôi đoán họ ghé lên bờ vào quán; có tiếng chị chủ quán hỏi chuyện rồi chị gọi to kêu tôi, nói ghe mấy ông nầy đi đêm về Cà mau, nếu tôi muốn quá giang chị sẽ nói giúp dùm, họ không lấy tiền mắc đâu. Tôi suy tính nếu đi nhờ ghe nầy thì hừng sáng ghe đã tới thị xã tôi có thể đi chuyến xe đò sớm nhất về Sàgòn sớm hơn được một ngày. Thế là tôi đồng ý quá giang ghe, sau khi cám ơn chị chủ quán tốt bụng.

Có lẽ chị chủ quán cũng có nói qua về câu chuyện của tôi, vì tôi thấy người chủ ghe rất ân cần với tôi, ông kêu tôi vào ngồi trong ghe cho đỡ bị muỗi cắn, muỗi Cà mau thì có tiếng rồi! Ghe chạy lặng lẽ trên sông vắng trong đêm khuya, bốn bề thật yên tĩnh, chỉ có tiếng muỗi vo ve và tiếng sóng vỗ nhịp nhàng vào mạn ghe. Tôi ngồi buồn bã cạnh mấy bao bố to chất chồng lên nhau, miên man nghĩ ngợi không nghe tiếng anh lái ghe mời ăn cơm khuya, dù từ chiều tôi đã có chút gì vào bụng đâu, còn lòng dạ nào mà nuốt cho vô được?!

Trời vừa hựng sáng thi ghe cặp bến đò thị xã Cà mau, người chủ ghe tốt bụng chỉ lấy một ít tiền tượng trưng, tôi cám ơn rồi rảo bước lên bờ di nhanh về nhà người bà con từ giã rồi ra bến xe thẳng về Sài gòn.

Về tới nhà, tôi trình bày mọi việc tôi đã trải qua trong chuyến đi vừa rồi cho ba tôi rõ. Tôi nói với ba rằng tôi sẽ cố chuẩn bị thật nhanh vào khoảng một tuần nữa tôi sẽ trở xuống Năm căn, quyết tìm cho được tung tích của chị và hai cháu. Ba tôi đồng ý nhưng ông lo lắng cho tôi lắm. Để làm an lòng ba tôi rủ thằng em kế đi cùng đề phòng mọi bất trắc vì tôi là con gái.

Một ngày trước khi tôi lên đường, bà Chu đột ngột ghé đưa tôi số nhà của người đã đưa mẹ con chị tôi về Cà mau, bà Chu nói tôi cứ tới đó hỏi thăm xem sao. Tôi và thằng em tìm số nhà bà Chu đưa, ở mãi tận vùng Ngã Ba Ông Tạ, khu nầy thưa thớt vắng vẻ, đất đai ở đây còn đầy cỏ mọc um tùm. Rồi tôi cũng tìm được số nhà muốn tìm, lần nầy thì bà Chu đã nói thật, ngôi nhà gỗ nhỏ ở tận cuối con hẻm quanh co. Buổi trưa khu nhà ở đây im lìm vắng vẻ. Tôi gõ cửa, tiếp tôi là một người đàn bà nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi, tôi nói ngay mục đích muốn gặp người đàn ông tên T. ở nhà nầy. Tôi biết anh T. đã đưa chị tôi đi nên đến hỏi anh về tin đồn tàu bị chìm thực hư thế nào. Trước sau người đàn bà cứ lắc đầu quầy quậy, tôi không hỏi thêm được chút tin nào. Tôi buồn bã quay lưng, chợt có tiếng kêu tên tôi đàng sau làm tôi ngừng bước quay đầu lại nhìn, tôi thấy một thanh niên trẻ đang nhìn tôi gật đầu chào.

Anh ta xưng tên chính là T., người đã đưa mẹ con chị tôi từ Sàigòn về Cà mau chờ lên tàu đi. Anh T. ở lại vài ngày nghe tin tức, biết tin dữ tàu chìm, sợ liên lụy anh đã bỏ về Sài gòn im hơi lặng tiếng thời gian qua; lúc tôi đến tìm người tiếp chuyện với tôi chính là vợ của anh, lúc đó T. ngồi ở trong bếp đang lắng nghe câu chuyện trao đổi qua lại giữa hai người đàn bà, anh đã nhất định không lộ diện cho tới lúc tôi đứng dậy ra về trong tuyệt vọng thì hình như trong anh có một sức mạnh nào thôi thúc khiến anh phải xuất hiện trước mặt tôi. Anh nói có lẽ vong hồn của chị tôi đã xui khiến anh phải chỉ rõ đường đi nước bước cho em đi tìm chị được nhanh chóng.

Anh T. kể là chính anh đã đến nhà bà Chu đưa ba mẹ con chị tôi đi về Cà mau, trên đường đi, anh thấy chị tôi buồn lắm, thỉnh thoảng lại khóc, hình như chị đang mang một tâm sự gì; chị nói với T., nếu đi thoát bình an tới nơi thì chị cám ơn T. lắm, sẽ nói với gia đình đến nhà tạ ơn anh; bằng ngược lại nếu rủi ro có chuyện gì bất trắc chị cũng không buồn trách anh, âu cũng là số mạng. Anh T. nói hai đứa con gái của chị thật dễ thương, đứa chị thì hiền lành lúc nào cũng quấn quít bên chân mẹ, còn đứa em dạn dĩ khôn lanh hơn chị nó. Anh chép miệng lắc đầu hai đứa nhỏ chết thảm có tội tình gì.

Nghe anh kể tới đâu nước mắt tôi ràn rụa tới đó, thương chị và hai cháu, rồi tự trách mình thật thiếu sót bổn phận với chị; lúc anh rể ra đi có nhờ mấy dì ở nhà phụ chị lo cho hai cháu vì chị phải đi làm, anh vắng mặt cũng bỏ sót bổn phận làm chồng, làm cha. Sau đó anh T. đã tận tình chỉ dẫn đường đi cho tôi, anh nói nếu tôi tìm được tung tích của chị thì anh cũng nhẹ lòng, đỡ ray rứt mỗi khi nghĩ về chuyện đau lòng nầy. Câu chuyện anh T. kể càng làm tôi quyết tâm thưc hiện chuyến đi cho được dù vất vả khó khăn thế nào.

Sáng sớm hôm sau hai chị em tôi đi chuyến xe đò sớm nhất về Cà Mau. Chúng tôi đổi xe liên tục để tiết kiệm thời gian di chuyển, về tới Cà mau mới 2,3 giờ chiều còn kịp thời giờ chuẩn bị cho việc đi Năm Căn hôm sau. Chúng tôi ghé nhà người bà con gửi hành lý và nhờ người nầy hướng dẫn một số việc. Trước hết tôi tìm thuê một ghe máy chạy xa tốt, ở miệt nầy người ta gọi là vỏ lãi, ghe chạy rất nhanh vì mũi ghe làm dài và nhọn, nhưng ghe chỉ chở được ít người thôi. Sau đó tôi vào chùa Miên để nhờ các vị sư trong chùa thuê dùm hai thanh niên khoẻ mạnh, họ chuyên về đào bốc mộ. Cuối cùng tôi ghé chợ Cà Mau mua những thứ cần dùng cho chuyến đi đầy vất vả sáng mai; trong đầu tôi đã sắp xếp những việc sẽ phải làm không để phí chút thì giờ nào.

Từ Sài gòn về tôi đã mang theo ba bộ quần áo cho ba mẹ con chị tôi; ghé chợ Cà mau tôi đi như chạy cố gắng mua cho đủ những thứ mà tôi đã ghi sẵn một danh sách dài, khi mua xong mọi thứ thì trời cũng đã sập tối. Trên đường về nhà người bà con tôi ghé nhà người chủ ghe máy tôi thuê, xác định lại giờ giấc khởi hành; ghé chùa gặp hai người Miên dặn dò họ nhớ đúng giờ.

Sau một đêm trằn trọc, gà trong xóm mới gáy hiệp đầu tôi đã lo chuẩn bị mọi thứ để lên đường. Chúng tôi đi có 5 người: người lái ghe, hai thanh niên chuyên nghề bốc mộ, em trai tôi và tôi. Chiếc vỏ lãi chạy rất nhanh, buổi sáng sớm sông còn vắng tàu đò đi lại nên chiếc ghe máy cứ dong ruổi sông dài một mình, không khí thật trong lành dễ chịu, hơi lạnh một chút, em tôi ngồi gợi chuyện với hai thanh niên, họ cũng nói được tiếng Việt chút ít tuy không rành lắm nhưng nghe cũng hiểu.

Ghe chạy nhanh nên đến Năm Căn sớm hơn tàu đò chở khách, quá trưa chút đã tới bến đò Năm căn, người lái ghe nói ghe thuyền đi tới Năm Căn muốn tiếp tục đi xa hơn phải có giấy cho phép ra biển của đồn công an, thời đó tụi công an sợ tàu ra đấy sẽ lén đi vượt biên. Thằng em tôi theo lời chỉ dẫn của anh lái ghe, mua sẵn mấy gói thuốc thơm đi vào đồn; một lát sau nó đi ra trên tay cầm tờ giấy phép được đi ra tới cửa biển với lý do tìm tung tích người thân vượt biên mất tích, thế là chiếc ghe chở chúng tôi tiếp tục nhắm hướng biển đi tới, sông nước mênh mông chạy hoài cũng không thấy đâu là bến bờ. Những con sông ở miền tây nhìn to như biển, nước sông chảy cuồn cuộn màu phù sa đỏ kéo theo từng đám lục bình trôi. Ghe máy chúng tôi đi tới đây thì trời đã về chiều, ánh nắng chiều buông những tia yếu ớt, người lái ghe tắt máy, nhìn chung quanh mịt mù trời nước không biết phương hướng nào mà đi tiếp, lái ghe cho ghe trôi sát vào đám nhà nổi để hỏi thăm phương hướng.

Dân chúng ở đây cũng nhiệt tình tiếp chuyện, nhưng khi nghe tôi hỏi tin về chiếc tàu vượt biên bị chìm không lâu thì nhà nào cũng lắc đầu nói chỉ nghe đồn vậy thôi chứ cũng không biết nhiều. Họ khuyên chúng tôi nên dừng ghe nghỉ qua đêm mai sẽ tiếp tục chứ đi xa hơn nữa rất nguy hiểm, đêm khuya nước triều lên ghe lạ sông lạ nước khó chống lại nước chảy xiết ghe có thể bị cuốn phăng ra biển, vì chỗ địa phương nầy rất gần cửa biển.

Chúng tôi nghe lời khuyên cho ghe trôi thêm một chút rồi tấp vào một gian nhà nổi chung quanh toàn là lục bình che kín. Anh lái cột ghe sát cầu ván gỗ nối vào nhà, tôi lên tiếng gọi to vài lần, giây lát có tiếng động trong nhà rồi có bóng người bước ra, là một bà cụ trông còn khoẻ, áo bà ba quần đen, tóc bới ra sau, hình ảnh của các bà mẹ thôn quê miền Nam. Tôi đứng dưới ghe cất tiếng chào bà, nói chúng tôi ở xa tới không rành đường đi đến đây thì trời sụp tối, xin phép bà cho chúng tôi trọ lại một đêm, tôi xin gửi tiền nhờ bà nấu dùm một bữa cơm tạm cho đỡ lòng vì chúng tôi đã quá mệt và đói qua một ngày dài dong ruổi trên sông, sớm mai chúng tôi sẽ lên đường ngay không dám làm phiền bà nữa.

Bà cụ không đợi tôi nói hết đã xua tay ngăn tôi nói tiếp, rồi bà niềm nở mời chúng tôi rời ghe bước lên nhà bà, một căn nhà sàn nổi trên mặt nước. Bước vào trong nhà tôi mới nhìn rõ; gọi là nhà chứ thật ra chỉ là cái chòi lá che mưa tránh nắng, trống trước trống sau. Bà cụ giải thích cho tôi hiểu người dân sống ở vùng nầy như người du mục nay đây mai đó, cứ trôi giạt khắp nơi, chẳng có chỗ nào nhất định là nhà. Họ ở theo mùa nước; lúc nào biển yên sóng lặng thì họ neo nhà ở lâu; khi nào sóng to gió lớn thì họ lại nhổ neo đi chỗ khác.

Ở vùng đất cuối cùng của đất nước, nơi gặp nhau của nhiều nhánh sông cùng chảy ra biển Đông, nước chảy mang theo rất nhiều phù sa mầu mỡ nên đất vùng nầy rất tốt, trồng gì cũng lên tốt tươi, tôi thấy miệt nầy rừng tràm rừng đước rất nhiều, bác chủ nhà nói ở đây nước lại mặn vì quá gần biển, phải mua nước ngọt để nấu ăn và uống, cuộc sống của người dân cũng rất khó khăn, xa hẳn ánh sáng văn minh của thành phố, chợ là những chiếc ghe máy vài ngày một lần mang một số vật dụng từ thị xã vào bán cho các gia đình tại đây, xong họ mua lại tôm cá tươi mới câu hay lưới ngoài cửa sông, hoặc cá khô đủ loại. Cuộc sống người dân giản dị đơn sơ như gian nhà lá nỗi bập bềnh trên sông.


Bà cụ tôi gặp nói năng thật thà, không rào trước đón sau, tôi hỏi bà có thể nấu dùm cho chúng tôi một bữa cơm đạm bạc, thức ăn có món gì cũng được, cần thiết là cơm cho mấy người đàn ông ăn cho có sức ngày mai còn lên đường tiếp tục công việc dỡ dang; vậy mà chỉ gần tiếng đồng hồ sau bà đã bưng ra một nồi cơm to bốc khói thơm phức mùi gạo mới chín và một nồi cá kho, tôi đoán là cá lóc kho tiêu, món ăn ruột của người dân miền tây.

Xong bữa, anh lái ghe và hai thanh niên đã lăn ra ngủ như chết, còn tôi và thằng em ngồi nói chuyện với bà cụ chủ nhà. Tôi thật tình nói rõ mục đích chuyến đi của hai chị em tôi, bà cụ cho biết bà chỉ có hai mẹ con sống với nhau, người con trai bà mỗi ngày theo tàu ra khơi đánh cá, có khi đi hai ba ngày mới về, cũng có lúc sáng đi tối đã về, bà không biết đêm nay con bà có về không. Tôi hỏi bà về chuyện chuyến tàu vượt biên bị chìm thời gian gần đây, trên tàu hầu hết là đàn bà con nít, bà cụ trả lời có nghe con trai bà kể lại. Bà còn tiết lộ thêm là gần tháng trước đây con trai bà và một số thanh niên chung quanh được chính quyền nhờ làm công tác mấy hôm, tôi hỏi công tác gì? Bà nói chúng nó bị kêu đi chôn xác mấy người chết tấp vào mé sông hôi thối, tụi nó đào lỗ rồi dân chúng thấy tôi nghiệp cho mỗi người chết một chiếc chiếu gói xác rồi vùi xuống lỗ lấp đất lại, có khi thời gian sau vùng đất chỗ đó bị nước tràn lấp mất tiêu không thấy vết tích gì nữa.

Tôi nghe kể nhớ chuyện của chị tôi và hai cháu mũi lòng khóc nức lên. Bà cụ thấy tôi khóc cũng cảm dộng khóc theo, rồi bà thức đêm cùng tôi ngồi trông con bà về.

Khoảng một lúc lâu có tiếng máy ghe chạy gần nhà, bà cụ mừng rỡ nói con trai bà về, quả thật chập sau có tiếng động rồi có tiếng đàn ông vang lên, bà cụ bước ra mau mắn nói chuyện với con, hai mẹ con bước đến chỗ tôi ngồi, tôi thấy một thanh niên trẻ cũng trạc tuổi em trai tôi, dáng người khoẻ mạnh lực lưỡng.

Thấy mặt tôi còn đầy nước mắt chưa kịp lau thanh niên có vẻ ái ngại, anh hỏi ngay tôi có đem hình mẹ con chị tôi theo thì lấy cho anh xem may ra... Tôi vội vàng lấy ngay tấm hình ba mẹ con chị tôi chụp bán thân cho anh xem. Vừa nhìn thấy tấm hình anh đã giật nẩy người tay cầm hình run run, miệng lắp bắp không thành tiếng, anh lại nhìn tôi trân trối, mãi anh mới nói nhỏ gì đó mà tôi không nghe rõ.

Sau cùng anh lấy lại bình tĩnh rồi chậm rãi nói lúc mới bước vào nhà nhìn thấy tôi anh đã giật mình sao thấy mặt tôi quen quen như giống ai mà anh đã có gặp hay thấy qua, nhưng anh nhớ mãi không biết đã gặp đã thấy lúc nào. Cho tới lúc nhìn tấm hình thì anh đã nhớ lại hết mọi viêc.

Như mẹ anh đã kể, tháng trước chính quyền địa phương có nhờ anh và một số thanh niên ở xóm chài nơi anh ở, để đi chôn 13 xác chết vượt biên trôi dạt vào bờ, trong số 13 người chết đó có hai xác chết ôm chặt lấy nhau, người ta đoán là hai mẹ con, đứa bé chừng 6,7 tuổi mới nhìn hớt tóc ngắn tưởng là trai nhưng nhìn kỹ lại thì là gái. Người ta định gỡ hai người ra chôn riêng hai mộ nhưng gỡ mãi không tách rời họ được đành chôn chung một mộ, và chính tay anh đã lấy chiếu quấn che lại hai thân thể lõa lồ vì quần áo đã bị rách tơi. Anh cũng nói chắc là có phép lạ nào đã xui khiến cho tôi tìm đúng người duy nhất biết tung tích và nơi vùi lấp hình hài của mẹ con chị tôi, vì người đàn bà và đứa nhỏ có mái tóc con trai trong ảnh chính là hai xác người ôm chặt mà anh đã vùi họ xuống mộ rồi lấp đất lại. Anh còn cẩn thận cắt vội manh áo còn dính trên người họ treo ở cọc gỗ đầu mộ để sau nầy nếu có thân nhân đi tìm sẽ xác nhận được tung tích người thân.

Anh kể tới đâu nước mắt tôi ràn rụa tới đó, tôi khóc thương chị và cháu sao chết quá thảm. Bà cụ mẹ anh ngồi bên cũng khóc theo tôi, em trai tôi cũng khóc. Hồi lâu tôi nói chắc chị tôi linh thiêng mới xui khiến tôi tìm gặp được anh, thì thôi anh đã làm ơn thì làm ơn cho trót, ngày mai nhờ anh hướng dẫn chúng tôi đi đến nới chôn chị để tôi bốc xác chị về chôn cất đàng hoàng cho mẹ con chị đỡ lạnh lẽo nơi chốn xa xôi nầy, tôi xin gửi chi phí như thu nhập mỗi ngày anh đi đánh cá, anh sốt sắng nhận lời giúp ngay không phải vì tôi trả công mà vì thấy cảm động cho lòng thương chị của tôi, và cũng muốn chị tôi sớm được siêu thoát.

Sáng sớm hôm sau theo sự hướng dẫn của anh T. ghe chúng tôi tìm đến đúng nơi mà anh T. đã kể. Ghe cập bờ, thật ra đó chỉ là một bãi đất trống hoang vu chung quanh toàn là cây tràm cây đước, không một mái nhà hay người nào ở đây. Anh T. nói có khi một thời gian sau bãi đất nầy sẽ chìm xuống nước mất tiêu dấu tích theo dòng nước xoáy. Mộ của chị tôi là ngôi mộ nằm đầu tiên trong 13 ngôi mộ, to hơn mấy mộ khác, anh T. nói vì mộ chôn tới hai người, chính tay anh đã vớt xác hai mẹ con chị tôi lên và chôn họ. Anh T. không biết chính xác ngày nào tàu chìm, anh chỉ nhớ ngày anh chôn xác hai mẹ con là ngày 22 tháng 2 âm lich năm 1985 nên anh có khắc ngày nầy lên cọc gỗ cắm trước mộ.

Tới ngôi mộ anh ngừng ngay lại chỉ cho tôi hai mảnh vải treo phất phơ trước gió, anh bảo tôi nhìn xem có đúng là quần áo của chị tôi mặc lúc đi không? Theo ngón tay anh chỉ tôi nhìn thì trời ơi đúng cái áo tím có bông chấm đỏ chị tôi hay mặc lúc đi làm, còn mảnh vải quần kaki xanh thì em trai tôi nhận ra ngay chính nó đã mua vải may quần yếm cho con bé lớn của chị tôi. Tôi quỵ xuống khóc không thành tiếng!

Tôi cứ khóc mãi không biết gì đến mọi việc chung quanh nữa, mãi hình như có ai nâng tôi đứng dậy rồi có tiếng em trai tôi nói, giọng nó cũng sụt sùi, nó khuyên tôi ráng bình tĩnh lo việc chị tôi cho xong kẻo trời tối thì không ở lại đây được đâu. Theo lời khuyên của anh T và người lái ghe, nên đào xác mẹ con chị lên, sẵn tại chỗ có nhiều cây tràm và đước, sẽ chất cây thành giàn, đặt xác lên thiêu rồi gom tro đem về gửi chùa, giống như người chết đem thiêu vậy.

Thế rồi cả đám đàn ông thay phiên nhau đào mo. Bãi cát mềm nên việc bốc mộ cũng không khó khăn lắm. Khi nhát cuốc cuối cùng chấm dứt, toàn bộ nhân dạng người chết hiện ra trước mặt mọi người. Một lần nữa tôi khóc nức lên khi nhìn thấy chị và cháu tôi không một mảnh vải che thân, quần áo mặc trong người đã mục nát vì nước biển, mặt mũi cũng biến dạng chỉ còn trơ hai hốc mắt sâu hoắm, nhưng tôi nhận diện được chị nhờ vào hai vết mổ dài dọc trên bụng chị, vì lúc sinh hai đứa con, đứa nào chị cũng phải mỗ mới lấy con ra được. Còn cháu tôi đứa lớn thì tay trái luôn luôn nắm chặt lại và chân trái dài hơn chân phải. Tôi lúc đó chỉ biết khóc khóc mãi, mặc mọi người lo liệu.

Em tôi múc nước biển rửa sạch đất cát bám trên người hai mẹ con. Lúc nầy mấy người đàn ông đã chặt cây gác chéo làm giàn hoả. Tôi lấy khúc vải trắng đem theo trải lên giàn như là vải liệm. Mọi người phụ nhau khiêng xác hai mẹ con chất lên giàn, tôi phủ lên người chị bộ áo dài chị mặc hôm đám cưới đứa em gái út, phủ cho đứa cháu bất hạnh bộ đồ pyjama nó hay mặc ngủ ở nhà. Rồi tôi đốt nhang cúng đất đai và khấn vong hồn chị tôi linh thiêng hãy phù hộ cho việc thiêu xác được nhanh chóng để tôi kịp mang tro cốt mẹ con chị về Sài gòn nằm cạnh bên bình cốt của mẹ chúng tôi.

Em tôi châm lửa đốt sau khi rưới xăng và dầu lên xác, nước mắt tôi như khô cạn trước nỗi đau đớn cùng cực, tôi ngồi thẩn thờ như mất hồn, không tin mọi chuyện đang diễn ra trước mắt tôi là sự thật.

Ngọn lửa theo gió thổi bốc cao, qua màn khói trắng lung linh tôi như thấy hình ảnh của hai mẹ con đang mập mờ trước mặt. Thời gian qua không biết bao lâu, anh T. nói việc thiêu xác tạm thời xong, vì thiếu nhiều phương tiện như các lò thiêu, xác sẽ lâu cháy hết thành tro hoàn toàn; vả lại chúng tôi không có nhiều thời gian vì trời đã xế chiều, nếu về chậm quá nơi đây trời nước mịt mù không một bóng người hay một mái nhà nào, đêm xuống chúng tôi sẽ khó khăn vô cùng để định hướng tìm đường quay về.

Thế là tôi đành gạt nước mắt xúc ít tro xương đã cháy vụn rơi xuống đất, cho vào một cái túi vải rồi bỏ vào một lọ nhựa, coi như xương thịt hai mẹ con đã hoà lẫn vào nhau thành một. Trên giàn ngọn lửa còn đang thiêu cháy thân xác hai người thân yêu; tôi ngậm ngùi lạy vĩnh biệt chị trong nước mắt, phần xương thịt còn lại của hai mẹ con rồi đây cũng bị dòng nước vô tình cuốn trôi đi vào lòng biển cả, cát bụi rồi cũng trở về cát bụi.

Tôi nhìn lại lần cuối cùng bãi cát trắng mênh mông, còn lại 12 ngôi mộ nằm hiu quạnh chưa có thân nhân đến tìm, anh T. nói có thể sẽ không có người nào khác ngoài tôi đặt chân đến đây, ngay cả chính anh nữa, nếu có lần nào đi ngang qua đây có thể dấu tích của bãi cát nầy không còn nữa vì những bãi đất hoang vu ở nơi xa xôi nầy, chỉ một thời gian sau là bị sóng biển ập vào nhận chìm biến mất, hiện tượng nầy xảy ra rất thường ở vùng đất mũi cuối cùng của đất nước.

Mọi người bứơc xuống ghe, tôi nói với anh T. rằng chị tôi đi với hai đưá con gái, mà ở đây chỉ có xác chị tôi và đứa con lớn, còn đưa nhỏ anh T có biết hay nghe nói ở đâu không? Anh T. nói anh có biết ở một bãi đất khác gần cửa biển hơn, người ta có chôn chung nhiều người trong cùng một ngôi mộ lớn, họ cũng có cắt quần áo người chết treo trước mộ cho sau nầy thân nhân có đến tìm sẽ nhận diện được không khó, anh T. có biết địa điểm đó nhưng anh chưa lần nào tới nơi. Nẩy ra ý muốn thắp nén nhang cho những ngôi mộ ấy. Biết đâu có thể tìm ra đứa cháu thứ hai, tôi nhờ anh hướng dẫn đi anh đồng ý.

Ghe nổ máy quay hướng ra biển, anh T. nhắc chừng người lái ghe cẩn thận vì nước triều đang lên, sẽ có sóng cao khi ra đến gần biển. Anh T. nói chưa dứt câu thì chiếc ghe đang chạy thẳng đột nhiên quay một vòng tròn như mất thăng bằng, rồi như có ai nâng chiếc ghe đưa cao lên rồi hạ xuống, anh T. hoảng hốt la lên kêu quay mũi ghe lại vòng về hướng cũ mau. Anh nói đây là vì ghe mới vừa tới ranh giới cửa biển, nếu đi tiếp nữa ghe nhỏ quá không chịu nỗi sóng biển nhồi, và mấy người trên ghe không có áo phao sẽ bị rớt chìm xuống biển mất, phải quay về thôi, ngay anh là dân chuyên môn đi biển cũng chưa chắc tự cứu được mình, nói chi là cứu người khác.

Thế là mọi người quyết định quay về nhà anh T., tôi buồn bã thất vọng vì không tìm được đứa cháu thứ hai, không biết thân xác nhỏ bé vô tội của cháu đã trôi giạt nơi nào! Ghe chạy một mạch về tới nhà anh T., sau khi gửi chi phí và cám ơn anh đã hết lòng hướng dẫn chúng tôi, ghe tranh thủ chay nhanh về Cà mau trước trời tối. Trời sập tối ghe về tới chợ, tôi ôm hủ cốt chị tôi vào gõ cửa chùa Bà gần bến đò xin gửi nhờ để sáng sớm hôm sau chúng tôi sẽ ghé lấy và theo chuyến xe đò đầu tiên về Sài gòn. Về nhà người bà con ngủ đỡ qua đêm, tờ mờ sáng chúng tôi đã từ giã chủ nhà ghé chùa lấy hủ cốt rồi lại đi xe đò nhảy chuyến về kịp Sài gòn 5 giờ chiều.

Từ xa cảng miền tây hai chị em đi về chùa Vĩnh Nghiêm, nơi đây gia đình tôi đã gửi hũ cốt cuả mẹ tôi, của em út tôi, gìờ thêm chị và cháu nữa. Tới chùa tôi vào gặp ngay vị sư coi tháp, mọi việc gia đình tôi đã lo trước nên vị sư nhận hũ cốt ngay mà không hỏi thêm gì. Tôi về tới nhà thì hơi sức như đã kiệt, vừa thấy ba tôi và các anh chị em là nỗi đau đớn tôi đã kềm chế trong suốt chuyến đi, giờ như nước vỡ bờ, tôi oà khóc nức nở trước mặt ba tôi, ông không hề hỏi gì cứ để yên tôi khóc cho vơi bớt uất nghẹn.

Đêm hôm ấy tôi ngủ thiếp mê man, nhưng trong cơn mê thiếp đó tôi vẫn thấy rõ hình ảnh hai mẹ con chị tôi nằm phơi trên giàn hoả; và cả một thời gian dài sau đó tôi như người mộng du, hay ngồi một mình im lặng nhìn vào khoảng không trước mặt, vì những lúc đó hình ảnh chị tôi lại lung linh ẩn hiện trước mặt tôi.

Sau đó cả nhà đến chùa để làm lễ an vị cốt cho mẹ con chị tôi. Vị sư trụ trù đã sốt sắng tụng kinh cầu siêu cho người đã mất, một hũ sành có khắc hình cả ba mẹ con, ngày sinh ngày mất để đựng túi tro cốt tôi mang về, chỉ tội cho đứa cháu nhỏ, nó không được an nghỉ cùng mẹ và chị trong chùa nghe tiếng kệ lời kinh tụng niệm cho oan hồn sớm siêu thoát. Cho tới bây giờ không biết thân xác nhỏ bé cháu đã bị vùi lấp chốn nào. Vì không biết chính xác ngày mất của ba mẹ con, chỉ biết ngày mà anh T. đã đem chôn chị nên gia đình coi như ngày đây là ngày giỗ chung của cả ba mẹ con, và dù tôi chỉ tìm được hai người, nhưng trên hũ cốt vẫn đủ hình ba người, chắc cháu nhỏ ngây thơ vô tội của tôi cũng linh thiêng quyện hồn về bên mẹ và chị nghe kinh kệ cho sớm được vãng sanh.

Ba tôi sau những nỗi đau buồn, mất mát quá nhiều người thân trong gia đình, sức khoẻ suy kém trầm trọng, hơn một năm sau ông cũng qua đời. Anh chị em tôi còn lại năm người vì hoàn cảnh, vì sinh sống cũng xa cách nhau, kẻ ở nước ngoài, người còn lại Việt Nam, cơ hội gặp nhau cũng hiếm hoi, vì chi phí đi lại tốn kém.

Dù ở Việt Nam hay ở Hoa kỳ, ai cũng phải đi làm để sinh sống, nên mọi người thường liên lạc nhau qua phương tiện điện thoại hay internet đỡ tốn kém lại thuận tiện nhanh chóng dễ dàng nhất. Mỗi lần tới ngày giỗ chị tôi, tôi vẫn nhớ làm giỗ chị bên Mỹ, đồng thời gọi điện thoại nhắc chị em tôi bên Việt Nam vào chùa đốt hương cho chị và nhờ sư thầy tụng hồi kinh cầu siêu cho ba mẹ con.

Phần tôi, từ khi biết và ghé thăm Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân lần đầu, do một số văn-nghệ-sĩ tại miền nam Cali có lòng tưởng nhớ đến hàng vạn người Việt Nam đã liều mình vượt biển. Những người có lòng đã tự nguyện đóng góp công và của để xây dựng nên Đài Tưởng Niệm, tôi thật khâm phục và cám ơn những tấm lòng từ tâm đó.

Lần đầu mới ghé qua, thoạt nhìn nhóm tượng điêu khắc, tôi vô cùng xúc động. Nhóm tượng được đặt trên một đế xi-măng to, gồm bốn tượng, tượng người đàn ông còn trẻ đứng cạnh một người đàn bà lớn tuổi, quần áo rách rưới, dưới chân hai người là tượng một phụ nữ ôm đứa nhỏ trên tay, tay còn lại đưa ra như kêu cứu. Hình tượng người phụ nữ ôm con khiến tôi liên tưởng lại hình ảnh hai mẹ con chị tôi, chắc trước khi chìm xuống đáy nước chị tôi cũng đã đưa tay kêu cứu tuyệt vọng, để rồi trong tích tắc đối diện với cái chết chị đã ôm chặt đứa con tật nguyền để mẹ con cùng chết bên nhau.

Mỗi lần ghé thăm Đài, nhìn tượng là lòng tôi lại nhói đau vì nhớ chị và cháu đã chết thảm. Tôi đã không kịp gửi tên mẹ con chị khắc vào các bia tưởng nhớ tại đây, nhưng mỗi lần vào thăm tôi đều đứng rất lâu trước tấm bia có tên những người cùng họ với tôi, cái họ thiểu số không nhiều người có, tôi tưởng tượng như chị và cháu đang an nghỉ ở đấy.

Đài Tưởng Niệm được đặt ở góc cuối khu nghĩa trang lớn của thành phố,lại thuộc khu nghĩa trang của người Việt rất gần thủ đô tị nạn Sài-gòn-nhỏ. Hôm nay là ngày cuối năm âm lịch, lại nhằm cuối tuần nên nghĩa trang rất đông người đến viếng mộ thân nhân. Thời tiết ờ Cali đang là mùa đông nhưng hôm nay bầu trời lại có nắng tốt, chỉ một chút gió se lạnh chứ không rét run như mấy hôm trước, có lẽ thiên nhiên cũng đồng cảm với tâm tình đón xuân của người Việt xa xứ. Tôi phải vất vã lắm mới tìm được chỗ đậu xe, tôi xách bao nhang đi bộ đến khu Đài Tưởng Niệm, vừa đi tôi vừa đưa mắt ngó quanh, chung quanh tôi mọi người đông lắm, người ta đi viếng mộ thân nhân, họ bày đồ cúng, thắp hương, nhổ cỏ, có nhà còn bày ra ăn uống trước mộ, tiếng nói chuyện cười nói có vẻ như họ đã qua đi cơn đau buồn vì mất người thân.

Ở một góc Đài là một lư đồng rất to, chung quanh lư đồng theo hình vòng tròn là những bia đá khắc tên các thuyền nhân xấu số theo thứ tự vần A,B,C, có lần tôi đếm được tất cả có 24 bia đá, nhưng có bao nhiêu tên trên mỗi bia thì tôi chưa đếm hết. Phiá dưới là hồ nước cũng hình tròn, giữa hồ là nhóm tượng điêu khắc hình 4 người như tôi đã nói ở trên; sát mé hồ cũng theo vòng tròn là 30 bia đá hình chữ nhật, nằm chìm theo nền gạch cũng có khắc tên, các bia nầy không nổi trên mặt đất như các bia vòng tròn lớn bên ngoài. Tôi thắp vài nén hương vào lư đồng, rồi tôi đi vòng quanh các bia đá, trước mỗi bia tôi thắp môt nén hương, xong một vòng bia đá nỗi tôi lại để mỗi nén hương trên các bia chìm quanh thành hồ. Xong một lượt nhang, lần nào cũng thế, tôi lại đi vòng qua các bia nhìn từng tên người mất; đến chỗ bia có khắc tên những người cùng họ tôi ngừng laị trước bia nầy lâu hơn như tưởng tượng có tên chị tôi và hai đứa cháu ở đấy, tôi lấy tay vuốt qua vuốt lại trên mặt bia như thầm thì nói chuyện với chị tôi. Chờ nhang tàn tôi lại đi vòng các bia thắp thêm một lần nhang nữa, còn lại chút ít tôi cắm cả vào lư đồng to.

Tôi đưa mắt nhìn chung quanh, người ta đi viếng mộ thân nhân đông quá, ngôi mộ nào cũng khói nhang nghi ngút, sao không thấy ai quá bước qua khu Đài -Tưởng-Niệm-Thuyền-Nhân nầy đốt cho các bia đá ở đây nén nhang tưởng nhớ, dù chỉ là bia đá vô tri có khắc tên, chứ không phải là những ngôi mộ có tên người mất nằm bên dưới, nhưng có ai chắc được những bia đá vô tri lại không có linh hồn?!

Những lúc ghé vào đây đốt hương rồi ngồi lặng lẽ một mình, tôi thấy cuộc đời thật vô thường, có ai biết bao giờ mình chết và sẽ chết như thế nào. Hình như có bóng ai thoáng đi qua chỗ tôi ngồi, tôi ngước đầu nhìn lên, một phụ nữ đeo kính mát đen, đầu đội nón sụp xuống đang lui cui cắm mấy bông hoa vạn thọ trước bia đá cạnh chỗ tôi ngồi. Tôi vội đứng lên vì ngỡ bà đến viếng thân nhân có khắc tên trên tấm bia đó, tôi đứng tránh cho bà làm lễ thắp hương; nhưng không phải, tôi lại thấy bà đi đến bia đá kế, rồi những bia khác bà đều đặt vài bông hoa nữa, tôi nhìn quanh thì ra mỗi bia đều có hoa hết, 24 bia nỗi và 30 bia chìm đều có hoa tươi. Thì ra vẫn còn người có tâm có cảm, tôi vẫn còn chút lạc quan vào tình người đối với người.

Người đàn bà như không hề để ý đến ngoại cảnh, bà chỉ chú tâm làm công việc của mình, bà có vẻ rất say mê với việc làm đó. Khi đi ngang chỗ tôi ngồi, bà đưa tay chào rồi quay lưng tiếp tục làm. Tôi thấy bà vừa đặt hoa tươi vừa dọn sạch những rác bẩn trước mỗi bia.

Tôi nhìn quanh các bia đã thấy rực một màu vàng tươi của hoa vạn thọ, tôi đứng dậy bước theo chân bà xem bà làm và cũng muốn làm quen với người phụ nữ có lòng nầy. Tôi hỏi chắc bà đã đến đây nhiều lần rồi, bà gật đầu nói bà đến mỗi tuần, có thể vào ngày thường trong tuần chứ không nhất thiết là cuối tuần, bà nói thêm hôm nay là sắp Tết đặt ít hoa cho thấy có vẻ Tết cho tươi vui một chút vậy mà. Tôi ngỏ ý xin bà cho phép tôi chụp tấm hình bà đứng giữa các bia để làm kỷ niệm cuộc gặp gỡ của tôi với bà hôm nay, nhưng bà đã khoát tay từ chối nói không cần thiết đâu. Tôi không hỏi bà có thân nhân có tên trên các bia đặt ở đây hay không thì việc làm của bà cũng thật có ý nghĩa, rất đáng trân trọng. Tôi đã chụp được vài tấm hình của bà, dù bà đã cố ý quay lưng đi dấu mặt, tôi chỉ muốn ghi lại chút kỷ niệm với người phụ nữ có lòng từ tâm nầy. Tôi mong sau nầy sẽ có thêm những bàn tay nhân ái nữa đến thắp hương cho các bia đá ở đây bớt lạnh lẽo.

Tôi nhìn lần nữa dáng người phụ nữ vẫn đang say sưa với công việc của mình, bà như đang đắm chìm vào thế giới riêng của các bia đá, bà không màng đến cái xã hội ồn ào chung quanh.

Trước khi từ giã Đài Tưởng Niệm, tôi đi vòng quanh hồ, nhìn tượng người đàn bà ôm con đưa tay cầu cứu mà tưởng tượng đến hình ảnh của chị tôi lúc đối diện với cái chết tay vẫn ôm chặt đứa con lớn và chắc chị cũng tuyệt vọng kêu cứu.

Gần ba chục năm trôi qua, mỗi lần nhớ lại câu chuyện đau buồn nầy, tôi vẫn hình dung lại từng chi tiết thật rõ ràng, thương đứa cháu phải lạc mẹ khi chết. Thân cháu đã rữa nát dưới lòng biển lạnh, tội nghiệp cho tuổi thơ vô tội của cháu.

Cúi đầu bước đi trong nước mắt, tôi thấy như đang vang trong đầu lời ca của một bài hát cũ … Biển lớn cuốn em đi… rồi xa rồi xa mãi.

Thái Anh

Ý kiến bạn đọc
19/05/201307:20:04
Khách
Câu chuyện thật xúc động!!!
13/05/201302:29:09
Khách
Một câu chuyện buồn, một bài viết hay...
10/05/201319:30:17
Khách
Cam on tac gia da nho va viet mot cau chuyen that thuong tam. Gia dinh chung toi cung co nguoi di vuot bien mat tich, nhung khac la ca ghe cung mat tich, nen khong biet chet nhu the nao o dau. Chi biet lay ngay di lam ngay gio ma thoi. Mong chung ta khong bao gio quen toi ac cua CS Vietnam doi voi dan mien Nam ke tu trong chien tranh lan sau 1975!
07/05/201320:57:42
Khách
Bài viết rất cảm động về những thuyền nhân đã không đến được bến bờ Tự Do. Cám ơn tác giả đã chia xẻ một phần đau thương mất mát của mình để mọi người cùng suy nghiệm và cảm thông.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,650,544
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng 12.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của tác giả viết về mùa giáng sinh.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết mới của bà được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ hai của bà
Nhạc sĩ Cung Tiến