Hôm nay,  

23/04/201300:00:00(Xem: 324037)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO. Hiện đang sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. Đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của Minh Nghĩa.

Từ lúc gởi resumé đi xin việc, cả tháng trời ngày nào Hà cũng mong cũng ngóng, đến khi không còn hy vọng gì nữa thì nhận được cái hẹn phỏng vấn sáng nay. Đêm qua ngủ không ngon giấc vì lo lắng nên trời vừa hừng sáng cô đã thức dậy. Trước khi bước ra cửa, cô dừng lại nhìn lên bàn thờ nhìn lên tấm hình của ba cô trong bộ quân phục binh chủng Biệt Động Quân, nói nhỏ “Xin Ba cho con sự tự tin.”

Hơn ba mươi tuổi, lắm lúc Hà không biết sao để trả lời những câu hỏi “Sao chưa lập gia đình? Kén quá phải không? Bộ thất tình nên giờ này ở vậy?” Cô chỉ biết nói đùa tại cái duyên chưa tới, tại kiếp trước không nợ nần ai nên không phải trả nợ. Qua đây được vài tháng, mấy người bà con hối cô lấy chồng vì sợ cô ngày càng lớn tuổi thì càng khó kiếm người, tuổi già thui thủi một mình. Cô lưỡng lự suy nghĩ không lẽ mới qua đây chưa làm được gì mà đã lo chuyện chồng con. Mấy chục năm trước bạn bè cô đi vượt biên bất kể mạng sống; ngày nay cô may mắn được đến Mỹ bằng máy bay nhưng bù lại ba cô đã đánh đổi nhiều năm trong lao tù Cộng Sản để gia đình cô đến nơi này bình an. Cô nhớ hoài những giây phút cuối trên giường bệnh ba cô đã nói với các con “Tối qua ba nằm mơ thấy nhà mình được đi Mỹ. Bà con bạn bè đến phi trường đón mình đông lắm.” Thế mà chỉ còn hơn một tháng gia đình cô sẽ lên máy bay đi Mỹ theo chương trình HO, căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đã mang ba cô ra khỏi cuộc đời, đã lấy đi giấc mơ của ba cô, giấc mơ được đi Mỹ, được sống ở một đất nước tự do!

Cô nghĩ đi học ở lứa tuổi sắp về chiều cũng khó vì lúc còn trẻ học đâu nhớ đó còn bây giờ không biết chữ nó vô đầu mình hay không, nhưng ở đây chính phủ cho tiền học thì tại sao mình lại không đi học? Chẳng bù lúc còn ở Việt Nam, trước khi gia đình đi Mỹ cô đã phải bỏ tiền đi học ở trung tâm dạy đàm thoại Anh Văn để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai. Vậy mà lần đầu tiên tới trường học ESL mặt cô ngơ ngơ; ở nhà bắt điện thoại lên nghe giọng Mỹ cô cúp điện thoại cái rụp. Biết đi học ở lứa tuổi này là liều vì nếu cô may mắn học ra trường chắc gì tìm được việc làm vì có ông chủ nào lại đi mướn một người nhân viên vừa già vừa dở tiếng Mỹ như cô, thế nhưng cuối cùng Hà cũng quyết định đi học.

Bốn năm xách cặp đi học, ra trường cô về Việt Nam một chuyến thăm gia đình người chị và bà con bạn bè. Gom góp tiền bạc cô mua quà đóng thành hai thùng và dành ra một ít để tiêu xài biếu xén; còn vé máy bay thì cậu em mua dùm mà không nhận lại tiền. Bốn tuần lễ sau trở lại Mỹ cô bắt đầu đi tìm việc làm với cái bằng hai năm về computer. Tuy học computer nhưng cô không có khiếu về lãnh vực này, chẳng qua thời đó ngành computer đang lên nên ai cũng chen chân vào học. Cô định sau khi tốt nghiệp cô sẽ qua bên chú của cô ở San Jose - vùng thung lũng vàng - để xin việc làm nhưng người tính sao bằng ông trời tính, cô ra trường nhằm lúc cái ngành computer đang xuống dốc, giỏi như mấy đứa bạn học trẻ tuổi của cô mà còn không kiếm ra được việc làm huống hồ gì là cô. Kiếm mãi rồi cô cũng có một việc làm chẳng dính dáng gì với ngành học của cô - làm dây fiber optic và dây cable cho các công ty điện thoại và cho hãng máy bay Boeing.

Khi tòa tháp đôi ở New York bị khủng bố đâm sập ngày 11 tháng 9, các hãng máy bay ế ẩm vì không ai dám đi du lịch nên hãng của cô cũng bị ảnh hưởng. Họ cho công nhân nghỉ việc hết đợt này tới đợt khác; tới đợt thứ ba, Hà là một trong những người không may đó. Ngày đó cô vì đi làm chung xe với hai người bạn gần nhà, hãng của cô gọi taxi chở cô về nhà. Tới nhà, bước xuống xe cô mở cửa vào nhà chợt thấy má mình ngạc nhiên đứng nhìn, cô nói với một giọng buồn thiu:

“Má ơi, con bị nghỉ việc rồi!”

Mất việc trong lúc này làm cho cô nhức đầu suy nghĩ vì cô mới mua xe, trả trước năm ngàn và còn phải trả thêm mỗi tháng hơn hai trăm đô. Cái xui tới dồn dập, một buổi sáng đứng kéo cánh cửa sổ cô bị trẹo lưng đi không được; không còn bảo hiểm sức khoẻ nên cô thoa bóp dầu gió xanh và dán Salonpas mà vẫn không bớt. Cũng may cho cô, có một người quen là bác sĩ chỉnh hình mới ra trường mở phòng mạch gần nhà đã giúp cô chữa trị không lấy tiền.

Ăn tiền thất nghiệp được hơn bảy trăm mỗi tháng nên cô cũng đỡ lo về việc trả nợ mua xe mới và tiền bảo hiểm xe. Biết buồn chán ngồi ì một chỗ dễ sinh ra bệnh, cô tới phòng tập thể dục gần nhà để tập cho khoẻ và bớt nghĩ ngợi. Ở trung tâm thể dục này họ ưu tiên cho những người thu nhập thấp và người bị thất nghiệp nên hàng tháng thay vì trả 45 đô thì cô chỉ trả có 11 đô sau khi trình cho họ cái ngân phiếu của sở thất nghiệp. Đứng trên máy đi bộ mà đầu óc cô suy nghĩ lung tung. Đã bao nhiêu lần cô mơ mình trúng số nên tuần nào Loto lên vài triệu hay Mega lên hơn chục triệu cô bỏ ra hai đồng để mua vé số. Từ khi mua cho đến ngày xổ số, cô mơ mình trở thành triệu phú rồi dự tính sẽ cho ai tiền, cho bao nhiêu và mình sẽ tiêu xài số tiền này như thế nào... Không biết bao nhiêu lần cô nhớ lại những ngày mình mới sang, nhớ lại những công việc mình đã làm trong suốt thời gian qua…

… Năm 1995 cô theo người quen đi xin việc ở Nalley, một hãng làm dưa leo chua ngọt lâu đời ở thành phố này. Mùa hè họ chở dưa từ các nơi khác về nên họ tuyển công nhân thời vụ vào làm việc rất đông. Ngày đầu đi làm cô lái chiếc xe Osmoblile hai cửa mua lại của một ông Mỹ già mà cậu của cô đã tìm được trên báo. Chiếc xe tuy đời cũ nhưng ông Mỹ này giữ thật kỹ lưỡng nên màu sơn đỏ vẫn còn tươi roi rói, ghế nệm nhung đỏ sậm sạch sẽ thơm tho và cũng vì ghế nệm đẹp nên ông cậu chẳng màng tới việc chiếc xe đã chạy over miles. Vì không tìm được chỗ đậu xe gần hãng nên cô phải đậu xa cách hai blocks đường. Vào làm ca đêm từ 9 giờ tối tới 6 giờ sáng nhưng mới một giờ sáng cô phải ra về vì hết việc. Trời khuya lành lạnh đường sá vắng tanh không một bóng người, cô cố đi thật nhanh tới chỗ đậu xe. Băng qua đường, một mình trên con đường lạ cô vừa sợ vừa tủi thân, nước mắt lăn trên má.

Ngày hôm sau cô làm đủ tám tiếng. Cô được làm chung với mấy người công nhân chính thức, toàn là người Đại Hàn, bỏ các lát dưa vào hủ. Cô thì nhỏ con còn các bà Đại Hàn thì to cao phốp pháp nên làm việc một chút các bà đã đổ mồ hôi; vì vậy hai bên góc tường họ để hai cái quạt đứng thật to gió thổi ào ào làm cô co ro vì lạnh. Vài giờ sau cô được chuyển lên dây chuyền đóng nắp hủ vì tuy điều khiển bằng máy nhưng họ cần người đứng ở đó để lấy bớt ra nếu dưa được nhét vào hủ quá chặt. Sau vài tiếng đồng hồ có lẽ hít nhiều dấm nên cô như người bị say sóng, cô đứng yên một chỗ đường ray chạy về phía trước mà cô có cảm giác như nó đang chạy giật lùi về phía sau. Luống ca luống cuống cô làm mấy hủ dưa đụng nhau ngã lăn ngã càng, mùi dấm xông lên nồng nặc. “Stop! Stop!”, người thợ máy vội vàng tắt máy chạy xuống đặt hai cái bảng chận ở hai đầu đường ray ra hiệu cho cô đi ra chỗ khác để họ dọn dẹp. Hàng trăm hủ dưa bị bể cũng như còn nguyên trên đường ray được hốt sạch bỏ vào thùng rác, cô lại trở về phía dưới đứng cạnh các bà Đại Hàn to béo và lại tiếp tục núp hai cái quạt đang ào ào thổi gió tới phía mình.

Vài ngày sau cô được chuyển lên ca ngày làm công việc lựa dưa. Ở đây cô gặp nhiều người Việt Nam, trong đó có một chú người Việt Nam lớn tuổi cùng làm chung ca với cô. Ban ngày chú làm việc ở đây, chiều về chú đi dọn dẹp vệ sinh ở một chỗ khác. Đầu tuần chú tỉnh táo nhưng những ngày sau đó chú không còn sức lực để làm việc nên chú đứng yên một chỗ lưng dựa vào vách tường, đưa hai tay ra chạm vào mấy trái dưa rồi mặc cho dưa chạy qua mà mắt thì nhắm lại. Hỏi ra mới biết gia đình chú qua đây khoảng ba năm, chú có mấy đứa con lập gia đình còn kẹt ở Việt Nam nên chú cố đi làm thêm kiếm tiền để gởi về cho con.

Làm ở hãng dưa leo được ba mùa hè thì hãng dọn qua chỗ khác nên mùa hè thứ tư Hà đến văn phòng housing để xin việc. Họ giới thiệu cô đến một hãng gần nhà, chuyên nhận khăn, mền và ra giường từ các bịnh viện về giặt sấy. Cô làm chung với các cô gái người Mễ to cao khoẻ mạnh làm việc siêng năng và bà sếp người Đại Hàn mắt một mí nhỏ xíu, thân hình gầy guộc nhưng nhanh nhẹn làm không từ một việc gì. Công việc ở đây tuy đơn giản nhưng phải chú ý mới nhớ hết được cách xếp của từng bịnh viện vì mỗi bịnh viện có một loại khăn khác nhau và xếp cách xếp cũng khác nhau.

Công việc này khá vất vả với Hà vì cô làm sao có sức khỏe như mấy cô gái trẻ người Mễ mà cô cũng không dai sức như mấy bà Đại Hàn, nhất là bà sếp ốm nhom ốm nhách nhưng làm việc thật kinh hồn, chắc nhờ sâm Cao Ly vì đến giờ nghỉ bà mở chai nước to màu vàng nhạt tu một hồi. Có lần bà gọi cô đi vào phòng sấy kéo cái thùng đựng đầy mền nặng trĩu; lần sau bà kéo ra giữa chừng rồi để cô đẩy thùng hàng ra ngoài một mình. Biết cô kéo không nổi nên cô gái người Mễ làm chung bước tới kéo phụ cô. Nhiều lần như vậy làm cô mệt nhoài, cô nghĩ trong lòng “Tôi chỉ làm tạm hai tháng hè thôi, tháng 9 này tôi đi học lại rồi. Tôi sẽ không bao giờ trở lại nơi này.” Và cô đã làm thiệt, cô im lặng làm việc cho đến ngày cô đến gặp bà xin nghĩ làm để trở lại trường học. Bà khựng lại, nét mặt bớt lạnh lùng bà nói sau giờ học cô cứ tới đây để làm. Sau này khi bị thất nghiệp lần nữa dù rất muốn có việc làm nhưng cô không trở lại hãng xếp đồ vì cô sợ làm việc với bà và cô đã ngán cái công việc đó lắm rồi!

… Sau vài tháng bị thất nghiệp, một lần nữa đánh ván bài liều Hà đến sở thất nghiệp làm thủ tục xin đi học. Bây giờ thì cô lại muốn học cái nghề nào đó để có thể xin việc làm ở bệnh viện vì nghe nói mấy nghề liên quan đến sức khỏe con người lúc nào cũng cần, không sợ bị thất nghiệp. Khi nghe ý định của cô các em cô nhao nhao phản đối, chúng nó nói các ngành học này có cả khối người đang thất nghiệp nộp đơn đi học, tới phiên cô thì cũng phải vài năm nữa. Chúng còn trêu cô lần này mà học xong thì chắc cô cũng vừa tới tuổi ăn tiền già. Không nhụt chí vì những lời bàn ra của em út trong nhà, cô tìm đến trường dạy nghề. Đúng y như lời các em cô nói, khi cô đến trường dự buổi orientation thì họ cho cô biết là ba năm nữa mới tới lượt cô vào học.

Ra khỏi văn phòng cô ngồi một hồi lâu và nghĩ thôi thì tìm việc làm cho rồi. Nghĩ vậy cô với tay lấy tờ báo “South Sound End”, một tờ báo chuyên đăng tin tức tìm việc làm cho người thất nghiệp. Khi đọc tới đoạn tin bộ phận Research &Development của một công ty lớn ở thành phố Federal Way đang tuyển người làm phòng thí nghiệm cấy mô thực vật, tim cô đập mạnh vì cô không thể tưởng tượng công việc họ đang tuyển người lại giống công việc ngày xưa cô đã từng làm khi còn ở quê nhà. Cầm tờ báo cô đi nhanh ra bãi đậu xe, lên xe rồi mà cô vẫn ngồi suy nghĩ có nên nộp đơn xin việc chỗ này hay không? Thôi thì cứ thử thời vận một lần xem sao, cô đến thư viện mượn sách dạy viết resumé xin việc làm và sách hướng dẫn cách chuẩn bị đi phỏng vấn. Mày mò chọn lựa các mẫu resumé trong sách, cô lấy ý từ cái mẫu này cộng thêm một tí từ cái mẫu kia để cuối cùng cô có được một cái resumé của cô. Sau khi gởi resumé và thơ giới thiệu tới hãng xin việc, cô soạn thêm mấy chục câu hỏi và các câu trả lời để dành nếu được gọi đi phỏng vấn.

Cả tháng trời trôi qua chờ đợi tuần này đến tuần kia vẫn bặt tin, cô nản lòng không còn trông mong gì nữa thì một buổi sáng có tiếng điện thoại reng, nghe giọng Mỹ ở đầu bên kia linh tính cho cô biết có lẽ nơi cô nộp đơn xin việc gọi cho cô. Quả đúng như suy nghĩ của cô, họ cho cô một cái hẹn phỏng vấn. Đời người mà, hết cơn bỉ cực thì phải tới hồi thái lai chứ, tuy chưa biết có qua được vòng phỏng vấn hay không nhưng cô cảm thấy tự tin vào bản thân mình hơn và thấy cuộc đời tươi đẹp hơn. Trước ngày đi phỏng vấn cô nhờ em gái ngồi bên cạnh để chỉ cho cô lái xe tới công ty này vì tuy biết lái xe đã lâu nhưng cô chỉ chạy đường trong thành phố chứ chưa lần nào cô dám ra xa lộ một mình. Những năm trước vài lần cô ngỏ ý muốn chạy thử ra xa lộ, các em cô tán thành ngay và tận tình ủng hộ cô. Vậy mà tới sáng thứ Bảy khi em cô khều cô dậy sớm để đi tập xe thì tự dưng sống lưng cô lạnh ngắt, tay chân bải hoải không muốn ra khỏi giường. Sau nhiều lần, em cô nản lòng còn cô thì nản chí không dám nhắc chuyện tập chạy ra xa lộ nữa.

“Cái khó ló cái khôn”, cũng nhờ có việc làm ở xa nên cô mới can đảm chạy xe ra xa lộ; cô chạy riết ở cái lane bên phải đến nơi sớm cả tiếng. Tới giờ bà thư ký ra đón cô vào phía trong tòa nhà. Băng qua dãy hành lang dài đến một cái phòng nhỏ cuối dãy ở lầu hai, bà mở cánh cửa; cô bước vào và chợt khựng lại khi thấy có bốn người đang ngồi trong phòng. Họ đứng lên chào cô và giới thiệu tên của họ mà cô nghe lùng bùng lỗ tai. Một người nói resumé của cô rất phù hợp với công việc này nhưng họ cần phỏng vấn cô để biết chắc đây là người họ đang cần, vì vậy họ sẽ hỏi cô tất cả là hai mươi câu hỏi. “Hai mươi câu hỏi”, nghe vậy Hà lạnh cả người nhưng khi họ hỏi câu đầu tiên cô trả lời liền vì đó là tên gọi các máy móc dụng cụ cô đã từng dùng lúc trước. Nhìn họ gật gật đầu, cô mừng trong bụng. Khi họ hỏi tiếp những câu hỏi về kinh nghiệm làm việc, dù không đủ từ để diễn tả cô cũng cố gắng trả lời. Và may quá, sáu câu hỏi cuối cùng gần giống những câu hỏi cô đã soạn sẵn nhưng thay vì trả lời dài dòng nhiều ý như đã soạn, chữ nghĩa bay mất nên câu trả lời của cô ngắn ngủn; vậy mà họ cũng hiểu và lại gật gù!

Về nhà, cô thất vọng vì biết mình đã không trả lời được một số câu hỏi theo đúng ý của người phỏng vấn. Như một phép mầu, hai ngày sau niềm vui òa vỡ khi cô được báo tin họ bằng lòng nhận cô vào làm việc.

Ngày đầu vào nhận việc, lúc được dẫn đi chào mọi người cô cố tìm xem có người Việt Nam nào làm việc ở đây không? Cô gặp ba người có mái tóc màu đen nhưng khi chào hỏi thì ba người có mái tóc đen đó, một cô là người Nhật, một cô là người Phi Luật Tân và một chàng trai trẻ nửa Đại Hàn nửa Mỹ. Họ sinh đẻ ở Mỹ nhưng ít nhiều họ cũng có cảm tình với người Việt Nam vì Mayumi, cô Nhật kia có người em rể là Việt Nam và Maricel, cô người Phi thì ba cô ngày trước là lính Mỹ đi tham chiến ở Việt Nam. Hà cũng may mắn có được sự thông cảm và giúp đỡ của Bonnie, cô sếp, vì cô này trước đây đã từng làm việc ở một clinic có mấy người y tá Việt Nam nên cô ta nghe và hiểu được cái giọng Mỹ đầy ắp “accent” của Hà.

Với cái vốn liếng tiếng Mỹ ít ỏi nên thời gian đầu vào làm việc ở đây là thời gian khó khăn nhất của Hà. Vì không có một người Việt Nam nào để cô có thể nhờ vả, “tự lực cánh sinh” nên nhiều khi cô bị hụt hẩng vì không hiểu ý của các bạn làm chung nhóm cộng thêm sự lo lắng vì những sai sót trong công việc nên chứng bịnh tăng xông đã tìm đến với cô lúc nào chẳng hay. Dù cô có kinh nghiệm làm việc trong lãnh vực này nhưng đã mười mấy năm qua rồi, dù cho phòng thí nghiệm cô làm trước đây thuộc loại tân tiến hiếm hoi ở Sài Gòn vào thời đó nhưng làm sao bì với sự tiến bộ của một công ty giàu có ở nơi này. Cô học hỏi không ngừng và cố gắng làm việc để người ta không coi thường cô và cũng để có được công việc ổn định tới lúc về hưu.

Làm việc chừng sáu năm thì tình hình kinh tế Mỹ lại xuống dốc lần nữa, nhà cửa xuống giá nên hãng của cô - một hãng kiếm lợi nhuận qua việc trồng rừng và chế biến gỗ - bị ảnh hưởng trầm trọng vì nhà không xây cất nữa thì họ đâu bán được gỗ. Không cầm cự nổi công ty cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt. Chỉ riêng tòa nhà cô làm việc, trong tháng Tám họ cho hơn bốn trăm người nghỉ việc. Sau đó họ lại tiếp tục giảm người và cho về hưu hết đợt này đến đợt khác khiến cho tòa nhà ba tầng giờ đây vắng hoe, sáu cái bãi đậu xe mênh mông giờ đây leo queo có mấy chục chiếc xe. Thấy vậy Hà cũng lo dọn dẹp đồ đạc cá nhân đem về nhà vì cô nghĩ mình sẽ là người ra đi nếu công ty tiếp tục giảm người bởi trong nhóm làm việc của cô, cô là người vào làm sau cùng và cũng là người dở tiếng Mỹ nhất.

Biết mình sẽ bị nghỉ việc bất cứ lúc nào nhưng trong lòng cô, cô nghĩ mình may mắn lắm rồi vì cô có được cơ hội làm việc trong một môi trường thật tốt, đồng nghiệp chia sẻ công việc trong công bằng và tôn trọng lẫn nhau chứ không có cảnh chèn ép như ngày xưa cô đã từng gặp phải khi làm việc ở quê nhà. Nếu phải ra đi cô không buồn vì cô biết tình trạng kiệt quệ của công ty mà cô chỉ tiếc cái tình người đối với nhau.

Còn hơn hai tuần nữa tới ngày công bố ai sẽ là người ra đi, mọi người sống trong lo âu hồi hộp. Gặp nhau họ cố gắng nói vài câu chào hỏi với nụ cười gượng gạo vì mọi người đều chuẩn bị tư thế sẽ rời khỏi nơi này, bầu không khí ngột ngạt bao trùm cả tòa nhà rộng lớn. Và ngày ấy cũng đến, số cô cũng còn may mắn được ở lại làm việc. Mừng cho mình nhưng cô cũng rơi nước mắt khi chia tay với những người bạn mà cô đã từng làm việc với họ.

“Sau cơn mưa trời lại sáng”, vậy chứ công ty của cô cũng phải cầm cự đến bốn năm sau mới có thể gọi là đứng chựng lại được trên nền kinh tế đang tuột dốc của cả nước Mỹ. Sáng nay trong buổi họp ông sếp của cô đã trao tặng cô một món quà và cám ơn sự đóng góp của cô trong mười năm qua.

“Thời gian đi nhanh thật, mới đây mà mình đã làm ở công ty này được mười năm… và mười năm nữa… mình vẫn còn ở đây hay là về hưu rồi…” Hà nghĩ ngợi giữa những tiếng vỗ tay và lời chúc mừng của các đồng nghiệp.

Có được việc làm như ngày nay là một sự may mắn bất ngờ mà cuộc đời đã ban tặng cho Hà, tự đáy lòng cô cám ơn đất nước Mỹ đã dang rộng cánh tay đón nhận gia đình cô; cám ơn Weyerhaeuser, công ty của cô, đã cho cô một việc làm mà cô không dám ao ước là mình sẽ có được trong quãng đời còn lại của mình.

Minh Nghĩa

Ý kiến bạn đọc
21/05/201300:56:05
Khách
Tội quá ! Hay quá ! Kiên cường quá !
09/05/201317:39:06
Khách
Tội nghiệp cô Hà, gian nan thì phiêu lưu "dài dòng văn tự", mà đến kỳ thái lai vui hưởng thì chỉ "ngắn gọn vài dòng". Tác giả đưa người đọc như xem cuốn phim Đại Hàn, kể một cô gái nhân hậu gặp trăm nghìn khổ ải điêu linh qua mấy chục tập mới nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, và khi chỉ mới thấy ánh sáng thì phim đã hết.
Tiếc quá nhưng mà vui. Chia sẻ với cô Hà về hậu vận nha.
24/04/201320:41:23
Khách
Ủa, ở VN ngày xưa cũng có cảnh chèn ép nữa hả.
Te tua giống tui quá hén.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến