Hôm nay,  

Má Vợ Ở Rể

17/03/201300:00:00(Xem: 277350)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là cư dân hưu trí tạ tiểu bang Oklahoma, đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là "Cha Con Mỹ Hoá." Bài mới lần này là một truyện vui gia đình. Mong bà tiếp tục viết.

Hôm nay xếp va ly đi thăm con tuần tới, tui vui khi nghĩ đến lúc gặp mặt hai thằng cháu ngoại nhưng lòng lại vương vấn buồn, nỗi buồn thời đại có mình trong đó. Không biết gọi ai để ngỏ lòng. Thôi đành ngồi gõ máy để than thở với tất cả mọi người, với hy vọng tìm được người cùng cảnh ngộ kết bạn tri kỷ trong quãng đời còn lại.

Tui kể chuyện thật đấy, tui mà nói xạo thì sẽ bị trời đầy phạt sống hoài không chết.

Nói cho cùng tui có nỗi buồn ngày hôm nay là vì “ Trăm đường là lỗi của tui “ tui đã tài khôn dại dột làm cách mạng chống lại má tui. Đối với hai đứa con gái tui, tui đã làm ngược lại hết những điều má tui đã làm với tui.

Ba cái chuyện lặt vặt là chuyện nhỏ, tui chỉ kể ra đây ba mục tiêu tranh đấu căn bản của tui thôi.

Điều lệ thứ nhất : Nam nữ bình đẳng. Má tui sanh ra một lô bẩy thị mẹt mà vẫn không ngừng sản xuất nhi đồng vì muốn có một đấng con trai nối dõi tông đường. Thời gian đầu từ Bắc vô Nam, làm gì có tiền mà mướn vú em với lương công chức của ba tui. Má tui phải xông pha buôn bán để kiếm tiền phụ mà cuộc sống cũng vẫn phải tằn tiện, đầu tháng ăn ngon cuối tháng ăn sẻn.

Mỗi lần thấy mình sắp có em tui chẳng vui chút nào, phải bế em oằn cả lưng vui nỗi gì. Trời thương má tui đến lần thứ tám thì má tui có cục cưng chào đời. Nhưng để chắc ăn, má tui vẫn tiếp tục cho thêm hai thằng em nữa góp mặt với đời.

May quá sau đó má tui ngưng việc sản xuất vì thêm một thằng nữa có Tứ Quý nhưng lại bị lẻ không được tròn một tá. Muốn có một tá tròn thì lại sợ có Ngũ Quỷ. Xin cám ơn Trời Phật đã cho sự khôn ngoan sáng suốt đến với má tui.

Ba má tui vui, nhưng tui là người lãnh đủ. Tụi nó ba thằng, vai em nhưng là cha, là ông nội của tui. Thua tui cả hơn chục tuổi, nhưng tui phải chiều chuông nịnh nọt tụi nó để tụi nó không óe cái miệng lên làm má tui lại cao giọng la tui “ Không biết thương em “.

Theo thời gian ba má tui có thể mướn người giúp việc nhưng kiếm được người đâu có dễ. Nhưng may quá các thị mẹt em cũng từ từ lớn lên, tui hân hoan bàn giao việc lo ba thằng ông nội cho các nàng. Phái yếu nhưng số đông, và các thị mẹt em khôn lỏi hơn tui nhiều, nên việc nhà trước sau êm đềm.

Thỉnh thoảng tui cũng thấy ba thằng bị các thị mẹt cho ăn cốc vào đầu, bị kéo lỗ tai xệ xuống, hay bị vài cái tát vào miệng, nhưng tui không can thiệp, vì cùng là người nhà cả mà, biết bênh ai bỏ ai cho đành. Cảnh bạo động này chỉ xẩy trong bóng tối, xa đôi mắt sáng chói của má tui. Các thị mẹt đủ khôn không để lại dấu tích và luôn luôn có lời hăm dọa ba thằng đi kèm nên các nàng không bị má tui cao giọng trách móc “Không biết thương em“

Chỉ khi nào ba thằng bị người ngoài ăn hiếp tui mới can thiệp, ra mặt đấu võ mồm, hăm dọa, cùng lắm mới ra vài chiêu quyền cước… các đấng mày râu người ngoài loi choi này đều xếp ve, vỗ tay hứa hẹn với tui sẽ sống chung hòa bình với ba thằng ông nội của tui.

Điều lệ thứ hai : Áp dụng luật lao động cho con nít dưới 18 tuổi.

Hãng xưởng của nước văn minh mà mướn con nít dưới 18 tuổi làm việc là bị tố cáo rất nghiêm trọng, bị phạt bị đóng cửa. Má tui đã phạm luật lạm dụng tui. Tui mới 5 tuổi ranh vừa chơi vừa phải dòm chừng em. Thời gian má tui làm sai pháp luật kéo dài mười mấy năm mà chung quanh không một ai đứng ra tố cáo vì nhà nào cũng coi luật pháp như pha, đồng lòng coi đó là chuyện kinh thiên địa nghĩa. Chính phủ của nước nghèo lạc hậu cũng vậy, coi là chuyện nhỏ, không can thiệp.

Với lý do con gái phải vào khuôn phép công dung ngôn hạnh má tui đã tận tình hành hạ bẩy thị mẹt tui đến nới đến chốn, trong khi ba đấng mày râu chỉ có ăn ngủ chơi, việc nhà không hề đụng đến chân tay.

Sau này khi đến nhà con trai chơi thấy các chàng vui vẻ rửa chén, còng lưng đẩy máy hút bụi, nghe con dâu luôn miệng kêu “ Anh ơi làm cho em cái này “ má tui miệng thì khen các chàng giỏi, không bị huấn luyện từ thủa còn thơ, mà việc nhà sao khéo đảm đang thế. Nhưng về nhà thì cứ than ngắn thở dài cho các thằng con bị đì của mình “ Đúng là trời đất đảo lộn tùng phèo, văn minh nước Mỹ có khác, có đàn ông làm công việc nhà, ngộ thật ta “. Tui nhìn má tui buồn mà cười thầm “ Mấy đấng mày râu của má bị quả báo nhãn tiền rồi, má cũng có góp phần tội lỗi trong đó “.

Điều lệ thứ ba : Tự do tranh luận với cha mẹ

Suốt cả cuộc đời tui, tui luôn luôn phải nghe lời má tui. Má tui sai rành rành mà tui vẫn không bao giờ dám cãi, luôn luôn phải làm theo ý của má tui. Bây giờ má tui tuyên bố bà là người thức thời theo kịp tiến hóa của thời đại, nhưng má tui chỉ văn minh với con dâu thôi, với con gái thì vẫn nệ cổ như xưa, người xưa đã nói giang sơn dễ đổi bản tính không rời mà. Tui vẫn tiếp tục không cãi lại không phải vì sợ má tui như ngày xưa còn bé mà vì tội nghiệp má tui… sợ má tui buồn bị mất Power.

Tai hại nhất là có những bà mẹ độc đoán ép duyên con lấy nhầm thằng chồng vũ phu, bị đục lên đục xuống, con chỉ biết than cho số phận mình hẩm hiu, nếu dại dột trách mẹ có khi còn bị mẹ chửi tại vì mình làm sao mới bị chồng đánh chứ bộ.

Phải diệt hết cái xấu của chế độ phong kiến, đời con cháu mới khá lên được, tui đã trào sôi máu huyết nghĩ như thế đấy.

Kết quả cuộc cách mạng của tui, được vài điều tốt…

Về nam nữ bình đẳng, nhờ nguyên tắc này tui không để ông xã tui ngồi lên đầu tui, tui không chịu cảnh chồng chúa vợ tôi. Xã không được như ba tui, tức là việc nhà không đụng đến. Cái bếp cũng của xã chút chút, đời thêm hương hoa tươi lên một chút cho phái chân yếu tay mềm của tui.

Tui và xã thuộc loại không chịu cực, nên sau khi cho ra đời 2 đứa con gái tụi tui đều một lòng nhất quyết ca “Thôi… thôi … xin thôi”, cần gì thằng đực rựa cho mệt “Ta chẳng cần ai nhang khói đâu”. Xã còn hăng hái đứng dậy nghiêm trọng nhịp chân hát “Thôi… thôi… vợ anh hừng đông không cầy bừa … chồng em hừng đông không cầy bừa… chúng ta cùng nhau không cầy bừa …”.

Kinh nghiệm từ đông qua tây con gái sau này đều gần với mẹ nhiều hơn con dâu. Má tui đó quanh năm nói với con dâu được mấy câu ? Nói ít để tránh tiếng mẹ chồng nàng dâu và cũng vì sợ thằng con trai mình giận, phá hạnh phúc gia đình nó.

Và nhờ chỉ có hai đứa con nên tui ít tốn tiền nuôi con, sống ở xứ Mỹ tiền nuôi một đứa con là cả một gia tài. Ngoài ra tui không phải có con dâu của thời đại này, khỏi mất công lấy lòng nó để xin nuôi cháu nội. Vừa làm mẹ vợ lại làm mẹ chồng nữa thì đời có gì vui!

Về không lạm dụng sức lao động của trẻ em, nhờ điều này các con tui được hưởng một thời gian dài ở nhà với mẹ sống như công chúa. Kẻ hầu người hạ là mẹ đây cung cúc nhiệt tình chăm sóc, không một câu phàn nàn oán than. Tui cứ nghĩ đời là bể khổ, con mình được sướng ngày nào thì cứ để cho tụi nó hưởng ngày đó. Nên tui rất sung sướng hầu con, không để con cắt cả quả chanh, tui làm tuốt luôn.


Về tự do được cãi lại, nhờ đó các con tui coi cha mẹ như bạn bè, chuyện lớn chuyện nhỏ đều kể hết. Không bị mang nỗi ấm ức trong lòng như tui hồi nhỏ. Không nhút nhát trong việc bộc lộ ý nghĩ của mình và không sợ làm mất lòng người ta. Đó là nguồn gốc của tâm lý nô lệ ! Các con tui luôn luôn yêu đời, mạnh dạn tự tin.

Nhưng than ôi những đìều xấu hại thật là không ít, cứ như chủ nghĩa cộng sản lộ bộ mặt thật.

Không có con trai thì con rể như con trai được không nhỉ ? Coi bộ ít người có đủ phước đó. Rể VN thì nói tiếng VN ngọng, rể ngoại quốc thì phải nói tiếng Anh… không đủ điều kiện ắt có và đủ để tâm tình hiểu nhau mà thương nhau.

Con rể khác màu tanh lòng, rể xứ Mỹ lại có tập quán không thích mẹ vợ nữa mới chết chứ. Mỹ lúc nào cũng đem mẹ vợ ra riễu đấy thôi.

Không có con trai nên xã của tôi phải hùng hục cắt cỏ, thay nhớt xe cho xã và hai cô con gái, không có thằng bé con đứng gần để xã sai vặt …mọi việc nặng trong nhà… xã phải cáng đáng mình ên.

Để con sống sướng như công chúa nên các nàng không biết và không thích việc bếp nước, cũng khổ cho các anh con rể. Nghiệp của các rể tui quá nặng. Các chàng trai xứ Mỹ nhờ văn minh hay cũng vì Nghiệp nặng mà ôm ông bà Táo vào người ?

Cả nhà tụi nó trong tuần ăn uống qua loa, ăn để sống mà. Cuối tuần cơm hàng cháo chợ chẳng sợ bệnh tật, sống lâu trái đất thiếu chỗ ở thì sao!

Con cái coi bố mẹ như bạn bè nên thoải mái cãi lại, dù là có hỏi ý kiến đấy. Lâu lâu làm theo lời cố vấn của tui, kết quả tốt thì không ghi công, kết quả xấu thì đổ thừa tại con nghe lời mẹ xúi dại mới ra nông nỗi này.

Nhờ vậy theo thời gian tui tu theo lời Phật dạy được tiến bộ… càng ngày càng ít nói, ít ý kiến ý cọ. …buồn trong lòng tự an ủi mọi sự cứ để tự nhiên theo Nghiệp Số con người.

Ôi buồn làm gì nhỉ, ngày xưa các bà nội, mẹ chồng có uy quyền nay bị mất quyền mới than trời oán đất chứ. … Có ai nói đến quyền uy của mẹ vợ hay bà ngoại đâu nhỉ ? Có đâu mà mất để buồn.

Nhưng, đời luôn thử thách, lâu lâu tui phải qua giúp con gái trông cháu ngoại, ít thì vài tuần, lâu thì một hai tháng, nên mới có chuyện tui, má vợ đi ở rể.

Ngày xưa các cụ hay nói về tình trạng các chàng ở rể như chó nằm gầm giuờng. Còn tui cũng chẳng khác gì lắm. Muốn cho vui vẻ cả nhà, nguyên tắc số một tui học được qua kinh nghiệm là dù thích hay không phải theo ý chàng rể. Rể là thượng đế, có ngoa không đây ?

Rể không thích người lạ vào nhà nên không chịu mướn người dọn dẹp. Bước chân vào nhà, mọi thứ lộn xộn lung tung. Vào bếp thì sờ đâu nhớp đó. Cái bếp của đàn ông làm sao mà ngăn nắp sạch sẽ được bằng của đàn bà.

Hì hục lau chùi, nhưng đồ để đâu thì phải để đó, không được thay đổi vị trí hay vứt đi nếu không muốn bị rể sau đó hỏi “Mẹ ơi, cái chảo mẹ để đâu rồi“ hay là “Ly sữa của con đâu rồi“. Thiệt tình cái thằng ông nội này, lười quá đi, sao không chịu tìm, cái ngăn tủ chình ình ngay đó mà còn hỏi, ngăn kia hết chỗ để rồi mới cất qua ngăn này thôi mà, ly sữa chua lè vậy còn giữ để làm mắm à ?

Thùng rác có đầy tràn cũng mặc kệ ngó lơ nếu không muốn tự mình đi đổ. Thùng rác đầy nặng thế mồ khiêng trặc xương sống nằm liệt luôn thì tan nát đời ta, ai mà ngu vậy?

Nghe con tui kể chuyện rể không thích gọi mẹ rể, nhờ đến giúp vì rể không thích mẹ rể hơi một tí sai làm điều này điều nọ “ Đi đổ rác đi, rác đầy rồi đó “ hay “ Hết nước uống rồi đi mua đi “

Một bà sui thông cảm chia xẻ nỗi niềm của tui “ Tui là má của thẳng, lúc bực thì la nó, khi giận thì bỏ nhà nó ra đi, nhưng muốn dìa là dìa ngay được, còn chị sui... ừm ừm...thì coi bộ khó đấy “

Bà khác thì thật thà tâm sự “ Tui thương thằng con tui lắm, nên không dám làm mất lòng con chị đâu, lôi thôi là tui mất con mất cháu “

Ôi thương thay các bà mẹ của thời đại này, bông hồng tặng mẹ là bông hồng héo rụi tàn phai sắc màu.

Tội nghiệp con, muốn cho con được “ Sống để mà ăn “ tui cũng chịu khó nấu ăn. Lâu lâu mới được rể khen ngon, còn phần nhiều rể thật thà tuyên bố không thích cái này cái nọ, như giò ốc thì rể không thích mùi xả. Rể làm như rể mới là đầu bếp thứ thiệt chánh hiệu con nai vàng có cầu chứng không bằng. Tui bực nghĩ thầm “ Chê, không ăn thì thôi, ta đâu cần mi ăn, chồng, con, cháu ta thích là được rồi “.

Con gái tui khen rể nấu ăn ngon, tui chẳng trách gì, nhưng tức nhất là xã cũng nhiệt tình giơ tay xin thêm tô nữa để rể vui lòng. Thì thầm hỏi xã “ Ngon thật à, sao ăn nhiều thế !” Xã cười gượng “ Ăn ít, đói sớm thì sao ? Thế đấy “

Rể chỉ rửa chén chứ không thích rửa nồi nhất là nồi lớn, có tui là rể thoải mái để dành nồi cho tui, cho tui đánh vật với nồi chơi.

Rể thương con đấy nhưng muốn con tự lập tự làm lấy mọi thứ. Có lẽ rể thấy hậu quả tai hại của lối sống công chúa của vợ rể do tui gây ra. Cũng lỗi tại rể trước khi cưới đã khoe tài nấu ăn khi con tui thỏ thẻ không rành việc bếp nước. Rể không bằng lòng cho tui đút ăn thằng cháu ba tuổi. Muốn thằng bé ăn nhiều, tui phải đưa thằng bé vào phòng để lén lút đút cho nó ăn. Tui tức tui ghê, sao mình phải hèn với thằng con rể quá vậy.

Lại gặp thằng bé hay hỏi Why, nó nói sao hôm qua bà đút con, hôm nay sao bà bắt con ăn một mình. Why, Why cái gì, tại thằng bố mày đang dòm bà kìa.

Thằng bé gắt ngủ cứ khóc kêu “ Muốn bế “ thằng bé khóc lạc cả giọng, tui sốt ruột cũng không dám chạy lên lầu bế nó xuống. Rể không la, không hét cứ từ từ nói “ Xuống đây “ cũng không chạy lên bế con. Cuối cùng thằng bé phải chịu thua, rể nhìn tui cười đắc thắng. Tưởng hay lắm à, thứ vô lương tâm, tội nghiệp cháu quá.

Nói với rể những thứ đồ ăn của China độc hại như hột chân trâu… rể nhìn tui ánh mắt riễu cợt ra cái điều “ Mẹ ngây thơ cụ quá, cái gì Internet nói mẹ cũng tin hết “ Đi phố rể thoải mái mua mấy ly trà sữa chân trâu cho mọi người. Vợ chàng, con chàng ngay cả xã tui cũng tận tình ăn hết. Chỉ có tui không uống, trơ mắt nhìn mọi người thưởng thức món ngon độc hại vào người. Con gái còn trêu chọc “ Coi chừng mọi người chết hết mẹ sống có một mình“

Tui càu nhàu với xã, xã chẳng an ủi lại còn lên giọng cải tạo “Ai kêu bà lau chùi rồi than mệt, bà lau chùi sạch được bao lâu. Ở nhà nó thì phải theo nó là đúng rồi. Bà có muốn khách đến nhà bà bắt bà phải theo ý họ không? không thích thì không đến nữa. Con nó ăn ít kệ nó, bộ nó thương con nó ít hơn bà sao “.

Chán không, chồng con sao chẳng hiểu tấm lòng của tui hết nè, tui có ăn trầu đâu mà cứ làm như tui là bà già trầu vậy.

Hỡi ôi thương hai thằng cháu quá, nghe tụi nó kêu, chưa bao giờ tui biết nói chữ “No”, hớn hở xếp va ly đi ngay dù biết là chân tay sẽ rã rời. Ôi, cái tâm lẩn quẩn!

Trần Cẩm Tú

Ý kiến bạn đọc
19/03/201313:38:00
Khách
Hay vui va thuc te qua!
17/03/201320:25:36
Khách
Quá hay! Đúng tâm trạng quá chị Cẩm Tú ơi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,393,888
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến