Hôm nay,  

Buổi Chiều Ở Thị Trấn Sông Pha

09/03/201300:00:00(Xem: 179318)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật trong ba tập truyện của Phạm Thành Châu đã xuất bản, phải kêu là tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.

Từ Đa lạt, một thành phố du lịch trên cao nguyên miền Trung Việt Nam, xuống Nha Trang, một thành phố miền biển phải theo quốc lộ 20, qua đèo Ngoạn Mục, nhà máy thủy điện Đa Nhim, khi đến thị trấn Sông Pha, các xe thường dừng lại để nghỉ ngơi một lúc. Đây là một thị trấn nhỏ, hẻo lánh, heo hút giữa rừng già, chung quanh là đồi núi chập chùng. Hôm nay trời mưa khiến cảnh vật thêm vắng vẻ và buồn.

Mưa càng lúc càng nặng hạt. Thị trấn Sông Pha với hai dãy phố trên quốc lộ 20 như chìm ngập trong mưa. Người đàn ông lom khom chạy, tay che đầu, cổ rụt xuống, tưởng như thế mưa sẽ không đổ xuống người. Khi đến một quán ăn, ông ta tạt vào hiên, đứng giũ giũ áo, phủi nước trên tóc rồi mới bước hẳn vào trong. Một cái quán bình thường, giống như bât cứ quán cơm, phở, mì nào trên quốc lộ, tỉnh lộ. Cũng mái tôle, vách ván, vài cái bàn gỗ mộc, trên để ống đũa, muỗng, mấy chai xì dầu, nước mắm...vài con ruồi bay lảng vảng. Mùi ẩm mốc, mùi đất lẫn với mùi thức ăn gợi cho ông ta cảm giác dễ chịu, tưởng như quen thuộc với nơi nầy rất lâu. Trong quán đã có vài ba người đang xì xụp ăn, mấy ly bia đã cạn. Có lẽ họ là thợ rừng vì bên lề đường có một xe be chở mấy súc gỗ to tướng, dài cỡ vài chục mét. Họ vừa ăn vừa nói chuyện nhát gừng với nhau. Người đàn ông tìm một góc, ngồi tránh gió lùa. Qua khung cửa sổ ông ta nhìn đăm đăm cái dốc cầu lỡ lói, rồi nghiêng người nhìn cho rõ cái cầu sắt, đen đủi, giống một con thú yên lặng chịu đựng cơn mưa lạnh. Mấy người đàn ông ăn xong, kêu lên. " Tính tiền, bà chủ!" Một chị đàn bà, cỡ dưới bốn mươi, từ sau quày đi ra. Họ đối đáp, cười nói xã giao vài câu trong lúc trả tiền, rồi toán đàn ông cũng lom khom chạy ra xe, nổ máy. Chiếc xe be ì ạch leo lên giốc cầu, chậm chạp như con khủng long trườn qua giòng nước chảy xiếc phía dưới, mờ dần trong mưa.

Có tiếng lao xao ngoài đường. Mấy toán học sinh đi học về. Chúng đi từng bọn với nhau, trò chuyện. Những chiếc áo mưa đủ màu. Bọn con gái đi nép dưới hiên nhà, bọn con trai thì lội ngược giòng nước mưa, dùng chân tạt nước vào nhau, đuổi nhau...Buổi chiều mưa u ám bỗng như sống động hẳn lên vì lũ học sinh. Người đàn ông chợt nhớ lại, lần trước, cách đây vài mươi năm, ông cũng ngồi trong quán ăn nhìn ra đường và bọn học trò cũng đi học về. Cảnh vật, nhà cửa hai bên đường đã hoàn toàn đổi khác nhưng chiếc cầu sắt và lũ học trò vẫn thế, dù lần trước trời không mưa, các cô thì áo dài trắng, các cậu quần xanh áo trắng. Ông ngạc nhiên tưởng chừng những cô cậu học sinh ngoài kia vẫn cứ đi học từ lúc đó đến bây giờ. Dáng đi dịu dàng của các cô, vẻ nhanh nhẹn vô tư của các cậu vẫn thế. Và nếu không có cơn mưa, ông đã đứng trên dốc cầu ngắm các cô đi học về rồi lần xuống bờ sông, nhìn mê mãi giòng nước như ông đã làm trước đây, khi ông còn trai trẻ. "Thưa ông dùng chi?" Chị chủ quán đứng bên ông tự lúc nào. "Xin lỗi chị!.." "Dạ, không sao. Ông có định ăn hay uống món gì? Hay ông chỉ ngồi trú mưa, cũng không sao!" "Chị có cháo lòng không? Tôi nhớ lần trước, có ghé lại một quán ăn nào đó, hình như đằng kia kìa, có món cháo lòng ngon lắm" "Dạ tôi cũng có cháo lòng nhưng có lẽ không ngon như ở cái quán mà trước đây ông đã ăn" "Thú thật tôi cũng không nhớ có ngon không, nhưng ở đó có một kỷ niệm nên tất cả thành ra đẹp và ngon. Lúc nãy tôi đi tìm quán cháo lòng thì người ta chỉ đến đây. Bây giờ sao không còn thấy cái quán đó nữa, chị?" "Dạ, quán đó đã đóng cửa, bán nhà cho người khác rồi" "Tiếc quá! Chị cho tô cháo". Trong lúc chị chủ quán lúi húi làm việc, ông ta để ý mới biết phía trước là quán ăn, phía sau làm nơi cư ngụ của cả gia đình. Lối đi vô nhà sau nằm ngay nơi bếp, cách biệt hẳn hai nơi rõ rệt. Một cô học trò chạy ùa vào nhà. "Thưa mẹ, con đi học về!" Nó quay qua chào ông khách. "Chào bác ạ!" "Vâng, chào cháu!" Nó chào xong là biến mất sau cửa. "Hùng ơi! Nhớ nấu cơm kẻo ba con về không kịp" Tiếng con bé từ sau nhà vọng ra. "Sao giờ nầy ba chưa về hả mẹ?" "Nghe ba con nói chiều nay ghé trường đón em con rồi ra xưởng họp hành gì đó" Chị chủ quán bưng tô cháo đến, ông ta hỏi. "Con gái sao đặt tên Hùng như con trai?" Chị cười. "Ở trường nó tên Hồng, ở nhà quen gọi Hùng từ lúc nhỏ, chúng tôi cắt tóc ngắn, cho mặc đồ con trai, chúng tôi thích con trai..." "Tôi thấy tên Hùng đặt cho con gái có vẻ hợp lý. Nhiều ông tên Hùng mà chẳng hùng dũng gì cả, như tôi chẳng hạn" Chị chủ quán đặt tô cháo trên bàn, không trả lời, chỉ liếc nhìn ông khách, xong chị quay về ngồi sau quầy, khuất sau mấy bó hành xanh, ớt chín đỏ treo như những vật trang trí. Người đàn ông thong thả ăn, mắt lơ đãng nhìn ra đường mưa. Chị chủ quán chăm chú nhìn ông khách, rồi như chợt nhớ ra điều gì, chị lấy trái chanh, xắc mấy miếng, đặt trên cái đĩa nhỏ mang ra. "Tôi quên đem chanh. Ông có uống gì không? Nước ngọt hay bia?" "Chị cho tôi xin trà nóng. Trời mưa uống trà thích lắm" "Dạ, ông chờ cho chút, tôi có sau nhà, trà cho khách uống không được ngon" "Cám ơn chị. Có lẽ tôi là khách đặc biệt mới được chị đãi trà ngon" "Dạ, tôi đoán ông sành uống trà nên phải có trà thơm cho ông" Chị chủ lại về ngồi chỗ cũ. Cô gái sau nhà đi ra, âu yếm ôm vai mẹ. Hai mẹ con chuyện trò nho nhỏ gì đấy. Ông khách nhìn và cười "Ra đường người ta tưởng là hai chị em. Giống nhau quá!" Chị chủ quán cũng cười "Nó lớn rồi, lên trung học mà cứ làm nũng với mẹ như con nít" Chị nói với con gái. "Nước sôi rồi, con lấy hộp trà trên bàn thờ ra đây cho mẹ. Xong rồi lo học bài, làm bài. Theo mẹ hoài, bác khách cười cho" Ông khách không dám nhìn lâu, sợ bất nhã, nhưng cũng nhận ra chị chủ quán có đôi mắt đẹp và buồn xa xăm như đăm chiêu về một nơi nào. Bỗng ông nhíu mày lại, đôi mắt đó, hình như ông đã gặp ở đâu? Ông ngước nhìn chị, bắt gặp chị ta cũng đang nhìn ông. Cả hai bối rối. Ông đành hỏi một câu cho bớt ngượng. "Chị lập quán nầy lâu chưa?" "Dạ, sau giải phóng độ vài năm" "Chắc chị người vùng nầy? Tôi nhớ lần trước có thấy đâu đó mấy chữ Thị Trấn Sông Pha, hình như lúc vừa từ đèo đổ xuống, chữ lớn lắm" "Nó còn đấy chứ, có lẽ trời mưa nên ông không thấy" Chị chủ quán bưng bình trà và một cái tách trên một khay nhỏ "Mời ông dùng trà" "Cám ơn chị. Buôn bán có khá không chị?" "Dạ, cũng đủ sống. Mọi khi trời không mưa thì giờ nầy cũng có lai rai khách đến nhậu" "Chị cho tính tiền" Sau khi trả tiền, ông khách nhìn ra đường. "Mưa lớn quá!" "Mọi năm, tháng nầy đâu có mưa. Hôm qua trời còn nắng mà cũng không lạnh" Và chị ngập ngừng. "Trời còn mưa...Nếu không vội, mời ông cứ ngồi" "Cám ơn chị, tôi định đi loanh quanh đây, nhưng mưa quá!" "Có lẽ ông muốn tìm ai?" "Tôi tìm một người quen. Thú thật, tôi chỉ nhớ tên, chứ không nhớ rõ người, lâu quá!" "Có lẽ ông biết nhà?" "Thì cái quán đằng kia, nhưng đã đổi chủ rồi nên tôi chỉ đi lang thang cho đỡ buồn. Nói đúng ra, tôi tìm một kỷ niệm. Mà chị biết, kỷ niệm thì người thích thì giữ, người không thích không muốn nhớ đến. Nhiều khi chuyện không đâu, chẳng có gì đáng nhớ, lại nhớ suốt đời..." Chị chủ quán về lại sau quày, có vẻ tò mò. "Người quen mà mình quên mặt! Thế làm sao ông tìm?" "Giả như có tìm ra người, chắc gì người nhớ ra mình. Lâu quá! Cỡ vài mươi năm, cho nên tôi tìm cho biết thôi. Tôi nói thế nầy, chắc chị thông cảm với tôi liền. Bây giờ, tình cờ chị tìm thấy quyển vở, quyển sách thời còn đi học, hay rõ hơn, chị đọc lại quyển lưu bút chẳng hạn, chị sẽ bồi hồi nhớ lại tất cả, thương yêu tất cả. Mà những người bạn trước kia, nay đã khác rồi, từ gương mặt đến tâm hồn, suy nghĩ, cho nên trong những giây phút hồi tưởng đó, cách tốt nhất là chị đến trường cũ đứng nhìn, chị sẽ thấy lại cả một quãng đời thanh xuân với bạn bè ngày trước... Nghĩa là nó ở một thế giới khác, cách biệt hẳn với hiện tại. Tôi cũng thế, tôi muốn đến đấy, ngồi lại cái quán ăn cách đây mấy chục năm, gọi một tô cháo, ăn xong, lang thang trên đường nầy, đứng ở dốc cầu kia, ngắm mấy cô nữ sinh đi học về, rồi xuống dưới bờ nhìn giòng sông. Cũng may, con đường còn nguyên, cây cầu còn nguyên, giòng nước thì vẫn thế, chỉ có cái quán ăn không còn mà thôi. Cái lạ là người tôi muốn tìm, tôi cũng ước ao cô ta vẫn chỉ độ mười sáu, mười bảy tuổi thôi. Không phải cho tôi bây giờ, mà để tôi tìm thấy tôi lần đầu tiên trong đời được cô ta ban cho cái hạnh phúc đẹp đẻ, thánh thiện của tình yêu. Cho nên tôi nói với chị là tôi đi tìm dĩ vãng, tìm người cũng có, nhưng lại không muốn gặp người" Ông khách nói một hơi như sợ không còn dịp để thổ lộ ý nghĩ mình. Chị chủ quán có vẻ thông cảm. "Coi bộ ông cũng lãng mạn dữ. Nhưng giả dụ, nay, ông gặp lại người cũ, dĩ nhiên bây giờ già rồi, xấu rồi, ông còn giữ tình cảm, đúng ra, tình yêu của ông đối với người đó không?" "Chị với tôi đều lớn tuổi rồi, nên tôi nói chị sẽ hiểu ngay. Tình yêu lúc đầu là dáng người, ánh mắt, miệng cười, lời nói...Rồi theo thời gian nó không là hình bóng nữa mà là sự cảm thông, chấp nhận nhau. Ý tôi muốn nói là dù cô ta có thế nào tôi vẫn cứ yêu thương. Tôi yêu cái tình mà tôi tin rằng cô ta yêu tôi, yêu cả tình tôi yêu cô ta nữa. Thật khó giải thích! ...Qua bao năm dài những gì còn lại là tấm lòng chứ không phải sắc diện bề ngoài" Bàn của ông khách cách chỗ ngồi của chị chủ quán độ năm mét, nhưng tiếng mưa nghe rào rào trên mái tôle, ông khách sợ người nghe không rõ, không thông cảm nên ông nói lớn tiếng. Chị chủ quán có vẻ bối rối, nhìn ra đường rồi chị lại cúi xuống lấy ấm nước đến rót vào bình trà cho ông khách. "Ông bảo đi tìm người ta mà lại không muốn gặp, vậy ông đến đây làm gì?... Để tôi bỏ thêm ít trà nữa" "Cám ơn chị. Thật tâm, tôi muốn gặp nhưng sợ người ta quên nên không dám đối diện. Mà dù có còn nhớ, tôi cũng không nên xáo trộn cuộc sống của người ta. Chắc chắn cô ta đã lập gia đình, có con cái, sống với hạnh phúc bình thường của một người bình thường" Chị chủ quán đi lấy hộp trà, mở ra, nghiêng đổ một ít vào lòng bàn tay rồi mở nắp bình trà, cẩn thận bỏ vào. Ông khách ngước nhìn chị, hai khuôn mặt gần sát nhau, ông thấy rõ đôi mắt đen chăm chú vào bình trà, chiếc mũi thon, hơi hếch lên, vẻ nghịch ngợm, miệng mím lại nửa như làm nghiêm, nửa như cười, gò má hồng, da mịn. Ông nghe cả hơi thở nặng nề từ đồi ngực căng, phập phồng sức sống của tuổi sung mãn. Ông nói nhỏ "Cám ơn chị, trà thơm quá! Vị đậm và có hậu" Chị chủ vẫn cúi xuống, lắc nhẹ bình trà. "Ông chờ một lát cho trà ngấm. Trà Blao ướp ngâu, chúng tôi thường uống trà nầy, quen rồi" Chị quay về quày. "Nghe ông kể tôi cũng tò mò, muốn biết câu chuyện ra sao và tên của người hân hạnh được ông nhớ mãi, suốt mấy mươi năm. Tôi sẽ cố tìm giúp ông, biết đâu tôi sẽ tìm thấy. Tôi là người ở địa phương nầy" "Lúc nãy chị bảo tôi lãng mạn, có lẽ đúng. Chuyện chẳng có gì. Với người khác không đáng để nhớ, nhưng với tôi lại là một biến cố lớn trong đời. Đại khái như thế nầy. Năm đó, tôi học đại học sắp ra trường, ở Sài Gòn. Trong dịp tôi theo mấy người anh họ đi dự đám cưới của một người bà con trên Đa Lạt, lúc quay về chúng tôi đồng ý sẽ ghé Nha Trang chơi. Tôi nhớ đó là lần đầu tôi theo quốc lộ 20 nên tất cả đều mới lạ và đẹp. Đèo Ngoạn Mục, Đa Nhim, Sông Pha... Lúc vừa vào thị trấn Sông Pha thì xe bị trục trặc, người lái xe bảo phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ để người phụ tài đi mua phụ tùng về thay. Chúng tôi rủ nhau vào quán đằng kia. Trong khi các người anh nhậu nhẹt, tôi chỉ kêu một tô cháo lòng. Cô con gái của chủ quán đem cháo ra. Tôi đoán thế vì tôi thấy cô đi học về, vào nhà rồi ra phụ với gia đình ngay. Cô trông rất có duyên và vui. Bây giờ gặp lại, có lẽ tôi không nhận ra, chỉ còn ấn tượng là cô có đôi mắt đẹp, đen nhánh, như cười, môi hồng tự nhiên. Tôi bảo cô “Anh đi chiếc xe đò kia kìa, nó bị hư phải sửa, ít nhất vài tiếng nữa. Anh ra đằng dốc cầu kia đứng chơi, khi nào xe đó sửa xong, em bảo họ chờ một lát và cho người ra kêu anh, được không?” “Được chứ, nhưng nếu kêu anh, anh sẽ thưởng gì?” “Nếu là người phụ việc ở đây, anh sẽ biếu ít tiền để cám ơn” “Nếu em gọi?” Tôi đùa “Nếu là em, anh sẽ tặng em quả tim của anh, để em nấu cháo, khách sẽ khen ngon” Cô vờ làm vẻ sợ hãi “Anh nói nghe mà ghê!” Tính tôi vẫn thế, đến chỗ lạ là thích lang thang, nghiêng ngó cảnh vật, đường sá, nhất là nơi nào có chiếc cầu bắc qua sông là tôi có thể đứng ngắm nhà cửa bên kia bờ, ngắm giòng nước không bao giờ chán. Tôi nhớ rất rõ, khi tôi đứng dưới dốc cầu, mặt trời lặn sau dãy rừng cây âm u phía xa, màu mây trời làm đỏ rực mặt sông, tiếng chim về tổ gọi nhau...Chị có ra đó đứng ngắm cảnh chiều tà lần nào chưa? Đẹp lắm! Vẻ êm đềm của thị trấn yên tĩnh, hiền hòa nầy cứ ở mãi trong trí tôi, biến thành ước ao ngày nào được về đây sống, và mỗi buổi chiều ra ngắm giòng sông... Trong lúc đang mơ màng thì tôi nghe tiếng kêu “Anh đó, về lẹ lên, xe sắp chạy rồi!” Tôi ngẩn lên thấy cô học trò, con chủ quán, vừa chạy trên bờ vừa kêu. Cái bờ sông, tuy không cao lắm, nhưng có cỏ, nên cô bị trược chân, gượng lại không được, cứ chạy chúi nhủi xuống phía tôi. Tôi giữ được tay cô nhưng cô cũng ngã nhào vào người tôi, khiến tôi cũng suýt ngã theo. Đôi mắt cô ngước nhìn tôi sáng long lanh. Cô mắc cỡ nên má cô hồng. Tóc cô dài và đen, vướng đầy cánh tay tôi. Không hiểu sao tôi lại đủ can đảm hôn lên môi cô, chỉ hôn phớt thôi. Môi cô mềm, hơi thở cô thơm như của trẻ thơ. Đó là nụ hôn khiến tôi rung động, hạnh phúc nhất trong đời. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn cảm tưởng như mới đây. Cô đẩy tôi ra, lùi lại, nhìn sửng tôi rồi cô cười và nói “Chạy tìm anh bắt mệt!” Tôi nói “Cám ơn em”. Có lẽ cô bị xúc động nên cứ lúng túng không lên được bờ dốc. Tôi nắm tay cô kéo đi “Anh tên Hùng, em tên gì?” “Phúc Lan” “Anh sẽ trở lại thăm em” Lên khỏi bờ sông, cô gỡ tay tôi ra và chạy trước. Cô mới lớn, hơi cao và ốm nhưng dáng đi đã uyển chuyển, tóc cô bay trong gió..." Chị chủ quán bỗng kêu lên. "Thôi chết, trời mưa mà tôi quên đậy mớ củi, ướt hết!" Chị khoác áo mưa, cứ để đầu trần chạy ra cửa, vòng ra sau hè. Người đàn ông không quan tâm, rót nước trà uống, ông ta như muốn kể cho riêng mình nghe. Một lát chị quay vào, cởi áo mưa treo trước hiên. Đầu tóc, mặt mũi ướt đẫm nước mưa. Chị nói. "Mưa lớn quá, ướt hết cả!" Chị ra sau quày, lấy khăn xoa đầu tóc, lau mặt, rồi hỉ mũi sụt suỵt. Người đàn ông kêu lên. "Chị bị cảm rồi đó!" "Cám ơn, tôi sẽ uống thuốc. Ông kể tới đâu rồi? Xin lỗi, tôi vội quá" "Chuyện đến đó là hết, chẳng có gì hay ho" "Ông hứa trở lại, rồi ông có trở lại không?" "Thú thật, đôi khi tôi cũng quên bẵng đi. Chẳng phải tôi có người yêu khác, mà cuộc đời cứ bắt đầu óc mình quay cuồng với bao chuyện rắc rối, khi nhớ đến cô bé đó thì lại tự hẹn mình chờ dịp thuận tiện. Rồi vụ đổi đời năm bảy lăm, tôi không thể đi đâu được. Bây giờ tôi ở xa lắm. Hơn nửa đời người, bao nhiêu biến chuyển, chỉ còn đọng lại trong tâm hồn tôi kỷ niệm nhỏ bé với cô Phúc Lan và buổi chiều Sông Pha năm nào. Tôi nhớ người cũ, cảnh cũ lắm mới tìm về đây. Tôi thấy thích ở đây, ở đến già đến chết cũng được" Chị chủ quán cười "Nếu ông về ở đây, hễ đến quán nầy, tôi tính nửa giá thôi. Nhưng bây giờ ông định làm gì, có muốn gặp lại cô bé ngày xưa không? Theo ông kể, có lẽ tuổi cô ta cũng cỡ tôi, cũng đi học cùng trường với tôi, nhưng sao nghe cái tên lạ quá. Để tôi giúp ông, tôi sẽ hỏi các bạn tôi ở đây, dù cô ta có đi nơi khác cũng còn bà con, bạn bè biết cô ta. Nhưng hỏi ra thì báo cho ông cách nào. Ông có địa chỉ không? Ông có muốn nhắn gì với cô ta không?" "Ý kiến chị vậy mà hay. Tôi chỉ cần biết cô ta ở đâu để có dịp tôi chỉ đến nhìn thôi, chứ không gặp. E cô ta đã quên hẳn tôi rồi! Lại nữa tôi không muốn xáo trộn cuộc sống của cô ta. Tôi là kẻ ngoại cuộc rồi" "Ông cứ cho tôi địa chỉ, khi tìm ra, tôi sẽ báo cho ông" Rồi chị cười. "Tôi cũng bắt chước cô bé ngày xưa của ông, hỏi ông, nếu tìm ra cô ta, ông thưởng gì cho tôi? Tôi không cần tiền cũng không cần quả tim của ông" "Chà, khó thật! Thôi thì như chị nói, tôi sẽ đến quán nầy hằng ngày, suốt quãng đời còn lại của tôi" "Đùa với ông thôi, bây giờ ông cho tôi địa chỉ, nhưng bà xã ông nổi ghen thì không phải lỗi của tôi đâu nghe" "Tôi chẳng có gia đình. Tôi đã là thanh niên râu rồi, lỡ thì rồi! Chị có giấy cho tôi xin tờ, cây viết nữa" Chị chủ quán gọi lớn. "Hùng ơi, đem cho mẹ cây viết và tờ giấy" Cô bé chạy ra. "Con đem cho bác đằng kia" Chị chủ quán ngồi nhìn con gái và ông khách, ngạc nhiên thấy hao hao như hai cha con. Ông khách hỏi ý kiến chị chủ quán. "Có lẽ tôi nên viết mấy giòng cho cô ta để nhắc lại chuyện cũ xem cô có nhớ ra không. Tôi nên gọi cô ta là chị, là bà hay là cô?" "Tôi thấy ông nên viết là bà hợp lý hơn" "Phải rồi, gọi là bà đứng đắn hơn. Rủi người ta không nhớ ra mình cũng không bảo rằng mình thiếu lịch sự. Người đàn ông ngồi nép vào vách để tránh bụi mưa, chống cằm suy nghĩ một lúc rồi cắm cúi viết. Được độ nửa trang ông đọc lại rồi đem đến cho chị chủ quán. "Chị xem tôi viết thế nầy có được không?"


“Kính gửi bà Phúc Lan,

“Tôi tên Hùng, cách đây gần hai mươi năm, tôi là người khách đến quán của gia đình bà ăn tô cháo. Xong, tôi ra bờ sông ngắm cảnh trong lúc chờ xe đò hỏng phải sửa chữa. Bà có ra gọi tôi vì xe đã sửa xong, tôi được biết tên bà là Phúc Lan. Tuy chỉ có thế nhưng tôi vẫn nhớ đến bà mãi. Hôm nay tôi ghé lại Sông Pha thì quán của gia đình bà không còn nữa! Tôi chỉ mong được biết tin về bà bây giờ ra sao? Bà chắc đã có gia đình, tôi thì cũng lớn tuổi rồi, không còn như ngày xưa! Thế nên tôi chỉ ước mong bà xem tôi như một người bạn nếu bà còn nhớ ra tôi. Còn như bà đã quên bẵng tôi thì tôi xin lỗi bà về những giòng chữ vô duyên nầy. Tôi đã kể hết cho chị chủ quán, người đưa mãnh giấy nầy, nếu tò mò, xin bà cứ hỏi chị ta. Kính chúc bà và ông nhà và các cháu khang an, vạn sự như ý. Kính thư . Hùng”

Chị chủ quán đọc xong. "Ông viết thế nầy đủ rồi, nếu cô ta có hỏi gì về ông, tôi sẽ kể lại như ông đã kể cho tôi nghe" "Cám ơn chị. Tiếc quá, hôm nay trời mưa, tôi không thể đi lòng vòng thị trấn nầy" "Ở đây buồn lắm, trời mưa lại càng buồn hơn. Ông từng đi đây đi đó...mà lại thích ở đây cũng lạ! Nếu ông chờ, hy vọng ngày mai mưa sẽ tạnh" "Sáng sớm tôi phải đi rồi. Chào chị!"

Nói xong ông ta lại xòe tay che đầu, rụt cổ lại đi nép vào hàng hiên. Chị chủ quán ngồi nhìn theo ông ta cho đến khi đi khuất. Chị bần thần đọc lại lá thư rồi xé, ném vào bếp lửa, chỉ giữ lại cái địa chỉ.

Sông Pha Ngày...tháng...năm...

“Anh thân yêu,

“Buổi chiều, lúc anh rời quán, em muốn chạy theo kêu anh, cho anh rõ rằng người anh muốn tìm là em, nhưng không hiểu sao, em chỉ biết ngồi chết lặng. Tối đó, em cứ thao thức mãi. Tưởng tượng anh đang ở trong quán trọ đằng kia, ngay tại Sông Pha nầy...Anh gần đó mà sao em thấy xa vời quá! Tình yêu của em, ước mơ của em, hạnh phúc của em...em tưởng là tuyệt vọng, bây giờ đã hiện ra, nhưng em không còn quyền quyết định nữa!

“Và giờ đây, em đang khóc khi viết cho anh. Khóc vì mừng và giận anh. Sao anh hẹn mà không trở lại? Chỉ một cái trượt chân định mệnh, em ngã vào vòng tay anh, em gỡ tay anh ra nhưng em không gỡ được linh hồn em, cuộc đời em ra khỏi anh. Đã bao buổi chiều em ra ngồi ở dốc cầu, âm thầm khóc vì nhớ anh. Em tưởng như anh còn đứng đấy. Dáng anh cao, mắt anh sáng, miệng tươi cười với em. Vì lời hứa của anh mà em hy vọng mãi. Nghe tiếng xe đò ngừng trước đường là em hồi hộp, thầm nhủ rằng anh đang xuống xe và đến với em. Chỗ anh ngồi trong quán, không lúc nào là em không nhìn chừng. Em yêu thương cả đến chỗ ngồi của anh! Và tên anh, nghe người ta gọi nhau, em cũng rung động, nhớ anh.

“Với tuổi thơ ngây, em chỉ cầu mong được gặp anh, nhìn anh, chuyện trò cùng anh, thế thôi. Đến khi trưởng thành, nụ hôn của anh, vòng tay anh thành ước mơ được anh ấp ủ, được quấn quít bên anh.

“Khi quyết định lấy chồng, em cũng ra dốc cầu ngồi khóc đến sưng cả mắt mà chẳng biết tâm sự với ai. Em chỉ biết kêu lên với giòng sông, với gió chiều “Xin hẹn anh kiếp sau” tưởng như gió sẽ đưa lời của em đến với anh. Nhưng biết anh nơi đâu?

"Chiều nay em cũng lại ra đấy, đứng nhìn giòng sông, lòng em vui khi anh đã quay lại nhưng không khỏi ngậm ngùi vì những ước mơ chẳng còn gì. Em cũng đành thì thầm với giòng sông, với gió chiều “Xin hẹn anh kiếp sau”. Anh bảo rằng đã quên em, chỉ nhớ đôi mắt em rất vui, rất đẹp. Bây giờ đôi mắt em không còn vui, cũng chẳng còn đẹp đến độ anh đã gặp mà không nhận ra em! Em thì giây phút đầu đã biết ngay là anh, nhưng không hiểu anh có còn nghĩ đến em không? Đến khi nghe anh kể lại, khi anh nhắc đến tên anh, tên em, em phải chạy ra ngoài mưa đứng khóc. Em khóc say sưa, vì vui mừng và cũng vì đau khổ. Anh ngồi đó mà như bị một hàng rào nhăn cách. Em đã là gái có chồng. Em không còn quyền gì với chính em nữa. Yêu anh, nhớ anh đã là một hạnh phúc. Được biết anh cũng nhớ đến em, hạnh phúc và lòng biết ơn anh tràn ngập lòng em. Bao nhiêu năm rồi, nụ hôn của anh, có bao giờ em quên. Nhiều đêm em nằm mơ, thấy gặp lại anh, em khóc vì vui mừng, nhưng khi tỉnh dậy, biết chỉ là giấc mơ, em càng khóc vì càng nhớ anh hơn. Và ngay khi đang viết thư nầy, em cũng đầm đìa nước mắt...Chiều hôm qua, anh đến với em. Có phải là giấc mơ không anh?

"Dù sao cũng là một an ủi cho em, không bỏ công em lập quán bên đường để chờ anh. Đứa con gái đầu lòng, em đặt tên anh để mỗi ngày gọi anh cho đỡ nhớ, và em cũng không ngờ nó lại phảng phất giống anh.

"Từ hôm nay em lại nhìn chừng về phía bàn anh ngồi, lại hy vọng anh sẽ quay về. Anh vẫn thế, nhưng em đã thay đổi. Em đã có chồng, có con. Em thương chồng, thương con. Em có một gia đình bình thường, một hạnh phúc bình thường như anh đã bảo. Lý trí em thì nghe theo lời anh “Không muốn xáo trộn cuộc sống của em” Nhưng tự tim em, tự tâm hồn em, cứ mong ngóng được gặp lại anh hằng ngày.

“Hay là thế nầy. Chúng ta thỏa thuận, cứ vào gần cuối mùa Xuân, mỗi năm anh về thăm em một lần, cũng vào buổi chiều như hôm trước. Anh như là khách lạ, ghé vào quán của em. Anh đừng chuyện trò, hỏi han gì em. Anh cứ ngồi đấy, để em được nhìn thấy anh trong chốc lát, là ban cho em hạnh phúc tuyệt vời rồi. Xin anh đừng liên lạc gì với em cả. Em không ghi địa chỉ của em là vì thế.

“Em van anh, đừng thực hiện ý định về sống suốt đời ở thị trấn nầy. Dốc cầu còn đó, giòng sông còn đó, ánh nắng chiều vẫn vậy. Nếu anh về ở hẳn nơi đây, mỗi chiều anh ra đứng đấy thì cái thảm cỏ kia sẽ làm trượt chân em. Lần nầy, em biết, sẽ không gỡ tay anh ra được nữa”

Phạm Thành Châu 

Tác phẩm đã phát hành:

- Bức Họa Khỏa Thân (248 trang)

- Nhớ Huế (248 trang)

- Lý lẽ của trái tim (275 trang)

Ba tập truyện ngắn của Phạm Thành Châu có thể coi là món quà Xuân, quà sinh nhật thanh cao gửi đến bạn bè. Giá mỗi tập 12 USD. (trong nước Mỹ). Mua ba (3) tập trở lên, giá mỗi tập 10 USD kể cả cước phí. Gửi sách trước, trả tiền sau. Liên lạc:

Phạm Thành Châu 7004 Beverly Lane Springfield VA 22150

Phone
(703) 569-0124 
(571) 480-3276 (c)
(xin để lại lời nhắn)

Phạm Thành Châu

Ý kiến bạn đọc
02/12/201718:21:25
Khách
Em nghĩ đây không là chuyện thật nhưng...

Hồn mênh mang về đâu
Lạc loài...
Ngơ ngác...
Bạch đầu...
Hương yêu
09/03/201314:56:47
Khách
Phần đầu viết thật dài, mà không chịu xuống hàng, khó chịu cho người đọc quá. Truyện lãng mạn, nhưng đọc một nửa đã biết được đoạn cuối. Hy vọng sẽ được đọc truyện khác của ông khá hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,197,600
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến