Hôm nay,  

Chuyện Ba Đía Nhà Hai Lúa Đoàn Tụ

11/02/201300:00:00(Xem: 166268)
Tác giả: Anne Khánh Vân
Bài số 3816-13-29216vb2021113

Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Mới đây, Khánh Vân đã hoàn tất việc đón ba má, và vợ chồng người em trai sang đoàn tụ. Bài tết năm nay của cô là chuyện vui.

***
* Điếng người
Tía Hai Lúa tôi qua Mỹ trước má khoảng 6 tháng. Khi má tôi qua, tía tôi coi ra như người "từng trải", ông thỉnh thoảng "dặn dò" (pha chút hù dọa) những chuyện má tôi chưa thấy.
Mùa Đông trước, khi đi dạo trong khu phố cổ Alexandria, chúng tôi thấy trên lề đường có những bảng chú ý rất lạ: "Coi chừng tuyết đổ lên đầu." Chúng tôi đi chậm lại, vừa ngập ngừng, vừa thì thầm cười, "Thì trời đang tuyết, ai chẳng biết tuyết sẽ rớt xuống đầu." Đi qua ngôi nhà kế bên, thấy thêm bảng chú ý thứ hai, "Ý chúng tôi muốn nói là coi chừng những tảng tuyết khổng lồ rớt từ mái nhà xuống đầu mấy người." Vừa đọc xong, chúng tôi ngộ ra ý người viết bảng chú ý, đồng loạt ngừng lại và nhìn lên mái nhà. "Ồ, thì ra vậy!" Đi qua vài ba căn nhà tiếp theo, lại thấy một bảng chú ý to hơn, "Đã có người bị tuyết đổ xuống đầu và được chở vào nhà thương."...Ối Trời! Có nghĩa là, như chúng tôi, rất nhiều người cũng thích dạo chơi phố cổ, bất kể thời tiết. Thế là cứ thong thả cà tịch cà tang và... cái rầm. Tới số. Tuyết đổ xuống đầu.
Khi má Hai Lúa tôi qua Mỹ, câu chuyện trên được uốn éo thành chuyện của tía. Tía nói với má "Mùa đông bên đây lạnh điếng người đó nghen bà. Ra đường không nên nói chuyện. Há họng ra, hơi của mình đông thành đá, rớt xuống gãy giò." Điếng người mà tía tôi ngầm ý muốn nói là hơi của mình đông thành đá, rớt xuống điếng chân. Vẻ nghiêm túc (giả vờ) trên khuôn mặt tía Hai Lúa khiến má tôi tin. Bà chỉ nói, "Ồ, vậy à!" rồi liền đóng miệng lại. Sợ!
Hồi xửa hồi xưa tôi có nghe đồn những chuyện như... người có thói quen "đái đường" bên Việt Nam khi qua Tây, qua Mỹ không còn thói quen này nữa vì mỗi khi họ "đái đường" thì bị đông thành cây nên họ sợ, bỏ luôn. Còn bé, và cũng vì chưa biết cái lạnh ở nước ngoài lạnh ra sao, cũng không biết hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở nước ngoài thế nào nên tôi đã tin. Tôi sợ chuyện ba đía này của tía Hai Lúa vài bữa lại về tới Việt Nam rồi lên cả mạng internet nên vội vàng trấn an má Hai Lúa tôi là tía chỉ giễu cho vui thôi.

* Điện thoại bốc khói
Qua Mỹ, tìm được bạn cũ, má Hai Lúa tôi cứ huyên thuyên hàng giờ trên điện thoại, với hết bạn này rồi tới bạn kia, từ tiểu bang này sang tiểu bang nọ, ra cả ngoài nước Mỹ luôn. Tía tôi "sốt ruột" nên lại tìm cách hù dọa người yêu Hai Lúa.
Bữa đó tía tôi kho thịt và làm nước màu. Khói bốc lên hơi nhiều và smoke alarms trong nhà hú lên. Ông vội vàng mở tung các cửa sổ. Má Hai Lúa đang "tán" trên điện thoại, nghe nhà hú lên nên bà hoảng và tắt điện thoại. Tía nói với má Hai Lúa tôi rằng, "Bà nói điện thoại đến nỗi nó bốc khói, làm hệ thống báo động phải hú lên. Bà vừa tắt điện thoại thì báo động cũng tắt theo. Lần sau có điện thoại thì hãy ngừng trước khi nó bốc khói."
Chiều đi làm về, nghe má Hai Lúa kể lại chuyện, biết má bị hù, tôi truy ra được nguyên nhân đích thực là do chính Tía nấu nướng mà quên lời tôi từng báo động trước. Những khi nấu những món khói nhiều hay mùi nhiều thì nên nấu sau vườn. Cứ nấu trong nhà như thế thì sẽ có ngày xe cứu hỏa đến hỏi thăm khi chưa kịp mở cửa sổ. Nhiều khi còn phải đóng tiền phạt!
Má tôi dần dà biết được những cái "dóc" mới "made in USA" của tía nên chuyện gì cũng kiểm chứng lại chứ không nghe tía một cách dễ dàng nữa.

* Chuyện dễ
Má tôi qua Mỹ được 6 tháng thì phải về lại Việt Nam lo việc cho bà ngoại. 3 tháng sau trở qua, má hỏi thăm tía tôi đã thi được bằng lái chưa. Cũng mém là "chưa".
Sau sáu bảy tháng từ khi tía thi đậu bằng viết và tôi tập tía lái cũng nhiều... nhưng cứ hễ có ai hỏi thăm tía đã có bằng lái chưa thì ông luôn trả lời, "Lái được rồi nhưng chưa đậu được." Người hỏi thắc mắc, "Ủa, đi thi rồi mà rớt hả?" Tía tôi trả lời, "Chưa, chưa đi thi." Người ta lại hỏi, "Ủa, chưa đi thi làm sao biết không đậu được?" Tía tôi trả lời, "Thì tôi lái xe đi thẳng thì được, nhưng khi đậu vào thì chưa đậu được." À, thì ra "Lái được rồi nhưng chưa đậu được" là như vậy. Tôi, rồi bạn tôi, cứ thay phiên tập thêm cho tía lái và khuyến khích tía đi thi, nhưng tía cứ một hai "Từ từ."
Một ngày trước khi má tôi trở qua Mỹ, tôi hỏi tía thêm một lần, "Sao, tía chịu đi thi chưa? Hên thì đậu, rớt cũng chẳng sao. Tía sẽ có được kinh nghiệm đi thi nó ra sao, người ta chấm điểm thế nào và tía sẽ biết mình còn yếu những gì để luyện thêm. Đậu thì sẽ có chuyện vui khoe với má, rớt thì thi lại." Tôi gần như là ép tía đi thi. "Con đã xin nghỉ làm nguyên ngày mai. Sáng sớm mình sẽ đi thi. Chiều tới sẽ ra sân bay đón má."
Khi đến chỗ thi, chúng tôi đợi không lâu lắm thì được kêu lên làm giấy tờ. Về chỗ đợi khoảng 10 phút thì ông thầy cho thi đi ra và đến ngay trước mặt tía con tôi. Ông ta bảo, "Đi ra đi một vòng nào." Tôi ngạc nhiên và nghĩ bụng... Người làm thủ tục giấy tờ cho mình là một người; ông thầy chấm thi lại là một người khác; nên thông thường ông thầy chấm thi sẽ kêu to tên người đi thi để người ấy bước lên. Cả trăm người trong cái phòng đợi, làm sao biết ai là ai. Ông này đã không kêu tên tía tôi mà ngược lại còn đi đến ngay trước mặt tía. Chẳng lẽ ông ta để ý và nhớ mặt tía con tôi từ những lần thi bằng viết trước kia? Không thể nào được! Tôi thắc mắc và đứng lên đi theo. Tôi hỏi ông thầy chấm thi, "Ủa, sao ông biết người đi thi có tên trên giấy của ông chính là tía tôi mà ông tới ngay chỗ ổng ngồi?" Ông ta cười và trả lời, "Thì không phải ổng chứ còn ai." Tôi thấy ông thầy này cũng có vẻ dí dỏm nên cười hì hì lại với ông, rồi tiếp tục đi theo và nhắn thêm một câu, "Vậy ông làm ơn chấm đậu cho tía tôi dùm để khỏi thấy mặt tía con tôi tới lui nơi đây nữa nghen. Tôi đã cầu nguyện cho tía tôi nhiều lắm trước khi cho ổng đi thi." Chắc ông ta cũng biết tôi giỡn chơi nên cười hì hì lại và khua tay biểu tôi đi vô trong ngồi đợi. Ông nói, "Cô phải đi vào trong ngồi đợi. Cô đi theo tôi, người quản lý bên trong nhìn ra thấy, họ mà nghi cô đi theo đút lót tôi thì coi như ông tía cô khỏi thi." Wao, vậy nữa sao? Coi ra cũng nghiêm ngặt quá chứ.
Tôi ngồi đợi 5 phút, rồi 10 phút. Không thấy tía tôi lái về, tôi bắt đầu... mừng trong bụng. Bởi tía mà bị chấm rớt thì sẽ phải quay xe trở vô liền, đừng hòng lái lâu hơn 10 phút. Đợi thêm khoảng 10 phút sau thì thấy tía tôi lái xe về. Ra khỏi xe, hai người còn nói thêm cái gì không biết mà ông thầy cứ chỉ trỏ trong ngoài, trước sau, vòng vòng... Nhớ lời dặn của ông thầy chấm thi nói lúc nãy, tôi tránh đi ra, chỉ đứng bên trong nhìn ra và theo dõi mọi diễn tiến. Cũng phải 5 phút sau hai người mới đi vào văn phòng. Tôi đi đến phía họ hỏi thăm mọi thứ ra sao, rồi nhìn ông thầy đợi câu trả lời. Mặt ông thầy không còn tươi tắn như lúc trước khi đi. Ngược lại, mặt ông ta hơi xanh xanh và đổ mồ hôi. Ông ta cứ đi đi và im im, chẳng nói gì. Sao đáng lo quá! Hay là ông ta đang hoàn hồn? Cuối cùng ông tuyên bố, "Tía cô có làm vài lỗi, nhưng thôi cho ổng đậu. Ổng có thể lái xe được." Tôi không tin vào tai mình. "Trời, chẳng lẽ tía đậu thiệt? Mình chỉ ép ổng đi thi cầu may thôi mà." Vì thật ra, mỗi khi cho tía tập lái, tôi luôn bị thóp bụng. Có những thói quen "60 năm tuổi đời" bên Việt Nam của tía không thể tiếp tục bên Mỹ. Nói thật lòng thì gần như là phải bỏ càng nhiều càng tốt những thói quen bên Việt Nam khi sang Mỹ sinh sống. Còn không, cái đuôi thói quen của Việt Nam mà nặng quá, nó chỉ ghì mình xuống thành người mãi đi sau thiên hạ. Phải rất lâu mới hòa nhập được. Tôi liên tục cảm ơn ông thầy. Quả hôm ấy là ngày tốt.
Khi má Hai Lúa xuống máy bay, y như rằng, câu đầu tiên má tôi hỏi tía là, "Ông thi đậu bằng lái xe chưa?" Niềm vui lúc sáng vẫn chưa tan. Tía tôi cười hề hề, "Dễ mà! Thi đậu rồi." Má tôi nguýt tía, "Phải rồi, dễ lắm sao cả năm trời mới đậu được bằng lái? Bây giờ có bằng lái rồi, chở tui đi được chưa?" Tía trả lời, "Dễ mà, lái đi đâu cũng được." Má tôi lại nguýt tía thêm một lần, "Ừa, dễ lắm, với điều kiện trước khi lên xe cho ông lái, không phải chỉ ông mà cả người ngồi cạnh đều phải uống thuốc chống sợ hãi."

Tôi hùn giễu với tía, "Tía muốn chở má đi đâu thì đi. Phần con thì dù có uống thuốc chống sợ hãi con cũng không ngồi cùng xe cho tía chở."
Nhà Hai Lúa của tôi có lệ phải gọi "rượu" là "thuốc chống sợ hãi." Ai cả gan gọi tên tộc của nó ra sẽ bị phạt đi mua nó mang về nộp phạt.
vb2_hai-lua
Nhà Hai Lúa thăm cây thông Noel và du xuân sớm.
vb2_hai-lua-2
* Đi làm, đi học…
Chú Nguyễn Văn Hưởng, một tác giả Viết Về Nước Mỹ, từng viết cái bằng cấp quan trọng nhất ở Mỹ là bằng lái xe. Đúng quá. Từ khi có bằng lái, tía tôi tự tin hơn. Tía hòa nhập nhanh hơn. Tía dám nhiều cái hơn.
Tía tôi đã tìm được việc và đi làm được hơn sáu tháng qua. Công việc tương đối dễ mà nơi làm việc cũng tiện. Tuy đã có bằng lái nhưng tía không cần phải lái xe đi làm mỗi ngày vì chỗ làm chỉ bên kia đường từ nhà tôi. Ông làm ca chiều nên đi làm từ 3 giờ tới 10 giờ.
Buổi sáng, tía và má Hai Lúa nắm tay nhau đi học. Các sinh hoạt của họ dần vào nề nếp. Giờ nào đi học, giờ nào đi làm, giờ nào học bài, giờ nào nói chuyện điện thoại, giờ nào cơm nước. Chưa bận hơn ai nhưng họ đã biết thế nào là thời gian ở xứ Mỹ. Không dễ gì có đủ thời gian cho chỉ những việc của chính mình. Thành ra ai làm được gì cho mình hoặc mình làm được gì cho ai thì từng giây phút ấy đều rất quý.
Giờ ăn tối là lúc má tía tôi hay hỏi bài. Trong chuyện học tiếng Anh, họ có nhiều chuyện vui đi theo. Có nhiều chuyện má Hai Lúa kể, tôi không sao hiểu ra ngay cho nổi. Hôm đó, má Hai Lúa tôi hỏi một chuyện mà mãi đến gần cuối bữa ăn tôi mới nghĩ ra được câu trả lời. Má tôi nói cô giáo Mỹ của má kể có chồng hồi xưa đi lính Việt Nam. Chắc họ có gốc gác hay liên hệ gì đó với xứ Quảng. Trong giờ học, cứ thỉnh thoảng má Hai Lúa tôi lại nghe cô nói, "He-nghòn, he-nghòn..." không biết ý cô muốn nói gì. Má tôi đoán chắc cô muốn nói "hai ngàn". Tôi nghe má kể thấy cũng ngộ ngộ. Cô giáo Mỹ làm gì biết tiếng Quảng dù có chồng đi lính Việt Nam. Tôi hỏi lại má Hai Lúa, "Mà cái lúc cô nói chữ 'hai-ngàn' đó, cô có giảng chuyện gì liên quan đến số hai ngàn không?" Má Hai Lúa tôi nói, "Không, cô đang giảng cách chào hỏi." Tía tôi chen vào, "A, hay là cô giáo bà muốn nói chào hỏi xong phải đưa 'hai ngàn'?" Cả nhà phá lên cười. Má tôi chưa nguôi thắc mắc, "Mà không phải cô nói một lần đâu. Khi dạy qua chủ đề khác cô cũng cứ chốc chốc lại nói chữ đó." Tôi cố gợi ý để má cho thêm chi tiết có lý và có nghĩa hơn để tìm ra câu trả lời. Tôi hỏi thêm bao nhiêu là câu, "Má ráng nhớ lại đi. Chính xác trong hoàn cảnh nào má thường nghe cô nói chữ đó."... Má tôi ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời, "... thì cô đang xem bài của má, có đứa hỏi gì đó và cô nói 'he-nghòn he-nghòn'." Tôi la lên, "Ô, con biết cái chữ 'he-nghòn' đó là chữ gì rồi. Tiếng Anh mà phát âm gần nhất với chữ "he-nghòn" đó chỉ là "hang-on" mà thôi. Ý cô nói là "khoan, khoan, đợi tôi chút, hãy đợi theo thứ tự, mỗi người hỏi một câu, hãy đợi tôi trả lời xong cho người trước rồi người khác hãy hỏi câu kế tiếp." Má tôi mường tượng lại tình huống trong lớp những lúc cô giáo đòi... "he-nghòn" và thấy đúng là vậy. Thế là mọi người cuối cùng đã đồng ý "he-nghòn" là "hang-on". Một chữ mới được viết vào vở.
Thêm một chuyện vui... trớt quớt khác. Một hôm cô giáo nói về đôi đũa của người Á Châu. Cô nói với cả lớp là má Hai Lúa tôi sẽ có thể chỉ cho cả lớp cách dùng đũa. Thế là cô đến trước má tôi nói, "Nhi, cô dùng 'chopsticks' ra sao?" Má tôi ngớ ra, hỏi, "what chopsticks, I don't know chopsticks." Cô giáo muốn giúp má tôi hiểu ra chopsticks là gì nên gợi ý, "Cô thường ăn sáng những gì?" Chắc cô giáo hy vọng má tôi sẽ trả lời là ăn cơm hay ăn hủ tiếu gì đó và cô sẽ hỏi tiếp là khi ăn cơm hay ăn hủ tiếu thì dùng cái gì để gắp. Dè đâu má Hai Lúa tôi dạo này lai Mỹ rồi, bà trả lời, "Tôi ăn bánh mì và uống sữa." Thế là trớt quớt cô giáo. Cô phải đưa hai ngón tay ra, làm bộ gắp gắp ăn, vừa gắp gắp vừa nói "đây là chopsticks"... thì lúc đó má tôi mới hiểu ra, lăn đùng ra cười và hiểu tại sao lúc nãy cô đã hỏi ăn sáng những gì.
Má Hai Lúa tôi rất ham học. Bà không vắng mặt ngày nào. Tía Hai Lúa học trên lớp má 3, 4 lớp. Cô giáo của má tôi hiện nay trước kia từng dạy tía tôi. Hôm đưa tía má đi thi và ghi danh học, tôi thấy tía có đến chào cô giáo, giới thiệu má tôi với cô, rồi "gởi gấm" vài lời. Nhờ vậy mà cô giáo biết tía má tôi là ông bà Hai Lúa. Giờ ra chơi, họ thường qua lại lớp của nhau. Có lần cô nói chuyện với tía tôi và khen má tôi rất thông minh và là học trò "outstanding" của cô. Về nhà, tía tôi kể lại cho má tôi nghe. Má tôi hỏi, "Outstanding là gì?" Tía tôi nói, "Out là ngoài, standing là đứng. Có nghĩa là cô khen bà học giỏi, mai mốt không phải ngồi trong lớp học mà đứng bên ngoài."

* Oh Man!
Ngoài tía má Hai Lúa, tôi còn có vợ chồng người em trai và hai cháu bé ở cùng. Trong số những người thân của tôi, cháu gái cọp nhỏ Khánh An coi ra hòa nhập và thích nghi nhanh nhất.
Cháu hơn 2 tuổi, đang tập nói nên biết để ý và lập lại rất nhanh. Có những tiếng khi cháu bất chợt nói lên, cả nhà đều ngớ ra và cười ào, không biết cháu nghe ai đó nói khi nào. Cháu cũng trong thời gian bỏ tã, được tập cho thói quen ban ngày không mặc tã mà khi cần... thì kêu. Hôm ấy đại gia đình tôi lái xe đi chơi xa. Trên chặng đường về, bắt đầu khởi hành khi trời đã xế. Đề phòng cháu Khánh An có thể cần đi vệ sinh bất tử nên tía má nó mặc tã cho nó trước khi lên xe. Đi được nửa đường thì trời sập tối. Đang cười đùa vui vẻ, Khánh An chợt la lên "Pee pee". Tía má nó bàn nhau, "Sao bây giờ?"... Thì biểu nó đi trong tã đi chứ sao là sao. Trong đầu con bé, hễ còn thức thì khi cần phải kêu. Ngủ rồi, không kêu được thì mới dùng hệ thống tự động. Tía nó dỗ, "Con đi trong tã đi, đang lái xe, không ngừng được." Con bé mếu máo la lên, "Oh man!" Cả xe cười rầm lên trong sự "đau khổ" của cô cọp cháu. Rồi nó bắt đầu khóc và liên tục nói "Oh man!" Chúng tôi hơi sốt ruột sợ con bé không chịu đi trong tã mà nín thì tội nghiệp. Thế là cuối cùng chúng tôi đã ngừng xe cho con cọp chạy vào ruộng xả bầu tâm sự. Trên đường đi, hiện lên một ánh đèn. Có xe đang chạy lên. Anh tài xế có vẻ đi chậm lại khi thấy xe chúng tôi đang tấp bên đường. Khi đi đến gần xe chúng tôi, anh ta cũng la lên "Oh, man!" khi nhìn thấy xa xa có cái mông be bé trăng trắng...
Xong xuôi, con bé vào xe, cười hì hì.
Năm năm sau, mười năm sau, biết đâu chừng sẽ có ngày ông nội Hai Lúa sẽ kể lại chuyện "đái đường" này cho cháu nội nghe. Không biết khi đó ông sẽ tưởng tượng thêm chuyện gì để dọa con bé, khi nó đã thành một cô Mỹ gốc Việt.

*Chúc Tết Quí Tỵ
Vậy là sau gần 20 năm phải rời bỏ quê hương, một mình bươn chải từ Tây sang Mỹ, sau cùng ngay trên đất Hoa Kỳ, đứa con lưu lạc của gia đình Hai Lúa cũng đã được đoàn tụ với bố mẹ và em, có thêm cả cô cháu tí hon và một cậu cháu tí hon hơn.
Việc bố mẹ con cái anh chị em sau nhiều năm xa cách được đoàn tụ chung một mái nhà là niềm vui, nhưng cũng là một thay đổi lớn. Bên niềm vui chung, hẳn nhiên cũng hiện ra vô số điều dị biệt. Với những người thân mới qua Mỹ, thực tế vốn khác với tưởng tượng, nhiều lúc không tránh khỏi ngỡ ngàng, thất vọng. Với người bảo lãnh thân nhân sang đoàn tụ, vì nôn nóng mong người thân của mình sớm hội nhập được với nếp sống bận rộn tại Mỹ, hẳn nhiên cũng có lúc. . . sốt ruột. Gia đình Hai Lúa cũng không khác hoàn cảnh chung ấy, khó tránh khỏi có chuyện này, chuyện kia. Tất cả, đòi hỏi không ít sự nỗ lực chấp nhận thực tế hoàn cảnh, kiên trì, quảng đại.
Để đời sống chung trong gia đình được an vui và sự hội nhập có kết quả mau chóng, phải cố mà thay thế mọi ưu phiền âu lo hờn giận bằng cách cười hì hì.

Năm mới, đại gia đình Hai Lúa xin kính chúc tất cả cô chú bác anh chị tác giả Việt Báo Việt Bút và độc giả thân quý khắp nơi năm mới mạnh khỏe, an vui, hạnh phúc. Đầu năm cười, cuối năm tươi, suốt năm hì hì.
Anne Khánh Vân

Ý kiến bạn đọc
18/02/201302:59:17
Khách
Bài viết dí dỏm, hấp dẫn, thực tế, cám ơn cô Ann Khánh Vân, đọc xong rồi mà khi nhớ lại tôi còn phì cười vì "he-nghòn" và '" outstanding".
12/02/201317:41:15
Khách
Rất mừng cô Ann Khánh Vân viết thêm bài mới. Tôi lúc nào cũng thích đọc văn của cô. Văn của cô thật trong sáng và dí dỏm.
Chúc mừng năm mới.
Thu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,242,100
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và sau 12 năm, vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018, với bài “Thằng Tý Con là... Con Thằng Tý”.
Tác giả cho biết ông nguyên là lính Hải Quân VNCH; 12 năm 4 tháng đúng tính đến ngày 30 tháng Tư 75, tự lái tầu vượt biển năm 1982, hiện định cư tại Úc. Sau đây là một bài viết mới của ông.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Bài mới viết của tác giả là một du ký Hawaii trước ngày núi lửa phun lại vào tyha1ng Sáu vừa qua.
Chủ Nhật 12 tháng 8, 2018 là Họp Mặt Phát Giải và Ra Mắt Sách Mới: Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín. Trong danh sách những người viết mới nhận giải năm nay, có Tố Nguyễn. Bài viết đầu tiên của cô tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết thứ tư của cô. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Cùng với số báo này, Chủ Nhật 12 tháng 8, 2018 là Họp Mặt Phát Giải và Ra Mắt Sách Mới: Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín Trong danh sách những người viết mới nhận giải năm nay, có Tố Nguyễn. Bài viết đầu tiên của cô tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Chào mừng tác giả lần đầu họp mặt với Viết Về Nước Mỹ, mời đọc thêm bài viết thứ tư của cô.
Tác giả là cư dân Phoenix, Arizona. Tốt nghiệp cử nhân ngành Nursing tại San Antonio, Texas năm 1974. Làm Registered Nurse cho Saint Joseph's Hospital, Phoenix, Arizona từ năm 1975. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015, là lời cầu nguyện của một bệnh nhân “Thương Đế! Đừng Bắt Con Phải Chết”. Hai năm sau, bà gửi bài thứ hai.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả là tự sự vui về Little Sakigon.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Vui vẻ nhưng bốp chát, thẳng thừng. Sống độâng, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, là phần chính trích từ một bài mới.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Sau bốn năm ngừng viết, bài mới của Thăng là một du ký mùa he2.
Nhạc sĩ Cung Tiến